Tuesday, July 4, 2023

2952. TRỊNH Y THƯ Ký ức của loài bò sát (Phân đoạn 8-9)

Trịnh Y Thư

KÝ ỨC CỦA LOÀI BÒ SÁT

(Phân đoạn 8-9)

Bản vẽ của Duy Thanh.

8.

Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn.

    Nhiều lúc tôi cảm thấy mình may mắn vì vẫn được yên ổn ăn học. Mùa hè năm đó, đáng lẽ tôi phải về Yên Bái gặp gia đình đang tạm cư tại ấp bác Phán Đương vì thư của mẹ tôi tới tấp giục tôi về. Nhưng thay vì đi lên mạn ngược, tôi theo anh Mẫn và Toại xuôi nam về Liên khu Ba. Anh Mẫn về thăm nhà, tôi và Toại ham vui đi theo thôi vì nghe nói ở Chợ Đại, Cống Thần vui lắm chứ không như Phú Thọ buồn như chấu cắn này.

    Có ba anh em làm bạn đồng hành nên chuyến đi rất vui, mặc dù cực nhọc vì chúng tôi phần nhiều đi bộ chứ làm gì có xe cộ. Đường nhựa ô-tô chạy đều bị phá hủy, xẻ ngang xắt khúc để cản đường tiến của quân Pháp. Tàu hỏa cũng không chạy vì đường rầy bị tháo tung cả. Ngoại trừ một lần, lúc đến bến sông Hưng Hóa, chúng tôi được một người chủ thuyền tốt bụng cho quá giang, không lấy tiền, từ đó xuống Sơn Tây, vì ông ta đang có mối chở hàng xuống miền xuôi. Thuyền đi ban đêm, sợ ban ngày máy bay Pháp bắn phá. Ông chủ thuyền bảo cách đây mấy hôm máy bay Pháp bắn chìm một chiếc thuyền trên chở toàn người tản cư gần Việt Trì.

    Lần đầu tiên tôi được đi thuyền xuôi dòng sông mà lại đi vào ban đêm. Quả chẳng có cái thú nào bằng. Đêm trong vắt, bầu trời đầy sao lấp lánh, không một tiếng động nào ngoài tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền oàm oạp nghe như một điệu hát ru em. Thuyền trôi êm. Ban ngày đi mệt, nên tôi ngủ say sưa, chẳng biết trời trăng mây nước gì nữa. Sáng sớm, trời còn ửng hồng, chúng tôi đã thức giấc, vốc nước sông lên súc miệng rửa mặt, ăn vội củ khoai lang nguội lạnh của ông chủ thuyền rồi khoác ba-lô lên vai tiếp tục đi về hướng đông nam. Trước khi đi, anh Mẫn giúi ít tiền vào tay ông chủ thuyền, nhưng ông nhất định không chịu nhận. Lại đi ven những bờ ruộng, hay dọc theo đường tàu hỏa chỉ còn lại vết tích đường rầy năm xưa. Xóm làng hiu quạnh lắm. Vết xích xe tăng còn in hằn trên bờ đê, những ngôi đình bị bom cháy rụi đổ nát, những thân cây lỗ chỗ vết đạn. Cả một dải đất dài ngút mắt tới tận chân trời không hề có dấu vết của cuộc sống. Sự hoang vu như phả lên mặt mũi ba anh em lúc chúng tôi xắn quần, tháo xăng-đan, lội qua một con sông nhỏ cạn nước. Cái nóng nung người rung rinh trời đất của mùa hè càng làm cho cảnh vật xung quanh mất hết mọi sinh khí, thêm thảm thiết. Anh Mẫn có vẻ bồn chồn lo lắng nên rảo bước. Tôi và Toại cũng cắm cúi bước nhanh theo anh.

    Đến Bài Trượng, anh Mẫn bảo hai chúng tôi theo anh vào làng cho anh hỏi thăm người quen. Đến nhà thấy cửa ngõ trước sau đều đóng kín, có lẽ người nhà đã tản cư hết rồi. Anh ra vườn sau gặp một anh dân quân tự vệ đang nằm trên võng thiu thiu ngủ. Anh lại gần, nói to như quát:

    “Huân! Dậy! Canh với gác thế này thì Tây nó vào đốt cả bàn thờ ông bà cũng chả biết!”

    Anh dân quân tên Huân vùng dậy, vơ vội khẩu pạc-khoọc đặt ngang trên bụng, mở bừng mắt chống hai chân xuống võng đứng thẳng dậy. Khi nhận ra Mẫn, anh chàng kêu to mừng rỡ:

    “Ơ kìa! Anh Mẫn! Thế mà em cứ tưởng là ai. Anh về lúc nào thế?”

