Saturday, December 16, 2023

3159. HOÀNG KIM OANH Ngồi lại cùng nhau, nhấp trọn chén tương phùng… (Cảm nghĩ nhân ra mắt Quán Văn số 100)

 

Hoàng Kim Oanh

Ngồi lại cùng nhau,
nhấp trọn chén tương phùng…
(Cảm nghĩ nhân ra mắt Quán Văn số 100)



Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười bên chén rượu đầy
Vẫn muốn tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi hãy hay…
(Hành phương Nam, Nguyễn Bính)
 

1.  Khi bước chân ta về…

Tháng 10, đúng 12 năm trở lại với cuộc chữ nghĩa… Quán Văn cũng vừa tròn số 100. Một con số tự nó đã mang bao nhiêu là thông điệp hàm ẩn. Vui. Tất nhiên quá vui như đường đi đã đến đích, như lời hẹn đã hoàn thành. Nhưng trong cái vui lại cũng chất chứa bao nỗi u hoài, cũng mang theo đầy mầm băn khoăn thương nhớ, nghĩ suy. Dở lại từng trang Quán Văn qua từng năm tháng, bồi hồi những khuôn mặt thời gian phôi pha, mười hai năm không ngờ vèo qua như giấc mộng. Mới đó…ngày nào tôi còn vội đến vội đi chưa sẵn sàng nhập cuộc tuy có mặt ngay trong buổi ra mắt số đầu tiên 001 ngày 4.10.2011 tạị Cafe Bros và cũng dự không ít những lần ra mắt tiếp theo. Khi ở nhà anh Trương Thìn, Phú Nhuận. Khi ở tuốt trên quán Cà phê Chiêu tận đường Ba Vân, Tân Bình. Khi ở Sông Trăng, Thanh Đa Bình Quới của nhà thơ Văn Công Mỹ… Song mãi đến số 11 tôi mới lò dò gửi đăng bài đầu tiên. Bước vào một “lãnh địa” mới tôi vẫn chưa tìm được nhịp đập chung với những hoài niệm văn chương một thời chưa lâu mà đã nghe xa như từ tiền kiếp, và những kỷ niệm bằng hữu quá đẹp của các anh…những bằng hữu thuở thiếu thời hoa mộng, những chiến hữu khi bước vào tuổi trai đầy mộng hải hồ… và bây giờ, bên nhau chung cuộc tương phùng, chữ nghĩa một thời bị đổ đi rồi… trục vớt lại. Tôi nhớ những lời xúc động của anh Chu Trầm Nguyên Minh ở lần ra mắt Quán Văn thứ 14, hai người bạn cùng có tên Nguyên Minh đứng cạnh bên nhau, nhắc chuyện trùng phùng… “Nhờ Quán Văn, được viết trở lại, sống lại trong không khí văn chương và bạn bè, tâm hồn thấy đã như trẻ lại sau hơn 30 năm không viết, không đọc, "dù có lúc muốn viết đến điên cuồng mà không thể viết được" (Lời tình buồn, Nxb Thanh Niên, 2012). Trong lời ngỏ, anh viết "Nhìn lại thời gian bỏ phí đến nửa đời người, tôi ân hận, tiếc nuối đến đắng lòng. Tập thơ này, như một lời tạ lỗi, và cũng là một minh chứng hiện hữu, tôi trở về, dù chỉ làm người gác già đứng bên hắn (Nguyên Minh), bên bằng hữu năm xưa. Cám ơn các bạn đã quen hay chưa quen, các bạn đã, đang và sẽ tiếp sức cho tôi đi hết đoạn đường còn lại ngắn ngủi của cuộc đời này. Xin được ôm và hôn (hko tường thuật chính xác: chỉ nói thế thôi hihi) các bạn đã về đây, đứng bên tôi trong tác phẩm nhỏ bé này." (tr.9).

Hình như đó không phải tâm trạng một mình Chu Trầm Nguyên Minh, anh chỉ nói thay tiếng lòng bao người bạn cũ đồng trang lứa cùng một đam mê… Quán Văn ra đời kịp thời, đúng lúc trở thành một sân chơi chữ nghĩa đầy hoài niệm mà sang trọng lộng lẫy làm sao những chân tình. Người mới, bước vào để tìm gặp khung trời cũ. Người cũ, viết như gặp lại chính mình. Tìm lại những mộng mơ từng bị nghiền nát trong cuộc ba đào.

