Wednesday, November 29, 2023

3129. SONG THAO Răng khểnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Google images

Tôi ưa tiếng hát của ca sĩ quá cố Duy Quang vì vẻ hiền hòa, da diết, chậm rãi và tâm tình của anh. Duy Quang hát rất tới một bài hát của Trần Thiết Hùng, bài “Cô Bé Có Chiếc Răng Khểnh”. “Này cô bé có chiếc răng khểnh / Sao thừa một cái chắc để làm duyên / Vội vàng chi mà hình như lơ đễnh / Để lại sau lưng tiếng hót vành khuyên”.


Răng khểnh là chiếc răng thừa hay răng duyên, nói theo các ông bà nha sĩ thì đây chỉ là chiếc răng nanh mọc lệch vào trong hoặc mọc lệch ra ngoài do nhiều nguyên nhân. Răng khểnh có thể do di truyền. Ông bà cha mẹ có răng khểnh chuyển đặc tính này cho con cháu. Cũng có thể răng khểnh là do bẩm sinh. Khi trẻ mọc răng có kích thước không đồng đều, hàm răng không đủ chỗ để răng mọc. Khi thay răng, có thể răng sữa chưa rụng nhưng răng cố định đã mọc, chen chúc nhau dành chỗ khiến răng khểnh ra. Cũng có thể do thói quen của trẻ, hay dùng lưỡi đẩy răng đang mọc khiến chúng khểnh ra.


Giải thích đúng theo y học như các ngài nha sĩ, chán chết. Nghe cứng ngắc hàm răng. Với con mắt của nhà thơ, chiếc răng khểnh bỗng đổi đời, thập phần duyên dáng, người thơ muốn bưng về làm gia sản.


Một ông nhà thơ quân đội, ông Nguyễn Quang Hà, giỡn yêu với chiếc răng khểnh:


Rất kỳ chiếc răng khểnh của em

Đã bao lần làm anh bối rối

Anh là lính quen có hàng có lối

Anh không ưa bước lỗi nhịp còi!


Nếu răng khểnh vào quân ngũ chắc sẽ bị củ. Hàng lối nhà binh đều tăm tắp bỗng dưng có anh chơi nổi bị anh cai chỉnh là cái chắc. Răng khểnh có khi cân đối có khi không. Có người được trời cho hai răng khểnh cân cái, có người chỉ được một khểnh chênh vênh.


Răng khểnh gây chia rẽ đông tây. Theo quan niệm của phương Đông, răng khểnh thường được coi là một trong những nét duyên ngầm, làm tăng thêm vẻ đẹp cho khuôn mặt và nhất là nụ cười. Những người có phúc có phần mới có được hai răng khểnh, dễ lấy được thiện cảm và lòng mến mộ của người khác. Các bà các cô có hai răng khểnh được coi là có tướng tốt, dễ cân bằng trong cuộc sống về công việc, gia đình cũng như đời sống cá nhân. Trong thực tế, phụ nữ có hai chiếc răng khểnh thường có nụ cười duyên dáng hợp với gương mặt tươi sáng dễ hớp hồn người đối diện, chuyện chi cũng xuôi chèo mát mái. Chẳng cứ phụ nữ, nam giới có hai răng khểnh thường là những người đào hoa, dễ hanh thông trong tình trường tuy họ thường thiếu trung thành trong tình yêu.


Tây phương, trái lại, coi người có răng khểnh, dù một bên hay hai bên, là bị điềm xấu. Bởi răng khểnh là đặc điểm của ma cà rồng. Họ bị xa lánh vì ai lại chơi với ma cà rồng bị hút máu lúc nào không biết. Một số nước còn cấm người có răng khểnh nhập cảnh. Nghe vậy biết vậy chứ thực ra tôi chưa bao giờ nghe tới chuyện cấm nhập cảnh lảng xẹc này.


Thực tế hơn, theo y học, hai  răng khểnh mọc hai bên khiến khó nhai khi ăn, khó vệ sinh răng hàng ngày, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, nha chu hay viêm nướu.


Răng khểnh một bên thường được coi là đẹp hơn răng khểnh hai bên. Mắt chúng ta quen với sự cân đối nên cái chi có cả ở bên trái lẫn bên phải được coi là cân cái dễ nhìn. Trong đời sống thường ngày, khi trang hoàng nhà cửa hay bày biện cúng kiến chẳng hạn, chúng ta chuộng sự cân đối. Cân đối dễ vừa mắt hơn nhưng thiếu cân đối nhiều khi lại hấp dẫn hơn vì người ta cảm được cái thiêu thiếu, hụt hẫng. Không biết các bạn ra sao, tôi lại thích sự thiếu cân đối trong quan niệm thẩm mỹ. Phá cách có cái hay của phá cách.

Răng khểnh đứng mình ên, chưa đủ. Vẻ đẹp của răng khểnh nhiều hay ít còn tùy thuộc nhiều yếu tố như hỉnh dáng, kích thước và mức độ mọc chếch so với cả hàm răng. Vẻ đẹp của răng còn phải hài hòa với khuôn mặt và nét biểu lộ của khuôn mặt. Người vui vẻ hay có nụ cười khác với người lạnh tanh tuy cả hai đều sở hữu chiếc răng khểnh. Dù sao chiếc răng khểnh bao giờ cũng là điểm thu hút làm say lòng người.

