Trịnh
Y Thư
ĐƯỜNG VỀ THỦY PHỦ
(Trích đoạn 1-3)
1.
Tôi
thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã. Tôi ao ước có
một mũi dao nhọn sắc lẻm cho tôi ấn sâu vào ngực gã với động tác êm nhẹ, từ tốn
để trái tim gã khi bị mũi dao đâm thủng vẫn không hay biết đang bị đâm mà vẫn
hân hoan đập những những nhịp đập hối hả như sợ ngày mai không còn được đập.
Tôi thấy khuôn mặt tôi đanh lại, tiếng nói tôi nhỏ nhẹ như thì thầm với trái
tim của gã. Trái tim ơi, sau phút giây này mi sẽ vĩnh viễn nằm im trong cái lồng
ngực thâm u mông muội ấy và ngàn đời mi chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng của
trí huệ. Mi sẽ nằm mãi trong cái ngục tối ấy cho đến khi vũ trụ này tan biến trở
về cõi huyền tẫn mịt mù như thuở hồng hoang khi vạn vật mới chỉ là khối cát bụi
hỗn huyễn, ngu ngơ. Mi sẽ không còn khả năng nhân danh những điều diệu kỳ, cao
đẹp hay bất cứ cái gì để thỏa mãn lòng tham đê hèn vô độ của mi. Sẽ không có
luân hồi cho mi, sẽ không có kiếp nào cho mi nữa, mi sẽ không bao giờ đầu thai
lên cõi trần làm bất cứ sinh vật gì. Mi sẽ đời đời kiếp kiếp nằm sâu trong ngục
tối của cõi a tỳ để ăn năn sám hối về những gì mi đã gây cho ta.
Nhưng tôi chẳng thể nào giết chết gã nhà
văn bằng mũi dao nhọn như thế được, bởi tôi chỉ là người con gái chân yếu tay mềm,
và quan trọng hơn, giết gã như thế, máu từ vết thương trên người gã sẽ bắn vọt
ra làm ô uế tấm áo lụa màu trắng tinh khiết trên người tôi. Và bởi tôi chỉ là ảo
ảnh. Tôi chỉ hiện hữu trong thần trí tưởng tượng của gã, một thần trí tưởng tượng
chẳng liên quan gì đến suy nghĩ trong đầu óc tôi lúc này. Tôi thù gã chỉ vì gã
đã ném tôi ra ngoài thế gian này như ném một món đồ phế thải.
Đã đến giờ ăn tối, từ hành lang tiếng
chuông báo hiệu ré lên như xoáy óc kéo tôi về thực tại, tôi đang ở trong tù và
trên người tôi là chiếc áo tù bằng vải thô nhám màu xám xỉn chứ không phải chiếc
áo lụa trắng cố hữu tôi mặc từ ngày gã cho tôi ra đời. Tôi vào đây hơn sáu
tháng rồi. Có những điều tôi chẳng nên nói về đời sống tù, bởi nó nằm ngoài mọi
tưởng tượng của tôi. Nhưng thật ra cái bẩn thỉu, xấu xí trong này chỉ là sự nén
ép đậm đặc đến tối đa cái bẩn thỉu, xấu xí ngoài kia thôi. Nơi nào cũng là nhà
tù, tôi chẳng có chọn lựa nào khác một khi tôi bị ném ra ngoài thế gian.
Cửa xà lim xịch mở, tôi nhỏm dậy thò đầu ra
ngoài. Hình như tất cả các cái đầu đều không hẹn thò ra cùng lúc. Tù nhân lũ lượt
theo nhau đi về phía phòng ăn, tiếng cười, tiếng nói chuyện râm ran. Toàn nữ tù
bởi trại tù này là nơi giam giữ phụ nữ phạm tội hình. Trước đây họ là những người
con gái với tất cả những ước mơ đẹp đẽ. Cũng có thể họ là những bà mẹ đảm đang
thương chồng, thương con. Nhưng rồi chuyện gì xảy ra và họ bị lùa vào đây sống
như bầy súc vật, tôi nói thế bởi lý do giản dị là bản năng súc vật của họ không
thể không chui ra từ đáy sâu bản ngã họ, gầm gào múa nanh múa vuốt để sinh tồn
trong vũng bùn nhầy nhụa hôi tanh này. Họ chẳng là con người cả đấy ư? Nhưng một
khi biến thành súc vật rồi, linh hồn họ còn không? Họ còn cơ hội quay trở lại
làm người không? Hay cuộc sống vẫn mãi thản nhiên trôi chảy? Quả thật tôi không
tin tưởng gì cả vào sự tốt lành của cuộc sống và sự hiện hữu của tôi nơi đây,
trên thế gian này, hoàn toàn là không do chủ ý của tôi.
