Một chiều mùa xuân, tháng 2. Khoác
chiếc áo lạnh dày. Tôi quyết định đi thăm Viên Linh. Buổi chiều xuống
thấp.
Một khu nhà dành cho người già. Great
Falls, Virginia. Con đường đến đây vòng quanh, chập chùng lên xuống như Đà
Lạt.
Tôi rủ thêm G. cùng đi.
Khi chúng tôi đến, ông đã mặc sẵn chiếc
áo thẳng thớm, màu mỡ gà, nằm trên chiếc giường nhỏ nhìn ra ngoài nắng. Không
biết ông đã nhìn như thế bao lâu, chờ đợi như thế bao lâu. Không biết ông
có nhớ cái hẹn chiều nay có người bạn trẻ đến thăm (lại) ông. Viên Linh
cứ nằm thế, nghiêng một bên, nhìn ngày qua bên ngoài khung cửa hẹp.
Có thể là ông nhớ. Vì ông đã để
sẳn đôi giày đẹp ở chân giường, và cái nón béret màu đen, trên bìa bàn cạnh
giường.
Gõ cửa. Phòng ông "Nam Nguyễn".
Khi tôi đến chỗ ở dành cho người già, mới sực nhớ tên thật ông.
Viên Linh ngồi dậy, lựng khựng. Ai đây?
giữa nhớ và quên, phản ứng ông vẫn giang tay ôm chầm chúng tôi thân
thiết. Có lẽ, chúng tôi đã hiện diện trong ký ức mịt mùng của ông đâu
đó.
Viên Linh của một thời, đẹp, tài hoa,
đầy nhiệt huyết đây. Viên Linh nhà báo, nhà thơ, văn sĩ, hoạ sĩ, chủ tịch hội
văn bút, v.v.. Viên Linh, giữa chập chùng văn chương chữ nghĩa. Viên
Linh, giữa muôn trùng gai kẽm nhân gian. Giang hồ văn chương âu cũng gió tanh
mưa máu. Có khi ông cũng là gió, là mưa.
Nhưng Viên Linh chiều nay trước mặt
tôi, hiền lành và buồn vời vợi. Mắt ông long lanh khi được dìu ra xe, đi bát
phố một vòng. Một vòng phố xa lạ hơn là thân quen. Vì đã quá lâu ông chỉ
nằm trên chiếc giường đơn trong căn phòng đơn ấy, nhìn ra nắng mưa. Bát
phở 75 chiều nay ngon miệng ông. Ông tấm tắc. Lâu quá mới ăn
lại.
Căn phòng đơn ấy, trong khu toàn người
già, bệnh, lại đầy hình ảnh Viên Linh, chính ông. Hình ảnh những ngày trẻ
đẹp mang chiếc thẻ nhà báo đứng cạnh những vị tướng trận oai phong. Chính ông,
ngày lãnh giải thưởng văn chương toàn quốc. Viên Linh, đứng cạnh cựu tổng thống
VNCH Nguyễn Văn Thiệu, hay Viên Linh, bắt tay những nhà văn quốc tế. Viên Linh,
những ngày lưu vong đi dự rất nhiều những cuộc họp lớn của văn bút quốc
tế. Căn phòng ấy đầy sách báo. Sách báo là oxy của ông hơn 60 năm nay mà.
Và dĩ nhiên là căn phòng nhỏ ấy đầy ắp
thơ. Viên Linh là thơ, một cõi lục bát rất riêng, hay những bài thơ tự do đẫm
sầu từ “Hoá Thân” đến “Thuỷ Mộ Quan” trải dài hơn 60 năm. Bài nào cũng là một
kỹ càng từng dấu chữ.
Đã từ lâu , tôi đã thuộc :
"Cơn mơ chia biệt tháng ngày
Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm …
Chuông không tiếng đã bao ngày
Nghe quen, em tưởng chiều đầy âm thanh."
hay những :
"Ở đây sầu đã tan tành
Người đi chưa đủ về quanh chiếu
ngồi ...
chiều nay mưa dưới Âm Ty
Ta nghe kiếp trước thầm thì hỏi han."