    “Anh vừa về đến đây. Chú thím có việc gì không?”

    “Không, anh ạ. Thầy mẹ em vẫn khỏe, nhưng tản cư cả rồi, sang làng Giá ở nhờ nhà bác Cả Cẩn, chắc chỉ vài hôm lại về. Em xung phong ở lại làm dân quân tự vệ. Gia đình chị Yến cũng tản cư cùng lượt với thầy mẹ em. Chị Yến cũng xung phong ở lại trong đội cứu thương. Hôm kia Tây nó vào làng càn quét, nhưng chẳng làm được gì. Đội dân quân bọn em có được trên hai mươi tay súng…”

    Hình như anh Mẫn xúc động mạnh. Trong lúc anh chàng Huân lẻo mép vẫn tiếp tục khoe khoang thành tích của đội dân quân nhà, anh Mẫn hạ giọng hỏi:

    “Yến có hỏi gì về anh không?”

    “Có chứ sao lại không. Ngày nào chị ấy cũng sang đây hỏi han em đủ thứ về anh.” Huân vừa nói vừa cười, nụ cười có nhiều ý nghĩa.

    “Em cho anh và hai cậu em này tạm trú ở đây. Sáng mai bọn anh đi tiếp xuống Vân Đình cho anh thăm bố mẹ anh.” Nói đến đây anh quay sang hai thằng chúng tôi, nãy giờ vẫn đứng sau lưng anh theo dõi câu chuyện.

    “Đây là Toại, học sinh gương mẫu nhất của Bưởi và bây giờ là Chu Văn An. Còn cái thằng mặt ngố như mán rừng kia là Minh. Cả hai đều là Tự vệ thành, bây giờ học cùng trường với anh ở Đào Giã. Em vào nhà thổi cơm, đừng chờ anh, anh sang nhà chị Yến đây.”

    Nói xong anh quay sang dặn dò hai đứa chúng tôi vài việc rồi xốc lại ba-lô quày quả đi sâu vào làng. Chẳng phải thánh, tôi cũng đoán được cái cô Yến nào đó là người yêu của anh Mẫn. Tôi cười thầm trong bụng. Hóa ra ông anh của mình nôn nả từ mấy hôm nay nhất quyết ra tận đây chẳng phải vì bố mẹ đang chờ mà vì người yêu đang đợi. Cũng vui thôi. Chả biết cái cô Yến này ra sao, chắc phải đẹp người đẹp nết lắm mới lọt vào mắt xanh của anh.

    Đêm đó anh Mẫn ngủ bên nhà cô Yến. Tôi và Toại được anh Huân thổi cơm độn khoai ăn với muối vừng và rau lang luộc chấm tương Cự Đà. Tôi quất hết năm bát cơm, bát nào bát nấy đầy ụ mà vẫn thấy đoi đói. Sáng ra, anh Mẫn quay lại, nhưng không thấy chiếc ba-lô trên vai. Trông anh tươi tỉnh, đỡ mệt mỏi hơn một chút, nhưng tôi không thấy nét phấn chấn nào trên gương mặt anh, ngược lại là đằng khác, mặt anh như vương vấn nỗi lo buồn gì đó. Chẳng lẽ vừa ngủ một đêm với người yêu mà chẳng phấn khởi yêu đời thêm tí nào ư? Hay là bị người yêu cự tuyệt? Anh nói bọn mình ở lại Bài Trượng thêm ba hôm nữa mới đi Vân Đình.

    Gốc gác anh vốn ở làng này. Bố mẹ anh dọn lên Hà Nội thuở anh còn học tiểu học vì bố anh được nhận vào làm việc cho Sở Công Chánh. Cái anh chàng Huân lắm mồm đã khai báo đầy đủ lý lịch của anh cho chúng tôi nghe trong lúc ngồi ăn cơm trên chiếc chõng tre ngoài sân gạch chiều hôm qua. Anh với anh Mẫn là anh em con chú con bác. Còn cuộc tình giữa anh Mẫn với cô Yến nào đó thì được miêu tả như là một thiên tình sử lâm ly kỳ hận. Cô Yến đẹp nhất làng, con gái út cụ Cử họ Chu. Nhưng cụ ông cụ bà theo nhau mất sớm, cô ở với gia đình người anh cả và bà u già. Cô và anh Mẫn thân thiết nhau từ nhỏ, và khi dậy thì thì yêu nhau, anh Mẫn tuy ăn học ở Hà Nội nhưng có dịp nghỉ là về làng thăm người yêu. Nhưng cuộc tình của họ bị cả gia đình người anh cả của cô Yến lẫn bố mẹ anh Mẫn kịch liệt chống đối. Lý do chỉ vì hai dòng họ có mối thù từ thuở kiếp nào không biết. Bố mẹ anh Mẫn bỏ lên Hà Nội sinh sống vì không muốn anh gần cô Yến. Ôi, chỉ có cái chuyện cỏn con như thế thôi mà anh chàng Huân nói mãi suốt bữa cơm không hết chuyện. “Nhưng hai cậu biết gì không?” Ăn cơm xong, anh Huân chiêu một ngụm nước vối, súc súc trong miệng vài cái rồi nuốt đánh ực, tiếp tục kể. “Cái cô Yến này ghê gớm lắm chứ chẳng vừa või gì đâu. Cô ấy bất chấp gia đình ông anh cả, bất chấp lời ong tiếng ve của người làng, công khai tuyên bố sẽ lấy anh Mẫn, và nếu không có chiến tranh thì chắc năm nay hai người làm đám cưới rồi đưa nhau lên Hà Nội hay nơi nào khác sinh sống, không cần biết gia đình hai bên có đồng ý hay không. Con gái thời nay có khác, chẳng xem lễ nghi phong tục ra cái quái gì nữa.”

