Song Thao
K Ỷ V Ậ T
Brossard là một
thành phố nhỏ ở phía Nam thành phố Montreal chúng tôi, cách một dòng sông. Đôi
bờ được nối với nhau bằng ba cây cầu. Hai cầu nhỏ và một cầu lớn. Cầu lớn là cầu
Champlain. Đây là cây cầu có mức độ lưu thông nhộn nhịp nhất Canada. Cầu được
xây cất vào năm 1962 và tuy đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn gặp nhiều vấn đề
khiến chính phủ Canada phải quyết định cho nó nghỉ hưu. Một cây cầu mới được
xây cất trị giá 4,4 tỷ đô để thay thế và đã khánh thành vào ngày 24/6/2019. Mọi
người vui mừng vui quá vui vì cây cầu mới rộng thênh thang lại có đường xe điện
mới tinh không cần người lái chạy ở giữa. Nhưng có một người không vui. Đó là
ông Võ Kỳ Điền.
Trong số anh em
viết lách thường đàn đúm cà phê cà pháo, nhậu nhẹt lai rai chúng tôi, tất cả đều
ở bên Montreal, duy có ông họ Võ lưu lạc bên Brossard. Đôi bờ ngăn cách nên mỗi
lần “phó hội” ông là người phải vượt sông tìm tới bàn nhậu. Ông nay không lái
xe nên việc di chuyển chỉ trông nhờ vào xe buýt. Từ ngày có cầu mới, xe điện mới
tinh liên tục chạy nối tiếp chỉ cách nhau vài phút đã đẩy xe buýt vào nhà kho.
Anh em chúng tôi mừng cho ông vì được cưỡi xe điện oai và nhanh chóng hơn nhiều
nhưng chuyện không phải vậy. Từ nhà già của ông có thể ra bến xe buýt dễ dàng
nhưng với bến xe điện thì ông chịu vì không có xe buýt tới. Bảo ông cuốc bộ là
một điều tàn nhẫn vì ông luôn phải trang bị một cây gậy. Ông đang loay hoay tìm
giải pháp khả thi nhưng chưa ra. Với một người cũ kỹ đã thành nếp thì cái chi mới
thường không phải là một
điều hay ho chi.
Thương ông bạn
già tôi móc ông vào bài “kỷ vật” này. Kỷ vật tôi muốn nói tới không phải là ông
Võ mà là chiếc cầu cũ. Có cầu mới, cầu cũ phải chịu phận hèn. Mới đây, nó đã được
cho đi chỗ khác chơi, không phải nguyên vẹn hình hài mà tanh bành thành từng mảnh.
Đứng gồng mình gánh vác biết bao nhiêu dòng xe cộ trong suốt 60 năm, chiếc cầu
cũ được nhiều người thương tiếc. Họ muốn giữ một chút gì để nhớ. Như ông Jeff
Harris, người ngày ngày vượt cầu từ bờ Nam qua bờ Bắc để đi làm. Bao nhiêu năm
thân cận với cầu, ông không nỡ quay mặt rốt ráo. Vậy nên khi nghe tin thành phố
muốn tặng dân chúng những con tán (rivet)
của cầu cũ, ông và con gái không ngại trời mưa lớn, đã xếp hàng từ sáng sớm để
dành cho được một trong số 2 ngàn con tán được trao tặng đợt đầu. Con tán chỉ
dùng trong cầu cũ, ngày nay người ta dùng bù loong. Bà Nathalie Lessard của
công ty xây cất cầu Champlain đã nói khi nhìn đoàn người xếp hàng từ 7 giờ
sáng: “Với 50 triệu lượt giao thông trên cầu mỗi năm, nhiều người đã dùng cầu
này khiến cầu trở thành có ý nghĩa trong đời sống của dân chúng”.
