Monday, October 2, 2023

3051. SỢI DÂY CHUYỀN The Necklace Truyện ngắn GUY DE MAUPASSANT (1850 -1893) Nhà Văn Pháp NGU YÊN dịch và giới thiệu.

GUY DE MAUPASSANT (1850-1893)

Henri René Albert Guy de Maupassant (5 tháng 8 năm 1850 – 6 tháng 7 năm 1893) là một trong những cha đẻ của truyện ngắn hiện đại và là nhà truyện ngắn hàng đầu ở Pháp. Những câu chuyện chiến tranh của ông lấy từ Chiến tranh Pháp-Phổ những năm 1870 biểu thị sự vô ích của chiến tranh và những thường dân vô tội bị nghiền nát trong đó. Tuy nhiên, giống như Anton Chekhov ở nước Nga cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những câu chuyện của ông bao quát bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của người Pháp vào cuối thế kỷ 19, bao gồm các tầng lớp xã hội khác nhau như giai cấp nông dân, tầng lớp quan liêu và cuộc sống ven sông Seine. Truyện ngắn của ông được đặc trưng bởi tính văn phong đơn giản và cách giải quyết gọn gàng các chủ đề khác nhau một cách hiệu quả. Ông cũng đã viết sáu cuốn tiểu thuyết.

Truyện ngắn hiện đại không đơn thuần là phiên bản cô đọng của tiểu thuyết, mà mang hình thức riêng biệt của nó . Thường bắt đầu bằng media res (ở giữa cốt chuyện), truyện ngắn hiện đại bỏ qua phần lớn nếu không muốn nói là tất cả sự trình bày, thay vào đó chọn bộc lộ nhân vật không phải từ mô tả của tác giả, mà từ chính hành động của các nhân vật.

Tính siêu nhiên trong Maupassant thường ngấm ngầm là một triệu chứng cho tâm trí rối bời của các nhân vật chính; Maupassant bị cuốn hút bởi ngành tâm thần học đang phát triển, và đã tham dự các bài giảng công khai của Jean-Martin Charcot từ năm 1885 đến 1886. Charcot bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà thần kinh học, nhưng bắt đầu quan tâm đến tâm lý học sau khi trở thành giám đốc bệnh viện ở Salpetriere, nơi ông điều trị chứng cuồng loạn.Mối quan tâm của De Maupassant đối với tâm lý học và tâm lý học được thể hiện trong tiểu thuyết của ông.

(Trích: New World Encyclopedia.)

 


Truyện Ngắn

SỢI DÂY CHUYỀN

The Necklace

Bản Anh ngữ: Joachim Neugroschel

Cô là một trong những thiếu nữ xinh đẹp và duyên dáng, như thể số mạng đã lầm lẫn, sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Cô không có điều kiện hôn nhân kiểu môn đăng hộ đối, không kỳ vọng, không có cơ hội để người đàn ông giàu có và nổi tiếng biết đến, thấu hiểu, yêu thương và kết hôn; sau cùng, cô nhận  kết hôn với một nhân viên nhỏ ở Bộ Giáo dục. Sở thích của cô rất đơn giản vì chưa bao giờ đủ khả năng trả cao cho bất kỳ thứ gì khác, nhưng không thấy hạnh phúc như thể đã kết hôn dưới mức của mình; vì phụ nữ không có đẳng cấp hay giai cấp. Vẻ đẹp, sự duyên dáng và quyến rũ chỉ để phục vụ cho việc sinh nở hoặc gia đình. Sự tinh tế tự nhiên, sự thanh lịch bản năng, sự nhanh nhẹn là dấu hiệu duy nhất để sắp hạng địa vị của họ, và đưa cô gái hạng hạ nhân lên cấp độ ngang với người phụ nữ cao nhất trong vùng.

