Monday, March 11, 2024

3282. ĐẶNG TIẾN Tự Khúc Tháng Ba

Google images

[Tháng ta được sinh ra...]

1.
Ta đâu được chọn nơi sinh
Chọn người sinh
Cả giờ, cả ngày, cả tháng, cả năm và cả nơi đều không được chọn
Ngôi làng nhỏ bên dong Lô Giang phía thượng nguồn
Tháng Ba/Hai mùa Xuân khi cây gạo già bật mầm xanh gọi đàn chim sáo
Gọi đàn cá ngần trắng bạc lao xao
Thiều quang dệt tơ trời óng ánh
Bà mụ hiền từ dùng liềm cắt rốn
Oa oa ta cất tiếng khóc đầu tiên...

Mẹ ta kể trước khi trở dạ Người còn kịp gánh đầy hai chum nước
Còn kịp xếp vào nhà quanh quanh ông táo đủ chín bó củi khô
Còn kịp bảo anh cả ta mổ trước đôi gà
Trong nhà có đàn bà sinh nở đủ ba tháng đầu tiên ở cữ không được sát sinh
Ta ra đời giản đơn như thế
Một nơi chốn thiện lành
Cha ta bảo nghe tiếng khóc của ta trong veo trong vắt
Người ôm ta vào lòng
Và ngủ
Giấc ngủ đầu tiên
Ngon lành
Ta mơ gì?
Có đất có trời mới biết...

Mùa Đông năm một ngàn chín trăm sáu mươi mốt
Mẹ đặt ta vào thúng
Cha ngồi giữ lái
Thuyền no gió xuôi Lô Giang về Quê ngoại
Ngã ba Hạc
Bến Gót
Đền Tam Giang
Dấu chân khổng lồ huyền thoại
Làng Mộ Chu Thượng nơi Đức Ông Trần Nhật Duật ém quân thủa nào
Cây Chiên Đàn cành vươn ngàn trượng
Hạc trắng sải cánh bay rợp một vùng sông nước
Quê ngoại thân thương
Thuyền trôi xuôi giữa đôi bờ tre xanh mướt
Thúng tre êm ta ngủ ngon lành
Ta mơ gì?
Có sông nước mây trời cùng biết...

Cả một thủa thiếu thời ta sống cùng sông nước,
Thao Giang, Đà Giang cuồn cuộn sóng xô
Lô Giang xanh trong chảy xiết
Ruộng đồng mang mang mùa nước
Uy nghi Tam Đảo, Ba Vì
Tôm cá chim cò bời bời sinh nở
Ràn rạt cỏ xanh những triền đê
Súng, sen ngơ ngác
Rực vàng mùa hoa cải ven sông
Dịu dàng mùa ngô trổ cờ
Bay trắng trời bông gạo
Đỏ rực ráng chiều trên sóng nước mênh mang
Một thủa thiếu thời
Một thủa trong veo trong vắt
Thơm mùi phù sa, ngai ngái bùn non
Quê ngoại ta lớn lên...

Bồng bềnh tóc
Cháy nắng da
Sáng trong mắt
Ta lớn lên
Ta đã nghĩ suy gì
Có đất trời hoa lá cỏ cây
Có tôm cá chim cò
Cùng biết
Mười bảy tuổi một sáng mùa thu dịu dàng nắng dịu dàng gió ta xách ba lô lên đường
Một thủa thiếu thời để lại.
                              

Tháng 3 năm 2024

2.
Định vô núi, ẩn cư, theo gương thánh nhân, có thể chỉ giả vờ/đò
Suối cạn, câu được gì, đầy rác
Núi không cây, bặt tiếng chim trời
Ngửa mặt nhìn, mây bay vội
Khoảng trời xanh, hun hút trêu ngươi
Còn lại đá, hỏi đá bao nhiêu tuổi
Một vạn năm?
Một triệu năm hay một triệu triệu năm?
Vô nghĩa, lâu để làm gì
Chuẩn bị nổ banh
Nung vôi.

Đường ẩn cư vừa nhen
Đã tắt
Đành sống thung thăng giữa trần ai
Giữ cho áo khỏi bụi
Ích chi?
Vô ích!
Phải làm chi
Trước lúc
Lực kiệt
Sức tàn
Về với hư vô?

Phải làm chi?
Sống an nhiên, cứ an nhiên mà sống
Ảo tưởng!
Bưng mắt, bịt tai, ngoảnh mặt, làm ngơ
Ảo tưởng!
Đọc sách, làm thơ, chụp hình tự sướng!
Cũng Ảo tưởng!

Thôi thì chờ!
Bao giờ cho đến ngày xưa!
Mỉa mai!
Bao giờ cho đến tháng Ba?
Cay đắng!
Bao giờ cho đến tháng Năm?
Quanh quẩn, lại ăn!
Bao giờ cho đến tháng Mười?
Vẫn nồi cơm, mới - cũ!

