Tuyển tập “9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương” của
Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm
bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến,
Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên –
được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật
là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt…” dày 440 trang của Bùi Vĩnh Phúc có một điểm đặc biệt: bạn chỉ cần đọc khoảng mười trang sẽ nhận ra tự thân tuyển tập cũng là một sáng tác văn học vì chính bút pháp phê bình của họ Bùi cũng đầy sương khói nghệ thuật. Chúng ta có thể nghiệm ra rằng, một tác phẩm nghệ thuật, thí dụ, ca khúc “Hương Xưa” của nhạc sĩ Cung Tiến, tuy ngắn chỉ có 5 phút, nhưng tuổi thọ có thể là vài thập niên hay vài thế kỷ, vì thỉnh thoảng chúng ta lại có thể nghe lại dòng nhạc của Cung Tiến, năm sau, mười năm nữa, và nửa thế kỷ nữa. Đó là tuổi của nghệ thuật. Tương tự, các bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, truyện của Nguyễn Mộng Giác và tất cả tác phẩm của 9 người trên, tuổi thọ không chỉ trong vài trăm trang sách. Như Truyện Kiều của Nguyễn Du, đôi khi gắn bó rất là lâu dài với hồn thơ của một dân tộc. Và cũng tương tự, với văn phong cực kỳ thơ mộng của Bùi Vĩnh Phúc, tuyển tập phê bình này trở nên có một đời sống riêng, tuổi thọ đã vượt xa hơn 440 trang, và chúng ta có thể đọc đi đọc lại, cũng tương tự như khi nghe nhạc Cung Tiến.
Và chất thơ trong văn phong
phê bình của Bùi Vĩnh Phúc cũng biến đổi, không đơn điệu. Thí dụ, trong sách “9
Khuôn Mặt…” nơi bài “Mấy Tưởng Khúc với/về
Phạm Công Thiện,” trong tiểu mục phần III có nhan đề “Đêm và ngày, và Phạm
Công Thiện, và bốn mươi bảy năm trôi qua trên mặt đất (Đọc và nhìn lại Phạm
Công Thiện qua “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”)” Bùi Vĩnh Phúc nhìn
về họ Phạm, như sau:
“Ngửi một mùi thơm, người
ta nhớ lại bao nhiêu cảnh đời đã sống, bao nhiêu xuân xanh đã vụt qua, bao
nhiêu mộng tưởng đã bay thành khói chiều. Và những con người, những quyển sách,
những ngày tháng đã đi qua, những nơi chốn đã trở thành ký ức, những rượu mạnh
của tuổi trẻ, những nhiệt hứng của những ngày chân đạp trên gió sớm để bước vào
đời. Tất cả những mùi vị những trái cây những rượu ngon của cuộc đời đó bỗng
bây giờ trở lại khi người ta hơn bốn mươi bảy tuổi, người ta ngồi bên khung cửa
sổ nhìn ra cây cam sai trái và những con quạ trọc đầu trượt chân té lên té xuống
và tiếng lóc cóc của những con ngựa gõ vào trí nhớ. Người ta ngồi và viết ra những
con kiến nhỏ của cuộc đời. Những con kiến đi vào mọi thứ ngõ ngách, mọi thứ lỗ
hổng của đời sống. Những con kiến hồn nhiên, vui tươi, say mê, thô tục, lãng mạn,
phất phơ, ngờ nghệch, thông minh, sáng sủa, u tối, mệt mỏi, ngạo mạn, tự chế, tự
phúng, tự hào, tự mãn, tự ái, tự kiêu, tự hạ, tự tri, tự túc. Những con kiến
hay có ý nghĩ tự tử nhưng luôn luôn tự triển hạn. Những con kiến, cũng như những
dòng chữ kia, chưa muốn tự xoá. Chúng vẫn còn tiếp tục muốn đi trên những cành
cây xuân hạ thu đông lưu dấu cuộc đời. Ði, như là một hành động để tìm kiếm ý
nghĩa đích thực của sự sống.” (trang 297-298)
Đó. Chúng ta vừa đọc nơi đó:
Bùi Vĩnh Phúc phân tích tác phẩm Phạm Công Thiện, nhưng chính họ Bùi cũng đang
làm thơ, khi lật qua trang sách, ngửi thấy một mùi thơm, và rồi một thế giới mới
hiện ra, khi “tiếng lóc cóc của những con ngựa gõ vào trí nhớ” … Than
ôi, thơ của Bùi Vĩnh Phúc đang trải nghiệm, đang đọc, đang thẩm định, đang hít
thở thế giới thơ của Phạm Công Thiện. Thế giới thơ này đang phả hồn vào thế giới
thơ kia. Có vẻ như hai nhà thơ Bùi và Phạm đang tương tác nhau, bay bổng trên
trang giấy. Những dòng chữ này sang năm đọc lại cũng thấy hay, mười năm nữa đọc
lại cũng không cũ. Đó chính là sức mạnh của văn học. Lấy đâu ra một nhà phê
bình văn học thơ mộng như Bùi Vĩnh Phúc? Hiển nhiên, tuổi thọ của sách này thấy
rõ là dài hơn 440 trang, và là một không gian thơ rất mực lãng đãng của họ Bùi
đang thở vào 9 thế giới văn học kỳ vĩ của ngôn ngữ Việt.
Vấn đề không chỉ là thơ mộng.
Cuộc đời sâu thẳm hơn những gì chúng ta có thể hình dung. Ý nghĩa của cuộc đời ở
đâu? Nơi trang sách? Vậy thì, khi chữ mờ đi với thời gian, khi sách bị đốt
cháy, phải chăng dưới những tầng vô ngôn là ý nghĩa sâu thẳm? Bùi Vĩnh Phúc khi
kết thúc một bài về Phạm Công Thiện đã nhắc tới một câu thường gặp trong Kinh
Phật là “ư nhữ ý vân hà?” (vậy thì, ý của ngươi nghĩ sao?)… Chúng ta có thể nhớ
rằng, Bùi Vĩnh Phúc là một giáo dân Công Giáo, nhưng trong cương vị dạy văn học
bậc đại học, phải đọc và nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Và câu trích
dẫn Kinh Phật để cuối một bài viết rất mực thơ mộng như để nhắc lại về những thắc
mắc lớn của nhân loại, trích:
"...người ta cũng có
thể nói: Hãy đốt bỏ tất cả các cuốn sách của Phạm Công Thiện, và chỉ giữ lại những
ý tưởng thơ mộng của ông, những suy nghĩ đắm đuối và dạt dào của ông, những tư
tưởng đằm sâu của ông. Về sách vở, về tư tưởng, về thơ ca, về triết lý, và về
cuộc đời. Nói chung. Những điều đó là thể tính, là căn cốt và hơi thở của một
người, theo tôi, đã lãng đãng và lênh đênh-thơ mộng-hồn nhiên-tha thiết đi vào
và đi qua cuộc trần gian này.
