‘Ai,’ tác phẩm thứ ba
của Đặng Thơ Thơ,
ra mắt giới thưởng ngoạn
văn chương
Nguồn:
Tạp chí Da Màu đăng lại từ báo Người Việt.
WESTMINSTER, California (NV) – Buổi ra mắt sách Ai của nhà văn Đặng Thơ Thơ, tổ chức hôm Thứ Bảy, 13 Tháng Tư, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, có sự tham dự của nhiều văn thi hữu, nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp, cùng gia đình của tác giả.
Tác
phẩm Ai và poster buổi ra mắt sách của nhà văn Đặng Thơ
Thơ
tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.
Sách và hoa được sắp xếp để tạo thành chữ “Ai” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Trong buổi ra mắt
sách, không chỉ là giới thiệu quyển tiểu thuyết, tác phẩm thứ ba của nhà văn
Đặng Thơ Thơ, mà còn là buổi mạn đàm thú vị, với các diễn giả trong phần nhận
định sâu sắc về quyển sách ra mắt, dưới sự điều hợp của cô Lê Đình Y Sa.
Nhà văn Đặng Thơ Thơ
nói sơ lược về quyển tiểu thuyết Ai và việc tạp chí Da Màu được
Thư Viện Tiểu Bang California hỗ trợ để thực hiện nhiều dự án, trong đó có việc
in tác phẩm Ai. Cuốn tiểu thuyết này được hỗ trợ toàn phần
do nguồn tài trợ của tiểu bang California, do Thư Viện Tiểu Bang California
quản trị dưới sự hợp tác của Bộ Xã Hội và Ủy Ban Đặc Trách Cộng Đồng Người Mỹ
Gốc Á Châu và Thái Bình Dương, cho dự án “Stop The Hate” (Ngăn Chặn Lòng Thù
Hận).
Nhiều độc giả mới
nhìn qua tựa đề quyển Ai cứ nghĩ theo cách hiểu của chính mình với nhiều nghĩa
khác nhau.
Cô
Lê Đình Y Sa (đứng phía sau) giới thiệu các diễn giả, từ trái, Giáo Sư Trần
Chấn Trí, nhà văn Đinh Từ Bích Thúy, nhà văn Đặng Thơ Thơ, nhà văn Bùi Vĩnh
Phúc, và nhà văn Hồ Như. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Quyển tiểu thuyết Ai
của nhà văn Đặng Thơ Thơ dày 286 trang, do Da Màu Press ấn hành, với năm chương
lớn gồm: 1. Chủ Âm i (ai); 2. Đối Âm –i (-ai); 3. Biến Âm
i1 (ai)l; 4. Biến Âm Kép i2 (ai)2
& v (vờ); và 5/ Chủ Âm Tái Hiện; cùng phần Bạt “Mất Tích Như Điều Kiện Sống
của Con Người” của nhà phê bình Thuỵ Khuê. Trong mỗi chương lớn đều có những
tiểu đoạn, trong đó độc giả được dẫn dắt qua những con đường tràn đầy suy tư
khắc khoải.
Vài nét về quyển sách ra mắt, tác giả Đặng Thơ Thơ cho
biết “Ai là tiểu thuyết về sự mất tích của bản thể, của những con
người, trên sân khấu của đời sống như một viện bảo tàng. Ai ngẫu
nhiên được hình thành như bản tẩu pháp (fugue) về hành trình trốn chạy, lưu
vong, tị nạn, hóa thân của con người trong thời hiện đại. Ai là
sự kết hợp các hình thức sáng tạo trong tiểu thuyết như phim ảnh, tường thuật,
truyện lồng trong truyện (metafiction), để tạo một không gian cho các ý niệm
phản chiếu lẫn nhau, trong màn triển lãm nghệ thuật sắp đặt (installation),
dùng ý tưởng làm chất liệu. Ai mở ra sân chơi cho trò chơi ngôn
ngữ đang cần khai phá thêm và khai quật lại. Ai là một thử nghiệm
về thời gian để người đọc tự tìm kiếm câu trả lời cho họ.”
Nhà văn Hồ Như, một diễn giả của buổi ra mắt sách và là
người bạn lâu năm của tác giả, tự nhận là một người viết nghiệp dư, từng tham
gia trong tập san các trường trung học tại Việt Nam và tập san Hội Sinh Viên
Việt Nam tại các trường đại học ở Hoa Kỳ, và các nguyệt san hải ngoại như Văn,
Văn Học, Thế Kỷ 21. Hiện nay cô viết trên trang web Da Màu.
Nhà văn Hồ Như nhận định về một khía cạnh của Ai
như sau: “Có một người nói với tôi rằng tình mẹ con trong Ai chỉ
là một cái cớ để tác giả nói lên những suy ngẫm khác trong cuộc đời. Đối với
tôi thì ngược lại, vì tình mẹ con trong tác phẩm Ai là con đường,
là cánh cửa để dẫn đến những suy ngẫm khác, bởi vì cuộc sống con người, tất cả
mọi thứ tình cảm vẫn là cốt lõi bên trong, thành ra người mẹ vì sợ mất con,
muốn bảo vệ con, sẽ tự nhiên dẫn tới những suy ngẫm về mất mát, về thời gian,
về sống chết.”
Đông
đảo văn nghệ sĩ, thân hữu và đồng hương tham dự buổi ra mắt Ai,
tác phẩm thứ ba của nhà văn Đặng Thơ Thơ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Nhà văn Bùi Vĩnh
Phúc, một diễn giả khác, từng dạy Việt Văn và Pháp Văn tại Việt Nam từ năm 1972
đến năm 1977. Từ năm 1989 liên tục dạy Anh Văn và ngôn ngữ văn hóa Việt Nam tại
một số đại học Mỹ, khoa Ngôn Ngữ và Văn Học Hiện Đại. Ông từng là thuyết trình
viên về giáo dục và tâm lý xã hội, cũng như về văn học và ngôn ngữ Việt Nam tại
một số đại học tại Mỹ và tại các diễn đàn về văn học Việt Nam hải ngoại.