Và nữa :
“Ba sinh hương lửa có gần
Gửi em đầy đủ
Thân
Tâm
Ý
Lời.
Gửi em tiếng khóc câu cười
Văn Chương, Hạnh Phúc, Cuộc Đời, v.v...”
Ôi chao, đã ai đưa “v.v..” vào thơ như
ông đâu nhỉ. Cuộc đời “vân vân” dài ngoẳng vẫn như đang đeo bám
ông. Từ tuổi mới lớn, ông đã thoả chí giang hồ, từ năm 17 tuổi với "Bài
Ca Của Những Người Giang Hồ":
"Ba năm không về thăm mẹ
Nằm đây chiều xuống sương phong
Bốn năm không về thăm chị
Sầu ngửa nghiêng dâng trong lòng.
Nghe giữa chiều sang pháo nổ
Mây còn nổi ở đầu sông
Còn có ai về gõ
cửa
Mà vói tay vào
trong không?
...
Ba năm không về
thăm Mẹ
Còn theo mộng lớn
muôn phương
Còn xem trời xanh
gió nổi
Ðường đi mây bay
chập chùng.
Về thì nhớ núi nhớ
sông
Về thì làm sao
tang bồng"
Viên Linh,
"Bắc kỳ" di cư vào Sài Gòn 1954, của một thời thân thiết anh em nghèo
khó với văn nghệ, với Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, Nhã Ca ở khu Chi Lăng -
những người bạn tài hoa, một thế hệ tài hoa của ông. Những ngày văn nghệ
trong chiến tranh, phân tán …
Trong tập thơ đầu
tay, “Hoá Thân" của Viên Linh, Nhã Ca đã viết:
“...Phải rồi,
Chi Lăng, miền ngoại ô ấy, con ngõ hẻm ấy, căn nhà trôi nổi ấy, là nơi mà chúng
tôi đã sống, đã suy nghĩ, đã viết. Những bài lục bát của Viên Linh. Tập Dạ Khúc
của Trần Dạ Từ. Và những bài Nhã Ca Thứ Nhất của tôi ...Chúng tôi ba đứa với
một lô bạn bè, và chúng tôi cứ sống. Căn nhà hai phòng. Một tấm màn gió.
Một ít giấy vụn. Một ít sách vở luộm thuộm. Cuốn Thánh Kinh, cuốn
Kiều rách bìa. Tường vôi loang lở. Vài tấm bột màu của Duy Thanh, những nét vẽ
chằng chịt, bẩn thỉu của Hoán, của Viên Linh. Chúng tôi sống ngông cuồng,
điên khùng và ngây thơ ở đó.
Những ngày mưa,
nếu không có bạn bè, chúng tôi ba đứa ngồi khoanh tay ba nơi, hoặc ngâm thơ,
hoặc viết. Chúng tôi cũng có một bếp lửa suốt mùa mưa, gặp những lẻ củi
tươi như thanh kiếm quý đốt hoài không đỏ. Rồi những đêm thức suốt sáng,
hoặc ngủ chập chờn. Cũng có những hôm chúng tôi tản mác mỗi đứa mỗi
nơi. Từ lên mấy tòa báo. anh Linh vào trong một nghĩa địa gần đó
nằm vùi trong nhà mồ nghe mưa, và mình tôi ở nhà . Chúng tôi như thế và
chúng tôi cứ sống ...”
(trích Nhã Ca, lời
bạt tập thơ Hoá Thân của Viên Linh)
Đẹp quá, một thời,
đau thương nghèo khó nhưng giàu có với văn chương chữ nghĩa. Họ là những con
người mà sau này là những gương mặt lớn của nghệ thuật miền Nam, đã khởi đi từ
những ngày như thế.
Rồi chiến tranh,
rồi tản mác, chia lìa.
Rồi Viên Linh với
một “Thuỷ Mộ Quan", về hành trình vượt biển. Những cái chết dưới lòng biển
bao la, hàng vạn cái chết, những nấm mộ hoang dưới biển. Phạm Duy đã phổ Thuỷ
Mộ Quan …
"Trên
Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen trời
rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống
băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối
hả phủ trùng dương..."
