Vào đầu
thế kỷ XXI, văn-học
hải-ngoại sau một phần tư thế kỷ đã phải chuyển
động theo lẽ tự nhiên lão hóa và bất ngờ thêm nhân tố từ trong nước gia
nhập cộng đồng ở ngoài nước từ
nay đa dạng hơn nhưng
đa số vẫn là tập thể tị nạn cùng con cháu họ và nói chung
mang cùng tâm thức. Thi ca từng phong phú về giá trị nghệ
thuật và số lượng ở thế hệ người Việt hải ngoại thứ nhất, rồi dần yếu đi - phải
chăng đã đủ chứng tích, hay ý chí sáng tạo thơ muôn đời đã bớt hoặc hết còn
thôi thúc? Đó cũng là thời điểm thơ Phạm Cao Hoàng tái
xuất trên trường văn: sau khi định cư ở Hoa Kỳ, đến năm 2005 ông cầm bút trở
lại. Nếu trước biến cố 30-4-1975, thơ ca Phạm Cao Hoàng nội
dung chủ yếu về chiến-tranh, tình-yêu và
quê-hương – cả
ba có thể tìm thấy trong Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn 1972
và Tạ Ơn Những Giọt Sương 1974 –
sau được tái bản trong tuyển thơ Mây Khói Quê
Nhà năm 2010, thì
thời hải ngoại, ngoài thơ và truyện ngắn, ông còn viết một số ca khúc và điều
hành trang mạng Blog Phạm Cao Hoàng sau được chuyển thành Trang Văn Học
Nghệ Thuật Phạm Cao Hoàng phamcaohoang.com.
Tác phẩm Phạm
Cao Hoàng đã xuất bản ở quê người gồm tập
truyện và tạp bút Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt (2013) và tập
thơ Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương (2015), đều do nhà Thư Ấn Quán
ở New Jersey, Hoa-Kỳ xuất bản.
Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương đến
với văn học hải ngoại như những hồi tưởng, tiếc nuối và tâm tình nhẹ nhàng,
trầm lắng, rất Việt Nam và thiển nghĩ tiêu biểu cho một dòng văn chương lưu
vong, xa quê.
Qua những hồi tưởng thâm trầm này, nhà
thơ ghi lại cơn bão dữ đã ập xuống miền Nam ngày 30-4-1975 và đã đày đọa người
dân sau những tan nát của cuộc chiến huynh đệ tưởng đã quá đủ:
“khi về thăm lại cố hương
thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà
hắt hiu một bóng mẹ già
một ngôi mộ cỏ xanh và khổ đau
bâng khuâng một chút vườn sau
ngậm ngùi ngõ trước lao xao nắng vàng
đã qua chưa cuộc điêu tàn
đám mây năm cũ biết tan nơi nào”- Tuy Hòa, 1976
(Sau chiến tranh trở lại Tuy Hòa)
Người
người không phân biệt tuổi tác đã phải tìm sống còn, dĩ nhiên “người thi
sĩ ấy không
còn làm thơ” như tựa bài thơ của 10 năm sau ngày định mệnh ấy:
“mười năm và
mười mùa đông
người thi sĩ ấy không
còn làm thơ
còn chăng là tiếng ngựa thồ
thở khi lên dốc bụi mờ mịt bay
còn chăng là hai bàn tay
đã chai sạm với tháng ngày gian nan
còn chăng là mây lang thang
trên đồi gió hú bạt ngàn rừng thông
còn chăng là đêm mênh mông
người ngồi nhớ một dòng sông cạn rồi”- Đà
Lạt, 1985
(Người
thi sĩ ấy không còn làm thơ)
Rồi đến
lúc phải bỏ quê hương mà
đi - ra đi đã là một mất mát và quyết định
ly hương luôn đã là
một khó khăn chẳng đặng đừng. Ngay
trong những bài thơ
đầu sáng tác ở hải ngoại, Phạm Cao Hoàng đã nói nhiều đến những nỗi nhớ
quê nhà:
“khi dừng lại bên dòng Potomac
em bên tôi vẫn rất dịu dàng
gió lồng lộng cả một trời đông bắc
tóc em bay trong nắng thu vàng
...
khi dừng lại bên dòng Potomac
tôi và em nhìn lại quê nhà
buồn hiu hắt thương về chốn cũ
phía chân trời đã mịt mù xa” - Virginia,
2005
(Khi dừng lại bên dòng Potomac).
