Saki là bút hiệu của nhà văn
Hector Hugh Munro (1870-1916), sinh tại Miến Điện ( nay là nước Myanmar ) khi
nước này còn là thuộc địa của Anh. Mẹ mất sớm, Ông được gởi sang Anh sống với
hai bà cô. Học xong trung học, Ông trở về Miến Điện làm việc trong ngành quân cảnh.
Do bệnh tật, chỉ hơn một năm sau, Ông lại trở về Anh và bắt đầu sự nghiệp làm
báo, viết văn. Những tác phẩm đầu tiên ra đời là những bài châm biếm chính trị
khi Ông viết cho tờ The Westminster Gazette. Sau khi xuất bản hai tác phẩm The
Rise of the Russian Empire và The Westminster Alice, ông chuyển sang viết truyện
ngắn, ban đầu đăng trên các báo The Westminster Gazette, The Morning Post, và
The Bystander
Khi Thế Chiến thứ
I bùng nổ, tuy đã quá tuổi động viên Ông vẫn tình nguyện nhập
ngũ để cuối cùng hy sinh tại chiến trường Pháp bởi một viên đạn bắn tỉa của
lính Đức.
Tác phẩm Ông để
lại gồm 138 truyện ngắn, 5 vở kịch, 2 tiểu thuyết, và hàng chục kịch bản, tác
phẩm châm biếm chính trị và tiểu luận.Tuy viết nhiều thể loại, SAKI được biết đến
như là một tác giả truyện ngắn. Thế giới truyện ngắn của SAKI là con người và đất
nước Anh vào đầu thế kỷ XX.
Trong thể loại
truyện ngắn, tên tuổi Saki thường được thừa nhận như là một trong những tác gia
nổi bật. Ông viết nhiều đề tài khác nhau, với một bút pháp trau chuốt, ngôn từ
chọn lọc, có chút dí dỏm. Thủ thuật quen dùng của Ông là cách kết thúc truyện bằng
một câu ngắn gọn, đưa ra một tình tiết mới lạ, bất ngờ, khiến người đọc luôn ngạc
nhiên thú vị.
Có một vài bức tượng điêu khắc bằng đá đặt ở
những khoảng trống xen kẽ giữa những bức tường thấp của Giáo đường cổ, một số
trong các bức tượng đó là thiên thần, hay những vị vua hoặc các vị giám mục và hầu
như mỗi bức tượng đều mang một dáng vẻ đức độ, và an vui. Nhưng có một bức tượng
đặt ở dưới thấp về hướng
Bắc lạnh lẽo của nhà thờ chẳng có vương miện, hay mũ tế và cũng không có vầng hào
quang, với gương mặt thật khắc khổ, cay đắng và thất vọng, nó ắt hẳn phải là một con yêu quái, những con chim bồ câu xanh biếc múp
míp đậu và tắm nắng cả ngày ở gờ tường lan can,
nhưng con quạ gáy xám già ở tháp chuông- kẻ thông thái về nghệ thuật kiến
trúc của nhà thờ, lại nói rằng đó là bức tượng của một tâm hồn đau khổ và nơi đây là chốn yên nghỉ của nó.
Một ngày mùa thu, có một chú chim nhỏ bé
tiếng hót thánh thót, bay thơ thẩn từ cánh đồng vắng và những hàng
cây thưa thớt để tìm nơi trú đông bay là là trên mái nhà thờ. Đôi chân mỏi mệt
cố gắng dừng lại nghỉ ngơi dưới bóng của một chiếc cánh thiên thần lớn hay náu
mình trong những nếp gấp
chạm trổ của chiếc hoàng bào vương giả, nhưng ở bất kì nơi nào nó đậu lũ chim bồ
câu béo ú cũng chen chúc và xô
đẩy nó, và con chim sẻ già cũng tìm cách
xua đuổi nó ra khỏi rìa bức tường thấp. Chẳng có con chim nào đàng hoàng
có thiện ý, chúng chỉ kêu chiêm chiếp với
nhau và kẻ lang thang đành phải bay đi.
Chỉ có bức tượng Linh hồn bị mất dành cho nó một nơi trú ngụ. Lũ bồ câu không
cho là an toàn khi đậu trên phần nhô ra nghiêng nghiêng và hơn thế nữa,
cũng rất tối tăm . Bức tượng không đưa tay làm dấu trong dáng vẻ đức độ giống
như những bức tượng khác, mà lại khoanh lại với thái độ thách thức, vậy mà chỗ gấp
của cánh tay ấy lại tạo
thành cái tổ tiện nghi cho chú chim bé nhỏ.