Cô đau khổ vô tận, cảm thấy mình sinh ra cho mọi thanh lịch và xa hoa. Lại phải chịu đựng ngôi nhà tồi tàn, những bức tường dơ bẩn, những chiếc ghế sờn cũ và những tấm rèm xấu xí. Tất cả những điều này, những người phụ nữ khác cùng tầng lớp với cô thậm chí không hề hay biết, họ đã hành hạ và xúc phạm cô. Hình ảnh cô bé Breton đến làm việc trong ngôi nhà nhỏ của mình đã khơi dậy trong tâm trí cô những tiếc nuối đau lòng và những giấc mơ vô vọng. Cô tưởng tượng những căn phòng lớn yên lặng, nặng trĩu những tấm thảm phương Đông, được thắp sáng bằng những ngọn đuốc cắm trong những chiếc đế bằng đồng cao ngất ngưởng, với hai người hầu cao lớn mặc quần ống túm đang ngủ trên những chiếc ghế bành lớn, choáng ngợp bởi hơi ấm nặng nề của lò sưởi. Cô tưởng tượng những phòng khách rộng lớn treo lụa cổ, những món đồ nội thất tinh xảo kèm theo những đồ trang trí vô giá, và những căn phòng nhỏ, quyến rũ, thơm phức, được tạo ra chỉ dành phục vụ những bữa tiệc riêng tư với nhóm bạn thân, những người đàn ông nổi tiếng. Cô được săn đón bởi những người mà sự tôn kính của họ đã khơi dậy lòng khao khát ghen tị của mọi phụ nữ khác.

Khi ngồi ăn tối bên chiếc bàn tròn mới trải khăn ba ngày, đối diện với chồng, người vừa mở nắp liễn xúp ra, vừa reo lên thích thú: "Aha! Súp Scotch! Còn gì tuyệt hơn?" Cô tưởng tượng những bữa ăn kiểu cách, ánh bạc lấp lánh, những tấm thảm trang trí trên tường với những hình người từ xa xưa và những loài chim lạ trong khu rừng thần tiên; Cô tưởng tượng những thực phẩm tinh tế trong những món ăn tuyệt diệu, những lời thì thầm hào hiệp, được lắng nghe với một nụ cười khó hiểu khi người ta đùa với thịt hồng của cá hồi hoặc cánh gà măng tây.

Không có quần áo sang trọng, không có đồ trang sức, không có gì cả. Đây là những thứ duy nhất cô yêu thích; rồi tự cảm thấy mình được sinh cho những thứ này. Cô rất khao khát được quyến rũ, được ước muốn, trở nên vô cùng hấp dẫn và được theo đuổi.

Cô có một người bạn giàu, người bạn học cũ mà cô từ chối đến thăm, vì sẽ rất đau khổ khi trở về nhà. Sẽ khóc cả ngày, đau buồn, hối hận, tuyệt vọng và thương tâm.

Một buổi tối, chồng cô về nhà với tâm trạng phấn khởi, tay cầm một phong bì lớn.

"Đây, có cái này cho em," ông nói.

Cô nhanh chóng xé tờ giấy và rút ra một tấm thiệp in sẵn những dòng chữ sau:

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và bà Ramponneau xin hân hạnh đón tiếp ông bà Loisel tại Bộ vào tối thứ Hai, ngày 18 tháng Giêng."

Thay vì vui mừng như chồng hy vọng, cô giận dữ ném thiệp mời qua bàn, thì thầm:

"Anh muốn tôi làm gì với cái này?"

"Tại sao, em à, anh nghĩ em sẽ hài lòng. Em không bao giờ đi chơi, và đây là một dịp tuyệt hay. Anh đã rất khó khăn để có được thiệp mời. Mọi người đều muốn, nhưng rất chọn lọc, và rất ít thiệp đến được tay nhân viên. Em sẽ thấy tất cả những người danh vọng ở đó."

Cô nhìn anh bằng đôi mắt giận dữ và sốt ruột nói: "Và anh nghĩ tôi sẽ mặc áo gì trong dịp lễ hội này?"

Anh ta không nghĩ đến; nói lắp bắp:

"Ồ, bộ váy mà em mặc khi đi xem kịch. Nó trông rất đẹp, với anh..."

Anh dừng lại, sững sờ và hoàn toàn thất thần khi thấy vợ mình bắt đầu khóc. Hai giọt nước mắt lớn từ khóe mắt chảy xuống khóe miệng.

"Chuyện gì vậy, em? Có chuyện gì vậy?" Anh chùn bước.

Nhưng với một nỗ lực mãnh liệt, cô vượt qua nỗi đau và trả lời bằng một giọng bình tĩnh, lau đôi má ướt đẫm:

"Không có gì. Chỉ là em không có áo dạ hội xứng, không thể đến dự tiệc này. Hãy đưa thiệp mời cho người bạn nào của anh mà vợ họ sẽ đẹp hơn em."