Để sống. Và để tiếp tục biết rằng mình đang sống

Chỉ tiếc rằng chưa được bao lâu, sau khi ra số 17 Bên dòng sông Cà Ty, anh trụ qua số 18, 19, chưa hết số 21 thì đã ra đi. Tôi mãi không quên lần gặp anh cùng nhóm chủ trương Quán Văn, lúc đó mới biết bệnh tình anh sau 12 năm chạy chữa đã đến ngày chỉ còn đợi chờ số mệnh gọi. Mấy anh em ngồi quanh anh. Tôi ngồi ở ngoài cùng, anh vói tay sau lưng Nguyên Minh khẽ kéo tay tôi muốn tôi cùng đặt tay vào bàn tay 5 anh em…Một cử chỉ thật xúc động ngỡ ngàng. Tôi không nhớ chính xác từng lời anh dặn nhưng tâm nguyện sau cùng thật rõ: “Dù thế nào cũng phải đi tiếp con đường của Quán Văn”. Bức hình 5 anh em trong tay anh Chu Trầm mà Elena chuyển cho tôi lần nào nhìn tôi cũng không sao không trào nước mắt. Năm anh em chúng tôi như có một buộc ràng bất thành văn, cho đến bây giờ, thật sự, tôi cũng không hiểu sao anh lại chọn tôi…

Cùng anh Nguyên Minh, Trương Văn Dân và Elena, tôi đã đi đến cùng lời hứa ấy bằng tất cả tâm tình phụng hiến của một tín đồ…

2.    Đôi khi ta lắng nghe ta… trong cái nhìn bè bạn 

Vòng tay văn chương ngày càng níu chặt và mở rộng. Quán Văn rộn ràng bao nhiêu bè bạn đến và đi. Tôi nhớ những buổi ngồi ở toà soạn lần đầu trò chuyện với anh Khuất Đẩu, với Nguyễn Dương Quang. Nhớ những lần đọc dò chỉnh sửa cùng các anh Nguyễn Sông Ba, Đoàn Văn Khánh. Nhớ những ngày lễ tết cái ‘chuồng cu” Toà soạn Quán Văn lại rung lên bao nhiêu âm thanh đàn hát sôi nổi ấm áp ân cần. Những gặp gỡ Kiệt Tấn, Nguyễn Tường Giang. Nguyễn Văn Sâm, Lữ Quỳnh, Đinh Cường, Lữ Kiều, muộn hơn một chút nữa là Nguyễn Minh Nữu, Phạm Cao Hoàng, Phạm Thành Châu. Có khi là ông anh nhà phê bình Đặng Tiến, có lần là nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh. Bất ngờ hơn là chuyến viếng thăm một ngày tháng tư hoàn toàn không hẹn trước của đại ca thi sĩ Tô Thuỳ Yên. Tuy ông vẫn chê Quán Văn còn bó trong tính cục bộ địa phương nhưng mỗi số QV ra mắt, từ rất xa, ông vẫn nhắc nhớ động viên, vui cùng từng buớc đi của Quán Văn…

Ngay trong cuộc chữ nghĩa này, giai đoạn đầu không phải không có những thanh âm hỗn tạp chen vào. Có người viết hẳn bài báo quy chụp sao tác giả QV toàn các cây bút thuộc ngày cũ, đội cho QV chiếc mũ chính trị nặng nề, may có anh Nguyễn Lê Uyên người Tuy Hoà nhưng anh hùng hảo hớn làm Lục Vân Tiên tả xung hữu đột ra tay dẹp rồi “lũ kiến chòm ong”. Có người hỏi sao không làm về các nhà văn nhà thơ miền Bắc? Có người lại trách sao ra Hà Nội ra mắt làm gì? Nhưng rồi, hành trình Quán Văn bình thản mà đi dần dần anh em cũng hiểu, không quá ồn ào khoa trương, chỉ nâng niu gìn giữ lại những giá trị văn chương miển Nam và rộng hơn nữa, Việt Nam…Trong thời buổi kinh tế thị trường, tất cả chạy theo lợi nhuận, thoả mãn mọi thị hiếu độc giả để chạy theo doanh số… Quán Văn vẫn cứ là Quán Văn, thuỷ chung với đường hướng ban đầu 12 năm trước đặt ra…từ hình thức trình bày, nội dung bài vở… Tất nhiên cũng có những điều cần cải thiện nhiều hơn để đáp ứng mong muốn của người đọc. Nhiều khi lực lượng quá mỏng, đôi mắt U90 của anh Nguyên Minh không ít lần thất thủ trước bao nhiêu con chữ mà anh em tác giả từ các vùng miền đổ về, người thì chăm chút câu chữ, cũng không ít người hồn nhiên viết theo khẩu ngữ địa phương hay morrasse đầy lỗi space, hỏi ngã, viết hoa không viết hoa…Người thì email, gửi file đâu đó cẩn thận từng dấu chấm, phẩy, xuống hàng, người thì gửi qua tin nhắn, lỗi font lỗi đủ thứ… Số nào anh em cũng xúm lại…dọn vườn…

