Sunday, July 16, 2023

2965. LẶNG Truyện ngắn TRẦM TÙNG VĂN 沈从文 (1902-1988) THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn Trầm Tùng Văn (1902-1988)

Sinh năm 1902 tại Phượng Hoàng, tây bắc tỉnh Hồ Nam. Ông là con thứ tư trong số 9 anh chị em, nhưng là con trai thứ hai ( trong truyện của ông, ông thường gọi mình là “ nhị ca “. Ông nội là quân nhân nhờ dũng cảm mà thăng lên đến cấp tướng nhưng rồi tử trận sớm. Sau này bố của ông cũng theo đường binh nghiệp. Chỉ có bên ngoại mới có nhiều người có khuynh hướng thiên về văn chương.

Thuở nhỏ, Trầm Tùng Văn chỉ học đến tiểu học, học hành chểnh mảng, kết bè kết đảng phá phách, chỉ mơ được làm tướng giống ông nội. Ông nhập ngũ năm 1917, là lính dự bị, nhiều truyện của ông sau này thuật lại những gì nghe được trên những chuyến tàu. Về sau ông là cận vệ của tướng Trương Học Tề, theo Tôn Dật Tiên chống lại phương bắc. Vì chỉ ông biết chữ nên được chọn làm thư ký để ghi chép sổ sách và dự những cuộc hỏi cung. Những năm tháng phục vụ trong quân ngũ đã gieo cảm hứng cho nhà văn tương lai với một loạt truyện ngắn được viết trong những năm 1926-1929. Đến 1922, ông đi Bắc Kinh, ban đầu có ý định học đại học, nhưng rớt kỳ thi tuyển, thuê phòng ở và bắt đầu cuộc sống mà ông gọi là “ tập tành viết lách “, bản thân ông mới đầu thậm chí không biết cả cách chấm câu. Vậy mà ông cũng cộng tác với các tạp chí của nhà thơ Hồ Dã Tần, đặc biệt là tuần san “ Nghệ thuật và văn chương nhân dân “. Năm 1924, nhà thơ nữ Đinh Linh rời Thượng Hải để  tới Bắc Kinh, theo học các lớp của Lỗ Tấn, kết hôn với một nhà thơ khác và gặp Trầm Tùng Văn trong thời gian này.

Năm 1925, Trầm Tùng Văn in tác phẩm đầu tiên, một truyện rất ngắn nhan đề là Dạ ngư, sau in lại trong tuyển tập Áp tử, bao gồm những bảy truyện ngắn đầu tiên của ông. Ông bắt đầu được biết đến và gia nhập nhóm Tân nguyệt gồm những nhà văn nhà thơ.

Năm 1927, ông lại theo các bạn thơ bỏ Bắc Kinh để tới Thượng Hải, ở đây ông in được cuốn tiểu thuyết đầu tiên là A lệ Trung Quốc du ký, bảy năm sau, ông xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của mình là Biên thành, thuật lại cuộc thức tỉnh về tình dục của một cô gái mới lớn ở thôn quê.  Cũng năm đó, ông biên tập cho các nhật báo có khuynh hướng quốc gia.

Năm 1937, ông rời Thượng Hải đi Côn Minh, trong thời kỳ chiến tranh Trung Nhật, dạy học tại Đại học Tây Nam, và đến 1943 in thêm tác phẩm khác là cuốn Trường hà. Năm 1945, ông về dạy Đại học Bắc Kinh và vẫn là chủ biên một tờ báo lớn. Mấy năm sau, ông bị những nhà văn cánh tả công kích dữ dội. Đến khi cộng sản nắm quyền, ông cảm thấy không còn chỗ cho một nhà văn như ông nữa, ông quyết định ngừng viết. Ông lại làm việc ở viện bảo tàng, nghiên cứu văn hoá. Ông miệt mài lao động đến cuối đời và công bố tác phẩm Lịch sử y phục Trung Quốc cổ đại.