Anh đau lòng.

"Nhìn này, Mathilde," anh kiên trì. "Giá của một chiếc áo  phù hợp mà em có thể mặc trong những dịp khác là bao nhiêu, một thứ khá đơn giản?"

Cô suy nghĩ trong vài giây, tính toán giá cả và cũng tự hỏi mình có thể yêu cầu số tiền lớn đến mức nào mà không bị người chồng cẩn thận từ chối ngay lập tức và kêu lên một tiếng kinh hãi.

Cuối cùng cô trả lời với chút do dự:

"Em không biết chính xác, nhưng có thể mua được với bốn trăm franc."

Anh hơi tái đi, vì đây chính là số tiền anh đã tiết kiệm để mua một khẩu súng, dự định mùa hè tới sẽ đi bắn một ít ngày ở đồng bằng Nanterre cùng với một số bạn, những người đã đến đó bắn chim chiền chiện vào Chủ nhật.

Tuy nhiên, anh ấy nói: "Được lắm. Anh sẽ đưa em bốn trăm franc. Nhưng hãy cố mua cho được chiếc áo thật đẹp với số tiền bỏ ra."

Ngày dạ tiệc đã đến gần, cô Loisel có vẻ buồn bã, bất an và lo lắng. Tuy nhiên, chiếc áo của cô đã sẵn sàng. Một buổi tối, người chồng hỏi:

"Em sao vậy? Ba ngày qua em có vẻ rất kỳ quặc."

"Em hoàn toàn đau khổ vì không có bất kỳ món nữ trang nào, không một viên ngọc nào, để đeo," cô trả lời. "Em  sẽ hoàn toàn không giống ai cả. Em nghĩ là không nên đi dự tiệc."

"Cài hoa," anh nói. "Vào mùa này, mang hoa rất phù hợp. Chỉ mười franc, em có thể mua hai hoặc ba bông hồng tuyệt đẹp."

Cô không bị thuyết phục.

"Không ... không có gì nhục nhã bằng việc trông nghèo nàn ở giữa rất nhiều phụ nữ giàu có."

"Em khờ quá!" người chồng kêu lên. "Hãy đến gặp Madame Forestier và yêu cầu bà ấy cho mượn ít đồ trang sức. Em quên thân với bà đủ để mượn.”

Cô ấy thốt lên một tiếng sung sướng.

"Đúng vậy. Em chưa bao giờ nghĩ đến việc này."

Ngày hôm sau, đi gặp người bạn và kể cho bạn nghe sự tình rối rắm của cô.

Madame Forestier đi đến bàn trang điểm của mình, lấy một cái hộp lớn, đưa nó cho Madame Loisel, mở nó ra và nói:

"Em chọn đi."

Đầu tiên cô nhìn thấy một số vòng tay, rồi một vòng cổ bằng ngọc trai, sau đó là một cây thánh giá của người Venice bằng vàng và đá quý, với tay nghề tinh xảo. Cô thử lên những món trang sức trước gương, do dự, không thể hạ quyết tâm giữ lại hay bỏ xuống. Cô tiếp tục hỏi:

"Chị còn gì nữa không?"

"Vâng. Hãy tự tìm kiếm. Chị không biết em muốn thứ gì nhất."

Đột nhiên cô phát hiện ra, trong một chiếc hộp sa tanh đen, có sợi dây chuyền kim cương tuyệt hảo; trái tim cô bắt đầu đập một cách thèm muốn. Tay cô run khi nhấc nó lên. Cô buộc chặt nó quanh cổ, trên chiếc váy cao, và vẫn ngây ngất khi nhìn thấy chính mình.

Sau đó, với sự ngập ngừng, cô hỏi trong đau khổ:

"Chị có thể cho em mượn cái này, chỉ một mình sợi này được không?"

"Vâng tất nhiên."

Cô nhào vào ngực bạn mình, ôm lấy một cách điên cuồng và ra về với báu vật. Ngày dự tiệc đã đến. Madame Loisel thành công. Cô là người phụ nữ xinh đẹp nhất hiện diện nơi đó, thanh lịch, duyên dáng, hay cười, và hạnh phúc hơn cả bản thân. Tất cả những đàn ông đều nhìn cô chằm chằm, hỏi tên, và yêu cầu được giới thiệu. Tất cả các Ngoại trưởng đều háo hức muốn nhảy cùng cô. Bộ trưởng đã để ý đến cô ấy.

