Paris trong tôi là hình ảnh những đoạn
cầu lừng lững trên sông, ngăn chia khu phố, kết nối những con đường; là những
pho tượng được dựng ở mọi nơi với nhiều nhân dáng, những hình tượng rạng danh
lịch-sử và nền văn-hóa của đất nước này; là ngọn tháp chọc trời cao ngất gọi
mời những bước chân du khách háo hức được bước lên tầng lầu cao nhất của kỳ
quan thế giới. Và có thể ai đó cũng như tôi, sẽ nhận ra cái quyến rũ đích thực
không từ những song sắt lạnh lẽo kiên cố, đã được rào chắn kỹ càng để tránh mọi
bất cập rủi ro. Sự quyến rũ chính là những không gian bao la hiển hiện toàn
cảnh một Paris lộng lẫy. Tôi đã có dịp được làm việc bên trong ngọn tháp này và
nhận ra điều đó.
Ngọn
tháp, những nhịp cầu trên sông, những đoạn cầu ngắn dành cho xe điện băng qua
phố, những pho tượng, hay những trụ đèn cổ xưa tôi hằng thấy… Tất cả là một màu
xám lạnh, nhưng chúng biết vui-buồn theo không gian, thời tiết của bốn mùa.
Tôi đã đứng trong sương sớm nhìn Paris
khoác áo sương mù. Nhìn giòng sông, nơi ven bờ có những con tàu nằm yên ngủ.
Tôi đã đặt tay lên những vai cầu lạnh buốt, ngắm những làn khói mong manh lãng
đãng qua bao đôi mắt đèn đêm thao thức, chờ rạng đông tiễn biệt.
Paris, "mùa xuân hoa lá vương
đầy ngõ"
Paris, "Mai anh về giữa bến
sông Seine, anh về giữa một giòng sông trắng. Là áo sương mù hay áo em"(1)
Paris, "Tuyết rơi mỏng manh
buồn, ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc…" (2)
Paris đã đi vào thi-ca từ những năm
đầu của thập niên 50. Những bài thơ được phổ nhạc đã lưu truyền từ thế hệ này
sang thế hệ kia và mãi mãi. Nhưng tôi yêu Paris những ngày mưa, những chiều tan
sở, ngồi trong lòng xe nhìn ra bên ngoài mây trời xám ngắt, mưa lướt thướt trên
sông, trên những cây cầu. Cái vẻ đìu hiu ấy luôn cho tôi những cảm giác buồn bã,
trống vắng. Tất cả mang một vẻ ảo não…như một ngày cuối năm, năm cùng tháng tận
của một đời sống buồn tênh.
Hãy kể đến những hào nhoáng của khu
thị tứ Paris, hiển hiện nơi các cửa hiệu thời trang tấp nập những du khách nước
ngoài. Trong một buổi mua sắm, một du khách Trung Hoa đã có thể bỏ tiền mua những
sản phẩm mà trị giá của nó bằng giá của một căn chung cư nho nhỏ. Hay còn những
ai khác tôi chưa được biết. Có lẽ vì thế, nên cửa tiệm nào cũng có nhân viên
bán hàng người Á-châu, thường là người Trung Hoa hay Nhật Bản. Sẽ là một ưu
điểm, nếu những nhân viên này biết nói tiếng mẹ đẻ của mình.
Kinh
tế của đất nước này có thể bị suy thoái từ một nền kỹ nghệ nào đó, nhưng thời
trang thì nhất định không thể lung lay. Dù chỉ là một người thợ, tôi có chút
may mắn được hòa nhập với cả trăm nhân viên trong một vài ngày làm fitting,
shooting để chuẩn bị cho một đêm trình diễn thời trang, quảng cáo trên những
tạp chí.