Dịch Covid kinh hoàng có làm chững lại bước đi của Quán Văn năm 2021. Cả năm chỉ ra 3 số. Nhưng rồi, cái khó ló cái khôn. Trong không khí chết chóc kinh hoàng khắp nơi phong thành ai ở đâu ở đó, Quán Văn ra mắt…qua Zoom. Anh em lại ríu rít học cách online bồi hồi nhìn nhau qua màn hình computer ai còn ai mất… nhân lần ra mắt số Ta về -Tô Thuỳ Yên và sau đó: Nhật Nguyệt dấu yêu, chân dung nhà thơ Trần Hoàng Phố và Anh Nga, số Trần Hoài Thư -Chàng thi sĩ viết văn. Quán Văn đã đến bằng nhiều con đường với anh chị em trong và ngoài nước, bất luận trẻ -giả, không kể Nam-Trung-Bắc, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hà Nội, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Ý… chỗ nào có anh em Quán Văn, mối thâm tình ở đó…

Trên hành trình ấy, ngoài sự yêu thương ủng hộ của anh em bạn viết bạn đọc Quán Văn, bè bạn văn chương các vùng miền cũng là niềm động viên quý báu. Thật cảm động nhìn lại Quán Văn trong mắt bạn bè gần xa…

Đỗ Hồng Ngọc viết về Quán Văn & Nguyên Minh: "Nói đến Quán Văn không thể không nhắc Nguyên Minh, người phụ trách. Chưa thấy ai mê làm báo “văn học nghệ thuật” như Nguyên Minh. Thời trẻ, Nguyên Minh cùng nhóm bạn say mê làm tờ Ý Thức, nay tuổi đã ngoài 70, lại tiếp tục hăng say làm Quán Văn. Nhà văn Phan Triều Hải con Lữ Quỳnh nói phục mấy bác hết sức, thiệt là “lỳ lợm”! Cái chữ ‘lỳ lợm” như một lời trách yêu nghe thương làm sao.

Chuyến đi các tỉnh miền Tây nhân ra mắt QV 88 “Sắc màu Châu Thổ” năm 2022 là một kỷ niệm đẹp. Tham gia cùng đoàn, nhà văn Trần Nhã Thuỵ, Trưởng chi nhánh NXB Hội nhà văn Tp chia sẻ với tư cách một người bạn, một người em khi lần đầu có cùng một chuyến đi ngao du miền Tây cùng anh em văn nghệ Quán Văn: “Tinh thần QV không giống những tạp chí khác, mang tinh thần giữ tính tiên phong văn nghệ thật sự, không bè phái, băng nhóm, hay những cái ngoài văn chương áp đặt. Tôi luôn rất dành cho QV sự kính trọng, yêu thương dù không trực tiếp tham gia cộng tác” (Vĩnh Long, 9.7.22)/  Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Cần Thơ cũng bày tỏ một cách chân tình:  “Với Quán Văn, bản thân tôi và anh em Hội nhà văn Cần Thơ rất ngưỡng mộ. Các anh chị là những người lớn tuổi, đã hoàn thành nghĩa vụ với gia đình xã hội vẫn đam mê văn chương, tự thân vân động từ A-Z. Tôi rất ngưỡng mô anh Nguyên Minh đã trên 80 mà vẫn chủ biên ra những đầu sách có giá trị như thế này… Hội nhà văn Cần Thơ mơ ước sẽ ra được những tác phẩm như vậy trong tương lai”(Cần Thơ, 11.7.22). Nhớ mãi ân tình Cần Thơ với chị Trúc Linh Lan và các anh chị Đặng Tuyết, Quốc Nam, Ngọc Thuý, Huyền Văn…bao lần gặp gỡ luôn dành cho Quán Văn những gì ân cần thân thương nhất như lòng người sông Hậu. Rồi An Giang và những người bạn mới Nguyễn Đức Phú Thọ, Lâm Trúc, Huỳnh Thuý Diệu, Phạm Hằng, Thiên Sứ, Tây Dây Khoai, Trần Quang Khanh… những cây bút trẻ trung, sôi nổi cũng là những kỷ niệm khó quên cho chuyến về miền Tây Sắc màu Châu Thổ.

