Thursday, January 4, 2024

3197. PHAN TẤN HẢI Hãy Tu Như Đang Xem Ảo Thuật

Ảnh minh họa - Google images

 

Những dòng chữ đầu tiên trong bài này được viết trong ngày đầu năm 2024, với lời chúc lành tới tất cả độc giả, để cầu nguyện cho một thế giới của yêu thương và hòa bình.

 

Trước tiên, mặc dù bản thân tác giả chữ nghĩa vụng về, nhưng cũng học theo truyền thống người xưa để làm vài câu đối trong ngày đầu năm dương lịch, và cũng là cận kề với ngày Tết Nguyên Đán. Tác giả không giữ bản quyền, do vậy bất kỳ ai cũng có thể sử dụng các câu đối nếu thấy khả dụng. Xin mời quý vị trong các phố ông đồ ở VN tự do sử dụng, và không cần ghi tên tác giả. Các câu đối này, khi cắt bớt cho ngắn hơn, vẫn có thể đủ nghĩa cho nhiều trường hợp.

 

Câu đối 1:

Ly là biệt, mèo đi, êm sóng gió, đâu cõi não phiền

Hỷ là vui, rồng tới, ngợp mưa hoa, khắp trời bi trí.

 

Câu đối 2:

Chia tay, tiễn mèo đi, nguyện pháp giới bớt tham sân si

Mở cửa, đưa rồng tới, hứa thân tâm tăng giới định huệ.

 

Câu đối 3:

Mèo đi lặng lẽ, cái được thấy, như người kiếp trước, có tức là không

Rồng tới lao xao, cái được nghe, như mộng đêm qua, không tức là có.

 

Câu đối 4:

Ngồi nghe thở, nghe hơi vào hơi ra, nghe vô thường luồn trong xương tủy

Ngó thấy tâm, thấy niệm khởi niệm diệt, thấy vô ngã lạnh khắp thịt da.


Hình ảnh năm mèo ra đi, 
năm rồng đang bước tới. (Tranh: pth)

 

Có một câu hỏi, thường gặp nơi các bậc ba mẹ ở hải ngoại, rằng không biết nên dạy con tu học theo Phật giáo như thế nào. Đối với giới trẻ đã có tín tâm nơi Tam Bảo, chuyện này thì dễ hơn, vì tài liệu tiếng Anh có rất nhiều, đủ các khuynh hướng, bộ phái. Nhưng với các em chỉ “lưng chừng” đức tin, chuyện này sẽ thành vấn đề, vì ba mẹ không có thì giờ để nói chuyện với các con. Một khi các em vào đại học, có thể chỉ vài ngày trong năm mới có thể về thăm ba mẹ. Còn khi các em ở bậc trung học trở xuống, ba mẹ lại bận làm việc nhiều giờ trong ngày. Và cũng có khi, ba mẹ lại mơ hồ về Phật pháp. Do vậy, nơi đây, xin đề nghị các bậc ba mẹ nên dạy các em một phương pháp, có thể thích họp cho mọi truyền thống và tiện dụng trong mọi trường hợp. Dĩ nhiên, trước tiên, nên tìm sách căn bản về Phật học cho các em đọc để tin sâu nhân quả, để ưa thích thiện pháp và để xa lánh bất thiện pháp.

 

Phương pháp thiền này rất đơn giản, không cần ngồi, tiện dụng cho mọi tư thế đi đứng nằm ngồi. Nhưng sẽ tới một lúc người tập sẽ ưa thích ngồi, có thể ngồi trên ghế, không nhất thiết phải ngồi theo tư thế kiết già hay bán già, vào mỗi buổi sáng sớm là tiện nhất. Khi quen rồi, sẽ tập được trọn ngày trong mọi trường hợp.

 

Rất đơn giản, đó là: Hãy tu như đang xem ảo thuật.