Được
nhìn ngắm những người mẫu đi qua-đi lại dưới bao đôi mắt quan sát của những nhà
thiết kế, những nhiếp ảnh gia; được cầm trong tay vài ba thứ quần áo mà tôi
biết ai sẽ khoác chúng lên người cũng là một điều thú vị. Không chỉ là một diễn
viên lừng danh của nền điện ảnh Pháp, hay một cô ca sĩ đến từ Hoa Kỳ trình diễn,
mà phải kể đến vị "Đệ Nhất Phu Nhân". Đệ nhất mà! Để không trùng với
những trang phục mà một khách hàng giàu có nào đó có thể sẽ mua, người cố vấn
thời trang của bà mệnh phụ đã yêu cầu đám thợ chúng tôi phải làm khác đi kiểu mẫu.
Bảo
sao đã đến tuổi được nghỉ ngơi nhưng tôi vẫn cứ đi làm, đam mê với công việc!
Tại
sao tôi lại không viết ra những gì trong cuộc sống khá linh động của mình. Viết
về một kinh thành bốn mùa đầy những sắc thái thơ mộng trên những nẻo đường. Hay
viết về những ngày phố đầy lửa khói bạo loạn bởi những người biểu tình chống
đối, đòi cải cách xã hội, mà những cửa tiệm dành cho giới thượng lưu thường là
mục tiêu cho những kẻ quá khích trút cơn phẫn nộ. Đám nhân viên chúng tôi đã
trở về nhà bằng những cửa ngõ đặc biệt, ăm ắp nỗi lo. Những nam đồng nghiệp của
tôi thường là người đồng-tính. Viết về cá tính, năng khiếu của họ cũng là một
đề tài lý thú.
Và đâu
phải chỉ riêng một Paris hoa lệ. Ở xứ sở này còn biết bao nét đặc trưng của
những tỉnh lỵ, những thành phố tôi đã đi qua suốt mấy thập niên dài.
Tại
sao không viết? Một bạn văn đã hỏi tôi như thế! Viết là sống, được sống trọn
vẹn đời của người khác là một thử thách đầy thú vị, nhưng sống lại đời mình bằng
tâm tưởng thì không gì hạnh phúc hơn. Tôi đã không thể sống khác với những suy
tư, nghĩ tưởng tự tâm hồn.
Đã hơn bốn mươi năm,
Chim lệch đường bay từ thuở ấy.
Con chim ấy là tôi, đã lệch đường bay
nhưng vẫn ngoắc ngoải ngóng về phương trời cũ.
Đôi khi tôi cảm thấy mình lạc loài,
cô đơn ở đời sống này. Tôi tìm những thứ đã chìm sâu dưới đáy biển thời gian. Dẫu
có tìm thấy lại cũng chẳng là gì, chỉ là những ngoi ngóp chập chờn, biến hình
biến dạng.
Sau gần nửa thế kỷ gặp lại nhau, Khiết
nói sao tôi cứ hay nhớ về những nỗi buồn, những mất mát đã xảy ra trong đời
mình mà theo anh thì nên buông, bỏ. Tôi muốn nói với anh, những gì anh đang nghiền ngẫm về cuộc sống hiện tại, con đường anh đang đi chưa thuyết phục, níu kéo được bước chân tôi. Nhưng cách
sống của tôi ít nhiều, dường như cũng nằm trong những phương thức cốt lõi gọi
là "chuyển hóa tâm thức" để đời sống tâm hồn được thoải mái nhẹ nhàng
hơn mà anh hay nói.
Là một
người nhạy cảm, dễ buồn, vui, giận dỗi nhưng tôi luôn chấp nhận mọi thứ mà cuộc
đời trao gửi. Chấp nhận một thứ luật "bù trừ". Tôi tin cuộc đời không
có gì tuyệt đối. Được và mất thường đi với nhau. Hai sự kiện đến với tôi liền
lạc và gần như trở thành một kinh nghiệm sống. Tôi hiểu những trạng thái tâm lý
của mình. Nhưng tôi không tìm cách buông bỏ như Khiết khuyên. Tôi biết lấy niềm
vui này đặt lên nỗi buồn kia. Tôi thủy chung tuyệt đối với quá khứ. Chỉ có trí
nhớ thường phản bội, đã bôi xóa, làm mờ đi tất cả. Và tôi nghĩ, con người chỉ
thực sự an nhiên khi không còn trí nhớ.
