Ông bạn tôi quả
quyết: “Muốn hỏi thăm về người Việt tại một địa phương nào, cứ vào bất cứ tiệm
nail nào mà hỏi. Bảo đảm 90% tiệm là của người Việt”. Tôi nghĩ ông bạn tôi nói
không ngoa. Có lần tôi qua chơi Plattsburg, một thị trấn nho nhỏ nằm gần biên
giới Canada, thuộc tiểu bang New York, thấy một tiệm nail, vào hỏi thăm, y
chang là Mít ta. Ngay tại Montreal, tiệm nail hầu như đều do con rồng cháu tiên
cầm trịch. Tôi có một ông bạn già, rất nhạy bén với thương trường, từ Việt Nam
qua Canada, ông xoay nhiều nghề, nghề nào cũng thành công. Qua Canada, ông ngửi
thấy nghề nail, xua con cái học nghề, làm thợ một thời gian rồi bỏ vốn làm chủ,
cô nào cũng trúng hết.
Trong một lần
qua California, tôi được một bà bạn làm chủ nhiều tiệm nail mời tới nhà. Nhà to
đùng, cửa sắt bấm điện chạy lung tung trước nhà. Trong nhà bể cá nằm từ phòng
khách tới garage, nuôi rặt một giống
cá rồng đủ màu. Chủ nhà cho biết giá mỗi con từ vài ngàn tới cả chục ngàn.
Vài chiếc xe loại
xịn đậu trong sân khẳng định cái túi tiền không nhỏ của chủ nhân. Hình như ai
dính vào nghề nail đều khá giả.
Trước năm 1975,
nghề nail tại Mỹ trị giá khoảng 8 tỷ đô do người Mỹ, người Hoa và người Đại Hàn
nắm giữ. Nhưng chỉ trong hai thập niên, người Việt đã làm…cách mạng, lật đổ thị
phần này. Người cầm đầu cuộc cách mạng này lại là một người Mỹ: nữ minh tinh
Tippi Hedren. Bà này tôi biết từ khi tôi còn ở Việt Nam nhưng chỉ thấy bóng
trên màn ảnh. Chắc nhiều người trong chúng ta đều đã hồi hộp theo dõi bà trong
cuốn phim nghẹt thở “The Birds” của đạo điễn “nhát ma” Hitchcock. Coi phim của
ông này thiệt toát mồ hôi nhưng thiệt đã. Cứ như ăn ớt. Cay thì cay nhưng vẫn
khoái ăn. Năm 1975, khi làn sóng đầu tiên của người Việt di tản qua Mỹ, bà
Tippi Hedren là một thành viên trong phong trào thiện nguyện Food for the Hungry. Bà Hedren tới thăm,
nhận thấy nhu cầu tìm việc cho các phụ nữ Việt xơ xác chạy loạn là ưu tiên số một.
Bà nghĩ nghề may và nghề đánh máy thích hợp với họ. Nhưng sau cuộc thử nghiệm
bà thấy may vá đòi hỏi khéo léo và kiên trì không dễ làm, đánh máy cần phải biết
tiếng Anh. Trong lúc đi coi các mẫu may và văn bản đánh máy của những phụ nữ tị
nạn, bà thấy các bà các cô nhìn chăm chăm vào móng tay bà. Bà Lê Đồng Thị Thuần,
một trong những người có mặt vào thời điểm đó kể lại: “Nhóm chúng tôi đứng gần
bà ấy và nói với nhau khen móng tay của bà rất đẹp. Tôi nhìn vào mắt Hedren và
biết bà ấy đang suy nghĩ điều gì đó. Rồi bà ấy nói: ‘À, có lã các chị nên học
nghề làm móng tay’”. Vậy là bà đã…ngộ ra. Khi họ thích thú điều gì, họ sẽ chú
tâm và chịu khó làm giỏi chuyện đó. Bà tạo điều kiện cho một số người trong trại
tỵ nạn ở Bắc California theo học nghề làm móng. Bà gửi họ tới học nghề tại một
trường thẩm mỹ. Bà Thuần nhớ lại những ngày ban sơ đó. Khi đó họ đang ngụ tại
trại tỵ nạn Hope Village ở Weimar, Bắc California, cách Sacramento khoảng 45 dặm.