Năm 1967, thời Cách mạng văn hoá, ông bị đưa về thôn quê, tài sản bị tịch thu cả. Bằng hữu giúp ông thoát khỏi cảnh lưu đày nội tâm. Ông tiếp tục làm việc ở Hàn Lâm Viện Khoa học Xã Hội, cho đến lúc qua đời năm 1988. Một phần tro cốt được rải ở sông Phượng Hoàng, một phần được chôn trong khu rừng cạnh ngọn núi gần một thành phố nhỏ.

Phần lớn tác phẩm của ông là truyện ngắn với nhiều đề tài khác nhau, nổi bật là đời sống nông thôn. 

Truyện ngắn giới thiệu sau đây được công bố ngày 30/3/1932 tại Thượng Hải, và được nhuận sắc ngày 10/5/1942 tại Côn Minh. In trong tuyển tập Phụ nữ đô thị ( 市一妇人 ), tên truyện là một trong năm truyện ngắn, được viết trong thời gian 1930-1932. Lời đề tặng ở cuối truyện cho biết nó dựa vào một câu chuyện có thực và riêng tư, điều làm cho cốt truyện mãnh liệt hơn.

Truyện ghi nhận cuộc di dân của Trung Quốc từ phương Bắc sau khi bị quân Nhật xâm lấn vào năm 1931, dẫn đến việc Mãn châu bị chiếm đóng vào tháng chín, chuyện nhuốm vẻ bi thảm hơn vào năm 1942, lúc phần lớn đất nước bị quân Nhật chiếm đóng.

Truyện gồm ba phần, kết thúc bằng một câu tạo ra sự mở nút bất ngờ. Phần thứ nhất vẽ ra một khung cảnh thanh bình nhìn bởi hai đứa trẻ từ sân thượng một mái nhà ở ngoại ô một thành phố nhỏ vào mùa Xuân. Trời đẹp, không gian yên tĩnh, mọi vật đều thinh lặng, tuy vậy vẫn không ngăn được sự chuyển động, ngay cả tiếng ồn, tất cả chỉ để nêu bật cảm giác lặng yên.

Người đọc có thể liên tưởng tới câu thơ của Verlaine, với hình ảnh một bé gái ngắm nhìn trời xanh qua chân trời hạn hẹp:

 Le ciel est par-dessus le toit, si bleu, si calme,

   Mon Dieu, mon Dieu, la vie est là, simple et tranquille,

   cette paisible rumeur-là vient de la ville… ».

Những gì lay động trong khung cảnh đó - con diều, những con ngựa, khách bộ hành, cô dâu trẻ - mọi thứ trở thành biểu tượng của niềm vui và tự do trong một thế giới tinh khiết, đặc biệt là con diều với sợi giây bị đứt, theo dân gian tin thì đó là dấu hiệu mang đến bất hạnh cho chủ nhân.

Tuy thế, sang đến phần 2,  tác giả lại gợi ra sự đối lập giữa khung cảnh bên ngoài với tình trạng bên trong căn nhà: mọi thứ yên tĩnh bên ngoài đó đều vượt quá tầm của cả gia đình vì đây là những người tị nạn chạy giặc, đang lâm vào hoàn cảnh bi đát khi bà mẹ đang đau nặng. Và như thế cảnh yên bình mô tả ở phần đầu chỉ là giả tạo, chẳng khác nào câu chuyện trao đổi giữa những thành viên gia đình xung quanh giường bệnh của bà mẹ.

Trong phần thứ ba, giọng điệu trở nên cay đắng, những tiên đoán chỉ là những mảnh vụn các người trong nhà bám vào như chờ đợi một lá thư không đến, và sự yên lặng rốt cuộc chỉ là yên lặng của cái chết đang lượn lờ quanh đâu đó.