Cầu cũ bị phế
thải có chiều dài 3,4 cây số và có tới 250 ngàn tấn bê tông và 25 ngàn tấn
thép. Hơn 90% số thép này sẽ được tái chế trong nhiều dự án. Công ty chế tạo dồng
hồ Steve Christenson sẽ sản xuất và bán ra thị trường loại đồng hồ đặc biệt Champlain Watches. Nghệ sĩ Jacques
Gallant sẽ dùng sắt của cầu để hoàn thành một chiếc xe đạp đặc biệt và một giá
để được sáu chiếc xe đạp. Học sinh trường Marie Victorin ở Brossard sẽ chế ra
những dụng cụ dùng trong trường. Một nông trại ở Ange-Gardien sẽ xây cất một
nhà nuôi trồng cây. Phần bê tông của cầu sẽ được phá thành mảnh nhỏ dành cho những
người muốn sưu tầm. Bà Nathalie Nessard cho biết: “Cũng giống như khi bức tường
Bá Linh bị phá vỡ, dân chúng đã sưu tầm những mảnh nhỏ của tường, chúng tôi
cũng dành cho công chúng những mảnh kỷ niệm như vậy. Nhưng việc này bao giờ được
tiến hành và tiến hành như thế nào chúng tôi chưa biết”.
So sánh chuyện
chiếc cầu Champlain với bức tường Bá Linh là khập khiễng. Như so sánh một cơn
mưa giông với một trận bão. Bức tường Bá Linh sụp đổ là một cơn địa chấn chính
trị toàn cầu lảm thay đổi bộ mặt thế giới. Nó là khởi đầu cho cuộc thoát xác của
nhiều quốc gia nằm trong khối Xô Viết. Bức tường không chỉ là bức tường mà còn
là một biểu tượng của sự đè nén bị xô ngã. Chuyện xảy ra vào ngày 9/11/1989 ảnh
hưởng tới nhiều người Việt. Số người Việt xuất khẩu lao động bên Đông Đức đã ào
ạt chạy qua phía Tây Bá Linh xin tị nạn. Họ được nhiều người Việt sống bên Tây
Bá Linh ra tay giúp đỡ. Bà Thúy Nonnemann, sinh sống tại Tây Bá Linh từ thập
niên 1960 kể lại: “Tối hôm 9/11/1989 trời mưa phùn. Tôi ở nhà xem truyền hình,
bất thình lình nghe tin bức tường Bá Linh sụp đổ. Ngày hôm sau, 10/11/1989 tôi
đi ra Cổng thành xem dân chúng vượt qua bức tường thế nào. Tôi thấy nhiều người
Á châu nói tiếng Việt. Họ kể họ lao động ở bên Đông Đức, bây giờ họ muốn ở lại
nhưng sợ bị trục xuất về. Tôi đưa họ tới cảnh sát Tây Đức ghi tên để họ được
vào trại”. Một người khác, cư ngụ ngay bên bức tường từ sau ngày miền Nam sụp đổ,
ông Phạm Ngọc Đảnh cùng vợ cũng hăng hái giúp đỡ đồng bào. Ông Phạm Ngọc Đảnh
không xa lạ chi với tôi. Thập niên 1960, tôi cùng Nguyễn Xuân Hoàng có học thêm
tiếng Đức vào buổi tối, sau giờ làm, tại trung tâm văn hóa Đức Goethe Institut.
Người dạy lớp tôi chính là thầy Đảnh mà chúng tôi gọi theo tiếng Đức là Herr Đảnh. Tác giả Nguyễn Huỳnh Mai có dịp
tới ở căn nhà này kể lại: “Ông bà thuê được căn nhà này vì nằm sát cạnh bức tường
Bá Linh nên không ai mướn, dù là nhà mẫu, các sinh viên kiến trúc thường đến chụp
hình, báo chí quay phim. Nhờ vậy ông bà có được căn chung cư những sáu phòng,
vì ông bà có đến năm đứa con. Sau khi ở đến 13 năm, các con đều đã trưởng thành
đi làm việc đi học khắp nơi, chỉ còn ông bà và hai cô con gái học dược sĩ và y
sĩ. Ông Phạm Ngọc Đảnh làm việc nhiều năm cho hội Hồng Thập Tự tại đây, và bà
cũng là một thiện nguyện viên đắc lực của cộng đồng. Bà thường hướng dẫn các đồng
hương về đời sống cũng như chỉ dẫn họ làm giấy tờ, nhất là lúc người tị nạn từ
Đông Đức tràn sang”.
