Trần Yên Hoà
Nguyễn Đình Toàn,
Nước Mắt Cho Sài Gòn
Năm 1966, tôi đang học đại học ở Sài Gòn thì cha tôi
ở quê viết thư vào bảo: “Quê mình mất an ninh rồi, cha mẹ phải bỏ quê mà tản
cư xuống quận lỵ tỵ nạn. Trong một đêm, địch về làng bắn giết, đốt phá nhà cửa
của cán bộ làm việc bên phe quốc gia nhiều lắm, cha mẹ sợ quá nên phải tản cư
xuống quận lỵ tạm trú, chứ ở quê không yên. Con cố gắng tự túc đi học nghe
con.” Tôi đọc thư mà nghe buồn bã quá. Tìm đọc trên mục rao vặt trên các
báo Chính Luận, Công Luận, tôi đi dạy kèm, đi giặt đồ cho một công ty thầu giặt
đồ cho lính Mỹ, mà lương lậu chẳng đâu vào đâu. Tôi học không vô nữa, bèn nộp
đơn xin đi dạy theo một thông cáo tuyển lựa giáo sư tư nhân dạy giờ của Bộ Giáo
Dục. Sau đó mấy tháng, tôi được giấy của bộ Giáo Dục bổ nhiệm về dạy ở trường
trung học Mộ Đức, Quảng Ngãi.
Với
nỗi buồn vui lẫn lộn. Buồn vì phải bỏ giảng đường đại học mới tập tểnh bước vào
mấy năm. Vui vì mình sắp bước vào con đường mới, con đường dạy học. Đó cũng là
mộng ước của tôi thời niên thiếu. Với lại, Quảng Ngãi tôi chưa biết đến bao
giờ. Và cả Mộ Đức, một quận lỵ, vẫn nghe đồn rằng, đó là vùng xôi đậu, ban ngày
quốc gia, ban đêm “giải phóng”. Nhưng tôi lại nghĩ, mình chỉ là thầy
giáo quèn, gỏ đầu trẻ, có gì đâu mà sợ, nên tôi cũng vững tâm đến đó.
Mộ
Đức là một quận lỵ buồn, không có phố xá, chỉ có con đường quốc lộ một chạy
qua. Bộ chỉ huy chi khu và văn phòng quận hành chánh đóng chung bên kia đường,
đối diện trường trung học, do một trung úy bộ binh làm quận trưởng kiêm luôn
chi khu trưởng.
Tôi
đã dạy học ở đó với những em học sinh tóc cháy vàng vì nắng gió và nhờ đó mà
tôi vui.
Những
buổi chiều quận lỵ thật buồn. Chênh chếch phía bên kia đường có một loa phóng
thanh của chi thông tin bắt trên ngọn cây, hàng ngày thường mở đài Sài Gòn hay
đài Quảng Ngãi cho dân chúng nghe tin tức. Một buổi chiều, cũng như mọi buổi
chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ
Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình
Toàn, bản nhạc này, nhạc đã hay mà lời cũng quá hay:
Đọc tiếp...
Tình
vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm
mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy
Có
biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Lá
thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Tình
vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù
trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến
Thần
tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày
về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế
Lúc
này, Vũ Thành An và Nguyễn Đình Toàn chứa nổi, tác giả chỉ là cái tên, nhưng
bản nhạc quá hay nên có tôi cảm tình với tác giả ngay, nhất là tác giả viết
lời. Lúc đó, tôi cứ nghĩ Vũ Thành An đã phổ từ một bài thơ nào đó của Nguyễn
Đình Toàn. Nhưng sau này, khi tôi đọc trên một tờ báo nào đó, mới biết là nhạc
phẩm này của Vũ Thành An, Nguyễn Đình Toàn viết lời.