    Tôi và Toại theo anh Mẫn sang nhà cô Yến, cùng đi có cả Huân. Anh chàng không quên vác theo khẩu pạc-khoọc đeo kè kè sau lưng. Khẩu súng dài chĩa mũi lên trời, trông anh cũng oai vệ lắm, dù trên người chỉ mặc bộ quần áo vải cũ kỹ xộc xệch, quần ống thấp ống cao, chân đi đất như bất cứ anh nông dân nào ở đây. Với khẩu súng bắn một viên lại phải nạp đạn, không hiểu làm sao anh và các dân quân khác chống cự được bầy lính Lê dương với xe bọc sắt, súng liên thanh như thú dữ ngoài kia?

    Sang đến nhà cô Yến, tôi cảm thấy vô cùng ân hận vì đã nghi oan cho anh Mẫn đêm qua bỏ chúng tôi đi hú hí với người yêu. Ngôi nhà ngói năm gian với sân gạch đằng trước bây giờ biến thành trạm cứu thương. Trong nhà, ngoại trừ bàn thờ ở gian giữa và cái phản gỗ bên trái, còn tất cả bàn ghế đồ đạc khác bị ném ra sân để nhường chỗ cho khoảng trên chục người bị thương nằm la liệt dưới nền nhà. Chắc là kết quả thảm hại của trận càn quét xảy ra hôm kia, theo lời anh Huân. Đa số nằm thiêm thiếp chẳng biết sống chết ra sao, nhưng có người ngồi dậy và tôi thấy ba chị đang đút cháo cho họ. Cô Yến (tôi đoán là cô vì quả thật trông cô đẹp lắm) bỏ bát cháo đang đút dở, chạy ra gặp anh Mẫn, nước mắt rơm rớm:

    “Anh vừa đi được một chốc thì cậu Tính và chú Năm Phùng tắt thở. Suốt đêm máu ra nhiều quá. Chú Khoát bây giờ cũng yếu lắm, em sợ không qua nổi.”

    Anh Mẫn lại ngồi bệt xuống nền nhà bên cạnh người đàn ông tên Khoát. Có lẽ chú bị thương nơi bụng vì băng cứu thương quấn ngang bụng máu tươm đỏ loét. Anh sờ tay lên trán chú, chép miệng:

    “Sốt già thế này thì chắc vết thương làm độc rồi.”

    “Phải làm thế nào bây giờ, anh?” Cô Yến hỏi, giọng lo lắng.

    “Chỉ có cách gắp lấy viên đạn ra thôi. Hôm qua anh xem xét vết thương của chú, viên đạn vào bụng tuy không sâu, không chạm vào chỗ hiểm chết người, nhưng nếu không lấy ra thì vết thương sẽ làm độc. Hiện chú đang lên cơn sốt, chắc nó đã bắt đầu làm độc rồi.”

    Người đàn ông bỗng mở mắt, thấy anh Mẫn và mọi người ngồi xúm xít xung quanh, ông ta rên lên rồi thều thào cất tiếng:

    “Khát nước quá…”

    “Em lấy nước cho chú uống.” Anh bảo cô Yến đoạn quay ra phân công cho chúng tôi chuẩn bị các thứ cần thiết để thi hành ca phẫu thuật gắp viên đạn trong bụng chú nông dân tên Khoát. Cô Yến vừa cho chú uống nước vừa nói gì đó với chú, có lẽ trấn an chú để chú bớt lo sợ. Tôi nghe tiếng chú đứt quãng:

    “Tôi chịu đau được… Cô Yến, anh Mẫn cứ yên tâm…”

    Đó là một ca phẫu thuật có một không hai trên đời.

