Wednesday, February 7, 2024

3234. TRẦN DOÃN NHO Chúc.

Google images

Tết thì phải có chúc Tết.

Quanh năm, người ta vẫn thường chúc nhau: chúc đám cưới, chúc sinh con, chúc nhà mới, chúc về hưu…Nhưng chúc Tết là phổ biến, tràn lan, rộn ràng nhất. Cũng như quà cáp, lì xì, chúc Tết góp thêm gia vị để biến “những ngày như mọi ngày”…thành Tết. Thời buổi điện tử, cách chúc trở nên tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn và đại trà hơn. Mỗi người nhận, không chỉ vài - mà hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn - lời chúc qua một danh sách địa chỉ email dài dằng dặc. Đặc sắc hơn cả là những tấm thiệp điện tử đủ kiểu dáng, hình thức, màu mè được sao đi sao lại trên Internet rồi gửi qua gửi về cho nhau, trông rất vui mắt.

Nói về lời chúc thì chắc chắn không có nước nào qua mặt Trung Hoa, vừa về chữ vừa về nghĩa. Xin liệt kê một số:

-       Chúc tổng quát: tâm tưởng sự thành, vạn sự như ý, ngũ phúc lâm môn (gặp được cả năm điều phúc: giàu, bình an, thọ, đức, vui vẻ suốt đời), an khang thịnh vượng, nhất phàm phong thuận (thuận buồm xuôi gió), xuất nhập bình an, đào hiến thiên xuân (đào dâng nghìn mùa xuân)

-       Chúc giàu: cung hỷ phát tài, đinh tài tương vượng (sinh được quý tử và giàu sang thịnh vượng), phú quý vinh hoa vạn vạn niên (phú quý vinh hoa hàng vạn năm), tích ngọc đôi kim (chất đầy vàng ngọc), sinh ý hưng long (buôn bán phát triển).

-       Chúc hạnh phúc, chúc thọ, chúc sức khỏe: tân niên khoái lạc, tân niên đại cát, cung hạ tân hi, tiếu khẩu thường khai (luôn có nụ cười trên môi), long mã tinh thần, toàn gia hạnh phúc, phúc thọ song toàn, thân thể kiện khang, phúc như Đông Hải thọ tỷ Nam Sơn (phúc nhiều như biển sống lâu như núi).

-       Chúc công danh: mã đáo thành công, công thành danh toại, cao lộc thăng vị.

-       Chúc may mắn: tân niên đại cát, đại cát đại lợi, vạn sự cát tường, vạn sự đại cát.

-       Chúc có nhiều con cháu: lựu khai bách tử (quả lựu nở ra trăm con), đắc thọ đa nam tử (được trường thọ và có nhiều con trai), hữu phúc khán nhi tôn (có phúc sống lâu để nhìn thấy con cháu).

Đọc tiếp...

Một số nhóm chữ kể trên được người Việt sử dụng thường xuyên, có khi nguyên văn như “an khang thịnh vượng”, “vạn sự như ý”, “vạn sự cát tường”, “xuất nhập bình an”, “công thành danh toại”, có khi xen kẽ với tiếng Việt như:

-       Năm mới Tết đến, rước hên vào nhà, quà cáp bao la, mọi nhà no đủ, vàng bạc đầy tủ, gia chủ phát tài, già trẻ gái trai, sum vầy hạnh phúc, cầu tài chúc phúc, lộc đến quanh năm, an khang thịnh vượng.

-       Chúc ba mẹ một mùa xuân tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, vạn sự như ý và có thêm thật nhiều niềm vui. 

-       Mừng năm Quý Mão, quanh năm cát tường.

Nếu để ý, ta sẽ thấy một trong những điểm nổi bật của các lời chúc nêu trên là tính cách phóng đại. Phóng đại tối đa, phóng đại thả giàn, có khi đi đến chỗ quá đáng, thậm chí vô lý. Chẳng hạn như:

-       Phúc như Đông Hải thọ tỷ Nam Sơn, tâm tưởng sự thành.

-       Chúc năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, triệu triệu bất ngờ, không chờ cũng đến.

-       Chúc bạn 12 tháng phú quý, 365 ngày phát tài, 8.760 giờ sung túc, 525.600 phút thành công 31.536.000 giây vạn sự như ý.

Thật hết biết! Có may mắn, có giàu, có phúc, có thọ đến đâu, không ai có thể hưởng được những lời chúc vô cùng hào phóng như thế này.

