Riêng tặng Trần Hoài Thư
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm lấy chính phi họ
Hoàng có hai con gái, chị Ngọc Anh, em Ngọc Lan.
Ngọc Anh
đẫy đà, mạnh khỏe, quắc thước, thông minh nhưng tính tình ngang bướng lại mang thêm
cái bệnh thích tìm lạc thú tầm thường trong chốn vàng son. Nàng chẳng bao giờ
nghe lời ai khuyên bảo, kể cả chồng là Đương Trung Hầu Bùi Kế Toại.
Người
trong Phủ Chúa còn kể lại sự bộc trực của nàng qua giai thoại khi Lê Quý Đôn và
Ngô Thì Sĩ viết xong bộ Quốc Sử Tục Biên trình lên Trịnh Sâm duyệt lãm, Chúa cả
mừng, đưa cho hai con gái cùng xem. Trong lúc Ngọc Lan không có ý kiến gì, thì
Ngọc Anh tất tả lên xe song mã đến dinh Lê Quý Đôn hặc hỏi:
- Ông
đã đỗ bảng nhãn, làm đến chức Tổng Tài Quốc Sử Quán sao không đem hết tấm lòng
trung nghĩa mà viết chính sử?
Quý
Đôn điềm tĩnh:
- Ý
phu nhân muốn trách cứ điều gì?
Ngọc Anh
dõng dạc:
Khi
vua Thần Tông mất, bà Trịnh Thị mới có thai bốn tháng, Hoằng Tổ Dương Vương đem
về nuôi trong Phủ Chúa, điều gì ông tổ nhà tôi với bà ấy trong chỗ thầm kín
nhưng thiên hạ trong thành ngoại quận đều biết. Thần chí của vua Hy Tông đâu có
phải thuần tinh từ phương thảo đất Lam Sơn. Ông định che mắt hậu thế ngàn vạn
năm sau chăng?
Quý
Đôn cũng biết trong những ngày ấy quả Trịnh Tráng có làm điều không hợp với
luân thường để mưu đồ đế vương, nhưng sợ uy quyền của Trịnh Sâm nên lờ đi. Đến
khi công chúa hạch hỏi, không biết trả lời làm sao để khỏi hổ thẹn là kẻ trượng
phu gối đầu lên kinh sách, bèn đưa mắt nhìn vị quan đạo mạo đang ngồi uống trà
bên cạnh như cầu cúu. Vị quan nầy nhìn lướt qua dung nhan người nữ đối diện,
nói:
- Thưa
phu nhân, Thì Nhậm tôi đây cũng lấy làm tiếc. Chính sử Đại Việt có những điều
chưa nói hết hay không dám nói hết. Ngay những việc làm kinh thiên động địa giữa
thanh thiên bạch nhật trong dòng họ nhà Trần mà các nhà viết sử đương thời cũng
không dám động đến, kể cả việc vua Nhân Tông đem miếng mồi công chúa An Tư dâng
cho Thoát Hoan, nước mắt của nàng ngày lên kiệu qua sông Cái còn ướt dẫm lau sậy
hai bên bờ. Cái nhục còn đau hơn là mắc mưu kẻ thù, tên đầu sỏ Thoát Hoan vừa
vênh vang hưởng cái ngàn vàng của gái Đại Việt, vừa thốc quân đánh tới. Thân phụ
tôi cũng chịu một phần trách nhiệm nầy. Những giọt rượu màu máu của cha tôi
trong những ngày về chiều tưới tràn lên sỏi đá ở động Tam Thanh cũng là dấu chỉ
ân hận rồi. Xin phu nhân xí xóa cho. Xã tắc còn chìm đắm trong sợ hãi thất thố
thì chúng tôi đây chỉ ngậm bồ hòn mà thôi.
Ngọc
Anh biết dòng họ Ngô Thì là bậc nhân trung lân phụng, có công lớn với nước nên
không nói thêm nữa. Nàng mỉm cười lấy trong nải lụa ra một hộp giấy vàng, để
lên bàn, giọng như chim vàng anh:
- Tôi
nói là cốt gợi ý cho các ông có cơ hội bộc bạch để đời sau khỏi chê trách trong
vai trò cầm cân nẩy mực mà không sành sõi khít khao. Luôn thể cũng để thăm Lê
tiên sinh một chuyến, thi văn ông gạn lọc phong lưu có sức làm cho mây nổi gió
lên, đọc đến ai cũng phải chạnh lòng. Kẻ nữ nhi thường tình nầy xin có lời đa tạ.
