Sinh ngày 1 tháng 9 năm 1940 tại Lillebonne, Pháp;
con gái của Alphonse và Blanche; kết hôn với Philippe Ernaux, 1964 (ly dị,
1985); các con: Eric, David.
Học vấn: Đại học Rouen, Tổng hợp Văn học Hiện đại
(Pháp), 1971. Tiểu thuyết gia và người viết hồi ký. Từng là giáo viên dạy tiếng
Pháp cấp hai ở Haute-Savoie và vùng Paris, 1966–77; Center National
d'Enseignement par Correspondance, giáo sư, 1977–2000.
Theo nhà phê bình James Sallis, viết trong Đánh
giá về tiểu thuyết đương đại, “mỗi cuốn sách đều quay trở lại diễn giải, sửa
chữa, bổ sung và đầu tư lại những cuốn trước đó." Sallis tiếp tục lưu ý rằng
tác phẩm của Ernaux, "với sự mờ nhạt của các yếu tố hư cấu, tự truyện và
thú tội, của tính diễn ngôn và tính đại diện, hầu như dẫn chúng ta đến từng câu
để đặt câu hỏi về ranh giới được cho là giữa tìm kiếm và tạo ra, tái tạo và
sáng tạo; để đặt câu hỏi về khái niệm của chính văn học."
Ernaux là tác giả của một số tiểu thuyết tự truyện
ngắn được khen ngợi vì sự khám phá trung thực một cách hấp dẫn về cảm xúc con
người cũng như phong cách văn xuôi trau chuốt, uyển chuyển. Như Sonja Bolle đã
nhận xét trong Los Angeles Times Book Review, "Khi Annie Ernaux ngồi xuống
viết, giống như thể bà ấy đã rửa tay cẩn thận, bật chiếc đèn bàn sáng chói và
đang xem xét một cổ vật quý hiếm dưới kính lúp. " Và Maria Simson đã nhận
xét trên Publishers Weekly, "Tất cả các nhà văn đều vẽ về cuộc sống của
chính họ trong tác phẩm của họ, nhưng ít người đặt quá khứ của họ vào kiểu kiểm
tra không nao núng như Annie Ernaux." Trong khi đó, Kathryn Harrison, viết
trên tờ New York Times Book Review, đã gọi Ernaux là "kiểu nhà văn thực
hành giải phẫu sinh vật. Bằng lời nói, bà mở ra một cuộc đời... bà đã khám phá
và xem xét một cách lạnh lùng tuổi trẻ và những nỗ lực của bà để thoát khỏi sự
sỉ nhục về thế giới cổ xưa của cha mẹ đối với lĩnh vực học thuật dường như hiếm
có…" Simson trích lời Ernaux khi mô tả cách tiếp cận viết lách của cô ấy
theo cách này: "Tôi không cố gắng viết một cuốn tự truyện thực sự. Tôi
không tin rằng những cảm xúc, trải nghiệm, cuộc gặp gỡ xảy ra với tôi là thú vị
bởi vì chúng xảy ra với tôi. Thay vào đó, chúng là những điều xảy ra với một
người, người tình cờ là tôi."
(Trích Encyclopedia.)
Truyện Ngắn
Trở Về
Returns
Bản Anh ngữ: Deborah Treisman
Lần cuối cùng tôi gặp mẹ tôi ở nhà bà, vào tháng Bảy,
một ngày Chủ nhật. Tôi đến đó bằng tàu hỏa. Tại Motteville, ngồi trong nhà ga rất
lâu. Trời nóng. Yên lặng, cả trong khoang và bên ngoài. Tôi nhìn ra cửa sổ đang
mở; khung trời trống rỗng. Ở phía bên kia của S.N.C.F. rào chắn đường sắt, đám
cỏ cao gần như chạm vào những cành cây táo thấp nhất. Đó là lúc thực sự có thể
cảm thấy tôi đang tiến gần tới C. và sẽ
gặp mẹ tôi. Tàu tiếp tục đến C. với vận tốc chậm dần.
