Alfred
D. Sulfridge, bác sỹ Trung Tá Không Lực Mỹ tại phi trường Trà Nóc, Cần Thơ. Hồi
năm 1970 anh thường đến hợp tác làm việc với tôi tại bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa,
Cần Thơ. Bác sĩ Sulfridge là người bạn của tôi về chuyên môn, phẫu thuật. Anh
ta nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Nhưng làm sao ấy, tôi vẫn không thích anh chàng. Nhiều lúc
tôi cũng tư hỏi, tại sao mình không thích Alfred? Alfred cũng tốt đấy chứ. Nhưng
tôi đành chịu, tự nhủ thầm thích hay không thích là lý do của trái tim, hơi đâu
mà thắc mắc. Và tôi lờ chuyện đó luôn…
Tôi đến
Mỹ cuối năm 1979. Trong ngày Nguyên Đán của năm 1980, không ngờ bác sĩ
Sulfridge biết tôi đang ở Mỹ, hôm đó anh gọi chúc Tết tôi. Bác sĩ Sulfridge nói
chuyên với tôi rất nhiều, rất lâu. Anh hỏi thăm tôi, gia đình tôi, cha mẹ, vợ
con tôi, với những lời chân thành sâu sắc. Anh cũng muốn giúp đỡ tôi về mọi mặt
trong khả năng của anh, nếu tôi và gia đình tôi cần. Tôi cám ơn anh ấy. Tôi nói
là tôi không quên ơn anh ấy, dù cho đó chỉ là lời hứa, và tôi hứa là chúng tôi
sẽ không quên anh ấy một khi chúng tôi cần sự giúp đỡ nào đó từ các đồng nghiêp.
Chúng tôi nói chuyện với nhau rất tình nghĩa và chúng tôi cũng có chung những cảm
nhận sâu sắc về nhau. Nhưng cuối câu chuyện, một lần nữa bác sĩ Sulfridge chúc
Tết tôi:
“Happy Chinese New Year!”
Tôi giận tím người. Tôi khựng lại một hồi lâu, tôi lạnh
nhạt trả lời:
- The same to you...
Và tôi ‘úp’ điện thoại.
Ôm ngực, ngồi nghỉ một hồi lâu, mới thấy mình vô lý. Mới
thấy Alfred và tôi, cả hai chúng tôi đều là nạn nhận của một ý thức sai lầm về
Tết. Thật sự Tết nhất là vấn đề của thời gian, mùa màng, thời tiết, căn cứ trên
sự di chuyển của mặt trời, của mặt trăng. Có ai sở hữu mặt trời, mặt trăng đâu
mà gọi là Tết Tây, Tết Tàu, Tết Ta...Nhưng ngặt một điều, lễ đầu năm âm lịch tiếng
Việt gọi là Tết, Trung Hoa gọi Nguyên Đán; lễ đầu năm dương lịch Tây gọi là
Nouvel An, Mỹ gọi là New Year…Ai cũng đặt tên cho thời gian cái tên của riêng mình…y
như là thời gian, mặt trời, mặt trăng là của riêng họ, con cháu họ. Từ xưa,Trung
Quốc rộng lớn quá, có nền văn minh rất sớm và tỏa sáng ảnh hưởng và làm mờ nhạt
các nền văn minh của các quốc gia chung quanh như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật…Do
đó thế giới Tây phương mỗi khi nhìn về các nước Viễn Đông và Đông Nam Á đều nhìn
qua lăng kính của văn minh TQ. Tệ hại cho đến nỗi tên của nước ta, có thời người
Tây phương gọi là Bán đảo Ấn Trung - Indochine/Indochina…Tết Ta, Tết Nhật, Tết
Triều Tiên …họ đều gọi là ‘Tết Tàu’- Chinese
New Year. Cũng có lẽ bực bội vì lý do đó, quyết tâm thoát ly ra khỏi ảnh hưởng
của TQ, trước hết là Nhật, và sau đó là Triều Tiên không ăn mừng năm mới âm lịch
nữa, không ăn Tết nữa.
Sau một hồi minh định như vậy, tôi mới ngộ ra rằng tại sao hồi năm 70 tôi
không mấy có cảm tình với bác sĩ Sulfridge, chỉ vì Tết năm đó anh ấy trịnh trọng
chúc tết tôi y chang với câu anh ấy chúc vừa rồi:
“Happy Chinese New Year”
khiến tôi giận anh tím mặt. Tôi không thèm nhìn mặt anh ấy liên tiếp trong mấy ngày sau đó! Bây giờ ngồi nghĩ lại mà thương hại cho mình...
Sau năm 1980, bác sĩ Sulfridge và tôi có nói
chuyện điện thoại với nhau đôi ba lần và bặt tin nhau cho mãi đến Tết năm 2008,
tôi nhận được điện thoại của bác sĩ Sulfridge gọi chúc Tết tôi. Thật cảm động
nghe giọng nói thân quen của anh như thuở nào. Có điều là chúng tôi lớn tuổi cả rồi.
Tôi đã 72 và anh ấy cũng 70! Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, chúng tôi
đã từng chia sẻ với nhau những cas phẫu thuật cấp cứu. Anh đã từng ‘vào’*giúp tôi,
cũng như tôi cũng đã từng ‘vào’ giúp anh trong trường hợp chúng tôi gặp khó khăn
phẫu thuật. Nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không ai, một lời nhắc đến chiến tranh.
Có điều anh làm tôi ngạc nhiên và cũng vô cùng cảm động, cuối câu chuyện anh trịnh
trọng chúc tết tôi:
“Happy Vietnamese New Year”
Tôi nghe tim mình bồi hồi,
xúc động… Ngưng một chập…hy vọng anh còn chờ tôi ở bên kia đầu dây, tôi trịnh
trọng:
“Happy Vietnamese New Year” Dr Sulfridge…
Tôi nghe tiếng cười rạng rỡ
của anh và nghe anh nói:
“Many thanks, Dr Dao”
Thật sư
câu chúc Tết của bác sĩ Sulfridge: “Happy Vietnamese New Year” chẳng những làm
cho tôi vui sướng mà còn làm cho tôi tự hào. Ôi! Chỉ có một chút xích ra khỏi ảnh hưởng
Trung Quốc, năm 2007, chúng ta ăn Tết trước TQ một ngày, mà gây sự chú ý quan tâm
cùng khắp thế giới. Và qua câu chúc Tết của Bác sĩ Sulfridge:“ Happy Vietnamese
New Year ” ai còn dám nói người Mỹ thiếu tế nhị trong giao tế? Phải chi những năm
của thập niên 40 của thế kỷ trước, có được sư cảm nhận sâu sắc giữa hai dân tộc
Việt Mỹ như giữa chúng tôi hôm nay, thì đâu đến nỗi viết
cho nhau những trang sử đẩm
máu đáng tiếc…
Mỗi lần
nghĩ về người bạn đồng nghiệp xa xưa, bác sĩ Sulfridge, tôi cảm thấy một thoáng
bâng khuâng. Sau sư cố, khu hành chánh Tam sa tại đảo Hải Nam của Trung Quốc, được
thành lập, không hiểu Alfred còn nhớ tôi không? Liệu anh ấy năm nay sẽ chúc tết
tôi với câu: “Happy Vietnamese New Year!” nữa không?./.
Đào Như