Tôi ra nhập bọn tù, cúi gằm đầu vừa đi vừa
nhìn mũi đôi giày vải dưới ống quần vải rộng rung rinh theo nhịp chân mình. Bỗng
nhiên tôi có cảm giác có ai khều nhẹ vai tôi. Tôi quay lại nhận ra con nhỏ tù
da trắng mặt đầy tàn nhang. Nó vào đây với cái án hai năm như tôi chỉ vì tội ăn
cắp vặt. Nó thì thầm vào tai tôi:
“Mày cẩn thận, đêm nay chúng nó định làm thịt
mày đấy.”
Tôi biết chúng nó ở đây là ai và định giở trò gì với tôi. Tôi gật đầu cám ơn con nhỏ rồi tiếp tục lầm lũi đi về phía phòng ăn. Con nhỏ đã bị chúng nó làm thịt và bây giờ đến phiên tôi. Đấy là quy luật của cuộc sống, tôi phải tập tính chai lì thôi bởi tôi không có cách nào thoát ra khỏi cuộc sống ấy, một cuộc sống tôi kinh tởm đến cực độ. Càng nghĩ tôi càng thù ghét gã nhà văn.
2.
Công
bằng mà nói thì thời gian đầu hiện hữu trong cuộc sống này, đôi lúc tôi có cảm
thấy hạnh phúc. Gã nhà văn làm nghề dạy học, mặc dù gã ghét cay ghét đắng cái
nghề đó. Buổi tối gã đưa tôi đi ăn tại những nhà hàng đắt tiền rồi về nhà làm
tình với tôi. Thời gian gần đây gã lôi tôi đi khắp nơi, mỗi nơi chỉ ở dăm ba bữa
rồi lại leo lên xe tiếp tục rong ruổi trên những con đường vắng vẻ, sâu hun
hút. Có những con đường với hai hàng cây cổ thụ san sát nhau đan thành cái vòm
trên cao trông như họng một con quái thú đang nuốt chửng chúng tôi vào. Tôi hỏi
gã mình đang đi đâu nhưng bao giờ gã cũng ném sang tôi câu trả lời chẳng hợp
tình hợp lý chút nào. Ngồi sau tay lái chiếc xe jeep cũ kỹ nhưng nhiều mã lực của
gã, mặt gã lầm lì trông dễ sợ, lâu lâu gã liếc sang tôi như canh chừng xem tôi
có hành vi đáng nghi nào không như mở tung cửa xe rồi buông người rơi xuống vực
sâu trong lúc chiếc xe đang bám đường đèo với tốc độ đáng sợ. Nhưng cũng có lúc
xe chạy với tốc độ đều đều trên một đoạn đường thẳng tắp, gã đưa bàn tay phải
sang đặt lên đùi tôi bóp nhẹ. Mấy lần tôi hất tay gã ra nhưng gã trơ trẽn lắm
và cuối cùng tôi đành chịu thua để hắn mặc tình xoa bóp đùi mình. Chạy mãi cũng
chán, gã bảo tôi như ra lệnh:
“Tối nay mình ngủ đêm ở đây.”
