Nguyên
Minh
ĐỒNG HÀNH
Ngày đầu
tiên chào mừng năm mới, sáng dậy sớm ngồi vào bàn gõ chữ vào laptoop khai bút bằng
bài tản văn này chưa biết lấy tựa đề nhưng chắc chắn là chân dung một cây bút nữ rất quen thuộc với tập san Quán
Văn: HOÀNG KIM OANH.
Nhớ lại,
năm 2011 trong buổi
ra mắt Tập san Quán Văn số 01 đầu tiên tổ chức tại quán cà phê Brose trên đường
Nguyễn Văn Thủ quận 1 Sài Gòn có mặt những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn
học trong nước cũng như hải ngoại mà chúng tôi đã gởi thiệp mời. Từ Pháp về có
nhà văn Chinh Ba. Từ Mỹ có Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Minh Nữu. Từ Canada có Nam
Dao. Những tác giả viết bài trong số này hầu hết đều có mặt như Nguyễn Hòa VCV,
Đoàn Văn Khánh, Hiếu Tân, Cao Quảng Văn, Từ Sâm, Ban Mai, Trương Văn Dân, Huỳnh
Như Phương, Lê Ký Thương, Lữ Kiều và nhiều tác giả khác trên 50 người nhưng có
một số còn xa lạ với chúng tôi. Trong đó đặc biệt là một người nữ mang tên
Hoàng Kim Oanh. Cô đến dự do lời mời của Trương Văn Dân. Theo lời giới thiệu của Trương Văn
Dân, Hoàng Kim Oanh là Tiến sĩ Văn học
hiện giảng dạy ở trường đại học đang nghiên cứu về văn chương Miền Nam trước
1975. Tôi chưa có dịp tiếp chuyện với cô về những gì cô muốn biết tường tận về
tạp chí Ý Thức. Mãi đến một năm sau Hoàng Kim Oanh mới gởi bài đến cộng
tác với Quán Văn. Tôi ngẫm nghĩ không
lẽ như tiên đoán của
Nhật Chiêu Quán Văn chỉ tồn tại dến con số 10 mà thôi nên Hoàng Kim Oanh đợi số
cuối cùng đó có đăng bài của mình như một lời vĩnh biệt. Cũng như tôi đâu có ngờ
là Quán Văn vẫn tiếp tục sống hơn mười năm nay. Và, Hoàng Kim Oanh dính liền với
Quán Văn một một định mệnh. Ban đầu, Hoàng Kim Oanh chỉ gởi những bài nghiên cứu văn học. Tiếp
theo là thơ. Và các bài viết khi tản văn, khi truyện ngắn và chủ yếu là các bài
phê bình tiểu luận chân dung văn học theo các chủ đề của Quán Văn. Cuối cùng,
cho đến nay, Hoàng Kim Oanh đã sát cánh cùng tôi chung tay làm những số chủ đề
chân dung văn học, như về Rừng-Kinh Dương Vương, Nguyễn Bắc Sơn, Hoài Khanh,
Nguyên Cẩn, Nguyên Sa, Nguyên Minh, Nguyễn Minh Nữu, Đoàn Văn Khánh, Vũ Trọg
Quang, Trương Văn Dân, Quang Dũng, Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Thị NgH, Trương Vũ, Nguyễn
Thị Thụy Vũ, Tô Thùy Yên, Trần Hoàng Phố-Anh Nga, Trần Hoài Thư, Nhã Ca – Trần
Dạ Từ, Trương Đăng Dung, Võ Hồng, Ban Mai, Nguyễn Thị Hoàng… Cả hai anh em chúng
tôi đều nhất trí cùng một quan điểm là trong văn học không có ranh giới địa lý,
giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội, chỉ có tác phẩm mới giá trị mà thôi.
