Nói chung, nghệ thuật muôn đời
là bị kiểm duyệt. Đó là số phận bất khả tách rời của một tác phẩm. Thời xưa, tác
giả có thể bị rơi đầu, thời nay thì bị tường lửa. Trước tiên, một bài thơ, một
bức tranh, một pho tượng, một tiểu thuyết, một bộ phim… ban đầu là lựa chọn của
tác giả, được chọn lọc để trình bày những
gì tác giả tin là đẹp nhất có thể, và nêu lên được nhận thức của tác giả đối với
cuộc đời. Người độc giả, người xem tranh, người xem phim sẽ có những phản ứng
khác nhau. Và rồi, phía chính quyền, phía dư luận nhà trường, phía các giáo hội…
sẽ dòm ngó xem có vi phạm cấm kỵ nào hay không để sẽ phải vùi dập, nếu cần.
Ngay cả tại Hoa Kỳ, những phản
ứng cấm kỵ vẫn xảy ra, bất kể Tu Chính Án số 1 là quyền Tự do phát biểu. Có những
cuốn sách này vẫn bán được tại các tiệm sách hay trên mạng, nhưng lại bị cấm đưa
vào thư viện công cộng nhiều nơi, nhất là tại các tiểu bang bảo thủ. Có khi chỉ
vì một lá cờ gợi tới quyền bình đẳng của người đồng tính, có khi vì một huy hiệu
có vẻ giống như biểu tượng Đức quốc xã, hay có khi là một chân dung bị cho là bôi
xấu một vị giáo chủ một tôn giáo nào đó… Thế là có biểu tình, có cấm kỵ.
Nhưng bản chất nghệ thuật muôn
đời là bị rơi vào tranh cãi. Trên nguyên
tắc tại Hoa Kỳ, tất cả các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm hội họa, điêu khắc, tiểu
thuyết, phim ảnh đều là quyền tự do ngôn luận được bảo vệ khỏi sự kiểm duyệt của
chính phủ theo Tu chính án thứ nhất. Thực tế, chính phủ liên bang có thể cho phép,
nhưng chính quyền tiểu bang có thể cấm. Và nếu tiểu bang cho phép, chính quyền
cấp quận vẫn có thể cấm. Và nếu chính quyền quận cho phép, một học khu vẫn có
thể cấm. Nghĩa là, cái gì cũng có một số giới hạn. Để dẫn ra một trường hợp:
tranh khỏa thân có thể triển lãm ở các phòng tranh tư nhân ở Laguna Beach (Quận
Cam, Califonria) vì tính nghệ thuật, nhưng sẽ bị cấm ở các cuộc triển lãm tại các
thư viện và trường học trong quận.
Họa
sĩ Shahzia Sikander
Điểm nữa, có những trường hợp
ẩn dụ quá siêu hình, có thể bị suy đoán theo nhiều ý nghĩa khác nhau, và sự phân
tích nào cũng có thể gây tranh cãi. Thí dụ, trường hợp một pho tượng của nhà điêu
khắc AShahzia Sikander bị nhiều người bảo thủ Texas chống đối. Hiển nhiên, không
phải vì bản thân cô Sikander là người Hồi giáo. Có thể cũng không nhất thiết vì
cô đã từng có lập trường cởi mờ về phá thai, mà cuộc tổng tuyển cử tháng
11/2024 có thể nhiều phiếu bầu sẽ dựa trên lập trường cho phá thai hay không.
Hiển nhiên cô là người đấu tranh cho nữ quyền, nên các tác phẩm của cô được triển
lãm tự do ở New York, nhưng rồi bị cản trở ở Texas. Hay chỉ vì đơn giản, Texas
là tiểu bang có lập trường chống di dân gay gắt, và Sikander là biểu tượng của
một di dân thành công về nghệ thuật ở Hoa Kỳ… Hay chỉ đơn giản nghệ sĩ Hồi giáo
này bị chụp mũ là nét sáng tác Satan, kẻ chống Thiên Chúa theo truyện cổ trong
Kinh Thánh, là chưa ai nói rằng họ đã từng nhìn thấy Satan. Chúng ta chỉ nêu ra
nghi vấn thôi. Câu chuyện thực tế cụ thể hơn.
