Nguyễn Thị Khánh Minh
Phần III: Cảm nhận nhân đọc
Ký Ức Của Loài Bò Sát
(Một chương trong tiểu thuyết Đường Về Thủy Phủ của nhà
văn Trịnh Y Thư)
1.
Tựa đề của chương
này là Ký Ức Của Loài Bò Sát. Với sự tự hỏi, tôi bật ra tưởng tượng, một con
thú bò sát, cá sấu chẳng hạn, nằm trong bóng mát của một đầm lầy, đang nghỉ
ngơi để điều hòa thân nhiệt, nó bỗng nhớ đến quá khứ một thời, nơi đó cũng là
một đầm lầy, lầy hơn, hôi hám hơn, có con vật hai chân, máu nóng, được gọi là
con Người, đông như kiến, và những chuyện kinh khiếp xảy ra trong đầm lầy đó tệ
hại hơn nhiều nơi này vì trong dòng máu nóng ấy rất ít hoặc không có những tế
bào tình người. Cho đến một ngày, toàn bộ con Người nơi đó bị diệt chủng. Bây
giờ, loài bò sát, là nó được hóa thân. Thân xác tuy khác, nhưng ký ức không hề
bị xóa, đôi khi hiện ra sáng tỏ như trời vừa tan sương, đủ sức lôi nó về cái
kiếp Người xa xưa, và những hạt nước mắt từ vô thức ứa ra… Ký ức, phải chăng là
một nghiệp theo đuổi chủ thể đến vô cùng? Chủ thể ấy là nhân vật xưng Tôi trong
toàn bộ chương này.
Ký ức ấy khởi đi từ một mảnh đất chữ S ốm
o, cưu mang những con dân bất hạnh luôn bị đọa đầy trong máu lửa, mang tên Việt
Nam, từng vang lên những câu hát của những tù nhân, một ngàn năm nô lệ giặc
Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mười năm nội chiến từng ngày... Người
ta có thể hình dung nỗi bi thống của máu và nước mắt tình người nát tan như thế
nào trong những chữ nô lệ, đô hộ, nội chiến?
Tôi sẽ dẫn bạn đi theo những sự kiện, như
theo những vết chân của cảm xúc theo những dòng chữ. Cảm xúc ấy tức thì và tôi
tôn trọng nó, cho dù có người sẽ nói rằng chủ quan, riêng tôi nghĩ, đọc một tác
phẩm, cái cảm xúc ngay lập tức đó, là tất cả để cho rằng tác phẩm ấy có ở lại
trong lòng mình hay không.
Thăm thẳm ký ức của loài bò sát, nơi mà bạn
sẽ thấy tắt ngúm mọi hy vọng trước những phận đời vô cùng nghiệt ngã, nơi mà
xác chết con người không còn là một sự để tâm thương tiếc, nơi mà sự hoang
vu phả lên mặt mũi…, vết xe tăng trên bờ đê, những ngôi làng cháy dở, những
đường rầy quạnh vắng, đó là thời của trăm năm giặc Tây, của súng đạn đôi bên,
trên xứ sở này. Đó là nơi mà bạn nghe “Tiếng hô đầy vẻ thù hằn. Nó không phải
tiếng nói của con người với con người. Nó như tiếng gầm của con thú hoang này
trước một con thú hoang khác giống.” Đó
là nơi mà bạn ngộ ra một điều xương máu như tác giả: Loài vật giết nhau vì định
luật sinh tồn tự nhiên, nhưng con người giết nhau chỉ vì không chấp nhận kẻ
khác không giống mình.
[…] Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ
tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân
chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng
yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn
cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm
sống.
[…] Bác sĩ Mẫn ngoáy con dao mãi vẫn không
tìm thấy viên đạn. Tiếng thét hãi hùng vang lên từng chặp. Có lẽ cả làng, ai
cũng nghe thấy tiếng thét, đúng ra, nó là tiếng thét vang vọng suốt thế kỷ khổ
đau, trầm thống này. Nó xoáy vào màng nhĩ tôi, nằm sâu trong đó suốt cuộc đời
tôi, chẳng bao giờ buông tha. Con dao thọc vào sâu thêm, tiếng thét trở thành
tiếng rú như con vật bị chọc tiết. Có lẽ con vật bị chọc tiết, phản ứng cũng
không dữ dội như thế. Cứ thế từng hồi, từng chặp. Nhưng bác sĩ Mẫn gan lì lắm,
anh vẫn tiếp tục chọc ngoáy con dao nhíp nhỏ xíu tìm kiếm viên đạn.
Làm sao có thể đối đầu với một bên là xe
tăng, đại bác, một bên là phẫu thuật sống người bệnh kiểu như thời Trung Cổ
này? Vậy mà kéo dài cả mấy chục năm, và họ chịu đựng được là do lòng yêu nước
mãnh liệt. Ngày đó, đi kháng chiến chống Pháp là lý tưởng của thanh niên. Không
lạ gì sức mạnh của toàn quốc kháng chiến. Cho tới lúc này trong những lớp học của
trường Chu Văn An nơi tản cư đã có: Đặc biệt là lớp chính trị. Lần đầu tiên
tôi được nghe những cụm từ lạ tai như duy vật sử quan, đấu tranh giai cấp, bạo
lực cách mạng, chuyên chính vô sản, địa chủ, bần cố nông, công nhân tiên tiến,
và nhiều từ khác. Những khái niệm hoàn toàn mới lạ với tôi…”
Và họ say mê với lý tưởng giải phóng đất nước
khỏi ách nô lệ và nghèo đói, cùng hình ảnh một cuộc cách mạng, bình đẳng,
chuyên chính vô sản. Lúc đó không ai nghĩ rằng đó là điều vừa may mắn vừa bất hạnh
cho Việt Nam.
