Nhà phê bình văn học Bùi
Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung
là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng
Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên.
Cuốn sách dày 440 trang, chữ
nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi
lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ
ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn
ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này,
trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ
rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Đặc biệt, khi độc giả mở ra từng trang tác phẩm phê bình văn học này, thực ra cũng là đọc về “10 Khuôn Mặt, 10 Phong Khí Văn Chương” nơi khuôn mặt thứ 10 là Bùi Vĩnh Phúc, hiện ra lấp ló nơi từng trang, và đôi khi nơi từng dòng nhận định. Nơi đây, BVP có một dấu ấn riêng, BVP không phải là một robot để phê bình văn học theo một công thức có sẵn. BVP có một phong thái phê bình riêng.
Tôi nghĩ rằng Bùi Vĩnh Phúc
có một văn phong phê bình rất phức tạp. Trong khi đọc, đôi khi, tôi nghĩ rằng
tôi cần phải mở tự điển ra xem vài chữ. Văn phong rất phức tạp, rất học giả của
Bùi Vĩnh Phúc hiển lộ ngay ở nhan đề hai
bài tiểu luận về Thanh Tâm Tuyền, nơi trang 19:
Cái Tôi kỳ việt và Âm bản
Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền (*) (hay “Thanh Tâm
Tuyền, người thi sĩ ấy”
Và, ở trang 59 với bài có
nhan đề:
Cái Tôi ẩn mật và Dương bản
Thiên nhiên ngày vây hãm trong Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền (hay
“Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền”
Hình như chưa ai đặt nhan đề
các bài tiểu luận kiểu như thế. Chỉ riêng về cách đặt nhan đề các bài tiểu luận,
Bùi Vĩnh Phúc đã tự tách biệt ra, với một tiếng nói riêng. Nơi cách khác, chúng
ta có thể nhớ rằng, nhà thơ Du Tử Lê ưa đưa vào thơ các ký tự không phát âm được,
nếu chúng ta đọc thơ như bình thường, BVP cũng có các ký tự bất thường (như dấu
/ hay hoa thị, mở ngoặc và đóng ngoặc) và các chữ trong lĩnh vực khác, thí dụ,
như chữ “âm bản” và “dương bản” trong lĩnh vực nhiếp ảnh, vào nhan đề.
Một cách tự nhiên, Bùi Vĩnh
Phúc đã xem văn phê bình của anh là một cách làm thơ. Tương tự, nhan đề bài viết
về Mai Thảo được Bùi Vĩnh Phúc đặt ở trang 101 là:
Văn chương Mai Thảo: biên địa
của cảm xúc và cái đẹp, giao thoa với ý thức về đời sống
Trong làng báo, nhiều nhà
báo không ưa gặp các bài có nhan đề dài, vì dàn trang không vừa mắt, và hơi bất
bình thường so với thói quen đời thường. Nhưng Bùi Vĩnh Phúc không phải nhà báo.
Bên cạnh vai trò phê bình văn học, họ Bùi còn là một học giả, một nhà giáo chuyên
về giảng "dạy Anh văn và Ngôn ngữ
& Văn hóa Việt Nam tại đại học Long Beach và Golden West, California, từ
1985" trong nhiều thập niên. Đúng ra, có nhiều bài, Bùi Vĩnh Phúc đặt nhan
đề ngắn gọn, ngắn tới mức các nhà báo sẽ ưa thích khi trình bày trang báo, thí
dụ như bài ở trang 397:
Thời gian trong thơ Tô Thùy
Yên
Tuy nhiên, dù đặt nhan đề ngắn
hay dài, Bùi Vĩnh Phúc đã hiển lộ ra một niềm vui riêng, vượt ra ngoài công thức.
Thí dụ, một nhan đề rất dài và rất nhiều chất thơ trong một bài BVP viết về Phạm
Công Thiện, ở trang 296:
Đêm và ngày, và Phạm Công
Thiện, và bốn mươi bảy năm trôi qua trên mặt đất (Đọc và nhìn lại Phạm Công Thiện
qua “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”)
Tất cả những cách đặt nhan đề
của nhà phê bình họ Bùi đều cân nhắc từng chữ một, không có nhiều tính báo chí
(tập trung vào thông tin), nhưng là nhịp tim, là tiếng thơ của anh. Thí dụ,
nhan đề bài ở trang 371:
Tô Thùy Yên: thơ, như một
vinh dự lầm than của kiếp người.
Đó là một nhan đề rất thơ,
và có phong thái của cái nhìn hiện sinh về thi ca, gợi nhớ tới hình ảnh của thần
thoại Hy Lạp, nơi Sisyphus bị các vị thần trừng phạt phải mãi mãi đẩy một tảng
đá lên đồi chỉ để rồi tảng đá luôn rơi trở lại chân đồi, và chu kỳ đó lập đi, lập
lại mãi. Thơ như một vinh dự lầm than, nhưng cứ làm thơ mãi.