Bản tin MSN tuần qua ghi rằng
một tác phẩm điêu khắc của AShahzia Sikander đang bị chỉ trích sau khi một nhóm
chống phá thai tuyên bố rằng tác phẩm này cổ vũ hình ảnh “có tính satan”. Tác
phẩm điêu khắc mang tên Witness, nghĩa là Nhân Chứng, thực hiện năm 2023, được nghệ
sĩ giải thích là nhằm khám phá mối quan hệ giữa nữ tính và quyền lực.
Pho tượng có hình một người
phụ nữ bay lên trên mặt đất (than ôi, phụ nữ mà bay chỉ có 2 trường hợp: hoặc
thiên thần, hoặc quỷ dữ), tay và chân của pho tượng nữ nhân biến thành hình dạng
giống như rễ cây. Tượng nữ nhân này mặc phần khung (armature) của một chiếc váy
vòng có những bức tranh khảm mô tả thực vật. Cô cũng có một chiếc cổ áo bằng
ren tương tự như chiếc cổ áo mà Ruth Bader Ginsburg, cố thẩm phán Tòa án Tối
cao, đã mặc. Ai cũng biết rằng Thẩm phán Tối cao Ginsburg có lập trường cởi mở
về phá thai.
Theo lời điêu khắc gia Sikander,
pho tượng này một phần là phản ứng trước việc cắt giảm quyền phá thai trên toàn
quốc Hoa Kỳ. Giữa những diễn biến đó, Sikander viết trong một tuyên bố đi kèm với
tác phẩm, chỉ ra sự chống đối đối với “tinh thần không biết mệt mỏi của những người
phụ nữ đã cùng nhau đấu tranh cho quyền đối với cơ thể của mình qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, sức mạnh lâu dài nằm ở những người bước vào và ở lại trong cuộc đấu
tranh vì sự bình đẳng. Tinh thần và sự can đảm đó là những gì tôi muốn ghi lại
trong các tác phẩm điêu khắc.”
Nghĩa là, pho tượng có ý nghĩa
nữ quyền như thế. Trên nguyên tắc, lẽ ra, pho tượng sẽ triển lãm vào tuần tới tại
Đại học University of Houston ở Texas. Tuy nhiên, một số nhóm bảo thủ không muốn
tác phẩm được trưng bày.
Hồi đầu tháng 2/2024, Texas
Right to Life (Quyền sống của Texas), một tổ chức tự mô tả là “ủng hộ sự sống”
được cho là đã giúp hủy bỏ hồ sơ Roe vs. Wade (cho phá thai với điều kiện) trên
Tòa án Tối cao, đã tuyên bố rằng pho tượng của cô Sikander sử dụng “hình ảnh
satan để tôn vinh việc phá thai và tưởng nhớ cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth
Bader Ginsburg.” Tuy nhiên, nó không mô tả hình ảnh satan đó là gì, vì cái gọi
là satan muôn đời là cái không được thấy.
Tổ chức này viết: “Sự bất
tuân với Thượng Đế hiển nhiên không nên được xã hội coi trọng, càng không nên
được ca ngợi bằng một bức tượng. Ngược lại, nghệ thuật phải phản ánh chân, thiện,
mỹ: ba giá trị vượt thời gian bộc lộ bản chất của Thiên Chúa. Nghệ thuật không
thể có vẻ đẹp nếu không có sự thật. Nghệ thuật không thể có sự thật nếu không
có sự thiện. Một bức tượng tôn vinh việc hiến tế trẻ em không có chỗ đứng ở
Texas.” Thực tế, không ai thấy sự hiến tế đó. Đây không phải là lần đầu tiên
tác phẩm của Sikander gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông bảo thủ.
Hồi năm 2023, đài Fox News
đã thực hiện một bản tường trình về việc người dùng mạng X gọi tác phẩm điêu khắc
đó là “ma quỷ”. Báo Axios loan tin rằng tổ chức Texas Right to Life đang đề cập
đến một tập sách nhỏ về pho tượng Witness do cơ quan Madison Square Park
Conservancy xuất bản, đề cập đến các tôn giáo thuộc hệ Abrahamic (như Do Thái
Giáo, Ky Tô Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo…) đề cập đến những sinh vật có
sừng.
