qua ống kính nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khanh
Cho
đến lúc này, tôi tự hỏi có bao nhiêu con đường mình đã đi qua suốt những năm
tháng có mặt trên đời? Nhiều lắm, những con đường quên lãng mất hút với thời
gian. Và cũng có những con đường đã vạn lý xa, nhưng trăm năm đằm đắm nhớ nhung
nếu như được sống trọn hết một kiếp người.
Tôi
đã bước trên con đường đó vào một buổi sáng giữa tháng 10.
Nắng
ấm loang trên những bờ tường của từng ngôi nhà nhìn từa tựa như nhau. Có thể
đây là nơi cư ngụ của những cư dân lớn tuổi nên tất cả chìm trong êm ả, tĩnh lặng,
không một bóng người qua lại. Trong thứ không gian trong vắt này, tôi nghĩ, nếu
như có một chiếc lá lìa cành, tôi cũng có thể nghe rõ được âm thanh rơi rụng của
nó. Thực ra, thứ âm thanh này tôi đã nghe, nhưng từ một giọng nói. Tôi đang nhớ
lại và mường tượng ra nó, dù bây giờ, đất trời chưa hẳn vào thu, hoặc không có
mùa thu nơi đây. Cỏ vẫn xanh ngát nằm khép nép bên vệ đường, cây lá vươn mình
trên những vuông sân.
Đường
dẫn vào ngõ. Ngõ hẹp, nhưng bên mỗi hiên nhà vẫn có những khoảng đất trồng đầy
chuối, dù chỉ là những loại chuối kiểng. Những thân xanh bóng mượt và những tàu
lá khiến tôi nghĩ đến một quê hương thu nhỏ (2)
Không
phải là những con đường ngập đầy lá rụng của một Đà Lạt quá khứ mù sương, hay một
lối đi quanh co, hai bên bờ đất viền quanh những bụi dã quỳ rực nắng. Cũng chẳng
là con đường tỉnh lỵ vắng vẻ sớm khuya có những bến phà đưa người từ xã này
sang huyện nọ. Những vùng đất tôi đã đi qua, nhìn thấy… theo một cách nào đó.
Tất
cả đều xa lạ. Nhưng tôi biết, tôi sẽ gặp lại một nơi thân thiết của một thời.
Nơi chốn đã cất giữ giùm tôi những tháng ngày tươi đẹp nhất đời mình.
Qua
những bức tường màu của một thứ nâu-cam dang dở, tôi bước lên những nấc thang.
Tôi
đã tìm thấy sau cánh cửa ấy, một quê hương thu nhỏ. Quê hương của
những người Việt ly hương có di ảnh, bàn thờ người quá cố. Có nồi cơm điện, ấm
trà, phích nước… Nhưng quê hương này còn có áo mơ phai bên những đám
cháy cùng với tro than.
Và
tôi thấy nó rõ ràng hơn, nó ở đấy. Đường cũ kia rồi, nơi của những sáng Sài
Gòn, sân trường, lớp học. Đường xưa của những đêm xao xuyến từng giấc ngủ ngoan
của bao thiếu nữ. Đường đêm chiến tranh mà dường như người ta không còn quan
tâm đến ánh hỏa châu ngoài trời, hay tiếng súng đì đùng từ xa vọng lại. Nhìn
nó, như một phế tích buồn hiu. Có gặp lại người yêu dấu cũ, cảm xúc của tôi
cũng chỉ như thế. Bởi chính nó, con đường ấy là tình yêu, là
tình đầu. Một mối tình không có người yêu.
Chỉ
là một cuốn sách được viết ra từ hơn nửa thế kỷ. Là một trong những tác phẩm lấp
lánh như sao giữa một bầu trời văn nghệ sáng rực thời vàng son của đất nước, với
những văn nghệ sĩ uyên bác, tài hoa. Những ngôi sao tưởng đã lịm tắt, chìm chết
cùng với bầu trời đã vẩn đục u ám, nhưng tất cả còn sống mãi trong lòng hàng
hàng, triệu triệu người yêu nghệ thuật mà không gì có thể làm lu mờ.
Tôi
ôm lấy nó, tôi sờ chạm mân mê từng vết màu đã ố với thời gian. Tôi hít thở, tìm
lại thứ không khí của một khung trời cũ. Tôi tìm thấy tôi. Người dẫn tôi đến
“con đường” ngày xưa ấy đang ngồi trước mặt tôi. Lẽ ra tôi đã gặp ông từ năm
trước. Nhưng một người thân quen của ông nói với tôi rằng, có thể ông sẽ không
còn nhớ ai là ai nữa. Tôi đâu phải là một trong những “ai” này, để buồn khi ông
không còn nhớ đến mình. Tôi muốn có một tập thơ ông vừa mới phát hành mà tôi
không còn tìm thấy ở tiệm sách. Tôi muốn gặp một người, một giọng nói, những đoạn
văn, lời thơ, tiếng nhạc.
Lần
đó, tôi đã không gặp ông.
May
mà còn có lần này.
Người
bạn trẻ đi cùng với tôi đã rất vui khi ông hỏi đến những người thân trong gia
đình anh, mà anh nghĩ có lẽ ông đã quên. Tôi vui vì ánh mắt thân thiện của ông.
Ánh mắt khiến tôi bớt e dè ngần ngại.
Lúc ấy,
tôi không nhìn rõ ông như thế nào. Ông đau ốm, bệnh hoạn ra sao?