Văn phê bình của Bùi Vĩnh
Phúc tự có chất thơ riêng. Chúng ta chú ý trong Lời Đầu Sách, nơi trang 12, họ
Bùi lập đi lập lại chữ "ca" như một nốt nhạc được nhấn mạnh trong chuỗi
nhạc (hoan ca, hạnh ca, tình ca, hùng ca và bi ca của con người) vào đầu
trang sách, và để mở ra một thế giới thơ mộng, trích:
"Văn học miền Nam Việt
Nam, trong suốt hai mươi năm rực rỡ và đầy ánh sáng của nó, đã sản sinh ra biết
bao tài năng, làm phong phú và hãnh diện cho dòng văn học dân tộc nói chung, và
cho dòng văn học miền Nam nói riêng, trong cái bối cảnh lịch sử của đất nước.
Những khuôn mặt tài tuấn, những ngòi bút tài hoa, đã làm bừng sáng cảnh quan
phong thổ miền Nam, đất nước cỏ hoa miền Nam, nơi đó, những nét truyền thống của
dân tộc, hoà cùng hương hoa và ánh sáng thế giới, và những âm vang của thời đại,
đã làm dội lên những khúc hoan ca, hạnh ca, tình ca, hùng ca và bi ca của con
người. Tất cả đã phản ánh cái hương vị và nguồn sống của cuộc đời."
Viết như thế, Bùi Vĩnh Phúc
trở thành một nhạc sĩ, biến trang giấy thành các nốt nhạc riêng, trong một sắp
xếp riêng. Trong cương vị của người đọc sách, tôi dự kiến sẽ viết thêm một vài
bài về tuyển tập phê bình văn học này. Bởi vì một niềm vui lớn là viết về những
hình ảnh mà tôi yêu thích. Sách của Bùi Vĩnh Phúc hiện đã bán trên mạng: https://www.barnesandnoble.com/w/9-khuon-mat-9-phong-khi-van-chuong-bui-vinh-phuc/1144699558
Nơi đây, xin trích Lời Vào
Sách để độc giả cảm nhận về văn phong Bùi Vĩnh Phúc, một chất thơ, một khúc nhạc,
một chuỗi lý luận, và một tấm lòng rất mực yêu quý văn học -- như sau.
Lời Vào Sách
Đây là một cuốn sách viết về
chín khuôn mặt văn học miền Nam Việt Nam. Chín khuôn mặt đặc thù. Chín phong
khí văn chương. Chín bờ cõi chữ nghĩa mà cái ánh sáng cùng khí hậu văn học đặc
biệt của miền Nam nước Việt, với thổ ngơi, màu sắc và khí chất riêng của nó, đã
hun đúc nên và làm toả ánh.
Miền Nam, nhưng không phải là chỉ là do người
miền Nam, chỉ cất lên từ một chất giọng miền Nam. Mà nó là một chất giọng Việt
Nam đặc biệt, của cả ba miền Nam Trung Bắc hợp lại. Miền Nam, ở đây, chỉ là một
không gian địa lý, một cõi bờ, một địa vực, của đất Việt. Những tiếng nói ấy gặp
nhau trong một khung cảnh, một giai đoạn lịch sử đặc thù, làm nên cái chất giọng,
cái “phong khí” chung của một dòng văn học, của một “điệu” văn chương. Rồi, sau
thời điểm 1975, cái “điệu” văn chương ấy lại toả đi khắp chốn. Nó tiếp tục được
cất tiếng trên những vùng thổ ngơi không phải là đất Việt. Nhưng nó làm “hồi cố”
những âm vang xưa. Nó làm lấp lánh cái hồi quang của một trời đất cũ. Và nó
cũng hoà quyện trong nó cái ánh sắc của những vùng không gian mới.
Tại sao lại chín mà không phải là mười, mười
hai, mười lăm, hay thậm chí nhiều hơn nữa?
Đó là một câu hỏi hợp lý.
Văn học miền Nam Việt Nam, trong suốt hai
mươi năm rực rỡ và đầy ánh sáng của nó, đã sản sinh ra biết bao tài năng, làm
phong phú và hãnh diện cho dòng văn học dân tộc nói chung, và cho dòng văn học
miền Nam nói riêng, trong cái bối cảnh lịch sử của đất nước. Những khuôn mặt
tài tuấn, những ngòi bút tài hoa, đã làm bừng sáng cảnh quan phong thổ miền
Nam, đất nước cỏ hoa miền Nam, nơi đó, những nét truyền thống của dân tộc, hoà
cùng hương hoa và ánh sáng thế giới, và những âm vang của thời đại, đã làm dội
lên những khúc hoan ca, hạnh ca, tình ca, hùng ca và bi ca của con người. Tất cả đã phản ánh cái hương vị và nguồn sống
của cuộc đời.