Ư nhữ ý vân hà?"
(trang 290)
Trong văn phong phê bình của
Bùi Vĩnh Phúc, những suy nghĩ cực kỳ phức tạp đôi khi hiển lộ ra khi phải nói tới
những căn để ý nghĩa của đời người. Chúng ta hiện hữu trong cõi này. Ý nghĩa của
hữu thể là gì? Và khi cuộc tồn sinh kết thúc, tức là cái chết, có phải chúng ta
đang đối diện với hư vô? Bùi Vĩnh Phúc nhận định rằng thơ Thanh Tâm Tuyền cũng
là những dòng suy tư về ý nghĩa tồn sinh, về cái hướng-tử của mệnh người.
Bùi Vĩnh Phúc viết trong bài
"Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình
yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền (*) hay “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”"
trích như sau:
"Nếu nhìn hiện sinh
con người, như trong cái nhìn của Heidegger, là một hữu thể bước vào thế gian,
một sự Tồn tại trong Thế gian (In-der-Welt-Sein), thì con người được ném vào sự
hiện diện của chính mình. Tồn tại trong Thế gian là một cơ cấu nền tảng của hiện
hữu. Và con người là một Hữu-thể-hướng-tử, tức một tồn tại, một hiện hữu cho
cái chết, hướng về cái chết (Sein-zum-Tode). Con người đi trước vào cái chết.
Như thế, suy nghĩ của nhà thơ là một điều tự nhiên. Thanh Tâm Tuyền có lẽ đã nhận
thức được điều ấy. Yếu tính của con người là một trạng thức hiện hữu, và yếu
tính ấy thuộc về thế giới hiện tượng, xuất hiện ra để mà qua đi. Bởi vậy, trong
triết lý của Heidegger, khởi điểm của Hữu thể là Vô thể. Là Hư vô, Hư không.
Trong Hư vô và qua cái Hư vô, con người nhận biết được hiện hữu mình, tồn tại
mình. Và Hữu thể, như thế, được đồng hoá, hay có sự gắn bó, kết hợp với Hư vô.
Suy tư về Hư vô làm con người ý thức về ý nghĩa cuộc tồn tại, hiện sinh của
mình. Điều đó làm nó sống có dự phóng, có ý nghĩa hơn." (trang 30-31)
Như thế, bầu trời thơ của
Thanh Tâm Tuyền cũng là một tiếng kêu giữa trời hư không về một ý nghĩa của cõi
người. Bùi Vĩnh Phúc tự giải thích về cách anh đọc thơ Thanh Tâm Tuyền. Một
cách khác, đúng như thế. Họ Bùi đã phê bình kiểu cực kỳ thơ mộng, nơi phần 4 của
bài trên về thơ Thanh Tâm Tuyền, trích:
"Tôi muốn làm một điều
khác, nhìn một cách khác.
Nhịp
điệu của hình ảnh, nhịp điệu của ý tưởng, nhịp điệu của ý thức. Hãy nghĩ đến
một rừng cây. Một rừng cây nguyên sinh, chẳng hạn. Cây mọc trong rừng không cần
vần, không theo vần, không nhất thiết phải ngay hàng thẳng lối. Có ánh nắng là
có sự sống, có sự mọc lên và trưởng thành. Có tiết tấu riêng của chúng. Có tình
yêu là có sự sống, có sự phát triển. Cây cối mọc cùng nhau có tình yêu dành cho
nhau không? Hẳn là phải có. Chúng hẳn là phải “phải lòng” nhau, phải yêu thương
nhau mới mọc lên cạnh nhau như thế. Con người, trong “bối cảnh” này, có lẽ chỉ
là một cái duyên, nếu có thể nói được như thế, một chút duyên phù trợ. Một chút
duyên, trong lẽ nhân duyên. Cả một rừng cây, như một bài thơ, cho ta thấy rõ nhịp
điệu của hình ảnh, cho dù cây cối có thể không mọc “ngay hàng thẳng lối” để “tiếp
ứng” nhau. Còn ý tưởng và ý thức? Chắc là có đấy. Một rừng cây cũng sẽ có riêng
trong chúng một nhịp điệu về ý tưởng và ý thức nào đó, nhìn từ góc độ của Kẻ
Sáng Tạo, của Thiên Nhiên, của Trời Đất. Những bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, chẳng
hạn như các bài Vĩ Tuyến, Chim, Lệ Đá Xanh, Hoa, Bến Tàu, Mưa Ngủ, chẳng
hạn, đều có thể nhìn như những cánh rừng như thế. Chưa kể những bài dài hơn,
hay gần chất văn xuôi hơn." (trang 45)
Thế đó. Bùi Vĩnh Phúc phê
bình văn học, và phê bình cũng tự thân là thơ. Và cái chất thơ của đời sống,
đôi khi nằm ngoài ngôn ngữ. Tức là, vô ngôn. Có lẽ, bài phức tạp nhất của Bùi
Vĩnh Phúc trong tuyển tập “9 Khuôn Mặt…” là bài về Vũ Khắc Khoan, người nổi tiếng
về các vở kịch theo một hình thức kịch rất là mới. Và đó cũng là lý do Bùi Vĩnh
Phúc đối chiếu song trùng Vũ Khắc Khoan với nhà soạn kịch Samuel Beckett, người
nổi tiếng trong phong trào tiểu thuyết mới. Kịch bất lợi là không được chú trọng
trong thế giới văn học Việt Nam. Độc giả trẻ ở hải ngoại lại càng ít biết tới
Vũ Khắc Khoan. Nhưng các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc có thể là một giới thiệu về
một thế giới kịch, nơi ngôn ngữ nghệ thuật như một cái cớ để nói lên cái thế giới
đầy phi lý không minh giải (nơi chúng ta cũng là các nhân vật đứng nơi các ga
xép cõi đời để chờ một giải thích từ nhân vật Godot không ai biết tới).