Tôi
chỉ nghĩ đến những cuốn sách. Tiểu thuyết của ông như lụa là kỳ ảo phủ kín người
tôi, tôi không thể thoát ra được. Tôi hỏi đến người con gái có vết nám trên mặt,
Lãm và Thục, những nhân vật của ông. Tôi hỏi đến Phụng và Sơn trong Đồng
Cỏ. Hai người ấy xem chừng họ đã như thế với nhau. Nhưng đọc đi đọc lại tôi
vẫn chưa tìm thấy những con chữ nào nói rõ ra điều ấy… Tôi nhớ nụ cười rất trẻ
của ông, ông nói: đôi khi chỉ cần hai chữ thôi, đủ để nói lên “điều ấy”.
Khi
tôi về, nhìn lại những bức hình mà người bạn Nhiếp Ảnh đã chụp kỷ niệm cuộc gặp
gỡ này. Những bức ảnh với thứ ánh sáng, bối cảnh đầy nghệ thuật giữa cái ngẩng
lên, nhìn xuống của chúng tôi. Dĩ nhiên là tôi đã sung sướng, rung động, không
cách gì tả được. Cho đến khi, người thân của ông nhắc nhở, khuyên tôi hãy cất
cho riêng tôi những tấm hình vì nhìn ông tiều tụy quá! Tôi mới nhận ra, Nguyễn
Đình Toàn cúi xuống với ống pipe trong tay, rạng rỡ những trầm tư trong vũng tối
vây quanh, Nguyễn Đình Toàn ngẩng mặt nhìn bầu trời mây xám, có những rặng cây
gầy guộc khẳng khiu. Thứ chân dung đậm nét ca từ “lá thốt lên lời cây,
gió lú đưa đường mây” (3). Đó là cả một tận tụy, tìm tòi của Nguyễn Bá
Khanh, người đã chụp bắt được hình ảnh của một tình nhân đứng giữa trời
không, khóc mộng thiên đường… Nguyễn Đình Toàn ngày ấy, và bây giờ đã không
còn như thế nữa. Nhưng cách nào, với tôi, bất cứ hình ảnh nào của ông cũng đẹp.
Cái đẹp thoát ra từ một tâm hồn, một văn nghệ sĩ tài hoa lẫy lừng, mà có lẽ
chưa ai có thể thay thế.
Trong
tiểu thuyết của ông, dù nhân vật là nam hay nữ, thỉnh thoảng ta đọc được những
câu của họ nói về quê hương, về những nơi chốn… và ông đã dùng hai chữ “tư
hương” tuyệt đẹp khi diễn tả tình cảm này. Nhưng với tôi, tiếng kêu mộc mạc “tôi
cố bám lấy đất nước tôi” qua những nốt nhạc là tiếng nói xé lòng, đau đớn
nhất.
Ông
đã cố bám lấy đất nước của mình nhưng vô vọng. Ông đã lìa xa tổ quốc và nhìn
đâu cũng thấy quê hương. Những quê hương được ông thu nhỏ lại, nhưng bây giờ
ông cũng đành bỏ tất cả mà đi.
Con
đường ông dẫn tôi đi, đưa tôi vào những vùng hoa thơm, cỏ lạ của văn
chương đầy mê hoặc. Tôi vẫn đi mãi cho đến bây giờ. Nhưng có một điều tôi chưa
nói với ông, đọc những trang sách của ông rất nhiều lần, tôi nghĩ mình không
nên viết nữa.
Cố
thi sĩ Du Tử Lê cho rằng Nguyễn Đình Toàn là “người tình không chân dung” của rất
nhiều nữ thính giả. Điều này không sai. Bao nhiêu người nữ như tôi đã hạnh phúc
với những đêm khuya, nghe tiếng nói ấm áp và thổn thức cùng ông…
“Chim
đau đã quên mùa, hoa sầu đã quên nở. Nhưng những ngày tháng êm đềm của chúng ta
xưa vẫn không ngừng làm cho lòng anh thổn thức. Anh như đứa trẻ, ngắt bông hoa
cầm trên tay và tưởng tượng đó là trái tim mình. Ôi những hồn hoa, nở bằng nước
mắt đau thương, nhỏ trên hạnh phúc”.
Người
tình không chân dung, tôi đã âm thầm tìm kiếm, theo dấu ông đằng đẵng hơn nửa
thế kỷ dài. Bây giờ tôi đã gặp được dung nhan của tình yêu ấy. Nhưng gặp để
chia lìa. 20/10/2023 và 28/11/2023. Chỉ được ba mươi tám ngày ngắn ngủi và mãi
mãi, không còn một hạnh ngộ nào đến nữa.
Tôi ôm hai tập tiểu thuyết và một tập thơ có chữ ký từ những ngón tay run.
Nơi
ngưỡng cửa, những ngón tay run rẩy nhưng ấm áp đã cầm lấy tay tôi.
Phút
chia tay và đôi mắt là cả một vùng cô đơn. Cái cô đơn ánh lên, vọng về những tiếng
nói, âm thanh trên làn sóng điện của một Sài Gòn thương, tiếc.
–
Ráng thu xếp, đến chơi với tôi một hôm nữa nhé!
Vậy
mà tôi đã không đến được. Lòng tôi đầy những giày vò hối tiếc.
Tôi
đã phụ tình ông.
Người
tình, người yêu, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Con người tài hoa tột đỉnh ấy đã bỏ
đi. Tôi đứng lại, ngậm ngùi nhớ mãi một con đường như thuở đầu
bước đến.
* Gửi
Nguyễn Bá Khanh, một ngày không thể quên.
Đặng
Mai Lan
(Paris 3/12/2023)
1-
Khi em về (thơ)
2- Quê hương thu nhỏ (nhạc)
3- Tình khúc thứ nhất (Nguyễn Đình Toàn- Vũ Thành An)
* Những chữ in đậm là tựa những tác phẩm của NĐT.