    2017, lần đầu tiên Quán Văn tổ chức ra mắt ở thủ đô. Xúc động khi biết có nhà văn miền Nam lần đầu tiên đặt chân ra Kẻ Chợ. Anh chị em đã gặp gỡ văn nhân Bắc Hà tại Trường viết vănNguyễn Du, Cafe thứ 7, thăm làng cổ Đường Lâm, viếng mộ Quang Dũng, thăm quê Hoàng Cầm, dạo trên đất tổ mấy ngàn năm Kinh Bắc thắp hương cho thuỷ tổ Kinh Dương Vương, dạo bên dòng sông Đuống ngắm nắng chiều lấp loáng trên sông. Tháng 11. 2022, Quán Văn trở lại và ra mắt số 90 Em là nơi anh tị nạn, chân dung nhà thơ Trương Đăng Dung và 91 Một thoáng Hà Nội chân dung nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý. Một sự đón tiếp trọng thị trong vòng tay thân tình của văn chương và cái đẹp. Nhà thơ hoạ sĩ Nguyễn Quang Thiều đã đến với Quán Văn không phải theo chức sắc Chủ tịch Hội nhà văn VN của mình mà đến với tất cả tâm tình một người yêu văn chương, ngồi lặng lẽ lắng nghe ở hàng cuối dãy ghế dành cho người dự suốt buổi. Ông cảm ơn cuộc giao lưu và cho rằng Quán Văn là một hình thức “hoạt động cấu trúc nhỏ, tự do nhưng cần vì làm rất nghiêm túc. hiệu quả”. Ngạc nhiên vì một tập san nhỏ bé tự cung tự cấp như vậy nhưng đã tồn tại đến số 90, 91. Khác biệt rất nhiều CLB thơ hiện nay đòi hỏi rất nhiều ở Hội nhà văn như cấp bằng khen, giấy chứng nhận, vấn đề này vấn đề kia… Người yêu quý thơ ca được quyền tự do hoạt động thơ ca trong phạm vi cho phép của pháp luật. Ông cũng đánh giá Quán Văn đã chọn giới thiệu 2 tác giả xứng đáng vốn là những người tiên phong trong ứng xử văn học và là những giá trị văn học, làm cho nền văn học trở nên khác biệt. Đó là những người làm ra đời sống văn hoá của thơ ca. Ông cũng nhấn mạnh: “Cần ứng xử trên nền tảng khoa học, dân chủ với một nền văn học và những giá trị của nó. (…) Trong đời sống văn học Việt Nam, một trong những điều thiếu dinh dưỡng chính là lý luận phê bình về nghiên cứu, dinh dưỡng này cần bổ túc vào cơ thể văn học VN làm cho nó mạnh mẽ lên, lớn hơn lên (…) Chúng ta nói về sự khó hiểu, cho rằng thơ TĐD không dễ hiểu, nghiên cứu phê bình của Đỗ Lai Thuý khó hiểu… Thực ra không có gì khó hiểu trong vũ trụ này cả, thực chất là chúng ta chưa được tìm con đường đi vào nó.  Các tác phẩm- những bài thơ khó đọc, khó hiểu cũng đang chờ nhà văn lớn lên, chờ bạn đọc lớn lên”. (Hà Nội, 6.11.2022). Đây cũng là điều mà Quán Văn rất tâm đắc. Vâng, phải làm cho văn học trở nên giá trị và nhà văn cũng như độc giả phải biết tự lớn lên.