Hiển nhiên, họ nhân danh nhà
thờ để chụp mũ nhà điêu khắc Sikander, hễ thấy cái gì có sừng là chụp mũ satan
liền. Theo nhà phê bình Aruna D'Souza, trong tín ngưỡng hệ Abrahamic, quái thú
có sừng liên quan đến mọi thế lực tà ác, hỗn loạn và hủy diệt, nhưng, “Chuyện ẩn
dụ không chỉ của riêng nghệ sĩ: các vị thần và nữ thần có sừng có rất nhiều
trong các tôn giáo trên thế giới, từ Ai Cập cổ đại và Hy Lạp đến các khu vực và
thời đại khác ở Châu Phi và Châu Âu. Nhưng một lần nữa, Sikander tiết lộ cho
chúng ta điều thực sự đang bị đe dọa trong những quan niệm như vậy. Trong câu chuyện
sáng tạo trong Kinh thánh, Satan và Eva gắn bó với nhau như con rắn quấn quanh
cành cây; phụ nữ là phương tiện cho tội ác, kẻ cám dỗ, công cụ của cái ác. Nhà điêu
khắc Sikander coi ý tưởng này, một ý tưởng xuyên suốt rất nhiều nền văn hóa, thời
đại và triết lý - về phụ nữ như một mối đe dọa, như một hiện thân của ham muốn
không thể diễn tả được, như vết nhơ - và biến sự tiêu cực thành sức mạnh. Eva của
nàng, Havah của nàng, đeo những chiếc sừng như một chiếc vương miện như một điểm
kiêu hãnh. Nàng hiểu những hình ảnh vô tận về bản thân chính là sức mạnh của
mình.”
Tuy nhiên, Đại học University
of Houston vào cuối tháng 2/2024 cho biết sẽ hủy bỏ cuộc triển lãm dự kiến của Shahzia
Sikander, bất kể rằng các tác phẩm của cô đã triển lãm nhiều tháng qua ở New York.
Nghĩa là, buổi lễ gặp gỡ nghệ
thuật và hội thoại với nghệ sĩ được tổ chức nhân dịp khai mạc triển lãm tác phẩm
của nghệ sĩ người Mỹ gốc Pakistan Shahzia Sikander tại Đại học University of Houston
đã bị hủy bỏ sau khi một nhóm chống phá thai đe dọa phản đối sự kiện này. Trong
bản tuyên bố gửi tới tạp chí The Art Newspaper, Sikander bày tỏ sự thất vọng của
mình về quyết định này, nói rằng: "Nghệ thuật nên là lời trình bày chứ không
phải lời bị kiểm duyệt. Thật xấu hổ cho những ai khiến nghệ sĩ im lặng."
Tóm tắt tiểu sử như sau: Shahzia
Sikander (sinh năm 1969, Lahore, Pakistan) là một nghệ sĩ thị giác người Mỹ gốc
Pakistan. Hoạt động trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm vẽ, sơn, in ấn,
hoạt hình, sắp đặt, tượng, biểu diễn và video. Sikander hiện đang sống và làm
việc tại thành phố New York. Sikander học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quốc
gia Lahore ở Pakistan, nơi cô được dạy môn truyền thống về hội họa thu nhỏ Ấn Độ-Ba
Tư. Lấy bằng Cử nhân Mỹ thuật năm 1991. Sikander chuyển đến Hoa Kỳ và theo học
tại Trường Thiết kế Rhode Island (RISD), lấy bằng Thạc sĩ Mỹ thuật về Hội họa
và In ấn vào năm 1995. Là một nữ nghệ sĩ Hồi giáo, Shahzia Sikander thường phải
chịu đựng những định kiến trong cộng đồng của mình. Mạng che mặt (loại khăn thường
được phụ nữ Hồi giáo đeo) che tóc và cổ và là biểu tượng của cả tôn giáo và nữ
tính. Những bức tranh thu nhỏ của Sikander thường đề cập đến tấm màn che, khám
phá lịch sử tôn giáo và bản sắc văn hóa của chính cô.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm
về pho tượng Witness (2023) của nhà điêu khắc Shahzia Sikander đặt tại công viên
Madison Square Park ở thành phố New York:
https://www.youtube.com/watch?v=vhLBVQWiJ5k
Họa sĩ Badiucao
Họa sĩ Badiucao (巴丟草), nếu
đọc kiểu phiên âm tiếng Việt sẽ là Ba Đâu Thảo. Tranh của Badiucao là một phần
của cuộc chiến vì dân chủ ở Trung Quốc và Hồng Kông, do vậy bị cấm ngặt là chuyện
dễ hiểu.
