Chìm trong sâu thẳm trang
kinh
Bỗng nghe trỗi dậy chút tình
thế nhân
(ĐVK, 2005, Sáng muôn trăng, tr.78)
Nhận bản thảo tập truyện và ký đầu tay Ám ảnh đơn thân của nhà thơ Đoàn Văn Khánh, thật sự tôi không ngạc
nhiên nhưng cảm động. Bởi năm năm nay, trên tập san văn học nghệ thuật Quán Văn
(QV), văn xuôi Đoàn Văn Khánh vẫn thỉnh thoảng xuất hiện. Mỗi ghi nhận, mỗi mảnh
đời góp mặt cho bức tranh nhân thế trong tập truyện và ký của ông là những
trang viết ân tình, thật gần gũi, thật dung dị tự nhiên và không cảm động sao
được khi bàng bạc trong mười một truyện ngắn, mười một ghi chép vừa phóng sự vừa
hồi ký của người nằm trong nhóm chủ trương QV, trang nào cũng thấp thoáng khuôn
mặt buồn vui chính mình, đâu đó bóng dáng từng bạn bè yêu thương và những khoảnh
khắc đời nhau trong cõi nhân sinh vô thường “thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (Thị đệ tử - Vạn Hạnh). Thoạt lướt qua, xét
chiều kích dung lượng các truyện có vẻ chỉ là những câu chuyện thường nhật
không có gì to tát nhưng gói trong nó không ít oái oăm, không thiếu nghiệt ngã
của từng kiểu người, từng lớp người trong xã hội hôm nay như bức tranh vân cẩu,
cứ thế mà đi qua lăng kính không xám xịt cũng không rực hồng nhưng là chính nó
với tất cả buồn vui vinh dự lầm than của kiếp người… nhờ độ lọc tinh nhạy, từng
trải, giàu đức tin và ấm nồng yêu thương cuộc sống của người viết.
Từ địa hạt thi ca, quen chắt chiu từng khuôn vần, dồn nén từng khoảnh
khắc cảm xúc bắt gặp qua một nhãn tự, nột hình ảnh chọn lọc, nay do nhu cầu ghi
nhận lại các sinh hoạt của QV, Đoàn Văn Khánh đã đặt chân sang văn xuôi từ QV số
20, với những ghi chép đầu tiên trong Bước
tới xuân hồng trình làng tháng 1 năm 2014. Đây cũng là số tất niên, cuối
năm, không chỉ anh em văn nghệ sĩ trong nước tham dự, mà nhân dịp tết cổ truyền,
nhiều bạn đọc bạn viết từ nước ngoài về thăm quê cũng hoan hỉ đến góp mặt. Lần
sinh hoạt này, có thêm nhiều khuôn mặt mới, trẻ trung, đầy hứa hẹn một mốc chuyển
hướng rộng mở đối tượng bạn viết, bạn đọc của QV. Bài ký pha bóng dáng tự sự đầu
tiên mở cho người đọc thấy một Đoàn Văn Khánh tài hoa uyển chuyển trong dẫn
chương trình các buổi sinh hoạt văn chương như thế nào thì ngòi bút của ông
cũng đa dạng nhiều chiều khi những sự kiện rời rạc tưởng không liên quan gì nhau
trong đời sống cũng được tác giả kết nối tài tình trong một cấu trúc. Hoá ra,
việc gì cũng có nhân và quả, trùng trùng liên đới, ràng buộc quy định lẫn nhau
nhân-quả, quả -nhân. Chỉ tám trang rưỡi giấy mà ngồn ngộn sự việc, chi tiết,
tình tiết lẫn nhiều đoạn trữ tình ngoài đề, khi hóm hỉnh, khi hồn nhiên, khi