Dòng họ ông như từ vũng sáng bước ra mà cả thiên hạ lục đục theo sau. Người đời
bớt giẫm lên cương thường cũng nhờ những áng thơ văn tao nhã đó. Tiện đây có mấy
cân trà ngon hái từ vườn chè riêng của Tuyên Phi làng Phù Đổng(1), tôi xin biếu
hai ông để thưởng thức cho biết cái mùi vị tinh khiết của cây cỏ nước Nam ta.
Nói
xong, công chúa cáo từ.
Chờ
nàng khuất sau hàng thiên tuế, Thì Nhậm nói:
- Con
gái kẻ chợ mấy ai được như nàng. Tuy thân thể có phần nặng nề nhưng tâm hồn
thanh tao, nhẹ nhõm.
Quý
Đôn hưởng ứng:
Nhà
Chúa ta chỉ có hai người con gái, cả hai đều khác thường. Nếu xét thuần về mặt
nhan sắc, theo thiển ý, tôi quý cái mong manh của nàng Ngọc Lan hơn. Nàng ấy, nếu
xuất hiện trong một đêm trăng hạ huyền, đúng là một nhánh rêu phiêu bạt nổi
trôi lai láng trong sương mù. Tôi coi đây là một buổi hạnh ngộ giúp cho kẻ sĩ soi
lại hành trạng của mình.
Ngô Thì
Nhậm gật đầu.
***
Thị Huệ
nói với em trai:
- Chị
nghe thiên hạ đồn rằng em là người hung bạo, ỷ thế vào chị mà làm những điều
càn rỡ lắm phải không?
Đặng Mậu
Lân thưa:
- Người
ta đồn như thế nào chị cho em hay?
- Họ xì
xào đến tai Chúa Thượng rằng em cậy vào uy của chị mà có nhiều hành vi ngang
ngược. Mọi thứ xe kiệu, quần áo, cờ quạt nhất nhất đều rập theo như Chúa. Mỗi khi em ra phố, đem theo hàng chục con
chó săn, con nào cũng đeo lục lạc vàng, khoác áo ren thêu, hét hò âm ĩ làm
huyên náo phố phường. Quá quắt hơn em còn đem bộ hạ gươm giáo tuốt trần
đi rong ngang tàng khắp kinh thành để đánh lộn, hiếp đáp dân lành, lấy đó làm
điều vui. Còn tồi tệ hơn, hễ gặp con gái, đàn bà đẹp tức thì cho bộ hạ tóm lấy
rồi vây màn hãm hiếp ngay tại chỗ, phải không? Mậu Lân không nao núng:
- Thưa
chị, phải.
- Nếu
người nào không chịu để em làm điều xằng bậy thì em cho xẻo vú, vạt mông. Cha mẹ,
chồng con, anh chị kẻ bị hại có can thiệp thì em cho lính đè đầu cắt lưỡi, vặn
răng, bẻ cổ?
- Thưa
phải.
- Lại
có người tâm phúc cho chị hay, có đêm khuya tối trời, em đeo mặt nạ, mặc áo dạ
hành, đột nhập vào nội cung hãm hiếp thái phi Ngọc Hoan phải không?
Mậu
Lân cười nhạt:
- Điều
nầy sai rồi chị ơi, em lẻn vào phòng của cung tần Ngọc Khoan chứ không phải Ngọc
Hoan.
Thị Huệ
sa sầm mặt:
- Sao
em cả gan thế. Trong nhà đã có hàng chục mỹ nữ rồi, thèm gì một cánh hoa bị người
ta bỏ bê mà liều thân vào chốn vạn tử?
- Em vẫn
biết thế. Hiềm vì muốn chơi trội nhà Chúa một cú xem sao. Chị không nhớ ngày
trước đây Chúa bảo vời nàng ấy đến lâm hạnh mà Khê Trung Hầu giả nghe lầm qua
Ngọc Hoan sao. Theo chỗ em dò la biết được nàng ấy nay tuy tuổi đã lớn, vào
cung đã lâu Chúa chưa hề đụng tới. Em muốn biết ngõ ngách con người ấy như thế
nào mà lạ lùng thế. Biết đâu nhụy hoa ấy chỉ dành riêng cho con ong nầy.