Mỗi khi chiều buông xuống, chú chim rón rén
vào trong cái góc của nó qua tấm ngực đá của bức tượng, và đôi mắt của bóng đêm
dường như canh chừng giấc ngủ cho chim. Chú chim cô đơn dần dần yêu quí người bảo vệ thầm lặng, và thỉnh thoảng
đôi lần trong ngày nó đậu trên một cành cây hay trụ đá nào đó ngân vang giọng ca thánh thót tỏ bày niềm biết ơn sâu
sắc đến người cho nó nương tựa mỗi đêm. Và có lẽ đó là tác phẩm kết tinh từ gió
và tiết trời, hay từ một tác động nào khác chăng, nhưng vẻ mặt hoang dã cau có dường như đã dần mất đi sự khắc khổ và
bất hạnh. Hằng ngày, ngoài những giờ dài đằng đẵng buồn tẻ là những khoảnh khắc
khúc ca của người khách trọ bé nhỏ ngân vang dành cho người bảo vệ cô đơn. Mỗi khi đêm
đến, khi tiếng chuông chiều vang
vọng
cùng với những con dơi xám xịt to lớn lướt ra khỏi nơi trú ẩn trên tháp chuông
tầng mái, chú chim với đôi mắt sáng lại bay về, hót líu lo vài điệu ru êm ả, và rồi nép mình vào trong những vòng tay đang chờ đợi
nó. Đó là những ngày tháng hạnh phúc dành cho bức tượng Bóng Đêm. Chỉ có chiếc
chuông lớn của Giáo đường hằng ngày vang lên lời chế nhạo.. “ Sau niềm vui..sẽ là
nỗi buồn..”
Những người ở trong nhà của người cai quản
Giáo đường thấy có một con chim nâu bé nhỏ
bay liệng ở khu đất của nhà thờ và mê thích tiếng hót tuyệt vời của nó. “Nhưng thật tiếc”– họ nói- “giọng hót líu lo ấy sẽ bị mất đi rất uổng phí
khi hót ở bức tường thấp bé này.”
Họ nghèo đấy nhưng họ hiểu được những nguyên tắc cơ bản của kinh tế. Vì thế, họ
bắt lấy chú chim và nhốt vào trong một chiếc lồng đan bằng mây treo ngoài cửa
nhà người trông coi nhà thờ.
Đêm hôm đó, chú chim nhỏ hay hót véo von không còn được lui tới chỗ trú ẩn quen
thuộc, còn bức tượng Bóng Đêm cảm
nhận được vị đắng của cô đơn hơn bao giờ hết. Có lẽ người bạn bé nhỏ đã bị con mèo hoang giết hay bị thương
bởi một hòn đá. Có lẽ…có lẽ…người bạn đã bay đi xa rồi…nhưng khi bình minh lướt
qua bức tượng, mang theo cùng với những
âm thanh ồn ả rộn ràng của thế giới Giáo đường là một thông điệp đau buồn xa xôi từ kẻ tù đày trong chiếc lồng
mây. Cứ thế mỗi ngày, vào đúng giữa trưa, khi lũ bồ câu béo ú yên ắng lờ đờ sau bữa ăn trưa và khi bọn
chim sẻ rỉa lông tại những vũng nước trên đường, bài hát của chú chim nhỏ lại vang đến bức tường thấp- một bài hát đau đáu khát khao và tuyệt vọng, một tiếng kêu than không bao giờ có lời đáp.
Và lũ bồ câu để ý thấy rằng cứ đến giữa những giờ ăn, thì bức tượng lại dần
nghiêng hơn.
Một ngày không còn tiếng hót nào từ chiếc lồng
bằng liễu gai. Đó là ngày lạnh lẽo nhất của mùa đông, khi lũ bồ câu cùng với bọn
chim sẻ trên mái nhà thờ lo âu nhìn quẩn quanh tứ phía để tìm những mẩu thức ăn
thừa cứu chúng sống qua mùa đông khắc nghiệt.
“Những
người ở nhà gác giáo đường vừa ném
thứ gì vào đống rác thì phải ?”- một con bồ câu trong đàn thắc mắc khi
nhìn chăm chú qua mép của
bức tường hướng Bắc
Có tiếng trả lời: “ Chỉ là một con chim nhỏ
bị chết mà thôi”
Trong đêm đó, có tiếng rắc rắc từ mái Giáo đường
và nghe như tiếng gạch rơi.
Con quạ gáy xám ở tháp chuông nói rằng sương giá đang tác động lên các bức tượng
đấy và nó đã có kinh nghiệm trong nhiều trận băng giá luôn
xảy ra điều này. Sáng hôm sau, người ta thấy bức tượng Tâm Hồn Đau Khổ đã
đổ nhào và giờ đây nó đang nằm trong đống rác đổ nát trước cửa nhà người
gác.
“Thế cũng hay!!”
Lũ bồ câu béo ú rù rì, sau khi chúng nhìn chăm chăm vào đống đổ nát
một lúc. “Bây giờ chúng ta sẽ có một thiên thần được đặt ở đây.
Chắc chắn là họ sẽ đặt một thiên thần.”
“ Sau niềm vui … là nỗi buồn.” chiếc chuông lớn ngân vang ..
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( tháng
11 / 2023 )
Nguồn:
https://americanliterature.com/author/hh-munro-saki/short-story/the-image-of-the-lost-sole