chùng xuống đầy cảm xúc ngậm ngùi nao lòng người đọc, mở ra những trường liên
tưởng mới, sâu lắng hơn cái vỏ ngoài âm thanh từ ngữ đơn nghĩa ấy. Mùa xuân hoa
lá cây cỏ rạo rực, phong tục tập quán dân tộc ngày Tết cổ truyền hôn tang bao đời
cũ - mới được - mất, với người sống, với người chết, vừa hiện thực vừa cảm nhận,
rồi chuyện bạn xa bạn gần, bạn văn chương… Từng khuôn mặt, từng tính cách lẫn từng
sự kiện nổi bật, mới nhất được thu gọn trong tích tắc cảm xúc có tên gọi cụ thể,
đích danh làm tính hiện thực của thể ký nổi lên đậm nét. Một Trần Thiện Hiệp, một
Chu Trầm Nguyên Minh, một Khuất Đẩu… vừa “tạm bình ổn thị trường sức khoẻ”
(tr.80) và chuyện nhà, chuyện QV… cứ tuôn trào như dòng sự kiện hối hả những
ngày cuối năm. Tôi vẫn không sao quên cảm xúc khi đọc bài ký nhiều chất tự sự
này năm năm xưa, giữa bộn bề cảnh-người-việc ấy, tác giả vẫn không quên chen
vào một đoạn độc thoại ngùi ngùi trìu mến chạnh tưởng người bạn đời tấm mẳn đã
đi xa: “Lại một cái Tết nữa sắp đến nhưng mùa xuân có đi kèm theo không thì
chưa biết. Dung bặt bóng đời lấp xấp bốn năm chắc đã thôi lạ lẫm cảnh trí mới ở
chốn vĩnh hằng. Nơi đó hẳn là hợp với bản tính chân phác, đôn hậu của em. Không
giả trá, lọc lừa, kênh kiệu, môi miếng như chốn trần gian, em nhỉ? Cửa hàng mã
chỉ bán độc áo dài kiểu cổ. Chẳng có chiếc váy model nào hết. Chắc mai anh phải
gửi trước ít vải vóc, tiền đô cho em kịp may sắm chút điệu đàng với xuân chứ để
mùng ba mới hóa vàng thì đâu còn Tết nữa…” (tr. 79)
Chỉ bảy dòng thôi, chân dung người hiền thê chân phác, đôn hậu và
chắc là dịu dàng xinh đẹp nữa hiện lên thật đằm thắm, cạnh hình ảnh một ông chồng
chu đáo hết lòng quan tâm vợ qua những tính toán sắm sửa cho nàng cứ như không hề
có ranh giới âm dương. Giọng kể theo trình tự thời gian có vẻ rất bình thường
như quy luật tuần tự ngày tháng năm, song qua những thì thầm đối thoại cùng quá
khứ không thể tìm lại được ấy, người đọc giàu tưởng tượng còn có thể hình dung
cả những chuỗi ngày êm đềm hạnh phúc mà hai người từng có… Riêng ba câu cuối, đọc
mà không khỏi bật cười vì cách nói dí dỏm nghịch vui, thật thật giỡn giỡn chứa
chan âu yếm, nhưng khi dấu chấm xuống hàng qua rồi…, sao mắt lại cay cay…
Phong cách văn xuôi “truyện lồng truyện” rất Đoàn Văn Khánh cả trong
ký và truyện ngắn xuyên suốt tập Ám ảnh
đơn thân chúng ta đang cầm trên tay xin tạm gọi vui là “N trong một”. Ranh giới không gian và thời
gian nhiều khi nhảy cóc hoặc được xoá nhoà miên man xuyên suốt trong dòng độc
thoại nội tâm nhiều trăn trở, cật vấn của người trần thuật – cũng chính là nhân
vật xưng ‘tôi” – đã gây ấn tượngtừ bài ký đầu tiên này với tôi.