Cả trại có khoảng 600 người Việt tỵ nạn. Bà Tippi lui tới trại hàng tuần, khi một
mình, khi cùng với nữ tài tử Kiều Chinh. Nhóm 20 người đầu tiên đi học nghề
nail phải học mỗi tuần 5 ngày. Họ đi xe của trại hoặc xe của những người địa
phương tình nguyện chở họ tới trường thẩm mỹ Citrus Heights nằm gần Sacramento.
Họ học suốt ngày. Các ông chồng ở nhà lo trông giữ con cái. Khi học đủ 350 giờ,
họ được đưa đi thi. Tất cả 20 người đều đậu.
Sau khi hoàn tất
khóa học, bà Tippi Hedren giúp họ kiếm việc làm. Chúng ta tiếp tục theo bước
chân nhân ái của bà Tippi với gia đình bà Thuần như một trường hợp điển hình.
Khi bà Thuần cùng chồng, Trung Tá Không Quân Lại Quốc Trang, và ba con nhỏ rời
trại về định cư tại Santa Monica dưới sự bảo lãnh của nhà thờ St. Augustin By The
Sea. Họ được ở trong một apartment
hai phòng ngủ. Khi đã an cư, bà Thuần liên lạc ngay với bà Tippi theo lời dặn của
bà. Bà Thuần kể lại: “Lập tức bà Tippi tìm đến thăm gia đình mình. Nhà hai
phòng ngủ, một phòng tắm, trẻ con chạy quanh ồn ào náo nhiệt. Bà Tippi bảo mình
làm thử móng cho bà coi”. Bà Thuần đã làm xong trong vòng một tiếng. Bà Tippi
hài lòng và hứa ngày hôm sau sẽ dẫn đi xin việc. Hôm sau, giữ đúng lời hứa, bà
Tippi dẫn bà Thuần tới xin việc tại một salon
ở Brentwood. Chủ nhân đã có đủ ba thợ nhưng nể bà Tippi nên vẫn nhận bà Thuần
vào làm. Bà Thuần đã làm tới 10 năm tại tiệm này “vì đây là việc bà Tippi đã giới
thiệu cho mình nên mình muốn giữ và hãnh diện về nó”.
Năm 1978, một
người bạn của gia đình bà Thuần là ông Nguyễn Diễm, nguyên sĩ quan Hải quân, tới
thăm bà Thuần tại nơi làm việc. Ông đang làm nghề điện tử nhưng có đầu óc kinh
doanh. Quan sát việc bà Thuần làm, ông cùng vợ liền đi học về thẩm mỹ. Sau một
thời gian hành nghề, họ quyết định mở trường dạy thẩm mỹ. Trường mang tên Advance Beauty College, trường thẩm mỹ đầu
tiên do người Việt thành lập ở Nam California. Một thời gian sau, trường phát
triển thành hai trụ sở, một ở Garden Grove và một ở Laguna Hills. Tới nay trường
đã đào tạo được 25 ngàn thợ, phần lớn về nghề làm móng. Theo chân trường Advance Beauty College, các trường thẩm
mỹ do người Việt thành lập phát triển như nấm mùa mưa.