Gã dừng xe trước một cái khách sạn khá đẹp
nằm trông ra biển. À, thì ra chúng tôi vừa vượt một cánh rừng phong bát ngát và
đã ra đến bờ biển. Hoàng hôn đang xuống dần. Vài con hải âu và cả bồ nông biển
bay là là trên mặt nước kiếm mồi. Một đàn vịt trời trên chục con líu ríu dắt
díu nhau trên bãi cát nâu, vừa đi lạch bạch vừa ve vẩy những chiếc đuôi ngắn ngủn
như vẫy chào tôi. Tôi quấn mảnh khăn lụa che mái tóc rồi bước ra ghềnh đá đen
đúa sát gần mực nước. Sóng biển vỗ tung tóe vào ghềnh đá dưới chân tôi. Đang là
mùa hè nhưng gió biển vẫn lạnh căm. Tôi không biết đây là đoạn biển nào, ở đâu,
chỉ biết phong cảnh xung quanh trông hoang sơ, vắng vẻ lắm. Bên cạnh cái khách
sạn không quá mươi phòng chúng tôi ngủ đêm nay là một quán ăn nhỏ lụp xụp le
lói ánh đèn, xa hơn tí nữa vài nóc nhà rầu rầu ẩn hiện dưới làn sương lam chiều
lờ mờ, ảm đạm. Gió biển thổi tung bay phần phật chiếc áo lụa trên người tôi.
Gió biển cũng đem theo vị mặn hôn lên má lên môi tôi và đám mây hồng nương theo
ráng chiều sà xuống như đòi làm tình với tôi. Những đám mây suồng sã nằm sõng
soãi vắt ngang nền trời chiều khiến tôi thèm được yêu, ngay nơi đây, ngay lúc
này.
Để hiện hữu trong thần trí tưởng tượng của
gã tôi phải biết yêu cảnh đẹp như cảnh biển chiều tà này bởi gã là nhà văn,
nhưng gã đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, đó là sau khi tạo dựng nên tôi, thay
vì cất tôi vào ngăn kéo thì gã lôi tôi ra đời sống này. Nằm yên trong ngăn kéo
tôi sẽ ngủ yên nhưng bên ngoài đời sống tôi có đời sống riêng của tôi và điều tất
yếu xảy ra là tôi nổi loạn. Tôi nổi loạn với chính kẻ đã tạo dựng nên tôi. Gã
biết điều đó. Và gã chấp nhận cuộc sống bất an có tôi bên cạnh.
Có lần tôi hỏi gã lúc nằm trần truồng bên
nhau sau khi làm tình:
“Tại sao anh cho em ra đời?”
“Tại vì anh sợ cô đơn.” Gã trả lời sau chừng
ba giây ngẫm nghĩ.
“Tại sao anh không tìm một người đàn bà
khác, một người đàn bà bình thường có thể cảm thông anh và cùng là đồng loại với
anh? Em chỉ là hình bóng ảo của anh thôi.”
“Không người đàn bà bình thường nào kham nổi
anh.” Gã nói giọng trầm trầm. “ Người đàn bà nào đến với anh cũng chuốc lấy sự
khổ đau. Tốt hơn anh chỉ nên sống với ảo ảnh.”
“Anh nghĩ như thế là đúng. Nhưng anh có biết
em cũng khổ sở lắm mặc dù em chỉ là ảo ảnh của anh. Em không thích cuộc sống
ngoài đời này chút nào, nó xấu xa vô cùng. Em thù anh lắm vì anh đã lôi kéo em
ra ngoài này. Em chỉ thích sống trong tiểu thuyết của anh thôi.”
“Anh biết thế gian này không phải là chốn của
em nhưng anh không thể thiếu em. Em ở bên cạnh anh như thế nào, anh không cần
biết.”
“Nhưng anh phải biết sống như vậy chỉ làm
khổ nhau.”
“Sống với nhau là làm khổ nhau. Điều đó từ
muôn kiếp trước nơi cõi trần này đã là như thế, không phải bây giờ mới có. Anh
xin lỗi em đã đem em ra ngoài này. Bây giờ chỉ có cái chết mới chia cách hai đứa
mình ra khỏi nhau thôi.”
“Em không nghĩ thế. Ngay cả trong cái chết
anh cũng không tha cho em đâu.”
“Có lẽ thế... Vì anh yêu em...” Gã bỏ lửng
câu nói nhưng lúc đó tôi tin gã nói thật. Chỉ lúc đó thôi.