Đây là lời của một trong lứa thanh niên
mang lý tưởng ấy:
[…] Nó là cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng
chưa từng có bao giờ trên đất nước ta. Tất cả sẽ phải thay đổi. Và những người
chủ trương cuộc cách mạng quyết theo đuổi nó đến tận kỳ cùng. Bằng mọi giá, dù
phải đổ máu, họ phải đạt cho bằng được kết quả sau cùng.”
Bằng mọi giá có nghĩa là gì? Tất tần tật đều
là phương tiện? Phải mà những kẻ nắm quyền lực trong tay biết đâu là sự dừng lại
của cái gọi là “bằng mọi giá” thì thế giới từ ngàn xưa tới giờ đâu có những cuộc
chiến tranh, tàn sát đẫm máu!
[…] Càng nghĩ tôi càng thấy anh là người
tài giỏi và có lý tưởng. Lúc đó tôi không hề biết con đường từ lý tưởng đến cuồng
tín chỉ là một khoảng cách rất ngắn, ngắn lắm, chỉ vài milli-mét thôi, và chỉ cần
một lực tác động nhẹ vài milli-gam là đủ cho một con người ôm ấp lý tưởng trở
thành kẻ sát nhân, sẵn sàng chém giết đồng loại để thực hiện lý tưởng của mình.
[…] Thế hệ thanh niên chúng tôi bị thất lạc
trong cơn lốc lịch sử này. Tuổi trẻ với bầu nhiệt huyết sôi sục sẵn sàng lao đầu
vào chỗ chết, hy sinh mạng sống mình cho đất nước, cho dân tộc. Nhưng tất cả chỉ
là huyền thoại. Chúng tôi từng nghe rất nhiều những huyền thoại như thế. Tuổi
trẻ chúng tôi mù lòa vì huyền thoại, bởi huyền thoại sáng rực như ngọn đèn một
nghìn nến chiếu thẳng vào đồng tử khiến mọi thứ như lóa đi trong cơn đồng thiếp.
Thật ngậm ngùi cho một thế hệ đã cống hiến
tuổi trẻ và sinh mạng mình – cho một huyền thoại – Tôi nghĩ chỉ với đoạn văn súc
tích rõ ràng này, Trịnh Y Thư hầu như đã có một lời giải đáp cho tất cả hệ lụy
mà huyền thoại ấy đã gây ra.
Hình ảnh người lính kháng chiến lúc ấy mang
nét quyến rũ của kiêu hùng và lãng mạn, khoảng ký ức này được đan xen nhiều vẻ
đẹp của nhân tính – đủ để kéo ta về với cảm xúc con người – nhân vật xưng Tôi ở
đây là một người có tâm hồn thơ mộng, dọc đường kháng chiến, bên cạnh những hiểm
nguy mà vẫn say đắm với cảnh thiên nhiên, có lẽ nhờ bản chất ấy mà nhân vật này
sống sót được. Cũng nhờ vậy mà ta được đọc những đoạn tả cảnh của nhà văn Trịnh
Y Thư, rất hay ở những cặp tĩnh từ sinh động cùng những tỷ dụ rất mới, ví dụ, tôi
mở ngoặc ở đây để nhắc đến đoạn Trịnh Y Thư tả cảnh nhìn trộm cô gái tắm:
[…]
và trước khi tụt xuống gốc cây bàng tôi đủ thời gian dán mắt vào đôi mông ấy.
Núng nính. Nủng nỉnh. Như hai túi bột ai túm lại rồi lắc lắc…
Tôi rất thích hình ảnh của tỷ dụ này, không
ngăn được tủm tỉm cười, chất khôi hài trong đoạn này như thể một ông thầy giáo
nghiêm khắc cho học sinh đôi phút thở trong giờ học căng thẳng.
Và
ta cũng không khỏi bâng khuâng trong văn phong đằm thắm thơ mộng ở những đoạn tả
cảnh.
[…] Lần đầu tiên tôi được đi thuyền xuôi
dòng sông mà lại đi vào ban đêm. Quả chẳng có cái thú nào bằng. Đêm trong vắt,
bầu trời đầy sao lấp lánh, không một tiếng động nào ngoài tiếng sóng vỗ vào mạn
thuyền oàm oạp nghe như một điệu hát ru em. Thuyền trôi êm.
[…] Lại đi ven những bờ ruộng, hay dọc theo
đường tàu hỏa chỉ còn lại vết tích đường rầy năm xưa. Xóm làng hiu quạnh lắm.
Vết xích xe tăng còn in hằn trên bờ đê, những ngôi đình bị bom cháy rụi đổ nát,
những thân cây lỗ chỗ vết đạn. Cả một dải đất dài ngút mắt tới tận chân trời
không hề có dấu vết của cuộc sống. Sự hoang vu như phả lên mặt mũi ba anh em…
Sự hoang vu như phả lên mặt mũi, tả cảnh đẹp vừa
thực vừa nên thơ đến nao lòng.
Và những nơi tản cư, dân tụ lại thành một
phố chợ ven sông, thật ngạc nhiên cảnh náo động vội vã sống ấy, thú vị nhất là
được biết sinh hoạt của một số các văn thi họa nhạc sĩ lừng lẫy của Việt Nam tại
một quán phở, như Văn Cao, Phạm Duy, Tạ Tỵ, Đinh Hùng… đoạn Trịnh Y Thư tường
thuật lại buổi họ tranh luận về văn chương nghệ thuật, nói đến các trào lưu
mới ở phương Tây, họ có hoài bão đổi mới trong sáng tạo, tôi
cảm giác có gì đó cả tin ngây thơ trong sự dấn thân của họ vào cuộc kháng chiến.