Rời khỏi nhà ga, tôi nghĩ mình đã nhận ra nhiều
khuôn mặt khác nhau, mà không thể nhớ tên cho bất kỳ ai trong số họ. Có lẽ tôi
chưa bao giờ biết tên. Trời bớt nóng nhờ có gió. Ở C trời luôn luôn gió. Mọi
người, kể cả mẹ tôi, đều tin rằng ở C. trời lạnh hơn những nơi khác, ngay cả những
nơi chỉ cách đó năm kilô mét.
Tôi không dùng taxi đậu trước khách sạn đường sắt, như
ở bất cứ nơi nào khác. Ngay sau khi đến C., tôi quay lại kiểu ngày xưa: taxi là
để rước lễ, đám cưới và chôn cất. Không có lý do gì để tiêu tiền như vậy. Đi bộ
lên Rue Carnot, đến trung tâm thị trấn. Tại tiệm bánh đầu tiên, tôi mua bánh ngọt,
bánh éclairs và bánh táo - loại mà mẹ thường bảo tôi mang về nhà sau Thánh lễ
giữa trưa. Mua thêm một ít hoa, gladioli, loại này giữ được rất lâu. Cho đến
khi tôi đến khu nhà ở nơi bà sống, tôi không nghĩ gì ngoài việc, tôi sẽ gặp lại
mẹ đang chờ đợi tôi.
Tôi gõ lên cánh cửa hẹp căn hộ một phòng ngủ ở tầng
trệt. Bà lên tiếng, “Vâng. Mời vào!"
"Con
nên khóa cửa lại!"
“Mẹ biết
đó là con. Không có ai có thể khác hơn được."
Mẹ không mặc tạp dề, tô son,
cười nói, đứng cạnh bàn. Bà đặt tay lên vai tôi, ngửa mặt lên cho tôi hôn. Cùng
lúc đó, bà đưa ra những câu hỏi về chuyến đi, những đứa trẻ, con chó. Bà không
trả lời tôi. Luôn luôn sợ mình nhàm chán khi nói về bản thân. Sau đó, bà lặp lại,
như thường lệ, “Mẹ thoải mái ở đây. Không thể tốt hơn nữa” và“Mẹ
không có gì phàn nàn.” TV bật mà không có âm thanh, chỉ có hình mẫu thử
nghiệm trên màn ảnh.
Bà cầm lấy hoa gladioli, có vẻ
hơi bất an, cảm ơn với giọng giả tạo.
Tôi quên mất: việc tặng hoa từ người bán hoa dường gây ra ảnh hưởng quá trang
trọng đối với bà, làm tổn thương cảm xúc. Cứ như thể tôi đang quấy rầy bà, như
thể tôi quấy rầy một người lạ, không phải trong gia đình. Những chiếc bánh làm bà
hài lòng, nhưng bà đã mua một ít trên đường về sau thánh lễ, cho chúng tôi mang
theo khi ra về.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau ở
chiếc bàn mà bữa tiệc buffet đã gần như lấp đầy căn hộ. Tôi nhớ những gì mẹ đã
nói trong lần đầu tiên tôi đến thăm sau khi bà dọn vào: "Mẹ đã mua bàn lớn
— có thể ngồi ít nhất mười người!" Không có một lần nào, trong sáu
năm. . . . Tuy nhiên, bà đã che bàn bằng chiếc khăn dầu để không làm bàn hư hỏng.
Mẹ hụt hẫng, như thể không biết
phải bắt đầu từ đâu trong số tất cả những điều chúng tôi phải nói đến. Trong
studio hơi tối và có mùi nhẹ; bà đã không hé cửa đủ cho gió vào. Khi tôi còn là
một đứa trẻ, bà thường dẫn đi thăm một số bà già vào Chủ nhật. Rời khỏi nhà họ,
bà hít không khí: “Ở nhà người già luôn có mùi ẩm mốc - họ không bao giờ mở
cửa sổ”. Bởi vì bà thường nói điều này, tôi không mong đợi bà trở thành một
trong những người như vậy.
Mẹ nói về thời tiết ở C. vào
mùa xuân và những người đã chết kể từ chuyến thăm cuối cùng của tôi, cáu kỉnh với
việc tôi không nhớ họ, điều mà bà cảm thấy là cố ý— “Đó là điều con không muốn
nhớ.” Kể nghe hết chi tiết này đến chi tiết khác, cho đến khi tôi có thể hiểu
người ấy là ai, ví dụ như người này sống ở đó, có con gái đi học cùng với tôi,
v…v…
Chúng tôi đặt bàn ăn lúc mười
hai giờ mười lăm phút. Lần cuối cùng, bà đã đợi đến mười hai rưỡi. Bà tăng tốc
độ cho mọi việc. Có lúc, nói rằng những ngày thời tiết đẹp đẽ sẽ sớm qua nhanh.