Trong số “tường
nhân” ngày đó có cô ca sĩ Ái Vân. Khi đó cô đang ở phía bên kia bức tường và
toan tính qua bờ Tây Bá Linh bằng cách xếp hàng qua cổng chính. Tới cổng cô bị
gạt lại, đang tính đường nhảy tường thì dịp may tới. Bên phía Tây người ta đang
đục tường. Trong cuốn hồi ký “Để Gió Cuốn Đi” cô kể lại: “Trong khi bốn bề đều nghe
tiếng cốc cốc, lại nghe một mảng tường đổ rầm xuống. May thay lúc ấy chỉ có một
viên cảnh sát đứng canh. Anh ta cầm máy bộ đàm gọi đâu đó, rồi lấy một mảng dây
thép gai kéo tới lấp vào chỗ mảng tường vừa đổ và lên xe Jeep chạy vù đi. Khi
xe Jeep vừa chạy ra khỏi bãi cỏ là tất cả ùa tới ào ào. Tôi, Ái Thanh và bảy
người bạn Ái Thanh cũng chạy như bay tới. Đúng lúc ấy một bé gái Đức xuất hiện
ngay giữa mảng tường đổ hát hò say sưa. Tô Sơn lao tới hét:“Tránh ra”, rồi nhấc cô bé sang một
bên. Rộng chỗ, cả nhóm chín người lần lượt chui tường thoát qua Tây Berlin. Chui
qua khỏi tường, sang đến Tây Berlin rồi mà cứ ngỡ như mơ. Mấy anh chị em nhìn
nhau và hỏi “Ủa, đây là xứ tự do rồi
à?”. Bên kia đang nhốn nháo, sang bên này tự nhiên thấy yên tĩnh lạ thường,
người đi lại thong dong giống như đi dạo mát. Người ta mở băng nhạc cassette,
vài nhạc sĩ mang violon hoặc guitar dạo những khúc nhạc vui tươi. Mấy chiếc bàn
bày bán những mẩu gạch nhiều màu sắc được đục từ bức tường Berlin, kẻ bán người
mua rôm rả. Không gian tràn ngập trong tiếng nhạc dìu dặt, thanh bình. Không một
ai tới hỏi mình từ đâu, tới đây làm gì, mọi người nhìn nhau mỉm cười thân thiện
như đã quen nhau tự thuở nào”.
Phía Tây Bá Linh của bức tường, phía của
tự do, được phủ kín những tranh vẽ graffiti
do những nghệ sĩ vô danh nhưng rất tự do vẽ. Khi bức tường bị phá vỡ, những mảnh
vụn bên phía Tây Bá Linh sặc sỡ những sắc màu. Với chiều dài 106 cây số, cao
3,6 thước, người ta đã lấy được biết bao kỷ vật trong 5 năm, từ 1989 tới 1994.
Chính phủ lấy, dân chúng lấy, miếng lớn miếng nhỏ, miếng nào cũng quý. Chính phủ
dùng để tặng quốc khách hay các thành phố khắp nơi. Năm 1992, Nữ Hoàng
Elizabeth II của Anh tới thăm viếng chính thức Đức và đã được chính phủ Đức
trao tặng một mảnh tường. Mảnh tường được cắt gọt rất mỹ thuật, có hai vạch
xanh đỏ dấu vết của graffiti, được đặt
trên một bệ đá đen có khắc hàng chữ Đức: “Berliner
Mauer 1961-1989”. Các kỷ vật này còn được chính phủ Đức tặng cho các nước
Nga, Mỹ, Anh, Vatican và nhiều quốc gia khác. Một tặng vật đã được dựng ở vùng
phi quân sự chia cắt Nam và Bắc Hàn.