Họ chỉ biết một điều đuổi giặc Tây với trái tim nóng bỏng của lòng yêu nước pha
màu lãng mạn, nghĩ lại thấy vừa thương vừa ngậm ngùi, đấy là lứa bị
vỡ mộng nhiều nhất sau này khi cục diện chính trị đổi thay.
[…] Cuối cùng chúng tôi có bàn, mà lại bàn
tốt, ngay gần chỗ thu tiền, khá rộng rãi. Quán có cả phở xào, phở áp chảo, và
không thiếu cà-phê. Trong lúc chờ nhà bếp đem phở lên, anh Mẫn cúi đầu nói nhỏ
với chúng tôi:
“Hai em thấy bốn ông ngồi bàn bên kia sát
chỗ thu tiền không?” Anh đưa mắt về phía trong, tôi và Toại cùng liếc theo,
thấy bốn người đàn ông chắc đã ăn phở xong, đang ngồi uống trà, nói chuyện oang
oang. Anh Mẫn nói tiếp: “Cái ông nước da tai tái, hai mắt sắc lạnh là nhạc sĩ
Văn Cao. Ngồi cạnh ông Văn Cao, người đô con to lớn là họa sĩ Tạ Tỵ. Ngồi đối
diện, cái ông tóc tai bù xù, vai so cổ rụt, môi thâm xì thuốc phiện là thi sĩ
Đinh Hùng. Ngồi cạnh ông Đinh Hùng, đeo kính cận thị chính là nhạc sĩ Phạm Duy”.
Đó là thời mà nhạc Phạm Duy đã rất được ưa
chuộng từ chiến sĩ đến người dân và được dùng như một thứ vũ khí để hô hào chiến
đấu.
“Ông Phạm Duy nổi danh sau Văn Cao nhưng
hiện thời ông là chiến sĩ trong đoàn Văn Nghệ Giải Phóng, có mặt khắp các miền
trung du và thượng du, hát cho chiến sĩ nghe để khích động tinh thần chiến đấu
của họ. Những bài hùng ca của ông hay lắm. Chính tôi cũng thuộc nhiều bài nhờ
hát chung trong các buổi sinh hoạt tại trường.”
Cũng may, Phạm Duy vào Nam sau này, chúng
ta mới có được một Phạm Duy khẳng định được với thời gian tài năng âm nhạc của
mình, nếu không, với tính cách nghệ sĩ tự do phóng khoáng, không chịu câu thúc,
thì hẳn đã không còn Phạm Duy nữa…
Có tình tiết đẹp đến nỗi người mang ký ức
này nói là nhớ đời, ký ức về những trang hồng nhan nổi tiếng, may thay họ sống
sót qua thời chiến tranh để cống hiến tài sắc cho văn học nghệ thuật miền Nam
Việt Nam sau này.
[…] Hai em có thấy cô ngồi ở quầy thu tiền
không? Mấy ông tướng này si tình cô ấy, ngày nào cũng vào quán chiếm cái bàn
sát chỗ cô ấy, ngồi lì cả ngày không chịu về. […] Anh còn nghe đồn ông Đinh
Hùng có lần nèo cô ấy xin một lọn tóc đem về bỏ trong bì thư nhét dưới đáy
ba-lô, lâu lâu đem ra ngửi”.
Quả thật đó là một trang thiếu nữ đang tuổi
thanh xuân, đẹp thanh nhã, đài các, nhưng nét đẹp sao u buồn đến não nùng,
chẳng bút mực nào tả xiết, như thể cô có tâm sự gì u uất lắm trong lòng. Có lẽ
nhờ thế trông cô quyến rũ vô cùng. Tôi chỉ dám liếc nhìn cô thôi đã thấy rúng
động cả cõi lòng.
“Anh biết tên cô ấy không?”. Tôi hỏi anh
Mẫn.
“Cô ấy tên Thái. Nhưng có thời gian trước
đây đi theo ban kịch của ông Thế Lữ và bà Song Kim nên có tên sân khấu là Thái
Hằng”
[…] Người bưng
phở là một cô gái tôi áng chừng mười ba, mười bốn, tức là còn nhỏ tuổi hơn tôi.
Cô mặc áo cánh trắng, tóc kẹp buông sau lưng, khuôn mặt sáng láng như trăng
rằm. Cả ba chúng tôi ngẩn người ra nhìn cô. Cô nhanh nhẹn đặt ba bát phở trước
mặt chúng tôi, nhoẻn miệng cười:
“Mời các anh dùng phở cho nóng, ạ”. Giọng
cô ngọt, trong văn vắt.
Anh Mẫn nghiêng đầu hỏi cô:
“Em tên gì? Anh vào đây ăn nhiều lần mà sao
không thấy em bao giờ”.
“Dạ, em mới nghỉ học, vào làm được mấy hôm
nay thôi. Em tên Băng Thanh. Em là em ruột của chị Thái Hằng ngồi đằng kia”.
Cái tên Băng Thanh, giọng nói, khuôn mặt,
cử chỉ, hình dáng ấy theo tôi trên đường về. Nó vẫn ở lại, ngọt ngào trong trí
nhớ, tâm khảm tôi suốt quãng đời còn lại.