Mỗi
chuyến đi, ngoài mục đích “đi cho biết quê hương”, tìm hiểu thực tế, thư giãn
‘trị liệu nhóm” (tên một truyện ngắn của nhà văn Italia Elena-Trương Văn Dân dịch),
gắn kết những cây bút đã có duyên đến và chấp nhận trụ lại chia ngọt sẻ bùi cùng
Quán Văn, anh Nguyên Minh và ban tổ chức còn hướng đến đích cuối cùng là tìm thăm
lại những anh em văn nghệ sĩ neo đơn, cao tuổi heo hút các vùng miền, thân hữu
một thời từng gắn bó nghiệp văn chương trên những trang Ý Thức, Quán Văn. Kể cả
những bạn văn bên kia bờ đại dương cùng chung tiếng nói, tiếng lòng. Chỉ riêng
năm 2014, sau Bước tới xuân hồng
(QV20), ngay số tiếp theo: Phải Hôn Sài
Gòn (QV21), rồi Reo cùng Sơn Núi
(QV 25) - chuyến xuất hành đầu tiên của QV nhân mùa Vu Lan về Phương Bối Am
thăm Sơn Núi - Nguyễn Đức Sơn đầy kỷ niệm, Khoảnh
khắc lắng sâu (QV 26) với nhà thơ Hoài Khanh ở Biên Hoà… liên tiếp xuất hiện
trên trang báo QV. Năm sau, vẫn đầy sự kiện và cảm xúc trong Bước ngoặt (QV32), kể về chuyện đời một
người bạn đang yên lành vui sống sôi nổi, bi kịch đơn thân bắt đầu từ khi goá vợ,
Hồ Thanh Ngạn suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác, và cuối cùng ra đi trong đau đớn
cô độc. Lâu nay người ta viết nhiều, nói nhiều về tình cảnh người phụ nữ đơn
thân. Đoàn Văn Khánh đi theo chiều ngược lại. Nỗi cô đơn, tuổi già, bệnh tật và
cái chết đưa nhân vật kể chuyện “tôi” chìm vào dòng độc thoại đầy trăn trở hết
sức chân thành: “Tự nhiên tôi liên tưởng đến mình và trái tim có phần trĩu xuống.
Đã thuộc lớp “nhi nhĩ thuận”. Cũng đơn lẻ nhiều năm. Mấy lần đám bạn hữu, anh
em, con cháu gợi ý nên bước thêm bước nữa vì dù sao “con nuôi cha đâu bằng bà
chăm ông”. Tôi nào phải thánh nhân, thi thoảng đắp đổi vài mối tình vắt vai cho
qua ngày đoạn tháng chứ tìm người bạn đời tâm đầu ý hợp sao khó quá!” (tr.107).
Ám ảnh này đâu phân biệt đàn ông hay chỉ dành cho phụ nữ. Phái mạnh, có ai hiểu
cũng không kém phần tâm tư bối rối…
Nhiều
cảm xúc trong Qua một chuyến đi (QV
34), một kiểu đơn thân hình thức khác của Trần Hoài Thư và cái chết đột ngột ‘vừa
chia tay nhau đã nhận ai tín từ Maryland” của nhà văn Phùng Nguyễn, cho đến nay
vẫn còn rung lên trong những dòng thơ có “tiếng thở dài sâu hun hút” của chính
tác giả:
Môi em nói lời thật buồn
Bụm tuyết trên tay giá buốt
Tiếng thở dài sâu hun hút
Thơ tôi nói lời thật buồn
(ĐVK, Môi em nói lời thật buồn)
Những dòng lệ nóng (QV 43) số Xuân Đinh Dậu chủ đề về nhà văn
Nguyên Minh là những ghi nhận, quan sát tinh tế, miêu tả khá trung thực chân
dung tận tuỵ của người chủ biên QV coi tờ báo không chỉ là công việc mà là đam
mê, là niềm vui, là lẽ sống. Bài ký còn lồng vào bức chân dung ấy một góc con
người tình cảm trong veo đến hồn nhiên và những phút xúc động rơi lệ đẹp chân
thành đến cảm động của cánh chim đầu đàn QV. Bẵng khá lâu, tác phẩm ký sau
cùng, gần đây nhất trên QV 51: Sài Gòn một
sáng trời vui, ngòi bút của ông dừng lại ở một khoảnh khắc tình cờ. Chỉ khoảnh
khắc thoáng qua nhưng niềm vui lại lan toả dịu dàng đến nỗi theo vào trang viết.