Việc chỉ chọn, trong biết bao kỳ hoa dị thảo
nơi cánh rừng ấy, chín khuôn mặt, chín phong khí văn chương, không phải vì đây
là một con số đẹp. Mà chỉ là vì giới hạn của con người. Với một vòng tay nhỏ
bé, ôm không thể trọn, giữ không thể đầy, người viết cuốn sách này không có
tham vọng trình hiện, trong tác phẩm giới hạn của mình, tất cả cái khung cảnh rực
rỡ tưng bừng của cả một dòng văn học.
Tác giả chỉ hy vọng, qua chín khuôn mặt và phong khí được trình bày, giới
thiệu, phê bình và nhận định trong cuốn sách này, có thể làm ánh lên đâu đó cái
đẹp, cái rực, cái mềm mại, cái cương ngạnh, cái bay lượn, và cái phong nhiêu,
sinh động của cả một vùng trời đất, cỏ hoa, một vùng văn hoá.
Những khuôn mặt, phong khí văn chương được
trình bày trong cuốn sách này, dù sao, và trong một góc cạnh nào đó, cũng có thể
đại diện cho những ánh sắc khác nhau của vùng văn học được khảo sát. Đó là miền
Nam Việt Nam. (Còn văn học miền Bắc, trong giai đoạn này, lại là một địa vực, một
bờ cõi khác, với cái khuôn mặt riêng và đặc thù của nó.) Khởi đi và được nuôi
dưỡng trong hai mươi năm chiến tranh (1954-1975) trên đất đai, thổ ngơi nước Việt,
rồi tiếp tục bừng nở, mang trong trái tim và lồng ngực mình tiếng đập và hơi thở
của thời đại, cùng với mùi hương cuộc đời trên những hành trình lữ thứ, trong nội
tâm hay ngoài Việt Nam, những nhà văn, nhà thơ Việt được giới thiệu ở đây đã tiếp
tục làm lớn mạnh tiếng nói và tâm hồn dân tộc.
Trong chín người được chọn này, có ba người
khởi đi từ nhóm Sáng Tạo (Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên), một người từ
Vấn Đề (Vũ Khắc Khoan), một người từ Bách Khoa (Võ Phiến), một người từ Giữ
Thơm Quê Mẹ (Phạm Công Thiện), và ba người còn lại, từ những “phong thổ” khác
nhau, là Bùi Giáng, Nguyễn Xuân Hoàng, và Nguyễn Mộng Giác. Tôi thử đặt một số
tác giả trên trong một vài nhóm để chúng ta có cơ hội nhớ tưởng lại những hành
trình ban đầu của họ, cái không gian viết của họ, cái tiếng nói và, phần nào,
quan điểm, thái độ của những diễn đàn đó trong dòng văn chương, văn học miền
Nam thời ấy. Nhưng thực ra, tất cả những tác giả nói trên đều đã sống, và mở rộng
cái sống cùng cái viết mình, không chỉ trong những không gian viết ban đầu như
tôi đã thử nhắc đến. Họ đã hoà lưu vào cái sống, cái viết của toàn cõi miền
Nam. Rồi, sau đó, mở rộng ra, họ đã hoà lưu vào những thuỷ lưu lớn của thời đại,
của thế giới, của văn chương con người.
Mỗi nhà văn, nhà thơ sẽ được giới thiệu,
trình bày, nhận định, đánh giá với một, hai bài viết của tác giả quyển sách
này, qua những mốc thời gian khác nhau, với những dạng thể khác nhau, và từ những
góc độ, tâm thế, những hoàn cảnh, tâm cảnh khác nhau. Sau đó, mỗi người lại được
tiếp tục giới thiệu qua chính chữ viết, “dấu vân tay” của họ, với một hay hai
bài/đoạn văn mà tác giả sách này cảm thấy là tiêu biểu cho tâm hồn, ngòi bút,
và phong cách, khí chất họ. Lại có trường hợp người viết sách nhìn một tác giả
như một khối đá quý, rồi đập vỡ nó ra làm nhiều mảnh để thấy những “sắc diện”,
những mặt sáng, mặt cắt khác nhau. Từ đó, tất cả và mỗi tác giả được nhìn ngắm,
phân tích từ những giác độ khác biệt, được nắm bắt, chiếu sáng từ những góc
hình, góc quay đặc thù. Một hướng trình bày như thế, nhìn một cách nào đó, rất
không truyền thống. Dù sao, hy vọng điều đó cho ta nhìn ra cái phong khí, cái
“chất”, cái cốt cách tinh thần riêng của từng nhà văn, nhà thơ được khảo sát.