Tôi muốn
nói nhiều lắm, nhưng tôi không tin vào tri thức của mình khi bàn về lãnh vực
này. Tôi sẽ đuối lý, nên tôi chỉ cười.
Nỗi buồn, sự đau đớn khi đứng trước cái
chết của người thân, quen, là một nỗi buồn không thể sánh ví. Tôi đã đi qua
những đau đớn chia lìa. Nhưng sau sự mất mát lại là những đền bù kỳ diệu. Có
thể gọi đó là những hạnh-duyên như một sắp đặt trật tự của đất trời. Sau bóng
tối sẽ là bình minh. Người này ra đi để lại chỗ ngồi cho người nọ. Ngẫu nhiên
như nắng chan hòa sau những ngày mưa. Trong đời sống tôi, sự kiện này đã hai
lần xảy ra. Và bây giờ với Khiết là lần thứ ba. Chỉ khác một điều Khiết không
mới, Khiết cũ xưa như những con số đánh dấu thời gian mà chúng tôi nhẩm tính
qua một tấm hình. Những tiệm hình ngày
xưa luôn in sau lưng ảnh năm tháng tấm hình được chụp. Nhưng nếu không có những
ghi chú, tôi vẫn nhớ được khoảng thời gian ấy. Trí nhớ đôi khi là một ngọn đèn sáng
rực, có thể rọi xuyên suốt những ngóc ngách quá khứ.
Khiết còn
giữ được rất nhiều hình ảnh thời học trò. Đúng hơn, sau khi anh vượt biên,
những kỷ niệm của riêng anh đã được gia đình anh cất giữ. Những tấm hình với nhiều
khuôn mặt, dĩ nhiên tôi không thể nào biết hết, hoặc tôi đã quên. Và tôi chỉ
xin anh chụp lại cho tôi tấm ảnh có sáu người ngồi trên thềm nhà của một khách
sạn ở Vũng Tàu. Chúng tôi thường có những cuộc đi chơi ra khỏi thành phố. Hơn
năm mươi năm, giấy đã ố vàng nhưng màu ảnh vẫn còn đậm rõ những gương mặt rạng
rỡ thanh xuân. Tôi thích giữ bức hình này vì sáu người trong ảnh có tôi, bây
giờ chỉ còn bốn.
Sau ba năm Sài Gòn đổi chủ, Tánh biến
mất không một dấu vết nào để lại. Tánh mang tất cả vào lòng đại dương. Bây giờ là
Ngọc Lan, người tôi vừa gặp lại ở Nam Cali chưa lâu lắm. Cái chết của bạn làm
sống lại quá khứ. Từng khuôn mặt hiện ra, những khuôn mặt tuổi trẻ sáng ngời
ngày ấy bây giờ ở đâu? Hẳn khi biết tin Ngọc Lan mất họ sẽ buồn như tôi. Tôi nhất
định phải tìm họ.
Người tôi
nghĩ đến đầu tiên là Út. Tên Út, nhưng trong nhóm chúng tôi, có thể nói anh là
người đầu đàn, là người bày ra những chuyến đi xa, gặp gỡ. Nơi xa nhất là Tây
Ninh, gần nhất là ngôi nhà xinh xinh của gia đình anh, mà anh được sở hữu một
khoảng không gian rất riêng, cho phép bạn bè đến tụ tập, đàn hát những ngày nghỉ
học. Ca hát, nhưng đôi khi những câu ca bỗng trở thành những lời tán tỉnh như
thật, như đùa. Đắm đuối nhìn nhau nghêu ngao "Phút đầu gặp em tinh tú
quay cuồng"(3) chưa đủ. Táo bạo hơn, có chàng dám cầm ly
nước chanh của một nàng đưa lên cao, không phải để ngân nga uống ly chanh
đường, uống môi em ngọt… (4), mà chỉ nheo mắt cười với nắng và mơ
mộng hỏi mây rằng: môi đâu, môi đâu? Hình như đó là một tiểu tiết trong
cuốn "Vòng Tay Học Trò" của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, mà có lẽ những
cô cậu học trò sinh viên ngày đó đều tò mò tìm đọc.