Đó là một buổi café ấm áp nhân chuyến trở về của người bạn ‘nối khố” từ phương
xa, vừa hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất đã vội vã alô tìm gặp nhau ngay mà
tôi là người được dự phần và chứng kiến. Một tình bạn hồn nhiên trong trẻo đẹp
đến xúc động. Cả giây phút ngỡ ngàng hạnh phúc khi mẹ con cô bé ngồi bàn bên cạnh
đến xin chụp một tấm hình chung với ba bác đội bê-rê để làm quen vì các bác nhà
văn nói chuyện hay quá và dáng vẻ nghệ sĩ sao giống ông ngoại con quá…
Toàn
tập Ám ảnh đơn thân tuy về số lượng vẫn
được chọn đồng đều 11/11 giữa ký và truyện nhưng theo tôi, ranh giới cũng rất
tương đối, và sức đọng lại lòng người hơn cả là thể loại thứ hai. Tác giả
nghiêng hẳn về số phận của những người phụ nữ trong cơn lốc xoáy biến thiên của
thời đại. Mỗi truyện như một bức chân dung nhân thế đưa người đọc qua bao cung
bậc hỉ nộ ái ố oan nghiệt đớn đau của dòng đời. Cũng năm 2014, đọc QV 27 (tháng
11) số chủ đề về tác giả Bửu Ý, người đọc bất ngờ gặp một truyện ngắn cùng tên
với tập truyện, hoàn toàn khác lạ, mới mẻ, cuốn hút từ chất liệu hiện thực, cách
dựng truyện và giọng điệu trần thuật nhiều trăn trở đa thanh đa chiều. Câu chuyện
về cô giáo Loan thời bao cấp khó khăn đã “chấp nhận hy sinh lìa bục giảng bước
ra chợ trời” mạnh mẽ tháo vát không chút nệ hà “Từ xe nước mía đến cà phê vỉa
hè, gánh bún bò Huế, quán nhậu bình dân… bụng chửa vượt mặt đứa con gái đầu
lòng vẫn bưng bê hầu thiên hạ, cả ngày chưa kịp một lần soi gương xem mặt dính
mấy quệt lọ nồi…” (tr.160), chẳng mấy chốc Loan và gia đình đã đổi đời. Tưởng đã qua cơn bĩ cực để sống những ngày sung sướng thì chuyện
đường con cái đã dẫn đến chuyện chồng ngoại tình với học trò và điều tan vỡ tất
yếu phải đến. Cái mới ở đây được tác giả phân tích tài tình không phải những định
kiến xã hội ràng buộc đè nặng cuộc đời người phụ nữ khi phải quyết định đi bước
nữa cho hạnh phúc bản thân mà còn chính là những tổn thương đã hằn trong tâm thức
Loan khiến cô sau những phút nồng nàn quên cả vũ trụ chung quanh với Văn bỗng sợ
hãi quyết định dừng lại cuộc phiêu lưu. Diễn biến tâm trạng giằng xé đến đối lập
của Loan sợ hãi dị ứng cuộc sống hôn nhân, “chỉ muốn hai người mãi mãi là tình
nhân” cũng là một phản ứng tâm lý khá logic. “Trong im lặng, nhưng từ đáy lòng nàng nôn nao muôn ngàn
cơn sóng, nửa muốn đẩy ra xa và nửa muốn kéo lại gần, sự thèm muốn được chở che
và cái tham vọng tự mình đứng thẳng lên, hai suy nghĩ ngược chiều giằng xé
Loan…” (tr.169). Hình như đây cũng là truyện ngắn đầu tay của Đoàn Văn Khánh
đăng tải trên Quán Văn. Có thể thấy, ngay từ truyện thử bút đầu tiên, tác giả
đã đi vào một mảng đề tài thời sự đầy tính nhân văn đem lại cho người đọc nhiều
trăn trở rất thật, cho thấy khả năng miêu tả tâm lý và tái hiện hiện thực khá
thành công.