Biết
tính em xưa nay khó dạy, Thị Huệ dùng lời ngon ngọt:
- Em
đã lớn rồi, phải giữ danh giá cho họ Đặng nhà ta. Vẫn biết Chúa nặng tình dùm bọc
chị, nhưng không vì thế mà em làm đảo lộn cương thường. Ngoài phép nước còn có
lưới trời. Em phải chỉnh đốn làm sao mỗi lần chị em ta võng lọng về quê đều có
thiên hạ đứng hai bên đường tung hô vạn tuế. Từ nay em hứa với chị bỏ dứt điều
xấu đi, chị sẽ cưới thêm cho em một cô vợ mới, thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt
bậc nhất thiên hạ.
Nghe
chị nhắc đến cưới thêm vợ, Lân mừng quýnh lên:
- Em
xin hứa. Chị định cưới ai cho em đây?
- Số
là chị định thưa với Chúa Thượng gã công chúa Ngọc Lan cho em. Trước, là củng cố
vun bồi cái thế phên dậu môi răng. Sau, khi em đã đường đường là rể nhà Chúa
thì đố ai dám tiếng ong tiếng ve.
Ý định
bất ngờ của chị làm cho Lân kinh ngạc:
- Chà,
phận nữ nhi như chị mà cũng có óc khám phá, mạo hiểm. Chi chớ chuyện thêm nem
công chả phụng trong mâm thì em hoan nghênh, hiềm vì cô ấy liễu yếu đào tơ, suốt
ngày ở trong cung thủy tinh kiên cữ nắng gió, mới nhìn qua chẳng khác nào cái
hình nộm cúng thủy thần, làm sao đương nổi với sức em.
Thị Huệ
mỉm cười, chu miệng vào tai em, thì thầm:
- Cành
vàng lá ngọc đó em, núp dưới bóng lá mong manh của Lan Huệ cũng còn hơn sự thô
tháp của gốc trâm, gốc bàng. Em đừng có dại, cái ngọc thể ấy nắng gió không đụng
đến, sấm chớp không lọt qua tai, tiếng chuông khánh ô hợp không chạm đến kinh lạc.
Nhờ mạch đất thiêng Phù Đổng em mới ẵm bồng được khối tơ trời un đúc mấy thuở của
xứ Vĩnh Lộc(2). Nhà Chúa đã bao phen hạ chiếu cho con cháu công hầu danh tướng
vào phủ để công chúa kén chọn, nhưng vẫn chưa ai lọt mắt xanh. Đó là phúc trạch
cho nhà ta. Em à, hoa thơm cỏ lạ có ai đem nấu kho được đâu mà người ta vẫn
trân quý, nâng niu.
Nghe lời
chị bùi tai, Lân gập gù:
- Lời
chị, em xin vâng.
***
Muốn chơi trội, để có chén rượu hợp cẩn,
Mậu Lân cho một toán người lên tận núi Mẫu Sơn ở Lạng Sơn tìm mua cho được loại
rượu ngon của người Dao chưng cất ở độ cao hùng vĩ một ngàn mét so với mực nước
biển với lá rừng, rể cây và nước suối từ hang động thâm u chảy ra. Rượu màu hồng
tía sóng sánh như ánh mặt trời, khi có bóng người soi vào tức thì tan thành vô
vàn mảnh nhọn lấp lánh.
Mở đầu
đêm tân hôn, Lân cho bày tiệc lớn ở sảnh đường, gọi nàng hầu tên Liêu Phủ Hoàng
Mai ra gõ sênh điểm nhịp ca hát. Hoàng Mai trước kia là con gái đất Long Châu
bên Tàu theo cha anh nhập đoàn qua khai thác mõ đồng Sáng Mộc ở Thái Nguyên. Nhờ
chút nhan sắc và có tiếng hát hay nên có người bỏ ra mấy trăm lượng vàng đem về
dâng cho Lân làm thiếp, để nhờ Lân giúp đỡ trên đường hoạn lộ.