So ra, lời chúc của người Tây phương, ngay cả khi phóng đại nhất, trông có vẻ khiêm tốn và sát thực tế hơn của người Trung Hoa và người Việt. Thử đọc qua vài câu: Have a Sparkling New Year! (Chúc năm mới sáng lạng); May The New Year Bless You With Health, Wealth, And Happiness (Chúc năm mới sức khỏe, giàu sang và hạnh phúc); Out With The Old and In With The New! Happy New Year! (Tống cựu nghênh tân! Chúc mừng năm mới!); May The New Year Bring You Peace, Joy, And Happiness. (Chúc năm mới bình an, vui vẻ, hạnh phúc); Wishing You and Your Health and Prosperity in the New Year. (Chúc năm mới sức khỏe và thịnh vượng).

         Nhưng dù ít hay nhiều, thì phóng đại cũng là phóng đại. Vì là lời chúc chứ không phải là một hợp đồng kinh doanh, nên dẫu có nói quá, nói sai và nói…láo thì cũng  huề cả làng. Người chúc cứ chúc, người nhận cứ nhận, cười xòa. Có ai mong lời chúc biến thành sự thật đâu. Hết Tết, mọi người lại trở về với công việc bình thường của mình, quần quật làm việc quên ngày quên tháng, quên luôn cả lời chúc để đợi chờ một năm mới khác, đem lời chúc ra dùng lại.

William  James (1842-1910), nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, xem lời chúc tụng là một trong  ba trạng thái tâm lý bình thường của con người: “desiring” (ước muốn), “wishing” (chúc tụng) và “willing” (quyết tâm). Ước muốn: là muốn “cảm thấy”, muốn “có” hay muốn “làm” những gì mà hiện tại ta chưa “cảm thấy”, chưa “có” hay chưa “làm”, hoặc thuộc về vật chất như xe, nhà, ăn ngon mặc đẹp; hoặc phi vật chất như hạnh phúc, thành công; hoặc nằm giữa cả hai thứ như sức khỏe, tình yêu. Dù ở lãnh vực nào, giữa ước muốn và thực hiện được ước muốn luôn luôn có một khoảng cách. Khoảng cách đó có thể vượt qua, nhưng đa phần là không thể vượt qua hay không thể thực hiện được. Vì thế, mà người ta cần đến chúc tụng. Thông thường, hiếm ai chúc một điều mà ta biết chắc chắn một trăm phần trăm là sẽ thực hiện được, hoặc hiếm ai chúc cái mà người ta đã có rồi, chẳng hạn chúc một tổng thống “công thanh danh toại”, “cao lộc thăng vị” hay chúc một đại gia “sinh ý hưng long” hay “cung hỷ phát tài”. Người ta thường chúc nhau một điều khó, hay không thể, thực hiện được. Nói cách khác, chúc thường là chúc một điều tưởng tượng. Đã là tưởng tượng, thì phóng đại nhiều hay ít thì cũng vậy, chẳng làm chết…thằng Tây nào, sợ gì mà không phóng đại cho vui, cho nặng ký, cho rôm rả. James đề cập đến một loại ước muốn thực tế hơn, gọi là “quyết tâm” (willing). Theo ông, “quyết tâm phải đi đôi với hành động” (willing necessarily requires action), tương tự như “New Year resolution” (quyết tâm Năm Mới). Đó là lời tự hứa làm việc hết mình để hoàn thành một công việc nằm trong khả năng: quyết tâm bỏ thuốc, quyết tâm bỏ rượu hay quyết tâm thi đỗ, chẳng hạn.

Nhưng chẳng ai đi chúc một điều quá thực tế như vậy. Nó không vui…như Tết! Chúc phải là chúc một điều xa thực tế, như danh sách những lời chúc đã nêu lên ở trên. Dẫu vậy, đừng tưởng rằng, người ta chịu thua. Đề vượt qua cái khoảng cách lắm khi không thể vượt qua được ấy, người Việt cũng như người Tàu có một phương cách đặc biệt: cúng. Cúng là cầu xin, thậm chí “hối lộ”, ơn trên, tức là những đấng siêu nhiên, để được “họ” ra tay trợ giúp. Theo Phạm Thị Hoài, ở Việt Nam hiện nay, người ta cúng đủ thứ:

