Ngày nhỏ chúng
tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế từ bài La Marseillaise, bài
quốc ca của Pháp. Tôi thuộc cho tới bây giờ, sau nhiều chục năm tôi vẫn còn hát
được. “Thầy đồ ngày xưa quen thói nuôi
móng tay dài / quần trễ tai hồng đỏ đen mực son. Đầu lúc la lúc lắc đảo như lên
đồng / được dăm trẻ ghẻ lở quá hủi phong. / Quát lấy điếu, đem bình phóng ,
bưng cơi trầu. / Nhân chi sơ, người đi trước / ta bảo phải để vào tai dốt đặc. Ở trên đầu thầy có cái chi lúc lắc? Búi tó,
nó to bằng niêu / tính ghét móng tay hằng cân / thọc luôn trong nách, bật tanh
tách hoài / Ngâm thơ thích chí rung đùi”. Nhớ nhưng không chắc có đúng
không, có thể có chỗ không nhớ tôi đã chế
ra. Nhạc chế cũng như ca dao không bao giờ có tên tác giả. Không biết đây là một
bài nhạc chế để chọc quê chính quốc lúc đó đang cai trị Việt Nam hay đùa chơi với
các thầy đồ của một anh học trò không thích tới trường.
Nhạc chế thường
là để mua vui vô thưởng vô phạt. Bản Love Story quá phổ thông, ai trong chúng
ta cũng biết đó là một bản tình ca lãng mạn. Nhưng một ông, có lẽ là dân ghiền
thuốc lá, đã chế ra như ri. “Biết nàng thèm thuốc lá / Tôi có thuốc lào, mời
nàng tức tốc / Nàng đòi thuốc lá, không hút thuốc lào, không hút thuốc lào vì
nàng quý phái / Mặc nàng quý phái tôi vẫn hút hoài mịt mùng khói thuốc / Ôi điếu
thuốc lào / Thế rồi nàng vã quá, nàng đành hút ké, ôm cái điếu cầy nàng ngồi bó
gối / Nàng ngồi bó gối môi mắt mơ màng miệng nàng bốc khói / Miệng nàng chúm
chím, sương khói quanh người lần đầu quá đã / Ôi điếu thuốc lào!”
Tôi vốn mê bản
nhạc này nên nghe bản nhạc chế thấy tội cho hai tác giả Francis Lai và Carl
Sigman, một ông làm nhạc, một ông viết lời. Hai ông này ở xa, chẳng biết có còn
thở trên cõi đời này không nữa, có tội cũng chẳng gửi qua nỗi lòng mình cho hai
ông được. Thôi thì nói chuyện gần hơn một chút.
Tôi rất thích bản
“Thuyền và Biển” thơ Xuân Quỳnh, nhạc Hữu Xuân. Đây là một bài thơ hay của nhà
thơ vắn số. Có lẽ vì bài thơ quá hay nên có tới hai nhạc sĩ phổ nhạc. Nhạc sĩ Hữu
Xuân và Phan Huỳnh Điểu. Tôi thích bài của Hữu Xuân do Diễm Liên hát. Bản nhạc
chế như sau: “Chỉ có tiền mới hiểu / Vợ yêu ta nhường nào / Chỉ có vợ mới hiểu
/ Tiền lương ta là bao. / Những ngày đưa chậm lương / Vợ mặt mày cau có / Những
ngày đưa chậm lương / Tiền chi tiêu thật khó. ? Nếu lỡ tiêu hết rồi / Vợ có còn
êm ái? / Nếu lỡ tiêu thật rồi / Tiền lương ta ai lấy?”