Thơ Viên Linh ở
hải ngoại nhuốm buồn hơn, cô đơn hơn. Ắt thế.
"Không
biết bao giờ. Biết có chăng.
Biết đâu ngày
tháng. Biết đâu năm.
Hoàng hôn nào
biết. Đêm nào biết.
Thời khắc lưu cầm.
Phút
hỗn man"
(Thủy Mộ Quan)
văn chương /
hạnh phúc /
cuộc đời
có lẽ ông nếm đủ. Ngày cưới vợ, ông
viết:
"...Hôm nay ngày của hai người,
Có khung cửa sổ khép đời chung quanh,
Có ơn cha mẹ sinh thành,
Ơn anh em đến chúc mình bền lâu.
Tim hồng, ý biếc ơn nhau,
Ngón tay ơn nhẫn, đêm thâu ơn đèn.
...
Em tin trời có ban sơ,
Em nghi đến nắng, em ngờ cả mưa,
Em tin tôi, sự tình cờ
Như ai tơ nhện đợi
chờ mối ai....
Rượu nồng chúc mọi
người say,
Thời gian đã chậm
,tháng ngày đang nhanh."
Những câu thơ óng
mật của một Viên Linh đó, cuối cùng vẫn là thơ, trên tất cả mọi thứ khác. Có lẽ
chỉ có thơ mới hoá giải được ông trong vây hãm cuộc đời. Những vần thơ buồn của
kiếp lưu vong chưa một lần nhìn lại được quê nhà.
"Quê người
cơm áo đau vô tận
Sống tưởng chừng
như chỉ bấy nhiêu."
(Thủy Mộ Quan)
cuộc đời
v.v.
nên cuộc đời vẫn
trên lưng ông với nhiều khổ luỵ.
-
Chiều nay, chiều
lưu vong. Viên Linh vẫn da diết nhớ về. Ông kể cho chúng tôi về thời của
cậu bé Viên Linh với căn nhà ở cách Hà Nội đúng 40 cây số, vì ngay trước nhà
ông là cột cây số ấy : "40km đến Hà Nội". Gần ga Đồng Văn, thị xã Duy
Tiên, Hà Nam. Dễ chừng 48km về Hà Nội. Ông kể những kỷ niệm ở
Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Ông kể về một lần cứu một người phi công Pháp,
rớt máy bay gần nhà ông mà ông đã giúp đi ra đường lộ. Viên Linh miên man kể.
Nhiều quá tôi cũng không nhớ hết.
Cứ thầm nghĩ phải
chi ông đang là Benjamin Button của F. Scott Fitzgerald lúc này, sống và lớn
lên ngược với thời gian, như cách ông già Viên Linh đang kể nghe những chuyện
từ thuở thiếu thời, rồi di cư vào Nam, rồi làm báo Ngôn Luận (từ năm 17 tuổi),
Chính Luận, Văn Nghệ, Khởi Hành, rồi đi sâu vào văn học nghệ thuật, ngồi vào
những chiếu văn chương.
Lúc này đây, thời gian như đang dắt ông
theo về.
Nhưng tiếc là thời gian không còn
nhiều. Đúng như ông đã viết : “Thời gian đã chậm ,tháng ngày đang nhanh”.
Ông không lão hoá ngược như Benjamin
Button. Chiều nay là một Viên Linh buồn, thèm hơi quán cũ. Ông vói dặn G.
và tôi : lần tới đến sớm hơn, mình ra quán cà phê ngồi lâu, nói chuyện văn
chương (hạnh phúc, cuộc đời)
v.v…
-
Trước khi chia tay, tôi hỏi ông
Nguyễn Nam:
- tại sao là Viên Linh?
Ông cười, mắt vẫn còn long lanh chữ
nghĩa: ngày xưa, từ ngoài Bắc, định lấy là Viễn Linh đấy - những linh hồn viễn
vong, viễn xứ. Nên chỉ lấy chệch ra thành Viên Linh khi bước vào văn
nghệ.
Viên là Viễn. Như ông đã vĩnh viễn lưu
vong. Trong cõi thơ văn lộng lẫy của mình. Rồi không trở về nữa.
- đinh trường chinh
22.2.2024