 

Bởi vì tất cả các trẻ em (và cả rất nhiều người lớn) đều ưa thích xem ảo thuật. Và có lẽ, làm chúng ta chú tâm nhất trên đời này vẫn là khi xem ảo thuật. Chúng ta sẽ thấy rằng, khi xem ảo thuật, chúng ta không cần tư thế ngồi cụ thể nào. Trên các đường phố, chúng ta vẫn thường đứng xem ảo thuật. Hay là khi xem ảo thuật trên truyền hình, chúng ta vẫn ngồi (và thậm chí, có khi nằm). Khi “tu như đang xem ảo thuật” trong mọi trường hợp đi đứng nằm ngồi như thế, chúng ta sẽ hiểu lời kinh nói rằng Đức Phật luôn luôn ở trong định, sáng trưa chiều tối ở trong định, và đi đứng nằm ngồi ở trong định (Na-già thường tại định). Bạn hãy an tâm, khi tu như xem ảo thuật, nếu chưa phải là định, thì hẳn phải là cận định.

 

Thái độ khi xem ảo thuật là chúng ta tự động trở thành như trẻ thơ, vì không thể đoán nhà ảo thuật sắp hô biến những gì, hay sắp làm hiện ra những gì. Trong khi xem ảo thuật, chúng ta tự động tước bỏ hết những thành kiến xã hội thường có. Vì chúng ta luôn luôn kinh ngạc, bất kể ảo thuật gia là nam hay nữ, là người Pháp hay Mỹ, là người đang đeo thánh giá Cơ đốc trước ngực hay đang mang khăn Hồi giáo trên đầu, cũng không phân biệt phe ta người Việt hay phe của người nước khác, cũng không coi thường ảo thuật gia 90 tuổi hay thần đồng ảo thuật mới 10 tuổi. Nghĩa là, tất cả những gì trong thế gian đầy phân biệt nay đều biến mất trong tâm của người thực tập pháp tu như xem ảo thuật. Nghĩa là, người tu trong tâm thức này, theo kinh nói, tương tự như hình ảnh con tê giác đơn độc vào rừng, xa lìa tất cả các ràng buộc và thành kiến thế gian.

 

Thái độ khi xem ảo thuật cũng là sự chú tâm hiếm gặp trong ngày. Bởi vì, một niềm vui trong khi xem ảo thuật là thấy được những gì người khác không kịp thấy, và nghe được những gì người khác không kịp nghe, và đó là sự hỷ lạc: nếu mất sự chú tâm trong khoảnh khắc, chúng ta có thể không thấy bí ẩn của người làm ảo thuật. Do vậy, sự chú tâm này, tự động sẽ làm chúng ta thở rất đều và rất nhẹ, tự động sẽ làm toàn thân chúng ta có sự tỉnh thức rất hiếm hoi. Trong sự chú tâm và tỉnh thức đó, những giây phút thực tập pháp tu như xem ảo thuật sẽ là xa lìa tham sân si, vì trong tỉnh thức với chú tâm này, toàn bộ thân tâm chúng ta sẽ tự động ly dục, ly bất thiện pháp, và đó là vào sơ thiền. Tất cả các bạn ưa xem ảo thuật đều đã từng thấy những khoảnh khắc mát dịu, khi thân tâm tắm gội trong sự hỷ lạc của chú tâm, của tỉnh thức và của xa lìa tham sân si. Đó là cửa vào sơ thiền.