Sau vụ
Nguyễn Sông Ba và Ngô Thị Mỹ Lệ không còn cộng tác với Quán Văn đã làm tôi buồn
phiền đến nỗi muốn ngừng cuộc chơi. Các anh em ở xa cũng lo lắng là tôi không
thể tiếp tục làm Quán Văn khi mất đi cả hai đồng sự đó. May mắn thay, bên cạnh
Đoàn Văn Khánh, Quang Đặng
và Hoàng Kim Oanh nhập cuộc. Quán Văn khởi sắc hơn xưa.
Hoàng
Kim Oanh sinh năm 1957 tại Sài Gòn, cô từng là nữ sinh Trưng Vương, tốt nghiệp
đại học Sư Phạm, dạy học ở miền Tây trước khi về lại Sài Gòn. Hiện tại cô là Tiến
sĩ Ngữ văn đang tiếp tục giảng
dạy ở trường đại học Huflit sau khi nghỉ hưu ở Đại học Sài Gòn, ngoài ra cô còn đứng lớp vài trường
đại học khác ở tận miền Tây. Nhớ lại trong một chuyến đi về các tỉnh miền Tây, ngang
qua Miệt Thứ, và ngủ lại một đêm ở U Minh Thượng, Vĩnh Thuận Kiên Giang, cả đoàn Quán Văn được sự đón tiếp nồng
hậu của các học trò ngày xưa cách đây
hơn 30 năm với cô giáo trẻ Hoàng Kim Oanh. Nhìn cảnh tượng tình thầy trò gặp
nhau sau bao nhiêu năm tôi mới hiểu dù bây giờ họ đã thành danh có địa vị xã hội, người
bác sĩ, người giáo sư hay quan chức, hay kinh doanh nhưng họ vẫn thể hiện sự tôn kính với
cô giáo đã từng giảng dạy qua những bài văn hay, mang tính nhân văn chưa có trong sách
giáo khoa mà mãi đến bây giờ dù đã lớn tuổi họ vẫn nhớ. Ngay tận bây giờ, trong
những lần ra mắt Quán Văn với đông đảo người tham dự hầu hết là nhà thơ, nhà
văn, nhà nghiên cứu văn học có uy tín, Hoàng Kim Oanh vẫn duyên dáng với giọng
nói rõ ràng đầy truyền cảm đi vào từng chi tiết cốt lõi của chủ đề văn học cần giao lưu. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến tuổi
tác cho dẫu đã bức vào cái quãng bên kia dốc cuộc đời. Văn chương làm chúng tôi không có tuổi.
Hoàng Kim Oanh rất năng nổ từ mọi mặt. Những ngày dịch Covid đỉnh điểm
phải “phong thành”, tưởng như mọi
sinh hoạt của thành phố đều ngưng trệ, riêng Quán Văn lại khác, vốn là giảng
viên đại học có kinh nghiệm gảng dạy online, Hoàng Kim Oanh đã tổ chức được các buổi giao lưu ra mắt online qua zoom. Xúc động làm sao, qua màn hình vi tính chúng tôi lại được thấy mặt nhau giữa mùa dịch, nói với nhau, từ những người khắp tỉnh
thành trong nước, từ những người ở hải ngoại như Mỹ, Ý, Úc, Canada. Hoàng Kim
Oanh thay tôi dẫn chương trình, điều phối nhịp nhàng, đưa anh chị em hào hứng phát biểu làm mọi người không thấy khoảng cách địa lý cứ
tưởng mình đang ngồi sát cạnh nhau ở một quán cà phê nào đó giữa Sài
Gòn…
Ngoài tập san Quán Văn, Hoàng Kim Oanh còn lấn sang những
buổi giao lưu văn học tại Cà phê Thứ Bảy về những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của
nền văn học miền Nam trước năm 1975. Trong một căn phòng chỉ đủ ghế ngồi khoảng
50 khách cách khán đài đặc biệt đặt một chiếc dương cầm lớn cạnh một chiếc bàn
nhỏ, ngổi trên chiếc ghế dựa Hoàng Kim Oanh duyên dáng trong chiếc áo dài màu
tím, cô thao thao bất tuyệt dẫn dắt người nghe vào giang sơn văn học. Giọng nói
của Hoàng Kim Oanh rõ ràng và truyền cảm đủ sức thu hút người tham dự. Suốt hai
tiếng đồng hồ, tôi để ý trong căn phòng nhỏ khách mời hầu hết là những nhà văn
nhà thơ nhà nghiên cứu văn có uy tín tại Sài Gòn lại chịu khó không nói chuyện