Trong khi tìm kiếm khăn ăn, thấy
một chồng tạp chí lãng mạn ở phía sau quầy buffet. Tôi không nói gì về chúng,
nhưng bà đoán tôi đã nhìn thấy. “Những cuốn tạp chí nhỏ đó — Paulette đưa
chúng cho mẹ, nếu không, con biết mà, mẹ sẽ không đọc. Đó là tất cả những gì cô ta đọc, những câu
chuyện vặt vãnh chẳng ra gì." Vẫn sợ rằng tôi sẽ chỉ trích thói quen đọc
sách của bà. Tôi gần như đã nói rằng không thành vấn đề nếu bà thích Nous Deux
hơn là Malraux, vừa mượn từ thư viện công cộng. Mẹ sẽ không vui nếu tôi nghĩ, bà
không có khả năng đọc những thứ mà tôi đã đọc.
Bữa ăn trôi qua trong im lặng.
Đôi mắt bà nhìn vào đĩa của mình, những chuyển động hơi cẩu thả của bà như một
người quen ăn một mình. Bà không chịu để tôi rửa chén đĩa. "Có việc gì
để mẹ làm sau khi con ra về?"
Mẹ đang ngồi thẳng trên ghế,
khoanh tay. Tôi chưa bao giờ thấy bà di chuyển cơ thể một cách tự nhiên, thoải
mái; không bao giờ luồn những ngón tay nhẹ nhàng qua mái tóc, không bao giờ luồn
tay vào trong đường viền cổ áo khi đang đọc sách. Những cử chỉ bị bỏ rơi duy nhất
là biểu hiện sự mệt mỏi: duỗi tay qua đầu, ngồi thụp xuống ghế, hai chân dang
ra trước mặt. Khuôn mặt mẹ bớt cứng rắn hơn trước đây, bớt căng thẳng cần thiết
để vượt qua cuộc sống. Đôi mắt xám luôn nghi ngờ điều gì tồi tệ nhất của tôi,
dán chặt vào tôi với một sự mềm mại đói khát. Mẹ đã đếm từng ngày, đã tự nhủ
vào buổi sáng, hôm nay là ngày tôi đến,
và bây giờ đang ở đây, hai chúng tôi, và một nửa thời gian đã trôi qua. Giọng
điệu của chuyến thăm là vui tươi và tử tế. Còn giọng điệu, bạo lực từ năm tôi
mười lăm tuổi, sẽ không quay trở lại. "Đồ bò, đồ chó, tao bực tức đến
chết vì mày." “Con sẽ bỏ nhà đi ra khỏi đây.” "Mày sẽ vào tù, đồ ngốc
vô dụng."
Mẹ cố gắng đưa ra nhiều đề tài
trò chuyện để tôi không thể bỏ đi quá sớm, bỏ mặc bà với mong ước dành cho tôi,
khao khát được sống với tôi, con gái của bà, mãi mãi. “Paulette đã mang cho
mẹ một ít quả lý gai. Con sẽ không thể tưởng tượng ngon như thế nào. Cũng đúng,
vì giờ này là mùa trái cây. Nhắc mẹ cho con một ít trước khi về.” Paulette
- người hàng xóm trước đây bằng tuổi tôi - đến gặp bà hàng tuần; Paulette chưa
bao giờ rời khỏi C.
Có lẽ, nghe được tiếng xe hơi
từ xa trên con đường chính, một chiếc radio trong căn hộ bên cạnh, đang phát
sóng giải Tour de France.
"Thật
là yên bình."
“Ở đây
luôn yên bình. Chủ nhật là những ngày yên tĩnh nhất ”.
