Tên đầy đủ là McKenna James Andrew Joseph, thuở nhỏ
học các trường St Patrick và St Dunstan, những cơ sở giáo dục Thiên chúa giáo ở
quê nhà. Sau đó, có một thời gian ngắn làm việc cho ngành hoả xa rồi thử nghề
viết báo trước khi chuyển về Ottawa làm thư ký tại công sở. Ông chăm chỉ công
tác nên không bao lâu được bổ nhiệm vào làm tại Sở Công tác Ấn Độ, và làm thư
ký riêng cho toàn quyền Sir John A. Macdonald. Ông làm công việc này trong mười
năm . Trong thời gian này, ông học luật và thành thạo trong lĩnh vực luật pháp
nên tiếp tục thăng tiến những năm sau đó. Cuộc đời công chức với nhiều biến
chuyển thời cuộc khiến ông không còn thời gian để viết lách. Tháng tư năm 1917
ông xin nghỉ và về sống tại Victoria. Tháng 2 năm 1918 ông in vài bài trên các
báo ở địa phương.
McKenna qua đời vì bệnh tim năm 1919.
Tác phẩm ông để lại không nhiều nhưng những truyện
ngắn của ông đều gây tiếng vang. Ngoài truyện ngắn, ông còn viết tiểu thuyết và
kịch.
Truyện ngắn giới thiệu dưới đây nguyên tác có tên
là Old Ghosts, đăng trên trang eastoftheweb.com,
là một trong hai truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông ( truyện kia là Hope and
Comfort. Tác giả khéo dẫn dắt người đọc lúc kể chuyện hiện tại lúc quay về quá
khứ, theo những diễn biến tâm lý của nhân vật chỉ có cái tên ngắn ngủi là Jim.
Ông già cô đơn và cô độc, ân hận về những điều đã làm lúc trẻ. Bút pháp lạnh
lùng bằng những câu cụt ngủn, tả cảnh để nói về tình. Cái kết là một lối thoát
cho nhân vật và cũng khiến người đọc thôi thấp thỏm trong cảnh ma quái âm u.
Đó là sinh nhật của Jim Brennan. Ông thức giấc vào
buổi sáng tháng tám ẩm ướt này, giật mình bởi âm vang tiếng chim hót vang khắp
khu vườn. Ông cứ nằm mãi, đầu óc rối bời gắn ánh mắt vô hồn vào mảnh giấy hoa
dán tường đã phai màu, đối diện chiếc giường bề bộn của ông, nơi ánh mặt trời
hắt ánh hồng lên.
“ Hôm nay sinh nhật mình đây”, rốt cuộc ông nhớ ra.
Mình đã bảy sáu rồi. Mau thật.
Ông trở dậy, đau mỏi khắp người. Trong bộ pyjama
sọc, ông ra đứng cạnh cửa sổ ngắm khu vườn. Có quá nhiều việc phải làm. Để đó
đã. Dạo này cỏ mọc um tùm, phải chi đừng đau lưng. Ngoài vườn ngập nắng, những
cây hồng đã bừng tỉnh. Cây hoa lão ông ( clematis ) vươn mình như đứa trẻ đang
lớn, còn luống cúc vạn thọ rực vàng khoe sắc.
“ Hôm nay sinh nhật mình.”
Từ nhà bên vọng đến tiếng chó sủa. Một con mèo
phóng lên bờ thành gắn mảnh thuỷ tinh lởm chởm dưới gốc cây táo, rình lũ chim
sẻ trong nắng sớm mai. Bên dưới cái lồng chim bị hư, một con chuột đang gặm mẩu
bánh mì bỏ lại từ hôm qua. Bóng đổ từ bờ rào khu vườn trở nên nhỏ bé co rút,
thẹn thùng tan trong nắng mai, vì sao cuối cùng mất dấu khi vầng dương xuất
hiện. Một ngày tháng tám ngột ngạt đã bắt đầu.
Jim Brenna, bảy sáu tuổi, ngồi trong bếp. Im lặng.
Toàn bộ căn nhà không một tiếng động, những thứ quanh ông không còn chút sinh
khí, mái nhà trĩu nặng, lò lửa đã tắt. Ông đưa bàn tay gân guốc phủi những mảnh
vụn bánh mì trên chiếc bàn nhựa và khi ông lê những bước chân loạng choạng, bụi
thêu dày vạt nắng. Ông lắng nghe sự trở mình thức tỉnh của một ngày mới, tiếng
tích tắc hối hả từ chiếc đồng hồ trên tủ, tiếng lạch cạch gợi nhắc từ hộp thư.