Cúng trời cúng đất; cúng nước cúng rừng; cúng trăng cúng lúa; cúng Mẫu cúng Phật; cúng Cô cúng Cậu; cúng làng xóm, họ tộc, gia tiên; cúng đình chùa am miếu; cúng nhà cúng chợ; cúng thuyền cúng bến; cúng động thổ, xây cổng, chuyển nhà, cất nóc; cúng kỵ cúng giỗ; cúng tuần, cúng tạ mộ; cúng đầy cữ, đầy tháng, đầy năm; cúng Tơ hồng, cúng Thanh minh, cúng Vu lan báo hiếu; cúng trừ tà đuổi vong; cúng chiêu hồn thỉnh vong; cúng dâng sao yểm bùa; cúng thầy mo thầy chùa; cúng trình đồng mở phủ; cúng Sóc cúng Vọng; cúng khai trương công ty; cúng thi tốt nghiệp; cúng chuyển văn phòng; cúng trúng dự án; cúng tránh thanh tra…[1]                          

Mâm lễ vật cúng khai trương cửa hàng, quán, công ty
                                   (Hình: trang mạng Đồ Cúng Tâm Linh)[2]

Khai thác chuyện cúng kiến đã trở thành một dịch vụ hái ra tiền. Hãy đọc bản quảng cáo sau đây của công ty “Đồ Cúng Tâm Linh - Tâm Thành, Nguyện Đạt”:

Đồ Cúng Tâm Linh trước là bộ phận kinh doanh sản xuất, xuất nhập khẩu Vàng Mã. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực ĐỒ CÚNG. Từ năm 2019, Đồ Cúng Tâm Linh cung cấp trọn gói dịch vụ Mâm Cúng - Vàng Mã cúng & Đồ cúng lễ khác theo yêu cầu của Qúy Khách Hàng. Với Mâm Cúng đạt chuẩn HACCP.[3] Dịch vụ chuyên nghiệp, các Mâm Cúng đặc sắc đầy đủ lễ vật nhất. Chúng tôi xuất hóa đơn chứng từ đầy đủ. Giao hàng và sắp lễ miễn phí.”[4]

Chuyện cúng quảy đã góp phần biến những nơi tôn nghiêm thành chợ cúng. Tạ Duy Anh ghi nhận nhiều nét tiêu cực trong việc đi chùa cúng bái đầu năm. Xin đọc một trích đoạn:

“Tại động Hương Tích, bạn sẽ phải chen chí tử để vào đặt lễ. Nhưng bạn yên tâm, có đầy đủ các dịch vụ từ bưng bê, tìm nơi đặt lễ, khấn thuê... sẵn sàng phục vụ bạn. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy người ta bưng cả những cái thủ lợn banh đôi, miệng há ra với lởm chởm răng, lưỡi thè lè... hoặc những chai rượu Tây đắt tiền để vào cầu xin Phật phù hộ. Chớ có tròn mắt lên nếu nghe thấy tiếng khấn bô bô thành lời như sau: “Cầu xin đức Như Lai, các vị Bồ Tát... phù hộ cho con trai con năm nay đến số phát quan, được cấp trên để mắt cất nhắc lên trưởng phòng, phù hộ cho chồng con thoát vụ tai tiếng thị phi này, phù hộ cho con cứ mỗi chuyến đánh hàng thì công an, phòng thuế, hải quan đều ốm liệt giường hết, có mắt như mù! Con cầu xin các Ngài mở lượng đại từ đại bi mà thương lấy con, phù hộ độ trì cho con...”[5]

Nếu tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất biến thành sự thật cho tất cả mọi người thì sẽ như thế nào?

Nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương cho ta câu trả lời khá lý thú qua bài thơ rất nổi tiếng của ông, “Năm Mới Chúc Nhau”.[6] Mời đọc lại vài trích đoạn:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

         Đọc xong, chỉ biết ngậm mà nghe!

         TRẦN DOÃN NHO



[1] Blog Phạm Thị Hoài, Trọn gói tâm linh,

http://www.procontra.asia/

[2] https://dichvudocungtrongoi.com/mam-cung-khai-truong-dau-nam-combo-1

[3] HACCP = Hazard Analysis and Critical Control Points, có nghĩa là Hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

[4] https://docungtamlinh.vn/

[5] Tạ Duy Anh, Chốn thanh tịnh một thời,

https://boxitvn.blogspot.com/2023/02/chon-thanh-tinh-mot-thoi.html

[6] https://www.thivien.net/Tr%E1%BA%A7n-T%E1%BA%BF-X%C6%B0%C6%A1ng/N%C4%83m-m%E1%BB%9Bi-ch%C3%BAc-nhau/poem-SflsrJTy3aLGVOaKkOsJvg