Từ QV 51 đến QV 63, 11
truyện ngắn của Đoàn Văn Khánh đều đặn có mặt mỗi kỳ với một sức sáng tạo phong
phú bất ngờ. Mỗi truyện đưa người đọc đến một suy ngẫm về vòng nhân quả-quả
nhân của con người trong cuộc trầm luân. Ưu ái của ngòi bút Đoàn Văn Khánh vẫn
dành cho những người phụ nữ trẻ trong Ám ảnh
đơn thân, những Trân, Lý, My, Loan… Họ đều là những người đàn bà đẹp người
đẹp nết, khi gặp hoàn cảnh túng quẫn thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ đều đảm
đang tháo vát hy sinh ‘buông sách vở lao ra vỉa hè với gánh hàng rong” để vun
vén cho gia đình không tiếc gì bản thân, nhan sắc, tuổi trẻ…, suy nghĩ hành động
bởi tình yêu và hoàn toàn trong khuôn khổ đạo lý Á Đông. Những đòi hỏi hạnh
phúc cá nhân có bùng lên cũng nhanh chóng nhường chỗ cho bổn phận và trách nhiệm.
Nhưng hoàn cảnh và thời cuộc đã đẩy họ vào những bi kịch gia đình đổ vỡ bi đát.
Trong đó, tác giả cũng công bằng, không đổ tội hoàn toàn cho những người đàn
ông hời hợt, trăng hoa, thiển cận, vô tâm, bạc nhược đáng trách …như Cung,
Viên, hay Diên, hay Văn… Còn có cả thói ích kỷ nhỏ nhen đàn bà đến tàn nhẫn như
bà vợ ông Ngãi trong Để tang người đâu cứ
dải khăn sô khi cấm cửa Lý, cô vợ trẻ bằng tuổi con của ông chồng có chức
phận, địa vị xã hội nhằm giữ danh giá cho gia đình. Còn có cảnh ca dao xưa từng
phê phán ‘Một trăm ông chú không lo/Chỉ lo một nỗi mụ o nhọn mồm” trong Qua cửa Thần Phù khiến Trân vị nghĩa hơn
vị tình mà lấy Cung, cay cực đủ điều, rồi không tiếc công sức cưu mang đùm bọc
cả nhà chồng mà vẫn bị mẹ và em chồng dèm xiểm đến phải “lẳng lặng bế đứa con đầu
lòng chưa kịp đầy năm về nhà ngoại…”. Hay còn có cả những định kiến môn đăng hộ
đối, ràng buộc tín ngưỡng tôn giáo như Nhan-Vinh trong Hạt lệ như sương cha mẹ không cho lấy người khác đạo, hay
Sim-Phương trong Con mắt còn có đuôi.
