Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời
của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của
anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người,
chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi,
chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một
kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những
dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Hãy đọc nỗi buồn của người mẹ
khi xa con và niềm vui khi nhận được tin con, trong truyện Quà Giáng Sinh Bất
Ngờ, trong sách anh mới ấn hành nơi trang 81, trích:
"Những đêm nằm nhớ con, tôi dần dần thấy tại sao tôi cứ
cột chặt vào mình cái tâm tự ái, cao ngạo, cố chấp, ngay đối
với con ruột duy nhất của mình; tôi đã mất cha, mất mẹ, mất chồng, sao nay lại
ngu xuẩn đẩy con đi xa, lỡ ra sông nước
hiểm nguy… Có phải tôi tự mình làm mình trở thành kẻ cô quả; số mệnh nào đâu, tự
mình thôi. Tôi vùng dậy, viết ngay một bức thư dài, gởi cho con, nói mẹ xin lỗi
con đã bỏ bổn phận làm mẹ; mẹ có lỗi với ông bà nội, với cha con.
Một tuần sau, con tôi gọi điện
thoại trực tiếp cho tôi, hai mẹ con cùng khóc. Nó nói sẽ sắp xếp về thăm mẹ.
Tôi như hồi sinh từ một cơn bạo bệnh. Tôi viết thư thường xuyên cho con, tưởng
như nó vẫn ở bên tôi..." (ngưng trích)
Đào Ngọc Phong không phải là
người xa lạ với chữ nghĩa: ông tốt nghiệp Cử nhân Triết học Tây phương tại Đại
Học Văn Khoa năm 1964, và cũng từ mái trường Đại học đó, ông tốt nghiệp Cao Học
Triết học Tây Phương. Những gì ông học và nghiền ngẫm về Triết học Tây phương
đã cho ông một văn phong gãy gọn, dễ hiểu, không mơ hồ và một bầu không khí
trong văn rất nhân bản, đầy tình người. Đời sống phong phú đã làm ngòi bút của
ông đầy sức mạnh: Đào Ngọc Phong sinh năm 1941 tại tỉnh Hòa Bình, học Trung Học
Chu Văn An Hà Nội 1953-54, học Trung Học Nguyễn Trãi Sài Gòn 1954-1956, học
Trung Học Chu Văn An Sài Gòn 1957-1960. Đào Ngọc Phong học Đại Học Văn Khoa Sài
Gòn hai lần: 1961-1964, học Cử Nhân Triết học Tây Phương; và 1965-1974, học Cao
Học Triết học Tây Phương. Năm 1965-1975: Dạy học. Từ 1991: định cư tại Hoa Kỳ,
tiểu bang California.
Không chỉ suy tư về Triết học,
anh cũng là một nhà thơ, nhưng là thơ diễn giải về kinh điển. Đào Ngọc Phong là
tác giả các sách đã in:
. Quan Điểm Nhị Nguyên Qua Lý Thuyết về Giấc Mơ của
Sigmund Freud, tiểu luận Cao học Ban triết học Tây phương Đại học Văn Khoa Sài
Gòn, 1974.
. Lý Thuyết của Sigmund
Freud về giấc mơ (in tại California, 1997).
. Thơ Kinh Diệu Pháp Liên Học,
in tại Việt Nam 2007.
. Về Dưới Cội Bồ Đề, Ký Sự
Hành Hương Mười Ngày Trên Xứ Phật.
. Thơ Kinh Hoa Nghiêm, in tại
Việt Nam, 2010.
. Thơ Kinh Kim Cang, in tại
VN, 2012.
Nơi đầu bài, chúng ta nói rằng
nhà văn Đào Ngọc Phong viết về những mẩu chuyện trong đời, nhưng khởi đầu tuyển
tập lại là một truyện rất siêu thực, rất tâm linh, và rất buồn, một anh lính
VNCH đi tù cải tạo, tình cờ làm bạn với hai hồn ma: hồn ma đầu tiên là Patrick,
binh nhất quân đội Mỹ, hồn ma thứ nhì tên Thuần, thiếu úy quân đội Bắc Việt. Cả
hai đều chết trong Cuộc Chiến Việt Nam. Còn nhân vật chính tên là Mường, trong
truyện thường ghi là “hắn” với kiểu kể truyện khách quan nhìn về ngôi thứ ba.
Truyện Bóng Ma Trong Rừng
Buông, nơi trang 17 của tuyển tập, ghi lời Mường, trích: “Nghĩ cho cùng ba đứa
mình bị ba guồng máy kinh địch nhau cuốn vào chứ làm người ai mà muốn bắn giết
nhau. Bố mẹ các cậu cũng như bố mẹ tớ có ai muốn ba đứa trẻ cầm AK M16 chĩa vào
tim nhau mà bắn đâu. Nếu không chết trẻ thì Thuần có thể thành một nhà triết học
nhân bản, Patrick có thể thành một Hemingway giúp ích cho loài người sống hòa
bình hạnh phúc hơn."
