Wednesday, March 6, 2024

3275. TRẦN DOÃN NHO Tưởng nhớ Phan Xuân Sinh.

Trần Doãn Nho - Lương Thư Trung - Phạm Văn Nhàn - Phan Xuân Sinh
(Hình TDN - Houston, 2019)

Khi nghe tin Phan Xuân Sinh được khẩn cấp chuyển vào bệnh viện hôm 18/2/24, tôi bàn với bạn bè Dallas cùng đi thăm, nhưng do ai cũng bận bịu chuyện này chuyện nọ chưa thu xếp ổn thỏa, nên nấn ná. Hóa ra, trễ mất rồi. Anh đã từ giã cõi đời vào khuya 28/2/2024, sau hơn mười ngày hôn mê. 

Trước nay, tuy cách khá xa (đoạn đường Dallas-Houston mất từ 4 đến 5 tiếng lái xe), nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tự lái xe đi thăm anh em bầu bạn và vấn an anh, người vốn đã không mấy khỏe, lại phải chăm sóc cho chị Nga, vợ anh, sức khỏe còn tệ hơn. Thế mà, trong lúc bạn bè ái ngại hỏi han, thì anh vẫn vậy, hiếm khi vắng mặt trong các cuộc gặp gỡ. Còn nhớ, bốn tháng trước đây (10/2023), chúng tôi (Nguyễn Trọng Khôi, Thận Nhiên và tôi) đi Houston, cùng vợ chồng anh tham dự buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi hội ngộ với anh chị Duy Trác và các con, do Ngu Yên tổ chức tại nhà riêng. Anh ở lại đến khuya, đọc thơ góp vui và sáng hôm sau, cùng đi uống cà phê và ăn trưa với nhau. Không ngờ đó là lần gặp anh cuối cùng. Mới đây, một ngày trước khi anh vào bệnh viện, khi Hoàng Xuân Sơn ghé Houston, anh chị vẫn đến với bạn bè, cà phê cà pháo bình thường, không có dấu hiệu gì báo trước tin xấu. Thế mà, anh ra đi, đột ngột. Đúng là sinh hữu hạn, tử vô kỳ!

Chỉ biết ngậm ngùi.

Trong đời sống, Phan Xuân Sinh là một mẫu người hiếm thấy. Nhà văn Song Thao, qua bài viết tưởng nhớ Phan Xuân Sinh chỉ một ngày sau khi anh qua đời, đã gọi anh là “người của mọi người”.[1]  Quả thật thế. Khi còn ở Boston, anh là một trong những thành viên tích cực của cộng đồng và là “mạnh thường quân” cho các sinh hoạt văn nghệ. Mỗi lần có bạn văn từ xa tới để thăm viếng hay ra mắt sách, thì ngoài nhà thơ Trần Trung Đạo lo điều hành tổng quát, Phan Xuân Sinh gần như bao sân những chuyện còn lại, từ đưa đón, ăn ở cho đến tiệc tùng, tham quan. Một số buổi ra mắt sách (của Trần Doãn Nho hay Hoàng Lộc chẳng hạn) được tổ chức ngay trong nhà (mà cũng là tiệm) của anh. Phụ tá đắc lực cho anh không ai khác hơn là chị Nga. Không những tiếp đón khách, anh chị còn đảm trách luôn cả việc đưa anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi đi các nơi tham dự các sinh hoạt văn nghệ: Canada, Washington DC, New Jersey, Philadelphia…Anh lái xe, chị lo ăn uống. Nói tóm, hễ anh em cần là anh chị sẵn sàng, hiếm khi từ chối. Giai đoạn 1995-2006, Boston xôn xao sinh hoạt văn học nghệ thuật (tôi đoán có lẽ chỉ thua… Quận Cam), một phần là nhờ anh. Giữa thập niên 2000, anh chuyển công việc làm ăn về Texas; thìếu anh, Boston dường như lắng xuống. Ngược lại, có anh, Houston khởi sắc lên, nhất là khi công việc làm ăn của anh chị xuôi chèo mát mái. Nhà anh luôn rộng mở, bất kể thịnh, suy. Bạn bè văn nghệ khắp nơi, khi đến Houston, không có chỗ nghỉ chân hay cần họp mặt hàn huyên là cứ tới nhà Phan Xuân Sinh. Chan hòa với cuộc sống như thế, không hiểu sao, vận rủi cứ liên tiếp đổ xuống gia đình anh, sau này. Chị Nga đột ngột bị đột quỵ, rồi lại tái đột quỵ, khiến công việc kinh doanh phải đình chỉ. Vốn là người bươn chải, năng động, nhưng từ đó, chị đành phải sống dựa vào anh, dù bản thân anh, vốn là thương phế binh thời VNCH, cũng mang đủ thứ bệnh của người lớn tuổi. Đã thế, tháng 9/2020, đứa con trai đầu của anh, độc thân, bị tai nạn, qua đời, khi đi phi trường đưa tiễn một người bạn. Đứa con trai còn lại, cũng độc thân và cũng bị bệnh, chỉ ở nhà phụ giúp chuyện lặt vặt. Xem như cả nhà có ba người thì đều là ba người bệnh. Bây giờ, anh ra đi thì yên phần anh, nhưng còn chị Nga và đứa con…Thiệt là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”!                                      