Út có
tính khôi hài, dễ thân thiện. Tôi và NL thân với anh hơn những bạn khác. Nhà của
hai Lan cùng một đường, chỉ cách nhau một con ngõ nhỏ. Thỉnh thoảng anh
đến nhà tôi với dăm ba câu chuyện, rồi tạt sang nhà NL. Út có người anh trai giữ
một chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền thời đó. Tôi nghĩ, gia đình
anh có lẽ đã rời khỏi đất nước trong những ngày biến loạn. Nhưng không tìm anh,
thì tôi biết tìm ai bây giờ. Đó là một cánh cửa gần nhất may ra tôi có thể mở được.
Và chúng
tôi đã tìm thấy nhau, nghe lại giọng nói, nhìn nhau cười đùa qua màn hình điện
thoại.
Người đi, người đến.
Tuần trước tôi ngồi với một người đàn
ông trên một bãi cỏ, trong một không gian bao la vắng lặng. Mỗi người một góc,
cả hai chúng tôi cùng xếp bằng dưới một khoảng đất trống mà diện tích đã được
đánh dấu, phân chia. Một khoảng đất nhỏ hẹp nhưng sâu thẳm bên dưới là cả một
kiếp người. NL đã đến đây, nằm đó, trong ngôi nhà thiên thu của đời cô chỉ vừa
được đặt nền, chờ ngày xây cất.
Nơi chúng
tôi ngồi không một bóng cây. Chỉ có bóng mát khiêm nhường của cây dù mà người
đàn ông mang theo được nghiêng bên này, ngả bên kia. Anh đang cố che chắn cho
tôi tránh khỏi những ánh nắng chẳng mấy dịu dàng giữa trưa khô khốc. Sự tử tế
ân cần của anh làm tôi nhớ vợ anh tha thiết.
Tôi vuốt
ve, thầm thì với những nhánh cỏ lởm chởm trên đất khô về những buổi trưa tôi ra
đầu ngõ chờ bạn đến, hoặc NL đã đứng đó đợi tôi. Nắng ngày ấy cũng chẳng khác
nắng bây giờ. NL thùy mị, điệu đàng hơn tôi. Nên dù đi học hoặc đi chơi bằng
chiếc xe Honda Dame của nàng hay xe Yamaha của tôi, tôi vẫn là người cầm tay
lái. Thuở chưa biết yêu người, tôi yêu thứ cảm giác lâng lâng cùng xe trôi vun
vút trên đường. Mặc cho tóc rối, da khô, đôi bàn tay rám nắng. Nhưng NL thì
không, con nhỏ khôn ghê, cứ nép sát vào lưng tôi trốn nắng. Tôi nhỏ con hơn NL,
nhưng lại là người che chở nắng mưa cho bạn mình. Dẫu buồn cách mấy, người đàn
ông vừa mất vợ phải cười khi nghe tôi kể công, khoe với anh những ngày tôi đã rất
anh hùng, đã "hy sinh nhan sắc" cho vợ anh như thế nào.
Một ngày,
qua bao chuyện vui-buồn của tôi và anh với người đã khuất, đủ để chúng tôi trở nên
thân thiết. Trước khi trầm mình trong cơn bệnh, NL đã mơ một lần được đến Paris,
nhưng chuyến tàu cuối cùng của đời cô đã cập bến quá nhanh. Tôi nói với anh, anh
cũng có thể đến Paris cùng linh hồn cô ấy. Tôi sẽ đưa anh vào Giáo đường Notre-Dame,
hay vào Vương cung thánh đường Sacré-Cœur trên đỉnh đồi Montmartre cầu nguyện. Đó
là điều tôi mong mỏi.