Badiucao sinh năm 1986, là một
họa sĩ truyện tranh chính trị, nghệ sĩ và nhà hoạt động nhân quyền người Trung
Quốc có trụ sở tại Úc. Anh được coi là một trong những họa sĩ biếm họa chính trị
nổi tiếng và thành công nhất của Trung Quốc. Anh ta lấy bút danh để bảo vệ danh
tính của mình.
Theo Tự điển Bách Khoa Mở
Wikipedia, Badiucao sinh năm 1986 và lớn lên ở thành thị Thượng Hải. Ông nội của
anh là một nhà làm phim tiên phong, người đã bị đàn áp sau khi cộng sản lên nắm
quyền, bị đưa đến các trang trại laogai ở Thanh Hải trong Chiến dịch chống cánh
hữu và chết vì đói. Vài năm sau, thân phụ anh trở thành trẻ mồ côi khi bà ngoại
anh qua đời trong cảnh nghèo khó vào đêm giao thừa. Cha anh lớn lên nhờ sự giúp
đỡ của hàng xóm và cố gắng học đại học nhưng bị từ chối nhập học vì lý lịch
trong mối quan hệ gia đình.
Badiucao không được đào tạo
chính thức về nghệ thuật khi ở Trung Quốc. Anh học luật tại Đại học Khoa học Chính
trị và Luật Hoa Đông. Anh và những người bạn cùng ký túc xá vô tình xem được bộ
phim tài liệu “The Gate of Heavenly Peace” (Cánh cổng thiên đường) sau khi nó được
giấu trong một bộ phim truyền hình lậu của Đài Loan. Vỡ mộng với Trung Quốc,
anh chuyển đến Úc du học vào năm 2009. Anh làm giáo viên mẫu giáo trong nhiều
năm. Phim hoạt hình chính trị đầu tiên của Badiucao là về vụ va chạm xe lửa ở
Ôn Châu năm 2011. Câu chuyện này xảy ra ngày 23 tháng 7/2011, hai tàu cao tốc
đâm vào nhau ở quận Lộc Thành, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Một số
toa xe của mỗi tàu bị trật đường ray. Các đoàn tàu đang trên tuyến đường sắt
Ninh Ba - Thai Châu - Ôn Châu khi tai nạn xảy ra. Theo các truyền thông nhà nước
Trung Quốc, có 40 người chết, và ít nhất 192 người bị thương.
Theo một cuộc phỏng vấn năm
2013, Badiucao ngưỡng mộ ba họa sĩ truyện tranh chính trị Trung Quốc khác vào
thời điểm đó—Hexie Farm, Rebel Pepper và Kuang Biao.
Badiucao sử dụng tài liệu
tham khảo châm biếm và văn hóa đại chúng để truyền tải thông điệp của mình. Anh
thường vận dụng những hình ảnh nguyên mẫu từ tuyên truyền của Đảng Cộng sản TQ
để đưa ra những tuyên bố chính trị đòi dân chủ. Các họa phẩm của anh đã được Tổ
chức Ân xá Quốc tế, Freedom House, BBC, CNN và China Digital Times sử dụng hoặc
xuất bản và đã được triển lãm trên khắp thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn đầu
năm 2016, anh nói rằng “Phim hoạt hình và tranh chân dung có thể tạo ra một biểu
tượng thị giác thống nhất, có thể giúp truyền bá thông điệp và thu hút sự chú ý
liên tục, nhằm tạo áp lực từ dư luận. Có lẽ áp lực này có thể cải thiện hoàn cảnh
của những người đang bị cầm tù, cũng như an ủi những người thân trong gia đình
những người bị bức hại.”
Badiucao cực kỳ tích cực và
thường phản ứng nhanh chóng với các tin tức và sự kiện đang thịnh hành liên
quan đến Trung Quốc đại lục, Đài Loan và cộng đồng người Hoa hải ngoại. Ông
cũng phản ứng nhanh chóng với các tin tức và sự kiện liên quan đến các quốc gia
độc tài khác như Iran.
Năm 2018, một chương trình
nghệ thuật về Badiucao đã được lên kế hoạch tổ chức tại Hồng Kông. Tuy nhiên,
buổi biểu diễn đã bị hủy vì "lo ngại về an toàn" sau đó do chính quyền
Trung Quốc đe dọa nghệ sĩ.