Trong bài “Vũ Khắc Khoan & Samuel Beckett: Nghệ
Thuật, Như Một Cái Cớ,” Bùi Vĩnh Phúc nói về cái nhìn của Vũ Khắc Khoan
về một hình thức kịch rất mới, trích:
"Vũ Khắc Khoan yêu sự
vô ngôn này. Ông cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần cái quan niệm của ông cho rằng
một vở kịch lớn là một vở kịch không có khán giả. Khán giả với diễn viên là một.
Khán trường và sân khấu không còn sự ly cách (sự ly cách này vốn dĩ đã thật là
mỏng manh trong bản chất của kịch)."(trang 148)
Nhưng, nhân loại không thể
vô ngôn được. Do vậy, lời nói phải bật ra, và sự sống hiển lộ. Bùi Vĩnh Phúc
phê bình kịch Vũ Khắc Khoan mà y hệt như đang tự đối thoại với lòng mình,
trích:
"Đối thoại sẽ làm bật
tung hiện hữu, bật tung sự sống. Anh sống thế nào thì anh nói làm vậy. Ngôn ngữ
như một cuốn sách mở ra để người khác nhìn vào nội-dung-anh. Một thế giới phi
lý có thể tự trình bày nó bằng những đối thoại phi lý. Một thế giới trống rỗng
có thể tự mở ra bằng những âm thanh và cuồng nộ. Ở đây, con người chẳng có chọn
lựa, xao xuyến gì để chứng tỏ là mình sống cả. Tôi nói, bởi thế tôi sống. Đây
thực là một chân lý giản dị. Bởi vì tôi phải làm một cái gì trong khi chờ đợi.
Tôi phải làm một cái gì đó để chứng tỏ sự có mặt của tôi. Vậy thì, hãy nghe một
nhân vật của Vũ Khắc Khoan trong Ga Xép gợi chuyện..." (trang 163)
Như chúng ta đã nói nơi đầu
bài, Bùi Vĩnh Phúc ngoài yếu tố chủ đạo là thơ mộng, vẫn còn các phương diện
công phu, phức tạp… Nơi đây, một học giả họ Bùi hiện ra. Chỗ này, tôi xin thú thật rằng, với bản chất
là một nhà báo lâu năm, đã quen với cách viết đơn giản trong đời thường, tôi hơi
khựng lại khi đọc những dòng phân tích ngữ học, phức tạp. Bùi Vĩnh Phúc chỉ làm
cho tròn chức năng phê bình, cho nên, chỗ phức tạp thì phải nói phức tạp. Dĩ
nhiên, thơ Bùi Giáng bên cạnh yếu tố thơ mộng, giỡn chơi, cũng là những hí lộng
về ngữ pháp và mật nghĩa hiện sinh.
Trong bài viết nhan đề “Trích
đoạn bàn về thơ của Bùi Giáng trong tiểu luận ‘Vấn đề thẩm thức một tác phẩm
nghệ thuật’ của Bùi Vĩnh Phúc” (một kiểu đặt nhan đề dài và phức tạp của
Bùi Vĩnh Phúc), chúng ta đọc thấy họ Bùi dẫn ra 2 câu thơ của Bùi Giáng và phân
tích về cách đặt câu phức tạp, trích như sau:
"Bây giờ / em ở nơi đâu
Cỏ
trên mình mẩy em / sầu ra sao
Trên quan điểm từ-vụ-học, và
hiểu một cách bình thường, thì câu lục bắt buộc phải ngắt 2-4, câu bát 5-3.
“Bây giờ” là một trạng từ, đứng vai trò của một trạng ngữ (adverbial phrase),
phải được tách ra khỏi mệnh đề chính. Mệnh đề “em ở nơi đâu” là một câu hoàn chỉnh
và ngắn, không cần tách đoạn.
Câu bát, nguyên cả cụm từ “Cỏ
trên mình mẩy em” là chủ từ. Nó là một danh-ngữ (noun phrase), đứng vai trò chủ
ngữ (subject) và không thể tách ra được. Dù sao, ta nhận thấy trong cụm từ này,
“Cỏ” là danh từ chính, và “trên mình mẩy em” (hiểu ngầm động từ “mọc”) là trạng
ngữ chỉ nơi chốn (hay vị trí), làm rõ nghĩa cho danh từ “cỏ” (hay rõ và đúng
hơn là cho động từ hiểu ngầm “mọc”). Cụm từ “sầu ra sao” là vị ngữ (predicate),
trong đó “sầu” là bổ túc từ (complement) (với động từ “thì” được hiểu ngầm),
“ra sao” là trạng từ. Trong Anh và Pháp ngữ, cũng như trong một số ngôn ngữ
khác, trạng từ “ra sao” này được một luật biến hóa (transformational rule) cho
phép nhẩy lên đầu câu để biến thành những từ How và Comment, v.v.; đồng thời luật này lại kéo theo một luật
nữa, bắt buộc việc đảo ngược chủ từ và động từ trong câu..."
(trang 355)
Có vẻ như nhà thơ Bùi Giáng
đang đùa giỡn, kiểu như “Bây giờ em ở nơi đâu, Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao”
khi nói chuyện với một cô bạn nhỏ nào đó. Khi bạn nói chuyện với một cô bạn gái
nhỏ, hiển nhiên bạn không thể bảo cô này rằng bạn đang khởi đầu bằng một danh
ngữ rồi kế tiếp là chủ ngữ, và vân vân. Có phải nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc đã
đi quá đà khi phân tích ngữ học phức tạp như thế? Nghĩa là, trong khi Bùi Giáng
tiên sinh đang thì thầm hỏi cô bạn đang thẹn thùng rằng cỏ mọc có sầu chăng,
thì Bùi Vĩnh Phúc dí ống kính hiển vi vào chỗ cỏ mọc để thắc mắc rằng có phải cỏ
mọc ngược vì đảo ngược chủ từ và động từ… Than ôi, mệt vô cùng, khi đọc như thế.