Thành phố Montreal chúng tôi cũng đã được
thành phố Berlin tặng một mảnh tường nhân dịp kỷ niệm 350 năm của thành phố vào
năm 1992. Mảnh tường này khá lớn hiện được trưng bày tại Trung Tâm Thương Mại
Thế Giới (Centre de Commerce Mondial).
Ông Alex Munter, Chủ Tịch và CEO của bệnh
viện Nhi Đồng Đông Ontario ở thủ đô Ottawa của Canada không chờ ai tặng. Năm
1986, khi bức tường còn vững như bàn thạch, ông đã tới thăm: “Tôi nhớ lại khi
đó tôi có cảm tưởng đây là bức tường vững chãi nhất mà tôi được biết”. Khi bức
tường sụp đổ, ông đã bay qua Bá Linh để tận mắt chúng kiến. Khi bay về, hành lý
của ông là một túi đầy mảnh vỡ của bức tường. Ông nói: “Nếu năm 1986 có ai nói
với tôi là bức tường sẽ sụp đổ, tôi nghĩ là chuyện không thể xảy ra được. Giờ
phút này đã dạy cho tôi biết là cái không thể cũng có thể xảy ra”. Bức tường được xâu xé thành triệu
triệu mảnh đã được lưu giữ hầu như tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại
thủ đô Kiev của Ukraine đang mịt mù khói súng, ngay bên cửa tòa Đại Sứ Đức vẫn
sừng sững một mảnh tường khá cao của bức tường Bá Linh.
Mảnh tường Bá Linh là một kỷ vật ai
cũng muốn có. Dân buôn bán đã thiết lập cả một dịch vụ lớn kiếm lời quanh bức
tường. Ngay bây giờ, nếu bạn muốn có kỷ vật này, bạn có thể lên mạng, vào eBay
hay Amazon tìm kiếm một cách dễ dàng. Tôi đã vào thử Amazon và thấy rao bán các
kỷ vật này với giá từ vài chục tới cả trăm đô tùy theo kích thước lớn nhỏ. Trùm
buôn bán các kỷ vật này là ông Volker Pawslowski. Người ta ước tính 90% kỷ vật
trên thị trường là từ ông này ra. Năm 1991, ông mua đứt 300 thước tường và đập
ra thành từng mảnh nhỏ để bán. Ông thú nhận đã xịt sơn lên nhiều mảnh này để
giả những bệt màu của tranh graffiti
trên tường. Mảnh tường có dính sơn xanh xanh đỏ đỏ dễ tiêu thụ hơn. Để cầu
chứng đây là những mảnh tường thực sự lấy từ bức tường Bá Linh, ông Volker Pawslowski
đã dán nhãn “Pawslowski Souvenirs &
Postcards” và được đặt trong những hộp đàng hoàng. Ông trùm buôn tường này
còn tự hào là có thể nhìn qua là biết thật giả liền. Năm 2014, phóng viên báo
ExBerliner đã làm một cuộc khảo sát các tiệm bán đồ kỷ niệm tại Bá Linh và cho
kết quả là tất cả hàng của ông Pawslowski là đồ thật trừ một mẫu. Lập tức ông
tìm hiểu và phát hiện ra một nhà buôn lẻ lấy hàng của ông bán đã đánh tráo hàng
giả vào.
Biến cố bức tường Bá linh bị sụp đổ
diễn ra vào ngày 9 tháng 11 năm 1989. Cuộc tấn công vào tòa tháp đôi tại New
York thường được gọi tắt là vụ 9/11. Thoạt nghe tưởng hai ngày trùng nhau nhưng
không phải. Vụ sau xảy ra vào ngày 11/9/2001. Cách viết ngày tháng xuôi ngược khác
nhau của Âu Châu và Mỹ đã làm nhiều người bé cái lầm.
Hai tòa nhà
bị cháy để lại 7 ngàn tấn thép dược lưu giữ tại nhà kho của sân bay John F.