riêng mà lại lắng nghe, đó cũng là một điều lạ. Trong ba buổi thuyết trình tại
Cà phê thứ Bảy về nhà thơ, nha văn Nhã Ca đặc biệt có sự tham dự của Lê Thị Sớm
Mai con gái của Nhã Ca – Trần Dạ Từ với tiếng cầm dương cầm cùng những giọng đọc
thơ đầy truyền cảm của Hoàng Kin Oanh Người
đi qua đời tôi không nhớ gì sao người làm tôi xúc động. Ngoài ra Hoàng Kim Oanh có tài tổ chức những buổi giao lưu văn học
chung với các nhóm khác mà không đi lạc đường với chủ trương của Quán Văn. Đó
là trường hợp của buổi giao lưu Phím lụa đàn xưa về thơ-nhạc Tuệ Sĩ. Thật ra từ
lâu tôi cũng muốn Quán Văn làm số về chân dung Tuệ Sĩ nhưng cứ dè dặt chần chừ
vì những lời khuyên của vài bạn văn là chưa đến lúc Quán Văn phải xăm mình.
Tình cờ một người bạn đồng hương của Hoàng Kin Oanh từ Đà Nẵng vào gợi ý với
chúng tôi cùng một số ace văn nghệ sĩ Đà Nẵng tổ chức một buổi đọc thơ và hát
nhạc về Tuệ Sĩ tại Sài Gòn. Hoàng Kim Oanh làm MC, khéo léo đưa chương trình vào quỹ đạo văn học
nghệ thuật như lời nói đầu tiên của tôi xác định chúng tôi chỉ trình bày thơ và
nhạc về Nhà Thơ, dịch giả Tuệ Sĩ mà thôi.
Ngồi ở một góc phòng tôi vẫn hồi hộp sợ ai đó lên phát biểu đi vào lãnh
vực tôn giáo về Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ thì tôi sẽ can thiệp cắt ngay. Không ngờ
anh chị em Đà Nẵng diễn những tiết mục đọc thơ và hát những bài ca của những
tác giả phổ nhạc từ thơ Tuệ Sĩ rất điêu luyện và truyền cảm làm xúc động mọi
người. Một đêm thơ-nhac chủ đề có một không hai, tan rồi mà đêm về ai cũng thổn
thức xúc động. Chính thầy Tuệ Sĩ khi biết tin, cũng ngạc nhiên hòi Thân Trọng
Minh: HKO là ai? Tiếc thay, Hoàng Kim Oanh chưa kịp mang clip thu hình buổi đó
đến tặng thi sĩ Tuệ Sĩ thì người đã qua đời.
Nói đúng ra giữa tôi và Hoàng Kim Oanh rất đồng điệu với cách nhìn và đánh giá công bình bỏ hẳn những định kiến trong lãnh vực văn học nên Quán Văn chúng tôi không phân biệt tuổi tác, giới tính, khoảng cách địa lý, thời gian nên khi Hoàng Kim Oanh gợi ý Quán Văn làm về Nguyễn Thị Thụy Vũ, Tô Thùy Yên, Bửu Nam, Trương Đăng Dung tôi đồng ý ngay, tôi thêm vào Đỗ Lai Thúy. Quán Văn số về Trương Đăng Dung và số về Đỗ Lai Thúy tổ chức buổi giao lư tại viện văn học Việt Nam ở Hà Nội. Mọi việc từ chuyến bay Sài Gòn - Hà Nội, từ khách sạn, từ khâu ẩm thực, từ những buổi gặp gỡ một số anh chị em làm văn chương phía bắc, những chuyến tham quan di tích lịch sử, tthăm nhà Nguyễn Khuyến, Nam Cao… Hoàng Kim Oanh đều chu đáo hoàn tất làm tôi tăng thêm sự tin tưởng và mến mộ. Những người bạn văn của Hoàng Kim Oanh giới thiệu với tôi sau này thành bạn của tôi rất tâm đắc như Văn Giá, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Ngô Thế Oanh, Bùi Phương Thảo... Nhớ về Hà Nội tôi không quên tấm chân tình về họ. Ngược lại những người bạn văn của tôi ở hải ngoại lần lượt Hoàng Kim Oanh khi qua Mỹ đều gặp họ và thân tình ngay như Lữ Quỳnh, Thành Tôn, Phạm Cao Hoàng, Trương Vũ, Phạm Thành Châu, Phạm Văn Nhàn, Tô Thẩm Huy. Bạn văn của Hoàng Kim Oanh cộng với bạn văn của Nguyên Minh làm tăng thêm người viết giá trị cho Quán Văn.