Nhiều lần mẹ đã khuyên tôi nên
nghỉ ngơi một chút trong kỳ nghỉ hè. Câu nói từng làm tôi kinh hoàng nhất là
khi than phiền, tôi không biết phải làm gì: “Nghỉ ngơi một chút đi.” Một
lần nữa, tôi cảm thấy sự khó chịu ập đến, nhưng lời nói của bà không còn ảnh hưởng
đối với tôi nữa. Ký ức chỉ trở lại theo cách đài phát thanh thể thao ngày Chủ
nhật và chiếc bánh táo mang đến. Tôi cảm thấy sự nhàm chán mùa hè ở C., chỉ đọc sách từ sáng đến tối;
Các bộ phim Chủ nhật, hạn chế hoặc chỉ dành cho người lớn, trong rạp chiếu
Mondial, ba phần tư ghế trống, trong khi mẹ nghĩ tôi đang đi “dạo mát” với một
người anh họ lớn tuổi; trò chơi của trẻ em tại hội chợ đường phố dành cho các
doanh nghiệp địa phương; vũ trường công cộng mà tôi không dám vào.
Vào giữa buổi chiều, một con
mèo xuất hiện trên bệ cửa sổ của gian bếp nhỏ. Bà nhảy lên khỏi ghế bành để cho
nó vào, một con mèo "nuôi" mà mẹ cho ăn, ngủ trên giường vào ban
ngày. Bà tỏ vẻ hạnh phúc nhất kể từ khi tôi đến đây. Con mèo khiến chúng tôi bận
rộn trong một thời gian dài — quan sát nó, thay phiên nhau ôm nó. Bà kể lại tất
cả những mánh khóe của nó; "Con lợn nhỏ" vuốt rèm cửa, và thậm
chí cả cổ tay bà, nơi có sọc đỏ ở hai nơi. Như trước đây, bà vẫn nói, "Mọi
sinh vật đều đẹp." Dường như, mẹ đã biết rằng tôi sẽ ra đi.
Vào phút cuối, bà lấy một mẫu
đơn cần điền gấp cho Sở An sinh Xã hội.
“Con
không có đủ thời giờ. Chỉ cần đưa đây rồi con sẽ gửi đơn lại mẹ. "
“Không mất
nhiều thời giờ đâu. Con chỉ cần 5 phút là đến được nhà ga. "
"Con sẽ trễ chuyến tàu."
“Con
không bao giờ trễ cả. Luôn luôn có thể lấy chuyến tiếp theo ”.
Mẹ sắp khóc và kết luận với
thói quen "Chuyện này sẽ làm mẹ rất buồn."
Sau khi hôn tôi ở cửa, mẹ cố gắng
tiếp tục nói chuyện. Hình ảnh cuối cùng của bà: ở ngưỡng cửa, những cánh tay
tròn trịa ôm lấy hình bóng nặng nề của mình trong chiếc váy màu vàng - chiếc
váy đẹp nhất, ôm sát lấy ngực và bụng - một nụ cười rộng và cố định. Lần này, một
lần nữa, tôi cảm thấy mình đã ra đi một cách tàn nhẫn, một cách hèn nhát.
Đi con đường ngắn nhất đến ga xe
lửa, con đường đi qua trạm Shell. Ở đó, ngày xưa, tôi dừng lại để chuẩn bị tinh
thần cho cái nhìn thẩm vấn của mẹ khi tôi trở về từ rạp chiếu phim, chuẩn bị
tinh thần, lau sạch những gì còn sót lại trên son môi. Mọi người sẽ nghĩ gì về mình?
Trên tàu, tôi không thể không
tưởng tượng ra bà, đang rửa bát trong sự im lặng đơn chiếc, mọi dấu hiệu về sự
hiện diện của tôi sớm bị xóa bỏ. Tôi nhìn C. biến mất — những tòa nhà Sernam,
nhà ở của công nhân đường sắt bên cạnh đường rầy.
Một tháng sau, tôi về gặp mẹ. Bà bị say nắng sau thánh lễ và đưa vào bệnh viên ở C. Tôi mở cửa cho không khí vào căn hộ, sắp giấy tờ trong tủ chén đĩa, ném những thứ dễ hư hỏng trong tủ lạnh. Trong ngăn rau quả, thấy một cái túi ni lông thắt nút ở trên cùng, là những quả lý gai mà tôi đã quên lấy lần trước, giờ đây chỉ còn một đống chất lỏng màu nâu.