Cốt truyện được xây dựng trên sự đối lập hai mặt: chiến tranh/ thiên nhiên, sống/ chết, bên ngoài/ bên trong, hạnh phúc/ khổ đau - cuộc sống và khổ đau gắn kết nhau từ bên ngoài, nhìn thấy từ xa mà không với tới được. Cuối cùng, hạnh phúc chỉ có trong sự mê muội và là điều kiện của sự ngây thơ.

1.

Những ngày xuân rất dài. Vào một ngày như thế, trong một thành phố nhỏ, những người già đang ngủ gà ngủ gật trong bóng râm, uể oải trong cơn nóng, còn đám trẻ lại giết thời gian bằng cách chơi thả diều trên sân thượng nhà của chúng hay ở những khoảng đồng vắng. Trên bầu trời, ánh dương soi đang chậm rải chuyển mình như những áng mây, khi một chiếc giây diều bị đứt, mọi người đều ngẩng đầu nhìn lên, bọn trẻ thì ầm ĩ reo hò, nhảy nhót, vung tay, hy vọng con diều không chủ sẽ rơi vào nhà chúng.

Nhạc Mân, một em gái tuổi chừng mười lăm, mặt xanh xao của một      đứa bé thiếu dinh dưỡng, mặc một chiếc váy mới dài đến tận đầu gối, đang chơi trên sân thượng ngắm con diều bị đứt giây, không biết từ nơi nào tới, giờ đang bay rất cao trên bầu trời, ngang trên đầu nó, đầu sợi giây lượn từ mái nhà này sang mái nhà khác, đến nhà bên cạnh nơi có một bà mập đang cố khoèo xuống với một sào tre vốn dùng để phơi quần áo. Con bé nghe đằng sau có tiếng động nhỏ nơi cầu thang, một thằng nhóc đang cố bò tới, mới đầu ló ra cái sọ phía trên các bậc cấp. Vẻ sợ sệt của một tên trộm, đưa mắt nhìn quanh và khẽ gọi con bé khi đã bò tới: “ Cô ơi, bà ngủ rồi, cháu lên được không?”

Con bé, vụt quay lại khi nghe tiếng động , thấy thằng nhóc, trách nhẹ: “ Bắc Sinh, mày đáng ăn đòn lắm, sao mày dám lên đây? Không sợ bà la khi bà về à?”

“ Cho cháu chơi một lát. Cô đừng làm ồn, bà đang ngủ! “ thằng bé lặp lại nhỏ nhẹ.

Con bé nhíu mày ra vẻ trách móc rồi cũng kéo thằng nhóc lên.

Cũng giống các sân thượng trên mái nhà ờ thành phố nhỏ này, chúng được làm từ những mảnh ván, thường rất cổ, gắn với nhau trong một khung gỗ. Trên cao đó, hai đứa bé dựa vào lan can mảnh mai đang lung lay tưởng chừng sắp sập, chúng đang đếm những con diều nhỏ trên bầu trời. Mái nhà nằm nghiêng trên sân thượng, lợp ngói không đều nhau, nhiều chỗ đã mọc rêu sau những cơn mưa. Chung quanh, chỉ thấy mái nhà liên tiếp nhau, có những sân thượng nhà kế bên đầy cả quần áo phơi trên những sào tre, kêu lào xào như cờ bay trong gió. Trước sân thượng là tường thành bao quanh thành phố, có chỗ thấy được những mầm cây nho đang bám rễ nơi những kẽ nứt giữa các tảng đá. Phía bên kia có con sông nhỏ, nước trong veo, bên kia bờ là cánh đồng nhỏ xanh mướt như chiếc mũ có trang trí những hoạ tiết hoa muôn màu. Đằng xa, hiện lên những vườn cây ăn trái, và một tu viện nhỏ. Thời gian này, vài cây mận cạnh bờ rào những ngôi vườn trong khuôn viên tu viện đang trổ hoa.