Nhiều người Việt
đã trở thành triệu phú nhờ nghề nail. Tỷ phú có Charlie Tôn Quý, tên Việt đầy đủ
là Tôn Thất Khương Quý. Năm 1986, sau khi học xong lớp 8 tại Việt Nam, anh qua
Mỹ một mình, định cư tại tiểu bang Lousiana khi mới 14 tuổi. Năm 1995, anh tốt
nghiệp kỹ sư hóa học. Anh lập gia đình và bước vào thương trường với số vốn nhỏ
nhoi. Vợ anh làm nail nên anh nảy ra ý định mở tiệm cung cấp linh kiện và hóa
chất cho các tiệm nail. Hai năm sau, nhân một lần đi mua sắm tại Walmart, anh
quan sát và nhận thấy khoảng 70% khách hàng của Walmart là phụ nữ. Anh nảy ra ý
định thành lập các tiệm nail ngay bên trong cửa hàng Walmart. Anh thương thuyết
với Walmart thành công và các tiệm Regal Nails ngày môt phát triển. Tính tới
nay đã có tới 1200 tiệm. Theo anh Charlie Tôn Quý, thị trường nail tại Mỹ đạt
khoảng 6 tỷ đô mỗi năm, tại Âu châu và Úc châu khoảng 1 tỷ rưỡi. Mục tiêu anh
muốn đạt trong 10 năm tới là 20% thị phần! Doanh thu mỗi năm hiện nay của hệ thống
Regal Nails đã lên tới 450 triệu đô.
Từ hai chục người
tốt nghiệp đầu tiên, con số người thạo nghề tăng lên theo nhịp độ chóng mặt. Họ
tỏa ra hành nghề khắp nước Mỹ, nâng cấp thẩm mỹ, cải tiến quy trình làm việc và…phá
giá! Từ 50 đô xuống còn 20 đô. Trước đây chỉ có những người giầu có mới có đủ
tiền làm nail, giờ những người trung lưu khác cũng có thể hiên ngang bước vào
tiệm. Nghề nail bùng phát và chỉ trong 20 năm, từ 1975 tới 1995, người Việt đã
thống lãnh thị trường với tay nghề vững chắc và tinh xảo của những người tỵ nạn.
Các chủ tiệm nail người Mỹ và các sắc dân khác mất thị phần nên đã liên minh tấn
công kể cả dùng ngón đòn kỳ thị chủng tộc. Nhưng thành trì của người Việt vẫn vững
chắc. Sau bốn thập niên kể từ năm 1975, 51% thợ nail ở Mỹ là người Việt. Đặc biệt
ở California, thủ đô của người Việt tỵ nạn, tỷ lệ lên tới 80%! Nhiều người Việt
đã có những sáng chế đáng kể để cái tiến nghề nail, từ phẩm chất sơn móng tay
cho tới các dụng cụ hành nghề. Từ một nghề không có chi vẻ vang, người Việt tỵ
nạn làm nail đã cung ứng tiền bạc cho các thế hệ sau theo học các ngành khoa học,
kỹ thuật với biết bao người trẻ tuổi đạt được các học vị cao nhất trong các trường
đại học Mỹ.
Thế hệ trẻ lớn
lên và thành công trong xã hội nhờ sự cặm cụi của những bậc cha mẹ vất vả với
nghề nail đã tri ân những hy sinh của thế hệ tỵ nạn thứ nhất. Trong số báo Xuân
Người Việt năm 2008, cô sinh viên Huỳnh Thủy Châu, dưới bút hiệu Trần Thủy
Châu, đã có một bài viết ngắn vinh danh bà mẹ chồng làm nail nuôi cho ăn học.
Kèm theo bài viết là một bức tranh do chính cô vẽ. Bức tranh là một chiếc chậu
rửa chân, một dụng cụ hành nghề của những thợ làm nail, màu vàng, được điểm
thêm hai giải cờ ba sọc đỏ chạy theo hai bên chậu. Ai cũng nhìn ra đây là quốc
kỳ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nay là lá cờ biểu tượng của người Việt quốc
gia ở ngoài Việt Nam. Bức tranh bị một số người coi là lăng nhục lá cờ thân yêu
của người Việt và họ tổ chức biểu tình phản đối. Ông Vũ Ánh, nay đã qua đời, là
chủ bút của báo Người Việt, bày tỏ ý kiến: “Khi tôi nhìn lại cái khay đựng nước
ngâm chân vẽ màu vàng ấy tôi nghĩ ngay là tác giả mô tả và ẩn dụ lòng hy sinh
bao la của bà mẹ chồng làm nghề móng chân. Sự hy sinh đó rất tinh khôi cũng giống
như bao nhiêu bà mẹ khác dù sống trong nước hay ở hải ngoại phải làm cái nghề vất
vả này dù rằng hàng ngày họ phải đổ mồ hôi và phải nhúng tay vào cái chất nước
rửa chân không còn sạch sẽ ấy”. Ông Vũ Ánh sau đó đã xin lỗi độc giả nhưng nhiều
người vẫn không thỏa mãn. Họ tiếp tục biểu tình chống đối. Báo Người Việt phải
cất chức chủ bút của ông Vũ Ánh và chức thư ký tòa soạn của ông Vũ Quý Hạo
Nhiên.