Thường
lệ, lúc nào Lân thấy mình lâng lâng chấp chới trong ánh hiển dương lạc thú mới
sai Hoàng Mai hát để tạo nên nghi lễ và bồi tô thêm cho nền thịnh trị khó có
trên đời.
Những
khúc hát của nàng quanh đi quẩn lại tám bài thơ vịnh cảnh nơi hợp lưu của sông
Tiêu và sông Tương ở huyện Linh Lăng. Bài nào nàng hát cũng hay, người nghe như
sa chân lạc bước, chao đảo, quay cuồng trong nỗi bơ vơ không biết mình trôi dạt,
nổi nênh về đâu.
Mấy
năm trước, Thị Huệ đến phủ em giỗ nội. Mãn tiệc, Lân sai Hoàng Mai hát. Tiếng
hát ấy, Huệ nghe như gió thu xào xạc, bùi ngùi như những ngọn lá chè vàng úa chạm
vào nhau trước khi rơi xuống đất. Lòng đau đáu nhớ quê nhà nên Huệ thương lượng
với em mượn nàng vào phủ hát cho Chúa nghe.
Trịnh
Sâm vừa uống rượu vừa chăm chỉ nghe nàng hát, chơm chớm nước mắt nhớ đến bước
phiêu linh ngày nào còn thơ ấu theo cha (3) đi chinh chiến. Hai tai còn văng vẳng
tiếng tù và nhức buốc của bại tướng Quận He trong bữa tiệc khao quân giữa kinh
đô gươm giáo còn lấm bụi sa trường.
Trong
phủ Chúa, âm nhạc là một trong mười thức để cúng dường. Sâm đều nghe hết những
điệu hát cung đình chọn lọc từ thời Lý Trần nhưng không có ca khúc nào não lòng
đến thế.
Không
dằn được cảm xúc, Sâm cúi người về phía trước, nắm lấy bàn tay Hoàng Mai, thì
thào:
- Hai
cái sênh của nàng làm bằng gỗ gì mà bóng thế?
- Bẩm
Chúa Thượng gỗ gì thiếp không biết, khi về với Đặng tiên sinh, thân phụ tiện
thiếp có gửi theo cái đón gánh đã từng gánh quặng đồng nước Nam vượt ải. Nay tiện
thiếp cho người đẽo thành sênh đó thôi.
Sâm cầm
lấy sênh ngắm nghía những đường vân màu hổ phách hồi lâu ra chiều quyến luyến lắm.
Sau nhẹ nhàng trao sênh lại cho chủ, thì thào:
- Gỗ
thì vô hồn mà nhờ hơi ấm của tay người trở thành vật thiêng. Trên đời hồ dễ mấy
ai có được.
Thị Huệ
ngồi bên biết lòng chồng chằng chéo bất an, không nén lòng trước nhan nhắc
hoang dại rừng rú và giọng hát kỳ lạ của vợ em mình, tìm lời vỗ về:
Gỗ dù
quý nhưng cũng chỉ là gỗ thôi, Chúa Thượng quá lưu tâm làm gì.
Trịnh
Sâm than:
- Chao
ôi, biết bao cán gươm, cán giáo, cán cờ tinh la kỳ bố của nhà Chúa hơn hai trăm
năm nay mà có thứ gỗ nào bề thế kỳ diệu như thế nầy đâu.
Không
nhịn thêm, Thị Huệ vùng vằng:
- Vậy
thì cho người đón về làm cột kèo cho vương phù. Còn thân gỗ chè xơ xốp nầy, xin
trở về với nhà tranh vách đất.
Nghe
nói, Trịnh Sâm sợ chính cung buồn, bèn nốc nhanh một cốc rượu lớn rồi giả say
cho người dìu về hậu cung.
Việc nầy
đến tai Mậu Lân, y không hề hiềm khích với Chúa lại tăng thêm phần yêu qúy nàng
Mai.
Tuy là
người võ biền, dung tục nhưng rất quý nghệ nhân, không bao giờ y khuynh đảo vào
việc xướng ca của các ca nhi. Kể cả đêm nay, giờ phút rồng mây hạnh ngộ, vẫn để
cho tự ý Hoàng Mai lựa chọn.
