Trương Vũ
LỜI BẠT
CHO TUYỂN TẬP
“CHÚT TÌNH ĐỌNG LẠI”
Người làm nghệ thuật
đi tìm hạnh phúc, tìm ý nghĩa của đời sống, bằng cách tạo nên cái đẹp. Cái đẹp
trong âm nhạc, trong thi ca, trong văn chương, trong hội họa, v.v... Nhưng người làm nghệ thuật cũng lắm
khi phải đương đầu với nỗi cô đơn nghiệt ngã, nhiều khi phát sinh từ chính niềm
đam mê của mình và từ những tiêu chuẩn tự áp đặt không hòa nhịp cùng giới hạn của
tài năng, cùng khả năng chống chọi lại thời gian và nghịch cảnh. Theo cách nghĩ
suy thuần lý tưởng và tận cùng lãng mạn thì với đam mê hực lửa, trong ước mơ
điên dại cho sáng tạo, nỗi cô đơn cùng cực có thể giúp làm tác phẩm thăng hoa. Nhưng,
chúng ta cũng không quên chính trong một hoàn cảnh như vậy, Van Gogh đã tự cắt lỗ
tai mình ở tuổi 35, chấm dứt tình bạn với Gauguin. Và, hai năm sau, tự bắn vào
ngực mình, chấm dứt cuộc đời ở tuổi 37 sau khi hoàn tất khoảng 860 tranh sơn dầu
và rất nhiều phác thảo bằng bút chì, than. Trong hoàn cảnh nào, nhu cầu vượt
thoát nỗi cô đơn luôn hiện hữu, dù ảnh hưởng tiêu cực của nó có bị phủ nhận.
Thời gian gần đây,
tôi trải qua những ngày tháng lao đao trong khả năng sáng tạo. Do nhiều yếu tố,
từ nội tâm, từ ngoại cảnh. Khi cơ thể không còn chịu nghe mình, khi trí nhớ bắt
đầu phai mờ và lộn xộn, khi cảm thấy tác phẩm treo trên tường cũng hờ hững, đơn
độc, và thời gian thì cứ từ từ trôi qua, người thân và bạn bè lần lượt ra đi,
lúc đó không còn hứng thú để viết hay vẽ gì nữa. Cảm giác bất lực và cô đơn. Nhưng,
viết và vẽ vẫn là những khả năng lớn nhất còn lại. Không màng đến những khát
khao tạo nên tác phẩm thật ưng ý, chỉ cần viết được, vẽ được thôi. Nhưng, mọi ý
chí hình như ngưng đọng. Không viết được, không vẽ được. Lúc đó mới ý thức là
khi dấn thân vào nghệ thuật, cái cô đơn lắm lúc là một trở lực tàn bạo, rất cần
đánh đuổi.
Vào một buổi sáng
cách đây khoảng ba tuần, tôi nhận được một cú điện thoại của Nguyễn Minh Nữu. Nữu
cho biết sau khi hội ý với vài bạn, đề nghị tôi tham dự vào một công trình
chung. Có nhạc, có thơ, có văn, và có họa. Người tham dự là Nguyễn Minh Nữu,
Nguyễn Quyết Thắng, Đoàn Văn Khánh, Phạm
Cao Hoàng, Hoàng Kim Oanh, và Trương Vũ. Lúc đầu tôi ngần ngại nhưng sau khi đi
vào chi tiết, tôi đồng ý và rất vui. Ngoại trừ Nguyễn Quyết Thắng là người lâu
nay tôi nghe tên, nghe nhạc, được nghe nhiều bạn bè ca ngợi nhưng chưa bao giờ được
gặp, còn lại là những người mà tôi có nhiều thân tình. Trong sinh hoạt văn học,
họ là những tác giả tôi kính trọng. Ngoài đời, đây là những đứa em tôi rất
thương mến. Đề nghị của Nguyễn Minh Nữu đến với tôi khá bất ngờ nhưng lại vực dậy
trong tôi cái đam mê tưởng chừng đã đi vào tĩnh lặng. Tôi bắt đầu theo dõi công
trình của các bạn và cầm cọ trở lại.