Ông Jim bước lên nhà trên lấy các hoá đơn rồi xem
tờ rơi quảng cáo hàng giảm giá và những kỳ nghỉ ở nước ngoài. Jim chưa từng rời
khỏi Ireland, chưa hề vượt biển. Đôi mắt mỏi mệt cố nhìn những bì thư cách một
sải tay. Không hề có thiệp mừng sinh nhật để thở phào một cái - những ngày này,
còn ai nhớ?
Quay trở lại nhà bếp quen thuộc, ông rọc thư xem.
Còn hơn không có gì, dù là giấy báo nợ thì ít nhất cũng có người liên lạc với
ông. Xem thư một hồi thấy chán, Jim nhìn ánh mặt trời hắt lại từ ấm trà cũ rồi
bỏ những lá thư chẳng mấy hay ho lại để đọc sau, ông đi châm thêm trà. Ông ngồi
và nghĩ về những sinh nhật ngày trước. Tiệc tùng chè chén say sưa, hát hò và
chúc tụng, người chết lâu rồi ai nhớ. Thời ấy ai còn nhớ.
Ông nói: Thời gian như bóng câu qua cửa sổ!
Ông đang nói với chính mình, hầu như ngày nào cũng
vậy - còn ai lắng nghe nữa chứ! Đồng hồ trên phòng khách điểm giờ, Jim mệt mỏi
đứng lên và chuẩn bị đón một ngày mới. Mở rađiô, toàn tin xấu. Trẻ em chết,
những cảnh đời bất hạnh, bệnh tật, chiến tranh. Ông mỉm cười khi quảng cáo chen
vào. Thế giới trở nên điên loạn, tàn ác, vô cảm, và dường như chẳng ai nhận
thấy. Ông chuyển đài, giọng ngoại quốc liến thoắng lảm nhảm trên sóng. Nói như húp
canh, tra tấn người nghe về các vụ lạm dụng trẻ em, chắc thế. Các phương tiện
truyền thông thích sỉ nhục người vô tội bằng những bản tin, những câu chuyện
nóng hổi. Khác hẳn thời xưa, dường như yên tĩnh hơn và trẻ em có thể chơi trên
phố. Thời xưa… đó là khi nào nhỉ? Thời của Ring -o - ring - o - rosy…
ông lẩm nhẩm bản nhạc thiếu nhi.
Jim mỉm cười, nhận ra vở nhạc kịch của Mozart và
vai nữ giả nam Cherubino đã cứu được buổi sáng. Ông thay đồ, đi dạo. Đội
chiếc mũ len có lưỡi trai, ông chống gậy ra cửa trước, coi lại cửa nẻo. Mọi thứ
đều đã được khoá kỹ. Khi căn nhà rệu rã phát ra âm thanh kẽo kẹt vào ban đêm,
Jim nghĩ đến bọn trộm và run rẩy tưởng tượng cảnh chúng lẻn vào khống chế
ông.
Thế giới lạ kỳ quá!
Đu đưa theo giai điệu bài hát, Jim mở cửa và thấy
Ellen đứng đó với nụ cười rạng rỡ.
“ Chúc mừng sinh nhật, Jim “
Chẳng ngạc nhiên nữa, Jim mỉm cười đáp lại rồi thở
dài vì thực ra Ellen không ở đó.
Ellen Kelly, mười bốn tuổi, tuần trước. Gần đây ông
thấy Ellen luôn. Nàng đã đi theo ông suốt quãng đường đến thư viện yên tĩnh hôm
qua và khi ông ngồi nghỉ trong Công viên Carolyn, cô đứng đợi ông dưới bóng
cây.
“ Em không quên được “, Ellen nói.
“ Anh biết, anh biết mà “.
“ Anh sẽ ra ngoài chơi chứ ? “
“ Nhưng không thể, Ellen. Em chết rồi mà.”
Mặt trời nghiêng trên đường, nghỉ chân trên nhà Jim
còn Ellen nhạt nhoà theo bóng nắng.
“ Tội nghiệp Ellen, “ Jim buồn bã thì thầm. “ Tội
nghiệp em yêu đã chết rồi.”