Mặt trời nóng quá, phong cảnh yên quá, hai đứa trẻ không nói gì, chỉ nhìn lên trời rồi nhìn con sông. Dòng nước không còn màu xanh thẳm như lúc sáng hay khi chiều tối, ở đôi nơi nó nhuộm màu xanh nhạt, chỗ khác nó lại ngời ánh bạc lấp lánh dưới nắng. Trên cánh đồng bờ bên kia, có vài mảnh đã được gieo hạt cải, hoa loé lên rực rỡ màu vàng. Đôi chỗ, trên cỏ, những người thợ nhuộm trong thành phố đã trải ra những tấm vải trắng để phơi khô, vải được chặn kỹ bằng những viên đá. Có ba người đang ngồi trên những tảng đá lớn trên cỏ, đang thả diều, một người trong đó còn nhỏ đang thổi sáo một điệu nhạc vui tươi. Ba con ngựa đang lặng lẽ gặm cỏ và thong thả bước tới.

Chú bé Bắc Sinh, thấy hai trong mấy con ngựa phóng nước đại vội hét lớn, hào hứng: “ Cô ơi, nhìn kìa!” Cô bé đưa mắt nhìn nó, tay chỉ về phía căn phòng bên dưới, thằng nhóc hiểu ra, sợ bị phát hiện, đưa tay lên miệng và nhìn Nhạc Mân và lúc lắc cái đầu ra dấu: xuỵt xuỵt.

Sung sướng trong lòng, hai đứa tiếp tục nhìn mấy con ngựa, nhìn đồng cỏ, mọi thứ gợi cho cô bé những kỷ niệm xa xôi.

Chúng đến đây vì chiến tranh, nơi này không phải quê của chúng, cũng không phải nơi chúng muốn tới. Trong nhóm nhỏ của chúng, có mẹ, có chị dâu, chị cả và cháu bé con của chị, Bắc Sinh, rồi đứa giúp việc Thuý Vân, chỉ có Bắc Sinh là phái nam, mới năm tuổi. Họ đã lang thang vô định suốt mười bốn ngày trên một chiếc thuyền buồm, và khi đến đây, họ phải đổi tàu, nhưng rồi họ nghe tin thành phố X bị bao vây, tàu lửa tàu thuỷ gì cũng không thể đi đến Thượng Hải hay Nam Kinh được.

Chỉ khi đặt chân tới đây họ mới biết các tin tức họ được cho biết trước đều sai lạc hết. Giờ đây họ không thể đi qua, cũng không thể trở lại, bà mẹ có ý kiến tìm một căn nhà để tá túc qua ngày, họ gởi thư đi Bắc Kinh, Thượng Hải nhờ những binh sĩ chuyển và đang chờ phúc đáp. Bà mẹ hy vọng sẽ gặp ai đó từ Nghi Xương đến, còn bà chị thì mong thư từ Bắc Kinh, hoặc Thượng Hải, vì chị chỉ mong có chỗ để học. Đến Nghi Xương sống với bố đang là sĩ quan ở đó không bằng đến Thượng Hải với ông anh thứ hai đang là giáo sư, vậy mà cả tháng trời rồi họ vẫn còn đang chờ đợi.

Không ai nói được chừng nào họ có thể ra đi. Có những người đang chờ ở đây bốn mươi ngày rồi, mỗi ngày cô giúp việc vẫn đến cổng thành đọc những tờ báo dán ở trước toà soạn những tờ báo địa phương, rồi về nhà thuật lại cho cả nhà những tin đọc được. Mọi người mong tìm được chút an ủi, hoặc tranh luận với nhau về những ước mơ của mình cho đến tận chiều tối, nhưng vẫn không có chút hy vọng nào. Bà mẹ đau nặng, với mấy tháng chờ đợi tiền bạc cạn kiệt dần, thêm vào là những nhọc nhằn khi di chuyển, mọi thứ góp phần bào mòn sức khoẻ của bà.