Phan Xuân Sinh mê văn chương. Anh làm thơ đăng báo từ trước 1975 và tiếp tục làm thơ khi ra hải ngoại. Nhiều bài thơ của anh với hiện thực chan hòa trong lý sự, tạo hành một phong cách riêng, đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng độc giả. Trước sau, anh xuất bản ba tập thơ. Tôi đã có nhiều dịp “bình” thơ Phan Xuân Sinh, hoặc qua lời Tựa hoặc khi anh ra mắt tác phẩm. Nói chung, theo tôi,  “Hơi thơ của Phan Xuân Sinh lạ, ngang tàng mà u uất, cuồng ngạo mà xót xa, sâu mà chân chất. Trong cuộc rượu, đọc lên nghe nghèn nghẹn, tưng tức và cảm giác như muối xác vào lòng.” (thi tập Đứng dưới trời đổ nát). Thơ anh không cần phân tích dài hơi. Anh làm thơ y như thể đang trò chuyện với bạn bè trong cuộc nhậu. Dù đề cập đến bản thân, người tình, kẻ địch hay đồng đội, ngôn ngữ Phan Xuân Sinh thẳng băng, hiếm khi vận dụng lối nói tu từ màu mè, bóng bẩy.  Muốn hiểu thơ anh, rất giản dị, chỉ cần mang bài thơ ra đọc. Là đủ. Bàn thêm, đôi khi sẽ thấy thừa. Lại không khéo sẽ làm bay đi mất cái “chất” riêng vốn sẵn.

trên chiếu rượu. Bạn là tay cự phách
cỡ như ta cũng phải chầu rìa
nhào vô. Chỉ thấy mình lãnh đạn
thối lui…đâu được. Cứ lia chia
máu Quảng Nam ta, hơi thô lỗ
vài ba chén rượu, đã cãi càng
bận tâm chi mấy lời nói sảng
rượu vô, điên tiết cứ huênh hoang
(Chén rượu ta lòng bạn hiền)

Phan Xuân Sinh thế đấy: chầu rìa, nhào vô, lia chia, cãi càng, nói sảng, điên tiết…


Thực ra, nếu lưu ý, qua thứ ngôn ngữ nghe rất “đời thường” đó, thơ anh ẩn chứa một nét khác: tính nghịch lý. Chẳng hạn, nghịch lý tiền tuyến/hậu phương:

ta vẫn nằm trên đồi gió thổi
chim hót ban ngày, pháo dội ban đêm
em cứ chạy theo từng mốt mới
còn ta, uống rượu để tìm quên
(Nghe chim hót trên đồi 55)

Chẳng hạn, nghịch lý quê hương/đảng:

trên quê hương tôi
lòng người đổ vỡ, tan hoang
khi những người thắng trận
(…)
thay vì xây dựng quê hương
lại xây dựng đảng
thay vì vá lại những vết thương
lại vạch thêm những vết nứt
những đứa bé đến trường
phải thông qua lý lịch
bài học đầu đời không cần đạo đức
phải tỏ tấm lòng
nhiệt thành cách mạng
những học vị vứt vào sọt rác
lao động là vinh quang
những thằng vô học đứng trên bục giảng
rêu rao lý thuyết điên cuồng
như vẹt
không nuôi được nhân dân
nhưng làm giàu bè đảng
quê hương tôi chìm trong uất nghẹn (Bom nổ giữa tim người)
Hay nghịch lý bộ đội/lính:
sau vài ly, ông nhìn tôi từ đầu tới chân
anh là ai? thấy quen quen như gần gũi
tôi trả lời ông, xin thưa, tôi là thằng “lính ngụy”
xưa kia… có lần tôi nhắm bắn trật ông
ông cười ha hả hèn chi thấy quen
mình là lính chuyên nghiệp,
mà “dở ẹt’ nghề xạ thủ
bữa nhậu nầy tràn ly vẫn chưa đủ
tôi với ông đều là thứ lính dân chơi
(Người lính già, bên kia)

Bài thơ này còn hàm chứa một nghịch lý khác: bắn trật/bắn trúng. “Bắn trật” ở đây nói lên một yếu tố rất nhân văn của người lính Phan Xuân Sinh: không muốn giết người. Vậy ai là kẻ “bắn trúng”. Dạ thưa, đây:

cuộc chiến qua, như một tấm tuồng đời      
thấy chúng nó bắn đâu trúng đó           
bắn tan xác nhân dân,         
bắn tanh bành đất nước        
vẫn chưa thỏa được lòng tham

Không những chỉ bắn trúng một cách chung chung, mà “bắn đâu trúng đó”. “Chúng nó” chẳng ai khác hơn đám quan chức nhà nước hiện nay, tạo nên một vấn nạn nhức nhối của đất nước gần như không tìm ra lối thoát. Rõ là Phan Xuân Sinh nhạy cảm với cái nghịch lý. Và tìm cách biến nó thành thơ.

Đọc bài thơ trên, không thể không nhớ đến “định nghĩa” về chiến tranh của nhà thơ Paul Valéry (Pháp): “Chiến tranh là cuộc tàn sát lẫn nhau giữa những người không quen biết nhau, để phục vụ cho những người quen biết nhau nhưng không tàn sát lẫn nhau” (La guerre est un massacre de gens qui ne se connaissent pas au profit de gens qui se connaissent bien mais ne se massacrent pas).

Phan Xuân Sinh tiếp bạn văn tại nhà
Từ trái: PX Sinh - PV Nhàn - Uyên Hà (VN) - Bùi Huy
Trần Doãn Nho - chị Trần Doãn Nho - chị Phan Xuân Sinh
(Hình TDN, 2018)

Ngoài thơ, Phan Xuân Sinh còn viết văn. “Bơi Trên Dòng Nước Ngược”, tập văn xuôi đầu tiên của anh, là một tạp bút. Trong lời mở đầu, anh thành thật cho biết: “Đây là một tạp văn gom góp lại những mẫu chuyện nho nhỏ của tôi được đăng rải rác trên các báo và tạp chí tại hải ngoại. Vì sợ thất lạc và để dễ dàng gìn giữ nên tôi quyết định in ra để bạn bè, những người thân thuộc, những anh chị em quen biết, như một món quà giữ làm kỷ niệm, chứ không có hoài bão lớn lao nào khác”. Trong đoạn cuối, anh cũng thành thật viết “Trong tạp văn này tôi gom đủ mọi thứ, buồn vui lẫn lộn, hư thực xen lẫn nhau. Để người đọc mua vui trong chốc lát…”

Như thơ, văn Phan Xuân Sinh bộc trực, không quanh co, úp mở. Tấm lòng anh tỏ lộ trên từng câu,  chữ, dù trong tùy bút, ký, tự truyện hay truyện ngắn. Anh gói mọi biến cố và bi kịch cuộc đời trong tình người. Vì thế, truyện của anh – tuy không ít kịch tính – lại có những kết thúc, lúc nào cũng làm…nhẹ lòng người. Thú vị nhất là theo anh xuôi về những kỷ niệm thời thơ trẻ với những tinh nghịch thuở học trò, với mối tình đầu và với vùng đất quê hương anh. Vui, buồn, tếu, cay đắng, khổ đau, hạnh phúc…. Đủ cả. Quê hương Quảng Nam xấu, tốt chi cũng đều bị anh lột trần. “Con gái Bắc tế nhị, khéo léo bao nhiêu thì con trai Quảng Nam cộc cằn, độc đoán bấy nhiêu, họ kín đáo thầm lặng bao nhiêu thì mình huỵch toẹt, ồn ào bấy nhiêu. Ôi cái xứ mình tạo ra những con người như thế, quá thẳng thắn, quá cứng rắn, mà cái gì quá thì nó cũng căng dễ đứt, không hay. Vừa phải chừng mực thì tốt hơn. Thế nhưng người Quảng Nam thì không chịu thái độ không dứt khoát này, chấp nhận tràn đầy chứ không thể lưng chừng.”