Nhạc chế thường
để mua vui khơi khơi như vậy nhưng nhạc chế nhiều khi cũng ôm ấp nỗi niềm. Khi
còn bị nhốt trong trại tù cải tạo, tôi cũng đã chế nhạc. Ngày đó, sau những giờ
lao động mệt nhọc, buổi tối chúng tôi chỉ muốn nghỉ ngơi. Nhưng cơm nước xong
là những giờ họp tổ, sinh hoạt nhà, học tập kiểm điểm. Cuối cùng là căng miệng
lên hát. Bài hát phổ biến là “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, thơ Phạm Tiến Duật
do Hoàng Hiệp phổ nhạc. Hầu như đêm nào cũng leo lên Trường Sơn nên thấy ớn bà
chè luôn. Một đêm, trằn trọc không ngủ được, tôi chế bản nhạc này, vừa để chọc
quê ông bạn già nằm cạnh có cô bồ trẻ, vừa để tâm sự với chính mình. “ Cùng đứng
ngắm chung một vầng trăng / hai đứa ở hai đầu xa thẳm. / Đường ra về mùa này đẹp lắm. / Người bên đông
nhớ người bên tây. / Ở bên đông anh ăn,
anh ăn khoai sắn hơi nhiều, con đường cải tạo khó khăn gập ghềnh cho đời anh
nát. / Hết rắn rồi anh bắt cóc anh ăn. / Còn bên tây em sống vẫn phây phây / hết
ăn rồi lấy xe đi tìm kép / biết rằng em bắt được kép lạ / chắc em quên đời có
anh rồi. / Em lên xe trời đổ cơn mưa / Chiếc gạt nước xua đi nỗi nhớ / Anh gánh
nước nắng về rực rỡ / Chiếc thùng to nặng trĩu vai xương. / Từ bên anh đưa sang
bên em / Những cơn sầu nhớ nhung dài vạn kiếp / Biết rằng em bắt được kép lạ /
Chắc em quên đời có anh rồi!.
Trí nhớ tôi thật
tệ. Tác giả không chắc còn nhớ đúng được “tác phẩm” của mình. Bài này không
theo “truyền thống” của nhạc chế là không có tác giả. Một bài khác cũng có tác
giả đàng hoàng. Bản nhạc rất nổi tiếng: “Hà Nội Mùa Này Vắng Những Cơn Mưa” của
Trương Quý Hải. Năm đó Hà Nội lụt, “phố cũng như sông”. Nhiều người có máu tếu
cao độ đã đổi tên Hà Nội thành Hà Lội! Có hai người đã chế bản nhạc này. Điều
ngộ nghĩnh nằm ngay trong tên của bản nhạc. Hà Nội vắng những cơn mưa mà mưa thối
đất. Hai anh Trương Công Sáng và Trần Chí Hiếu lội mưa ngán quá bèn nảy ra ý chế
bài hát của bạn. Hai anh vốn thân tình với tác giả Tương Quý Hải. Hứng đã có, họ
“sáng tác” rất nhanh. Anh Trương Công Sáng cho biết: “Ngày ấy Hà Nội bị ngập,
mình và Hiếu sau khi lội nước tới cơ quan thấy ai cũng xôn xao về việc ngập lụt
nên Hiếu mới nảy ra ý tưởng “Chế lời bài hát đi anh”. Tôi ngại bản quyền, Hiếu
lại bảo: “Sợ gì, lôi bài ông Hải ra chế cho lành!”. Chúng tôi sáng tác và hoàn
thiện cũng rất nhanh, chỉ khoảng 30 phút. Khi anh Hải đến chúng tôi cho nghe thử.
Chỉ thấy anh vừa nghe vừa vỗ đùi đen đét khoái chí”. “Hà Nội mùa này phố cũng
như sông / Cái rét đầu đông chân em run ngâm trong nước lạnh / Hoa sữa thôi
rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố / Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng
/ Hà Nội mùa này chiều không có nắng / Phố vắng nước lên thành con sông / Quán
cóc nước dâng ngập qua mông / Hồ Tây, giờ không thấy bờ / Hà Nội mùa này lòng
bao đau đớn / Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay / Cho đến đêm qua lạnh đôi chân / Giờ
đây lạnh luôn toàn thân / Hà Nội mùa này phố cũng như sông / Cái rét đầu đông
chân em thâm vì ngâm nước lạnh / Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố
/ Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng / Hà Nội mùa này người đi đơm cá /
Phố vắng nước lên thành con sông / Quán cóc nước dâng ngập qua mông / Hồ Tây
tràn ra Mỹ Đình / Hà Nội mùa này lòng bao đau đớn / Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay
/ Cho đến đêm qua lạnh đôi chân / Giờ đây lạnh luôn toàn thân”. Tác giả bài hát
chính quy Trương Quý Hải nói về đứa “con lai” của mình: “Phải nói là tôi thật bất
ngờ về sự sáng tạo của các bạn trẻ bây giờ. Và cũng đúng như Sáng nói, tôi cũng
bị các bạn trẻ làm cho phải cười ra nước mắt. Mỗi bài phù hợp với một ngữ cảnh,
không thể đem ra so sánh. Bài hát chế thì phù hợp với cài ngày lụt lội đó.