*
Jim tránh siêu thị. Nó quá phức tạp. Nhiều người
đang cố trả tiền cho mau để về nhà. Trẻ nhỏ khò khè lên cơn suyễn. Đám nữ choai
choai oang oang chuyện cần giải quyết gấp. Các cậu trẻ hói đầu, đeo vòng tai,
lấn tới, mắt mơn trớn từng đường cong. Không thèm liếc lại. Con gái đòi hỏi
nhiều hơn thế. Xe đậu bừa bãi, bon chen hết sức để kiếm ít tiền. Các bà nội trợ
vội vã, khởi động, nhấn ga, khói xe khét lẹt, những người phụ nữ được giải
phóng với rất ít sự thoải mái. Sự kiệt sức ở các siêu thị cùng quá nhiều sự lựa
chọn. Quá lớn. Quá hiện đại. Quá cô đơn với Jim.
Ông đến các cửa hàng nhỏ hơn, tán gẫu với người
quen, mua sữa, trứng và một ổ bánh mì nhỏ còn nóng hổi. Tới một đoạn nữa, bên
ngoài cửa hàng từ thiện, bà Barret ở số hai mươi chín gật đầu chào, hỏi:
“ Ông khoẻ không? “ bà nhìn ông đứng trong quầy, vẻ
săm soi.
“ Tuyệt, ơn Chúa. Còn bà? “
“ Không thể tốt hơn. “
Cuộc đời ngập ngụa lời lịch sự giả dối.
Jim trở về chỗ trú thân của ông già 76 tuổi lê chân
qua những con đường ngột ngạt nóng bức.
*
Ông ngồi trên chiếc ghế bành nơi phòng khách nhìn
ra đường. Chuông đồng hồ điểm mười tiếng. Ngày còn dài phía trước, dài theo nỗi
buồn bất tận của đời ông. Mười giờ sáng đáng sợ. Không có việc gì để làm, bên
ngoài các cô gái mặt mày sáng rỡ thì luôn vội vàng, nắng trên đầu, thời gian
trên tay. Những đôi chân nhún nhảy, vớ đen, váy ngắn, ngắn đến tội lỗi, gọi
mời.
Mừng là mình không còn trẻ nữa.
Jim khinh ghét thời gian này trong ngày. Quá nóng
để dạo ra vườn, ngồi không cũng chán, chẳng nghĩ được điều gì hay ho ngoài việc
lo bữa trưa. Ăn uống qua loa cho cả buổi chiều lê thê sầu rũ như con đường vắng
vô định. Jim cố đọc sách nhưng có đeo gương vẫn thấy kèm nhèm, không nhìn rõ
chữ.
“ Ellen,” ông khẽ gọi và tên nàng vang vọng trong
đầu ông như một hồi chuông.
Ellen Kelly, Kelly Ellen, Kellen Nelly.
Jim đùa vui cùng nàng. Mắt ông khép lại. Ông đang
chìm vào cơn mơ thì nghe tiếng loảng xoảng từ cái nắp đồng của hộp thư vẳng
đến. Jim chậm rãi đi tới trước, mở nhẹ cửa lớn. Ellen ở đó, mười lăm tuổi,
trông thật đáng yêu, rạng ngời dưới vạt nắng chiều, như phép mầu. Ellen Kelly,
nét mặn nồng tinh khôi thiếu nữ và trong sáng hồn nhiên trẻ thơ.
“ Anh không ra ngoài chơi sao, Jim ?”
Từ phía sau, một bóng ma khác trong hành lang tối,
mẹ của Jim, mỉm cười.
“ Ellen yêu quý, nó bận đi mua đồ hộ cô rồi.”
Jim, mười sáu tuổi, đang rạo rực niềm vui, mắc kẹt
ở giữa hai phụ nữ, đành im lặng, dù biết tâm hồn Ellen sẽ nhói đau.
“ Vậy em sẽ theo anh.” Ellen vẫn rất dễ thương,
luôn làm vừa lòng mọi người. “ Chúng mình sẽ cùng đi ra cửa hàng. Như thế được
chứ ?”
Mẹ đồng ý. Bà yêu thương Ellen, coi cô bé hàng xóm
ấy như con gái mình - một đứa con mà bà tới ngày tóc điểm bạc vẫn còn ao ước.