Có người yếu đuối dám yêu mà không dám mạnh mẽ bảo vệ tình yêu, “vượt qua số phận,
dẫm bẹp nghịch cảnh để được sống trọn đời bên nhau” (tr. 138) như Nhan đối sánh
với Trương, cô sinh viên Nam Bộ đã thẳng thắn từ chối Tám- cán bộ Thành Đoàn nhỏ
nhen để được lấy Nguyên, người mình yêu. Kết cuộc có hậu Trương được hạnh phúc
chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gấm. Đề tài nhẹ nhàng mà nhức nhối đời
thường. Tác giả đã thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể hư cấu của thể loại và những
chuyện đời thường của hiện thực xã hội bằng ngôn ngữ trần thuật gần với ngôn ngữ
đời sống khiến truyện có hư cấu mà vẫn thực. Có vẻ như ông đã chắt lọc từ nhiều
mảnh đời chung quanh với một vốn sống phong phú trải qua nhiều không gian Sài
Gòn, Ban Mê, Nha Trang…
Một điều thú vị trong hệ thống nhân vật nam ở tập truyên này mà
người đọc dễ dàng nhận ra là những mẫu người trượng phu đầy nam tính. Tôi chú ý
điều này bởi hình tượng những người phụ nữ vốn vẫn quen thuộc trong văn thơ ngầm
hiểu tượng trưng cho sự đảm đang chịu thương chịu khó, cho cái đẹp, cái tốt… theo
một công thức sẵn có. Và cũng theo công thức miêu tả rập khuôn đó, người đàn
ông và hoàn cảnh là hai yếu tố đối lập, nguyên nhân nỗi khổ của đàn bà. Nhân vật
ông Ngãi trong truyện ngắn thứ hai của tập này là một kiểu dám sống thực, dám từ
bỏ chức vụ, nhà lầu xe hơi vợ đẹp con khôn, bỏ nhà với hai bàn tay trắng theo
tiếng gọi tình yêu cùng Lý. Tuy chuyện có tập 2 ruồng bỏ vợ nhà không phải là
điều đáng khuyến khích, nhưng khi lỡ đèo bồng thì dám chịu trách nhiệm và dám sống
nghèo sống cực bảo vệ điều chọn lựa theo trái tim mình cũng là hành động đáng
trân trọng của kẻ nam nhi. Hay nhân vật ông Can trong Phụ nữ không lạ… mới là lạ tuy chỉ là rổ
rá cạp lại nhưng rất quân tử trong tình yêu dành cho Thy, yêu theo nghĩa tôn trọng,
tin tưởng vợ. Có ai lại đang đi Đà Lạt du lịch hấp hôn cho tình thêm thắm thiết
với vợ, trở về chốn cũ đã chủ động gọi tìm người cũ của vợ và thoải mái “cười
cười nói khẽ vào tai vợ: Hai người gặp nhau trước cho tự nhiên. Anh về phòng
xem bóng đá. Sẽ chạm ly với anh ấy sau.” (tr.106). Không đơn giản gì có thể xử
sự đẹp và đường đường tự tin như thế. Ông Phương trong Con mắt còn có đuôi dù trong thời binh lửa sống nay chết mai, dù đang
tuổi xuân phơi phới, một dịp đi dã ngoại cùng Sim, cô gái ngây thơ sẵn sàng
dâng hiến giữa cõi yêu mời gọi “Không gian này, thời gian này như chỉ dành
riêng cho họ. Nụ hôn đầu đời con gái, vụng về mà nồng nàn ngây ngất. Nàng lả
người trong vòng tay tình ái. Cơ thể run lên bần bật. Đôi mắt khép lại đợi chờ.
Thương quá đi thôi, Phương chợt thấy không nỡ đành lòng dấn thêm bước cuối, kịp
dừng lại khi chớm mấp mé bờ mê…” (tr.157). Sống có nguyên tắc và trách nhiệm.
Yêu và biết trân trọng vẻ đẹp trinh nguyên lãng mạn của tình yêu, yêu và gìn giữ
cho người mình yêu… Sao mà đẹp còn hơn cổ tích, thời 4.0 này người ta yêu qua mạng,
làm tình bất kể yêu hay không và không bận tâm trách nhiệm và goodbye nhau cũng
thật dễ dàng vì hai chữ ‘không hợp”. Tôi yêu những nét đẹp nhân cách quý giá đó
và càng đọc truyện của Đoàn Văn Khánh tôi càng liên tưởng về một nền giáo dục đẹp
đẽ mà ông bà cha mẹ chúng ta bao thế hệ vẫn trân quý giữ gìn.