Cuộc gặp gỡ mùa thu Hà Nội với những người bạn văn chương đích thực còn đọng lại nhiều cảm xúc suốt chuyến đi. Nhà văn, dịch giả Phạm Xuân Nguyên đã phát biểu trong buổi ra mắt về vai trò vị trí của Quán Văn: “Xin chúc mừng QV và anh Nguyên Minh cùng toàn bộ ê-kíp thực hiện, các anh chị rất bền bỉ với hệ thống Quán Văn, như một số tạp chí khác trước đây, Văn, Văn học để làm những hồ sơ tác giả như thế này. Khi đổi mới lên, xuất bản cởi mở hơn, khi cần khôi phục những tên tuổi cũ, tìm lại những trang văn học cũ, các nhà xuất bản khắp nơi không có hồ sơ như vậy, nhất là với những tác giả từ miền Bắc di cư vào Nam. Bây giờ truyền thống này đã 11 năm, QV đã đi đi được đến 90. 91 số rồi, xin cảm ơn anh Nguyên Minh chủ biên và toàn bộ ekip QV, những công sự đã làm đuoc điều này, mong rằng các anh sẽ còn tiếp tục với tinh thần nầy (…), trong văn chương trung thực là điều rất đáng kính trọng…” (HN, 6.11.22) Chúng tôi cũng xúc động trước những phát biểu của Nhà thơ Ngô Thế Oanh- nguyên P. Tổng biên tập Tạp chí Thơ: “Tôi đến để gặp QV anh Nguyên Minh và ace QV, cảm ơn sự sáng suốt rất kiên nhẫn mà anh đã làm một tờ tạp chí phải qua vô cùng nhiều khó khăn, và rất vui vì nó rất đẹp và rất xứng đáng là một tờ tạp chí sẽ gíúp đỡ cho nền văn học của chúng ta. Các anh vốn chú ý đến các tác giả miền Nam trước 75, nhưng bây giờ, chúng ta cùng chung một nền văn học, khg phân biệt Nam hay Bắc, không phân biệt các ý thức hệ chính trị để làm tờ báo thuần Việt Nam, mà quan tâm cả những tác giả Việt Nam khác, một tờ báo rất cần sự sáng tạo và mạnh dạn. Năm 2006 Thanh Tâm Tuyền qua đời. 2008 Nguyễn Khoa Điềm viết bài thơ về TTT, lúc đó tôi ngờ là viết về TTT mà không dám hỏi, bài thơ ấy có câu kết rất hợp với chúng ta hôm nay: Chỉ có thơ làm lẽ phải thầm lặng. Không chỉ thơ mà văn học nghệ thuật nói chung, làm lẽ phải thầm lặng để chúng ta tiếp tục có cái gì đó cống hiến cho dân tộc.”

Tháng 4.2023, bất ngờ từ Ban Mê Thuột, một độc giả QV, TS văn học Thái Thị Hoài An chuyển cho tôi một đề thi học sinh giỏi của tỉnh có đoạn văn trích chọn từ Quán Văn số 033 làm đề thi, ghi nguồn cẩn thận:

“Thế giới này vô thuỷ vô chung, nhưng được tạo dựng từ những khoảnh khắc chiếu sáng từ trái tim nhân ái của con người. Đó là những đốm sáng loé lên trên đường đời đằng dặc, giúp mình gắng đi cho trọn dù chỉ một chặng ngắn ngủi của thời gian”

(Huỳnh Như Phương, “Những khoảnh khắc vô tận”, in trong Rừng thu lá bay, Tạp chí QV số 033 tháng 9 năm 2015, nxb Hội nhà văn).

Hãy bàn luận từ vấn đề được gợi nên từ những chia sẻ của Huỳnh Như Phương. 

    Bất ngờ, xúc động.

    Đúng vậy, thầy ơi, thế giới này vô thuỷ vô chung, nên trân quý làm sao phút giây loé sáng hạnh ngộ của yêu thương kiếp này.

Hành trình 100 lần phát hành, Quán Văn đã ghi dấu lại gì trong cuộc rong chơi chữ nghĩa? Có những lúc tự hỏi như thế. Không tự ngắm mình, nhưng qua cái nhìn của bè bạn gần xa, bỗng ngộ ra con đường đã và đang đi tuy chỉ là những tín hiệu nhỏ nhoi nhưng thật sự đã còn lưu dấu một chút gì để nhớ để thương khi ta từ giã cuộc chơi này…

3.  Vẫn muốn tiêu hoang cho đến hết…

        Linh hồn của Quán Văn chính là soái ca Nguyên Minh vóc người nhỏ bé mà đam mê văn chương như một tín đồ…Trò chuyện cùng anh, không khó để nhận ra chất lạc quan khó tả và niềm vui lấp lánh như hồi sinh mỗi khi ngồi bàn cùng anh về một số quán Văn mới sẽ ra đời… Xin nhắc lại những câu hỏi mà có lần tôi đã làm một cuộc phòng vấn bỏ túi chủ biên Nguyên Minh mà những suy nghĩ của anh đến nay vẫn giữ ý nghĩa nguyên vẹn…

H: Sao đến tuổi cổ lai hy rồi anh lại chủ trương thực hiện Tập san Quán Văn?

