Ly cà phê bốc khói - Google images
Một buổi sáng nào
đó, mấy ông bạn gọi nhau đi uống cà phê. Tiệm cà phê có mấy cái bàn đặt ngoài
hiên, trên lề đường, kiểu cà phê vỉa hè ở Việt Nam hay cà phê Starbucks ở Mỹ
thì càng quý. Ngồi đó cả ngày cũng chẳng ai đuổi mà chuyện trò cũng thoải mái.
Ở Âu Mỹ mình nói tiếng Việt. Thỉnh thoảng cười với nhau thì họ biết ngay là
mình đang nói chuyện vui. Không bao giờ tôi thấy người Âu Mỹ uống cà phê mà
cười. Chuyện họ nói thường là thời tiết, thời sự. Họ không biết cái thú trò
chuyện bên ly cà phê của người Việt mình. Họ thường ngồi một mình đọc báo, đọc
sách. Nhiều ông cũng làm như ta đã là dân Tây, mũi hết tẹt, da hết vàng, cũng
cầm quyển sách ngồi chăm chú đọc, ra vẻ “ta đây” trí thức (trừ những ông nghiên
cứu thực). Lớn tuổi, đọc sách, báo (không phải nghiên cứu) phải nằm ườn trên
giường hoặc trên ghế xa lông, trên võng…, dang tay, dang chân… rồi ngủ quên.
Hạnh phúc vô cùng!
Ra tiệm ngồi uống cà phê một mình là có tâm sự nào đó. Ngồi gặm nhấm nỗi buồn,
có khi thở dài hoặc chết lặng, không biết làm sao cho hết buồn? Cũng có ông,
thích ngồi một mình, chả suy tư, ngẫm nghĩ gì. Ở Sài Gòn, đầu hẻm thường có
quán cà phê, nhiều ông, bà ra gọi một ly, ngồi “chò hỏ” (hai chân trên ghế, bó
gối), chẳng nói năng, nhìn ra đường, thỉnh thoảng, đổ cà phê ra dĩa, bưng húp
(cho bớt nóng). Bây giờ ở Việt Nam, uống cà phê vỉa hè mà nhìn thiên hạ chạy xe
ngoài đường, đông như kiến, khói mù trời, còi bóp inh ỏi… một lát là chóng mặt.
Trước 1975, thời còn sinh viên, sáng Chủ Nhật ra Thanh Bạch (Sài Gòn) tôi với
vài người bạn kêu bò kho bánh mì, uống ly sữa tươi. Tuổi đó, tụi tôi không biết
uống cà phê, hút thuốc, chỉ sau nầy, đi làm mới sinh tật thuốc lá, cà phê cho
ra vẻ người lớn, phong trần.
Rủ nhau đi uống cà phê, càng đông càng vui. Bước chân ra cửa là đã vui rồi. Háo
hức như thời trẻ, đi gặp người yêu. Trẻ có bạn. Lớn có gia đình, vợ con. Già…
lại có bạn. Ông nào không có bạn cà phê tại vì mình bẩn tính, thích chê bai,
trách móc người nầy người kia, hoặc tự khoe khoang, mình đã làm việc nầy việc
nọ. Tệ nhất là giành nói, không chịu lắng nghe người khác. Vị nào được mời đi
uống cà phê vài lần rồi bạn bè làm lơ vì mình thô lỗ, ăn nói cục cằn. Họ đáng
được mời đi nhậu để có dịp gây lộn, đánh chửi nhau. Mấy ông già, cứ thui thủi
trong nhà suốt ngày, con cái đã lớn, đã như chim rời tổ, chỉ còn lại mụ dzợ
già, thấy hoài phát ngán, lại thêm tính lẩm cẩm, lầu bầu suốt ngày, nhăn như
khỉ ăn ớt.…Chỉ gặp bạn là vui, càng “nói bậy” càng vui. Mấy bà cũng rứa, nhưng
phải thật thân, mới dám nói chuyện bậy bạ mỗi khi tụ tập ăn uống riêng với
nhau, đối đáp trên điện thoại hoặc đi chung xe (không có đàn ông) với nhau. Các