Tất nhiên, tôi cũng nghĩ tới Vòng
tròn có một cái tâm, một trong 22 truyện và chuyện của Ám ảnh đơn thân đã là một minh chứng xúc động, một bài học về cách
dạy con của ông Tuỳ dành cho Nghi. Nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương. Nguyên tắc
nhưng lại mềm dẻo có lý có tình xuất phát từ mục đích duy nhất: dạy con biết tự
cân nhắc lựa chọn quyết định đúng đắn, không áp đặt nhưng phân tích định hướng
cho con biết điều hay lẽ phải. Ngược lại là cách Nghi dạy Nghiêm, cháu nội ông
chính là thông điệp nhà giáo Đoàn Văn Khánh trăn trở gửi đến người đọc hôm nay.
Biệt tài của tác giả Ám ảnh đơn thân là nghệ thuật miêu tả. Nhiều
đoạn hay như phần cuối tả sự đau đớn vật vã của Lý trong Để tang người đâu cứ dải khăn sô. “Lý đang ngồi coi cuốn album hình
kỷ niệm cùng mấy bà hàng xóm đột ngột bước tới “Các bác cho phép em uống thay bố Ngãi”. Cô nốc một hơi cạn chén đắng,
rót thêm chén thứ hai, rồi chén thứ ba vẫn nốc cạn và phá lên cười rũ rượi. Đầu
tóc đang bới gọn bổng xổ tung. Tấm áo bà ba trắng ôm sát thân chợt bung vài chiếc
nút bấm, thoáng hiện cồn ngực căng vồng lên tươi mát. Đầy sinh lực. Vẻ man dại,
khiêu khích ma quái như hồn oan.” Lột tả tài tình chân thực nỗi đau của cô gái
trẻ, chồng chết mà cả để tang cũng không được.
Hay cảnh đôi vợ chồng trẻ phải ‘hợp cẩn’ ngay trên ghế đá một góc
khuất nhà xác. “Cả hai thân thể thanh xuân mới đầu còn e ấp ngượng ngùng, vừa
hôn vừa run run sợ sệt đủ thứ; đến khi dợm bước lên chớm tới đỉnh thiêng là bất
kể quỷ thần, lõa lồ phơi phới quấn chặt lấy nhau, tan loãng vào nhau từng sợi
máu, từng tế bào vi ti, từng hơi thở dồn dập dập dồn. Hạt băng trinh của Trân
lưu dấu kỷ niệm hồng tươi đầu đời, lau lách thẩm thấu tận cùng mặt ghế đá xanh
chắc ngàn kiếp khó phai… Thế rồi sau đó đôi lứa tạm yên bụng có chốn đi về với
nhau làm chuyện vợ chồng đêm từng đêm thoải mái và… miễn phí…” Giọng văn kìm nén tối đa, mượn chút hóm hỉnh
giễu nhại chua chát. Tác giả không phê phán lên án điều gì mà xã hội tối tăm ấy
cứ hiện lên mồn một. Miêu tả thân xác, hay chuyện yêu đương cũng rất thực mà rất
ý nhị, duyên dáng gợi lên cái đẹp chứ không hề sống sượng, hạ thấp sự thăng hoa
thân xác trong tình yêu.
Chỉ thấy nỗi đau. Và bất nhẫn. Xót thương. Cùng cực. Kiếp người.
Như đã nói ở trên, với
kết cấu ‘truyện lồng truyện”, ông đã lồng ghép đan xen nhiều ý nghĩa thông qua một
kết cấu đơn vị truyện ký. Rất cô đúc và kiệm lời, nhiều đoạn miêu tả bỏ lửng kết
cuộc cho người đọc thả sức liên tưởng, tưởng tượng. Thậm chí linh hoạt đưa ra
hai kết thúc mở trong truyện ngắn Chú
Dziên thật thú vị chứng tỏ một ngòi bút có nghề. Người đọc có vẻ nghiêng về
chọn lựa thứ 2 hơn là kết thúc có hậu đơn điệu, công thức, nhạt nhẽo. Kết cuộc
bi đát qua cái chết của chú Dziên cắt cứa vào lòng người đọc cùng nỗi vật vã ân
hận không sao cứu vãn được của người chị quá thương em mà không biết nhìn người.