    Bác sĩ Mẫn và y tá Yến ngồi xổm hai bên bệnh nhân, trợ tá Huân giữ hai chân, trợ tá Toại giữ hai tay, trợ tá Minh ngồi bên cạnh cầm chiếc đũa cả chặn ngang miệng bệnh nhân đề phòng trường hợp bệnh nhân cắn lưỡi. Bác sĩ Mẫn từ từ mở lớp băng quấn bụng. Quả thật, vết thương đã làm độc. Máu trộn với một thứ nước trắng đục từ cái lỗ sâu hoắm bầy nhầy da thịt nằm gần mạng mỡ phía bên trái tươm ra không ngớt. Bác sĩ Mẫn cầm con dao nhíp đã được khử trùng, miệng hô to “Chuẩn bị!” và khi hai anh trợ tá đè chặt tay chân bệnh nhân thì anh thọc con dao vào vết thương. Tôi giật mình xuýt ngã ngửa ra đằng sau vì tiếng thét của con người mà sinh mạng đang làm thời gian như ngưng đọng trong ngôi nhà ngói cổ. Bác sĩ Mẫn ngoáy con dao mãi vẫn không tìm thấy viên đạn. Tiếng thét hãi hùng vang lên từng chặp. Có lẽ cả làng, ai cũng nghe thấy tiếng thét, đúng ra, nó là tiếng thét vang vọng suốt thế kỷ khổ đau, trầm thống này. Nó xoáy vào màng nhĩ tôi, nằm sâu trong đó suốt cuộc đời tôi, chẳng bao giờ buông tha. Con dao thọc vào sâu thêm, tiếng thét trở thành tiếng rú như con vật bị chọc tiết. Có lẽ con vật bị chọc tiết, phản ứng cũng không dữ dội như thế. Cứ thế từng hồi, từng chặp. Nhưng bác sĩ Mẫn gan lì lắm, anh vẫn tiếp tục chọc ngoáy con dao nhíp nhỏ xíu tìm kiếm viên đạn. Trợ tá Huân bặm môi ngồi hẳn lên đôi chân bệnh nhân, hai tay giữ chặt hai ống quyển mà có lúc xuýt bị hất văng. Y tá Yến lết hai chân ngồi lùi lại vì hãi sợ. Hai chị khác trong đội cứu thương bỏ mặc bệnh nhân, ôm mặt chạy ra ngoài. Vài người đang nằm bẹp cũng cố nghển cổ lên nhìn sang. Cuối cùng bác sĩ Mẫn nhìn thấy viên đạn, anh nói “Kìm!” Y tá Yến đưa anh cây kìm, loại kìm thợ mộc dùng để nhổ đinh. Nó to quá, anh loay hoay mãi vẫn không sao kẹp được viên đạn. Anh đưa lại cây kìm cho y tá Yến rồi tiếp tục rạch miệng vết thương cho rộng thêm. Đến đây thì chú nông dân tên Khoát đã ngất đi vì đau quá mức chịu đựng. Tốt thôi. Khi viên đạn nhú lên khỏi cái lỗ sâu hoắm chừng hai milli-mét, anh Mẫn lách cây kìm vào lẹ làng gắp viên đạn ra. Y tá Yến chùi sạch vết thương xong rắc thuốc bột khử trùng lên và lấy một nắm bông gòn to ụp lại. Băng bó. Xong.

    Ca phẫu thuật kéo dài chắc không quá mười phút đồng hồ mà tôi thấy như mười thế kỷ. Mồ hôi tôi toát ra như tắm. Chú nông dân tên Khoát đã ngất đi, nhưng chú mới ở lứa tuổi ba mươi, còn sức lực lắm, chắc chú không chết đâu. Tôi ngồi thở dốc mặc dù so với Toại và anh Huân tôi chẳng phải làm gì nhiều. Anh Mẫn bỏ ra ngoài, cô Yến đi theo, đem cho anh một cốc nước.

9.