Thằng nhóc Bắc Sinh tai thính, sợ bà biết được là nó đã leo lên tới đây một mình, bà đã dặn nó là leo cao dễ bị té gãy tay nếu rớt xuống vũng nước, bởi vậy, khi nghe tiếng bà ho, nó níu lấy tay áo của người cô và nói khẽ: “ Cô ơi, giúp cháu xuống thôi, bà dậy rồi đó!” Thiệt tình thằng nhỏ một mình leo lên được nhưng không thể đi xuống.

Khi Nhạc Mân đưa thằng nhóc xuống, nó thấy con bé giúp việc ở trong sân đang giặt quần áo, nó bèn chạy tới phụ giúp, nhưng thấy công việc này chán ngắt, nói với con bé: “ Giặt đi, để tao đem phơi cho.” Lát sau nó leo lên phơi đồ.

2.

Vì chiếc cầu gần nhất cũng khá xa nơi này, để qua sông thuận tiện hơn, có một chiếc đò rộng bằng mảnh ván, đang hờ hững neo bên bờ sông. Nhưng nó không đưa tới chỗ có đường đi nên chỉ có đám công nhân xưởng nhuộm hoặc mấy người đi cuốc đất mới dùng tới, có khi phải nửa ngày mới có khách đi đò. Vào giờ đó, lái đò có khi còn đang ngủ trên tảng đá giữa đồng cỏ. Dưới ánh nắng, con đò trông xám xịt, mệt mỏi, già nua, lướt nhẹ trên mặt nước theo làn gió nhẹ.

“ Tại sao mọi vật lại yên lặng đến thế này?” Cô bé Nhạc Mân tự hỏi. Tuy nhiên, trong lúc này, cách nơi đó không xa, những công nhân đang đóng tàu lấy búa gõ mạnh lên thành tàu kêu inh ỏi. Người ta còn nghe thấy tiếng rao của người bán dạo kim chỉ đi ngang qua làng. Các tiếng động vang lên không ngừng, nhưng cũng chính chúng lại làm rõ hơn cảm giác     về cái yên lặng khác thường.

Sau một lúc, từ tu viện có trồng mận, một vị nữ tu đội mũ đen và mặc áo khoác xám bước ra, tay ôm cái rổ, bà băng qua cánh đồng tiến về phía bờ sông. Bà dừng lại một chốc, bên trên chỗ con đò, ngồi xổm trên một tảng đá, vén tay áo lên, nhìn quanh, có lúc nhìn con diều bay trên trời, lúc này bà mới chậm rải lấy từ trong rổ một bó rau xanh đặt trước mặt rồi nhúng xuống nước đưa đẩy qua lại, dòng nước sáng bóng. Một lúc sau, từ bờ sông bên kia có một cô thôn nữ cất tiếng gọi đò, người lái đò bước lên chèo qua đón khách, không hiểu vì lý do gì, anh ta lại tỏ vẻ giận dữ, buông lời mắng nhiếc, cô kia không trả lời, cứ thế lên bờ bỏ đi. Lúc này lại có ba người đàn ông gánh những giỏ nặng từ bên kia bờ lại gọi đò, người lái đò lại tiếp tục công việc, và lần này thì ba ông khách lại cãi lộn nhau và lái đò im lặng không lên tiếng. Đến bờ, anh cắm mái chèo lên cát, còn mấy người đàn ông lần lượt đi theo hàng dọc, khuất sau cánh đồng.

Bà nữ tu rửa rau xong, bắt đầu đập quần áo hay mảnh vải với thanh gỗ để giặt. Bà đập nhiều lần rồi nhúng vải xuống nước, lấy lên đập nữa thật mạnh. Tường thành vang lên tiếng đập. Bà tu sĩ thấy những âm thanh này thật thú vị, cứ nghe vang lên rồi tiếng vọng lại. Bà đã xong việc, không muốn giỡn nước nữa nên lại mang rổ trở về tu viện, cố ý đi gần chỗ phơi đồ.