Kể ra trong ký ức đó, có những hình ảnh diễm
lệ này thì con người vẫn còn cái đẹp để tượng trưng cho nhân tính, và là tấm
khiên mỏng manh che chắn những cái ác, nhưng, liệu có đủ sức cho những điều
trong ba sự việc sau đây – cảnh xử tử một xác chết, cảnh đói năm Ất Dậu, và cảnh
thảm sát một làng H’Mong?
Trong một cuộc chiến, không chấp nhận có tù
binh. Chỉ có xác chết và vũ khí được coi là chiến lợi phẩm được đếm số. Bản chất
thú vật trong con người còn hơn là thú dữ, vì hành xử cái ác có ý thức. Đành rằng
đuổi ngoại xâm là một điều hợp lý đứng trên phương diện tôn trọng quyền lãnh thổ,
quyền được sống tự do, độc lập của một dân tộc, nhưng nhân danh gì để tìm cách
diệt nhau một cách tàn bạo? Trịnh Y Thư nói “tôi không viết về chiến tranh,
mà chỉ viết về ấn tượng của tôi về chiến tranh”, những ấn tượng bám chặt
tôi, bắt tôi chịu đựng sự hành hạ của nó suốt đời.
Ấn tượng về chiến tranh ấy người ta không
bao giờ được đọc trên chính sử, cho nên nếu không có những tiểu thuyết như Đường
Về Thủy Phủ này, người ta khó biết được thực chất dã man của một cuộc chiến xảy
ra bất cứ đâu trên cõi bụi đỏ này! Theo tôi, nó không chỉ hành hạ suốt đời người,
mà thành một ấn tích lưu dấu trong ký ức những đời khác. Nó như một nhắc nhở
đau đớn về sự thúc thủ của con người trước cái ác không thể hình dung nổi của
con người.
Tôi không đủ can đảm để trích đoạn này, đọc
một lần là quá đủ cho cảm xúc kinh hãi về việc cắt đầu một xác chết với con dao
lưỡi lê! Trời ơi, cho đến lúc này tôi mới biết biên giới để thỏa mãn cái ác là
vô tận! Không biết sau khi nhân vật Sơn vất vả với việc xử tử xác người sĩ quan
Pháp, anh còn đủ nhiệt huyết của lòng yêu đời mà theo mộng văn chương?
[…] Anh túm tóc cái đầu lâu khủng khiếp đưa
cho ông Lê Lân. Ông này cầm lên nhìn chòng chọc, mặt ông đanh lại, nhổ một bãi
nước bọt vào mặt nó. Đoạn ông ra lệnh cho một anh bộ đội khác cắm nó vào một
cây sào tre đem dựng trước cổng đồn. Tôi thấy anh Sơn cầm súng lên lảo đảo đi
vài bước rồi ôm ngực nôn thốc nôn tháo.
Tôi để ý, bao giờ cũng vậy, sau khi trưng
ra những bất hạnh, những hình ảnh khiếp đảm, bao giờ nhà văn Trịnh Y Thư cũng để
lại sau đó ánh lóe lên của thiện lương và nhân tính, việc anh Sơn nôn thốc nôn
tháo là gì, phải chăng đó là cái nhân tính trong con người anh trỗi dậy, phản ứng
lại cái thú tính? Cái nhân tính mà Trịnh Y Thư nhắc nhở, chí ít cũng là một cái
phao hy vọng cho người ta bám lấy để sống tiếp trong chiến tranh và đói khát.
Vâng, nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc, vào thời
mà một triệu quân Nhật chiếm đóng ở Việt Nam. Tôi cũng không đủ bình tĩnh để
trích lại đoạn tả cảnh đói. Nó quá sức cho sự thương tâm và phẫn nộ.
[…] “Suốt đêm tôi không ngủ được mà chỉ
nghĩ đến miếng giò. Thằng Cu Vĩnh nhà tôi chết rồi, nó chết từ nửa đêm, và tôi
quyết định lóc thịt nó ra giã làm giò. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì được, làm như cái
máy…”
Người chồng sau khi lóc thịt xác con làm
giò, hai vợ chồng ăn giò, vợ chết vì bội thực, ông cho rằng vợ ông “Đứt ruột
vì ăn thịt con”. Ông phát rồ đốt nhà đi lang thang… rồi “ông đi mãi về
phía những doi đất màu hồng. Tôi thấy ông nhúng hai chân xuống nước rồi lại rút
lên. Tôi nhìn theo ông. Trong mắt tôi, cái bóng ông bây giờ chỉ còn nhỏ xíu. Vô
cùng bé nhỏ, nhỏ đến độ không một chút trọng lượng giữa vũ trụ bao la này.”
Ông đi về Thủy Phủ?
Đây chỉ là một trên hai triệu nạn nhân
trong cảnh bị bỏ đói thảm khốc năm Ất Dậu 1945 ở miền Bắc Việt Nam. Một trận
đói như thế mà không có một thống kê chính xác về số người chết, mãi đến tháng
7.2022, cuốn sách Nạn Đói Năm 1945 Ở Việt Nam của hai tác giả:
GS. Văn Tạo, GS. Furuta Motoo xuất bản trong nước, mới ghi rõ hơn 2 triệu
người chết đói (dân số Việt Nam lúc ấy là 20 triệu). Một trận đói kinh hoàng
trong lịch sử các trận đói của loài người. Không một tòa án quốc tế nào xét xử tội
ác. Không một ai nhận trách nhiệm và chí ít một lời xin lỗi oan hồn của hơn hai
triệu người. Tôi nhớ bài thơ Đói của
thi sĩ Bàng Bá Lân, được thầy việt văn Vũ Thược đọc cho chép năm lớp đệ tam, Những
thây ma thất thểu đầy đường…
Lúc đọc bài này thầy rưng nước mắt. May thay, còn những hạt lệ theo dấu bước
lang thang của hai triệu cái bóng chết đói…
Và, có một cõi rất nhỏ nhoi. Nhỏ hơn hạt
cát trong cuồng phong chiến tranh.
