Lúc nầy
đây tôi đang ngồi ở quê nhà, bỗng dưng nhớ đến ngôi nhà nhỏ xinh xắn trên đường
Scibilia của nhà thơ Phạm Cao Hoàng và khu rừng xanh tươi cây lá phía sau nhà
anh mà anh đặt cho nó cái tên: Rừng Scibilia ở tiểu bang Vỉginia trong một ngày
cuối xuân trên đất Mỹ xiết bao và tự nghĩ không biết bao giờ có thể trở lại chốn
ấy thêm lần nào nữa không?
Tôi
biết nhà thơ Phạm Cao Hoàng rất lâu trước 1975. Thơ anh lúc đó đăng rải rác trên
các tạp chí văn học ở Sài Gòn hồi đó như: Văn, Văn Học, Bách Khoa, Khởi Hành,
Thời Tập...và anh cũng đã xuất bản được 2 tập thơ: Đời như một khúc nhạc buồn(1972) và Tạ ơn những giọt sương(1974), tên tuổi anh được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên tôi ít đọc được thơ anh một không có nguồn sách thường xuyên một phần
anh cũng ít gởi thơ đăng báo. Trong bài nhận định “Phạm Cao Hoàng, tiếng thơ tách thoát khỏi mọi trào lưu thời thượng”
của nhà thơ Du Tử Lê có nhận xét khá chính xác về thơ anh: “... Họ Phạm lặng lẽ đem mình ra khỏi trào lưu, xốc nổi thời thế. Ông tự
tin thanh thản với những đường bay thi ca bình thường mà sâu sắc, giản dị mà cảm
động, qua những chủ đề, tưởng như tầm thường mà, rất gần nhân thế; rất gần tình
yêu con người và; đất nước của ông”.
Một dịp
rất tình cờ tôi được kết nối với nhà thơ Phạm Cao Hoàng: Khi viết truyện ngắn “Bên dòng Potomac” đăng trên tạp chí Thư
quán bản thảo số 85 xuất bản năm 2019 của nhà văn Trần Hoài Thư tôi có sử dụng
một bài thơ của anh: Nội dung truyện ngắn kể về cuộc tình có hậu của hai kẻ yêu
nhau. Chàng là một người lính, sĩ quan VNCH, nàng là y tá trong một bệnh viện
quân y miền Tây. Chàng bị thương đưa vào quân y điều trị, nàng chăm sóc chu đáo
và tình yêu nẩy nở từ đó. Sau tháng tư 1975 họ thất lạc nhau. Sau mấy mươi năm
cách biệt họ gặp lại nhau bên dòng sông Potomac một cách kỳ diệu. Tôi đã mượn bài
thơ “Khi dừng lại bên dòng Potomac” để
làm cái kết cho câu chuyện tình cảm động ấy. Nội dung bài thơ như sau:
khi dừng lại bên dòng Potomacem bên tôi vẫn rất dịu dàng
gió lồng lộng cả một trời đông bắc
tóc
em bay trong nắng thu vàng
và
như thế mình đi và đã đến
mình
đã tìm và gặp được dòng sông
tôi
ngồi xuống để nghe sông hát
và
đứng lên ôm lấy mặt trời hồng
và
như thế mình đi và đã đến
đã
bên nhau thủy tận sơn cùng
tôi
nằm xuống để nghe đất thở
tạ
ơn đời độ lượng bao dung
khi
dừng lại bên dòng Potomac
tôi
và em nhìn lại quê nhà
buồn
hiu hắt thương về chốn cũ
phía
chân trời đã mịt mù xa
(Khi
dừng lại bên dòng Potomac, 2.2005)
Phạm cao Hoàng đọc được
truyện ngắn ấy và anh nhờ họa sĩ Nguyễn Sông Ba chuyển lời với tôi gởi cho anh
file truyện ngắn để đăng trên trang văn nghệ của anh cho vui. Từ đó lâu lâu tôi
gởi cho anh dăm bài thơ hay một truyện ngắn nào đó để góp mặt trên trang nhà của
anh. Thời gian sau anh gởi về Việt Nam tặng tôi mấy tập thơ và truyện của anh
in ở Mỹ, nhờ thế tôi có dịp đọc kỷ các tác phẩm của anh hơn.
Có thể nói Phạm Cao Hoàng là nhà thơ của lòng hoài niệm từ
lăng kính của riêng anh về quê hương, tình yêu và bè bạn. Nó không sướt mướt ảm
đạm lại có chút ấm áp của không khí mùa xuân, chút nền nã sắc hoa của nắng hạ,
chút gió heo may dịu dàng cùa ngọn gió thu và chút nắng mặt trời trong mùa đông
buốt giá. Khi bắt đầu cuộc hành trình vào đời xa quê bước vào ngành sư phạm, ra
trường dạy học luân chuyển khắp nơi từ Bình Thuận, Phú Yên, Đức Trọng, Lâm Đồng
và dừng lại ở ngôi nhà nhỏ của bang Virginia của đất nước Hoa Kỳ rộng lớn. Hồn
thơ anh không thay đổi trước sau vẫn vậy, nếu nói nên đổi mới theo hướng hậu hiện
đại, cách tân theo kiểu tân hình thức gì đó cho hợp với trào lưu, với ai không
biết chứ với Phạm Cao Hoàng thì đều đó là không thể. Anh làm thơ cho riêng anh
chứ không làm thơ cho ai khác. Thế thôi.