NM: Văn chương là liều thuốc hồi sinh của anh. Nếu không làm là anh chết. Buồn mà chết.

H: Trong tất cả các số Quán Văn đã ra mắt, số nào anh không ưng ý nhất? Và số nào anh ưng ý nhất? Vì sao?

NM: Không có số nào anh không thích. Số nào anh cũng làm bằng tất cả trái tim, dồn vào đó tất cả tâm tình của anh với văn chương, với bè bạn cũ mới, trước sau… Nhưng, cũng không có số nào mà anh ưng ý hết…

H: Có người nói Quán Văn là sự tiếp nối của Ý Thức trước đây, có đúng vậy không?

NM: Không đúng. Nhiều anh em vẫn nhầm lẫn điều này. Ý Thức là của một nhóm anh em cùng họp lại làm báo. Sau 1975, Ý Thức tan hàng. Do Ý Thức và Quán Văn đều xuất từ cái nôi ngôi nhà của Nguyên Minh nên nhiều người vẫn nghĩ như thế. Khi làm Ý Thức lúc ấy chủ trương rất rõ ràng chống viễn mơ, chống chiến tranh, nhìn thẳng vào thực tế…đến nỗi còn bị gắn vào cái tội phản chiến, thân Cộng…đủ thứ chuyện. Nhưng rồi chính Cộng cũng không chịu, người ta đang đánh nhau mà phản chiến, mà văn chương văn chiếc sướt mướt nỗi gì? Còn Quán Văn nhiều lần anh đã nói, hai chủ trương hoàn toàn khác. Chủ trương của Quán Văn chỉ là nơi tập họp những người đam mê văn chương, không phân biệt tuổi tác, vùng miền, mở rộng đón nhận tất cả những cái hay cái đẹp của văn chương. Bởi nói đến văn chương thì phải nói đến Chân, Thiện, Mỹ.

H: Theo dõi 10 số đầu của Quán Văn, em thấy chủ đề chính của 10 số ấy gần như là những hoài niệm, những kí ức về một thời đã qua, số tác giả cũng không nhiều, dường như chỉ trong vòng thân hữu lâu nay của anh.

NM: Đúng. 10 số đầu thực sự Quán Văn vẫn chưa có nhiều cộng tác viên. Bài vở mới cũng chưa có. Người viết cũ thì tất nhiên nhớ về quá khứ là chính. Người viết mới thì như em đó, vẫn còn dè dặt, chưa hiểu hết chủ trương đường lối của Quán Văn…Đành phải lấy lại những bài viết cũ…Chọn lọc sao cho phù hợp với chủ trương của mình lẫn sự kiểm duyệt của nhà xuất bản. Cứ như làm xiếc giữa hai bờ…Vậy mà rồi sau 10 số đó, Quán Văn ngày càng đông vui, trong Nam ngoài Bắc, trong nước ngoài nước…anh em khắp nơi đã tìm về…không phân biệt địa vị, quan niệm riêng mỗi cá nhân, miễn thực hiện được tiêu chí Chân Thiện Mỹ của văn chương…

H: Chủ trương tập san Quán Văn, từ số đầu tiên đến nay anh mong muốn gửi gấm điều gì?

NM: Em về đọc Ngôi nhà số 11 của anh. Có một câu chuyện thật mà anh đã viết trong đó, gần như là tất cả tâm tư của anh. Anh kể em nghe, gia đình anh có một ông anh đi theo Việt Minh, sau đó tập kết ngoài Bắc. Mẹ anh trước khi mất có để lại một gia tài niêm kín trong một hộc tủ. Nhưng Mẹ dặn không đứa nào được mở, chỉ khi nào hòa bình, người anh đi tập kết trở về mới được mở hộc tủ ấy ra và giao lại cho anh ấy. Anh tò mò, mong đợi đến ngày hòa bình để được mở cái gia tài đó của mẹ. Hòa bình, ông anh của anh trở về. Đúng lời mẹ dặn, tụi anh mở hộc tủ gia tài của mẹ ấy ra. Em biết không, không có châu báu bạc vàng gì hết như ông anh của anh nghĩ…mà là một tập nhạc chép tay, chữ nắn nót rất đẹp…của ông anh anh để lại trước khi đi theo Việt Minh. Những bài hát tiền chiến như Con thuyền không bến, Đêm đông, Suối mơ…có hình một người con gái và hình ông anh của anh thời đi học.