Con người gã là cả một nghịch lý. Nói yêu tôi nhưng đêm đêm gã thường xuyên bỏ nhà đi ngủ với những người đàn bà khác. Nửa đêm lúc gã về nhà tôi ngửi thấy mùi đàn bà ngai ngái trên người, trên tóc, trên môi gã. Tôi bảo gã phải đánh răng, gội đầu, tắm rửa thật kỹ nếu muốn vào giường ngủ chung với tôi. Gã có vẻ ân hận, vào phòng tắm tắm rửa kỳ cọ thân thể lâu lắm trước khi leo lên giường ôm tôi ngủ. Tôi bảo con người gã đầy nghịch lý, nói cô đơn nhưng không lúc nào ngơi nghỉ đi tìm đàn bà. Gã bảo chính vì sợ cô đơn nên gã mới làm như thế và càng say mê đàn bà gã càng cô đơn. Ngay cả lúc có tôi. Tôi bảo gã tôi chỉ là ảo ảnh, sẽ có lúc tôi tan biến khỏi cuộc đời gã mà không hề báo trước. Gã cười cười bảo tôi sự hiện hữu của tôi nằm trong thần trí tưởng tượng của gã, một khi gã không cho tôi bước ra khỏi khối óc sắp đặc cứng, kín mít như cái xà lim nằm sâu dưới đất của gã thì tôi như bị giáng lên đầu bản án chung thân trong cái nhà tù ấy. Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Làm sao tôi giết chết gã bây giờ? Chỉ có cách giết chết gã tôi mới thoát ra khỏi cái nhà tù khiếp đảm ấy thôi.
3.
Gã
khoác áo ngoài rồi mở cửa phòng bước ra ngoài đi dạo. Còn lại một mình trong
căn phòng lạ bên bờ biển hiu quạnh, tôi không biết mình đang ở đâu trên mặt
hành tinh này. Sự thanh vắng của vùng biển lạnh lẽo heo hút càng khiến tôi thấy
cô độc. Cuộc sống này có gì vui đâu mà người ta thèm sống đến thế? Tôi tự hỏi
trong lúc dõi tia mắt qua ô kính cửa sổ nhìn những cánh hải âu chao lượn ngoài
trời. Câu hỏi có lẽ đã được nhiều người hỏi trước tôi. Có lẽ nó là câu hỏi có từ
khi con người mới bắt đầu có ý thức về cuộc sống, và bởi thế tôi không nên tìm
kiếm câu trả lời. Làm gì có lời giải đáp cho một câu hỏi như thế. Chỉ hoài
công. Thu hẹp lại một chút, tôi tự hỏi tôi muốn gì nơi cuộc sống này, những
khao khát của người đàn bà trong tôi là gì, rồi ngay cả những ước mơ, những đòi
hỏi thầm kín, tôi cũng hoàn toàn mù mờ, tất cả như đám mây chiều hư ảo hỗn độn
ngoài kia. Tôi vẫn ngủ với gã nhà văn hằng đêm. Gã vẫn làm tình với tôi mặc dù
tôi biết gã có những người đàn bà khác. Nhưng điều ấy có gì là hệ trọng lắm đâu
khi tôi chỉ là hình bóng ảo của gã. Quan hệ giữa tôi và gã dựa trên cái gì
không thật và cho dù nó có thật đi chăng nữa, đến lúc nào đó nó cũng tàn phai,
hoang lạnh như khu nghĩa trang với những nấm mồ quanh năm không người thăm viếng.
Có tiếng gõ cửa phòng. Tôi vén màn cửa sổ
nhìn ra. Bà chủ quán ăn đem cơm sang cho chúng tôi. Tôi mở cửa cho bà bước vào
với hai phần cơm tối thanh đạm gồm cá chẽm hấp với măng tây và xà lách trộn giấm.
Bà đặt hai phần ăn xuống bàn, rút từ giỏ đeo chai vang trắng rồi quay sang tươi
cười hỏi tôi cần gì thêm không. Tôi lắc đầu giúi vào tay bà vài tờ bạc lẻ. Bà cảm
ơn rồi quày quả bước về quán ăn. Bà phải là người sống hạnh phúc. Gương mặt tròn
trĩnh sáng sủa vô tư lự như trăng rằm của bà cho tôi biết như thế. Bà sống giản
dị như đám cỏ hoa dại trên triền núi ngoài kia. Chắc bà chẳng bao giờ thắc mắc
lý do tại sao chồng mình đêm nay không yêu mình. Bà sống thật với đời sống này
nên bà hạnh phúc. Chẳng lẽ hạnh phúc lại giản dị tới mức đó sao? Nếu thế tại
sao người ta phải tốn biết bao giấy mực để nói về hạnh phúc mà chẳng bao giờ
tìm ra lời giải đáp?