Khúc
"Bình Sa Nhạn Lạc" lại vang lên:
Lẻ loi trên doi cát
Mấy con nhạn mải miết bay
Gió thổ qua cho
con nước rặc lên
Lúa điêu cô vàng lấp
lánh ruộng thu
Nệm hoa đầm ấm ai
người đắp
Tuyết in bãi, chẹn
lòng đơm đòng
Bến bờ kia cờ còn
nương gió
Thấp thoáng hề!
Sao nỡ long đong!
Lẻ loi trên vàm khô
Còn mấy thân rong
bám thân phù kiều
Nợ người còn đợi
ba thu trước
Một khoảnh khắc
thôi, đá vàng hề!
Xong tiệc mọi người
cáo lui. Đã đến lúc Mậu Lân hăng hái nâng chén rượu mời Ngọc Lan:
- Xin nàng cùng ta cạn chén tạ ơn trời cao cuộc kết tóc
xe tơ nầy.
Đã được cha khuyên dạy từ trước, nàng nói:
- Bổn thân thiếp đây đã là thân tầm gửi mà ông tơ bà nguyệt
đưa lối dẫn đường cho bám vào gốc đại thọ ngài rồi. Khổ vì lúc nầy thiếp còn yếu
đuối đang dùng thuốc thang. Xin phu quân dằn lòng cho thiếp một thời gian ngắn,
chờ lúc lên đậu hay lên ban sởi một lần, rồi cùng dìu nhau lên núi Vu Sơn cũng
chưa muộn.
Mậu Lân cười nhạt:
- Đời nhanh như bóng câu, biết chờ đến bao giờ. Sợ thầy
thuốc hơn sợ ngày hoa tàn nhị rữa chăng?
Đăm chiêu một lát, Lân hỏi:
- Nàng ăn mỗi ngày mấy bữa?
- Thưa, hai.
- Mỗi bữa được mấy chén cơm?
- Hai.
- Trang vưu vật trên đời, ăn chừng đó cơm với sơn hào hải
vị nhà vương giả cũng đủ rồi, sao nàng không cần người quạt nồng ấp lạnh?
- Bởi vì cụ Hải Thượng Lãn Ông cho rằng kinh mạch thiếp
còn bị phong hàn ức chế, phủ tạng không như người thường.
Mậu Lân lại văng tục:
- Không quen rồi quen cũng thôi. Thằng cha Lê Hữu Trác là
quái gì mà nghe theo nó xúi. Nay mai ta sẽ cho người về Văn Xá (3) bắt nó về âm
phủ xách gói cho Hoa Đà.
Một thị nữ đi theo hộ vệ công chúa đứng rình ngoài rèm,
nghe những lời sống sượng của Mậu Lân liền lên tiếng bênh vực:
- Thưa quan lớn, ngài Lãn Ông đang ở trong phủ bốc thuốc
cho Chúa, ngài không nên quá lời. Trong gia môn ngài có cả hàng tá thê thiếp sẵn
sàng hầu hạ. Công chúa tôi chưa đứng vững ngoài nắng gió, xin ngài tạm tha cho.
Xin thưa thật với ngài, Chúa Thượng cho mười chị em chúng tôi tháp tùng công
chúa đến đây đều là thiếu nữ còn trinh, nhan sắc cũng không đến nỗi tệ để cho
ngài tùy nghi khi lửa dục cháy.
Lân quắc mắt:
- A, chúng bây dám lên tiếng dạy đời ta hả. Sao nhà Chúa
lại khinh thường ta đến thế. Dám cho ta là hạng người có thể chung chạ với đám
trôi sông lạc chợ à. Quân đâu, lôi cổ con nầy ra sau vườn xẻo vú cho ta.
Kéo thị nữ đi rồi, Mậu Lân quay lại với Ngọc Lan, dọa:
- Ta với nàng nếu đồng sàng mà dị mộng, ắt hai người phải
chết một.
Ngọc Lan lo ngại bèn tìm kế trì hoãn:
- Nếu phu quân không châm chước thì xin khất lạc đêm mai.
Tối nay, thân thiếp bất an sợ không làm tròn chức phận. Xin phu quân hãy vì thiếp
mà băng bó vết thương cho người tì nữ thân tín của thiếp.
Bất đắc dĩ Lân nghe theo.
***
Đêm sau.