Cô nhảy múa điên cuồng, ngây ngất, say sưa vì sung sướng, không suy nghĩ gì về vẻ đẹp của mình, trong niềm tự hào thành công, trong đám mây hạnh phúc tạo nên từ sự tôn kính và nhiều người ngưỡng mộ, bởi những khao khát đã khơi dậy, một chiến thắng trọn vẹn rất tha thiết đối với trái tim nhạy cảm của cô.

Cô ra về khoảng bốn giờ sáng. Từ nửa đêm, chồng cô đã ngủ gật trong căn phòng nhỏ vắng vẻ, cùng với ba người đàn ông khác có vợ đang vui vẻ. Anh ném qua vai cô những áo choàng mà anh đã mang theo để họ đi về nhà, những áo hàng ngày giản dị, nghèo nàn đụng độ với vẻ đẹp của chiếc váy dạ hội. Cô nhận thức được điều này và nóng lòng muốn nhanh chóng rời đi, để không bị những người phụ nữ khác  đang khoác những bộ áo lông đắt giá để ý đến cô.

Loisel tự kiềm chế mình.

"Chờ một chút. Em sẽ cảm thấy lạnh khi mở cửa. Anh sẽ đón một chiếc taxi."

Nhưng cô không nghe và vội vàng bước xuống cầu thang. Khi ra ngoài đường, không thể tìm thấy chiếc taxi nào; họ bắt đầu tìm kiếm, hét vào mặt những tài xế mà họ nhìn thấy đang chạy qua phía xa.

Họ bước xuống sông Seine, tuyệt vọng và rùng mình. Cuối cùng, tìm thấy trên cầu tàu một trong những cỗ xe ngựa cũ kỹ chỉ có thể nhìn thấy ở Paris sau khi trời tối, như thể chúng xấu hổ vì sự nhếch nhát của cỗ xe giữa ban ngày.

Xe ngựa đưa họ đến cửa nhà ở Rue des Martyrs, và thật đáng buồn khi bước vào căn hộ của mình. Đến lúc này là chấm dứt cho cô ta. Về phần anh, đang lo lắng phải có mặt tại văn phòng lúc mười giờ sáng.

Cô cởi bỏ áo choàng quấn trên vai, để nhìn thấy chính mình trong tất cả vinh quang trước gương. Nhưng đột nhiên cô ấy thét lên một tiếng khóc. Sợi dây chuyền không còn trên cổ cô nữa!

"Có chuyện gì vậy em?" chồng cô hỏi, đang cởi quần áo một nửa.

Cô quay về phía anh trong sự đau khổ tột cùng.

"Em... Em... Em đã mất vòng cổ của Bà Forestier ..."

Anh bắt đầu với sự ngạc nhiên.

"Cái gì!... Không thể nào!"

Họ tìm kiếm trong các nếp gấp trên váy của cô, trong các nếp gấp của áo khoác, trong túi, ở khắp mọi nơi. Vẫn không thể tìm thấy.

"Em có chắc vẫn còn mang nó khi rời khỏi bữa tiệc?"

"Vâng, em có sờ vào sợi dây chuyền lúc còn trong hội trường."

"Nhưng nếu em đánh mất trên đường phố, chúng ta đã nghe tiếng nó rơi."

"Có. Có lẽ chúng ta đã nghe. Anh có lấy số xe ngựa?"

"Không. Em có để ý không?”

"Không."

Họ nhìn nhau, sững sờ. Cuối cùng thì Loisel cũng mặc lại quần áo.

"Anh sẽ trở lại tìm những nơi chúng ta đi bộ, để xem thử có thể tìm thấy không?."

Anh bước ra ngoài. Cô vẫn mặc áo dạ hội, không có sức để xuống giường, co ro trên ghế, không còn ý nghĩ hay sức mạnh nào.

Chồng cô trở về khoảng bảy giờ sáng. Không tìm thấy gì cả.

Sau đó, anh đến đồn cảnh sát, đến các tờ báo, để đề nghị tiền thưởng, đến các công ty taxi, ở khắp mọi nơi mà một tia hy vọng đã thôi thúc anh.