Sau khi vị nữ tu rời đi, cô bé Nhạc Mân đến nhìn dòng nước, thấy vài lá rau đang nổi bập bềnh trôi về phía con tàu, nó nghĩ đến khuôn mặt rạng ngời của vị nữ tu hồi nãy. “ Giờ này đây hẳn bà ấy đang phơi đồ trên sào tre trong tu viện, hoặc đang ngồi dưới bóng cây mận xoa lưng cho mẹ bề trên! hoặc đang đọc kinh và giỡn với chú mèo… Nó nghĩ đủ thứ chuyện ngộ nghĩnh như thế rồi mỉm cười…

Một lát sau… Nghĩ đến niềm vui của bà nữ tu, đến dòng nước, đến mấy khóm hoa xa xa, đến mây trời, rồi lại nghĩ đến bệnh tật của mẹ, cô bé bất giác thấy cô đơn. Nó nhớ lại rằng, sáng hôm đó, con chim két đã hót trên sân thượng rất lâu, rồi lại nhớ ra là giờ này người đưa thư thường đi qua, tốt hơn nó phải xuống coi có thư nào từ Thượng Hải tới không. Đến gần cầu thang, nó lại thấy thằng nhóc Bắc Sinh lần nữa đang nhẹ nhàng bò lên, nhưng mới ở mấy bậc dưới.

“ Này nhóc, đừng lên đây nữa!”

Khi cô bé đi xuống, thằng nhóc đi theo, cúi đầu xuống, ghé sát vào tai nó, thì thầm: “ Cô ơi, bà khạc ra … “

3.

Vào trong phòng, con bé thấy mẹ nằm dài trên giường, lặng lẽ như xác chết, thở yếu, khuôn mặt dài ốm toát lên vẻ mệt mỏi và buồn rầu. Có vẻ như bà đã thức giấc từ nãy rồi, và khi nghe có tiếng bước chân đi vào phòng, bà mở mắt ra.

“ Con ơi, giúp mẹ chút việc, coi có còn nước trong bình thuỷ không. “

Khi đang đổ nước nóng ra để chuẩn bị thuốc cho mẹ, Nhạc Mân nhận thấy khuôn mặt ngày càng hốc hác của mẹ, với cái mũi nhỏ xíu: “ Mẹ à, nó nói với bà, trên sân thượng nhìn trời đẹp lắm, có thể thấy cả những hoa mận bên tu viện phía bên kia bờ sông, hôm nay hoa nở cả rồi đó.”

Người bệnh khẽ mỉm cười không đáp. Nhớ lại chút máu bà đã khạc ra khi ho, bà đưa bàn tay xương xẩu sờ lên trán, và như nói với chính mình khi dịu dàng nhìn con gái: mình không sốt. Nụ cười thật cảm động, thương cảm, khiến Nhạc Mân thở dài não nuột.

“ Mẹ có bớt ho không?”

“ Ừ, khá hơn rồi, con đừng lo, không có gì trầm trọng cả. Sáng nay mẹ ăn cá, cổ họng hơi nóng chút thôi, chẳng sao cả. “

Khi cả hai đang nói chuyện, con bé đưa mắt nhìn chỗ ống nhổ đặt bên gối bà mẹ, bà hiểu ý nên vội nói: Chẳng có gì bên trong đâu, rồi nói thêm: Con ngồi im đó để mẹ ngắm một chút, tháng này thấy con lớn hẳn ra đó.

Con bé đưa mắt bối rối nhìn bà mẹ: “ Con không muốn ra vẻ cò hương đâu mẹ ơi, con ngại lắm khi xung quanh toàn người lớn, con không thích.”

Im lặng một lúc, bà mẹ sực nhớ ra một chuyện.