ông thì thân, sơ gì cũng xổ “tiếu lâm”. Uống cà phê thì không nên nói chính
trị, không nói đến chuyên môn, nghề nghiệp. (Xong buổi cà phê, tan hàng, bàn
chuyện làm ăn sau. Lúc đó thì nước trà hoặc bia rượu, nước ngọt gì cũng được,
đó không phải là “Hội Cà Phê”. Ông chủ ga-ra không nói chuyện sửa xe. Các ông
văn, thi sĩ không nói chuyện văn chương. Họa sĩ không nói chuyện tranh. Nhà báo
không nói chuyện báo chí.… Họ tối kỵ đem những chuyện đó vào bàn cà phê. Bình
luận văn thơ hoặc “mặc áo thụng vái nhau” trên bàn cà phê chỉ làm người khác mất
vui. Bạn cà phê thường nói chuyện tào lao để tâm trí thoải mái, vui vẻ với
nhau. “Trà Ðạo” quy định những kiểu cọ quá rắc rối. Bưng chung trà đưa lên mồm
cũng bày đặt nầy nọ. Trà Ðạo chỉ cốt đánh lừa, dụ dỗ những ông bà ảo tưởng là
mình quý phái. Người Nhật, gì cũng đạo, giết người cũng là đạo. “Kiếm đạo, Nhu
đạo, Không thủ đạo”.…Trà Ðạo là để đọc cho vui thôi chứ chả ai theo, trong khi
dân cà phê, chỉ vài ba người, tâm đầu ý hợp, đã thành “Hội Cà Phê”. Uống cà phê
với nhau phải vui, không nghiêm trang, long trọng như “Trà Ðạo”. Thông thường,
câu chuyện mở màn, (trong khi chờ cà phê đem ra) là tự chế giễu mình, người
khác thêm thắt vào cho thêm rôm rả. Mấy ông lớn tuổi thích “khoe” bịnh của mình
một cách bình thản. Bịnh nầy, bịnh kia. Coi như chuyện đương nhiên. Chẳng ông
nào sợ chết. Với tuổi già, họ bất lực, không hy vọng thoát khỏi tay tử thần nên
chả thèm nghĩ đến. Sống lâu thêm chật đất. Càng già càng lú lẫn, càng yếu đuối,
lại thêm bịnh tật, chỉ làm khổ người khác.…Ai cũng cầu mong được ngủ một giấc và
không thức dậy “Tu mười kiếp mới được như vậy”. Dĩ nhiên có bịnh thì chữa, như
ra trận phải cẩn thận trước kẻ thù. Giỡn mặt tử thần đâu có được!
Ra tiệm cà phê với bạn, đôi khi còn thú vị hơn trước kia hẹn hò với người tình.
Khi tan hàng (cà phê) tâm trí sảng khoái, yêu đời, yêu người, yêu chung quanh.
Gặp ai cũng sẵn nụ cười chào hỏi. Ðáng tiếc là quý bà, ít người biết được cái
thú nầy. Tôi nói chung chung về chuyện uống cà phê với mấy ông bạn già chúng
tôi chứ mấy cậu sồn sồn ở Mỹ đến tiệm cà phê là để xem football, cá độ và để
ngắm các em bưng cà phê. Ở Cali., nhiều tiệm cà phê có các em “áo hai dây, quần
một ống” được quảng cáo trên internet, khách đến chật tiệm, đa số là thanh niên
chứ mấy ông già, chân tay rũ liệt, đến đấy làm gì. Ðôi khi muốn giải trí, các
cậu đến mấy tiệm “vũ xét xi” xem mấy em “không mảnh vải che thân!” nhảy múa.
Nhớ cách nay vài chục năm, khi chúng tôi (còn ở tuổi trung niên) mới qua Mỹ,
tiểu bang Virginia, có nhà thơ Hoàng Trùng Dương (qua trước) đưa năm bảy người
chúng tôi đi xem “vũ xét xi” trên Washington DC.