Truyện Bóng Ma Trong Rừng
Buông cũng là truyện có nhiều đối thoại tràn ngập lý luận, về Đệ Tam Quốc Tế, Đệ
Tứ Quốc Tế, về Lenin, về Trotsky, và đủ thứ triết học làm nhức đầu cho cả ma và người. Có thực
ma hiện lên để nói chuyện triết lý phản chiến? Nếu thực sự có chuyện ma hiện hồn
lên để tâm sự về cuộc chiến, thì ban đêm tại Việt Nam sẽ không thể nào im vắng như
xưa nay, mà chúng ta hẳn đã thấy cả triệu hồn ma hiện lên mỗi đêm để lang
thang, biểu tình, hô hào phản chiến.
Trong Lời Nói Đầu, nhà văn
Đào Ngọc Phong có lời tâm sự, nơi trang 5 của tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời:
"Trong một khung cảnh
lịch sử chung, có ngàn vạn số phận riêng của từng cá nhân, gia đình, tập thể.
Những tên, tuổi, hoàn cảnh của những nhân vật được kể trong NHƯNG MẨU CHUYỆN ĐỜI
sau đây không chỉ bất cứ ai trong đời thực, mà chỉ là những phương tiện để diễn
đạt câu chuyện.
Tuy nhiên trong một vài trường
hợp đặc biệt, số phận của một cá nhân tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác cho tác
giả. Ngoài ra, tác giả kính mong quí độc giả rộng lòng tha thứ nếu có sự trùng
hợp ngẫu nhiên ngoài ý muốn."
Không chỉ là bàn chuyện triết
lý, Đào Ngọc Phong cũng kể chuyện thực trong cộng đồng, người thật, việc thật,
đặc biệt là về những người khởi đầu xây dựng các văn phòng bán vé phi cơ, hướng
dẫn tour du lịch. Trong những năm rất xa xưa, sau khi nhà nước Việt Nam mở cửa
đón du khách, một lần, trong thập niên 1990s, khi tác giả Đào Ngọc Phong dẫn
đoàn du khách về thăm Hà Nội, bài viết “Lời Tạ Ơn Muộn Màng” trang 62-63 ghi lại
một hình ảnh rất buồn của quê nhà, trích:
"Có lần từ một khách
sạn, tôi vẫy một xe xích lô ra hồ Hoàn Kiếm. Tôi ước tính đường xa chắc phải trả
10 đô la. Ông phu xe mặc quần áo tồi tàn đạp chiếc xích lô cũ kỹ, ghế ngồi
không có nệm, chỉ vài thanh gỗ đen xỉn.Ông nói : “Xin ông cho con năm chục ngàn”. Tôi sững người
vì hai điểm; giá quá rẻ chỉ hơn hai đô la; tại sao ông ta lại xưng “con” với tôi?
"Trông nét mặt ông ta
chỉ khoảng 50 tuổi là cùng; không lẽ tôi già quá chăng? Hồi đó tôi mới chỉ hơn
sáu mươi. Theo kinh nghiệm cảnh giác, tôi yên lặng ngồi xe không hỏi han gì
trên đường đi. Biết đâu ông ta là một công an chìm đóng vai phu xe theo dõi những
người từ nước ngoài về, nhất là từ Mỹ. Khi xuống xe, tôi lịch sự cám ơn và trả
ông ta mười đô la. Trên gò má cao khắc khổ, tôi bỗng thấy hai dòng nước mắt chảy
xuống. Tôi hối hận đã nghi oan ông ta là công an. Ông ta là một đồng bào của
tôi, sống cùng khổ giữa một thành phố đầy khách sạn huy hòang tráng lệ. Tôi
không dám hỏi han thêm, chào ông và bước đi trong lòng cảm thấy như phạm một tội
gì." (ngưng trích)
Xuyên suốt tất cả những chuyện
đời kể lại trong tuyển tập, dù là truyện thật hay phần nào hư cấu, vẫn là một
thông điệp rất cảm động: lời kêu gọi sống với cái thiện, với cái tính người hiển
lộ trong tương tác giữa người với người. Bất kể rằng dân tộc Việt Nam sau khi
trải qua rất nhiều sóng gió lịch sử, những mối thù vẫn ghìm sâu trong não bộ, cần
tới thời gian để rũ bỏ các quá khứ như thế. Như trong truyện “Thù Dai” trong
tuyển tập, nơi trang 131-132, trích:
"Rình khi bố vắng
nhà hai ba ngày, tôi vào phòng bố lục tìm, thì quả nhiên thấy một cuốn hồi ký bố
đang viết bằng tiếng Anh, đã được năm chương sách rồi. Bố giỏi chữ nghĩa nên viết
hay lắm, như một cuốn tiểu thuyết tự thuật đời mình từ khi còn nhỏ ở nhà quê miền
Bắc Việt Nam.