Răng khểnh à, răng khểnh ơi!

Làm ta ngơ ngẩn một thời thanh niên.

Ta đi khắp nẻo trăm miền.

Vẫn hoài nhớ nhỏ láng giềng năm xưa.

Xoay vần bao cuộc nắng mưa.

Hỏi người thuở ấy răng thừa còn không? 

(Ngô Chí Trung)


Hỏi người thuở ấy răng thừa còn không? Câu thơ khiến tôi nhớ tới cô ca sĩ răng khểnh Hồng Nhung. Đi hát từ năm 16 tuổi và ít lâu sau được đánh giá là một trong bốn diva của làng nhạc trong nước. Hồng Nhung là ca sĩ duy nhất có răng khểnh trong bốn diva này. Khán giả không chỉ chú ý tới giọng hát của cô ca sĩ nhỏ nhắn như một chiếc kẹo mà còn chú ý tới hai chiếc răng khểnh hiếm gặp trong giới ca sĩ. Hai chiếc răng khểnh này được chú ý tới nỗi khi thấy Hồng Nhưng không xuất hiện trên truyền hình trong một thời gian, dư luận đã đồn đãi là cô đã chết vì…nhổ răng! Đầu thập niên 1990, Hồng Nhung vào Sài Gòn lập nghiệp và cô nhổ một chiếc răng khểnh. Cô gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chuyên hát nhạc của ông. Sự việc không dễ dàng. Lần đầu tiên cô hát bài “Lặng Lẽ Nơi Này” tại nhà nhạc sĩ Thanh Tùng. Trịnh Công Sơn cũng có mặt bữa đó. Cô kể lại trong buổi trả lời phỏng vấn của nhà báo Lưu Trọng Văn: “Em hát sai lời và sai cả nốt. Ông Sơn lúc đó say rồi, tiến về phía em, em sợ quá vì mình đã hát trật, nhưng ông Sơn đưa hai cánh tay gầy guộc ra xắn tay áo cho em, rồi ông cúi xuống xắn ống quần dài lụng thụng của em, rồi hát “Lặng Lẽ Nơi Này” để em hát theo cho khỏi sai lời, sai nhạc. Sau tối đó em không ngủ được. Em giở tập nhạc Trịnh Công Sơn ra và tập hát bài “Em Hãy Ngủ Đi”. Không hiểu sao em lại chọn bài đó, có lẽ vì em tưởng bài đó được dành riêng cho em. Tất cả những người thích nhạc Trịnh Công Sơn đều cảm thấy có một bài hát nào đó dành riêng cho mình mà thôi”.

Nói về Hồng Nhung, Trịnh Công Sơn trả lời nhà báo Lưu Trọng Văn: “Sau Khánh Ly, tôi may mắn tìm được Hồng Nhung”. Nói về cách hát nhạc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung trả lời thẳng thắn: “Thế hệ của em sau Khánh Ly hơn hai chục năm, nỗi buồn cũng khác, cách cảm cũng khác. Em được thế hệ này tạo ra, tự nhiên em phải hát nhạc Trịnh Công Sơn theo cách cảm của thế hệ mình. Em không đồng ý thay thế ai hết. Khánh Ly lúc nào cũng ở vị trí ấy, còn em, hát nhạc Trịnh Công Sơn như bao nhiêu ca sĩ khác hát nhạc Trịnh Công Sơn, và có vị trí riêng của mình”.

Trở lại chuyện chiếc răng khểnh của cô ca sĩ Hà Nội. Khi nhà báo Lưu Trọng Văn hỏi Trịnh Công Sơn: “Xin hỏi nhạc sĩ một câu hết sức cụ thể, anh có định làm một bài hát về răng khểnh của cô Bống không?”. Nhạc sĩ trả lời: “Những cô bạn trước đây của tôi đều không có răng khểnh, còn Hồng Nhung lại có những hai răng khểnh, khểnh gấp đôi, chắc chắn tôi sẽ có một bài hát về chiếc răng khểnh”. Nhưng trong gia tài nhạc đồ sộ của Trịnh Công Sơn, chúng ta không thấy một bài nào về chiếc răng khểnh của cô ca sĩ rất thân với người nhạc sĩ hơn mình nhiều tuổi. Nhưng nếu có bài hát nhạc sĩ họ Trịnh hứa thì nay bản nhạc đó chắc đã lỗi thời. Năm 2009, Hồng Nhung đã niềng răng. Cô cho biết phải chịu đau 2 năm và nghỉ hát 2 tháng để tập phát âm lại khi răng bị…trói. Khán giả không thấy răng của cô bị ràng buộc khi hát vì cô dùng loại niềng răng trong suốt. Hai chiếc răng duyên không còn nữa, khán giả nhiều người hụt hẫng. Hồng Nhung tâm sự: “Tôi không phải là không nghĩ về điều này. Có thể theo quan niệm của người châu Á mình thì răng khểnh là một cái gì đó rất duyên. Khán giả có thể quen và yêu quý tôi, gắn liền với hình ảnh dễ thương đó. Thế nhưng nghĩ cho cùng thì khán giả thích mình từ giọng hát nên mới thích lây cả những điểm ngoại hình rất riêng của mình. Nếu người ca sĩ biết kết hợp cả giọng hát và những điểm đẹp và duyên từ ngoại hình để làm cho khán giả thích thì còn gì bằng. Vì vậy, tôi vẫn nghĩ dù có thiếu chiếc răng khểnh, tôi vẫn sẽ không làm giảm sút cái ‘duyên” với khán giả của mình!”.