Nhưng cũng là hứng thú vô cùng khi chữ nghĩa mọc ra cỏ sầu.
Nơi một mặt khác, Bùi Vĩnh
Phúc cũng nhìn thơ Bùi Giáng như những trận mưa chữ giữa trời thơ mộng. Nơi
đây, Bùi Vĩnh Phúc viết y hệt như làm thơ, một kiểu phê bình văn học hệt như
đang làm thơ. Và trên những dòng chữ Bùi Vĩnh Phúc, chúng ta đang nhìn thấy những
mưa nguồn cố quận, sương mù bến cũ… Trời ạ, sao đã có một nhà thơ Bùi Giáng, mà
lại bỗng hiện ra một nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, để rồi chúng ta đọc mà ngẩn
ngơ trên từng trang giấy. Bùi Vĩnh Phúc đã viết trong bài có nhan đề "Bùi
Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn" những
dòng thơ mộng như sau, trích:
"Bùi Giáng đã ra đi
rồi. Nhưng vầng trăng ông để lại vẫn mãi còn nguyên một màu sơ thủy. Những lá
hoa cồn hay những dòng chữ mà ông để lại cho đời vẫn thấp thoáng mãi trong những
bóng sương mù của thi ca, của hồn nguyên tiêu ngày cũ. Mãi mãi, chúng sẽ còn để
ngân lại trong lòng những người yêu quý ông những tiếng gọi trở về. Trở về bến
sơ đầu của những cơn mưa nguồn ngày cũ, của những bài ca quần đảo hoang vu, của
những lời cố quận mịt mù gang tấc. Hẳn đã nhiều lần trong cuộc tồn sinh của
mình, Bùi Giáng đã nhận thấy rằng quê hương của ông, cố quận của ông đã không
còn như xưa. Dù quê hương hay cố quận đó có được hiểu như thế nào đi nữa thì
ông cũng đã “chết nhiều lần trong trận sống”, và trong cuộc đời này, hình như
nhiều lúc ông đã lạc mất lối về. Bởi thế, để tìm về đường xưa lối cũ của những
hồn nguyên tiêu (Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài / Cổng xô còn vọng điệu tài tử
qua / Lỡ từ lạc bước bước ra / Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn), có lẽ người
thi sĩ ấy chỉ còn có thể tìm về và tìm vào những cuộc chiêm bao..."
(trang 342)
Một nhà văn có tác phẩm gắn
liền với lịch sử nhiều nhất là Nguyễn Mộng Giác. Kể cả lịch sử xây dựng văn học
hải ngoại, và cả những hình ảnh lịch sử trong các tác phẩm, dù trường thiên tiểu
thuyết hay truyện ngắn. Cả Bùi Vĩnh Phúc và Nguyễn Mộng Giác đều là thuyền
nhân, vượt biển sau năm 1975. Những ngày đầu tiên cầm bút để sáng tác văn học ở
hải ngoại là những ngày rất mực gian nan. Trong tuyển tập “9 Phong Khí…” Bùi
Vĩnh Phúc kể lại những ngày hình thành văn học hải ngoại, trong đó Nguyễn Mộng
Giác đứng ra gánh vác những phần nặng nhọc.
Trong bài viết nhan đề "Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời
văn" Bùi Vĩnh Phúc kể về những bước khởi đầu, trích:
"Năm 1985, chúng tôi
có dịp ngồi chung với nhau cùng với một số bạn văn như Nguyễn Bá Trạc, Hoàng Khởi
Phong, Phạm Quốc Bảo, Cao Xuân Huy… để làm nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật (bộ mới),
rồi sau đó là Văn Học. Những bước khởi đầu của tờ báo này, cùng với những khó
khăn và những kỷ niệm mà chúng mang lại, đã luôn là những rung động không hề tắt—tôi
nghĩ như thế—của tất cả anh em chúng tôi mỗi khi có cơ hội nhìn lại hay làm sống
lại trong tâm hồn mình những ngày tháng đó. Tôi sẽ không kể lại những chuyện ấy
ở đây. Nhưng tôi muốn nói là những kỷ niệm ấy đẹp. Đó là những kỷ niệm của một
nhóm “đầu xanh tuổi trẻ”, lưu vong bên ngoài đất nước, yêu văn chương chữ nghĩa
Việt, thiết tha với sự mơ mộng và những lý tưởng đáng yêu của mình, và đã dám
đánh đổi nhiều thứ để có được tờ báo ấy và những kỷ niệm ấy. Có những người
trong chúng tôi, trong đó ít nhất là Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Mộng Giác và Hoàng
Khởi Phong, cách này hay cách khác, đã viết về những ấn tượng và rung động mà
thời kỳ này còn để lại trong lòng họ. Cho dù mỗi người có một phong cách, một
văn cách riêng, với những bảng mầu kỷ niệm riêng, với những âm sắc riêng và những
độ rung khác nhau nơi những kỷ niệm chung, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều đã
chia sẻ với nhau những nét chung nhất và đẹp tươi của những kỷ niệm ấy, cho dù
cũng có những chỗ những nét mực kia đã bị thời gian làm cho phôi pha đi ít nhiều."
(trang 237-238)
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác hiện ra như một người khổng lồ, cả trong đời thường, khi cưu mang nhiều bạn văn nghệ, và cả trong văn học, khi sáng tác những bộ trường thiên dẫn tới những cuộc tranh luận đầy sóng gió. Để thấy được tầm vóc khổng lồ đó của Nguyễn Mộng Giác, phải cần tới một nhà phê bình văn học có đôi mắt nhìn được xuyên suốt sáu cõi. Bùi Vĩnh Phúc đã đóng được vai trò của thiên lý nhãn đó, một cách thơ mộng, một cách xuất sắc.
Trong bài viết nhan đề “Trên
những lớp sóng của mùa biển động” với ghi chú nơi tiểu đề là (Bài nói chuyện
về tác phẩm Mùa Biển Động của Nguyễn
Mộng Giác tại George Mason University, Washington, D.C., ngày 30 tháng 11,
1989), Bùi Vĩnh Phúc đã nhận định rằng:
"Mùa Biển Động là một tác phẩm có một kích
thước lớn, và cũng là một tác phẩm có tham vọng lớn không kém. Nó muốn ghi lại
biến chuyển tâm trạng của những thanh niên trưởng thành trong chiến tranh, trải
dài từ lúc Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ cho đến tháng 4, 1975, và ghi lại cái tâm trạng
tha hương của những nhân vật chính sau thời điểm tang thương đó."