Nguyễn Minh Nữu xuất
thân từ một gia đình thâm nho khả kính. Là một người đa tài, từ lãnh vực báo
chí đến văn, thơ, âm nhạc. Bắt đầu viết từ 1971, luôn biểu hiện trong văn thơ mình
những cảm xúc sâu đậm từ bao tang thương của đất nước mà chính mình cũng đã trải
qua. Nữu có rất nhiều bạn và luôn là một nhân vật năng nổ trong nhiều sinh hoạt
văn học nghệ thuật ở cả hải ngoại lẫn trong nước. Trong thời gian gần đây, so với
bạn bè gần gũi trong giới cầm bút, Nữu là nhà văn sáng tác nhiều nhất và xuất bản
nhiều nhất. Văn của Nguyễn Minh Nữu trong sáng, nhân bản và có phong cách
riêng, rất mới.
Nguyễn Quyết Thắng
là một nhạc sĩ du ca nổi tiếng. Anh là người sáng lập đoàn du ca Lòng Mẹ ở Ban
Mê Thuột năm 1965. Tham gia các sinh hoạt du ca với Nguyễn Đức Quang, Đinh Gia
Lập từ thập niên sáu mươi và tiếp tục gắn bó tận tình với phong trào du ca sau
khi định cư ở Hòa Lan năm 1981. Anh sáng tác nhiều. Các ca khúc tiêu biểu của
anh là Đứa Học Trò Trở Về, Hát Từ Tim Hát Bằng Hơi Thở, Trở Lại Ban Mê, … Và, dĩ nhiên, những ca khúc mới sáng
tác và phổ thơ cho tuyển tập này là những công trình tim óc đáng nể.
Đoàn Văn Khánh làm
thơ từ thời học trung học, rất lâu trước khi dấn thân vào lãnh vực truyện ngắn
và ký. Thơ của ĐVK tự nhiên, không trau chuốt, không khuôn khổ cũng không quá tự
do, có phong cách riêng và dễ đi vào hồn người đọc. Đa số phản ảnh tâm tư của một
con người lớn lên trong chiến tranh, có tình yêu, có suy tư, có mất mát, có khổ
đau nhưng không nuôi thù hận. Trong văn, ĐVK viết nhiều về bạn bè với những
nghĩa tình đặc biệt. Dù hư cấu hay không, Khánh xây dựng tác phẩm sinh động như
mọi chuyện xảy ra trong đời sống thực với nhiều nhân vật có thật trong đời sống.
Nếu có nghịch cảnh, hận thù, ác độc trong tác phẩm thì bên cạnh đó luôn đi kèm
với cái đẹp của tình yêu, tình người.
Phạm Cao Hoàng là
một nhà giáo, nhà thơ, người chủ trương Trang Văn Học Nghệ Thuật mạng cùng tên.
Thơ Hoàng được nhiều nhạc sĩ phổ và chính Hoàng, thi thoảng cũng phổ thơ mình
hay sáng tác ca khúc. Ở hải ngoại, hầu như Phạm Cao Hoàng chỉ dành hết đam mê
cho văn học nghệ thuật. Trang Văn Học Nghệ Thuật của Hoàng không phải chỉ có
thơ, có văn, có nhạc, có họa mà ở đó người đọc còn cảm nhận cái thi vị, vi tế lẫn
một thứ hồn nhiên rất đặc biệt. Thơ Phạm Cao Hoàng có nhạc, lời thơ chơn thật
nhưng vẫn luôn bàng bạc nét cao sang trầm lặng của một tâm hồn đẹp.