Chúng tôi ngồi một bàn, mỗi người một chai bia, trước mặt là dãy sân khấu có
năm cây cột kim loại sáng bóng. Mỗi em một cây cột. Thật tội nghiệp! Chẳng em
nào có áo quần. Các em cứ ôm cây cột mà trèo lên tụt xuống, đánh đu, vặn vẹo,
uốn éo quanh cây cột trông rất vui và tức cười chứ chẳng thấy kích thích, ham
muốn gì. Ông bạn nhà thơ đưa cho mỗi đứa mấy tờ đô la (chúng tôi mới qua Mỹ,
chẳng có xu nào) rồi ông ta làm trước, chúng tôi lần lượt làm theo (mấy khán
giả khác cũng làm như vậy), nghĩa là cầm tờ đô la trên hai tay, để trước ngực,
đến đứng sát mép sân khấu. Em vũ nữ cười tình rất dễ thương, uốn éo đến gần,
thò tay lấy tờ bạc rồi hếch chân lên trước mặt người đó một cái. Chỉ tích tắc
thôi. Vậy là xong. Phải về chỗ ngồi cho người khác lên “nạp tiền”. Luật “Cấm sờ
vào hiện vật” được áp dụng nghiêm ngặt. Ông nào lạng quạng sẽ bị một tên cô
hồn, to như con dã nhân, nắm cổ vất ra đường. Không chỉ các ông đi xem mà các
cô, các bà cũng đến uống bia ngắm người đẹp nhảy múa. Các cô quá đẹp! Cao cỡ
thước bảy, chân dài, ngực đùi sạch sẽ, thanh cao, nhất là gương mặt, đẹp một
cách trong sáng, thánh thiện như thiên thần. Nghe nói (trừ những cô chuyên
nghiệp) những cô đó là sinh viên làm thêm để kiếm tiền chi dụng. Xem “vũ xét
xi”, đúng nghĩa là ngắm thân thể cô vũ nữ, xem cô múa và tìm thấy niềm vui, chứ
chẳng ai có một chút ý nghĩ dung tục nào. Các cô mới đúng là thần vệ nữ. Quý bà
chỉ khoe áo quần chứ làm gì có thân hình đẹp như vậy cho thiên hạ chiêm ngưỡng.
Tôi thấy, cuối dãy, có sân khấu riêng cho các cô Ả Rập nhảy múa cho các ông Ả
Rập xem. Ai nấy râu ria tùm lum!
Trước 1975, ở Sài Gòn, cũng có “vũ xét xi”, nổi tiếng nhất là cô Xuân Trang,
con gái nữ kịch sĩ Xuân Dung. Cũng trống kèn ầm ĩ, cũng uốn éo, quằn quại,
nhưng trên, dưới đều có “lá chắn chống phi đạn liên lục địa”, phòng thủ tươm
tất. Chả ra làm sao! Thà đi biển, ngồi ghế dựa, ngắm mấy em tắm biển còn thoải
mái hơn!
Trở lại chuyện cà phê của mấy ông già tụi tôi ở tiểu bang Virginia, miền đông
bắc Hoa Kỳ. Buổi sáng, bọn già gọi nhau “Cà phê hè!” cũng có nghĩa là đi điểm
tâm, đôi khi về nhà khỏi ăn trưa, vì các tiệm cà phê, tiệm ăn ở Virginia, gần
11 giờ mới mở cửa. Vả lại, mấy ông già thường thức khuya, dậy trễ, hẹn giờ đó
cho thong thả. Nếu ở Cali. Có cà phê Factory là nơi hẹn hò thì ở Virginia có
tiệm phở Xe Lửa của ông chủ Toàn Bò trong chợ Eden. Hẹn nhau đến đấy thì có
ngồi từ sáng đến chiều vẫn cứ thoải mái, ông chủ Toàn Bò vẫn nhe răng cười, dù
khách có đông đến bao nhiêu “Xin quý vị chờ cho chút” chứ không nhăn nhó, ý
muốn đuổi mấy vị “ngồi đồng” choán chỗ như những tiệm ăn khác. Ông Toàn Bò có
sáng kiến, kê hai cái bàn sát nhau để bạn bè ngồi dễ chuyện trò.
