Thí
quờ quạng ngóc đầu lên nhìn chiếc đồng hồ dạ quang để trên bàn. Trời se se lạnh.
Gió thốc tháo bên ngoài ào ào lồng qua lớp cửa kiếng. Nghe nói tuần này gió
Santa Ana thổi mạnh. Gió Santa Ana đã nhiều năm làm cư dân lo sợ, gió khô và mạnh,
trưa thì nóng rang...
6:00
am. Thí nghĩ mình nên thức dậy để viết. Viết đây không phải là viết văn hay làm
thơ, hay viết thư tình gì cho cam, mà viết lên bì thơ của các mẫu quảng cáo, để
nhận món tiền còm. Thí cố gắng ngồi dậy thật nhẹ, dù chiếc giường nệm đã cũ,
cong ụp xuống và kêu lên răng rắc. May mà Mại còn ngủ say, chắc là tối qua nàng
thức khuya viết, nàng viết đâu đến 11, 12 giờ đêm mới vào giường...Thí thấy cần
nên để nàng ngủ thêm chút nữa để lấy sức mai viết "cày" tiếp.
Anh
quờ quạng trong bóng đêm, ra phòng vệ sinh. Như một hành động phản xạ. Chỗ sink
nước, restroom, anh đều quen thuộc, dù mò mẫm trong bóng tối nhưng anh không
quên đường.
Bật
đèn sáng lên, Thí ngồi vào bàn.
Trước
đây thôi, khi anh ngồi vào bàn là một tay anh anh bật mở computer, một tay vặn
đèn cho sáng. Anh sẽ tìm những bài anh viết dở, truyện ngắn hay thơ, hay tạp
ghi...Nhưng bây giờ anh đã bỏ xó những thứ ấy qua một bên...Bây giờ thì anh viết
"chữ thuê" để lấy tiền...
Thật
ra cuộc sống vây khốn anh, đưa anh vào bế tắc. Anh loay hoay hoài với cuộc sống,
cố tìm cho mình một sự thoải mái, một căn Apt vừa phải cho hai người. Nhưng anh
tìm không ra, giá nhà càng ngày càng cao, vật giá thực phẩm cũng càng ngày càng
cao, mà lương hưu anh đứng chựng tại chỗ. Nên anh phải cày thêm thôi.
Nói
đúng ra thì đây là ý tưởng của Mại. Hồi mới về với nhau, Mại không có việc làm
hay nói đúng hơn là nàng sợ đi làm. Ở các quán ăn hay các nhà hàng Việt Nam, vì
tính nhút nhát, sợ sệt đám đông nên nói đến là Mại rụt đầu le lưỡi. Em sợ...
Với
Thí thì anh cũng ngại cho Mại đi làm, vì biết tính nàng tự ái, đi làm công việc
"bưng bê" hay chuyện "đụng đâu làm đó", Assembly, trong chợ,
cũng thấy thương cho nàng. Thôi thì em cứ ở nhà nghỉ đi, làm nội tướng cho anh
là đủ rồi. Anh lạc quan nói thế. Nhưng tháng qua tháng, ngày qua ngày, Kho dự
trữ mấy ngàn của anh cũng dần dần cạn kiệt, anh thấy lo, nên bày tỏ với Mại.
Nàng cũng đâm lo, "tiền đâu, tiền đâu? nàng nói trai câu hát "tìm đâu những ngày thơ ấu xưa?"
Đói
thì đầu gối phải bò. Nàng điện thoại hỏi người này, hỏi người kia, và nói với
anh, để em đi làm, kiếm chút đỉnh phụ anh nhe. Anh thấy vui trong lòng là được
chia sẻ, anh đồng ý, để anh cùng tìm với em.
Thí
lên mạng qua các báo, tìm những công việc đàn bà hay làm, như giữ trẻ em, giặt
giũ, bếp núc, nấu ăn, nói chung theo danh từ hiện đại trong nước là làm osin.
Một
hôm, anh thấy trên báo có ghi một mẫu cần người, cần một phụ nữ trung niên, tới
nhà để trông coi hai trẻ, đứa năm tuổi, đứa hai tuổi, sáng từ 7 giờ...đến khi
chủ đi làm về...nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Lương tháng...Anh thấy cũng tạm bằng
lòng, nên nói với Mại, mai anh và em đi đến chỗ này, công việc giữ trẻ, chắc nhẹ.
Em coi thử sao?
Anh
cho số phone để Mại liên lạc, vì anh biết, chuyện làm việc của đàn bà, để đàn
bà liên lạc với nhau, quyết định thì tốt hơn, anh chỉ hướng dẫn thôi, còn nàng
thích thì làm, không thích thì thôi. Không nên ép. Mại gọi điện thoại, rồi hớn
hở nói với anh. Chiều khoảng sáu giờ anh chở em đến chỗ này nhe. Cô gái Việt có
chồng Mễ, đi làm hãng, nên tìm người để chăm sóc hai con. Nghe giọng cô gái nhẹ
nhàng, chắc là người dễ tính. Chiều mình đến thử coi, anh nhé. Thí, OK.