Quê
hương dù cách biệt nhưng luôn hiện diện, vẫn còn đó, nơi “đất còn thơm mãi mùi
hương” ngay cả trong trí tưởng và cảm quan người phải xa xứ. Nhiều năm qua đi,
nỗi nhớ ở nhà thơ vẫn ngập tràn, vẫn “nặng nề đôi chân” - nhưng “dù sao vẫn cám
ơn đời” như tựa đề cho một bài thơ khác:
“mười năm nước chảy qua cầu
chuyện người xa xứ là câu chuyện buồn
mười năm sống kiếp tha phương
thân nơi biển Bắc mà hồn biển Đông
mười năm thương ruộng nhớ đồng
lòng còn ở lại sao không quay về
mười năm nhớ đất thương quê
bước đi một bước nặng nề đôi chân
mười năm một thoáng phù vân
tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người” –
Virginia, 2009
(Dù sao vẫn cám ơn đời)
Làm
kiếp người Việt Nam luôn phải ra đi – rời nơi “chôn nhau cắt rốn” thời chinh
chiến, rời xa quê hương chấp nhận sống kiếp lưu vong, làm sao không nghĩ đến
cái Chết. Cái chết đã là định mệnh sinh bệnh lão tử của nhân sinh, là chuyện
không thể tránh, cái sẽ đến và sẽ đến, như cuối một đoạn đường, chỉ có trước
hay sau. Nhưng trong tình cảnh lưu-vong, cái Chết mang tính tức tưởi, đớn đau
vì như thiếu sót gì đó, như không tự nhiên! Du Tử Lê đã sớm đem vào thơ hình
ảnh cái chết non, tức tưởi, kết thúc một cuộc sống đứt đoạn “Khi tôi chết
nỗi buồn kia cũng hết / đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn". Thái Tú
Hạp hiện hữu bất ổn "ta giờ trăng chết ở trong
tâm". Ở Mai Thảo là những “miếu đền” hiện ra trên hành trình tâm
thức đến với cái chết như là ý nghĩa sau cùng, lúc thân xác suy thoái, hủy
hoại. Sống hôm nay mà các thi nhân đã nghĩ đến lúc cuối, riêng Phạm
Cao Hoàng kín đáo thầm mong “mai kia
tôi là hạt bụi” sẽ “bay về phía Thái Bình Dương”:
“…. nhớ ngày tôi đi biển khóc
bóng cha tôi ở cuối đường
và cánh đồng trơ gốc rạ
đất còn thơm mãi mùi hương
nhớ ngày tôi đi mẹ khóc
ruộng vườn bỏ lại sau lưng
mây mù che ngang đèo Cả
đường xa mưa gió mịt mùng
tôi đi và tôi đi mãi
dừng chân ở lại cao nguyên
tưởng đâu đất lành chim đậu
nào ngờ đời vẫn chưa yên
tôi đi và tôi đi mãi
quê nhà bỏ lại sau lưng
quê người gian nan vất vả
đường xa mây khói mịt mùng
tôi đi và tôi đi mãi
tôi đi tìm một mái nhà
rồi một ngày kia dừng lại
bên rừng Scibilia
những chiều mùa thu lá rụng
những ngày lạnh buổi đầu đông
nhìn mây bay về cố xứ
nhớ quê hương đến thắt lòng
bây giờ còn mong chi nữa
tôi đi ở cuối con đường
mai kia tôi là hạt bụi
bay về phía Thái Bình Dương” - Virginia, 2014
(Mai
kia tôi là hạt bụi).