“ Con ạ, mẹ vừa có giấc mơ đẹp. Mẹ mơ thấy chúng ta ở trên tàu, tàu đông khiếp lắm ở khoang hạng ba.”

Đó là giấc mơ bà mẹ bịa ra, vì bà hơi hoang mang, nên bà đã kể lại lần thứ hai.

Cô bé nhìn khuôn mặt nhỏ xíu xanh xao của bà mẹ và cố mỉm cười:

  Đêm hôm qua, con có mơ thấy một chiếc tàu lớn, và anh Sơn Mai đến đón chúng ta, con biết là anh làm tiếp tân ở khách sạn Phúc lưu và anh cho mỗi một người trong chúng ta một hướng dẫn viên du lịch. Hôm nay con két đã hót rất lâu, để xem hôm nay có thư không.”

“ Nếu hôm nay không có thì ngày mai.”

“ Ai biết được, có thể anh ấy sẽ tự đến.”

“ Trong báo không thấy nói là sư đoàn Nghi Xương đã chuyển quân đi rồi sao?”

“ Nếu đúng vậy, có lẽ bố cũng đã đi rồi.”

“ Nếu bố đến, bố sẽ gởi điện tín trước.”

Hai mẹ con cứ bàn cãi như thế với vẻ lạc quan cố ý, người này tìm cách lừa người kia, nhưng, chính Nhạc Mân lại nghĩ: “ Bây giờ phải làm sao khi mẹ đau ốm thế này?” Còn người bệnh lại tự nhủ: “ Nếu bệnh cứ kéo dài thì thật là khủng khiếp.”

Khi trở về thành phố, họ đi thăm một thầy bói. Nhạc Mân và chị dâu thì thầm bàn chuyện. Từ cửa phòng, cô bé gọi họ với vẻ vui tươi giả tạo: “ Hai chị ơi, hồi nãy có con diều đứt giây, rớt trên mái nhà, chị hàng xóm cố lấy sào khoèo xuống, làm bể nhiều viên ngói, thiệt vui ghê.”

“ Bắc Sinh, cô chị nói, con lại leo lên mái nhà với cô rồi, không cẩn thận sẽ gãy chân rồi đi cà thọt đó.”

Nghe mẹ nói, thằng nhóc đến ngồi bên Thuý Vân không dám nói lại, chỉ nhìn Nhạc Mân rồi cười.

Nhạc Mân cười đáp lại, rồi đi qua sân kéo chị vào nhà bếp rồi nói nhỏ:” Hình như mẹ vẫn còn khạc ra máu đó.”

“ Biết làm sao bây giờ, nhất thiết phải chờ thư Bắc Kinh gởi đến.”

“ Rồi số phận sẽ dành cho ta điều gì đây?”

Cô chị đưa cho cô tấm phiếu và ra dấu đi tới gần thằng nhóc vẫn đang còn ngồi bệt dưới đất. Bắc Sinh ôm mẹ nói: “ Mẹ à, bà vẫn ho ra máu đó, bà giấu dưới gối.”

“ Mẹ đã nói con đừng vào phòng quấy rầy bà, con không hiểu sao.”

Thằng bé trả lời:” Con hiểu rồi.” Nó nói thêm:” Mận vườn bên kia nở rộ hoa rồi, mẹ cho con lên sân thượng chơi một lát với cô, con không làm ồn đâu.”

Bà mẹ tỏ vẻ giận:” Mẹ cấm con leo lên, trời đã mưa, trơn lắm ở trên đó. Con vào phòng mà chơi, nếu con leo lên bà sẽ la cô con đó.”

Thằng bé ngoan ngoãn đi vào phòng, đi gần và siết tay cô nó.

Thuý Vân đã giặt đồ xong, đang vắt khô. Nhạc Mân bảo nó:” Lần sau ta ra sông mà giặt, tiện hơn nhiều. Rồi đi đò sang bên kia bờ, không có ai, không sợ gì cả.” Thuý Vân không trả lời, nó đỏ mặt và cúi đầu cười thầm.