Và bây giờ tôi đang đứng với Khiết trên
một con dốc của Alum Rock Park, một công viên rộng như rừng ở miền Bắc Cali. Tôi
nhìn xuống hai bên triền dốc. Cỏ chớm thu chưa vàng, những vòng xanh thoai
thoải, nhấp nhô, lại làm nhớ những mùa hè ở một nơi khác. Cũng đồi dốc, suối
khe, chỉ thiếu những bờ cát mỏng.
Ngày đó, với
hai Lan nhí nhảnh hồn nhiên còn thêm một Mai Anh nghiêm trang chững chạc
vì cô đã xếp áo học trò, theo đời cơm áo sớm hơn những người bạn cùng trang
lứa. Giữa ba cô gái là một Út thông minh hoạt bát, luôn tạo ra những tiếng cười
giòn giã; là một Tánh điển trai đa tình, ăn mặc chải chuốt, lúc nào cũng buông
ra những câu nói tình tứ mặc cho người nghe (là tôi) nghĩ sao cũng được; là một
Quyền hồn nhiên sôi nổi. Với những thứ mà Quyền có thời đó, nói theo ngôn ngữ
thời này thì người ta sẽ gọi anh là một "thiếu gia".
Mai Anh giờ lưu lạc chốn nào? Khiết còn
giữ được gì trong ký ức của anh về tôi thuở đó? Tôi chỉ nhớ một anh chàng hiền
lành lặng lẽ, thường tìm một góc nào đó ngồi nghe lũ bạn cười nói ồn ào. Khiết
ngày xưa gầy ốm thư sinh, giờ cao to tráng kiện. Nếu tôi nói ra điều này, có
thể anh sẽ dạy cho tôi một bài học làm thế nào để giữ cho "thân-tâm an lạc".
Chúng tôi
đã già! So với những ngày đầy đặn nét thanh xuân, tôi bây giờ co cụm lại như
thời gian phải cạn dần đi nơi mỗi kiếp người.
Đường trước mặt không còn nơi đến, tôi quay
về thương nhớ một thời xưa.
Tôi đã đứng trên cao - ngồi dưới thấp
với hai người bạn thời niên thiếu. Nơi vùng đất lạ, bỗng quay quắt nhớ quê nhà.
Dường như chưa bao giờ tôi nhớ Sài Gòn đến thế. Nhớ những Chủ nhật tươi hồng với
bao hẹn hò háo hức. Tôi dắt xe ra khỏi nhà, lòng ngẫu nhiên vui khi nghe những câu
ca được phát ra từ máy thu thanh của nhà hàng xóm. Tôi chạy xe thong dong dưới
những con đường xanh lá. Khi dịu dàng trong đôi tà áo lụa, khi quần xòe rộng với
áo ôm sát vai mềm, bờ lưng thon con gái. Thứ trang phục với những sắc màu, mang
chút phong cách thời trang hiện đại. Tôi vẫn chưa quên thứ cảm giác mát rượi
mơn man làn áo mỏng, những lọn tóc dài xác xao bay theo từng cơn gió chướng của
Sài Gòn những ngày bão rớt.
Áo cũ, đường xưa chỉ còn trong tâm tưởng.
Nhưng những đời cây trên hàng phố ấy là đời của trăm năm. Sao tôi không về,
đứng dưới một rặng cây nào đó. Ngước ngóng, tìm nghe. Nghe lại tiếng chim hót cùng
những tán lá trên cao, rì rào bao nỗi buồn vui của một thời hoa mộng.
Có con chim nào lạc hướng lại không mong
được bay về phương trời cũ!
Đặng Mai
Lan
( Paris tháng
4, năm 2024)
* Tựa được trích từ bài thơ "Ngôn
ngữ Chiều" (Ngô Nguyên Dũng)
1- Paris có gì lạ không em (Nguyên Sa -
Ngô Thụy Miên)
2- Tiễn em (Cung Tầm Tưởng)
3- Biết đến thuở nào (Tùng Giang)
4- Trả lại em yêu (Phạm Duy)