(trang 225-226)
Cái tuyệt vời của Nguyễn Mộng
Giác là viết nhiều như mưa lũ về những đau đớn lịch sử, trong đó có khoảng trên
dưới một trăm nhân vật, trong đó có những nhân vật được xem là có thật trong lịch
sử và phần nào hư cấu, như Tường, như Ngô… Và cái tuyệt vời của nhà phê bình
Bùi Vĩnh Phúc là nhìn thấu suốt qua những trang giấy trường thiên tiểu thuyết,
để thấy rằng tất cả những nhân vật trong đó, như Tường, Ngô, Diễm, Nam, Quỳnh
Như, Quỳnh Trang, Mãn, Thanh Tuyến, Lãng… chỉ là hóa thân của hai nhân vật
chính là: Thất và tán. Mất và tan.
"Vậy thì, nhân vật
chính trong Mùa Biển Động của
Nguyễn Mộng Giác chính là sự thất tán. Thất và tán. Mất và tan. Mất mát, tàn rụng,
và tan vỡ, tan rã, tan tác. Mất là hệ quả của tan, và tan là nguyên nhân đưa đến
mất. Mất và tan những gì? Đó là sự mất mát, tan vỡ, tan tác, tan rã của những
cơ cấu, những giá trị xã hội, những giềng mối đạo đức, luân lý tưởng như đã là
bền vững trong xã hội ta trong suốt bao nhiêu năm. Đó là sự tan vỡ của những mộng
tưởng, của những lý tưởng, và ngay cả của những ảo tưởng nữa, mà nhiều người đã
từng ôm ấp trong suốt một thời tuổi trẻ. Đó cũng là sự tan tác, bị lăn đi tung
tóe bốn phương tám hướng của những con người đã tưởng suốt đời được sống và ôm
lấy quê hương, hay của những con người để mặc thân mình cho sóng vùi, cho biển
dập.
“Nhưng, chính là trong nỗ lực
xây dựng và vẽ lại cái tiến trình tan và mất, mất và tan đó mà tác giả Nguyễn Mộng
Giác đã cho chúng ta cơ hội tìm lại được những giá trị cũ. Tác giả cho chúng ta
sống lại tâm trạng của những kẻ sống trong cơn lốc xoáy của cả một thời đại. Và
cũng từ đó, ông giúp chúng ta tìm thấy những giá trị vĩnh cửu của sự sống, cái
ý nghĩa cao quí của đời sống con người. Tác giả đã giúp đem trả về cho chúng ta
những điều ấy qua những trang sách của ông. Trình bày cái tán, để thấy cái tụ.
Trình bày cái mất, để thấy cái trở về, cái còn vĩnh viễn. Đó là một nghịch lý
văn chương mà tôi tìm thấy trong Mùa
Biển Động." (trang .227)
Trong khi Nguyễn Mộng Giác
quan tâm về lịch sử, về các nhân vật trong dòng lịch sử quê nhà… nhà văn Mai Thảo
là một hình ảnh đối nghịch, chỉ quan tâm về cái đẹp của ngôn ngữ, của văn học.
Bùi Vĩnh Phúc đã thấy như thế, và đã sử dụng một ngôn ngữ rất thơ để nói về Mai
Thảo.
Cũng nơi trích đoạn dưới
đây, nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc đã trở thành một nhà thơ khi nói về nhà văn Mai
Thảo, trích (chúng ta nên đọc lời bình của Bùi Vĩnh Phúc thật chậm, y hệt như đang
đọc thơ, đọc từng chữ, từng cụm chữ trong một buổi chiều nghiêng nắng rất vàng):
"Chữ, ở Mai Thảo, không
lắm khi mọc lên như rừng, với những cây cành, lẻm nhọn. Mà chữ, nơi ông, thường
ánh lên và sóng sánh như một biển đầy ánh sáng, đầy sắc màu. Mềm mại, gợn sóng,
và vang âm. Những con âm rì rào, thao thiết. Trong chiều, trong đêm, hay khi về
sáng.
Những bước chân âm trải sóng
khắp lòng ta." (trang 100)
Thực sự, đó là thơ. Bùi Vĩnh
Phúc viết phê bình văn học y như đang làm thơ. Trong văn phê bình này, cách ngắt
câu, Bùi Vĩnh Phúc tạo ra các âm vang thì thầm, đầy hình ảnh… Đôi khi chúng ta
đọc và như dường trôi lạc vào một thế giới thơ của Bùi Vĩnh Phúc.
Bùi Vĩnh Phúc là một nhà phê
bình rất mực kỹ lưỡng. Trong bài viết về Mai Thảo, họ Bùi đã cho thấy anh đọc rất
kỹ, rất nhiều... Bùi Vĩnh Phúc trong bài viết nhan đề "Văn chương Mai Thảo: biên địa của cảm xúc
và cái đẹp, giao thoa với ý thức về đời sống" đã cho thấy cách làm việc
rất mực kỹ càng, chu đáo. Tôi là một người hải ngoại cũng như Mai Thảo và Bùi
Vĩnh Phúc. Tôi biết rằng tìm sách đọc rất hiếm ở hải ngoại, đặc biệt là các
sách đã ấn hành trước 1975. Vậy mà, như dường Bùi Vĩnh Phúc đã đọc rất nhiều, hiển
nhiên là từ thuở còn trong nước cho tới ngày ra hải ngoại. Hay có phải, trong
cương vị dạy văn học Việt tại các đại học Hoa Kỳ tại Quận Cam đã cho Bùi Vĩnh
Phúc một kho sách khổng lồ nào mà tôi chưa biết.
Khi nhận định về Mai Thảo,
Bùi Vĩnh Phúc chia làm các thời kỳ, 1956-1960 với "Những tác phẩm chủ yếu
trong giai đoạn này có thể được nhắc đến là: Đêm Giã Từ Hà Nội, Tháng Giêng Cỏ
Non, và những đóng góp của ông (thảo luận, thư toà soạn…) trên Sáng Tạo."
