Mùa Tết, pháo không chỉ nổ từng loạt vào đúng giờ
giao thừa hay sáng đầu năm, mà những tiếng đì đùng, lạch tạch thỉnh thoảng vẫn
vang lên ở những thềm nhà, góc phố do đám trẻ nghịch ngợm cố tận dụng trò chơi
chỉ có trong những ngày xuân. Ngoài tiếng pháo, tiếng cười đùa của lũ trẻ, nơi
những ngôi nhà đèn đóm sáng ngời còn có người ra người vào, đến rồi đi, thăm
nhau với những lời chúc tụng.
Đêm thái hòa, không gian lan man mùi thơm của
thuốc pháo, mùi hương nhẹ nhàng từ những chậu hoa âm thầm nở trên sân, cùng thứ
hương trầm thoang thoảng bay ra từ những bàn thờ tổ tiên trong những ngôi nhà
đã tạo nên một thứ không khí vừa nhộn nhịp sống động, vừa thiêng liêng huyền
hoặc nơi khu xóm nhỏ.
Buổi tiệc tối ngày mùng hai Tết, ngoài những
thành viên trong gia đình và Tấn, người anh không huyết thống, nhưng thân thuộc
với gia đình từ nhiều dây mơ rễ má còn có thêm cô bạn học của Diệp. Nếu không có con chó nhỏ hiền lành của nhà bên cạnh vẫn sủa bâng quơ mỗi
khi có người lạ nào vào xóm thì chắc chẳng ai hay sự hiện diện của người thanh
niên nơi thềm cửa. Một người lính vừa từ trận mạc nào đó trở về. Áo quần xốc
xếch, nhàu nhò. Gương mặt anh đỏ bừng, không biết vì mệt hay vì thẹn trước mặt
hai cô gái.
Có lẽ sợ lầm địa chỉ, anh lính ngập ngừng nhìn Diệp:
‑ Tôi đến tìm Tấn.
Diệp nói:
‑ Dạ, anh Tấn và anh Tuyên vừa ra ngoài, nhưng về ngay thôi. Anh vào nhà
đợi nhe.
Nói xong Diệp mới cảm thấy ngượng, sao cô lại nhắc tới anh Tuyên. Anh chàng
này đến tìm anh Tấn. Ai khiến cô phải nhắc tới ông anh mình. Thật là vô duyên!
Diệp mời người lính ngồi vào chiếc ghế trống của Tấn cạnh ghế Bích. Bạo dạn
và ăn nói duyên dáng, Diệp nghĩ Bích có thể gợi chuyện với người lính để anh
cảm thấy bớt lạc lõng.
Diệp vào bếp lấy thêm ly, bát đũa cho người khách không hẹn. Sau khi hỏi
thăm người lính, ba má Diệp cũng ý tứ rời khỏi bàn ăn để cho đám trẻ tự do trò
chuyện, khỏi phải thưa thốt, vâng vâng dạ dạ.
Người lính vừa
từ rừng núi trở về hậu cứ, sau chuyến hành quân dài gần hai tháng. Khuôn mặt
anh còn đỏ hơn lúc mới đến, không hiểu vì những giọt bia hay vì ngượng. Ý nghĩ
"ngượng, mắc cỡ" để nói về tính ý của một ông lính "rằn ri"
xem chừng không đúng lắm. Nhưng Diệp không thể nghĩ khác đi bởi vì anh ít nói
quá, trong khi Tấn lúc nào cũng oang oang đủ mọi thứ chuyện.
Lúc Tuyên và Tấn bước vô nhà thì không khí đã đổi khác. Tấn trợn mắt nhìn
bạn:
‑ Xong rồi hả? Chưa về nhà mà đến đây liền sao. Đi bằng gì vậy?
‑ Đi bộ, tới nhờ ông đưa về nhà.
‑ Giỏi! Nhảy dù "cố gắng" lội bao nhiêu cây số trong rừng cũng
được, nhà cách trại có vài ba ngã tư mà ông đi không nổi sao?
Người lính cười:
‑ Dù sao tới nhà này cũng gần hơn về nhà tôi.
Người lính nhìn cánh tay của Tấn:
‑ Tay ông sao rồi? Cầm súng lại được chưa? Còn mấy thằng kia?
‑ Có thằng còn nằm treo chân, có đứa đã xuất viện. Nhưng Tết mà, lại được
ăn Tết Sài Gòn, cách gì tìm ra tụi nó mấy ngày này.