Ngọc Lan nằm quấn chặt người trong chăn, lại có tiếng
khóc sụt sùi vọng ra. Mậu Lân tức tối, hất hàm:
- Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, có giữ
được lời hứa chăng?
Ngọc
Lan lại khóc to hơn. Lân ngồi xuống cạnh giường, dỗ dành:
- Hay
là nàng chỉ cho ta được cái vinh dự chạm tới khí thiêng sông núi tụ lại và sự tốt
lành của biển hồ nhà Chúa un đúc trên cơ thể nàng một lần thôi, rồi những gì
sau đó, ta tự lo lấy.
Biết
là lời dối trá, hai tay Ngọc Lan vẫn níu chặt mép chăn. Mậu Lân phóc lên giường
định giở chăn chui vô thì thị quan nội sai Sử Trung Hầu đi theo giám chế chạy
vào nắm chân Lân lôi ra, la lớn:
- Tôi
tuân mật lệnh của Chúa Thượng, không cho quan lớn dụng đến châu thân của công
chúa.
Mậu
Lân nổi máu:
- Chúa
cho ta là hạng người cường bạo, con Chúa không chịu nổi, sao lại nhận lễ vật hỏi
cưới hậu hĩnh của ta? Chúa cho con Chúa là tiên là thánh, còn ta coi nó không bằng
con ở chùi guốc nhà ta, hiềm vì đã lỡ tốn kém lại nhẫn nhục quỳ lạy trước bài vị
gia tiên nhà nó. Nếu không ra hồn thì cũng vần cho một trận cho bấy như bùn mới
ky vôi đuổi về. Còn mầy, mầy là cái thá gì mà ngu ngốc đem thân làm chuôm chà bỏ
xuống đìa ta. Liệu hồn mau cút khỏi để lưỡi gươm ta khỏi vướng máu bẩn. Mầy về
hỏi Chúa, thử xem Chúa ở vào vị thế ta, ngồi bên miệng giếng mà khát nước, có lộn
máu lên đầu không?
Sử
Trung ẩn nhẫn:
- Xin
ngài hãm bớt nóng giận. Xúc phạm đến quyền uy của Chúa Thượng, dưới gầm trời nầy
chưa ai dám có, kể cả những vị còn núp dưới tàng lọng của điện Vạn Thọ (5).
Mậu
Lân phà khói thuốc lào lên trần nhà rồi nói:
- Ta
không sợ những thằng mặt gà mái núp dưới váy đàn bà đâu.
- Xin
ngài đừng loạn ngôn lộng ngữ như thế. Xưa nay Chúa chưa vị tình bất cứ một ai.
Cho là
đem danh Chúa dọa mình, và cũng để thị uy công chúa Ngọc Lan, Mậu Lân rút gươn
đưa gọn một lát, đầu của Sử Trung Hầu rơi xuống, rồi hô gia nhân lôi ra vườn bằm
xác thủ tiêu. Trong lúc ấy Ngọc Lan đã cho một tì nữ lén chui qua khe hở chạy nhanh
về báo cho Trịnh Sâm biết.
Chúa
giận dữ tức tốc cho Hoàng Đăng Bảo đem mấy chục quân đến vây bắt. Mậu Lân cầm
gươm lăm lăm chắn ngang của dinh, thách:
- Bớ Quận
Huy, không muốn sống mà sờ chính cung à?(6) Chị ta vì rối lòng trước bã vinh
hoa mà ban cho ông biết bao ân huệ, nay ông dám trở mặt sao? Ta đây, coi mấy
ngàn móc sắt và kéo thép của ông treo ở các chợ búa trong chốn kinh kỳ để lôi
lưỡi răn đe thiên hạ chẳng qua như đồ chơi của lũ trẻ làng Phụng Công (7) đó
thôi.
Vốn là
người đã bao phen đối đầu ngoài trên mạc, quận Huy điềm nhiên:
- Tôi
đến đây mang cờ mao của Chúa chứ không phải chơi. Xin ông hãy tự liệu lấy, đừng
phiền đến người khác làm nhục đến thân.
Mâu
Lân trợn mắt:
- Mượn
hơi hùm mà nhát khỉ à. Ông làm mưa làm gió ở tòa lượng phủ đã quen thân, nay có
cả gan thì cứ vào, không cần phải nhiều lời.
Quận
Huy liền hô quân xấn vào bắt Lân trói lại.