Ta thử đọc một vài đoạn thơ ngắn của anh sẽ bắt gặp được
một Phạm Cao Hoàng luôn có cái tình tha thiết đằm thắm và độ lượng bao dung đến
thế:
khi về thăm lại cố hương
thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà
hắt hiu một bóng mẹ già
một ngôi mộ cỏ xanh và khổ đau
bâng khuâng một chút vườn sau
ngậm ngùi ngõ trước lao xao nắng vàng
đã qua chưa cuộc điêu tàn
đám mây năm cũ biết tan nơi nào
(Sau chiến tranh trở lại Tuy Hòa, 1976)
Với Đà
Lạt và người con gái có tên Cúc Hoa, kỷ niệm của một thời tuổi trẻ không thể nào
quên:
rồi có lúc trở về chốn cũ
đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù
hát cùng em bài tình ca thuở ấy
tìm lại dấu chân mình trên những lối đi xưa
tìm lại mùi hương bên chiều Thủy Tạ
theo em về những hò hẹn ngày mưa
và thương nhớ một thời tuổi trẻ
chỉ có hoa hồng và chỉ có mộng mơ
(Đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù, 2012)
Với những
người bạn một thời sống sót sau chiến tranh giờ gặp lại nhau trên xứ người:
sau chiến tranh chúng ta là những người
sống sót
còn gặp lại nhau là đủ vui rồi
đêm ở New Jersey
nhắc với nhau về những ngày tháng xa
xôi
về người bạn đề thơ trên vách tường năm
ấy (1)
về người bạn lên Pleime rồi chẳng bao
giờ trở lại (2)
về người bạn mấy lần bị thương ở Bình
Định Qui Nhơn (3)
về cà phê quán sớm bên
đường
về căn nhà cửa không bao giờ khóa
từ chiến trường
bạn trở về nơi đó
lặng lẽ ngồi nơi chiếc bàn bên cửa sổ
viết truyện thời chiến tranh
viết thật nhanh - mai còn đi hành quân
viết cho kịp - biết đâu không còn gặp
lại bạn bè khu sáu
và bạn tôi như thuyền không bến đậu
ngày ở cao nguyên đêm xuống đồng bằng
ôi một thời đi giữa chiến tranh
sống và chết chỉ cách nhau trong tích
tắc
sau chiến tranh chúng ta là những người
sống sót
còn gặp lại nhau là đủ vui rồi
cụng ly nào! - mai mình lại chia
tay
(Ở New Jersey, gặp lại Phạm Văn Nhàn, 5.2017)
Trước khi làm cuộc hành trình sang Mỹ mấy ngày, tôi có mail cho anh – nhà thơ Phạm Cao Hoàng – biết. Bức thư đại ý viết: Tôi qua Mỹ dự lễ tốt nghiệp của thằng con ở đại học Wharton bang Pennsylvinia, sau đó có đi thăm một số địa danh nổi tiếng của Mỹ, hành trình có ghé Washington DC gần nơi anh ở nhưng không biết có điều kiện đến thăm gia đình anh không? Phạm Cao Hoàng hồi đáp với tôi: Rất vui được chào đón anh đến thăm nhà, từ Washington DC sang Virginia nơi tôi ở xe chạy chưa đầy một tiếng đồng hồ. Anh còn đề nghị nếu sắp xếp được nên qua anh sáng chủ nhật là tiện nhất, anh sẽ mời một số anh em văn nghệ sĩ gần anh đến tham dự cho vui. Thật tình tôi rất thích đề nghị đó của anh nhưng do điều kiện thực tế lệ thuộc vào thời gian rảnh rỗi của thằng con mà thôi. Tôi báo với nhà thơ Phạm Cao Hoàng sẽ đến Wasfington DC ngày thứ ba, sang thăm anh sáng thứ tư lúc 9 giờ sáng sau đó về thẳng Pennsylvania ngay chiều hôm đó. Vậy mà mới 8 giờ 30 điện thoại reo, anh hỏi tới đâu rồi. Nhà anh nằm trên đường Scibilia khá yên tĩnh và vắng vẻ. Đến nơi đã thấy các anh Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Phạm Thành Châu đang đứng nói chuyện ngoài sân và chờ đợi. Lần đầu tiên gặp nhau đã có cảm giác thân quen tay bắt mặt mình, anh dẫn mọi người đi chụp hình một số cảnh đẹp xung quanh nhà anh để làm kỷ niệm. Tuy chưa đến nhà anh lần nào nhưng tôi cũng hình dung được qua những tấm ảnh anh gởi lên trang nhà giới thiệu: Đó là một ngôi nhà nhỏ hơi cũ nhưng vô cùng xinh xắn, nằm khuất sau một ngôi nhà khác tách biệt có một không gian đủ rộng làm ta có cảm giác thư thái, dễ chịu. Trước nhà có trồng những khóm hoa hồng đang trổ hoa đỏ rực và một cây đào đang ra trái. Thảm có xanh mượt trải dài, đẹp nhất là cánh rừng phía sau nhà xanh một màu xanh bất tận mà anh gọi là rừng Scibilia. Tôi gặp được chị Cúc Hoa(người phụ nữ có mặt trong nhiều bài thơ tình của Phạm Cao Hoàng) và cháu Thiên Kim-con gái anh. Bàn ăn đã chuẩn bị tươm tất từ lâu, chị Cúc Hoa có vẻ bận rộn không ngồi chung vui được vì bận giữ cháu ngoại cho Thiên Kim sắp đi làm. Tôi đã từng nghe anh Nguyến Minh Nữu khen về tài nấu nướng vén khéo của Thiên Kim, bây giờ mới có dịp thưởng thức. Ở phòng ăn có một cảnh cửa nhỏ thông ra cánh rừng Sclbilia phía sau, tôi nghe nói còn có một con suối nhỏ nữa thì phải làm tôi chợt nhớ đến căn nhà trong phim Ngôi nhà trên thảo nguyên tôi đã từng xem. Ước chi phải có thời gian một chút...
Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Scibilia, ngày cuối thu” của anh có những câu thơ rất đẹp:
Scibilia,
ngày cuối thu
tôi
đuổi theo những đám sương mù
và
khi quay lại tôi nhìn thấy
một
giọt sương buồn trong mắt em
giọt
sương đọng suốt mười lăm năm
long
lanh từ thuở xa quê mình
và
em nói rằng em rất nhớ
những
bước chân về - đêm cao nguyên
giọt
sương đọng suốt mười lăm năm
từ
khi mình bỏ núi xa rừng
và
em nói rằng em rất nhớ
một
chút mây trời Langbiang
giọt
sương đọng suốt mười lăm năm
ừ,
khóc đi em cho đỡ buồn
quê
hương còn đó nhưng xa lắm
và
biết ngày về kịp nữa hay không
(Scibilia ngày cuối thu, 12.2014)
Những
lúc sau nầy hình như anh ít sáng tác, chỉ lo chăm sóc trang văn học của anh ngày
thêm hương sắc nhất là anh từng bước phổ biến những ca khúc phổ thơ của anh có
ca sĩ trình diễn đến bạn bè như một niềm vui trên con đường văn chương của mình.
Xin cám ơn anh về tập thơ “Đất còn thơm mãi mùi hương” mới vừa tái bản năm 2023 do nhà xuất bản Nhân Ảnh ấn hành. Nhà thơ Lê Hân trao cho tôi khi tôi sang Cali thăm anh ấy và gia đình. Xin gởi đến nhà thơ Phạm Cao Hoàng và gia đình hai bài thơ ngắn được viết khá lâu sau bài thơ “Gặp bạn bên dòng Potomac” mà tôi gởi cho anh sau khi từ Mỹ về Việt Nam như một chút tình văn nghệ đối với người bạn văn chương xa quê hương:
XIN LÀM HẠT BỤI THỜI GIAN
“Đất còn thơm mãi mùi hương” cũ
Vằng vặc gương soi giữa đất trời
Có tiếng thông reo trên đồi vắng
Bụi phấn thông vàng bay khắp nơi.
Có phải Phạm Công thời hiện đại
Em - Cúc Hoa - muôn vạn đóa hồng
Suối tóc còn thơm trăng mười tám
Thật ngoan hiền gái Bùi Thị Xuân.
Nét cọ bay vờn trên giá vẽ
Nắng vàng hôn vội lọn tóc mây
Hoa cỏ xanh ươm lời hẹn ước
Trong veo áo lụa hạt sương mai.
Mây có ngừng bay ngày trở lại
Đà Lạt ơi thành phố sương mờ
Hạt bụi thời gian trôi mải miết
Năm mươi năm trăng vẫn còn thơ.
NHỚ ĐÀ LẠT SƯƠNG CHIỀU
Nhớ Đà Lạt – Nhớ Việt Nam
Nhớ màu sương tím Tuyền Lâm thật đầy
Nhớ dốc làng một sớm mai
Quán cà phê nhỏ - rộn bài tình ca.
Tìm trong mây khói quê nhà
Dấu chân mình đã rời xa mất rồi
Cám ơn người đã vì tôi
Ngồi nghe sông hát những lời nhớ thương
Nhớ Đà Lạt – Nhớ chiều sương
Nắng qua Đức Trọng - Đơn Dương mưa chiều
Về đâu phố thị hắt hiu
Mùa trăng cổ độ lạc nhiều chiêm bao.
Tìm trong sợi tóc hư hao
Đi trong gió bụi bạc màu thu
phai
Thương người ở lại đêm nay
Loanh quanh chợ cổ những
ngày mưa bay.
Nhớ Đà Lạt – Nhớ bờ vai
Bên hồ Than Thở còn ai đợi chờ
Lên đồi hái trái mộng mơ
Trao nhau nhẫn cỏ bên bờ
tương tư.
Sài Gòn, 8 tháng 3. 2024
NGUYỄN AN BÌNH