Hội An ngày xưa - Google images
Hội
An là một thành phố cổ. Khoảng thế kỷ 15, 16 đã là thương cảng phồn vinh của
miền Nam thời Chúa Nguyễn. Các thương thuyền ngoại quốc thường ghé trao đổi
hàng hóa. Người Nhật, người Tàu, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha có đại
diện thương cục ở đấy. Sau nầy, lòng sông Thu Bồn, phía Cửa Đại bị phù sa lấp,
cạn dần, tàu thuyền lớn không vào được nên các thương nhân bỏ đi, chỉ còn lại
người Tàu. Họ là thần dân nhà Minh bên Tàu, khi Mãn Thanh cai trị nước Tàu, họ
bỏ xứ ra đi, đến Hội An họ ở luôn tại đấy. Một số lấy người bản xứ, sinh con,
xưng là người Minh Hương để tỏ lòng tưởng nhớ đến nhà Minh. Tôi là người Minh
Hương nhưng không biết tiếng Tàu, cũng không rõ gốc gác mình ra sao.
Trước khi Hội An thành thương cảng, nó là lãnh thổ của Chiêm Thành. Di tích còn
lại có thành Trà Kiệu, cố đô của Chiêm Thành, cách Hội An độ ba mươi cây số.
Ngay tại Hội An thỉnh thoảng những người đào đất bắt gặp những tượng đá, vật
dụng, nghe nói có khi gặp vàng nữa, nhưng dĩ nhiên chẳng ai dại gì nói ra. Trừ
vàng, thường thì không ai muốn giữ các tượng đá trong nhà. Họ sợ ma Hời –chỉ
người Chiêm Thành - vật chết. Họ đem để trước bình phong đền miếu hoặc gốc cây
đa. tôi có thấy một tượng phụ nữ Chàm bằng đá, rất đẹp, để trước miếu Quảng An,
sau có ông thầy dạy vẽ, thầy Kiệm, đem về dùng làm mẫu cho học trò tập vẽ.
Chúng tôi sợ ma Hời bắt thầy chết, vậy mà thầy vẫn sống nhăn, chả sao cả.
Về cái miếu Quảng An, người ta đồn đó là miếu thờ ma Hời, nhưng không ai cúng
ma Hời, chỉ thấy ngày rằm, mùng một có ông Ba Râu, một ông già ra thắp nhang,
Xuân Thu nhị kỳ có lễ cầu an, rất long trọng. Lúc đó tôi còn học tiểu học không
quan tâm đến, nhưng mỗi tối đi ngang qua miếu tôi sợ kinh khủng, không dám nhìn
vào miếu, sợ ngài vật chết. Miếu nầy nằm ngay đầu hẽm đi vào nhà tôi. Đường hẽm
nầy đi thông từ đường Phan Chu Trinh qua đường Trần Hưng Đạo. Thời pháp thuộc
nó có tên kiệt Công Quán Cũ, còn đường Trần Hưng Đạo có tên là đường Công Quán,
vì có trú sứ của tên công sứ Pháp. Trong kiệt Công Quán nầy có giếng nước ngọt
nổi tiếng. Đó là giếng Bá Lễ. Ngay đến bây giờ Hội An vẫn không có nước máy.
Nhà nào cũng có giếng trong vườn để lấy nước sử dụng. Nhà khá giả thường thuê
người gánh nước giếng Bá Lễ về làm nước uống, nấu ăn. Thế nên giếng lúc nào
cũng tấp nập người đến kéo nước. các cô, bà lấy đó làm nơi trò chuyện. Tối lại,
có các chàng lính tráng lãng vãng ra tán tỉnh, cập kè các cô, thế nên về ban
đêm con đường thường xuyên tối thui. Vì tuy có điện đường, nhưng các chàng lính
lấy đá ném cho vỡ bóng đèn để tiện làm ăn. Nhà tôi cách giếng Bá Lễ vài khu
vườn, trong một khuôn viên rất rộng. giữa là nhà thờ tộc, quây quần chung quanh
là nhà con cháu. Phía sau là nhà người bác, tôi không rõ liên hệ ra sao, nhưng
các người con của bác ta, hễ lớn thì tôi kêu bằng anh, chị, nhỏ thì tôi kêu mầy
tao cũng chẳng ai sửa sai. Người bác nầy không khá giả gì. Ông ta bán kẹo kéo.