Qua những câu trao đổi của hai người. Diệp biết đây là một người bạn mới
của Tấn. Người lính tên Minh, anh thuyên chuyển về đơn vị Tấn không lâu. Chuyến
hành quân vừa qua Tấn bị thương nên đã được đưa về bệnh viện chữa trị, nằm
dưỡng thương cả tháng trời, chỉ mới vừa xuất viện vài hôm. Còn Minh đã ở lại
cho đến ngày cuộc hành quân chấm dứt.
Bích dợm đứng lên nhường chỗ cho Tấn ngồi với bạn nhưng Tấn la lên:
‑ Để anh đi lấy thêm ghế. Bích ngồi yên đó đi, trông cũng đẹp đôi lắm.
Từ nãy giờ im lặng để cho hai chiến hữu chuyện trò tái ngộ, giờ Tuyên mới
lên tiếng:
‑ Tấn nó nói đúng đó Bích à!
Gương mặt Bích đỏ bừng lên chẳng thua gì người lính trẻ. Diệp cũng thấy ngượng lây vì câu gán ghép bất ngờ không được ý tứ của anh mình.
Đọc tiếp...
Dường như cuộc tình của Minh và Bích đã nở hoa ngay sau đêm xuân đó, vì
Bích là người đưa anh lính trẻ về nhà. Diệp nghĩ như vậy! Nhưng bây giờ ngồi
trước mặt Minh, nghe những lời mập mờ anh nói Diệp mới tự hỏi, có thật như thế
không? Bích đã có lần kể loáng thoáng cho Diệp nghe về một cuộc gặp khác với
Minh, mà những câu nói của Bích là những nốt nhạc ngân vang niềm hạnh phúc.
Trưa nay, cũng bất ngờ như hôm Tết, Minh đứng trước cửa nhà. Nhưng người
bối rối ngập ngừng lại là Diệp.
‑ Anh Tấn không có nhà anh ạ.
‑ Anh biết mà, Tấn đang ở trại, còn anh xuất trại có giấy phép.
Diệp cười thầm với ý nghĩ, mình có phải là quân cảnh đâu, sao anh chàng lại
phải khai là có giấy phép. Cô định nói điều này nhưng lại thấy ngài ngại.
Người lính nghiêng đầu nhìn Diệp:
‑ Em không dám mời anh vào nhà sao?
‑ Anh nói kỳ quá, sao lại không.
‑ Anh chỉ sợ làm phiền em phải tiếp anh.
Không đợi phản ứng của Diệp, Minh tiếp lời:
‑ Em đang làm gì vậy? Rảnh không, hay ra quán uống cà phê với anh. Nghe Tấn
nói cạnh nhà có quán cà phê ngon lắm phải không?
Diệp lúng túng:
‑ Chỉ có em với anh thôi hả?
‑ Không được sao?
‑ Nhưng mà…
Diệp bỏ lửng câu nói, cô không biết giải thích thế nào sự ngần ngại của
mình.
Quán gần nhà, nơi Diệp cùng những cô bạn chung lớp thường có mặt với những
người bạn của Tuyên và Tấn. Thói quen của mấy ông lính khi tới nhà thường thích
kéo nhau ra ngồi quán. Đám bạn của Diệp chẳng bao giờ bỏ lỡ cơ hội, xin theo "hưởng
thụ" nếu như cũng có mặt vào lúc đó. Và đám khách này luôn chiếm hết một
phần ba chỗ ngồi của quán.
Trưa nay chỉ có hai người. Diệp riu ríu theo Minh, cô cảm thấy ngượng nghịu
với nụ cười chào hỏi của cô thu ngân, dù đó là một cách xã giao rất bình
thường.
Quán trưa vắng vẻ nhưng Minh chọn một chỗ ngồi trong góc tối.
‑ Em có thường gặp Bích không?
‑ Ít lắm, vì tụi em chỉ gặp nhau ở trường học Anh ngữ thôi. Còn anh thì
sao? Thường chứ?
‑ Một hai lần có thể gọi là thường không?
Diệp cười:
‑ Em không biết! Em tưởng…
‑ Tưởng gì?
‑ Hai người yêu nhau.
‑ Tình yêu nhanh chóng và dễ như thế sao?
‑ Em không biết!
‑ Sao cái gì em cũng không biết vậy?
Minh nhìn Diệp, ánh nhìn như trêu chọc, có chút kẻ cả làm Diệp khó chịu.
Anh lính ngơ ngác hiền lành mới tối hôm nào đâu phải là Minh bây giờ.
Minh cúi xuống quấy ly cà phê sữa cho Diệp, anh hỏi nhưng không nhìn cô
gái:
‑ Em có người yêu chưa?