Cảm động nhất, có “Con tàu chỉ có một người”, truyện ngắn. Một tù nhân cải tạo bị vợ chê, không hề được thăm nuôi, bỗng nhiên nhận được một gói quà gửi qua đường bưu điện. Tưởng vợ mình hồi tâm, té ra không: vợ một người khác gửi cho anh. Đọc thư kèm theo, mới hay, chị vợ này bé cái lầm: do trùng họ tên lại trùng cả đơn vị trong quân đội, chị tưởng anh là người chồng - vốn bị mất tích từ lâu trong chiến tranh - hãy còn sống. Nhận quà bất ngờ, lòng không yên, anh viết thư ám chỉ xa gần rằng chị đã gửi nhầm. Tưởng thế là yên, không ngờ, quà và thư vẫn cứ gửi vào. Đã thế, còn  được thăm nuôi. Tưởng người thân, hóa ra, lại là người phụ nữ không quen biết nọ. Anh ngỡ ngàng, nhưng chị ta ra dấu cho anh im lặng, làm như là vợ đi thăm chồng. Chị nói, nhận thư anh, chị biết mình lầm lẫn, nhưng vẫn cứ gửi, vì thương cho hoàn cảnh một người tù bị vợ bỏ rơi. Biết chắc chồng mình đã chết, chị tuyệt vọng nhưng bù lại, cảm thấy vui vì đã làm được một việc đầy ý nghĩa: mang chút tình sưởi ấm cho người bất hạnh. Kết truyện, diễn tả lại cảm xúc của người tù trước tình cảnh éo le này, Phan Xuân Sinh viết:

“Đêm nay anh nằm đây, nghĩ lại cái cảnh chị lầm lũi bước lên tàu trở về Sài Gòn. Con tàu chạy vùn vụt trong đêm tối. Chỉ còn một mình chị thức, nhìn ra bên ngoài với sự trống vắng. Chị ôm một nỗi buồn sâu lắng (…) Anh thấy trên con tàu trở về kia, chỉ có mỗi một mình chị. Còn tất cả đều nhạt nhòa. Một mình chị thôi, chứa trên đó nỗi đoạn trường, bất hạnh của môt đời người. Nhưng thật quý báu cho một tấm lòng. Anh cảm thấy chị và con tàu đang lao vào màn đêm, xé tan bóng tối và lạnh lẽo.”

Bốn năm sau, anh cho in “Sống với thời quá vãng”, cũng là một tạp bút. Trong lời đề tựa cho tập này, Trần Doãn Nho viết:

“…Qua những số phận rất riêng, thực ra, Phan Xuân Sinh muốn nói lên một cái rất chung: vết thương chia cắt dân tộc qua những năm dài chiến tranh và hơn ba thập niên không-chiến-tranh mà chưa có dấu hiệu gì đã được chữa lành. Bằng những ghi nhận sắc nét và cụ thể từ hiện thực, qua một chuyến trở về với vô vàn cảm xúc, Phan Xuân Sinh đã cung cấp cho người đọc những hình ảnh và những sự kiện rất thấm thía. Đây là một tác phẩm văn chương, cố nhiên. Nhưng mọi cái toát ra từ đây không chỉ là văn chương. Mà là một tấm lòng. Một bày tỏ. Một mối quan hoài. Và cuối cùng, một niềm hy vọng…”

Nội dung các câu chuyện khác nhau chỗ này chỗ kia, nhưng ý nghĩa chính của chúng gói gọn trong hai chữ: trở về. Trong “Ánh sáng cuối đường hầm”, người vợ từ nước ngoài “trở về” nước tìm lại chồng con sau 15 năm cắt đứt mọi liên lạc chỉ vì tủi hổ đã bị hải tặc hiếp trên đường vượt biển. Trong “Khi con đường không lối thoát”, người con trở cũng từ nước ngoài “trở về” tìm gặp lại người mẹ đã bỏ chồng tù để lấy người khác. Cũng là bỏ, nhưng một người thì vì mặc cảm tội lỗi, còn một người thì phản bội. Hoàn cảnh khác nhau đưa đến hậu quả khác nhau. Người vợ này tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, gặp lại được chồng con, được tha thứ; còn người vợ kia thì “không lối thoát” vì nhận ra quyết định của mình trong quá khứ là không thể sửa chữa được.