Nhưng chính ông anh của anh lại vứt cuốn vở đó đi. Ông nói mẹ lẩm cẩm, giữ làm gì mấy cái thứ văn hóa phẩm phản động đồi trụy này. Nhìn ổng quăng cuốn vở mẹ anh gìn giữ như một gia tài cả đời bà, anh có cảm giác như ảnh đã quăng chính mẹ của mình. Chịu không nổi. Tình cảm mẹ anh dành cho ảnh như vậy mà ảnh đối xử như vậy…

Nhưng rồi chính khi ổng bệnh sắp chết. Ổng lại hỏi anh:

   §  Minh ơi, em ơi, cái đó đâu rồi em?
§  Cái đó nào?
§ 
Cuốn vở chép nhạc mẹ giữ cho anh.

Trước khi mất, anh lại muốn nghe lại Đêm đông, nghe lại Con thuyền không bến…

Đời người có lúc ngộ nhận những giá trị đích thực của cuộc sống, mờ mờ nhân ảnh…Chỉ khi đối mặt với cái chết, con người mới ngộ ra điều gì là quý giá nhất.

Tâm tư của anh khi làm Quán Văn cũng vậy. Như mẹ anh. Như tâm huyết bao nhiêu bạn bè thế – hệ – mất – mát của anh.  Cố gắng mượn văn chương để gìn giữ những gì được gọi là nhân bản, nhân văn…

H: Vậy anh làm Quán Văn, miệt mài ngày đêm, huy động cả gia đình từ vật chất lẫn tinh thần để làm Quán Văn, anh…thấy mình được gì?

NM: Anh được một gia đình. GIA ĐÌNH QUÁN VĂN.

Vâng. Một gia đình.

H: Hôm nay, chuẩn bị ra QUÁN VĂN số 100, Anh có cảm tưởng gì không?

NM: Vui chứ. Thật sự nhiều lúc anh rất mệt mỏi. Tuổi tác có. 84 rồi. Nhưng ngẫm nghĩ về cái duyên của anh em, buồn cũng có. Những buồn vui trong anh em, như Sông Ba, Mỹ Lê từng đến với Quán Văn  như 1 cái duyên, thương mến gắn bó nhau là vậy. Nhưng rồi cũng có lúc hết duyên. Và đi. Anh không trách. Coi như một tai nạn. Nhẹ nhàng đơn giản. Ba năm nay, Quán Văn vẫn không ngừng dòng chảy văn chương tâm huyết. Đâu phải chỉ là tâm huyết của riêng anh, còn là tâm huyết của anh em…

H: Có khi nào anh nghĩ xong lời hẹn 100 rồi sẽ gác bút?

NM: Quán Văn với anh không chỉ là Duyên mà còn là Nghiệp. Duyên có thể đến rồi đi. Nghiệp thì trả mãi. trả mãi. như con tằm rút ruột nhả tơ. Nhả hết…rồi thôi. Lời hứa với Chu Trầm Nguyên Minh chính là anh tự hứa với anh… Nhiều lần anh đã định gác bút. Ngay từ số 1, anh có Trương Văn Dân, Từ Sâm, Nguyễn Hoà (VCV), Tiết Hùng Thái, Cao Quảng Văn… vô cùng gắn bó. Cái duyên đến với nhau. Nhưng rồi dần dần, như một chuyến xe, người này đi, người khác đến…có thêm những người bạn mới, có thể không gắn bó được như xưa nhưng rõ ràng họ cũng đến vì văn chương. Còn người khao khát cái Đẹp và Văn chương, Nghiệp của anh vẫn cứ phải trả…

H: Anh có dự định gì cho Quán Văn sau số 100?