Chúng
ta hãy đọc lại mấy câu, ông dùng ngôn ngữ rất lạ mà rất thơ:
Lệ
rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy…
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Bản
nhạc này, tôi nghe (sau đó được nghe lại mấy lần) và tự nhiên thuộc lời, rồi
tôi đã đem lời nhạc này đọc cho học sinh trong lớp tôi dạy (vì tôi dạy môn Việt
văn nên tôi tha hồ mà bình luận, bốc phét, thêm nhưn nhị vào bài thơ, những ý
tưởng mà có lẽ tác giả cũng không nghĩ ra). Có thể nhờ bản nhạc này mà tôi có
một (vài) mối tình rất thơ với một (vài) cô gái Mộ Đức, một cô gái có tên là
Nề, mà sau này tôi có viết trong một truyện ngắn, truyện Nề xưa. Bây giờ tất cả
đã xa lắc lơ, chỉ còn là kỷ niệm. Cám ơn nhà thơ Nguyễn Đình Toàn.
Sau
này, cũng thời gian năm 66 hay 67 gì đó, tôi có đọc một bài thơ của Nguyễn Đình
Toàn ở đâu đó, và rất mê. Nhưng lâu rồi cũng quên nhan đề, sau khi tìm kiếm,
lục lọi, mới biết đó là bài Khi Em Về. Tôi xin ghi lại như sau:
Khi
em về
Quê
mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo
Kỷ
niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu
Rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá
Khi
em về bước chân chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã lắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim
Em
đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu cứ thế rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giầy mai sẽ lá sương che
Nguyễn
Đình Toàn còn có bài thơ Khúc Ca Phạm Thái cũng rất nổi tiếng. Bài thơ ghi lại
hình ảnh chàng tráng sĩ Phạm Thái yêu Trương Quỳnh Như, em ruột của người bạn
thân là Trương Quang Ngọc, mối tình đó đã trở thành tình sử trong văn học Việt
Nam mà Khái Hưng đã viết thành tiểu thuyết Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Bài thơ với ngôn
ngữ mang mang hào sảng, nói lên chí khí của người tráng sĩ mang gươm đi cứu
nước, nhưng thất bại, phải dẹp bỏ cuộc tình riêng, giọng thơ hào khí ngất trời.
(hơi thơ giống bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác). Cho nên trong những cuộc vui
chơi với bằng hữu, những người thích thơ, biết làm thơ hay cảm thơ, mỗi khi
ngồi uống rượu với nhau thường ngâm bài thơ này:
Ta
tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm,
Ta anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như.
Chí nhỏ lòng kiêu, đổ thưà vận rủi,
Tài sơ sức mỏi, trách với thời cơ .
Lòng chua cay uống mãi rượu giang hồ,
Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng.
…
Em
ơi tám hướng sông hồ,
Mười năm ngang dọc, bây giờ là đây ..
Sự đời chừ đã trắng tay,
Ngủ vùi một giấc, cho đầy gối tham .
Ta say hay ta tỉnh?
Nàng buồn hay nàng vui?
Ngọc châu pha vỡ tiếng cười ,
Lược gương xin chải ngậm ngùi cho nhau .
Từ
lâu, nghĩa là từ trước năm bảy lăm, tôi nghĩ là Nguyễn Đình Toàn chỉ làm thơ và
viết văn thôi, nếu cùng lắm thì ông đặt lời cho nhạc như bài Tình Khúc Thứ
Nhất. Nhưng sau này tôi biết ông còn sáng tác nhạc, ông viết rất nhiều ca khúc.