Những
hình ảnh cha mẹ và quê nhà nơi “cánh đồng trơ gốc rạ”, nơi “đường xa
mây khói mịt mùng” và “mây mù che ngang đèo” đã hơn một
lần được nhà thơ nhắc nhớ. Trong Bây Giờ, tác giả ghi “cho Cúc
Hoa và tôi, một thời lưu lạc” – tức là hôm nay nói chuyện cả cuộc đời
người phối ngẫu đã chia ngọt sẻ bùi từ Tuy Hòa, Đà Lạt đến xứ người chung nỗi
nhớ quê nhà:
“bây giờ nhớ núi nhớ rừng
nhớ sông nhớ biển nhớ trăng quê nhà
thương em ngày nắng Tuy Hòa
chiều mưa Đức Trọng, sáng Đà Lạt sương
thương em và những con đường
một thời tôi đã cùng em đi về
bây giờ lạ đất lạ quê
bước chân phiêu bạc biết về nơi đâu…
về đâu chẳng biết về đâu
thôi thì về lại buổi đầu gặp em
dòng sông xưa ấy êm đềm
mùa thu năm ấy bên thềm lá bay
bàn tay nắm chặt bàn tay
dìu nhau qua những tháng ngày gian nan
bây giờ ngồi nhớ Việt Nam
bên trời tuyết lạnh hai hàng lệ rơi” – Virginia, 2009
(Bây giờ)
Nỗi
niềm nhung nhớ quê hương gần như thường trực, khi chuyển
mùa, khi tuyết rơi cũng như khi nắng khi mưa – tựu trung mùa nào cũng không
tránh được nhớ nhung quê nhà, cả khi đang trở về thăm lại cố hương:
“vậy
là bốn mươi hai năm
từ khi giã biệt dòng sông quê nhà
từ khi từ biệt Tuy Hòa
tôi lên Đà Lạt rồi qua Hoa Kỳ
đi thì vẫn cứ phải đi
trở về thì vẫn đôi khi phải về
dẫu gì đất cũng là quê
là hương của những ngày xưa êm đềm
dẫu gì máu cũng về tim
vườn xưa vẫn nhớ tiếng chim thiếu thời
và tôi nhớ tuổi thơ tôi
chiều thu nhớ nắng đêm ngồi nhớ trăng
mùa đông nhớ một chỗ nằm
về đây lại nhớ những năm tháng buồn
bốn mươi hai năm, chưa quên!” - Tuy
Hòa, 28.9.2017
(Bốn mươi hai năm,
chưa quên).
Nhớ
quê hương qua địa danh những chốn đã ghi dấu chân, những “sương khói”, “mùi
hương” đã không thể tách rời tâm tưởng. Nỗi buồn nhớ càng thắm thiết hơn khi
nhìn cảnh vật xứ người và như vậy mỗi năm sang mùa nỗi ấy càng thấm sâu cõi
lòng.
Nhà
thơ đã trở về quê-hương, tìm lại những nơi đã yêu, đã sinh sống thời trẻ, ngôi
trường cũ thời làm nhà giáo: Tuy Hòa, Đà Lạt. Những cuộc tìm-về có hạn chế bước
đi nhưng vô tận trong tâm thức mà thân phận xa xứ vẫn hoài canh cánh:
“… và tôi lại chia tay Đà Lạt
trở lại quê người với những cơn bão tuyết mùa đông
tôi mang theo nỗi buồn xa xứ
và nỗi hoài hương nặng trĩu trong lòng
tôi lại thấy bóng tôi bên dòng Potomac
bên bờ Đại Tây Dương nghe quê hương réo gọi trái tim
mình
đi không phải là đi biệt xứ
thương quê nhà còn lại phía sau lưng
lại cùng em lang thang bên hồ Thạch Thảo
nói với em về một đoạn đời buồn
nói với em về những dòng sông lưu lạc
trôi về đâu rồi cũng muốn trở về nguồn …” – Virginia, 2012
(Chia
tay Đà Lạt).
Đà
Lạt cũng là nơi nhà thơ ban sơ gặp Cúc Hoa và trở thành người bạn đời. Người nữ
này thường xuất hiện trong thơ Phạm Cao Hoàng, như
hiện diện không thể thiếu, như “vợ hiền”, “bạn tốt” và như “một bà tiên”:
“ra vườn trong sương sớm
hái mấy đóa hồng nhung
tặng em, mừng sinh nhật
chim hót vang khu vườn
bao nhiêu năm chung sống
có lúc gạo không còn
có khi rau cũng hết
cửa nhà thì trống trơn
vẫn đi về phía trước
gian khổ cùng chia nhau
hạnh phúc là có thật
từ tình yêu nhiệm mầu
bao nhiêu năm chung sống
em là cô vợ hiền
em là người bạn tốt
em là một bà tiên
em đã cho tôi hiểu
đời chỉ sống một lần
giữ tấm lòng chung thủy
cho người mình yêu thương
ra vườn trong sương sớm
buổi sáng thật êm đềm
một nụ hôn, em nhé
chúc mừng sinh nhật em”- Virginia, tháng 6.2021
(Quà sinh nhật cho em)
Thơ Phạm
Cao Hoàng còn đầy tình bằng hữu, một thời
và mãi mãi, ở Tuy Hòa, Cao nguyên, … và một thời khác, ở quê người lưu lạc, ở
quê nhà gặp lại, và trong những giấc mơ. Những người bạn và những kỷ niệm không
thể mờ, phai, vì nhà thơ khi nghĩ đến là như sống lại, như vẫn sống, nhất là
được tái ngộ hoặc sinh hoạt cùng. Những Trần Hoài Thư, Đinh Cường, Đỗ Chu
Thăng, Phạm Văn Nhàn, Trương Vũ, Lê Hân, Nguyễn Xuân Thiệp, v.v...