Hoàng Kim Oanh, tiến
sĩ ngữ văn, đang giảng dạy ở trường Đại Học Ngoại Ngữ - Tin Học TP. HCM. Là một nhà giáo với những công
trình nghiên cứu và phân tích sâu sắc, nghiêm túc, đồng thời cũng là nhà
thơ, nhà văn có tài với một tâm hồn rất nhạy cảm và một tình yêu đặc biệt dành
cho văn học nghệ thuật. HKO có sức làm việc phi thường, luôn hết lòng với bạn
bè và tận tụy với công việc. Một trí thức đáng yêu. Đã viết về rất nhiều tác giả,
với những nhận định bao giờ cũng chân tình và tích cực. HKO điều khiển thường
xuyên các chương trình ra mắt mỗi hai tháng của tạp chí Quán Văn ở Sài Gòn và
tham dự hầu hết những sinh hoạt văn học nghệ thuật quan trọng.
Khi theo dõi những gì được hình thành cho tuyển tập cùng tài năng và nhiệt tình của từng tác giả, tôi rất cảm kích. Đây là một tập hợp nhiều đam mê khác nhau, của văn, thơ, âm nhạc, và hội họa. Nói một cách đơn giản, “văn, thơ” là nghệ thuật của ngôn ngữ, “âm nhạc” là nghệ thuật của âm thanh, “hội họa” là nghệ thuật của đường nét, hình khối, màu sắc. Thông thường, người thưởng ngoạn chỉ cần đọc, nghe, nhìn để cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Nhưng trong trường hợp một công trình tổng hợp như thế này, để tác phẩm đập mạnh vào tim óc người thưởng ngoạn, vẫn cần những ngôn từ đúng để diễn đạt cách nhìn riêng, chung. Để phân tích, để tổng hợp, để lý giải. Hoàng Kim Oanh, một cây viết vừa hàn lâm vừa nghệ sĩ đã làm tốt chuyện đó. Ngoài ra, từ khoảng một trăm bức tranh của Trương Vũ đã đăng tải trên trang mạng PCH, các bạn đã tỉ mỉ lựa ra 16 bức. Ngoài bức tranh cho trang bìa, mỗi bức phải được chọn cho phù hợp với nội dung của bản nhạc. Đây là chuyện không thể tính trước nhưng sự phù hợp khá tốt hình như cũng có duyên số của nó.
Cũng có ít nhiều
kiêu hãnh khi nhìn lại quá trình hình thành tác phẩm. Cái kiêu hãnh từ nội tâm
là cuối cùng rồi, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người nghệ sĩ đã không để cái cô
đơn biến thành một nọa tính. Bằng cách làm việc chung với nhau, hỗ trợ nhau,
khích lệ nhau, thông cảm nhau. Tác phẩm của mình chuyển động. Một cái kiêu hãnh
khác, là nhìn lại những công trình của giới văn học nghệ thuật Việt Nam trong
quá khứ, ít thấy có một tập hợp tương đối công phu và đa dạng như vậy. Dĩ
nhiên, phần chất lượng là chuyện thẩm định của người thưởng ngoạn.
Ngoài sáu tác giả chính, tác phẩm sẽ không hoàn tất
được nếu không có nhiều trợ giúp khác. Các ca khúc được trình bày bởi các giọng
ca chuyên nghiệp (Ngọc Quy, Duyên Quỳnh), vợ con tác giả (Minh Chiến, Cung Mi)
và thành viên các đoàn Du Ca do tác giả thành lập. Trần Thị Nguyệt Mai đọc bản thảo. Phần
trình bày in ấn tác phẩm được chăm sóc chu đáo bởi Trần Triết, Lê Hân, Nguyễn
Công và nhà xuất bản Nhân Ảnh.
Một tác phẩm nghệ
thuật có thể được xem như “một cây cầu bắc qua sông Drina” cho những tâm hồn bị
chia cắt. Chia cắt vì địa dư, vì tôn giáo, vì chính trị, vì chủng tộc, vì chiến
tranh, vì tâm thức, v.v...
Tác
phẩm này, trước hết, nó đã làm nên một cây cầu như vậy cho những con người đã
cùng nhau làm nên nó. Ước mong, nó sẽ luôn là “chiếc cầu bắc qua sông Drina”
cho mọi con người có dịp nhìn đến nó, nghe nó, đọc nó.
Nói khác đi, mong rằng, “Chút Tình Đọng Lại” sẽ là một bản giao hưởng cho mọi niềm đam mê khác nhau.