Cô đã đợi cả ngày trời, trong tâm trạng hoang mang cùng cực trước thảm họa khủng khiếp này.

Loisel về nhà vào ban đêm, mặt mày tái mét; anh ấy đã không phát hiện gì.

"Em phải viết thư cho bạn em," anh  nói, "nói với bạn rằng em đã làm gãy khóa chiếc vòng cổ và đang sửa nó lại. Điều đó sẽ cho chúng ta thêm thời gian để tính toán."

Cô viết theo lời chỉ dẫn của anh.

Đến cuối tuần họ đã hết hy vọng.

Loisel, người đã già thêm năm tuổi, tuyên bố:

"Chúng ta phải nghĩ đến việc thay thế sợi dây chuyền kim cương."

Ngày hôm sau, họ lấy chiếc hộp đựng sợi dây chuyền và đến tiệm kim hoàn có tên bên trong. Ông tìm lại trong sổ ghi.

"Không phải tôi đã bán sợi dây chuyền này, thưa bà; chắc tôi chỉ cung cấp chiếc móc cài."

Sau đó, họ đi từ tiệm kim hoàn này sang tiệm kim hoàn khác, tìm kiếm một sợi dây khác giống sợi đã mất, cố lục lọi hình ảnh trong ký ức, cả hai đều mang hối hận và đau khổ tận thâm tâm.

Ở cửa hàng ở Palais-Royal, họ tìm thấy một sợi dây chuyền kim cương dường như giống hệt sợi họ đang tìm kiếm. Nó trị giá bốn mươi nghìn franc. Họ có thể mua với giá ba mươi sáu nghìn.

Họ cầu xin người thợ kim hoàn đừng bán nó trong ba ngày. Và họ sắp xếp các vấn đề với sự thỏa thuận có thể trả lại với giá ba mươi bốn nghìn franc, nếu có thể tìm được sợi dây chuyền cũ trước cuối tháng Hai.

Loisel sở hữu mười tám nghìn franc do cha anh để lại. Anh định hỏi mượn phần còn thiếu.

Anh bắt đầu vay mượn, nhận một nghìn từ người này, năm trăm từ người khác, năm đồng Louis ở đây, ba đồng Louis ở kia. Anh viết giấy nợ bằng tay, ký kết những thỏa thuận thua thiệt, làm ăn với những người cho vay nặng lãi và toàn bộ tộc cho vay tiền. Anh ta thế chấp toàn thể những năm tháng tồn tại còn lại của mình, mạo hiểm chữ ký mà không cần biết liệu mình có thể giữ lời hứa hay không. Kinh hoàng trước tương lai đau khổ, nỗi tuyệt vọng u ám sắp nhấn chìm anh, ý nghĩ phải trải qua mọi thiếu thốn về vật chất và dằn vặt về đạo đức có thể tưởng tượng được, sau cùng, anh ta đi mua sợi dây chuyền mới và đặt xuống quầy kim hoàn ba mươi sáu nghìn franc.

Khi Madame Loisel mang trả lại sợi dây chuyền cho Madame Forestier, người bạn nói với cô bằng một lạnh lùng: "Cô nên mang trả sớm hơn; tôi có thể cần nó."

Người bạn đã không mở hộp, như cô lo sợ. Nếu bạn cô nhận ra sự thay thế, chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn cô sẽ nói gì? Sẽ gán tội cho cô là tên trộm hay không?

Madame Loisel bắt đầu biết về cuộc sống khủng khiếp của tận cùng nghèo đói. Ngay từ đầu tiên, cô đã đóng vai anh hùng. Món nợ đáng sợ này phải được trả hết. Cô sẽ trả nó. Cho người giúp việc nghỉ.  Thay đổi chỗ ở; họ dọn vào một căn gác xép.

Cô biết được những công việc nặng nhọc trong nhà, những nhiệm vụ đáng ghét của việc bếp núc. Rửa sạch những chiếc đĩa, mài những móng tay màu hồng lên đồ gốm thô và đáy chảo. Giặt khăn trải giường bẩn, áo sơ mi và khăn lau bát đĩa, rồi treo chúng lên sợi dây để phơi khô; sáng nào cô cũng xách thùng rác xuống đường để mang nước lên, ngừng lại thở dốc. Ăn mặc như một người phụ nữ nghèo, đi đến người bán trái cây, đến người bán tạp hóa, đến người bán thịt, một chiếc giỏ trên tay, mặc cả, bị xúc phạm, tranh đấu cho từng nửa xu khốn khổ.