‑ Em không biết!
‑ Lại không biết!
Diệp không cảm thấy hối hận với
những câu trả lời nhạt nhẽo, cộc lốc của mình. Đáng đời, hỏi chuyện tình cảm mà
như chỉa súng vào người ta uy hiếp. Mà sao em lại phải khai với anh nhỉ?
Nhưng bây giờ thì Diệp cười, nụ cười như xoa dịu một nỗi niềm nào đó, hồ
như sự thất vọng chán nản mà cô nhìn thấy nơi Minh:
‑ Yêu thì có, nhưng người yêu thì không.
‑ Hay đó, kể cho anh nghe đi. Sao em hà tiện lời nói với anh vậy?
‑ Có gì đâu mà kể. Tình thơ dại ấy mà!
‑ Làm như bây giờ em lớn lắm.
‑ Thì lớn hơn năm ngoái.
Tiếng hát ray rứt như củi than hiu hắt cháy lên bao nỗi phiền muộn của
những cuộc tình chia xa… Ngày tháng nào
đã ra đi khi ta còn ngồi lại 1... Diệp như lạc vào một nơi khác,
hun hút xa vời. Đôi mắt Minh cũng đăm chiêu, trầm mặc. Diệp nhận ra điều đó và
thầm hỏi, bản nhạc này có liên quan gì đến anh? Những câu chuyện của Minh và
Tấn ngoài chuyện trận mạc, đời sống quân ngũ, hay vui hơn là khuôn mặt những
người con gái họ cùng quen biết hoặc gặp gỡ đâu đó. Có bao giờ cô nghe họ bàn
về văn chương âm nhạc. Ý nghĩ lan man trong đầu Diệp. Diệp không hiểu vì câu
hát hay nét mặt của người lính, nhưng cô cũng thấy buồn theo.
Diệp nhìn Minh dịu dàng:
‑ Sao tự dưng anh buồn vậy? Anh có vẻ thích bản nhạc này. Hay thích giọng
ca?
‑ Anh không biết!
‑ Lại trả đũa em rồi, không biết thì thôi, em không tò mò nữa.
‑ Trả đũa em hồi nào? Muốn nghe anh kể không?
Nụ cười tinh nghịch nở trên môi cô gái:
‑ Muốn chứ sao không?
‑ Anh yêu từ rất sớm, khi chưa nhập ngũ. Yêu một cô hàng xóm, một phụ nữ đã
có chồng. Anh học buổi chiều, nên mỗi sáng thằng con trai mới lớn trong anh đều
lén nhìn qua cửa sổ, chờ đợi người thiếu phụ xách giỏ đi chợ ngang nhà một cách
si mê. Cô ấy có gương mặt giống cô ca sĩ này lắm. Anh không biết mình có yêu
tiếng hát, lời ca hay không? Nhưng anh thích nghe, thích ngắm Lệ Thu hát vì qua
đó anh nhớ tới tình yêu mê muội của mình, mà có lẽ tới bây giờ anh chưa quên
nét mặt, dáng dấp của người đàn bà trẻ đó.
Diệp tròn mắt khi nghe Minh nói. Cô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên
khác. Đối với Diệp, thật táo bạo khi yêu một phụ nữ đã có gia đình và dám kể
cho người khác nghe, lại là một cô gái. Mà tại sao anh lại chọn em để kể về mối
tình này? Diệp tưởng như mình đang ngồi với một người nào khác, không phải là
anh lính nhút nhát, quần áo nhàu nát, bụi bặm hôm nào. Nhưng chỉ một thoáng,
nét trầm tư mơ mộng trên khuôn mặt Minh biến mất.
Quen Bích đã lâu, thỉnh thoảng Bích đến nhà chơi, ngẫu nhiên gặp những
người bạn của anh Tấn. Cũng thói tật lăng nhăng của những ông độc thân vui vẻ,
thấy con gái là lòng đầy toan tính. Nếu không hạp với mình thì cũng gán ghép
cây cành cho người khác. Nhưng chẳng có tình nào đơm hoa, kết trái với Bích.
Diệp nhớ có lần nghe anh Tấn cười nói với một anh bạn là ông nào cưới Bích phải
để tiền mua vitamine tẩm bổ cho Bích vì nhìn Bích mỏng manh ốm yếu. Lúc ấy,
Diệp đã nhăn mặt kêu lên, đúng là mấy ông lính ba gai, bặm trợn.
Quả thật Bích gầy, mỏng, mắt một mí nhưng có một làn da nâu hồng khỏe mạnh.