Chúng tôi ở lại Bài Trượng một tuần lễ mới lên đường đi Vân Đình. Chú nông dân Khoát đã tỉnh lại. Ngày thứ ba sau ca mổ khủng khiếp, chú đã ngồi dậy ăn được chút cháo. Đúng như anh Mẫn đoán, viên đạn không chạm phải chỗ phạm trong người, chú sẽ thoát chết. Vợ chú và mấy đứa con đã đến đón chú về săn sóc. Những người bị thương khác cũng lần lượt xin phép về nhà mình. Ngôi nhà của cô Yến trở nên yên ắng, trống trải. Lúc đó cô mới có thời gian tỉ tê tâm sự với anh Mẫn. Hai người quấn lấy nhau suốt ngày đêm. Hình như khi cận kề với cái chết, người ta chẳng còn gì để giữ lại nữa. Anh Mẫn bỏ mặc tôi và Toại bên nhà anh Huân, nhưng chúng tôi chẳng buồn tí nào, ngày ngày ra ao sau nhà tắm rồi vào thổi cơm ăn. Có hôm anh Huân câu được con cá, đem vào nấu canh cà chua thì là, húp soàm soạp. Tính tình anh Huân tuy nói nhiều nhưng xởi lởi, tốt bụng. Chúng tôi tạm quên những cực nhọc đang trải qua để tận hưởng vài ngày hè vui, thoải mái.

    Anh Mẫn bịn rịn chia tay với cô Yến mãi rồi cũng phải ra đi. Từ Bài Trượng chúng tôi lội qua một con sông mùa này có nhiều chỗ cạn nước, đi về phía đê Cao Bộ, lên tới mặt đê, nhắm hướng Ngã Ba Thá đi một thôi đường nữa là sắp đến Vân Đình. Thế mà cũng hết gần một ngày đi bộ.

    Thị trấn Vân Đình vui thật. Từ đây ra Hà Nội chỉ cách ba mươi cây số đường chim bay. Dân tản cư từ Hà Nội kéo về đông đúc, thi nhau mở hàng quán buôn bán dọc hai bên đường, người đi lại tấp nập, hàng hóa thứ gì cũng có. Ngày đầu tiên đến, ba chúng tôi ra chợ, tôi mua được chiếc bút máy hiệu Pác-ke từng mơ ước, anh Mẫn mua được chiếc đồng hồ Uy-le cũ, đeo vào tay trông oách ra phết. Toại không mua gì, anh có vẻ không thích trò mua sắm của mấy thằng “tạch-tạch-sè” đầu óc còn nặng mùi tư hữu này. Nhưng mặc dù không thích, anh vẫn lẽo đẽo theo chúng tôi la cà hết con phố.

    Hôm sau chúng tôi sang Chợ Đại-Cống Thần. Nơi đây còn nhộn nhịp hơn cả Vân Đình. Thật ra, nó là cái chợ trời nằm dọc trên bờ một nhánh sông con đổ ra sông Đáy. Từ đầu chợ, làng Đại, đến cuối chợ, làng Thần, dễ thường có đến năm cây số, mọc lên không biết cơ man nào mà kể những gian nhà tranh cột tre hay nhà gỗ xiêu vẹo nhếch nhác, chắp vá tạm bợ. Mỗi nhà là một cái tiệm hay quán bán thứ gì đó. Các mặt hàng thuộc loại “quốc cấm” như rượu Pháp, tơ lụa, sữa hộp, thuốc lá thơm Cotab, Philip Morris, Camel này nọ đều có vì là nơi giáp ranh với vùng Tề, hàng do các tay “bờ lờ” từ Hà Nội hay các làng Tề tuồn sang. Dĩ nhiên chúng tôi nào dám tơ tưởng đến các thứ hàng ấy, muốn cũng không có tiền mua. Xế chiều chúng tôi đi ngược về phía Chợ Đại. Nam thanh nữ tú dập dìu chẳng kém gì chiều thứ bẩy bát phố Tràng Thi Hà Nội. Về trang phục, các cô cậu ăn mặc giản dị hơn. Tôi thấy các cô gái thường mặc áo cánh trắng hoặc nâu cổ vuông, tóc thắt bím buông thõng xuống bên vai. Các chàng trai thì áo bà-ba nâu, quần ka-ki, chân đi dép Con Hổ. Hàng quán la liệt bán đủ thứ thức ăn, thức uống, có cả quán cà-phê, tiếng hát theo điệu nhạc xập xình từ xa đã nghe văng vẳng. Một tiểu đô thị để “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” nay đã không còn.

    Đang đi lang thang ngắm cái chợ trời ngộ nghĩnh giữa một vùng sông nước đồng ruộng hoang sơ, ngắm người qua lại, anh Mẫn bỗng kéo hai đứa chúng tôi vào một quán ăn. Đúng hơn, một quán phở. Phở Thăng Long. Tôi thấy biển hiệu bên ngoài ghi như thế. Quán đông khách lắm. Quang cảnh nhộn nhịp người ăn, kẻ uống, người nói chuyện rôm rả, tiếng gọi phở, tiếng chén bát khua vào nhau lanh canh, cùng mùi phở thơm ngào ngạt bốc lên mũi khiến chúng tôi chợt nhớ ra là cả ngày chưa ăn gì. Lâu lắm rồi, dễ thường đến cả hơn năm nay, tôi chưa ăn bát phở nào. Không ngờ đến vùng đất này lại được nếm lại hương vị của món ăn khoái khẩu vừa ngon vừa rẻ mà ngày trước tôi hay ăn của ông lão bán phở gánh ở Phố Hàng Kèn, giá sáu xu một bát, chỉ có bánh và nước mà sao ngon tuyệt.

