Wednesday, December 20, 2023

3167. TRẦN HOÀI THƯ Những mùa Giáng Sinh không bao giờ quên của một thi sĩ

Google images

MÙA GIÁNG SINH 1978

 

Núi Trầu là một địa danh ở Kinh Nhà Chung thuộc Kiên Lương Hà Tiên. Núi Sọ là một ngọn đồi nhỏ có dựng một thập tự giá rất lớn. Đây là một xóm đạo. Chúng tôi, khoảng 30 người tù cải tạo, được lệnh bè tràm từ trong rừng tràm ra Nhà Chung. Con đường bè là con kênh dài khoảng 10 cây số. Buổi chiều trở về, nhìn từ xa, núi Sọ với chiếc thập tự giá nổi lên trên nền trời ráng đỏ... 

 

Ngày ấy, trong lúc phải vật lộn cùng chiếc bè tràm ngược giòng nước  như con chó bất kham, thêm lạnh, thêm đói, tôi đã nhìn chiếc thập tự từ xa, mà lòng vô cảm. Tôi thở hồng hộc. Căn phần của tôi phải trả này liệu Chúa ở trên cao  có thể nhìn xuống mà xót thương, hầu cho tôi được một phép lạ. Có nghĩa là bụng tôi không kêu gào. Hai tay hai chân tôi tiếp tục  được kềm bè tràm giữa giòng kênh chảy xiết. Nhưng không. Ngài không cho tôi phép lạ. Ngài để ma quỉ hành hạ tôi một cách hả hê.

 

Đêm Giáng Sinh năm 1978 ấy, tại  xóm đạo ấy, nhà nhà đóng cửa kín mít. Tiếng hét la của cai tù uống rượu say, và tìếng súng nổ của cảnh vệ bắn dọa dẫm lẫn cùng tiếng chó sủa…

 

Nhưng đêm đó,  có thau đồ ăn mà Mẹ Bề Trên đã  bí mật cho một người nữ tu mang đến làm quà tặng chúng tôi…

 

Thì ra, tôi hiểu rồi. Cho dù tôi có đọc trăm ngàn pho sách, có ép mình trong tu viện, có đọc ngàn lời kinh, có lẽ tôi chắc không bao giờ “ngộ” được ý nghĩa của  cây thập tự giá như đêm hôm ấy . Có nghĩa là nó đến từ nỗi đau khổ, và nó làm mọc những nụ hoa. Nó mang nhân ái, từ tâm. Nó thể hiện lòng người. Khi người ta mang thánh giá trên cổ, không phải là mang vòng trang sức. Mà mang theo một biểu tượng về tinh thần, về tâm linh. Nó giúp con người sống theo lời răn của giáo lý…Điều huyền nhiệm là chỉ từ một vật tầm thường, nhưng nó là cả một phép lạ toát ra. Không phải cho một hai người, có công rèn luyện mà cho cả nhân loại.

 

Đêm đó, chúng tôi được lệnh tạm trú trong một ngôi trường làng. Không có gì để chào mừng lễ Giáng Sinh , chúng tôi nấu  nước nhãn lồng thay trà, và nhâm nhi đường thẻ…Người bạn tự nhiên hát khẽ : Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…

 

Sau này tôi làm bài thơ, như là một hồi ức khó có thể quên  suốt mấy mươi năm nay...

 

Mùa Giáng Sinh tôi trở lại Núi Trầu
Bè tràm qua kênh lên đồi Núi Sọ
Chiếc thập tự in giữa nền ráng đỏ
Tôi vác bè tràm trả nợ  miền Nam

Trở lại Núi Trầu vào đêm Giáng Sinh
Chúng tôi cùng nhau quay quần bên bếp lửa
Đón Noël, chén trà nhãn lồng chia xẻ
Người bạn rưng rưng hát nhạc Dâng Mừng
Ai lấy chiếc thìa gõ nhịp. Đêm Đông…

 

 

MÙA GIÁNG SINH 1979

(Đi bán cà rem)

 

Ta bán cà rem hề, ta bán cà rem!
Lắc chiếc chuông đồng, khua vang làng xã
Ôi những hồi chuông lâu rồi đã ngủ
Bỗng hôm nay, choàng dậy, ngỡ ngàng
Trên đầu ta, mây trắng thênh thang
Dưới chân ta, vòng xe nhật nguyệt
Chuông đồng leng keng, thay người đào huyệt
Gọi những ma hồn trong buổi đảo điên

Ôi những tiếng reo giòn, ông già cà rem!
Chưa đầy bốn mươi, ta già thế đó
Ta không buồn đâu, tóc ta bạc trắng
Như một ông già chuyện cổ phương Tây

Ông già Noël vào mùa Giáng Sinh
Lắc chiếc chuông đồng phát quà phát bánh
Ta cũng như ông đầu làng cuối xóm
Lắc chiếc chuông đồng, phát cả trái tim

 

Ghi chú: năm 1979 Trần Hoài Thư mang thùng cà rem đ bán dạo để kiếm sống. (PCH)

 

 

MÙA GIÁNG SINH 2013 

 

Từ  em gậy chống bạn đường

Xe lăn thân hữu, chiếu giường tình nhân

Từ em bất toại bán thân
Tôi theo em, nghĩa  vợ chồng tào khê
Sáng  nay tuyết phủ tứ bề
Thì ra trận tuyết đầu mùa đêm qua
Giáng sinh trắng, cội tim già
Tôi xin em nhận món quà Noël


MÙA GIÁNG SINH 2017

 

Đưa mình đi tôi đưa mình đi
Tôi đưa mình trong đêm Noël
Mình thấy không, hoa đèn máng cỏ
Holy night đêm thánh vô cùng


Đưa mình đi tôi đưa mình đi
Xe lăn đều, lòng tôi lăn theo
Bà lão láng giềng, cười đưa  tay vẫy
Ông lão phòng bên,  chào mình  có hay


Đưa mình đi tôi đẩy xe  đi
Tôi đưa mình, lòng tôi từ bi
Tay nắm càng xe  đôi chân gout nhức
Tôi bám vào mình, mình nào có hay ?

 

TRẦN HOÀI THƯ