 

Thái độ khi xem ảo thuật cũng làm cho chúng ta hiểu Kinh Phật hơn. Đó là khi Đức Phật nói rằng giữ tâm vô sở trụ thì sẽ giải thoát. Xem ảo thuật là giữ tâm nơi không nương vào bất kỳ pháp nào. Bởi vì khi xem ảo thuật, nếu tâm bất chợt nương nào bất kỳ những gì, chúng ta có thể sẽ bị mất các khoảnh khắc phù phép của nhà ảo thuật. Đó là khi Đức Phật nói rằng người tu như bước trên dòng nước lũ, hễ đứng lại là bị chìm, hễ bước tới là bị chìm, hễ bước lui là bị chìm, và các kinh gọi là "vượt qua lũ mà không có điểm tựa hay chỗ đứng" (crossing the flood with no support or place to stand). Lời Đức Phật có hai nghĩa. Thứ nhất, đừng níu lấy quá khứ (bước lùi), đừng mơ tới tương lai (bước tới), đừng luyến tiếc hiện tại (đứng yên). Nghĩa thứ nhì, có nghĩa là, đừng trụ vào bất cứ những gì trong tâm mình. Khi đang xem ảo thuật, hễ tâm trụ vào bất cứ gì, thì mất cái nhận biết về thực tại.

 

Trong khi xem trò ảo thuật, chúng ta sẽ nhận ra cốt tủy của Bát Nhã Tâm Kinh, của những “sắc tức thị không, và không tức thị sắc” --- đó là nơi, do duyên, thì cái được thấy là Không, cái được nghe là Không, và từ cái Không cũng sẽ có thể xuất hiện ra những cái được thấy và những cái được nghe. Cũng khi hướng cái nhìn về nhà ảo thuật, chúng ta sẽ vào chỗ Đức Phật khuyến tấn là chớ rơi vào tà kiến của Hữu với Vô. Bởi vì tâm thức xem ảo thuật là cái nhìn của chánh kiến: không bị vướng vào thường kiến của Hữu, và không bị vướng vào đoạn kiến của Vô. Tất cả hiện ra trước mắt người tu như xem ảo thuật là Như Huyễn. Kinh Kim Cương nói rằng: Tất cả các pháp hữu vi / đều là như mộng, như không có thực, như bọt sóng trên sông, như ảnh hiện trong gương / như hạt sương buổi sớm, như tia chớp lóe trên bầu trời / hãy quán chiếu như thế. Đức Phật dạy trong Tương Ưng Bộ Kinh SN 22.95 rằng, tất cả các pháp đều trống rỗng, không có gì là thực sự có   với không. Đức Phật dạy rằng hãy quán sát như thế cả ngày lẫn đêm thì sẽ giải thoát.

 

Trong khi chúng ta nhìn vào trò ảo thuật, thì mắt và tai và toàn thân chúng ta đều tự động tỉnh thức và không để cái được thấy và cái được nghe nào lôi kéo đi. Kinh AN 4.37 trong bản dịch của Thầy Minh Châu viết rằng: "Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, làm cho nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thật hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, làm cho ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn."

 

 Thái độ tu như xem ảo thuật là y hệt như Thiền Mặc Chiếu của Tào Động. Vì khi quan sát nhà ảo thuật, tâm người xem sẽ tịch lặng, không để vương chút bụi nào, để tỉnh thức nhìn trước mắt hiện ra như gương sáng hiện ra hình ảnh trong gương. Đó là sự tương ưng của định và huệ (tức là, mặc và chiếu). Kinh SN 35.204 ghi nhận về Mặc và Chiếu qua lời dạy của Đức Phật là hai vị sứ giả, tượng trưng bằng hai con chim mang theo sứ điệp giải thoát qua Bát Chính Đạo bay vào tòa thành của thân tâm. Như thế, Mặc và Chiếu là nơi xa lìa tham sân si, là tiếp cận cảnh giới của vô vi, không dựa vào thời gian, không dựa vào suy lường. Vì dựa vào thời gian hay dựa vào suy lường, là không còn trò ảo thuật nữa.

  

Tất cả những hành giả nào tu như đang xem, đang nghe, đang hít thở, đang đi đứng giữa một trò ảo thuật khổng lồ của pháp giới tất nhiên rồi sẽ chứng nghiệm các pháp ấn vô thường và vô ngã. Và đó là giải thoát.


PHAN TẤN HẢI

Tháng 1.2024