Friday, March 15, 2024

3288. NGUYỄN VY KHANH Phạm Cao Hoàng thời chinh chiến.

Phạm Cao Hoàng - Photo by Tô Duy Thạch (1974)
 

Nhà thơ sinh năm 1949 ở Tuy Hòa, Phú Yên, ông khởi nghiệp thơ từ năm 1969 cùng năm bắt đầu nghề dạy học và Đi Giữa Chiến-Tranh là bài thơ đầu tay. Thơ đăng trên Bách Khoa, Văn, Vấn-Đề, Ý Thức, Khởi Hành, Thời Tập, Tuổi Ngọc,... và đã xuất-bản Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn (Đồng Dao, 1972), Tạ Ơn Những Giọt Sương (Đồng Dao, 1974).

Ở Phạm Cao Hoàng, thi ca chủ yếu về chiến-tranh, tình-yêu và quê nhà, cả ba có thể tìm thấy trong Đi Giữa Chiến-Tranh:

quê cũ mười năm mây lớp lớp
mười năm mưa khóc buổi sang mùa
dưới trời sương lạnh rơi tan tác
rét mùa đông cũ rét lê thê

đường tôi đi có bom và đạn
có hận thù trên mỗi dấu chân
ai thả vào hồn tôi mới lớn
những mùa xương máu ngập tang thương

đường tôi đi có mùa hoa rụng
những cánh hoa màu tim tím xưa
có phải màu hoa trên áo lụa
bay bay chiều gió lộng em về

đường tôi đi có khói hoàng hôn
quyện trong mưa bấc sắt se buồn
có phải me tôi bên bếp cũ
đốt lò sưởi lạnh cuối mùa đông

ai thổi vào hồn tôi khúc nhạc
ngàn năm réo gọi kiếp đời tôi
nơi đây có kẻ tìm non nước
lang thang bên những mộ bia người

ai bắn vào hồn tôi trái nổ
đứt từng mạch máu nát tim tôi
vỡ vỡ chiều nay tôi sắp vỡ
chiến tranh chiến tranh bao giờ thôi

(Đi Giữa Chiến-Tranh, 1969; trích từ Mây Khói Quê Nhà, Thư Ấn Quán, 2010, tr. 12-).

Đặc-biệt trong bài Hành Phương Đông, nhà thơ Phạm Cao Hoàng (lúc đó 21 tuổi) đã trãi dài tâm thức một người Việt-Nam trong hoàn cảnh đất nước chiến-tranh và con người ly tán:

Bạn ta, áo ngươi sao bạc thếch
Chiều nay còn một ngươi với ta
Ngươi nhớ gì dưới trời mây trắng
Ta nhớ màu hoàng hôn năm xưa


(…) Đôi khi ta mơ một căn nhà trống
Dù thu sang hay lồng lộng buổi mưa về
Gõ trên quãng đời xưa mà hát
Rằng ngàn năm mây trắng đời ta


Bạn ta, còn đây lưng chén rượu
Ta mời ngươi cạn nốt cùng ta
Dẫu lòng ta bạc hay ngươi bạc
Cũng cầm bằng như bóng mây qua


(…) Ta chợt thấy trong đôi mắt ngươi
Có điều gì ngươi chưa thể nói
Mây vẫn còn giăng trắng một trời
Hồn ta cũng giăng đầy sương khói


Chẳng lẽ ta bắt chước người xưa
Ôm chí lớn đi cùng trời đất
Trăm năm rồi như bóng mây qua
Chí đã cùn nên thiên thu đành chôn chặt


(…) Chẳng lẽ ta học người thất thế
Mượn dăm chén rượu lãng quên đời
Hay ngửa mặt ngâm câu khí khái
Giữa chợ đời lê gót rong chơi


(…) Có chuyến tàu đi trong chiều sương lạnh
Nhả khói buồn tan với hoàng hôn
Có chiếc khăn tay vẫy ngang mắt lệ
Bánh sắt lăn như nghiến nát cả lòng


Chiều nay đèn nhà ai thắp sáng
Nghe rộn ràng bên lớp khói đùn quanh
Mười năm, ta hay ngươi người viễn khách
Rét về chưa mà hồn lạnh căm căm


(…) Thời bây giờ ta như chim bị đạn
Kêu đau thương nay đã suốt bao chiều
Bay lảo đảo dưới trời hiu quạnh
Đợi tan tành cùng mặt đất buồn thiu


Thời bây giờ, của những giọt nước mắt
Ứớt đẫm khăn hồng người con gái năm xưa
Thời của những khăn tang chít vội
Thời ruột đau như cắt nỗi chia lìa


(…) Kể cũng đã mười năm rồi ngươi hỡi
Ngửa nghiêng cùng lịch sử thăng trầm
Vui có khi cười ra nước mắt
Có khi là rượu say khướt hoàng hôn


(…) bạn ta, bên kia sông là núi
núi của ngàn năm đá vọng bóng người đi
núi tiếp sông và sông tiếp biển
sông tiễn người qua bến phân ly


sông ngậm ngùi vỗ sóng thiên thu
mùa bão tới gầm lên hồi bi thiết
gờn gợn trên sóng bạc những căm thù
bởi máu đã nhuộm hồng sông nước


(…) Bóng chim nào lạc cánh cuối trời xa
Đất rộng quá biết đâu là cố lý
Và nơi đây hiu hắt những đời người
Dài râu tóc ngồi mơ thời thịnh trị


Lúc tuổi trẻ đã tan rồi chí khí
Sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương
Nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp
Ta cùng ngươi quay với bóng tang thương.“ -1971

(Trích từ MKQN, tr. 17-27).