Khi ngồi
trong cũi gánh về phủ Chúa, cả đám bộ hạ đông đảo trong dinh Lân chỉ có một người
chạy theo khóc lóc. Đó là nàng Liêu Phủ Hoàng Mai. Khi bị toán quân giữ lại,
nàng lớn tiếng kêu gào:
- Xin cho được nói với chồng tôi một lời tiễn
biệt.
Quân
Huy quát:
- Hắn
không phải người, thì ngươi không cần phải nói gì với hắn.
Ngồi
trong cũi, Mậu Lân chu miệng ra:
- Ta
quyết không đội trời chung với lão già nầy. Xin trời đất chứng giám cho.
Khi
cũi gánh qua đường truông quạnh vắng, Hoàng Mai lại tiến đến gần quận Huy, năn
nỉ:
- Lúc
ngài theo cha đi chinh chiến ở Thuận Hóa, tôi nghe đâu ngài có tư tình với một
nàng ca kỹ, sau vì chinh chiến duyên nợ chia lìa. Vậy xin ngài nghĩ đến mảnh
tình xa xôi ấy mà cho tôi thỏa nguyện.
Quận
Huy chạnh lòng cho phép. Nàng bảo chồng:
- Đã đến
lúc hoạn nạn nầy, xin phu quân mang theo hai cái sênh của thiếp để hộ thân.
Đến phủ,
Sâm giao cho các quan xét xử. Đa số quan đều kết tội Lân đáng chém bêu đầu giữa
chợ.
Thị Huệ
thương em không chịu ăn uống, lấy xích bạc xích lưng quần lại, vật vã khóc lóc,
nài xin Sâm:
- Thiếp
đem thân làm gối cho Chúa Thượng, lòng thành đã động đến trời nên sinh được mụn
con. Nay Chúa Thượng gắng công dưỡng dục nó, còn thần thiếp xin đi theo với em
cho trọn nghĩa thịt xương.
Tình
nhà không bằng phép nước, Sâm do dự chưa quyết. Chờ đêm xuống, Huệ lại thỏ thẻ:
- Em
thiếp ngu dại, nó đã hối rồi. Nó xin gởi hai cái sênh nầy kính biếu Chúa thượng
đây. Sâm nhìn hai cái sênh óng ánh sắc vân đã ngã sang màu cánh gián lạnh lẽo
chợt nhớ đến mái tóc xõa dài sáng mịn như tơ trời và làn da hồng quân của cô
gái Long Châu ngày trước, nên mặt mày trở nên ủ rũ. Thị Huệ dò biết tình ý, liền
cho người gọi Hoàng Mai đến và dặn riêng tìm cách lấy nhan sắc mà gỡ tội chết
cho chồng.
Thấy
Hoàng Mai, mặt mày Sâm tươi rói, tháo bọc điều ra đặt cặp sênh lên bàn, nói:
- Sênh
xa người, người có thổn thức không?
Hoàng
Mai nũng nịu:
- Tiện
thiếp đến đây là vì chồng chứ không phải vì hai khúc gỗ. Khi xưa, ngồi mạn thuyền
chồng, gõ sênh mà hát là hát cho chồng khỏi có ngày bị ghìm vào cái nhục cùm
trói. Nay sự thể thế nầy, tiếng hát ấy ắt sẽ dâng cho đấng vẻ vang.
Sâm mừng
lắm, quay qua Thị Huệ:
- Ý ái
khanh thế nào?
Huệ
nhíu mày ngài:
- Câu
hỏi nầy nên dành cho em dâu thần thiếp.
Được
nước, Hoàng Mai đáp liền:
- Nếu
Chúa thượng tha tội chết cho chồng tiện thiếp, thì ơn ấy thân xác nầy đền bù dẫu
tan, cũng mãn nguyện.
Trịnh
Sâm liền xuống chỉ đổi tội chết của Mậu Lân thành tội đày chung thân ngoài hải
đảo xa xôi.
Ngày
Lân bị dẫn độ xuống thuyền cả kinh thành Thăng Long đều mừng. Đàn bà, con gái
đi ra phố chợ khỏi phải bôi than trát nhọ vào mặt. Cùng ngày, Trịnh Sâm cho xây
thêm gấp một cung mới nguy nga bên Tả Vọng Đình cho Hoàng Mai ở. Khi xây xong,
Sâm bày tiệc lớn, sai Khê Trung Hầu đem kiệu hoa đến đón nàng vào hậu cung thì
nàng biến mất.