Vì người bệnh vẫn ho trong phòng, hai chị em chạy vào xem. Thuý Vân phơi đồ xong, chuẩn bị lên. Nhạc Mân nhìn những cái bóng trong sân rồi đến cửa phòng bà nhìn vào. Chị dâu nó đang rọc giấy, còn chị nó ngồi trên giường, cố nhìn xem có gì trong ống nhổ, bà mẹ lấy tay che ngăn lại, nhưng khi con gái nhìn thấy, bà chỉ lắc đầu. Tuy vậy, cả ba người vẫn cố mỉm cười và chuyển sang nói chuyện khác, những chuyện rất xưa, cố quên đi không khí buồn bã đến não lòng. Cuối cùng họ trở lại chuyện thư từ và điện tín. Không hiểu thực sự tại sao, Nhạc Mân thấy lòng nặng trĩu, nó đứng ngoài sân, mắt đỏ hoe, mím chặt môi tuồng như đang giận ai. Lát sau nó nghe tiếng Thuý Vân  gọi từ trên sân thượng: Cô ơi, lên đây đi, nhìn cô dâu đang cỡi ngựa, sắp xuống đò đó. Rồi một lát sau, nó lại gọi:

Mau lên cô ơi, mau lên, có con diều rơi trên mái nhà đây này, lượm được đó.

Nhạc Mân ngẩng đầu lên, và quả thực là từ dưới sân nó thấy một con diều, trên cao tít, đang lượn lờ qua lại như một viên cảnh sát say rượu đang đi tuần tra, thoáng thấy sợi giây đang đảo qua lại trên không.

Nhạc Mân chờ Thuý Vân leo lên sân thượng, nhưng không phải để nhìn con diều, cũng không nhìn cô dâu. Lên tới đó, nó đứng tựa vào lan can, như vẫn thường làm, để nhìn cảnh vật chung quanh, và nó cảm thấy sự tĩnh lặng từ từ trở lại với mình. Nó nhìn thấy những công nhân xưởng nhuộm thu xếp những mảnh vải trắng, gấp thành hình chữ nhật giống như đậu phụ phơi khô, và xếp những mảnh vải trên cỏ, từ trên mái nhà của tu viện, một làn khói toả lên, nó còn nhìn thấy khói từ những nhà khác nữa. Lúc này nó đi xuống.

Xuống dưới, nó đưa mắt nhìn vào phòng người bệnh: ba người phụ nữ đang ngủ trên giường, dưới đất là một con chó bông. Trong bếp, cô bé thấy Thuý Vân ngồi bên bếp lửa, lén lút tô phấn hoà chút nước lên mặt, cô vội bước ra sân.

Sau đó, nó nghe có tiếng đập cửa ở nhà bên cạnh, rồi nghe có tiếng hỏi đáp. Nó ngạc nhiên tự hỏi: “ Có chuyện gì vậy nhỉ? Chả lẽ bố và anh đang ở đó và đang hỏi tìm nhà?” Tim đập thình thịch, nó vội chạy đến cổng, chờ xem có ai bấm chuông không, hẳn là người từ ca đến.

Nhưng yên lặng trở lại ít lâu sau.

Nhạc Mân thoáng mỉm cười, không hiểu tại sao. Bóng tối từ góc mái nhà và bóng cây sào phơi đồ có ánh mặt trời chiếu vào léo lên trên mộ góc sân, đúng như, chính xác vào lúc này, ở nơi khác, bóng do lá cờ giấy trên mộ bố và anh đang được mong đợi đang chiếu vào…

 

( Để tưởng nhơ Bắc Sinh, con trai xấu số của chị tôi ).

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
Tháng 7/2023.

Nguồn

http://www.chinese-shortstories.com/Nouvelles_de_a_z_ShenCongwen_Calme.htm