“sau chiến tranh chúng ta là những
người sống sót
còn gặp lại nhau là đủ vui rồi
đêm ở New Jersey
nhắc với nhau về những ngày tháng xa xôi
về người bạn đề thơ trên vách tường năm ấy (1)
về người bạn lên Pleime rồi chẳng bao giờ trở lại (2)
về người bạn mấy lần bị thương ở Bình Định Qui Nhơn (3)
về cà phê quán sớm bên đường
về căn nhà cửa không bao giờ khóa …” – New Jersey, 5.2017
(Ở New Jersey, gặp lại Phạm Văn Nhàn).
(1) Lê
Văn Trung; (2) Nguyễn Phương Loan; (3) Trần Hoài Thư
Chuyện
thời sự của hôm nay, của cá nhân và của thế giới đi vào thơ Phạm Cao Hoàng với
đủ nét và cường độ của hiện thực. Như chuyện đại dịch – vô tình cũng là “bốn
năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi” như tựa một bản thi:
“… bốn năm sau ngày anh Đinh
Cường ra đi
những buổi gặp gỡ ở miền Đông thưa thớt dần
… đóng cửa đóng cửa đóng cửa
những nơi chúng tôi thường lui tới bây giờ đóng cửa hết rồi
còn chăng là nỗi ngậm ngùi và luyến tiếc những ngày tháng êm đềm giờ chỉ
còn trong hoài niệm
bốn năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi
miền Đông xơ xác trong cơn đại dịch
muốn đến Studio Trương Vũ xem những bức tranh mới vẽ nhưng không thể
muốn nâng ly cùng các anh Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tường Giang, Phạm Nhuận,
Đặng Đình Khiết, Phạm Thành Châu... nhưng không thể
muốn cụng ly cùng các bạn Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Quang, Nguyễn Thị Thanh Bình,
Trần Anh Chương, Đinh Trường Chinh... nhưng không thể
các bạn tôi, nhà nào cũng đóng cửa
stay-at-home,
stay-at-home, stay-at-home
bốn năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi
miền Đông bây giờ tiêu điều trong cơn đại dịch
hàng quán im lìm phố xá hoang vu
muốn ghé Starbucks ngồi nhâm nhi một ly cà phê nhưng không thể
drive-thru only
không còn nghe tiếng nhạc xập xình phát ra từ sân nhà người hàng xóm Mễ Tây Cơ
mỗi chiều thứ Bảy
không còn thấy nụ cười hiền hòa của
người miền Đông vì những chiếc khẩu trang che mất
chỉ còn những ánh mắt nhìn nhau ngơ ngác
thầm hỏi nhau: miền Đông
rồi sẽ ra sao?
thầm hỏi nhau: chúng ta rồi sẽ ra sao?”
- Virginia, 12.5.2020
Sống
và sinh hoạt văn nghệ xa quê nhà, tâm hồn đa cảm Phạm
Cao Hoàng vẫn hoài hy vọng “rồi một hôm
chim bay về núi cũ”:
“rồi một hôm chim bay về núi cũ
đậu trên triền vách đá cheo leo
nhìn xuống dưới: một trần gian khốn khổ
chìm trong cơn đại dịch tiêu điều
nhìn xuống dưới: những con đường vắng ngắt
những căn nhà cửa đóng then cài
những tiếng thở dài trong đêm bão rớt
những phận người không biết được ngày mai
và đâu đó có tiếng ai than khóc
những cuộc chia tay không kịp giã từ
những nấm mồ mọc lên vội vã
những phận người như lá mùa thu
rồi một hôm chim bay về núi cũ
đậu trên triền vách đá cheo leo
nhìn xuống dưới thì thầm cầu nguyện
từ nơi xa vọng lại tiếng chuông chiều” - Virginia, tháng 9.2021
(Rồi một hôm chim bay về núi cũ)
Gập
thi tập Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, cái còn lại ở người yêu
thơ ông sẽ là hình thức không kiểu cách, nội dung cũng đơn thuần như con chữ
vốn sẵn có, như những cụm từ quen thuộc, nhà thơ đã tập trung vào con chữ và
văn bản như một ám ảnh hay tâm sự. Nỗi nhớ có quay quắt, con chữ ở nhà thơ vẫn
nho nhã, nhẹ nhàng. Đấy là thơ Phạm Cao Hoàng, nhà
thơ trung thành với quá-khứ, quê hương và với văn-chương!
NGUYỄN VY KHANH
Canada, ngày cận Tết Quý Mão 2023