Ưu điểm của Bích là sự tươi tắn, duyên dáng mỗi khi Bích chúm chím hé môi cười.
Gia đình khá giả, Bích quần là áo lụa theo sát thời trang. Không ít cậu học
sinh ở trường sinh ngữ theo tán tỉnh Bích. Bích chẳng có một nét nào của cô ca
sĩ sang trọng mang vóc dáng Hà thành thanh lịch mà Minh vừa nhắc đến. Diệp đang
tự hỏi, Minh có yêu Bích không? Và như có một thần giao cách cảm giữa hai
người. Minh nhìn Diệp đăm đăm:
‑ Sao em không hỏi bây giờ anh yêu ai?
‑ Diệp nói không đắn đo:
‑ Bích.
‑ Không.
Chỉ một tiếng "không" và Minh im lặng, cái im lặng làm Diệp cảm
thấy mình thật vô duyên. Không hẳn là người vụng về không biết trò chuyện, đối
đáp. Nhưng sao ngồi với Minh lúc nào cô cũng thấy mình hụt hẫng, khờ khạo.
‑ Không yêu sao anh đi chơi với Bích?
‑ Sao bữa đó em không tình nguyện đưa anh về?
‑ Sao em có thể làm được chuyện đó? Anh Tấn ra lệnh mà.
‑ Anh mới nói không yêu Bích, hay tại Bích không giống cô "Lệ
Thu" hàng xóm của anh?
‑ Đâu cần phải giống Lệ Thu.
…
‑ Hôm đưa anh về, Bích chỉ anh đường chạy ngang khu cư xá nhà Bích như một
nhắn gửi và anh đã trở lại mời Bích đi uống cà phê không khác hơn sự biết ơn.
Có thế thôi!
Minh muốn nói thêm: Diệp à, đâu cần người anh yêu phải giống cô ca sĩ,
giống em là đủ rồi. Diệp ơi, cái gì em cũng không biết nhưng lẽ nào tối đó em
không thấy ánh nhìn gửi lại của anh trước khi chào từ biệt em. Em không có một
cảm xúc nào sao? Nhưng Minh đã kịp dừng lại khi nhìn khuôn mặt ngây thơ có chút
sững sờ bối rối của Diệp. Anh không biết, nếu anh nói ra được tất cả thì Diệp
hồn nhiên nhỏ bé có còn ngồi yên đấy trò chuyện cùng anh, hay cô sẽ bỏ về.
Minh chờ một câu hỏi của Diệp về sự lấp lửng của mình, nhưng Diệp cúi
xuống, tránh đôi mắt sâu thẳm của người lính. Sao thượng đế lại ban cho đàn ông
những đôi mắt đẹp. Đôi mắt đã nhìn cô đêm đó có khác gì bây giờ. Diệp biết đôi
mắt đã hớp hồn Bích ngay phút giây đầu và hồn cô cũng bâng khuâng đi lạc. Nhưng
làm sao cô có thể nói với Minh, có chút gì buồn bã đến với cô khi cô nhìn anh,
nhìn Bích điệu bộ kéo áo ngồi sau anh, đêm đó. Hai người nhìn quả là đẹp đôi
như anh Tấn nói lúc đầu. Và làm sao Minh biết câu nói ấy làm Diệp âu sầu mỗi
khi nhớ lại.
Trời bỗng đổ mưa khi hai người rời khỏi quán. Mưa xuân trên những ngón tay
vội vàng nắm níu. Minh hối hả kéo Diệp chạy vào hàng hiên của một ngôi nhà có
giàn hoa giấy. Những ngón tay tìm nhau như đã hò hẹn từ một kiếp nào.
Cho đến khi Minh đẩy xe ra cửa, bóng anh khuất hẳn nơi khúc quành đầu ngõ,
Diệp mới bước vào nhà. Diệp ngồi ngắm đôi tay mình, những giọt xuân tươi mát từ
buổi chiều như hãy còn đọng lại trên những ngón tay. Hương mưa theo Diệp vào
giấc ngủ êm với mộng ban đầu.
Tôi không
yêu lắm những chùm hoa dày đặc, sum suê như hoa giấy. Nhưng màu hoa tím đỏ run
run dưới những giọt mưa trưa nay chắc cả đời tôi sẽ không quên. Hôm nay tôi vừa
được mười bảy tuổi, một tuần. Minh à, anh có biết là anh vừa bước vào thế giới
của em không?
Đó là những lời Diệp đã ghi vào trang nhật ký của mình.
1 - Tình Xa (Trịnh Công Sơn)
ĐẶNG MAI LAN