Thí
chở Mại đi loanh quanh tìm nhà người chủ. Một căn nhà bậc trung ở khu dân cư.
Anh bấm chuông, cửa mở, cô gái chủ nhà ra mời hai người vào. Căn phòng khách
khá bề bộn, nào gối, chăn, đồ chơi con nít văng tung tóe, vung vải trên sofa,
hay dưới thảm...
Anh
để cho Mại hỏi chuyện và trao đổi, chỉ góp vài ý cần thiết cho công việc giữ trẻ
của Mại mà thôi. Hai người nói chuyện thấy có mòi tâm đắc, cũng chị chị, em em,
cũng giọng nói Việt Nam, không biết "cô chủ" người miền nào, vì giọng
nói không có dấu ấn rõ rệt, có lẽ người miền Nam, có pha chút miền trung...Anh
suy nghĩ miên man, các cô gái gốc miền trung thường hay khó tính và kỹ tính, đồng
tiền bỏ ra thường đi đôi với công việc làm bù lại, cũng khó khăn hơn (cho đáng
đồng tiền bát gạo). Khi "cô chủ" nói đến đoạn, buổi sáng, đứa 2 trẻ
đi nhà trẻ, công việc ở nhà là đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo...Và thêm, giọng
cũng nhẹ nhàng, nhưng có chút dè chừng, như dọa dẫm:
- Chị
nên nhớ là ở nhà em, các phòng đều có gắn camera, mọi chuyện chị làm đều được
thu hình đó nghe. Cái này chỉ là cho an toàn thôi, mấy chị làm trước cũng vậy.
Chứ không có ý gì đâu.
Dù "chị
chủ", hay "cô chủ" nói có vẻ như vô tư, thản nhiên, nhưng Thí tự
nhiên thấy nóng mặt, và anh thấy mình như bị xúc phạm. Dù rằng, ai cũng sợ nếu
để người giúp việc ở nhà một mình, thì họ sẽ làm bậy, thừa nước đục thả câu hay
gì gì đi nữa, như ăn cắp, hay ăn vụng... Nhưng tự nhiên, "cô chủ" nói
ra, anh thấy như chính mình bị va chạm vào một thứ nhân phẩm nào đó, là sự
không tin tưởng, bị kiểm soát, nên người chủ suy nghĩ, dè chừng, cảnh cáo.
Khi
ra về, Mại hứa với cô chủ, sẽ đi làm một tuần sau đó.
Thí
bàn:
- Em
à. Anh thấy làm ở đây không tiện cho lắm. Làm gì mà phòng nào cũng có camera,
coi như đề phòng, coi mình như là kẻ bất lương không bằng. Thôi em, khỏi làm đi.
Để anh tìm công việc khác cho.
Mại
cũng hiểu ra, và nàng nghe theo lời bàn của Thí, không đi làm "osin"
chỗ này nữa.
Thí
cũng hiểu có những hoàn cảnh, anh coi trong một phim VN, có cô giáo trung học,
tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm đã đứng lớp dạy cho biết bao thế hệ trẻ, tốt nghiệp.
Ra đời, có người trở thành ông chủ, đại gia hay ủy viên trung ương. Cô giáo về
hưu, vì gia đình không đủ tiền chi trả cho người chồng bịnh, ông cũng là giáo
chức, lương hưu ít ỏi. Cô giáo phải đi làm osin trong một gia đình giàu có (rồi,
ôi, những chuyện tiếp tục xảy ra như một bi kịch, nói là trong một xã hội, sự
phân biệt giàu nghèo còn quá rõ rệt).
Lần
thứ hai anh tìm việc cho Mại. Có một đàn bà rao trên báo, cần người chăm sóc
cho một phụ nữ bị bịnh phải đi xe lăn, một ngày 2 tiếng. Dọn dẹp phòng ốc, nấu
ăn, giặt đồ. Thỉnh thoảng chở đi chợ hay chở "cô" đi ăn. Thí đưa Mại
tới. Người đàn bà đúng là có hơi bị bại liệt hai chân. Anh nói, em cứ như mình
làm từ thiện, giúp người khốn khó, bịnh hoạn. Hoàn cảnh cô này thấy cũng tội
nghiệp, sống một mình mà bị bịnh thế này...Em giúp cổ đi. Mại đi làm một tuần.
Nàng về phàn nàn với Thí, anh biết không, cổ coi em như một osin thật sự, như
con hầu không bằng. Đẩy xe cho cổ vào tiệm ăn, cổ nhẩn nha ngồi ăn, còn bắt mình
đưa khăn giấy lau miệng, bắt mình làm sạch sẽ bàn ăn. Thôi em không chịu nổi,
anh ơi!
Thí đành thúc thủ, thôi em nghỉ đi. Ở nhà nấu cơm cho anh ăn là được rồi.