    Cuối cùng chúng tôi có bàn, mà lại bàn tốt, ngay gần chỗ thu tiền, khá rộng rãi. Quán có cả phở xào, phở áp chảo, và không thiếu cà-phê. Trong lúc chờ nhà bếp đem phở lên, anh Mẫn cúi đầu nói nhỏ với chúng tôi:

    “Hai em thấy bốn ông ngồi bàn bên kia sát chỗ thu tiền không?” Anh đưa mắt về phía trong, tôi và Toại cùng liếc theo, thấy bốn người đàn ông chắc đã ăn phở xong, đang ngồi uống trà, nói chuyện oang oang. Anh Mẫn nói tiếp: “Cái ông nước da tai tái, hai mắt sắc lạnh là nhạc sĩ Văn Cao. Ngồi cạnh ông Văn Cao, người đô con to lớn là họa sĩ Tạ Tỵ. Ngồi đối diện, cái ông tóc tai bù xù, vai so cổ rụt, môi thâm xì thuốc phiện là thi sĩ Đinh Hùng. Ngồi cạnh ông Đinh Hùng, đeo kính cận thị chính là nhạc sĩ Phạm Duy.”

    Tôi sững sờ. Toàn những người danh tiếng lừng lẫy tôi chỉ nghe qua hay đọc trên báo chí sách vở. Dạo trước tôi nghe bố tôi khen thơ Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng. Tôi cũng thấy thơ ông hay đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, tập thơ Mê hồn ca của ông được nhiều người khen ngợi. Chị Lan nhà tôi, lúc đó mới mười ba mười bốn gì đó, đã mê thơ Đinh Hùng rồi. Có lần tôi bắt gặp chị ngồi chép thơ Đinh Hùng vào một cuốn vở học trò. Ông Văn Cao thì nổi danh như cồn nhờ những bài hát mới, người ta gọi là nhạc cải cách. Bài Buồn tàn thu của ông đi đâu cũng nghe hát. Sau đó ông tung ra những bài như Thiên Thai, Trương Chi, dân Hà Nội mê đến nỗi có người mở một phòng trà ca nhạc lấy tên là Thiên Thai. Ông Phạm Duy nổi danh sau Văn Cao nhưng hiện thời ông là chiến sĩ trong đoàn Văn Nghệ Giải Phóng, có mặt khắp các miền trung du và thượng du, hát cho chiến sĩ nghe để khích động tinh thần chiến đấu của họ. Những bài hùng ca của ông hay lắm. Chính tôi cũng thuộc nhiều bài nhờ hát chung trong các buổi sinh hoạt tại trường. Riêng ông Tạ Tỵ, người anh Mẫn bảo là một họa sĩ, tôi chưa từng nghe bao giờ, có lẽ hội họa là ngành tôi không mấy hiểu và không quan tâm. Ông tên Tỵ nhưng người ông to lớn lạ thường. Đoạn tôi nghĩ đến các ông kia. Ông tên Cao thì người thấp bé. Ông tên Hùng thì vai so cổ rụt. Thế còn ông tên Duy? Chẳng lẽ ông chỉ có duy nhất một người yêu suốt đời ư? Nhưng nếu ông cùng mẫu số chung với ba ông kia, tức là tên và người không đi đôi với nhau, thì ông phải có hàng tá nhân tình cùng một lúc. Bởi trông ông phong độ lắm, thoáng nhìn đã biết ngay là một nghệ sĩ. Sau cặp kính trắng, đôi mắt ông như được chiếu giọi bởi luồng ánh sáng dị kỳ. Mái tóc có vài đốm bạc, mặc dù tuổi tác ông chắc không quá hăm lăm, hăm sáu, càng làm ông khác người. Tôi đang miên man với những ý nghĩ trẻ con của mình thì nghe ông Tạ Tỵ nói to với những người trong bàn:

    “Hôm qua tôi sang Cống Thần mua được mấy tuýp mầu. Thích lắm. Chuyến này về tha hồ vẽ sơn dầu cho sướng tay.”

    “Vẽ gì thì vẽ, nhưng đừng quên là trên trung ương dặn dò anh em mình làm gì cũng phải nhớ đến kháng chiến đấy.” Ông Văn Cao ngắt lời ông Tạ Tỵ.