(trang 105)
Rồi họ Bùi viết về Mai Thảo
thời 1960-1970 với "Những tác phẩm chủ yếu của giai đoạn này khá nhiều;
có thể kể: Khi Mùa Mưa Tới, Cùng Đi Một Đường, Tới Một Tuổi Nào, Mái Tóc Dĩ
Vãng, Sau Khi Bão Tới, Cũng Đủ Lãng Quên Đời, Mười Đêm Ngà Ngọc… và, đặc biệt,
Căn Nhà Vùng Nước Mặn, Viên Đạn Đồng Chữ Nổi." (trang 105-106)
Rồi thời kỳ 1970-1975, Bùi
Vĩnh Phúc gọi đây là thời kỳ dấn thân, nhập cuộc của Mai Thảo: "Giai đoạn
ý thức về vai trò sáng tạo, vai trò của người nghệ sĩ. Cái nhìn của Mai Thảo
mang nhiều màu sắc “dấn thân” hơn giai đoạn trước. Ngoài những tiểu thuyết feuilleton đăng hằng ngày, hằng tuần trên
một số báo chí thời đó vẫn phải chảy theo một dòng thị hiếu như trong giai đoạn
“hiện sinh”, tinh thần dấn thân và ý thức nhập cuộc của kẻ sáng tạo nơi Mai Thảo
được thể hiện rõ nhất qua loạt tùy bút ông viết hằng tuần trên trang cuối của
báo Khởi Hành do Viên Linh chủ trương. Bài tựa Đứng Về Phía Những Cái Mới
mà Mai Thảo viết như một lời giới thiệu cho tập Tuyển Truyện Sáng Tạo,
do chính Mai Thảo chọn, vào tháng 8 năm 1970, cũng đã nói lên được cái tinh thần
dấn thân đó." (trang 106)
Và rồi thời kỳ 1987-hiện tại,
nghĩa là thời kỳ lưu vong. Mai Thảo dưới nhận định của Bùi Vĩnh Phúc là:
"...nổi bật nhất trong giai đoạn này vẫn là những ghi nhận về đời sống
và về những sinh hoạt nghệ thuật (đặc biệt là văn học) ngoài nước qua mục Sổ
Tay ông viết đều đặn hằng tháng trên báo Văn tục bản trong nhiều năm qua. Từ những ghi nhận về đời sống và
văn học này, những hồi quang của kỷ niệm cũng có một cái nền rất… hôm nay để lấp
lánh, rực rỡ trở lại." (trang 106)
Rất mực công phu. Cũng tương
tự, khi viết về Võ Phiến, Bùi Vĩnh Phúc đã cho thấy cái nhìn sâu sắc. Kiểu như
một nhà phê bình văn học nhận định về một nhà phê bình văn học khác. Bởi vì Võ
Phiến bên cạnh vị trí người viết truyện ngắn, tùy bút, cũng là một nhà phê bình
văn học.
Trong bài "Tiễn Võ Phiến (Phát biểu trong buổi tưởng
niệm/lễ tang nhà văn Võ Phiến)" Bùi Vĩnh Phúc nói tổng quan về Võ Phiến,
trích như sau:
"Hôm nay chúng ta tụ
tập tại đây để đưa tiễn nhà văn Võ Phiến, một khuôn mặt lớn, một tác giả cột trụ
của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Tôi gọi ông là một nhà văn lớn, một tác giả cột
trụ, vì trong suốt 90 năm sống như một con người Việt, và với khoảng 70 năm cầm
bút, từ trong nước ra đến hải ngoại, ông đã làm giàu có, làm phong phú thêm cho
nền văn học Việt Nam biết bao. Bằng chữ viết, cũng như bằng tư tưởng của mình.
Trong văn học, Võ Phiến đã
tung hoành trên nhiều lĩnh vực, và gần như trong lĩnh vực nào ông cũng ghi được
những dấu ấn đậm nét. Ông là một con người của quê hương đất nước, và, để nói về
đất nước quê hương, có lẽ tuỳ bút là thể văn sở trường nhất của ông (mặc dù,
như đã nói, Võ Phiến cũng đã thành công trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật
khác trong cuộc đời sáng tạo của mình) để ông phô diễn những tình cảm, ý tưởng
và thiết tha của ông cho người và cho đất. Cái nhìn của Võ Phiến tinh sắc,
thông minh. Chữ nghĩa của ông duyên dáng, sống động, hóm hỉnh. Và kiến thức rộng
rãi của ông bao gồm nhiều mặt, kể cả các mặt về ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, xã hội,
dân tộc học, và văn học." (trang 199)
Trong một bài viết nhiều năm
trước đó, Bùi Vĩnh Phúc tâm sự rằng Võ Phiến đã mở ra một bầu trời quê hương
trong chiến tranh tàn khốc, khi Bùi Vĩnh Phúc còn là một học sinh lớp đệ thất
(lớp 6 bây giờ). Anh viết, với giọng văn cảm động khi nhìn thấy một bầu trời
văn học độc đáo.
Trong bài viết nhan đề
"Nghĩ về Võ Phiến và cuốn Văn Học
Miền Nam, Tổng Quan" Bùi Vĩnh Phúc hồi tưởng:
"Tôi được tiếp xúc lần
đầu với Võ Phiến qua tác phẩm Giã
Từ. Thuở ấy là vào khoảng năm 1962, 1963, có lẽ tôi đang học lớp Đệ thất (lớp
6). Dạo đó, lòng tôi còn trong sáng; nhưng quyển sách của Võ Phiến đã mở bùng
ra trước mắt tôi cả một vùng trời vùng đất quê hương trong chiến tranh tàn khốc.
Tôi đã thấy người ta tản cư, chạy giặc, báo động, khóc lóc... trong cuốn sách
này. Tôi đã thấy đời sống mình không còn chỉ là đời sống của mình, nhưng còn là
đời sống của những người khác, những người đã chia sẻ một phần đất ở trên quê
hương tôi, những người đã chia sẻ với tôi một dòng máu đỏ chảy mãi từ những
ngày xa xôi huyền sử. Võ Phiến làm tôi đi ra khỏi cái thế giới nhỏ bé và yên ổn
của mình để xúc động với những đời sống, những thế giới khác. Thế nhưng, để đền
bù cho sự tàn phá (?) cái đời sống cũ êm đềm của tôi, Võ Phiến đã giới thiệu với
tôi những nhân vật rất lạ và rất dễ thương mà ông đã từng quen biết.