Có vẻ không cố tình nhưng cách kể lấp lửng, gợi hơn tả vừa là ưu điểm mà cũng có
những hạn chế. Ưu điểm mà đọc truyện Đoàn Văn Khánh tôi luôn thích thú là ngôn
ngữ giàu vốn sống, được nén chặt trong vài từ, hay một câu mà mở được cả trường
liên tưởng cho người đọc. Nhất là những câu kết truyện. Thông qua ngôn ngữ trần
thuật, truyện ngắn Đoàn Văn Khánh đã tái hiện sinh động bức tranh xã hội hôm
nay, từ phương diện lời ăn tiếng nói của con người.
Tuy nhiên, cách tả
‘N trong 1” đôi khi cũng làm cho truyện trở nên ôm đồm dàn trải. Tôi vẫn tiếc Phải hôn Sài Gòn nếu được đi sâu hơn, 7
đoạn được đánh dấu đầu đoạn hoàn toàn có khả năng là ba truyện hay hoàn chỉnh.
Chuyện về GS Đào Mộng Nam chỉ mới mở đầu. Tự truyện đầy tình tiết thú vị từ thuở
‘Mẹ cho mang nặng kiếp người” kịch tính ngay từ lúc đi sanh đến khi lớn lên tản
cư, ngày đầu tiên đi học trước mâm lễ vật
thành kính hương khói tổ tiên cho con được khai tâm mở trí. Rồi chuyện học trò
sắm vai Lục Vân Tiên-Kẻ cướp giành đóng với Kiều Nguyệt Nga… Và ký ức Sài Gòn.
Ba đề tài lồng ghép hơi khiên cưỡng trong Phải
hôn Sài Gòn nếu được tách ra và đi sâu chi tiết hẳn là ba câu chuyện hấp dẫn.
Song hành con đường thơ và văn năm năm rồi có
lẽ…, chất thiền trong văn tuy không rõ nét như thơ, nhưng lại bàng bạc sống động trong từng chi tiết truyện. Từ đề tài, tên đề tài, chi tiết, tình
tiết và nhất là các kết thúc truyện đều nhất quán một quan niệm nhân quả trùng
trùng duyên khởi. Không phải ngẫu nhiên mà tập truyện ký mở đầu bằng Qua cửa Thần Phù như một mở đầu nhắn nhủ
và truyện cuối cùng Kiếp nạn như một
sự đền bù có hậu cho kẻ biết tu tâm dưỡng tánh. Yêu thương từng mảnh đời bất hạnh,
đổ vỡ, nâng niu những hạt giống thiện lành như đã phân tích trong bài viết này
là ý đồ khá xuyên suốt trong toàn tập truyện. Cái đẹp mà tập truyện nhắn gửi giản
đơn là một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng mà thâm trầm sâu lắng.
Những câu chuyện Quán
Văn, những buồn vui trong con chữ, những nụ hoa đời thân ái giản dị, tự nhiên bắt
được trong cuộc sống bộn bề như thế vẫn bình thường nở và toả hương trên trang
viết Đoàn Văn Khánh cùng những gắn bó chân tình của mọi thành viên đã đem một
sinh khí ấm áp cho QV hơn năm năm qua.
Sông không dài và trời không rộng* còn đời người thì hữu hạn nhỏ bé, mong manh…
Đắng cay ngậm ngùi mới hiểU
Nhân sinh một cõi vô thường
(ĐVK, Hăm lăm tết giữa Sài Gòn)
Thị Nghè, 5. 2019
HOÀNG KIM OANH
(Bài đã đăng trên Tập san VHNT Quán Văn số 65, tháng 6 năm 2019, trang 177-189)