    “Ừ, biết rồi. Nhưng nghệ thuật đôi lúc cũng phải cho nó bay bổng lên trời xanh một tí, chứ bắt nó nằm bẹp mãi dưới đất thì biết bao giờ mới khá.” Ông Tạ Tỵ đáp lời.

    “Này, ông Tỵ ạ,” thi sĩ Đinh Hùng chen vào. “Tôi biết ông thích vẽ tranh lập thể, nhưng ông đừng vẽ con chó rồi bắt tôi nhìn ra con nai nhé.” Giọng ông đầy vẻ xỏ lá kềnh, đúng kiểu dân Hà Nội.

    “Các ông còn bảo thủ lắm.” Biết bị nói xỏ, ông Tạ Tỵ hơi nóng mặt. “Ngay cả lập thể của Picasso và Braque bây giờ cũng hết thời rồi. Thế giới họ đã tiến sâu vào các trào lưu mới như trừu tượng, dã thú, siêu thực này nọ, trong khi ở ta, vẫn là các thiếu nữ mĩ miều ẻo lả đứng ngồi bên cành hoa. Chán không thể tưởng được!”

    “Nhưng chủ đích của nghệ thuật là thổi sự sống lên sự vật. Vẽ một thiếu nữ mà thấy cái gì lấp lánh như có linh hồn thì là nghệ thuật đích thực, chứ còn gì nữa. Chữ nghĩa cũng thế. Làm thơ tức là sử dụng chữ nghĩa, mà chữ nghĩa chúng ta nói hằng ngày thì có gì mới lạ đâu. Cái tài tình của người làm thơ là biến mớ chữ nghĩa cũ mòn đó thành mới, như có chiếc đũa thần gõ vào sự vật và khiến ý nghĩa của nó bay bổng lên cao.” Ông Đinh Hùng phản bác.

    “Đồng ý với bác Đinh Hùng là như thế. Nhưng hội họa hay bất cứ ngành nghệ thuật nào khác đều phải mở cánh cửa cho tâm hồn con người nhìn thấy cái gì cao hơn hiện thực thường ngày. Bác biết trường phái surréalisme chứ gì, ta dịch là siêu thực, siêu dịch từ chữ sur là trên, surréalisme là trên hiện thực, cao hơn hiện thực. Nó có mục đích cân bằng nhãn quan duy lý của hiện thực với sức mạnh của tiềm thức, vô thức trong giấc mơ. Thơ của André Breton, tranh của Salvador Dalí, Max Ernst đều nằm trong xu hướng mới này. Nó cho ta cái đẹp lạ lùng đến độ không ngờ, bất chấp mọi cảm quan thông thường…”

    Hình như cảm thấy cuộc tranh luận giữa họa sĩ và thi sĩ chẳng dính dáng gì đến lời dặn dò của trung ương, hơn nữa, nó chẳng đi đến đâu, ông Văn Cao quay sang ông Phạm Duy, hỏi:

    “Phạm Duy! Dạo này ông bận đi hát cho các chiến sĩ nghe, nhưng có sáng tác thêm được bài hát nào mới không? Hát cho anh em nghe thử.”

    Bây giờ tôi mới nghe ông Phạm Duy lên tiếng, giọng ông ấm áp, chắc nình nịch, chữ nào ra chữ nấy, như đọc diễn văn:

    “Tôi đã làm được cả thảy trên dưới bốn mươi ca khúc nói về cuộc chiến đấu này của toàn dân. Nhiều bài được trung ương khen ngợi và được đồng bào hưởng ứng. Đi đến đâu tôi cũng nghe hát Xuất quân, Chiến sĩ vô danh. Nhưng tôi xem đấy chỉ là một đoạn đường ngắn trong cuộc đời sáng tác của tôi thôi. Gần đây tôi có ý nghĩ mình phải sáng tác dân ca mới. Dân ca của Việt Nam ta hay lắm, nó thấm nhập vào tâm hồn tôi từ khi tôi ở Nhã Nam làm ruộng. Rồi thời gian theo gánh hát Đức Huy của vợ chồng Charlot Miều, tôi được đi khắp ba miền đất nước, đến đâu tôi cũng tìm tòi học hỏi, nghe kỹ những hơi điệu của dân gian, từ điệu hò mái đẩy xứ Huế cho đến vọng cổ của dân Nam bộ. Nhất là vọng cổ. Tôi yêu điệu hát ấy vô cùng. Tôi luôn luôn nhủ thầm dân ca phải là một phần quan trọng trong sáng tác của tôi. Mới đây vì làm việc trong đoàn Văn Nghệ Giải Phóng, tôi có dịp tiếp xúc với nhà đạo diễn Trung quốc làm cố vấn cho đoàn. Từ ông ta, tôi biết thêm về nhạc sĩ Nhiếp Nhĩ, người soạn quốc ca cho Trung quốc. Khúc Hoàng Hà đại hợp xướng, cũng của ông Nhiếp, theo tôi, là một đại tác phẩm âm nhạc. Thế rồi tôi tìm hiểu thêm về một loại dân ca mới của họ, gọi là ương ca. Tôi say mê nghiên cứu, và tôi quyết định sẽ tung ra loại dân ca mới của tôi, khởi đầu với bài Nhớ người thương binh. Khúc Hoàng Hà đại hợp xướng còn cho tôi hứng khởi để viết những khúc trường ca mà tôi đang thai nghén…”