[…] tôi ra suối chờ Xụ Phụn Phèn. Tôi biết
hằng ngày cô ra nương ngô, lúc về, ra suối tắm rồi mới về nhà. Cô và các bạn của
cô. Nơi các cô tắm là một duềnh nước trong vắt. Con suối đổ từ cao xuống đến
đây biến thành cái vụng to, cây cỏ um tùm xung quanh che rợp, nhưng tôi biết một
chỗ kín đáo rình xem các cô tắm (kinh nghiệm từ ngày theo đám nhãi ranh làng Thụy
Khuê xem trộm cô con gái cụ Chánh Phùng Gia Tuyên). Nhưng từ ngày cô và tôi trở
thành tình nhân, cô cấm tuyệt tôi không được làm cái trò khỉ ấy nữa. Cô hẹn tôi
ở một nơi khác, mãi tận khúc suối trên nguồn cách xa cả cây số, vắng vẻ. Tắm
xong, cô về nhà làm cơm bỏ vào ống tre đem ra cho tôi và cô cùng ăn. Tại đây có
một cái lán xiêu vẹo bỏ không, tôi sửa sang, dọn dẹp thành căn lều lý tưởng cho
hai chúng tôi yêu nhau.
Tả cảnh yêu nhau, văn Trịnh Y Thư bình bình
trầm trầm mà đầy cảm xúc, như khi tả cảnh thiên nhiên, giản dị, hết sức con người,
cho ta thấm thía cái quý báu của cảm giác thịt da, tự nhiên đến độ bật lên sự
trong sáng ngây thơ của đôi tình nhân, đúng như chữ của Trịnh Y Thư “say đắm
và tinh tuyền”. Có lẽ đây đoạn êm ả hiếm hoi trong tập tiểu thuyết này khiến
cho người đọc được thở một cách nhịp nhàng.
[…] Cô cảm động nhìn tôi âu yếm rồi cởi áo,
cầm tay tôi đặt lên ngực mình. Vú cô bé lắm, chỉ nhỉnh hơn quả cau một chút,
nhưng đầu vú to, màu hồng. Tôi thích nghịch vú cô. Cô biết thế. Tôi đưa môi hôn
cô, tay mân mê đầu vú xinh xắn, ngọt ngào.
Cái màu trắng trong của tình yêu ở đoạn
trên nó tương phản làm sao với màu đỏ của đêm thảm sát ở đoạn sau, nỗi bi thảm
thành muôn tiếng vỡ tan tành của cảm xúc. Lần này, tôi sẽ trích hết đoạn văn, để
chúng ta cùng đối diện với một cảnh mà tôi cho rằng không ai còn có thể sống được
với tâm thái của một con người hiền lương được nữa, như thể, đôi tay mình,
lương tâm mình cũng vấy máu. Những hàng chữ cũng loang máu. Đứng trên nền nhân
tính, tình người, chúng ta ăn nói làm sao với ba trăm mạng người bị thảm sát
như thế?
[…] Nhưng khi về gần đến thôn bản, linh
tính báo cho tôi biết có chuyện chẳng lành, và tôi không thể tin mắt mình khi
trước mặt tôi, cả cái buôn bị cháy rụi, không một căn nhà nào còn, không một dấu
hiệu nào cho thấy bất cứ một sinh linh nào còn sống, con người cũng như con vật.
Tôi bàng hoàng đến tê tái cả người. Chuyện gì xảy ra? Cả một buôn bản, gần ba
trăm con người biến đi đâu? Nhà cửa chỉ còn lại những đám tro than bắt đầu nguội
lạnh. Tôi kinh hãi chạy như điên dại trên đống tro tàn.
[…] Tôi quá đỗi hoang mang như
trong ác mộng. Không một bóng người cho tôi hỏi thăm. Tất cả im lặng đến ghê
người, chỉ có tiếng u u từ cõi mịt mùng của núi rừng vọng đến cùng tiếng gió
đánh vào cành lá kêu xào xạc. Tôi chạy ra bờ suối nơi tôi và Xụ Phụn Phèn thường
hẹn hò. Có lẽ mấy hôm nay mưa to trên thượng nguồn nên bây giờ con suối là một
cái thác nhỏ, nước bắn tung tóe trên những tảng đá to tròn nằm hỗn độn hai bên
bờ. Không có gì khác lạ. Đứng nhìn con suối một lúc lâu, đầu óc trống rỗng, tôi
thẫn thờ đi trở lại buôn. “Phải tìm cho ra lẽ chuyện gì đã xảy ra nơi đây. Ai
là thủ phạm gây nên thảm cảnh này?”