Một vài tác giả đã từng được tác giả sách
này giới thiệu trước đó nhiều năm. Và, như thế, có một vài tiểu luận được sử dụng
lại ở đây. Dù sao, ngay cả đối với những bài viết này, chúng cũng được tôi xem
và nhuận sắc lại, không nhiều thì ít. Được viết lại, viết thêm, được triển khai
mở rộng, hoặc được kết hợp với những bài viết mới, cái nhìn mới. Tất cả lại được
đặt vào một bố cục riêng của quyển sách này, với những dẫn nhập, dẫn giải mới.
Mỗi người đọc có một cái nhìn riêng của
mình. Mỗi người đọc có cái mã văn hoá riêng trong việc tiếp cận chữ viết và tâm
hồn các tác giả mà họ đọc. Điều đó làm nên cái lấp lánh kỳ bí của không gian
văn học. Nó cũng làm nên cái chiều rộng và chiều sâu diệu kỳ, uyên áo nơi không
gian tâm hồn con người khi đến với các tác phẩm văn chương.
Đời sống văn học, cũng như tâm hồn con người—đặc
biệt, ở đây, tâm hồn người đọc—là thế. Đó là một thế giới kỳ diệu, đặc thù, và
đầy ánh sắc, gam mầu, đầy hợp âm, xao động.
Tôi mong cuốn sách này, dù sao, cũng có thể
cho người đọc thấy được, ở những giác độ nào đó, cái khuôn mặt, cái phong cách
và khí chất của những con người cầm bút được nhắc đến. Tôi mong, qua họ, người
đọc có thể thấy hay cảm nhận được cái sức sống đẹp tươi và đầy màu sắc của một
vùng trời đất hoa cỏ quê hương, nói riêng, và của cõi sống văn chương con người,
nói chung.
Cái cõi sống ấy, người viết và người đọc, ở nơi nào và thời nào, tôi tin, cũng đều muốn hướng đến. Trong đó, tất cả—người viết và người đọc, cái viết và cái đọc, cái được viết và cái được đọc—đều hạnh phúc quây quần và ca hát hạnh ngộ cùng nhau (*).
Bùi Vĩnh PhúcTustin Ranch, California,Tháng Mười Một, 2023.
__________
Chú thích:
(*) Người viết và người đọc, cái viết và cái đọc,
thì rõ ràng, dễ phân biệt. Nhưng cái được viết và cái được đọc thì,
có lẽ, khó phân biệt hơn. Chúng ta có thể nghĩ: cái được viết ra cũng
sẽ chính là cái được đọc, cái đọc được, từ độc giả, những người
đọc. Nhưng, nếu ngẫm nghĩ kỹ, đây là hai cái khác nhau. Sự khác nhau sẽ là hiển
nhiên. Cái phải lưu ý là mức độ khác nhau của chúng.
Mỗi người viết và mỗi người đọc đều có cho
mình một cái mã riêng khi bước vào “cuộc”. Cuộc viết và cuộc đọc. Cái mã rất
riêng ấy được tạo nên từ tất cả những gì làm nên con người viết và con người
đọc. Đặc biệt là những gì làm nên cái nét mặt tinh thần, cái dáng vẻ của tâm
hồn họ. Những kinh nghiệm khác biệt trong cuộc sống, những lớp vỉa văn hoá,
những phù sa của những trải nghiệm cuộc đời, sự giáo dục, sự va vấp, đụng chạm của
họ, ở những góc độ, những khía cạnh và ở những hoàn cảnh, những tầng mức khác
nhau, tất cả sẽ làm nên cái mã sống, nhìn, cảm và viết, đọc khác nhau. Người
viết viết với sự ý thức và, có những khi, với cái vô thức của họ. Người đọc
cũng đọc với cái mã riêng, từ cái kinh nghiệm sống, cùng cái cảm nhận, thức
nhận, cái hiểu, và với tâm hồn, trái tim riêng của mình. Những cái viết và cái
đọc như thế, có thể không đi cùng nhịp, không cùng song hành, đồng bộ. Nhưng
giữa cái đọc và cái viết ấy, có sự giao thoa, chia sẻ, hoặc đồng cảm, tương
đắc, tương thông ở những mức độ và khía cạnh nào đấy.
Từ đó, cái gọi là chữ nghĩa, văn chương, được hoà quyện, thẩm thấu, đào sâu, khúc xạ, ánh xạ, loang xa, lấp lánh, và bay lên. Và đó chính là những “phép lạ” của văn chương, văn học. Và mỗi cái viết, cái đọc rất riêng ấy, đều làm nên hạnh phúc và đớn đau riêng trong mỗi một con người.