*
Cho
đến một hôm, có người bạn mách Thí. Anh hãy viết đi! Anh ngẩn người, tưởng là có
một "job thơm" nào đó về nghề của anh, viết lách, truyện ngắn hay
truyện dài, kiếm chút đỉnh như ngày trước anh vẫn viết, có chút tiền nhuận bút.
Nhưng không phải. Người bạn tiếp lời, không phải viết văn như nghề của ông đâu,
mà là viết thuê.
Thì
ra, đó là công việt viết chữ trên các bì thơ, cho các công ty bán xe hơi, như
Nissan, Honda, Ford quảng cáo, hay các công ty cho vay tiền, trả nợ credit
card...đủ mọi thứ...
Thí
nghĩ, thôi cũng được, ngồi một chỗ, viết chữ thuê, cứ nghĩ như viết văn, viết
báo, cũng một nghề lương thiện, có sao đâu!
Ngày
đầu tiên Thí và Mại hăm hở viết. Thí thường hay thi vị hóa với mình. Cứ coi như
mình viết thư tình cho người yêu ngày còn nhỏ dại, ngày mới bước vào đời...Anh
oằn người ngồi viết từ sáng hôm kia cho đến tối hôm nay, coi như hai ngày, tính
tổng cộng giờ thì mười lăm giờ, được hai trăm cái bì thư, hai trăm mảnh giấy rời,
ghi lời yêu cầu như "Please call, if
you interested, phone number..., We can help, tên." Rồi xong, phải viết
thêm tên người nhận, giá tiền được vay, rồi dán mẫu ghi lên một tờ giấy đã in sẳn
quảng cáo, xong bỏ vào bì thư, theo thứ tự...Thí tính ra, đúng 15 tiếng đồng hồ
được trả 10 dollars. Coi như một giờ, còng lưng ra viết, được khoảng 75 cents.
Một công việc rẻ mạt hạng ở xứ này, bèo nhất thế giới này, mà vẫn xảy ra...
Có
thể người chủ bên trên, khi trả giá cũng đúng tiêu chuẩn luật pháp, tính toán
theo giá lương hiện hành của tiểu bang, nhưng qua các lớp trung gian người Việt,
mới đi đến một cái giá rẻ tệ hại như thế này. Thật là quá thảm.
Chuyện
cũng bình thường trong một xã hội...không bình thường. Thế mà hôm lái xe đưa Mại
đến chỗ lấy hàng, anh thấy một hàng xe hơi, từ Toyota Camry đến Lexus, đậu dài
dài, chận đường vào căn nhà kho của người chủ. Anh tự hỏi, cái nghề chót bẹt nhất
thế giới này mà cũng đắc khách vậy sao? Nhiều người thích làm vậy sao? Thì ra,
mỗi hoàn cảnh, mỗi con người, mỗi khác, có thể trong một gia đình có người già,
ăn tiền già, muốn có thêm chút đỉnh hàng tháng, cho có thêm đồng ra đồng vào, để
đi uống cà phê với bạn, hay để mua thùng bia về lai rai, nhìn trời hiu quạnh, cho
đỡ nhớ quê nhà. Vì làm chuyện này, đám đầu nậu cũng biết "cái tẩy" của
người Việt Nam, là cho nhận tiền mặt, nên càng ép giá. Bỏ công sức ra còng lưng
viết cả tháng, để nhận một, hai trăm đô.
Họ
nghĩ, thà ngồi nhà còng lưng, còng cổ ra viết, còn danh giá hơn là có những người
già đi lượm lon quanh các thùng rác, hay ở những chỗ công cộng như trạm bán
xăng, trạm rửa xe hay tại các thùng rác chung cư. Thí đã nhìn thấy mấy người đàn
ông, leo lên cái thùng đựng rác cao, chui cả người vào trong, cầm cái chỉa bằng
sắt cố kéo những bao nhựa, chai nhựa, tuốt tận dưới đáy. Anh lại nghĩ đến những
người đi móc bọc ở quê nhà. Cũng vậy chứ có khác chi đâu, có khác chăng là danh
hiệu, danh hiệu Việt kiều, Việt kiều móc bọc.
Thôi
thì an tâm, cứ cặm cụi viết, nhiều khi hãy thi vị hóa là đang viết truyện hay
làm thơ, hay như các ông đồ ngày Tết ngồi trên đường phố xuân, viết thư họa bán
cho khách qua đường. Hãy nghĩ như vậy đi. Không còn sức trai, không còn lưng
dài vai rộng như thuở thanh xuân, thì hãy nằm yên như con sâu / như con sâu làm tổ, trong trái vải cô đơn.
Chấp nhận 75 cents/một giờ là xong. Khỏi suy nghĩ viễn vông cho mệt óc. Có giống như "chùm nho uất hận"* không đây?
Trần Yên Hòa
Chùm nho uất hận (tiếng Anh: The Grapes of Wrath), là tiểu thuyết của văn hào John Steinbeck,