Tâm sự hai nhân-vật, bạn và ta, bạn cũng có thể là nhiều người mà cũng là của một thế hệ, một thân phận, lớn lên trong một hoàn cảnh không lối thoát, với những lý tưởng, hoài bão, v.v. không chỗ đứng! Với Phạm Cao Hoàng, tương lai hãy còn mờ mịt, anh làm 'thơ tặng người tuổi trẻ' mà như muốn trút bầu tâm sự, trên tạp-chí Văn:

"ba mươi chưa hỡi người tuổi trẻ
mà trông như tóc đã hoa râm
chân đã mỏi trên đường phiêu lãng
sông núi kia vùi dập biết bao lần
    


tàn giấc mộng tỉnh ra mới biết
đời buồn tênh vẫn cứ buồn tênh
đời trăm năm chìm sương khuất khói
sẽ tan tành như cát bụi phù vân     

    

có lúc vỗ lưng bầu rượu cạn
dang tay mời tri kỷ uống cùng
chiều kia đứng bên cầu soi bóng
mới biết mình áo rách đã bao năm      

   

(…) bầu rượu cạn cạn bầu rượu cạn
tàn đêm sương ngất ngưởng một mình
phút cuồng nộ đập tan chí khí
hồ vinh danh ta đã vô danh         


hồ trăm năm thét lời bi tráng
nhìn non sông một thuở ngậm ngùi
gió bắc phương tạt ngoài biên giới
lửa tây phương cháy đỏ một trời     

    

có khi đẩy bạo tàn một phía
đoạn mời người thù tạc cùng ta
say một giấc mộng đời tan nát
mấy năm trời còn đây chén hoàng hoa   

      

mấy năm trời lang thang lếch thếch
ngó lại mình còn đâu nữa ngày xưa
thân tàn tạ như thu vàng xác lá
nửa đời người như một giấc mơ      

   

ô ta sống trên trời hay dưới đất
ha ha ha đời có chi vui
sông với núi sầu che lấp kín
nửa đời ta một bóng ta thôi " 1971
(Thơ Tặng Người Tuổi Trẻ, Trích từ MKQN tr. 31-33).

Ở Phạm Cao Hoàng, hình ảnh người tráng sĩ, ôm mối hận tổ quốc hoặc lên đường tranh đấu cho một ngày mai tươi sáng được hơn một lần sử-dụng (Hành Phương Đông, Giã Hàn Sĩ Ấy Lại Ra Đi,...). Lời thơ trang trọng, ý thơ không cạn, điệu thơ ngang ngữa với tiếng sáo lên đường hoặc tiễn người đi chốn phong sương, trận tiền, u hoài và da diết. Phạm Cao Hoàng tuy mới xuất hiện không lâu, vào cuối một cuộc chiến, nhưng ông đã cống hiến cho thi ca miền Nam một tiếng thơ đầy tình tự và gây suy nghĩ!

Thơ ông còn để dâng tặng cho tình-yêu, những bóng hồng, những Thérèse, Kh., H.,..., những tình thâm hoặc phút chốc, nhưng đều tha thiết trong từng chi tiết, phút giây. Xin trích vài bài tình:

"mưa chi cứ một trời quái ác
cứ âm thầm trút xuống giữa mênh mông
đã qua chưa những ngày rét mướt
có buồn không hỡi những nhánh sầu đông

em có tóc bay giữa trời tháng chạp
nên ta buồn mỗi lúc mưa tuôn
cũng như buổi mưa về lướt thướt
ta nghe hồn rớt giữa vô tăm

và chút lúm đồng tiền trên má
xui đời ta điên đảo mấy năm
em có chân chim giẫm trên cỏ ướt
nên hồn ta vỡ mỗi mùa đông

em đã xa như chim xa biền biệt
như âm vang mưa trải đến vô bờ
ta ôm trái sầu ta vừa chín
đập tan tành trên những lối mưa xưa

còn chiều nay đường năm xưa heo hút
còn mưa bay trên phố cũ tơi bời
hồn đã úa chút tình em thuở trước
bao năm rồi lòng trắng mưa bay

ta cũng muốn đời ta bình thản
như ngày xưa ta chẳng gặp em
vậy mà cứ mỗi chiều mưa trút xuống
ta nghe hồn lạnh tựa như băng

ta cũng muốn quên em mà sống
cớ sao ta vẫn nhớ em hoài
có phải em là đầu sông cuối bãi
dẫn đời ta qua những tàn phai

có phải em mỗi sớm mỗi chiều
đưa đời ta xuống cõi tịch liêu
đá dựng trăm năm bờ đá cũ
gió tạt ngàn năm vẫn hắt hiu

ta suốt ngàn năm còn đứng đợi
mà em sao xa quá là xa
chẳng lẽ ôm lòng vui với mộng
mà mộng ta đã trắng giang hồ