Trong những ca khúc của ông tôi thích đâu 3, 4 bài, như bài Sài Gòn Niềm Nhớ
Không Tên, mà nhiều người biết đến, sau đây:
“Sài
Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên – như dòng sông nước quẩn quanh buồn
– như người đi cách mặt xa lòng ta hỏi thầm em có nhớ không…
Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao – trong niềm vui tiếng hỏi
câu chào – sáng đời tươi thắm vạn sắc màu – còn gì đâu…”
Theo
tôi, bản nhạc này là bản nhạc hay nhất của nhạc Việt Nam viết về Sài Gòn sau
khi mất nước và lúc Sài Gòn đã thay đổi tên. 2 bản đứng thứ nhì đồng hạng là
bài Đêm Nhớ Về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng và bài Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn nhạc
Phạm Đình Chương phổ thơ Du Tử Lê. Sau rót mới đến bản Sài Gòn Vĩnh Biệt của
Nam Lộc. Bản nhạc Sài Gòn Vĩnh Biệt được mọi người biết đến nhiều có lẽ nhạc
phẩm này ra đời sớm, khoảng đâu sau bảy lăm một hai năm, trong lúc đó, lòng
người Việt Nam, nhất là những người di tản từ ba mươi tháng tư bảy lăm, luôn
luôn khắc khoải trong lòng nổi nhớ quê hương, mà Sài Gòn là biểu tượng một quê
hương trong lòng mọi người, nên mất đi Sài Gòn, rời xa Sài Gòn, ai cũng tưởng
tiếc, cũng nhớ về. Kể cả những người đi ở tù cộng sản như chúng tôi, khi nghe
bản Vĩnh Biệt Sài Gòn (được đưa chui vào trại tù), chúng tôi nghe cũng thật bùi
ngùi, cảm động (lúc đó tôi ở Long Khánh, có tin truyền miệng nhạc phẩm Vĩnh
Biệt Sài Gòn là của một sĩ quan sư đoàn 5 bộ binh sáng tác). Đến khi qua Mỹ,
tôi mới biết tác giả là Nam Lộc. Và theo tôi đánh giá về nghệ thuật, bản nhạc
này lời rất giản dị, bình thường, ca từ không có gì mới lạ, có nhiều câu, suy
cho kỹ thì phản ý của người di tản hay người vượt biên, ví dụ như câu “bây
giờ tôi như con thú hoang lạc đàn”, sao lại là “con thú hoang”? Nếu
như vậy thì đất nước Việt Nam Cộng Hòa trước bảy lăm và những người sống trong
đất nước đó là đàn thú hoang sao?. Và sau đó có những câu như “Sài Gòn ơi ta
xin hứa là ta sẽ về.” Sao đã vĩnh biệt rồi, như theo đề tựa, vĩnh biệt là
không bao giờ gặp lại, mà sao hứa sẽ trở về? Cho nên, bản nhạc này được nhiều
người nghe là do tâm trạng thương nhớ Sài Gòn có sẳn trong lòng, chứ không phải
là bản nhạc hay.
Nguyễn
Đình Toàn sáng tác nhạc rất nhiều, sau khi ra hải ngoại ông đã cho ra mắt 2 CD,
đó là: Hiên Cúc Vàng với chỉ một giọng ca Khánh Ly, và Tình Ca Việt Nam với Duy
Trác, Khánh Ly, Sĩ Phú, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu.
Nhạc Nguyễn Đình Toàn mang hơi hám của một người lưu vong luôn luôn nhớ về
những kỷ niệm cũ, một hoài niệm không rời với hồi ức, thường buồn hơn vui, đã
đưa người nghe vào một không gian âm thanh sâu lắng, không sôi nỗi xáo động, nó
trầm lắng, dịu dàng, nên lớp người cũ đã sống trước bảy lăm ở miền Nam rất
thích nghe.
Từ
Giờ Ra Chơi đến Áo Mơ Phai
Truyện
Giờ Ra Chơi của Nguyễn Đình Toàn do nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng in năm 1970.
Tôi mua quyển truyện này tại một tiệm sách ở khu Hòa Bình trong một chủ nhât đi
phép. Đời SVSQ/CTCT ngày phép thường ra bát phố Đà Lạt, sau khi đã vào tiệm tắm
nước nóng tắm để rũ sạch bụi đỏ quân trường, sau đó đi ăn phở Bằng hay vào quán
Tùng uống cà phê hay ra bờ Hồ Xuân Hương vào Thủy Tạ ăn kem. Nhưng tôi thì hay
đi loanh quanh mấy tiệm sách để tìm mua những tác phẩm mới xuất bản của các nhà
văn mình yêu thích. Thời điểm đó, truyện dài Giờ Ra Chơi của Nguyễn Đình Toàn
mới phát hành nên tôi nhìn thấy là chộp mua ngay.