Trong cái khó khăn có một tiếng cười chia sẻ, để quên đi cái vất vả, để tìm thấy
cái lạc quan thì bài hát chế cũng có giá trị riêng và hướng tới một đối tượng
riêng”.
Nhạc chế cũng
có đời sống riêng của chúng. Đó là một thứ văn nghệ dân gian, được phổ biến rộng
rãi chỉ bằng truyền khẩu giúp cho mọi người có được những giây phút giải trí.
Trên thực tế lời của các bản nhạc chế đi ngay vào sự kiện, không vòng vo tam quốc,
thấm ngay vào lòng người. Đó là những lời kề cận của người sống trong cùng một
hoàn cảnh, chung một nhịp đập của con tim. Dân miền Nam đã trải qua cuộc đổi đời
mãnh liệt vào tháng 4/1975. Nhạc chế không bỏ qua biến cố đau thương này.
Bài “Túp Lều Lý
Tưởng” của Tôn Nữ Trà Mi, một bút danh khác của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, là bài
hát quen thuộc của dân miền Nam. Đôi song ca Hùng Cường - Mai Lệ Huyền đã làm
mưa làm gió với bài này trên truyền thanh truyền hình trước 1975. Khi Sài Gòn
được “giải phóng” bản nhạc chế đã phát hết tác dụng. Dân Sài Gòn nghe mà mát bụng.
“Từ ngày giặc Mỹ vô đây mình cất nhà lầu / Từ ngày giặc Mỹ vô đây mình sắm xe
hơi / Từ ngày giặc Mỹ vô đây mình sắm Honda / Lâu lâu mình sắm cái lò ga, lâu
lâu mình sắm cái đồng hồ / Dần dần mình sắm sắm luôn người yêu / Từ ngày giải
phóng vô đây mình bán nhà lầu / Từ ngày giải phóng vô đây mình bán xe hơi /
Từ ngày giải
phóng vô đây mình bán Honda / Lâu lâu mình bán cái lò ga / lâu lâu mình bán cái đồng hồ / dần dần mình bán bán luôn cái cầu tiêu / Đó là lý
tưởng của bác và của anh / anh mang vào trong Nam / Bắt người dân nghèo phải
đói khổ phải lầm than”.
Dân chúng Sài
Gòn ngày đó có nghề “chà đồ nhôm”. Nhìn quanh nhà có chi mại được là khuân ra
chợ trời. Khách hàng là những anh bộ đội “giải phóng”. Còn chi cay cú hơn là
dùng ngay bài “Giải Phóng Miền Nam” chế thành giải phóng đồ nhà. “Giải phóng
vào đây, chúng ta cùng bán hết ráo / Còn cái cát xét cũng ra chợ cũ bán nốt /
Ôi! ti vi, máy may nhà mình xài mấy đời: đem bán cho bộ đội kiếm tiền / Ðây bếp
ga, quạt máy / Kia quần tây, sơ mi cứ vậy mà chúng ta đem ra bán dần”.
Bán mãi cũng hết,
dân miền Nam đã phải trải qua thời kỳ đói vàng mắt sau ngày “giải phóng”. Ông
Trần Long Ẩn là nhạc sĩ của phía bên thắng trận nhưng không thắng nổi lòng dân.
Trần Long Ẩn có bài ca rất nổi tiếng, sau 30/4 được phổ biến rộng rãi trên các
phương tiện truyền thông, bài “Tình Đất Đỏ Miền Đông”. Không bao lâu sau, bài
hát đỏ này được chế lời, nói lên nỗi bực dọc của người dân đói rạc người. “Ai
đã ăn mì và khoai giá rẻ / Ăn mấy bữa thì mặt mũi xanh lè / Để heo ăn thì heo
mau lớn / Cho người ăn thì… mau sớm vô nhà thương / Ai đã ăn mì và khoai giá rẻ
/ Ăn mấy bữa thì bị ghẻ tưng bừng / Ghẻ tới lưng rồi… chui qua mông… đít / Vô
nhà thương ngồi… xin thuốc đem dzìa xoa / Tổ Quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá! /
Nhà nước ơi, sao ăn độn hoài hoài / Từ giải phóng vô đây, không thấy mặt hột
cơm …”
Chuyện ăn độn,
khi thì khoai sùng, khi thì sắn nổi gân máu, khi thì bột mì mốc, khi thì bo bo
là chuyện tôi đã từng cùng đồng bào tôi trải qua. Bài “Gia Tài Của Mẹ” của Trịnh
Công Sơn được cho dính đầy khoai sắn.