Kennedy ở quận Queens, New York. Một phần số thép này được tặng cho 50 tiểu
bang để tạo những công trình kỷ niệm vụ khủng bố kinh hoàng này. Một phần được
tặng cho Canada, Đức, Ý, Anh và các căn cứ quân sự Mỹ tại Nam Hàn và
Afghanistan để sử dụng cho cùng một mục đích. Các kiến trúc sư và điêu khắc gia
tại khắp nơi được tặng thép đã tạo dựng được nhiều công trình vừa mỹ thuật vừa mang
nặng ý nghĩa. Như điêu khắc gia Heath Satow ở Rosemead, tiểu bang California,
đã hoàn thành một tượng đài có 2977 chim bồ câu trắng bằng thép không rỉ tượng
trưng cho số nạn nhân thương vong, tạo thành hai bàn tay nâng một khối thép của
tòa nhà bị hủy hoại.
Một công trình khác là chiếc hộ tống hạm LPD 21,
còn có tên là New York Never Forget (Nữu
Ước Không Bao Giờ Quên) tạo thành bằng toàn sắt thép của hai tòa nhà Twin
Towers. Anh bạn nhà thơ Quan Dương là người gắn bó với việc hoàn thành chiến
hạm với kinh phí 1.400 triệu đô này. Anh kể: “Sau biến cố kinh hoàng, sắt của hai toà nhà này được đưa về Avondale
Shipyard của New Orleans năm 2003 để nấu chảy ra dùng để làm phần đáy. Lúc đó
tôi là một công nhân của hãng Northrop Grumman nên đã tham dự vào việc thực
hiện. Chiếc hộ tống hạm đã cùng tôi gắn bó suốt sáu năm kể từ lúc bắt đầu cho
đến lúc hoàn tất vào tháng 9/2009. Có thể nói mọi ngóc ngách trong chiếc hạm
này không có chỗ nào là không ghi dấu chân tôi. Năm 2004 khi mới đang còn bắt
đầu khởi công thì cơn bão Katrina đã tấn công chiếc tàu và mưa gió bão bùng đã
bao phủ trùm lên. Nghe như đâu đây trong mưa gió tiếng kêu gào của 2977 oan hồn
trong đó có 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan cảnh sát mà giờ xác thân của họ
quyện vào trong từng miếng sắt”.
Là một sĩ
quan Việt Nam Cộng Hòa đã nếm nhiều tân khổ của chiến tranh và tù đày tại quê
nhà, anh có những cảm nghĩ đặc biệt của một quân nhân Việt: “Khi bão Katrina vẫn còn đang tơi tả thì chúng tôi
từ Houston quay trở lại New Orleans và tiếp tục công việc của mình. Ngồi trên
tàu nhìn cảnh vật chung quanh đìu hiu im ắng vì người dân chưa quay về, tôi có
cảm tưởng trong từng mét sắt của chiếc tàu là những oan hồn lạnh lẽo mà mọi
người trong cơn hốt hoảng của bão Katrina vô tình quên đi. Tôi liên tưởng đến
những người dân tôi bị lính miền Bắc tràn vào giết chết oan uổng trong tết Mậu
Thân trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà xác xương của họ cũng từng bị chôn vùi và quên lãng. Tôi cũng liên
tưởng đến những vụ cộng sản âm thầm thảm sát những người thua trận mà không qua
xét xử ngay trong những ngày đầu họ chiếm được miền Nam. Tất cả những cái chết
được che giấu tinh vi núp sau những mỹ từ đẹp đẽ. Những oan hồn chết bởi sự
cuồng vọng của cái ác đều bi thương như nhau”.
Nhà thơ Quan
Dương, dưới con mắt của một nạn nhân chiến tranh, đã nhìn qua con tàu kỷ vật sự
tàn nhẫn của bạo lực. Khủng bố đã gây nên những thảm trạng kinh hoàng nhưng
khủng bố không bao giờ vắng mặt trên cõi thế này. Kỷ vật không chỉ là những
mảnh vụn cất giữ mà còn là những vết hằn nằm trong sâu thẳm của mỗi con người.
Mãi mãi!