Tôi thiển nghĩ
đây là một hệ quả của “khoảng cách thế hệ”. Thế hệ trước nghĩ khác thế hệ sau.
Thế hệ chúng ta tôn vinh lá cờ như một biểu tượng…thánh. Thánh ngồi trên cao
cho chúng dân tôn thờ. Khi tôi còn ở Việt Nam sau 1975, tôi đã phẫn nộ khi nhìn
thấy bộ đội lấy những lá cờ quốc gia may quần đùi mặc. Đó là một sự xúc phạm…thánh
thần. Qua bên này, tôi thấy các thanh niên thiếu nữ Mỹ và các quốc gia tự do
khác may quần đùi, áo lót và thậm chí cả bikini
nhởn nhơ đi ngoài đường và nơi các bãi tắm. Họ coi đó là chuyện thường tình. Có
lẽ đó là cách họ biểu tỏ thân mật tình yêu tổ quốc. Chuyện hình lá cờ trên chậu
rửa chân của cô Huỳnh Thủy Châu cũng được giới trẻ coi như một cách vinh danh
các bà mẹ Việt làm nail nuôi con ăn học. Tất cả tùy vào cách nhìn và cách suy
nghĩ của mỗi con người, mỗi thế hệ.
Dù sao, nghề
làm nail ngày nay được coi là nghề ruột của người Việt tại hải ngoại. Đã có một
cuốn phim tài liệu dài 60 phút mang tên “Nailed
It” do đạo diễn Adele Free Phạm ở New York thực hiện. Cô Adele Free Phạm
nói với đài VOA: “Tất cả các tiệm nail châu Á mà tôi biết đều là của người Việt
và tôi nhận thấy chưa có phương tiện truyền thông nào để cập tới hiện tượng
này. Điều đó khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu và đưa vào thể loại phim tài liệu.
Và khi tôi bắt đầu tìm tòi thì càng có nhiều cung bậc thú vị được ghi nhận
trong phim”. Phim bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu: nữ minh tinh Tippi Hedren và 20
người Việt làm nail tiên phong. Họ đã có một cuộc hội ngộ sau 40 năm. Bà Tippi,
nay đã vào độ cửu tuần, xúc động nói: “Tôi yêu mến những người phụ nữ này, cho
nên tôi ước muốn điều gì đó thật tốt đẹp sẽ đến với họ, vì họ đã trắng tay khi
tới tỵ nạn tại Mỹ. Một số người mất toàn bộ gia đình cũng như mọi của cải tài sản
họ có ở Việt Nam: nhà cửa, công việc, bạn bè, mọi thứ đã mất hết. Họ thậm chí mất
cả đất nước của họ”.
“Nail It” gồm những cuộc phỏng vấn các người
làm nail. Có những gia đình trải qua ba thế hệ làm nail. Đây là một nghề không
cần thông thạo tiếng Anh, không cần trình độ học vấn cao nhưng rất dễ kiếm tiền.