[…] Thế là, đích thân ông Lê Lân – theo lời
anh Sơn, vốn là người ghét tay sai, chỉ điểm cho Pháp hơn cả Pháp – chỉ huy một
đại đội về thôn bản, nửa đêm lùa hết dân chúng ra bờ suối. Những người dân
H’Mông xưa nay chỉ biết làm nương rẫy, trong tay chỉ có vài cây rìu, vài con
dao, làm sao chống cự nổi súng đạn. Có lẽ cũng có vài anh thanh niên liều mình
đánh trả, nhưng cuối cùng tất cả già trẻ lớn bé bị lùa hết ra bờ suối. Đêm đó
trời mưa như trút nước, anh dân quân kể, con suối bình thường nước chảy lờ đờ,
đêm đó biến thành một dòng thác lũ, nước chảy cuồn cuộn. Sau khi bắt mọi người
đứng quay lưng nhìn xuống suối, một viên đạn vào sau ót, một cái đạp, xác người
đó lập tức biến mất trong làn nước hung hãn. Không phải từng người mà hàng chục
người mỗi lượt. Không phải ai cũng lãnh đạn, có kẻ bị bổ rìu vào đầu, óc phọt
ra. Trẻ em sơ sinh không bị bắn, cũng không bị rìu bổ, họ nắm cổ chân đứa bé quật
vào thân cây to, óc vỡ toang, và tiện đà ném bay cái xác nhỏ xíu xuống suối.
Chỉ một loáng, gần ba trăm con người đã bị
xử tử như thế.
Dòng suối máu kia có chảy xuống đồng bằng
loan tin thảm sát không? Những điều này có trong sử sách không? Hay chúng ta chỉ
biết được qua ấn tượng được kể lại trong những cuốn như tiểu thuyết Đường Về Thủy
Phủ này?
[…] Tôi không biết mình sẽ đi đâu, nhưng
tôi phải ra khỏi vùng núi rừng này. Nó kinh khiếp quá đỗi. Con suối trước kia
xinh đẹp thơ mộng dường nào, bây giờ là suối máu. Tôi băng rừng, cứ nhắm bừa
phía trước mà đi, vừa đi vừa gọi tên Xụ Phụn Phèn. Ôi, cô gái H’Mông xinh đẹp!
Tình yêu của cô cho tôi, nó hoang dại như núi rừng này, nhưng nó say đắm và
tinh tuyền như tình yêu của loài muông thú. Nhờ nó, muông thú tìm đến nhau,
trái đất này còn tồn tại. Nó giữ cho trái đất khỏi nổ tung. Nhưng nó bị người
ta lấy mất của tôi, bởi người ta đang có một âm mưu kinh khiếp là toa rập nhau
phá vỡ trái đất ra thành nhiều mảnh vụn, không cách gì hàn gắn lại được.
Cõi địa đàng ở một cái lán xiêu vẹo bỏ
không. Ôi! Phải chi mà Adam và Eva tội nghiệp này cứ mãi ở đó đừng ra chi
cái cõi trần gian khốn nạn này!
Có lòng từ bi nào đủ lực để cứu chuộc cho
những loại tội ác như thế?
Thôi thì với Ký Ức Của Loài Bò Sát này của
Trịnh Y Thư như giọt máu hồng từ sâu thẳm trái tim đau đớn ứa ra, nhỏ xuống mảnh
đất ruột thịt Việt Nam này, phần nào giải oan cho họ, đi tới một miền đất nào
may mắn hơn, hiền lương hơn.
2.
Trong Lời Ngỏ,
Trịnh Y Thư nói rằng “Tôi tuyệt đối không có ý định viết một cuốn
sách lịch sử chiến tranh, cũng không phải một cuốn tiểu thuyết lịch sử.” Anh không
viết sử, nhưng cuộc đời của các nhân vật trong Đường Về Thủy Phủ, nhất là nhân
vật Tôi ở chương Ký Ức Của Loài Bò Sát, đều gắn liền với tất cả thăng trầm bi
đát của lịch sử khiến người đọc biết được bối cảnh chiến tranh Việt Nam trong
suốt ba mươi năm giữa thế kỷ XX, nhất là mặt bóng tối của nó, phản chiếu qua cuộc
đời như địa ngục của những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cuộc chiến,
những điều chúng ta không hề được đọc trong những trang chính sử.
Tất cả chỉ là chiếc lá nhỏ
nhoi trong cơn lốc lịch sử. Và bụi xác của lá tan vào hư
vô.
[…] Tôi chỉ mong trở lại sống những ngày
như dạo mới về làm công việc đi đo ruộng đất cho bác Đương. Với một con ngựa
như con Tiểu Thố ngày trước, tôi sẽ ngày ngày đi lang thang khắp chốn núi rừng,
đẫm mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp của miền Tây Bắc cho tôi quên đi những cơn
ác mộng tôi phải chịu đựng mấy năm nay suốt từ thời gian tôi mới lớn cho đến
bây giờ. Tôi chẳng còn lòng dạ và tâm trí đâu để lao đầu vào những trò chiến đấu
điên cuồng này. Tôi chỉ muốn sống, sống như một con người. Ôi, chưa bao giờ một
đời sống giản dị như cỏ cây lại có thể khó khăn như vậy.
[…]
Sự thật là chẳng bao giờ có tình đoàn kết giữa những người anh em, lòng trắc
ẩn với đồng loại cũng không, và sự đồng cảm lại càng không có. Ở buổi hoàng hôn
của nhân loại, tôi vẫn thấy Sisyphus hì hục lăn tảng đá lên đỉnh núi chỉ để
nhìn nó lăn xuống lần nữa. Vĩnh viễn. Như đóng đinh vào tận thế.