Một người nữ tuổi sắp sĩ 70 mà năng nỗ như Hoàng Kim Oanh là điều hiếm thấy. Để chuẩn bị bài vở cho Quán Văn số tới, tôi gọi điện hẹn đến tòa soạn thì nghe bên kia đầu dây có tiếng cười khẽ trả lời: “Dạ em đang đứng ở Trà Vinh đây. Mai về em ghé.” Sau này tôi không còn ngạc nhiên nữa về những chuyến đi xa của Hoàng Kim Oanh từ mấy tỉnh miền tây, cao nguyên, miền Trung, miền Bắc hay cả địa đầu tổ quốc Việt Nam Trà Cổ Móng Cái…, mà còn bay xa hơn nữa qua Nga, Mỹ, Canada, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển... Một buổi sáng đầu tháng 12, tôi ngồi trước bàn vi tính mở mail đọc bài bạn văn mới gởi công tác với Quán Văn thì chuông điện thoại reo tôi vội bắt máy, hiện rõ khuôn mặt Hoàng Kim Oanh đang nở nụ cười tươi rói, giọng nói rõ ràng: Có người muốn nói chuyện với anh nè.” Tôi chưa kịp hỏi: Ai vậy, thì đã hiện hình Hoàng Kim Oanh đang ôm vai một người đàn bà lớn tuổi, tôi reo lên: Ôi, chị Nhã Ca. Thì ra Hoàng Kim Oanh đang ở Thụy Điển. Lần đầu tiên họ giáp mặt nhau. Từ trước, chị Nhã Ca và Hoàng Kim chỉ mới liên lạc nhau qua điện thoại mà thôi. Chị Nhã Ca cám ơn Hoàng Kim Oanh đã bạo gan đã làm buổi tọa đàm về chân dung nhà thơ Nhã Ca tại Sài Gòn ở salon văn học Cà phê Thứ Bảy sau khi Quán Văn tổ chức buổi ra mắt Quán Văn chủ đề Thuở làm thơ yêu em của Trần Dạ Từ và Nhã Ca. Cả hai buổi giao lưu đó đều có mặt của Lê Thị Sớm Mai. Chi Nhã Ca với tôi là chỗ thân tình từ 1960. Vợ chồng Trần Dạ Từ và NHã Ca gợi ý mời tôi và Hoàng Kim Oanh qua Thụy Điển. Còn đang dự tính cho chuyến đi đó có thêm vợ chồng Trương Văn Dân, Quang Đặng, Hoài Huyền Thanh thì bất ngờ Hoàng Kim Oanh đã qua gặp Nhã Ca rồi. Sẵn dịp trong chuyến đi dựng tượng tri ân Francisco de Pina người giáo sĩ đầu tiên khơi nguồn chữ Quốc ngữ Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng dẫn đầu tổ chức tại Bồ Đào Nha, Hoàng Kim Oanh đột xuất bay qua Thụy Điển.