Và chính Phan Xuân Sinh cũng “trở về”. Bút ký dài ghi lại chuyến trở về này là một chuỗi những sự kiện và gặp gỡ với nhiều tình huống và cảm xúc phức tạp. Cũng như hàng triệu người Việt Nam khác, anh rời bỏ quê hương; rời bỏ nhưng khát khao trở về; trở về thì hoàn toàn bị hụt hẫng: quê hương không nhìn nhận đứa con xa xứ. Cảm giác bị xem như một người lạ ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình là một kinh nghiệm mới mẻ đầy chua xót. Một trong những kinh nghiệm đó là xuất bản sách. Anh kể:

“Tôi về Việt Nam trong chuyến nầy, nhà xuất bản Văn Nghệ có in cho tôi một tập thơ, theo lời rủ rê của vài người bạn thân, tôi in một tập ở đây để biếu anh em, vì in ở Mỹ mang về khó quá. Theo dự trù, tập thơ sẽ in xong trước Tết, thế nhưng vào giờ chót không kịp. Nhà in hẹn mồng 8 Tết sẽ giao. Tập thơ mang tên: “Khi Tình Đang Ru Đời”. Đúng ra tập thơ 225 trang, tôi layout sẵn. Thế nhưng khi nhận tôi nhìn thấy thay đổi tất cả, kể cả layout. Anh Tần Hoài Dạ Vũ (một nhà thơ trước 75) báo cho tôi biết là tập thơ bị kiểm duyệt 8 bài và 5 bài viết về tôi của Nguyễn Đình Toàn, Luân Hoán, Nguyễn Mạnh Trinh, Vương Trùng Dương và Lương Thư Trung bi cắt. Tập thơ chỉ còn lại 115 trang. Lý do vì sao bị kiểm duyệt? Tôi không được nghe chính thức giới có thẩm quyền nói ra, chỉ nghe qua người khác nói lại là những bài thơ bị kiểm duyệt có chút ít đụng chạm. Những tác giả viết về tôi, không phải là người trong nước viết nên bị loại. Đơn giản như vậy. Khi in tập thơ nầy, chính tôi đã tự kiểm duyệt, chỉ lựa ra những bài thơ vô thưởng vô phạt, thế mà cũng chưa vừa lòng người kiểm duyệt. Tôi là người viết ở hải ngoại, người đọc tác phẩm tôi là người đang sống tại hải ngoại. Có ai trong nước đọc được của tôi đâu để viết về tôi. Một sự đòi hỏi thật vô lý, tréo cẳng ngỗng. Thế nhưng người kiểm duyệt hình như họ không cần phải biết những điều như vậy. Họ chỉ là những bộ máy nghiền nát theo một chính sách chung. Thật khó lòng cho những ai muốn về nước để in ấn, khi bộ máy nghiền nầy chưa được tháo gỡ.”

Thật thấm thía nỗi đời.

Chào vĩnh biệt Phan Xuân Sinh!

*

Phan Xuân Sinh sinh năm 1948 tại Nại Hiên Tây – Đà Nẵng. Định cư tại Hoa Kỳ 01-6-1990. Có bài đăng trên các tạp chí: Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Làng Văn, Phố Văn, Chủ Đề và các trang mạng Talawas, Da Màu v.v.. Các tác phẩm đã xuất bản: Chén Rượu Mời Người (tập thơ, Phan Xuân Sinh-Dư Mỹ/1996), Đứng Dưới Trời Đổ Nát (tập thơ/2000), Bơi Trên Dòng Nước Ngược (tạp bút/2004), Khi Tình Đang Ru Đời (thơ/2008), Sống Với Thời Quá Vãng (tạp bút/2009)

TRẦN DOÃN NHO
(3/2024)