Các chi phí ghi chú hàng tháng phải được trả, những ghi chú khác được gia hạn, thời gian tăng dần.

Chồng cô làm việc thêm buổi tối, kế toán tài khoản của một thương gia. Ban đêm, anh ấy sao chép với giá hai xu rưỡi một trang.

Và cuộc sống này kéo dài mười năm.

Vào cuối mười năm mọi thứ đã được trả hết, tất cả mọi thứ, các khoản phí của người sử dụng và tích lũy lãi suất chồng chất.

Giờ đây, bà Loisel trông già hẳn đi. Bà  giống như tất cả những người phụ nữ mạnh mẽ, cứng cỏi khác trong những hộ gia đình nghèo. Tóc trông xấu xí, váy xộc xệch, bàn tay đỏ hoe. Bà nói với giọng chói tai, và nước chảy xuống sàn nhà khi bà cọ rửa nó. Nhưng đôi khi, người chồng còn ở văn phòng, bà ngồi bên cửa sổ và nghĩ về buổi tối dạ hội đã rất lâu, về cuộc khiêu vũ mà bà đã rất đẹp và rất được ngưỡng mộ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà chưa bao giờ đánh mất món trang sức đó. Ai biết? Ai biết? Cuộc đời thật lạ lùng làm sao, hay thay đổi làm sao! Sai một li, đi một dặm.

Vào một ngày chủ nhật, khi bà đang lang thang dọc theo đại lộ Champs-Élysées để bản thân thư giản sau những ngày làm việc trong tuần, bà bất ngờ bắt gặp một phụ nữ đang dắt một đứa trẻ đi dạo. Đó là Madame Forestier, vẫn trẻ, vẫn đẹp, vẫn hấp dẫn.

Bà Loisel nhận ra một số cảm xúc. Có nên nói chuyện với người bạn cũ không? Vâng chắc được. Bây giờ bà đã hết trả nợ, bà sẽ nói cho người bạn biết tất cả. Tại sao không?

Bà tiến tới. "Chào buổi sáng, Jeanne."

Người kia không nhận ra bà, và ngạc nhiên khi được một người phụ nữ nghèo xưng hô tên mình quen thuộc như vậy. "Nhưng... Thưa bà..." người bạn lắp bắp. "Tôi không biết... Chắc bà đã lầm người."

"Không ... tôi là Mathilde Loisel."

Người bạn bật  lên tiếng nấc. "Ôi!... Mathilde tội nghiệp em tôi, em đã thay đổi như thế nào!.."

"Vâng, em đã gặp một khoảng thời gian khó khăn kể từ khi gặp chị lần cuối; và nhiều nỗi buồn ... và tất cả đều do lợi ích của chị."

"Lợi ích của tôi!... Tại sao vậy?"

"Chị còn nhớ sợi dây chuyền kim cương mà chị cho em mượn để tham dự buổi khiêu vũ của bộ tổ chức không?"

"Vâng, nhớ, cũng tốt thôi?"

"Xui xẻo, em đã làm mất nó."

"Làm sao em có thể? Làm sao, em trả nó lại?”

"Em đã mang trả chị một dây chuyền khác, giống như dây đã mất. Và trong mười năm qua, chúng tôi phải trả tiền vay mượn để mua nó. Chị cũng biết, việc này không dễ dàng đối với chúng tôi. Chúng tôi không có tiền... nhưng cuối cùng thì cũng trả hết.  Em thực sự vui mừng."

Bà Forestier dừng lại. "Em nói em mua sợi dây chuyền kim cương để thay thế trả chị?"

"Phải. Chị không nhận ra điều đó sao? Nó rất giống nhau." Và cô mỉm cười trong niềm hạnh phúc đầy tự hào và hồn nhiên.

Madame Forestier, vô cùng xúc động, nắm lấy hai tay. "Ôi, Mathilde tội nghiệp của tôi! Nhưng dây chuyền của chị là hàng nhái, hàng giả, chỉ đáng giá năm trăm franc!.."