“Một ngàn năm
ta đuổi thằng Tàu / Một trăm năm ta đuổi thằng Tây / Hai mươi năm đuổi Mỹ từng
ngày / Gia tài của mẹ: gạo độn ngô khoai / Gia tài của mẹ: gạo mốc dài dài / Dạy
con đeo răng sắt mà nhai / Dạy con mua thuốc đau dạ dày / Ăn sắn con thành chai
/ Ăn sắn tiêu hình hài”.
Bản “Lên Đàng”
của Lưu Hữu Phước là một bản nhạc hùng thường được hát trong những dịp họp mặt
của giới trẻ, nhất là trong các sinh hoạt của Hướng Đạo. Bản nhạc có từ thời
kháng chiến, thời mà tác giả bản nhạc say sưa với các phong trào thanh niên. Bản
nhạc chế cũng “lên” nhưng là lên tàu vượt biên. “Nào anh em ta cùng nhau mua
ghe đóng tầu / Kiếm thuyền 3 bloc / Ta
cùng vượt biển bái bai quê hương rủ nhau qua Mỹ lưu đày / Ðoàn ta chen vai sợ
chi công an, biên phòng…”
Cái thời mà
trong đầu mỗi người dân đều có một ông quan xưa rồi, thời nay trong đầu mỗi người
dân đều có một chiếc ghe. Có tiền thì chạy đôn chạy đáo mua một chỗ ngồi trên
những con thuyền ra khơi. Không có tiền thì canh me cốt sao cho thoát khỏi…quê
hương. Quê hương chỉ còn là những ngày vàng con mắt, chặt con tim chẳng ai còn
muốn lưu luyến. Hầu như mọi tầng lớp, mỗi người đều có tiểu sử trong đó có mục
“vượt biên”. Bản nhạc nổi tiếng “Tàu Về Quê Hương” của Hồng Vân được quay mũi
lái thành tàu rời quê hương. “Quê hương thanh bình mà sao ta sống không yên /
Đưa nhau lên tàu vượt biên em thấy vui hơn / Vượt biên mình đóng ba cây / Vượt
biên mình tới Ga-lăng / Vượt biên mình tới Bi-đông làm thân tị nạn / Không ai
cho vàng mình đi theo lối canh me / Canh me không thành mình đi theo ngã Cao
Miên / Vượt biên mình kiếm tương lai /Vượt biên mình kiếm đô la / Rồi mai mình
lấy visa, làm thân Việt kiều”.
Đi hay về, Trịnh
Công Sơn đã dùng dằng trong “Một Cõi Đi Về”. Không “đi” được, không yên phận “về”,
thôi thì bia ôm cho quên phận của một tên lạc bày giữa quê hương. “Bao nhiêu
năm rồi còn mãi bia ôm / Ôm nhau loanh quanh cho đời đỡ mệt / Em ơi! Bia ôm tha
hồ chặt đẹp / Tình ái lăng nhăng – Một cõi đèn mờ / Lời nào của bia – Lời nào của
rượu / Đùi nào của em – Đùi nào của bạn /
kế bên / Một thùng vừa bay – Một thùng vừa cạn / Ngồi vào lòng nhau cho
vui trọn vẹn
/ Tối
ngày / Nhân dân chi tiền thì cứ bia ôm / Ai không bia ôm vô cùng khờ dại / Ta
đi bia ôm cho đời trẻ lại / Kệ bố nhân dân dù đói hay nghèo”.
Tác giả của một
nhạc phẩm bị chế lời chắc không vui khi đứa con tinh thần của mình bị lai căng.
Cứ như một tổ chim bị tu hú ghé bàn tọa vào đẻ nhờ. Chim tu hú không biết làm tổ
nên phải đẻ trứng vào tổ chim khác. Tác giả các bản nhạc chế, thường là vô
danh, cũng đã mượn đỡ những bản nhạc nổi tiếng để gửi gấm tâm sự mình. Tôi
không sáng tác nhạc nên không biết các nhạc sĩ sáng tác có nhạc bị chế cảm nghĩ
ra sao. Nhưng thiết nghĩ họ nên vui vì nhạc mình có được nhiều người ê a, thì
nhạc chế mới chọn để làm chốn nương thân.