Vào năm 2019, một hội thoại nghệ
thuật đã lên kế hoạch nói chuyện với nhà hoạt động dân chủ cũng là nhạc sĩ Hồng
Kông Denise Ho tại Phòng Triển lãm Quốc gia Victoria ở Melbourne (Úc châu) đã bị
phòng triển lãm giờ chót hủy bỏ vì “lý do an ninh.” Vào tháng 6/2019, vào dịp tưởng
niệm trận thảm sát Thiên An Môn, phim tài liệu về Badiucao được chiếu trên truyền
hình Úc.
Tượng thiếu nữ của Kim Seo-kyung và Kim Eun-sung
Có khi kiểm duyệt nghệ thuật
cũng vì muốn chối bỏ một phần lịch sử. Đó là trường hợp chính phủ Nhật Bản gay
gắt chống đối một pho tượng gọi là tượng
hòa bình, và tượng này đã có bản sao đặt tại nhiều nơi trên thế giới.
Tên chính thức của tượng là “The
Statue of Peace” (Tượng Hòa Bình), đôi khi được báo chí gọi cho dễ nhớ, như “Tượng
Thiếu Nữ Giải Sầu” (Comfort Woman Statue). Tượng này là biểu tượng của các nạn
nhân của chế độ nô lệ tình dục, được quân đội Nhật Bản gọi “văn chương” là phụ
nữ giải khuây trong Thế chiến thứ hai. Tượng thiếu nữ này lần đầu tiên được dựng
lên ở Seoul, thủ đô Nam Hàn, nhằm kêu gọi chính phủ Nhật Bản xin lỗi và tôn
vinh các nạn nhân. Tuy nhiên, từ đây, sóng gió lan ra toàn cầu vì phía Nhật liên
tục phản đối.
Duyên khởi, ý tưởng về Tượng
này đã được gợi ý bởi tổ chức có tên là “Korean Council for Women Drafted for
Military Sexual Slavery by Japan” (Hội đồng Phụ nữ Hàn Quốc bị Nhật Bản bắt làm
nô lệ tình dục trong quân đội). Ban đầu, hội đồng đề nghị dựng một tảng đá tưởng
niệm trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul để tưởng nhớ nỗi đau của những phụ nữ
mua vui là nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục của quân đội đế quốc Nhật Bản. Thế
rồi, hình ảnh tảng đá được biến thành tượng đồng. Vào ngày 14 tháng 12/2011, bức
tượng đồng được đặt trước đại sứ quán, nhìn thẳng vào cửa. Tượng thiếu nữ được
thiết kế bởi hai nhà điêu khắc Kim Seo-kyung và Kim Eun-sung. Tượng mô tả một
cô gái mặc chima jeogori (một dạng quốc phục Đại Hàn đơn giản thời kỳ cuối thế
kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), với bàn tay nhỏ và mái tóc ngắn, đang ngồi nhìn chằm
chằm vào Đại sứ quán Nhật Bản ở trung tâm thủ đô Seoul.
Bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã
nhiều lần yêu cầu dọn bức tượng đi nơi khác, nhưng chính quyền thành phố Seoul
và đặc biệt là các nạn nhân đã bác bỏ những yêu cầu đó, nói rằng chính phủ Nhật
Bản chưa bao giờ chính thức thừa nhận và sám hối về vấn đề cưỡng bách phụ nữ giải
sầu. Trên thực tế, chính phủ Nhật Bản đã thừa nhận điều này vào năm 1992. (Theo
báo New York Times ngày 14/1/1992, bài viết của phóng viên David Sanger, nhan đề
"Japan Admits Army Forced Koreans to Work in Brothels.")
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản,
năm 2015, Nam Hàn và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề phụ nữ giải
sầu. Là một phần của thỏa thuận này, Nam Hàn thừa nhận thực tế rằng Nhật Bản quan
ngại về bức tượng trước đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul và cam kết giải quyết vấn
đề một cách thích hợp. Tuy nhiên, chính phủ Nam Hàn lúc đó không hứa cụ thể về
việc gỡ bỏ bức tượng ở Seoul. Vào tháng 12/2015, Nhật Bản tuyên bố rằng sẽ
không trả 1 tỷ yên tiền bồi thường trừ khi pho tượng bị dọn đi khỏi vị trí của nó
ở Seoul. Sau đó, là các bản sao, bức tượng thứ hai được dựng lên ở Busan, một
thành phổ cảng Nam Hàn. Nhật Bản sau đó đã triệu hồi hai nhà ngoại giao từ Nam Hàn
về và tạm dừng các cuộc đàm phán cấp cao. Nam Hàn cũng chấm dứt thỏa thuận năm
2015 vào ngày 21 tháng 11/2018 và đóng cửa một cách hiệu quả quỹ phụ nữ giải sầu
do Nhật Bản tài trợ được thành lập để chi trả cho khoản giải quyết đã thỏa thuận.