Đợi
Chờ
Chờ
Đợi...                             

Tháng 3 năm 2021


3.
Hôm nay là ngày Mẹ sinh ra mình.
Ở quê, gọi mẹ là bầm, từ địa phương Phú Thọ.
Lúc còn tại thế, bầm kể: Hồi ấy nhà mình vẫn định cư ở Đông Khê - Đoan Hùng.
Bố lúc ấy vẫn thường đi rừng chặt gỗ, tre, nứa thả bè xuôi Việt Trì nên hay vắng nhà. Vì thế bầm hầu như phải lo mọi việc nội trợ chăm sóc các con. Trên mình đã có 5 anh chị. Chị Tính, sát mình, lúc ấy mới lên 2, hình như rất là hay khóc nhè.
Bầm kể chiều hôm ấy đã thấy người khang khác, chắc sắp đẻ. Cần có nước mà dùng nên bầm đã gánh chừng chục gánh đổ đầy mấy chum. Bầm bảo là bố có thể làm rất nhiều việc nhưng gánh thì không thể. Còn anh Chiến, lớn nhất nhà, lúc ấy cũng chỉ có 14 tuổi.
Bầm kể, chập tối thì bố đi rừng về. Nghe bầm bảo, bố chèo thuyền sang bên kia sông, đón bà mụ sang. Và khoảng gần lúc nửa đêm, mình ra đời! Bố kể lúc mới sinh mình khóc không to lắm. Nhưng khá nặng. Hồi ấy chẳng ai cân con lúc mới chào đời. Bố bảo lúc ấy mình chân tay dài lêu nghêu, còn tóc thì rất là đen và dài nữa!
Mùa xuân, năm Trâu!
Cuối năm nhà mình chuyển về Bạch Hạc, quê ngoại...
Bố mình cũng được học chút chút cổ học nên cũng biết ít nhiều thuật xem số của người xưa! Bố  bảo số mình giống con Trâu ý. Hình như không lúc nào quá khổ và chẳng lúc nào quá sướng. Hình như về già thì có sướng hơn. Trâu già ai người ta bắt làm. À mà bố còn bảo trâu chết còn để tiếng vang đấy! Thịt trâu già ăn tạm. Da, thì chỉ để làm trống. Bịt trống bằng da trâu là tốt nhất.
Trống da trâu âm vang cả mấy dặm đường cơ đấy!
Lớn lên, mình "thân thiện" với cả bố cả bầm, tức là hợp tính, không xung khắc tẹo nào. Khi đã là sinh viên, thậm chí lấy vợ rồi khi về nhà vẫn ngủ chung giường với bố, đôi khi là với bầm nữa.
Ngay từ lúc bé tí, bố đã bảo mình: Con lớn lên sẽ sống xa gia đình và anh chị em. Lúc bố bầm mất là con không có nhà đâu!
Lúc bé nghe biết thế. Nào ngờ, lớn lên tất cả đều đúng như thế!
Những kỉ niệm tuổi thơ cũng không thật nhiều vì những tháng năm ấy đói nghèo thì có thừa, còn niềm vui thì thật mong manh. Quê mình gần trọng điểm đánh phá  của không quân Mĩ bom đạn ngút trời may không chết như biết bao người!
Lớn lên, xa nhà, đi học rồi đi làm.
Cái sự mình đi học sư phạm hầu như gây bất bình cho cả nhà! Các anh chị đều phản đối! Không biết vì lí do gì! Cũng có thể các anh chị nghĩ mình phải làm quan to cơ chứ ai lại đi học làm giáo khổ! Chỉ có bố là vui. Bố bảo đại ý làm nghề dạy học ở nước mình dẫu có nghèo nhưng còn được sống ngay ngắn, không phải khom lưng uốn gối! Còn bầm thì không mấy băn khoăn bầm chỉ nghĩ làm thầy giáo chắc đỡ khổ hơn làm nông dân! Đơn giản thế thôi.
Ui, vừa mới hôm nào còn bám theo bố lội ruộng mò cua, đánh giậm. Vừa mới hôm nào dậy sớm gánh một gánh rau sang chợ Gát cho bầm bán rồi mới quay về cuốc bộ đến trường!
Bố bầm giờ đều đã khuất núi và mình thì cũng về già, tuy không ngẩn ngơ nhưng cũng có phần ngơ ngẩn!
Ừ thì sinh nhật.
Chỉ thấy nhớ bố nhớ bầm.
Bóng hình chập chờn hư ảo!
Và những lời song thân dạy bảo con chẳng bao giờ quên: Nhất Tâm thiện lành trời không bao giờ bỏ!
Và có thể "báo cáo" với song thân rằng con vẫn lành lặn!
                                  

Tháng 3 năm 2020

ĐẶNG TIẾN
(Thái Nguyên)