Anh Kevin Saint Phạm, một chủ tiệm nail ở California trả lời phỏng vấn: “Thật
ra tôi đến với nghề này rất tình cờ. Tôi là một kỹ sư bị cho nghỉ việc. Gia
đình bên vợ tôi kêu tôi đi học lấy bằng làm nail. Vậy là tôi bắt đầu, nay đã
theo nghề hơn 30 năm rồi”. Đạo diễn Adele Free Phạm cùng đoàn làm phim đã tới
nhiều tiểu bang trên khắp nước Mỹ để nói phỏng vấn những người làm nail. Bà cho
biết: “Khám phá những cung bậc mà các nhóm người khác nhau cùng tương tác với
nhau là môt điều hết sức quan trọng. Và chính cái tiệm nail là một không gian
như vậy. Tại đây, tôi đã khai thác cảnh trò chuyện thân tình của các phụ nữ di
dân gốc Á với các phụ nữ da màu và các sắc dân khác. Sau hơn 40 năm làm việc
trong tiệm nail họ vó thể trò chuyện với khách hàng, kết bạn với biết bao nhiêu
người, thử hỏi sự ảnh hưởng của họ đến xã hội Mỹ lớn như thế nào”.
Tuy nhiên, nhiều
người vẫn có định kiến với nghề nail. Đạo diễn Adela kể lại một chuyện: khi cô
mang phim “Nailed It” tới trình chiếu
tại Đại học San Diego, cô cần sự hỗ trợ của các sinh viên Việt đang theo học tại
đây. Một số không muốn tham gia vì họ không muốn “dính” tới nghề nail. Cô thất
vọng: “Vì họ có học vị tiến sĩ, họ thuộc đẳng cấp khác”.
Nghề nail là một
nghề hái ra tiền, nhất là những chủ tiệm nail. Dĩ nhiên không phải ai cũng tỷ
phú như anh Chalie Tôn Quý nhưng bảo đảm họ có một cuộc sống thoải mái dễ chịu
về mặt tài chánh. Nhưng chẳng có chuyện gì trên đời này không có mặt nọ mặt
kia. Nghề làm nail được về mặt tài chánh nhưng phải đối mặt với các loại hóa chất
mỗi ngày. Đây là những sát thủ thầm lặng. Bệnh đường hô hấp hoặc tệ hơn, bệnh
ung thư luôn rình rập làm nguy hiểm tới tính mạng. Năm 2007, báo Times đã gọi
nghề nail là một trong những nghề tệ hại nhất ở Mỹ vì những sản phẩm hóa chất
được dùng trong tiệm. Những thợ nail đã phải hít những hóa chất này liên tục
trong 8 tiếng hay thậm chí tới 14 tiếng hoặc nhiều hơn mỗi ngày.
Đại học
University of Massachusetts ở Boston đã làm một cuộc nghiên cứu đi tới kết luận
là những người thợ nail thường mắc các chứng bệnh như khó thở, nhức đầu, ngứa
ngáy, đau nhức các khớp xương, gân hay bắp thịt. Tạp chí American Journal of
Epidemiology đã đăng một báo cáo y tế sau một nghiên cứu được thực hiện vào ngày
21/5/2010. Trong 325.228 thợ nail có bắng cấp, đã có 9.044 trường hợp bị ung
thư. Tỷ lệ là 0,87%. Tỷ lệ ung thư phổi là 1,21% trên tổng số hành nghề.
Các cụ đã ngôn:
sinh nghề tử nghiệp. Nghề nào cũng là nghiệp cả. Thôi thì đành nhắm mắt cho
qua. Chẳng lẽ khoanh tay chịu đói. Cứ an tâm vơ tiền và ca bài Que sera sera!
SONG THAO
Tháng 6/2023
Bà Tippi Hedren (phải) cùng minh tinh Kiều Chinh (trái) và đạo diễn Jan Arnold trong chương trình diễu hành Tết tại Westminster, California năm 2016 (Hình: Rachel Murray/Getty Images).
Đạo diễn Adele Free Phạm của phim “Nailed It”.
Bà Tippi Hedren và lớp phụ nữ Việt Nam đầu tiên học nghề làm móng ở California, năm 1975.