Nhật Bản khẳng định rằng thỏa thuận vẫn có tính ràng buộc về mặt pháp lý và do
đó, việc đặt bức tượng là bất hợp pháp.
Từ đó, nhiều bản sao bức tượng
được dựng lên ở các cộng đồng đông dân Đại Hàn, như tại Melbourne (Úc châu), tại
Berlin (Đức quốc), tại Palisades Park (tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ), và nhiều
nơi khác. Dĩ nhiên, không bao giờ tượng này vào được lãnh thổ Nhật Bản. Tượng này
đầu tiên đặt tại Hoa Kỳ là ở thành phố San Francisco, nơi lúc nào cũng có các
nghệ sĩ nổi loạn. Sau khi một tượng mô phỏng (tượng này đứng, không ngồi như bản
gốc) được khánh thành ở San Francisco, chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) đưa
ra tuyên bố năm 2018 chấm dứt mối quan hệ kết nghĩa-thành phố kéo dài hàng thập
niên.
Tới đây, chúng ta thấy rằng,
chuyện kiểm duyệt là chuyện muôn đời của nhân loại. Trừ khi tất cả những xung đột
biến mất. Kiểm duyệt có thể vì lý do tôn giáo, vì thánh chiến, vì nguyên tắc sống,
vì ước mơ dân chủ, vì những vết thương lịch sử chưa hàn gắn, và cũng vì đủ thứ
lý do khác trong đời. Các cụ mình hồi đầu thế kỷ 19 dạy rằng “Đàn ông chớ kể
Phan Trần” bởi vì truyện Phan Trần, viết theo thể thơ lục bát, dài 954 câu, soạn
từ giữa thế kỷ 18 đã kể chuyện chàng trai Phan sinh tương tư người yêu đến nỗi
toan tự tận, tức là quá nhu nhược và ủy mị. Hay là, chuyện này là trực tiếp mà
người nào cũng nhận thấy: bao giờ Hà Nội chịu xóa sổ bức tường lửa đang ngăn cản
độc giả từ Việt Nam vào đọc các trang báo hải ngoại, như Việt Báo? Kiểm duyệt
như thế sẽ chỉ làm thiệt thòi cho quê nhà thôi.
PHOTO 1:
Công nhân đang ráp pho tượng
đồng Witness (2023) của nhà điêu khắc Sikander tại New York, nhưng tượng này bị
cấm ở Texas.
PHOTO 2:
Hàng trên, trái: họa sĩ, điêu
khắc gia Sikander. Và các tác phẩm đầy chất thần thoại Hồi giáo có tính đấu tranh
nữ quyền.
PHOTO 3:
Họa sĩ lưu vong Trung Hoa Badiucao
(trái) và tranh giễu Tập Cận Bình, sau khi Tập trong tháng 7/2017 ra lệnh tất cả
các mạng TQ phải xóa hình ảnh (và tên gọi ‘Xiaoxiong Weini’) chú gấu Mỹ có tên “Winnie
the Pooh” vì tên gấu này được các nhà dân chủ ám chỉ Tập. (Photo: badiucao.com)
PHOTO 4:
Họa phẩm của Badiucao để tưởng
niệm chàng sinh viên đứng chận xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 để đòi
dân chủ. (Photo: badiucao.com)
PHOTO 5:
Hình chụp ngày 7 tháng
1/2012 từ sau tượng: Tượng đồng thiếu nữ giải sầu nhìn chằm chằm vào Đại sứ
quán Nhật Bản tại Seoul. Tượng là tác phẩm của Kim Seo-kyung và Kim Eun-sung. (Hình
Wikipedia)
PHOTO 6:
Một bản sao tượng thiếu nữ giải sầu đặt ngoài trụ sở hội Korean Society of Victoria tại thành phố Melbourne, Úc châu. Chiếc ghế trống để bất kỳ ai muốn ngồi vào chụp hình để chia sẻ cảm xúc. Hình chụp ngày 18/5/2020. (Hình Wikipedia)