Ở đây, tôi trích một số đoạn nói về thân
phận trớ trêu bi thảm, bi hài của nhân vật Tôi, với bản chất một người trí thức
hiền lành, làm thông dịch tiếng Pháp trong những buổi hỏi cung tù nhân Pháp,
anh ta không đáng bị một hoàn cảnh nghiệt ngã, vô lý, kéo dài cả chục năm trong
tù ngục như thế, hãy nghe anh kể, lúc bị giải đi đến nhà tù:
[…] Từ người trông trại tù tôi biến thành
tù nhân chỉ trong một chớp mắt. Con tắc kè đổi mầu chắc không thể nhanh hơn.
Sau đó ba người bộ đội lại dẫn tôi đi sâu vào khu rừng thông. Người đi trước cầm
cây đèn bão dẫn đường. Tôi nghe tiếng thông vi vu trong gió đêm, chỉ có tiếng
lá thông tấu khúc nhạc du dương. Khu rừng thông này chắc là đẹp lắm, không hiểu
tại sao người Pháp lại cho xây trại tù giữa một vùng rừng núi thơ mộng như vầy,
ở tù trong này chắc cũng thú vị đấy. Tôi thầm nghĩ trong lúc rảo bước theo ba
anh bộ đội đi về phía trước nơi tôi thấy lờ mờ dưới bầu trời sao ba bốn dãy nhà
dài nằm ẩn hiện dưới những cây thông cao vút. Mỗi bước đi, tôi nghe tiếng rào rạo
của lá thông khô lâu ngày tích tụ thành những đống nhỏ…
Bao lâu ở trong tù thì anh mới biết rằng
cái tâm hồn lãng mạn chỉ là trò đùa đầy khôi hài với định mệnh mình?
[…] Mười năm tôi nằm trong cái xà-lim của
trại tù giữa cánh rừng thông thơ mộng gần Nhã Nam. Mười năm tôi bị tù không một
phiên tòa xử, không một cái án, không người thăm nuôi, không tin tức bên ngoài.
Mười năm họ nhốt tôi mà không cho tôi biết vì sao họ nhốt. Mấy năm đầu tôi còn
kêu than, nhưng mỗi lần kêu là mỗi lần bị đánh đập dã man nên riết rồi đâm chai
lỳ, an phận với số mệnh.
[…] Ở một đất nước trại tù nhiều hơn trường
học.
[…] Chính phủ ta rất sáng suốt và khoan hồng,
đồng chí thành thực khai báo tất cả những gì đồng chí hay biết, đồng chí sẽ được
tự do ngay…
Câu nói này rất quen. Sau 1975, trong những
trại tù cải tạo, cũng là những câu này, và sau đó cũng là những số phận bị giam
giữ cả chục năm nơi những trại tù khắc khổ.
[…] Tôi là một người tù chuyên nghiệp, ông
có thể gọi tôi như thế. Nhưng dù ở trong trại tù hay ngoài đời, tù nhân này làm
một công việc duy nhất là bốc cứt. Trong trại tù, bốc cứt đã đành, ngoài đời hắn
cũng chỉ biết làm, đúng hơn, được phép làm một nghề kiếm ăn duy nhất là đi đổ
thùng phân nhà người ta, tức là bốc cứt. Cứt nuôi hắn, hắn sống nhờ cứt. Hắn
không thấy cứt ghê tởm nữa, dù là cứt người, một thứ cứt hôi thối tởm lợm hơn cứt
tất cả các loài sinh vật khác sống trên mặt đất, dưới mặt đất hay trên không
trung. Mùi cứt từ người hắn lúc nào cũng xộc vào mũi kẻ khác, nó ăn sâu vào từng
lỗ chân lông của hắn, khiến ai vô ý đứng gần phải bịt mũi quay đi chỗ khác. Tóc
hắn, trước khi bạc trắng và lơ thơ vì tuổi tác như bây giờ, có mầu vàng khè vì
sống với cứt lâu ngày, như một minh chứng không thể phủ nhận cho định luật tiến
hóa, biến đổi màu lông theo môi trường sống của sinh vật trên thế gian. Hiện
thân hắn là cứt, cả cuộc đời hắn là cứt, chân dung, bản mặt hắn là cứt, bản ngã
hắn là cứt, bản sắc hắn là cứt, bản nguyên hắn là cứt, và cuối cùng bản thể hắn
cũng là cứt nốt.
Thương tâm mà không khóc nổi, cười chua chát
cũng không trút được nỗi tấm tức trong lòng, nó là sự phẫn nộ. Thời gian, tù
ngục, hận thù, ngược đãi, và sự chịu đựng đã để dấu trên tâm linh và thể xác tù
nhân muôn hình vạn trạng của bi thương. Và cũng như những trường hợp tương tự,
Trịnh Y Thư để lại một an ủi nhỏ của tình người khiến nhân vật này sống sót trong cảnh địa
ngục.
[…] Và Luke. Anh không quên tôi. Sau giải
phóng Miền Nam, anh lò mò sang Việt Nam tìm tôi. Anh từng là Thứ trưởng Văn hóa
dưới thời Tổng thống Mitterrand nên quen biết nhiều trong chính giới Pháp cũng
như Việt Nam. Chính anh đã vận động để tôi được tự do trong một thời gian dài.
Tôi không được gặp anh, nhưng anh có viết cho tôi một lá thư dài với lời lẽ
chân tình, chứng tỏ tình cảm đậm đà anh dành cho tôi vẫn còn nguyên vẹn trong
anh dù bao năm tháng trôi qua, bao biển dâu dời đổi. Tôi giữ lá thư của anh rất
kỹ, thi thoảng lấy ra đọc lại. Nhờ lá thư, tôi còn một chút hy vọng mong manh
trong tim mình là tình cảm giữa con người với nhau chưa hoàn toàn tan biến khỏi
vũ trụ…
3.