“ Tất nhiên là được, cưng.”
Jim và Ellen đi ra đường trong khi mẹ đứng ở cửa,
cứ vẫy tay mãi cho đến khi họ khuất phía bên kia cổng. Người mẹ nào chẳng lo
chuyện con cái qua đường, nhiễm bệnh. Nào lao, viêm phổi, bại liệt, sởi,
quai bị… là những bệnh quái ác. Thời ấy, nhiều người chết trẻ.
Jim và Ellen, đầu chụm vào nhau, lực hút tình yêu
kéo họ sát hơn, nói, cười, một đôi không lẫn vào đâu được. Say đắm nồng nàn.
Mái tóc đen mượt của Ellen loà xoà uốn quanh đôi tai nhỏ xíu dễ ghét. Nàng im
lặng và bình thản như chị Hằng.
“ Em sẽ yêu anh mãi mãi chứ ? “ Jim hỏi.
“ Mãi mãi và mãi mãi.” Ellen quả quyết, siết chặt
tay anh.
Trên đường về họ đi tắt, băng qua cánh rừng già
tháng tám. Một lối tắt dài. Vẫn nói chuyện, những lời nói của họ rời rạc bởi
những khoảng lặng, những giây phút nóng ran, lừng khừng đầy lo âu. Giữa một màu
xanh thẳm, họ ngồi xuống chỗ bóng râm và hôn nhau trong đám dương xỉ, một cách
ngây thơ. Họ đã hôn nhau như thế nhiều năm rồi.
*
Cuộc đời là một kỳ nghỉ hè cho đến năm Jim mười
bảy. Lúc đó, Jim đi đến Cork với cha. Chuyến đi vì việc kinh doanh. Cork thật
tráng lệ, thuyền bè nhấp nhô, những thánh đường uy nghi của thành phố cảng xinh
đẹp Cobh, rồi còn khách sạn Metropole. Sang trọng. Tiệc tối và món tráng miệng.
Cà vạt đen, xì gà nâu. Rượu gin và nước khoáng nặn thêm tí chanh. Giờ thì ở
Cork luôn là rượu gin không pha và kèm lát chanh làm nhạt phai ký ức trong Jim.
Chanh đắng.
Jim cùng bạn của cha. Một bữa tiệc nồng mùi son
phấn. Cha và một người bạn bỏ về sớm. Cha cảm thấy như mới kết hôn. Nháy mắt
kiểu trai tơ. Sợ chi. Cũng không chắc lắm.
Jim quay cuồng cho đến sáng với chiếc dây chuyền -
bông tai. Lên trên gác của căn nhà gỗ sồi, vào phòng, cô gái nói cha mẹ cô đi
vắng, còn Jim thì đã thấm say.
“ Để anh đỡ em lên giường”, Jim nói, hiểu rõ luật
chơi và biết khi nào có thể ăn gian.
Ellen mười sáu thoảng mùi của tình yêu và hoa hồng.
Cô gái này hai mươi và nồng mùi rượu gin. Tai đeo chuỗi ngọc, đá trong tim.
Trút xiêm y, vào phòng tắm. Jim đã gục ngã. Ellen mười sáu đã cho anh tất cả
trừ điều đó. Nàng quyết giữ cho đêm tân hôn. Jim muốn nhiều hơn thế. Ngọc ngà
và thú tính.
Lỗi tại tôi, Ellen, lỗi nặng tại tôi.
Cô tóc vàng đến Dublin với Jim đã thành đàn ông và
đang chìm trong mê đắm. Máu trên tuyết. Mười bảy, Ellen bị bỏ rơi như món đồ
quá hạn.
“ Anh không cần em nữa sao ? “
“ Không.”
Ellen cắn chặt môi. Mắt ứa lệ đỏ hoe.Tâm hồn khô
héo. Ellen nói lời tạm biệt.
“ Không, anh không thích em.” Jim tàn nhẫn bồi
thêm.
Jim đã quyết định một cách lạnh lùng. Nàng Ellen bị
tình phụ vẫn âm thầm chờ Jim bớt trẻ con, chín chắn hơn.