Thời đó (cách nay hơn chục năm) bọn chúng tôi (chưa già lắm) họp mặt ở đó trên
vài chục mạng. Phần đông làm báo, làm văn, làm thơ, làm họa sĩ và… làm thinh
(không làm gì cả). Tụ tập ăn uống, cà phê cà pháo, tán láo, cười đùa chán chê,
đến trưa mới giải tán. Vài ông móc “tờ sớ” ghi sẵn lời vợ dặn, đi chợ mua những
món gì, ở đâu, giá bao nhiêu? Ðem về bỏ tủ lạnh hay để trên bàn? Phải tuân hành
tỉ mỉ như thế để khỏi bị vợ rầy! Nhiều ông nán lại thách đấu cờ tướng. Hai ông
đấu nhau, các ông khác làm khán giả và làm thầy dùi, chỉ chọt, ý kiến ý cò, la
hét cười nói, xỏ xiên om sòm. “Thua ra!” Ai thua thì đứng dậy, nhường chỗ cho
người khác. Ông Cò Ly, trình độ cờ tướng cỡ “vịt chặt chân” (đánh thấp như vịt
bị chặt chân) mà gặp ai cũng thách đấu. Ði được một nước đắc ý thì huênh hoang,
khoe với khán giả là sẽ cho đối phương chết. Nhưng đến các nước cờ sau đó thì
ông thừ người, chẳng biết chống đỡ cách nào để rồi bị chiếu bí. “Thua thì sắp
ván khác. Sợ gì!” Ông Cò Ly có sạp báo trước tiệm phở, ham đánh cờ đến nỗi quên
người mua báo đang đứng chờ ngoài kia. Ông chủ tiệm sửa xe Minh Auto có thể
ngồi đánh cờ tướng từ sáng đến chiều. Ăn thua gì cũng cười. “Chơi cho vui!”.
Những chuyện tôi kể vừa rồi là thời vàng son của chúng tôi cách nay hơn chục
năm. Càng về sau, càng vắng dần. Ông nào cũng trên bảy mươi, tám mươi, bịnh tật
cả lô trong người. Chân yếu tay mềm, chán nản, chẳng muốn đi đâu. “Quân số” hao
hụt mà không được bổ sung! Cứ lặng lẽ vơi đi. Năm nầy qua năm nọ. Ðến nỗi, ông
chủ Toàn Bò chỉ để một bàn cho bạn bè, nhưng cũng lưa thưa. Mấy ông lão tóc bạc
gặp nhau, chào nhau, kể bịnh tật mình mà cười như mếu. Thỉnh thoảng, ông Toàn
Bò thông báo “Ông X. mất rồi. Ðêm hôm qua. Quý vị đóng mỗi người mười lăm đô để
đăng báo phân ưu. Ghi tên vào tờ giấy nầy. Vị nào muốn đến viếng người quá cố
thì đến nhà quàn B. số… đường...…Từ giờ H. đến giờ G. ngày…tháng…năm”. Rồi thì
cái danh sách người chia buồn cũng vơi đi. Người chia buồn được lần lượt đôn
lên thành người quá cố, cho nên chẳng còn ai để ông thông báo, đòi đóng tiền
đăng báo phân ưu. Không phải mọi người đều được “Thành kính phân ưu. Vô cùng
thương tiếc” Họ còn sống nhưng nằm nhà, chỉ thích quanh quẩn trước sân, sau
vườn. Mắt kém. Lái xe chậm chạp. Có ra hàng cà phê cũng chẳng gặp ai! Ðáng kinh
ngạc nhất là ông cụ thân sinh của ông Bùi Dương Liêm, trên chín mươi tuổi mà
vẫn tự lái xe, ra ăn hết một tô phở. Ông Toàn Bò, chủ tiệm phở Xe Lửa thiếu
bạn. Một mình đi ra đi vào, mặt buồn xo như người thất tình. Khách đến, ông
cũng miễn cưỡng, thờ ơ. Buồn quá! Ông Toàn Bò dẹp tiệm, về hưu.
Trước đây, bạn bè, bà con từ Việt Nam qua, từ Úc Châu, Âu Châu, Canada, các tiểu bang khác đến tiểu bang Virginia, đều lấy tiệm phở Xe Lửa trong chợ Eden là nơi gặp gỡ, chuyện trò. Ở đó khách có thể tình cờ gặp lại bạn cũ đã mất liên lạc từ lâu, tay bắt mặt mừng… Nay tiệm phở Xe Lửa không còn nữa, phải mời bạn đến các tiệm ăn khác. Tiệm khác chỉ có ăn thôi. Ăn xong phải đứng dậy. Không nơi đâu có cái không khí thân mật, thoải mái, vui vẻ như trong tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò.
“Ơi ông Toàn Bò! Nay ông nơi đâu?”
PHẠM THÀNH CHÂU