Xuyên
qua hai chương tôi đọc, và hẳn là toàn tập Đương Về Thủy Phủ, dù Trịnh Y Thư khẳng
định không hề có chủ ý đưa ra một luận đề hay thông điệp nào, nhưng người đọc –
như tôi chẳng hạn – luôn nhận ra nỗi ưu tư khắc khoải của anh về sự Lương Thiện.
Sự ưu tư triền miên pha lẫn niềm khát khao, nỗi thất vọng, có thể cấu thành một
thông điệp. Anh muốn gửi gắm gì qua những phân đoạn đầu, nơi màu áo trắng trinh
bạch mà hai cô gái quyết liệt dùng mạng sống của mình để quay trở lại với nó,
có phải là vì họ tin rằng sự Lương Thiện sẽ bảo vệ được con người?
Một điều nữa, trong bối cảnh tàn bạo của
chiến tranh, con người đánh mất mình trong cuộc xóa sổ lòng nhân đạo, Trịnh Y
Thư vẫn còn tin vào Nhân Tính và Tình Người. Dẫu là những chi tiết thấp thoáng
nhưng đủ để đánh động vào cảm xúc người đọc, qua các hình ảnh tôi xin nhắc lại ở
đây:
– Hình ảnh chờ đợi mỗi chiều trên bờ biển của
gã bác sĩ bộ đội mong mỏi người yêu từ hư vô trở về là gì, nếu không là lòng chung
thủy?
– Cái nôn thốc tháo của Sơn sau khi cắt đầu
xác một sĩ quan Pháp – điều đó chỉ xảy ra từ phản ứng của nhân tính.
– Và, lá thư đậm tình bạn và lòng tri ân của
Luke khiên nhân vật Tôi có thể tiếp tục sống trong cái “định mệnh cứt” của mình.
[…]
Tôi giữ lá thư của anh rất kỹ, thi thoảng lấy ra đọc lại. Nhờ lá thư, tôi còn một
chút hy vọng mong manh trong tim mình là tình cảm giữa con người với nhau chưa
hoàn toàn tan biến khỏi vũ trụ.
Cảm động nhất với riêng tôi, là niềm tin siêu
hình, có linh hồn sau khi chết.
[…] Xụ Phụn Phèn chết oan ức và thảm khốc
nên linh hồn cô không siêu thoát. Ngày nào còn sống, tôi có bổn phận chăm sóc
linh hồn cô. Và tôi có cảm tưởng linh hồn cô vẫn lẩn quất xung quanh tôi chứ
không đi đâu xa. Tôi và cô vẫn chuyện trò với nhau trong những đêm thanh vắng.
[…] Tôi hỏi cô: “Phèn lấy kử
làm chồng rồi mình về Yên Đương làm ruộng bên đó. Phèn chịu theo kử không?”
“Phèn đi theo anh đến tận bụng trời rốn bể.”
Cô nghiêm trang trả lời.
“Bụng trời rốn bể” của cô là Thủy Phủ, nơi
cô tin sẽ thành tựu mọi ước mơ. Và hình ảnh hai mẹ con cô hân hoan đi về Thủy
Phủ, tôi nghĩ chỉ với lòng nhân ái mới để họ ra đi không mang chút thù hận nào
trong lòng, mới cho linh hồn họ tan vào mầu xanh biển ước mơ. Họ thất lạc nhau
trong đời sống, tôi tin với lời hẹn hò, họ sẽ may mắn hơn, không còn thất lạc nhau
trong cõi chết. Đó là Thủy Phủ của Trịnh Y Thư, nơi ẩn dụ cho cõi nương tựa của
niềm tin, hy vọng, nơi Trịnh Y Thư nhắn nhủ rằng, tất cả những điêu linh sẽ tan
vào mầu xanh vị tha.
[…] “Đúng vậy, con ạ. Họ cùng về thủy phủ với
mình, nơi không còn bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu
thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc
là mình đến nơi.”
Kết cấu mỗi chương là một truyện vừa, có thể
đứng độc lập, nhưng xuyên suốt tiểu thuyết Đường Về Thủy Phủ được chiếu bằng một
thứ ánh sáng, của Lương Thiện, Tình Người, và Nhân Bản, lấp lánh qua văn phong
tả chân, bạo liệt mà không thiếu tính trữ tình của lòng nhân ái, đa cảm.
Như trong phần mở đầu tôi đã nói đến sự tưởng
tượng của mình, nó dẫn tôi đến một kết luận vừa buồn vừa bất lực vừa như một sự
tránh né đối diện với sự thật, vừa như tìm một giải pháp siêu hình cho một vấn
nạn – làm con Người với máu nóng còn đủ tình người, thật khó kham nổi với những
dã man do con Người gây ra, hay là, về làm loài bò sát, với máu lạnh, để không
còn cảm xúc với những nỗi đau? Nhân vật Tôi sau khi trút bỏ những ký ức thống
khổ này, ông với vỏ bọc bò sát, có thoát xác được không để sống như loài cỏ hoa
dịu dàng, giản dị như ông ước mơ?
Thưa nhà văn Trịnh Y Thư, có thể ý nghĩ của tôi không đúng với anh, nhưng chẳng sao, cảm xúc tôi bật ra như phản xạ từ chữ nghĩa của anh, và cho dù ý nghĩ ấy chỉ vỏn vẹn vừa đủ một nụ cười vớt vát về sự lương thiện của con Người. Cho nhau dũng khí gây lại niềm tin.
– Nguyễn Thị Khánh Minh
(12/11/2013)