NM: Trong anh em cũng có 2 khả năng. Có người nói nên dừng cuộc chơi. Có người lại mong anh tiếp tục. Một vài người còn tư tưởng cục bộ, chỉ muốn QV đăng những bài của anh em trong QV, làm những chủ đề chỉ riêng trong nhóm. Có người không muốn làm về các nhà văn miền Bắc. Nhưng cũng có nhiều anh em rất chân tình mong muốn QV gìn giữ những giá trị văn chương miền Nam nhưng cũng không bỏ quên những giá trị của văn học Việt Nam và ủng hộ anh. Anh khác với Trần Hoài Thư, Thư Án Quán chỉ đi vào di sản văn chương miền Nam, còn Quán Văn sẽ đi vào văn chương của cả ba miền Nam Trung Bắc, tác giả nào xứng đáng làm Quán Văn sẽ làm, không phân biệt. Anh em Quán Văn ai còn say mê đi cùng con đường với Quán Văn thì anh vẫn tiếp tục.

Bước sang số 101, Quán Văn sẽ tập trung hơn vào các tác giả lớn có giá trị của văn chương miền Nam, anh còn phải “trả nợ” nhiều tác giả, anh em bạn bè mà anh còn nợ trong cuộc đời này… Từ số 101, anh sẽ có sự chọn lọc nâng cao chất lượng QV, không còn là chuyện vui chơi vô thưởng vô phạt nữa mà phải đi vào chất lượng thật sự như mong mỏi của bạn bè và người đọc.

H: Anh có nhận xét gì về người đọc QV?

NM: Người đọc QV rất đa dạng, rất khó, không dễ thoả mãn chút nào đâu. Có thể nói họ gồm nhiều thế hệ, trải qua nhiều số phận, nhiều kinh nghiệm sống khác nhau, kinh nghiệm thẩm mỹ khác nhau. U90 có mà U30 cũng có. Không dễ chút nào.

H; Anh có nghĩ đến chuyện kinh tế khi làm QV?

NM: Làm QV từ bao lâu nay, anh chấp nhận cuộc chơi. Anh chịu đựng. Còn người đọc, anh còn làm.

(hết)

Đi cho đến cùng cuộc chơi.

Nhớ câu thơ kiêu bạc đậm chất phương Nam của Nguyễn Bính làm sao…

Vẫn muốn tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi hãy hay…

    Cảm ơn anh Nguyên Minh, người đã kiên trì nâng tay rót trọn chén văn chươngcho cuộc tương phùng chữ nghĩa cùng bè bạn. Cuộc chơi nào cũng có buồn vui, được mất… Ghi giữ lại đây những khoảnh khắc bạn bè, đã đến với Quán Văn, đã gặp gỡ trong những tình cờ... Có khi từ đó thành thân thiết, có khi chỉ một lần duy nhất..., có khi đã mãi mãi không còn gặp nhau lần nữa...Nhưng những anh chị em, bè bạn mà tôi có duyên hạnh ngộ ở sân chơi này đều cùng đồng cảm mến yêu nhau trong niềm hạnh phúc đến với văn chương và Cái Đẹp...

    Quán Văn 12 tuổi. Quán Văn số 100. Xin ngồi lại bên nhau, cùng nhấp cạn chén tương phùng mà nhân duyên cuộc đời này đã đưa chúng ta đến bên nhau. Đắng cay hay ngọt bùi. Nói như anh Trương Vũ trong một lần dự họp mặt anh chị em Quán văn ở Sài Gòn: “Sau 1975, ở hải ngoại và có lẽ cũng như ở trong nước, nhiều nhà văn hay những người trí thức, rất khác nhau từ tư tưởng đến những vấn đề này khác, khó có thể xích lại gần nhau. Trong những trường hợp như thế, văn chương quả thật là nơi ẩn náu đẹp nhất cho những con người dù khác biệt như thế nào nhưng cùng nhìn về tương lai, nhìn về một nền văn học Việt Nam có phẩm chất, có giá trị cao. Đó là chỗ ẩn náu tốt đẹp nhất. Và tôi ẩn náu trong đó”.

Vâng. Cảm ơn anh Trương Vũ. Một chỗ Ẩn náu tuyệt vời. Để cùng gặp gỡ ở cách nhìn và cái nhìn về tương lai khi cái đẹp có thể cứu rỗi, có thể góp phần Catharsis hồn người… Để nói như anh Ngô Thế Oanh ý kiến của Nguyễn Khoa Điềm “thơ ca làm lẽ phải thầm lặng”. Không chỉ thơ ca mà cả văn học nghệ thuật nói chung, sẽ mãi làm lẽ phải thầm lặng để chúng ta tiếp tục đứng bên nhau nhấp cạn chén tương phùng giữa cuộc lữ mong manh…

Hoàng Kim Oanh

11.2023