đời ta như một khúc nhạc buồn
trôi bồng bềnh theo nhịp mưa tuôn
chiều nay thấy nhớ sao là nhớ
những chiều mưa ướt ngọn sầu đông

chiều nay thấy tiếc sao là tiếc
những ngày rét mướt mưa lang thang
mưa mịt mù bay qua ngõ vắng
mưa ngậm ngùi trổi khúc ly tan

buồn tình hái một vài bông trắng
ta cắm vào hồn ta đau thương
mới hay trời đất càng hiu quạnh
hoa trắng mà em mặc áo hồng

em hỡi làm sao em biết được
mưa kia từ biển bắc mưa về
mưa mang gió của mùa đông cũ
thổi tới hồn ta thêm xác xơ

em hỡi làm sao em hiểu được
ta là ta một thuở si tình
trái đắng vườn em ta đã ngậm
thì ngàn năm e sẽ khó quên

chiều nay ta muốn tan thành gió
bay với mưa và mộng với sương
chiều nay mưa vẫn màu tê tái
tạt xuống đời ta khúc nhạc buồn" – 1971

(Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn)

 Đó là bài thơ tình tiêu biểu nhất của nhà thơ, tin tưởng vào đời với tình-yêu lẫn cay đắng. Thơ và tình cùng đa dạng, mời đọc tiếp vài đoạn khác:

"sẽ xa, thôi cũng đành xa nhé
người về cuối bãi kẻ đầu sông
có chút gì đau như cắt ruột
tay chào, tay vẫy, nón che ngang” - 1973

(Mùa Phượng Hồng)


tôi đưa em qua đò tháng chạp
chút mưa buồn rơi nhẹ cuối sông xa
và gió tạt từng cơn gió bấc
xoáy trong hồn buốt cả xương da


đi đi thôi hỡi người yêu dấu
bãi đời kia sẽ ngăn cách tình nhau
tiễn một lần là tim rướm máu
tình xa rồi có nghĩa gì đâu” - 1971
(Khúc Tiễn Thérèse Kh.)

“(…) có phải tôi là người thanh niên của một thời lãng mạn
đã yêu em dù tình quá ngậm ngùi
H. của tôi xin em đừng khóc
lệ của người sẽ cuốn mất trái tim tôi

và tôi muốn quên đi đời sống
dù phương kia em còn che nón qua cầu
H. của tôi, giữ dùm tôi nhé
một quê nhà vĩnh biệt đến ngàn thu

một quê hương sau ngày ly tán
những thân yêu còn canh cánh bên lòng
H. của tôi giữ dùm tôi nhé
những gì tôi còn gửi lại nơi em” - 1973

(Gửi H. Và Qui Nhơn)

"khi yêu em tôi yêu đời thêm một chút
dù trong tôi buồn bã biết bao ngày
nên yêu em, dù tôi vẫn biết
có một ngày tay sẽ vẫy tay

(...) chiều nay đi với em dưới trời mây xám
tôi nghe trong tôi có một chút êm đềm

một ngày có tình nhân bên cạnh
là một ngày sắp thấy phút ly tan" - 1973

(Một Ngày Với Tình Nhân)

"tay chưa vẫy mà lòng nghe ứa lệ
người tiễn tôi một sớm mùa thu
cám ơn em, hỡi người thiếu nữ
thôi, chia tay, xe lăn giữa bụi mù

trong phút đó sao người chẳng nói
dù một lời cũng đủ buổi xa nhau
và trong mắt người có gì buồn bã
thoáng ngượng ngùng rồi sẽ quay mau

hình như gió lộng qua màu áo
tóc người che mấy cõi trời sầu
xe lăn bánh tôi âm thầm khóc
có xa rồi lòng mới thấy đau

(…) có lúc tôi nhủ thầm đời lạ nhỉ
tôi mà cũng có người đưa tiễn ư
tôi mà cũng có người con gái dáng như thu
cầm tay khóc giữa tình đời bội bạc

bởi thế nên cám ơn, người nhé
xe lăn đi là cách biệt ngàn trùng
xe lăn rồi bụi mù trời giông bão
tóc thu người bay giữa hư không" – 1970

(Bạch Tiễn Tôi Ở Ngã Ba Duồng).

NGUYỄN VY KHANH

[Trích Văn-Học Miền Nam 1954-1975: nhận-định, biên-khảo và thư-tịch (Nhân Ảnh, 2019), Q. Hạ-Tác giả, trang 1339-1346]