Khi sắc trời ngả sang màu tím thẫm gã nhà
văn mới quay về phòng. Tôi nghe hơi thở gã có phần gấp gáp, hổn hển, có lẽ gã
đi bộ khá nhiều chiều hôm nay. Thấy tôi ngồi bất động bên hai phần cơm đã nguội
lạnh, gã bảo tôi:
“Sao em không ăn trước, đợi anh làm gì.”
Tôi ghét cay ghét đắng câu nói ấy của gã. Một
câu hỏi mà cũng có thể là một mệnh lệnh. Tại sao tôi không ăn trước? Tại sao
tôi phải đợi gã về ngồi xuống chung bàn vừa ăn vừa chia sẻ với tôi một câu chuyện
vu vơ nào đó hay nghe tôi nói huyên thuyên những chuyện đàn bà của tôi? Tại sao
gã không nhìn ra sự thật vô cùng đơn giản đó? Hạnh phúc của tôi chỉ có thế thôi
sao gã không cho tôi được? Tại sao gã vô tình đến độ không biết ra những khao
khát tầm thường ấy của tôi? Gã làm nhà văn để làm gì? Gã viết ra những điều cao
siêu khó hiểu làm chi trong khi tôi chỉ mong gã cho một cử chỉ, một câu nói tầm
thường chứng tỏ gã có quan tâm đến những khát vọng của tôi.
Khát vọng của tôi biến thành thất vọng bởi
gã bỏ tôi ngồi đấy, cởi khăn quàng cổ và áo khoác ngoài rồi vào phòng tắm, đóng
chặt cửa. Tôi ngồi nghe
tiếng động gã tắm rửa. Khi gã bước ra mình trần với chiếc khăn lông trắng vắt
trên vai thì tôi đã chui vào chăn nằm co ro như con mèo. Gã lại bàn mở nút chai
vang cầm nguyên chai tu một hơi rồi cũng chui vào nằm cạnh tôi. Tôi vùi
mình trong chăn ậm ừ trong cổ họng khi gã hỏi tôi có ngủ được chút nào
không. Gã đặt tay lên bờ vai tôi, cúi xuống hôn nhẹ lên mái tóc tôi và nằm
xuống gối dỗ giấc ngủ. Khi tiếng ngáy mệt nhọc của gã bắt đầu vang lên đều đặn
thì tôi ngồi choàng dậy chống tay nhìn ngắm gã. Từng nét một, trong ánh
sáng lù mù của ngọn đèn đêm, thật khó đoán gương mặt của con người sống gần hết
đời người. Gã có mãn nguyện với cuộc sống của mình không? Gã có bao nhiêu lần
thật hạnh phúc trong đời? Gã yêu điều gì nhất ở con người? Gã có yêu tôi hay
chỉ tỏ vẻ? Tôi nhìn đôi mắt bòng bọng nhắm nghiền, cái miệng hơi trễ
xuống mệt mỏi tuy nét môi còn rất đẹp. Tôi đưa ngón tay di nhẹ vòng vòng
trên trán gã, thấy thương vầng trán bôn ba với những nốt đồi mồi của năm tháng,
xót mái tóc chỉ còn lơ thơ buồn như những cọng cỏ úa. Tôi ngắm nhìn gã,
nhìn mãi, thấy thương một kiếp con người.
Gã tỉnh giấc, còn tôi vẫn chưa ngủ. Ngoài trời gió bắt đầu vần vũ gầm gào như con quái thú nổi cơn thịnh nộ, căn phòng nép xuống như chịu trận. Gã choàng người âu yếm tôi, bộ não tôi lại liên tục giáp chiến như kẻ tâm thần phân liệt giữa hạnh phúc và ê chề. Có phải hai tâm hồn đang thật sự cô đơn nương dựa vào nhau ở miền hư ảo? Tôi không biết nữa. Hai chân tôi khép lại nhưng rồi dang rộng ra hết mức khi gã đưa tay xuống dưới. Trong lúc gã đi vào tôi, đầu tôi hất ra đằng sau, hai mắt nhắm nghiền và tôi cố trôi theo dòng nghĩ tôi là người đàn bà của gã.
–
Trịnh Y Thư
(Trích đoạn tiểu thuyết Đường về thủy phủ).