Răng khểnh là thứ răng gây nhớ gây nghiện. Nhiều người ước ao có răng khểnh mà không được, vậy mà Hồng Nhung đã thủ tiêu cả hai chiếc răng khểnh mà nhạc sĩ họ Trịnh tính đưa vào nhạc. Các ông bà nha sĩ thiệt tài. Họ “chế tạo” được răng khểnh. Tại Việt Nam bỏ ra ít tiền là cũng khểnh như ai. Tại Nhật Bản có cả một phong trào làm răng khểnh. Yaeba tiếng Nhật là “răng khểnh”. Phụ nữ Nhật rất khoái răng khểnh. Họ cho đây là phần dễ thương nhất trên khuôn mặt của phụ nữ. Các cô gái Nhật đua nhau đi gắn răng khểnh tạo ra phong trào gắn răng khểnh Tsuke Yaeba. Đây là một phong trào mới tinh, chỉ có từ năm 2011 khi cô ca sĩ kiêm diễn viên Tomomi Itano gắn chiếc răng khểnh. Một năm sau, ban nhạc nữ TYB48 ra mắt, cô nào cũng có răng khểnh làm duyên khiến giới trẻ phát sốt. Ngay cái tên ban nhạc TYB48 cũng là viết tắt của tsuke-yaeba48. Tsuke Yaeba là chi, chúng ta biết rồi. Chiếc răng nanh bình thường của hàm trên được tút lại cho dài và nhọn hơn hoặc gắn thêm răng khểnh giả. Chiếc răng giả bằng sứ được đắp thêm lên chiếc răng thiệt là khểnh liền. Có hai loại răng khểnh giả: loại cố định và loại có thể tháo ra lắp vào được. Muốn xịn hơn, có thể gắn thêm một viên pha lê Swarovski cho thêm phần le lói.

Răng khểnh chiếm nhiều chỗ trong thơ. Người trần mắt thịt như chúng ta đã chết mê chết mệt vì răng khểnh thì các ngài làm thơ còn đắm đuối hơn với răng khểnh. Nói đâu xa, mấy ông bạn thơ của tôi mang răng khểnh vào nằm ngổn ngang trong thơ.


Ở gần tôi nhất, ông Luân Hoán rước răng khểnh vào thơ bị răng khểnh cắn nát lòng.


em răng khểnh dễ vào thơ
bởi đám thi sĩ hồ đồ chiêm bao
chính tôi cũng từng hàm hồ
hạ hai câu rất khù khờ như sau:
" chiếc răng khểnh ấy sao mà bén
cắn nát lòng ta tự thuở nào…"


Ông Quan Dương là chuyên viên làm thơ nịnh vợ. Không có cơ quan hay hội đoàn nào phụ trách việc nịnh vợ. Nếu có chắc chắn trăm phần trăm ông này đã có bằng nịnh vợ. Ông bị chiếc răng khểnh cắn cho một phát để đời. Chiếc răng khểnh dữ dằn này chẳng cần là thầy bói, ai cũng biết chủ nhân của nó là ai.


Con ve nó đã nói gì

Khi cây phượng vĩ dậy thì nứt bông

Ngày xưa em còn nhớ không

Hai đứa trên chiếc xe trành đèo nhau

………….

Con ve giờ cũng đã già

Cây phượng vĩ cũng đã qua xuân thì

Dốc cầu sau buổi em đi

Chiếc răng khểnh cắn hồn tôi đứt lìa


Vậy là hai ông bạn Luân Hoán và Quan Dương đều có phúc được răng khểnh cắn. Ông Hoàng Lộc, yêu không biết mệt, là một nhà thơ muôn năm trẻ. Thơ tình của ông mãi mãi hai mươi tuổi. Ông quen một nhà thơ nữ có chiếc răng khểnh và làm thơ tặng nàng. Bài thơ tên “Khểnh” được in trong tập thơ “Gửi Lại Trần Gian” nhưng trong cả bài thơ chẳng có chữ “khểnh” nào mà ai cũng biết là…khểnh. 


đẹp em một đã nên mười

khoe răng chi ác rứa trời, giai nhân?

anh xa em rất nhiều năm

nhớ ra có một cái răng chết người

dẫu anh qua hết một đời

cũng yêu không hết nét cười của em

 

SONG THAO

Tháng 11.2023