***
Năm 1782 Trịnh Sâm bị bạo bệnh qua đời.
Dương Thái Phi (8) sai người bắt Đặng Thị Huệ đến trước mặt để làm nhục, trả
thù xưa.
Thị Huệ
không chịu lạy, thái phi phải cho hai thị nữ đứng kèm hai bên nắm tóc kéo đầu
xuống đất để lạy, nhưng nàng quyết ngẩng cổ lên cao, không một mảy may sợ hãi.
Cho đến khi mấy mảng da đầu bong ra cùng với tóc máu chảy lai láng mới thôi.
Thái
Phi nghiến răng:
- Mi
làm tình làm tội con tao đã hả dạ chưa. Sao không đi theo thằng Cán con mầy xuống
âm phủ mà làm mẹ chúa.
Huệ khẳng
khái trả lời:
- Chuyện
ấy của riêng tôi để tôi lo, không cần phải phiền đến ai.
Thái
Phi nhổ toẹt bãi nước bọt xuống đất:
- Tao
cho vệ sĩ đá vào bụng mầy, xem cái chỗ cưu màng thằng nhãi con kia chịu được mấy
cú. Chỉ riêng cái tội mầy lén trấn yễm đồ dơ trong thi hài tiên vương, làm cho
tao phải cạy nắp tử cung (9) để thay đổi quần áo khâm liệm lại, khiến xương
vàng cốt ngọc của tiên vương không yên, cũng đủ cho mầy ăn cám chung với lợn.
Nói
xong, Thái Phi giận dữ đấm đá một hồi lâu, nhổ nước bọt vào mặt rồi sai đem hạ
ngục,
Thời
gian sau, trong nhà tẩm miếu của lăng Thánh Tổ Thịnh Vương tự dưng lung lay, bao
nhiêu đồ thờ hễ dụng đến là nát mủn. Thái Phi cho mời cô đồng vào hỏi mới biết
là vong linh Trịnh Sâm đang đau đớn vì Tuyên Phi trên đời bị hành hạ. Thái Hậu
sợ Chúa lấy mạng sống liền bày tế lễ tạ tội và cho Huệ ở tẩm miếu để lo hương
khói.
Ở đó
nàng ngày đêm kêu gào khóc lóc thảm thiết. Đêm trước ngày đại tường (10) có một
cô gái xuất hiện trong sương đêm mù mịt:
- Em đến
thăm chị lần cuối. Linh tính báo cho em biết ngày mai chị sẽ về với Tiên Chúa.
Huệ giật
mình thảng thốt:
- Trời
ơi! Em còn sống à. Không ngờ chị em ta lại gặp nhau ở chốn nầy, cảnh nầy.
Cô gái
lấy trong túi áo ra ba mảng da khô dính tóc và máu bầm cùng với hộp nhỏ đựng
keo, nói trong nước mắt:
- Da đầu,
máu và tóc của chị đây. Chị cúi đầu xuống cho em dán vào chỗ cũ để ngày mai chị
thong dong đi xa còn nguyên vẹn hình hài.
Thị Huệ
khóc thành tiếng:
- Tấc
lòng ưu ái nầy biết bao giờ nguôi, em ơi! Da tóc máu nầy chính là của chị đây, ở
đâu mà em có vậy?
- Em
tìm mua lại của một con hầu Thái Phi.
Gắn
xong, hai người ôm nhau khóc một hồi lâu rồi vĩnh biệt.
Người
đời sau, cho cô gái ấy là Liêu Phủ Hoàng Mai.
HỒ MINH DŨNG
(2)
Vĩnh Lộc: quê hương của Chúa Trịnh
(3)
Trịnh Doanh
(4)Quê
hương của Hải Thượng Lãn Ông
(5)
Vua Lê
(6)
Đặng thị Huệ
(7)
Quê hương Hoàng Đình Bảo
(8)
Dương Ngọc Hoan, vợ Trịnh Sâm, mẹ Trịnh Tông
(9)
Quan tài
(10) Lễ giỗ đầu năm