Nhiều lần
tôi gợi ý Hoàng Kim Oanh nên viết những cảm nhận về nơi Hoàng Kim Oanh đã đặt
chân đến nhất là những vùng đất lạ trên thế giới mà không phải ai cũng có được.
Viết về chân dung tác giả những nhà thơ, nhà văn Hoàng Kim Oanh có cái nhìn sâu
sắc và đồng cảm. Không phải riêng tôi mà các tác giả qua cách viết về họ đều nhất
trí với tôi như Nguyễn Thị Thụy Vũ, Tô Thùy Yên, Đặng Tiến, Trương Vũ, Hoàng Khởi
Phong, Phạm Cao Hoàng, Trần Thanh Cảnh.
Bây giờ
tuổi của tôi quá 80. Sức khỏe đã sút giảm như Trương Văn Dân đã nói: Mỗi lần ra
mắt Quán Văn anh Nguyên Minh như trẻ ra, giảm đi một tuổi, nhưng hôm nay Trương
Văn Dân thốt lên: Anh đã xuống sức. Thật vậy mỗi lần chuẩn bị ra mắt Quán Văn tôi đâm lo lắng trăm
bề, mất ăn mất ngũ, làm đau bao tử, suýt vào bệnh viện. Cách đây một năm trước
bên cạnh tôi còn có Đoàn Văn Khánh ít nhất cũng phụ lo phần sửa lỗi bản in và
làm MC cho những buổi ra mắt Quán Văn, giờ Đoàn Văn Khánh không thể tiếp tục cuộc
chơi vì cơn bệnh nên gánh nặng đổ lên vai tôi và Hoàng Kim Oanh. Nếu không có
Hoàng Kim Oanh năng nổ hổ trợ có lẽ
Quán Văn không còn tiếp tục thường xuyên ra mỗi tháng. Tôi cảm phục sức làm việc dai dẳng không biết
mệt mỏi của Hoàng Kim Oanh, ngoài ra Hoàng Kim Oanh luôn giữ lời hứa mà còn thực
hiện đến nơi đến chốn làm yên tâm mọi người. Không ai ngờ Quán Văn có thể tiếp
tục làm đến số 100 qua 12 năm. Như ngày hội, chào mừng tập san Quán Văn đã hoàn
thành ước mơ đạt đến mốc con số 100, anh chị em các nơi bay về tụ tập đông vui như Ban Mai từ Quy Nhơn, Trần Thị Trúc Hạ từ Đà Nẵng,
Nguyễn Thị Tịnh Thy từ Huế… Hoàng Kim Oanh phối hợp cùng Quang Đặng chuẩn bị
chu đáo đến nỗi cả tôi và khách mời không thấy sự cố trục trặc bởi sự đến quá trễ của tôi. 9 giờ khai mạc
mà tôi còn kẹt ở trường Đại học Văn Hiến đang dự buổi trình luận văn thạc sĩ văn chương về nhà
văn Nguyên Minh, mãi đến 10 giờ mới xong, tôi như ngồi trên đống lửa, Tân con trai tôi chở tôi với
tâm trạng rối bời không yên tới nhà hàng Rose. Tôi ngỡ ngàng bước qua những
hàng ghế dày đặc khách mời. Hoàng Kim Oanh khéo léo dẫn dắt chương trình đúng giờ để
Quang Đặng đưa phần phụ diễn âm nhạc nhằm lấp khoảng trống đợi chờ tôi đến
chính thức mở đầu buổi lễ. Tôi chỉ nói vài lời chào đón ace có mặt, cám ơn sự
đóng nhiệt tình. Còn mọi sự sau đó đều do Hoàng Kim Oanh gánh vác chu toàn.
Một số
bạn thân thân từ thời Ý Thức như Lữ Kiều, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương đều nhận định:
Có Hoàng Kim Oanh tích cực bên cạnh Nguyên Minh thì Quán Văn mới khởi sắc tiếp
tục ra báo định kỳ hàng tháng.
Đúng vậy.
Tôi phải cám ơn Hoàng Kim Oanh rất nhiều.
NGUYÊN MINH