    Nói đến đây ông Phạm Duy rút trong ba-lô ra một xấp giấy chi chít nốt nhạc và chữ, đưa cho ông Văn Cao xem. Ông Văn Cao vừa xem vừa đánh nhịp, miệng hát nho nhỏ. Gật gù. Anh Mẫn lại thì thào nói tiếp với hai đứa chúng tôi:

    “Hai em có thấy cô ngồi ở quầy thu tiền không? Mấy ông tướng này si tình cô ấy, ngày nào cũng vào quán chiếm cái bàn sát chỗ cô ấy, ngồi lì cả ngày không chịu về. Nãy giờ các tướng nói rõ to là cốt để cô ấy nghe với hy vọng biết đâu cô ấy cảm phục mình rồi đem lòng yêu. Ông nào cũng khoe khoang thành tích vẻ vang vĩ đại của mình. Anh còn nghe đồn ông Đinh Hùng có lần nèo cô ấy xin một lọn tóc đem về bỏ trong bì thư nhét dưới đáy ba-lô, lâu lâu đem ra ngửi.”

    Quả thật đó là một trang thiếu nữ đang tuổi thanh xuân, đẹp thanh nhã, đài các, nhưng nét đẹp sao u buồn đến não nùng, chẳng bút mực nào tả xiết, như thể cô có tâm sự gì u uất lắm trong lòng. Có lẽ nhờ thế trông cô quyến rũ vô cùng. Tôi chỉ dám liếc nhìn cô thôi đã thấy rúng động cả cõi lòng.

    “Anh biết tên cô ấy không?” Tôi hỏi anh Mẫn.

    “Cô ấy tên Thái. Nhưng có thời gian trước đây đi theo ban kịch của ông Thế Lữ và bà Song Kim nên có tên sân khấu là Thái Hằng.”

    “Ồ, cô ấy là kịch sĩ à?”

    “Chẳng những đóng kịch, cô ấy còn hát hay và biết đàn ghi-ta nữa.”

    “Thảo nào các ông kia mê…”

    “Nhiều người mê lắm, chẳng riêng gì mấy ông đang ngồi đây. Ông họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng mê cô ấy lắm, ông ấy vào ngồi từ sáng đến tối chỉ ngắm cô ấy, không nói chuyện với ai. Không hiểu sao hôm nay không thấy ông Phái.”

    Đến đây chúng tôi tạm ngưng theo dõi buổi bàn luận văn học nghệ thuật đầy thú vị của bốn nhà thi nhạc họa danh thơm lẫy lừng vì ba bát phở hương thơm lẫy lừng không kém đã được bưng lên. Ôi, vào lúc này, chẳng có gì quan trọng đáng lưu tâm hơn ba bát phở. Người bưng phở là một cô gái tôi áng chừng mười ba, mười bốn, tức là còn nhỏ tuổi hơn tôi. Cô mặc áo cánh trắng, tóc kẹp buông sau lưng, khuôn mặt sáng láng như trăng rằm. Cả ba chúng tôi ngẩn người ra nhìn cô. Cô nhanh nhẹn đặt ba bát phở trước mặt chúng tôi, nhoẻn miệng cười:

    “Mời các anh dùng phở cho nóng, ạ.” Giọng cô ngọt, trong văn vắt.

    Anh Mẫn nghiêng đầu hỏi cô:

    “Em tên gì? Anh vào đây ăn nhiều lần mà sao không thấy em bao giờ.”

    “Dạ, em mới nghỉ học, vào làm được mấy hôm nay thôi. Em tên Băng Thanh. Em là em ruột của chị Thái Hằng ngồi đằng kia.”

    Cái tên Băng Thanh, giọng nói, khuôn mặt, cử chỉ, hình dáng ấy theo tôi trên đường về. Nó vẫn ở lại, ngọt ngào trong trí nhớ, tâm khảm tôi suốt quãng đời còn lại.

– Trịnh Y Thư

(Trích đoạn tiểu thuyết Đường về thủy phủ).