Những nhân vật được Võ Phiến vẽ tả lại trong Giã Từ đều có một nét gì đó rất đậm đà chân chất, pha với sự dí dỏm và hiền lành tự nhiên vốn sẵn của những con người đã phơi ngửa định mạng mình trên những vùng đất quê hương còm cõi. Những con người giản dị như con cá lá rau nhưng có một tấm lòng rộng lớn thiết tha để có thể ôm chặt quê hương vào lòng. Bởi thế, khi "giã từ" những con người quê hương ấy, Võ Phiến không khỏi nao lòng." (trang 178-179)
Trước khi lên San Jose để
làm báo Việt Mercury và sau đó làm tờ tuần báo riêng, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
có nhiều năm điều hành nhật báo Người Việt. Tôi biết rằng công việc trong một tờ
nhật báo rất là nhức đầu, mệt nhọc và có lẽ không phù hợp với hầu hết các nhà
văn, nhà thơ. Trong khi các nhà báo viết xuống những bản tin hay bài viết hàng
ngày, họ biết rằng 24 giờ sau là bản tin đó và bài viết đó sẽ bị quên đi. Và nếu
số báo đó tình cờ gặp lại nơi một góc nhà, góc xe thì tờ báo đó sẽ dễ dàng bị
quăng bỏ vào thùng rác. Trong khi đó, tôi tin rằng, khi Nguyễn Xuân Hoàng sáng
tác tiểu thuyết hay truyện ngắn, hay thậm chí là một tùy bút về mùa xuân hay về
một hình ảnh nơi quê nhà, anh cũng tin rằng tác phẩm đó có thể sẽ được độc giả
nhớ tới vài thập niên sau.
Nhưng thực tế là, nhà văn và
nhà thơ không thể sống nổi nơi hải ngoại, và do vậy, phải đóng vai nhà báo trên
các bước đường lưu vong. Tôi luôn luôn nghĩ tới những suy diễn linh tinh như thế,
từ vị trí cá nhân của bản thân mình. Dĩ nhiên, chỉ là suy đoán thôi. Nhưng quá
khứ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiển nhiên là được nhớ hơn rất nhiều so với
công việc điều hành một nhật báo hải ngoại. Bùi Vĩnh Phúc trong vai trò phê
bình văn học đã không hề nhắc gì tới sự nghiệp làm báo của Nguyễn Xuân Hoàng, kể
cả chức vụ rất quyền lực trong tuần báo Việt Mercury của báo San Jose Mercury
News, nơi trong nhiều năm đã nuôi sống một số người cầm bút, trong đó có nhà
thơ Phạm Việt Cường. Tôi đoán, trong trí nhớ Bùi Vĩnh Phúc, tác phẩm của nhà
văn Nguyễn Xuân Hoàng, như các tuyển tập truyện ngắn như Mù Sương, Sinh Nhật, các truyện dài như Người Đi Trên Mây, Sa Mạc…
và những bài “Sổ Tay” được lưu giữ lâu hơn là các chặng đường làm báo
sôi nổi của nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng. Và hiển nhiên là, những đóng góp trong
cương vị nhà văn, với chất liệu của nhiều thập niên nghề báo, là những gì độc
đáo và đáng nhớ nhất của Nguyễn Xuân Hoàng cho nhiều thế hệ sau.
Hãy nhớ rằng nhà báo là người
nhìn vào hiện thực đời thường, và nhà văn là người bay bổng trên các trang giấy
hư cấu. Có gì chen lẫn nhau giữa hai thế giới hiện thực và hư cấu này?
Trong bài viết nhan đề "Một sổ thông hành để đi vào trái tim
đời" dùng làm Tựa cho Sổ Tay của Nguyễn Xuân Hoàng, nhà phê bình Bùi
Vĩnh Phúc đã nhận định như sau, trích:
"…Hiện thực được
nhìn ngắm và quán chiếu ở một độ gần và sâu. Nhưng, như trong một đoạn khác,
Nguyễn Xuân Hoàng đã viết, cũng như một cách tự nhắc nhủ mình: "Tôi vẫn
nghĩ đôi khi hư cấu không bắt kịp hiện thực." Đúng như vậy. Cuộc sống
thiên biến vạn hoá và đầy những bất ngờ, những điều không thể nào tiên liệu được.
Hiện thực là một cái gì hết sức vũ đoán. Bản chất của nó là hư cấu, một nhà thơ
châu Mỹ La-tinh, Juan Calzadilla, đã nói như vậy. Thực sự, hiện thực còn là một
cái gì hư cấu hơn cả hư cấu nữa. Bởi lẽ, để hư cấu, thường, tối thiểu, người ta
cũng phải tuân thủ một số luật tắc nào đó. Còn hiện thực, hãy nhìn mà xem, nó
có chịu chấp nhận một nguyên tắc nào đâu. Bởi thế, Sổ Tay, một thứ giấy nháp, để
viết xuống, để mô tả những khuôn mặt và những xung động của đời, cũng chỉ là
ghi nhận lại những điều hư cấu. Nhưng, với một trái tim.
Giá trị của sổ tay là ở mắt
nhìn, ở cách quan sát. Nhưng, dĩ nhiên, tất cả những điều ghi chép ấy phải bập
bùng một ánh lửa phía sau. Ánh lửa bập bùng ấy nằm trong trái tim của người viết.