Giờ
Ra Chơi kể lại mối tình của cô gái học trò Đà Lạt tên Thục và tình yêu của tuổi
mới lớn của Thục. Truyện nhẹ nhàng êm dịu, thơ mộng như trời mây non nước xứ Đà
Lạt. Lúc này tôi có một người bạn gái là một cô học trò trường Hồng Đức, Đà
Nẵng, tôi liền mua thêm một cuốn gởi về tặng cô gái và tả tình tả cảnh Đà Lạt,
cũng như mối tình đẹp của cô học trò tên Thục trong truyện. Tôi cố rũ người bạn
gái lên Đà Lạt học trường Chính Trị Kinh Doanh để được gần tôi, cuối cùng cô
gái nghe lời “dụ dỗ” của tôi mà lên Đà Lạt theo học. Rất tiếc là khi cô lên Đà
Lạt thì tôi cũng xong hai năm thụ huấn. Tôi đổi đi xa nên mối tình cũng bay
theo sương khói.
Áo
Mơ Phai, tập truyện dài của Nguyễn Đình Toàn đăng “phơidơtông” ở Nhật
Báo Tiền Tuyến, được nhiều người đón nhận, theo dõi say mê từng ngày. Sau này
in thành sách và được giải văn chương toàn quốc năm 1972.
Truyện
Áo Mơ Phai kể lại những mối tình thơ mông ở Hà Nội trước ngày di cư năm 1954,
khi Hà Nội còn là ngàn năm văn vật đất Thăng Long, cùng với một Hà Nội thơ mộng
trữ tình là sự dùng dằng, ra đi hay ở lại của những người Hà Nội trong giai
đoạn lịch sử năm 1954, chia đôi đất nước.
Chúng
hãy đọc một đoạn ngắn trong Áo Mơ Phai khi tác giả tả những cái đáng yêu của Hà
Nội:
“Những
tiếng động nhỏ ấy, những hương vị mờ nhạt ngửi thấy, cây cối trong mùa mưa,
phấn hương của người quen thuộc, những món ăn, thức uống, những câu thơ, những
bài hát, Hà Nội giống như một cái chuông và những tiếng kêu ấy là những cách
khua động, người ta tự gõ vào trí tưởng mình, tự xé lòng mình, để nhẹ bớt nỗi
nhớ mong, ám ảnh của Hà Nội, Hà Nội đã biến thành khuôn mặt người tình đầu
tiên, khi người ta ghé môi hôn thì cũng là lúc cái hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm
khảm. Những khu phố dịu dàng dưới sương đêm, sáng cái ánh sáng của vầng trăng
lúc nào cũng giống như, trăng khi còn thơ ấu, và những cơn gió nhẹ thổi trên
các lối đi, thổi lên các cành cây, chẳng khác những hơi thở nồng nàn tình ái,
người ta không thể biết rõ cái vẻ dịu dàng của Hà Nội được tẩm đẫm nhan sắc,
dáng vẻ của những người đàn bà, những cô gái Hà Nội, hay chính những người này
thừa hưởng cái không khí êm đềm đó, những trận gió mang đầy hơi phù sa của sông
Hồng, mùi cỏ của con đê Yên Phụ, mùi rượu ngang, rêu phong của những mái nhà cũ
kỹ, của những bức tường thành của ngày Hà Nội bị xâm chiếm xa xưa, của các
xưởng máy, của hoa đào, hoa sấu, sắc đỏ của những bông gạo vừa tàn rụng hết
trong ngày hè với muôn ngàn tiếng chim kêu hót…”
Nguyễn
Đình Toàn đã hiến cho đời những tác phẩm hay, với riêng với tôi, tác phẩm của
Nguyễn Đình Toàn đã theo bước chân thời gian của cuộc đời đeo đuổi tôi, qua
những cuộc tình học trò, sinh viên, thơ mộng, dịu êm. Còn ngoài đời, tôi chỉ
gặp ông đâu có hai, ba lần gì đó, cũng chẳng được dịp nói chuyện lâu, nhưng
trong lòng tôi, lúc nào cũng mến mộ Nguyễn Đình Toàn.
Rất
cảm ơn nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.
Trần
Yên Hoà