*
Năm sau, anh dẫn cô ngọc trai đi nghỉ, chẳng hề có
lời tạm biệt Ellen xanh xao, mười tám, cô đơn, da vàng vì bệnh lao đang gặm
nhắm lá phổi, còn tình yêu phũ phàng làm tan nát trái tim. Ellen trong trắng
ngây thơ như cánh hoa xác xơ trên cỏ, lặng lẽ ra đi. Với nàng Ellen trinh nữ,
mũ cô dâu là vòng hoa đầy gai nhọn. Mạng che mặt thêu bằng nước mắt.
Ellen ngã bệnh. Ngày Jim trở về, những ngón tay run
rẩy co quắp và gương mặt già nua đẫm lệ của mẹ chào đón anh.
“ Tội nghiệp Ellen”, mẹ thều thào. Tôn trọng người
đã khuất.
Jim bừng tỉnh.
Muộn rồi.
Máu đen đã ứa ra nơi khoé môi Ellen. Những bông hoa
băng giá trên mộ. Lá úa tan tác trong gió lạnh, bay đầy trời trút xuống mảnh
đất Ellen nằm. Không còn nụ hôn nồng nàn ấm áp và con tim rộn rã chất ngất yêu
thương. Ellen mười chín, nàng trinh nữ mười chín, không bao giờ hai mươi. Mẹ
phía sau quan tài, mẹ trong ngôi mộ của chính mình, về nơi chín suối. Và trời
đổ mưa, mưa, mưa, suốt năm mươi năm dài, không tạnh từ ngày ấy.
Người yêu vĩnh viễn rời xa.
*
Tiếng chuông đồng hồ. Đinh đong. Một. Đinh. Hai. Và
cứ thế.
Jim vật vã cơn mơ. Ông gọi tên nàng trong đêm tối.
“ Ellen? “
Bóng đỏ thẳm sâu im lặng như lời giã biệt khắc
khoải từ miệng người sắp chết. Nghĩa trang đá cẩm thạch hệt những đôi
môi, lạnh băng. Sỏi đá rêu phong. Kỷ niệm trở lại rời rạc nhưng sống động trong
ông, ký ức choán lấy, lấp đầy và ám ảnh hiện tại. Rùng mình, run rẩy, Jim tiến
về phía cửa sổ ngập nắng. Xoa xoa bàn tay gân guốc. Cầu nguyện. Sau đó, ông
chuẩn bị bữa ăn trưa. Cà chua và thịt nguội. Ông mơ mơ màng màng cảnh xế chiều.
Trên đài phát thanh, một giọng nữ hát bài Four Last Songs. Không
cần phải hiểu lời.
Nỗi buồn sao ngọt ngào đến vậy. Ai nói điều đó nhỉ ?
Hoàng hôn. Ông ngồi ngóng
tiếng chim muông lúc mặt trời lặn. Không có gì để xem ngoại trừ chim két và
chim sẻ, không có gì để nghe, ngoại trừ tiếng cánh bướm.
Rất lâu sau đó, đồng hồ trong
phòng khách đổ mười hai tiếng. Đêm đến, nóng bức.
Trườn lên chiếc giường trống,
Jim tắt đèn rồi nhìn những cái bóng chen chúc lộn xộn trên những mảng tường dán
giấy hoa. Những vì sao hắt ánh lên gương mặt u ám của ông. Trăng tháng tám
chiếu qua cửa sổ. Dịu nhẹ êm đềm như sự tĩnh lặng, im ắng như hoa táo rơi, ngọt
ngào như lúm đồng tiền trên má Ellen khi cười. Ellen đứng đó, bên cạnh giường
ông cùng nụ cười mừng vui pha lẫn buồn tủi. Ellen thuỷ chung đang chờ đợi.
“ Bây giờ anh có cần em không?
“
“ Có, lạy Chúa nhân từ, có. “
Ông nói, “ Giờ anh có thể đi
rồi. Ellen, nếu em muốn. Rốt cuộc, anh chết là đúng.”
“ Em rất vui. Em đã chờ đợi
suốt một thời gian dài đằng đẵng.”
Jim nâng mình khỏi giường, bỏ
lại bảy mươi sáu năm trời trên chăn gối, bay vút qua ánh trăng với Ellen trong
vòng tay, như sao chổi vào cõi Vĩnh hằng, trong khi chiếc đồng hồ phòng khách
đã chết.
Mãi mãi và mãi mãi.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( tháng 9/1023 )
Nguồn:
https://www.eastoftheweb.com/short-stories/UBooks/OldGhos.shtml