Nguyễn Xuân Hoàng có một
trái tim bập bùng ánh lửa như thế. Ông viết về những điều xảy ra quanh mình, những
điều bất cứ một người nào khác cũng có thể thấy. Nhưng những hình ảnh mà ông
ghi nhận xuống, để thành những con chữ nhẩy múa trước mắt người đọc, đã được lọc
qua một lăng kính đặc biệt của riêng ông. Chúng phản chiếu cái ánh sáng cháy đỏ,
ấm nóng của những ánh lửa trong trái tim nhà văn. Cái ánh sáng ấy làm cho những
hình ảnh thô tháp, tầm thường trong đời sống trở nên lấp lánh, và, đôi khi, như
trộn lẫn trong chúng âm thanh của những tiếng nhạc, những bài hát mà chúng ta
đã nghe đâu đó, trong đời." (trang 273-274)
Nhà thơ Tô Thùy Yên có một vị
trí đặc biệt trong không gian phê bình của Bùi Vĩnh Phúc. Tô Thùy Yên làm thơ
hay, dĩ nhiên là ai cũng biết. Bùi Vĩnh Phúc cũng để ra nhiều trang để phân
tích về thi ảnh và ngôn ngữ của Tô Thùy Yên, cũng phân tích về con ngựa chở
theo thời gian lịch sử phóng tới trong cõi thơ Tô Thùy Yên. Nhưng Bùi Vĩnh Phúc
nhìn thấy một khía cạnh khác, rằng nhà thơ đã thấy được cái “hiền triết” và “u
hiển” của đất trời (trang 404). Và rồi, Bùi Vĩnh Phúc nhìn thấy Tô Thùy Yên
đang nói chuyện với trăng sao.
Bài viết rất mực siêu hình
và thơ mộng có nhan đề “Tô Thùy Yên:
thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người” của Bùi Vĩnh Phúc ghi nhận về
thơ Tô Thùy Yên đang phản chiếu ánh sáng u áo của vũ trụ, trích:
"Nhưng, những khi
đêm xuống, thu góp lại những mảnh hồn rách nát của mình, nhà thơ ngồi nói chuyện
với những vì sao cô độc trên cao. Cuộc tâm sự kéo dài bất tận. Ông ngồi nói
chuyện với từng tinh tú một. Hình ảnh bãi lân tinh thức, trên cao, sáng âm u, kỳ
diệu, từ mái đầu của nhà thơ, lung linh lấp lánh bao ý nghĩ vượt lên trên trời
cao, là một thi ảnh rất lạ. Cái đầu như loé lân tinh. Hay như một điểm kết tập
và phản chiếu ánh sáng u ảo của vũ trụ. Nó là một điểm phản ánh những hồi quang
và những kỳ bí thẳm sâu của vũ trụ mênh mông xa tít. Cái đầu, bây giờ, là nơi
trời đất, vũ trụ, thời gian, không gian và những mối cảm xúc, u hoài, sầu nhớ,
chứng tỏ sự có mặt của chúng. Cái đầu, địa bàn hoạt động với diện tích thu nhỏ
lại của tất cả những sức mạnh bên trong và bên ngoài con người. Và bãi lân tinh
vẫn tiếp tục thức, âm u sáng, để đối thoại với điểm sáng nhỏ nhoi ở dưới kia,
thi sĩ. Trong sự sáng vẫn còn cái âm u mang mang rợn ngợp của những sức mạnh
siêu hình." (trang 420)
Bùi Vĩnh Phúc gọi thơ Tô
Thùy Yên là “sự trao ban” – một khái niệm của Thiên Chúa Giáo. Và do vậy, theo
khái niệm siêu hình này, Tô Thùy Yên là kẻ được chọn, là kẻ phải đau đớn với chữ
nghĩa, với thi ca, với phận người đau khổ, để sẽ bật lên những dòng thơ đầy u
hiển, đầy những vinh dự lầm than. Trong bài viết dẫn trên, Bùi Vĩnh Phúc viết,
trích:
"Sự trao ban ấy thật
là kinh khủng. Bởi lẽ, kẻ nhận chịu sự trao ban ấy sẽ phải sống những kinh nghiệm
của hắn. Sống không, chưa đủ. Phải viết lên, phải nói ra, phải tàn rụng đi vì
những đau khổ và phải tái sinh để tiếp tục sống những khổ đau ấy. Và chứng minh
rằng đau khổ xác định và bừng hoá những giá trị con người.
Tô Thùy Yên là kẻ được chọn.
Cũng là kẻ được trao ban. Và như một con người Việt Nam, ông đã sống vượt lên
và vượt qua, trong một nghĩa nào đó, những kinh nghiệm, những cảm xúc và những
suy tư của con người thời đại nói chung. Những giọt nước của trí tuệ và cảm
xúc, hắt lên phần đất Việt Nam, nơi những con sóng dâng lên từ Tây Phương và Âu
Mỹ kia, ông có tiếp nhận. Ông trải nghiệm được cái sức sống và hơi mát trong sự
tiếp nhận ấy. Nhưng cuộc đời của một con người Việt Nam, đặc biệt của một nhà
thơ Việt Nam, như Tô Thùy Yên, đã đẩy ông chạm mặt với sự đau khổ và cô đơn
ngay trong tình yêu, chạm mặt với chiến tranh, với cái chết, với cái bao la rờn
rợn mang mang của vũ trụ đang đè lên kiếp sống mỏng manh, heo hắt, chỉ chợt loé
tàn của kiếp người. Cái siêu hình ấy chụp bắt lấy nhà thơ và đẩy hắn trở về đối
mặt với chính nó trong cõi con người. Ở đó, hắn lớn lên. Hắn trở thành lớn lao.
Nhưng khốn khổ. Ta lớn lao và ta cô đơn."
(trang 372-373)
Cuối đoạn vừa dẫn là bảy chữ
“Ta lớn lao và ta cô đơn” là từ bài thơ "Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai"
của Tô Thùy Yên, một bài thơ dài 17 đoạn, mỗi đoạn 4 dòng, mỗi dòng 7 chữ. Hình
ảnh cô đơn và lớn lao này ghi lại trong đoạn thơ:
Hoàng hôn xô bóng ta trên
cát
Ta lớn lao và ta cô đơn
Ngưỡng mộ cây xương rồng gắng
gượng
Thân trần đứng lẻ giữa đồng
trơn.
Nói gọn, tuyển tập phê bình văn học "9 Khuôn Mặt. 9 Phong Khí Văn Chương" của Bùi Vĩnh Phúc là một công trình nghiên cứu và phê bình rất hiếm hoi. Nơi đây, Bùi Vĩnh Phúc hiện ra như một người viết phê bình hệt như làm thơ, với những trang văn có thể được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần để cảm nhận chất thơ, như nghe một ca khúc nhiều lần, và mỗi lần đọc lại là vẫn có cảm giác như rất mới. Hy hữu. U hiển và hiền triết.