Nhà văn Đặng Thơ Thơ và con trai Daniel Nguyễn Trường Đăng, trong ngày ra mắt sách Ai. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Diễn giả Đinh Từ
Bích Thúy là biên tập viên tạp chí văn chương mạng Da Màu, chuyên về lãnh vực
phê bình, dịch thuật, và biên khảo ở cả hai ngôn ngữ Anh-Việt. Tốt nghiệp ngành
luật và cử nhân danh dự môn văn chương Anh/Pháp tại đại học University of Virginia.
Ngoài Da Màu, cô điểm sách cho NPR và là biên tập viên chuyên về văn chương
dịch thuật từ Việt sang Anh Ngữ tại tạp chí Asymptote.
Bích Thúy nhận định
về Ai như sau: “Đặng Thơ Thơ luôn luôn trải nghiệm đời sống qua
sự giằng co liên tục giữa hòa nhập và tách biệt, để có những lựa chọn sáng tạo
vượt ra ngoài giới hạn của tình cảm, xã hội, và chính trị (…) Tình mẫu tử,
như mối tương quan giữa tác giả và tác phẩm, cũng bao hàm khái niệm ngự trị và
sở hữu, do đó ta có thể đọc Ai qua lăng kính hậu thuộc địa,
theo dõi những hành trình đi ngang, xuyên quốc gia, xuyên lịch sử
của các nhân vật, (…) như nỗ lực bình đẳng hóa cũng là chủ trương của tạp
chí Da Màu mà Đặng Thơ Thơ là một trong những sáng lập viên và chủ biên, đã
được khai phá trong chuyên đề đầu tiên là Màu Da và Ngôn Ngữ.
Nhận định về Ai,
cô tiếp: “Ai cũng là trò chơi mà tác giả chạy trốn, để độc giả đi
tìm. Sử dụng những ẩn dụ văn chương như cách hóa trang lý lịch, Ai là
vân tay/thủy ấn của một nhà văn sinh ra và lớn lên ở miền Nam, tị nạn ở Mỹ,
được hấp thụ văn chương miền Nam cũng như văn chương thế giới, mang cả hai gen
di truyền và xã hội từ các thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Do đó, Ai vừa
là một nỗ lực mở tương lai cho văn chương Việt ngữ ở ngoài
nước, vừa là sự cấy óc từ quá khứ.”
Văn
thi hữu và người ái mộ nhà văn Đặng Thơ Thơ trong ngày ra mắt tác phẩm Ai
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Giáo Sư Trần Chấn
Trí là thành viên Ban Biên Tập tạp chí Da Màu, giảng dạy đại học các môn tiếng
Anh, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, và ngôn ngữ học. Ông cũng viết truyện ngắn,
thơ, kịch và dịch thuật từ tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha. Đề tài
trình bày của ông là “Thế Giới Ngữ Âm Trong Ai.”
Trong phần mạn đàm,
trả lời câu hỏi của một khách tham dự về sự thiếu vắng vai trò của người cha
trong Ai, ông chia sẻ:
“Dù sao cha cũng
quan trọng không kém người mẹ. Tôi là người lo cho con từ chút về cái ăn cái
mặc, nhưng mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, con tôi chỉ vào ôm hôn mẹ nó. Tôi rất
vui khi thấy con mình biết yêu mẹ, đây là một sự an ủi nhiều lắm. Có thể do suy
nghĩ rằng trong quan hệ cha và con trai thì không cần biểu lộ tình cảm nhiều,
còn việc bày tỏ tình cảm với mẹ là điều tư nhiên. Tất nhiên khi còn nhỏ chính
tôi vẫn thấy yêu mẹ nhiều hơn khi ôm hôn mẹ, chứ chưa bao giờ ôm hôn cha. Nhưng
sau khi mẹ mất, chính ba tôi trở thành người mẹ của tôi, lúc đó không còn có sự
cạnh tranh giữa tình mẹ và tình cha con,” GS. Trí nhận định.
Buổi ra mắt sách Ai
của tác giả Đặng Thơ Thơ với những văn thi hữu, gia đình, và bạn bè, được tác
giả bộc bạch: “Cuốn tiểu thuyết này mang dấu vết của rất nhiều ‘Ai’ trong đời
tôi: gia đình, bạn thân, những nhân vật trong văn chương và đời sống.”
Được biết, nhà văn
Đặng Thơ Thơ cũng là cháu ngoại của nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long thuộc
nhóm Tự Lực Văn Đoàn, viết văn, làm báo, và tham gia chính trị. Ông là cây bút
nổi tiếng với nhiều tác phẩm Trước Vành Móng Ngựa, Mười Điều Tâm Niệm, Tiếng
Đàn, Con Đường Sáng và quyển Bùn Lầy Nước Đọng gây tiếng vang thời
thực dân Pháp, đến nỗi bị tịch thu và cấm xuất bản.
Và cuốn sách Ai
là món quà tinh thần tặng cho độc giả đến tham dự trong một chiều Thứ
Bảy se lạnh cùng cơn mưa nhỏ, cũng đủ ấm áp khán phòng. [đ.d.]
Nhà văn Đặng Thơ Thơ (trái) ký tặng sách đến độc giả, trong ngày ra mắt tác phẩm Ai (Hình: Văn Lan/Người Việt)