"Đọc nhanh hai chương đầu,
tôi mới thấy gia đình tôi là một bi kịch mà mẹ tôi là nạn nhân trực tiếp. Thuở
nhỏ ở nhà quê thời còn chế độ phong kiến và thực dân, bố tôi nhà nghèo phải đi
chăn trâu cho một nhà giàu trong làng; khi phạm một lỗi lầm, ông thường bị chủ
túm tóc đập đầu vào thân cây. Tôi hiểu ra rồi; cái thù hận đó đối với người có
tiền có quyền tạo thành một khối u uất vô thức trong tâm bố tôi, chờ dịp trả
thù. Khi làm chồng, làm cha, ông tưởng ông có quyền; cái khối u vô thức thù hận
bùng lên khi ông nắm tóc tôi muốn giộng vào tường, như thể lập lại hành động của
ông nhà giàu. Thù dai trăm năm! Hành động hay lời nói bạo lực là mặt trái của mặc
cảm thấp kém, bị sỉ nhục thời ấu thơ." (ngưng trích)
Tuy nhiên, chuyện Bolsa lúc
nào cũng có tính thời sự. Có những mối tình giữa chàng Việt kiều và giai nhân
quốc nội cũng thường gặp tan vỡ, như chúng ta vẫn nhiều phen được nghe kể. Hay
là chuyện gia đình tan vỡ vì chàng về Việt Nam kinh doanh rồi cặp bồ trẻ. Hai
hình ảnh vừa dẫn được kể nơi trang 88-89 trong truyện Người Khách Trọ Kỳ Bí,
qua lời kể của "ông" và "bà" nơi đây là hai ông bà có phòng
cho thuê, mà người giới thiệu sách hân hạnh quen cả hai ông bà, trích như sau:
"Có một anh chàng
khoảng năm mươi, ăn mặc chải chuốt, đi xe Lexus đến. Bà kinh ngạc tự hỏi anh
này trông có vẻ khá mà sao không có nhà riêng; ít lâu sau, bà mới khám phá ra,
anh ta làm nghề môi giới địa ốc, để dành được mấy trăm ngàn, mang về Việt Nam
làm ăn thế nào mà thất bại, mất hết vốn liếng, lại dính một cô bồ trẻ; vợ biết
được, ly dị; sống vất vưởng phải đi share phòng đây đó. Được một cái, anh ta tiền
bạc sòng phẳng, nhưng cứ vài đêm lại dẫn một cô về. Ông nói vậy là trái với hợp
đồng share phòng. Bà lại phải ngọt nhạt mời anh ta đi.
"Lại một lần khác, một
anh chàng trình giấy giải ngũ quân đội Mỹ. Bà thấy anh là gốc quân nhân thì yên
tâm chấp nhận. Anh ta trả tiền phòng đầy đủ, nhưng không đi làm, suốt ngày ôm
phone gọi về Việt Nam. Bà tò mò hỏi, cậu có thân nhân ở Việt Nam nhiều lắm hay
sao mà gọi về hoài. Anh ta nói có làm quen trên mạng với một cô trẻ đẹp lắm, cô
ta gọi qua bảo gởi tiền về cho cô mở một quán ăn, khi nào anh về sẽ làm đám cưới.
Ông nghe chuyện, cười ngất; bảo đúng là một thằng ngu; nhìn hình trên mạng mà
tin được. Được ba tháng, anh ta vui vẻ chào ông bà, nói mai về Việt Nam cưới vợ.
Mấy năm sau tình cờ gặp anh ta trong một quán ăn; bà hỏi vợ con thế nào, anh ta
buồn buồn nói cháu bị lừa bà ơi." (ngưng trích)
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời
của Đào Ngọc Phong dày 204 trang, gồm 14 chuyện đời của người Việt, 2 chuyện về
đất nước Nga, và 11 chuyện/thơ về đất nước Ukraine. Ngắn gọn, đây là những chuyện
cảm động, kể chuyện thật (trong đó, sự thật nhiều hơn phần hư cấu), những cảm
xúc đầy sức mạnh.
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời
do nhà xuất bản Lotus Media lưu hành trên mạng Amazon:
https://www.amzn.com/B0CTR48FSN/
Xin chúc mừng nhà văn Đào Ngọc Phong. Những dòng chữ của họ Đào không chỉ góp thêm phần phong phú cho văn học Việt Nam hải ngoại, mà cũng giúp độc giả nhìn rõ thêm, để thương yêu hơn những mảnh đời lưu lạc của nhau trong cõi lang thang vô thường này.