Sáng sớm ông nấu đường trong một cái chảo, rồi đổ ra một cái thau, thau được
đặt trên một hồ nước nhỏ cho mau nguội, xong ông đánh đường trên một chạc ba
gắn trên cột nhà cho trắng đường, thành cục kẹo bự. Ông đặt cục kẹo trên bàn,
banh ra, đổ đậu phọng rang vào và kéo hai mép lại với nhau. Giống bác sĩ mổ
bụng bịnh nhân, chữa trị xong, bỏ ruột gan vào và khâu lại vậy. Tôi thường dậy
sớm, qua nhà ông ta, chờ khi đậu phọng rang đã nguội, tôi bóp cho vỏ mỏng tróc
ra, bỏ vô mồm, ăn chán chê mà ông ta không nói tiếng nào. Coi bộ ông thích tôi
lắm, buổi sáng nào ông cũng để sẵn cho tôi, khi thì chén cơm chiên, khi thì tô
cơm hến để tôi điểm tâm trước khi đi học. Ông kể lại lai lịch nghề kẹo kéo của
ông ta một cách hãnh diện. Rằng trước đây, vào khoảng thập niên 40, 50 Hội An
chỉ có một người tàu bán kẹo kéo. Cách làm kẹo kéo khá đơn giản, nhưng chú chệt
giấu nghề rất kỷ. Chú ở chung với người bà con trong một tiệm buôn. Sáng sớm,
mới bốn năm giờ, chú đã dậy nấu kẹo. Chẳng phải chú siêng năng gì, nhưng chú sợ
ban ngày, có người nhìn thấy sẽ bắt chước. Người bác tôi, lúc đó còn rất trẻ,
làm công nhân khuân vác trong tiệm, âm mưu ăn cắp nghề nên xin chủ ngủ nhờ
trong tiệm. Tối đến, bác ôm chiếc chiếu, leo lên đống hàng hóa nằm ngủ, đến gần
sáng bác hé mắt theo dõi chú chệt làm kẹo. Tiến trình làm kẹo thì bác nắm được,
nhưng có một thứ nước mà chú chệt vô phòng ngủ đem ra đổ vào đường trước khi
nấu thì bác chịu, không biết là chất gì? Sau, bác rình lúc chú đi vắng, mò vô
buồng chú tìm. Hóa ra là hủ giấm chú giấu kỹ trong gậm giường. Sau nhiều lần
nấu thử, bác tôi thành công. Bác làm một thùng kẹo kéo, nhờ người bạn đem đến
trước tiệm, nơi chú chệt trọ, đứng đó suốt buổi, lại bán rất rẻ.
Chú chệt buồn tình bỏ đi. Thế là bác tôi hành nghề kẹo kéo từ đó. Nghề nầy cũng
chỉ đủ nuôi vợ con sống qua ngày. Đi rả cẳng suốt ngày mà cái nhà tranh vách lá
ngày càng xiêu vẹo. Vợ bác bán hàng vặt ở chợ Hội An, cũng chẳng phụ được bao
nhiêu. Tôi nhớ một lần bác bị cảm vì hôm trước mắc mưa giông. Buổi sáng chủ
nhật đó, bác trùm mền nằm, không làm kẹo. Tôi qua hỏi thăm, bác bảo người lạnh
run, đau đầu... gì đó. Tôi bảo bác đưa tiền, tôi ra tiệm thuốc tây mua thuốc
cho. Tôi cầm tiền, ra tiệm thuốc tây, kể bịnh cho người bán thuốc, mua về cho
bác uống, chỉ gần trưa là bác dậy nấu kẹo chuẩn bị đi bán. Bác bảo tôi đọc cái
toa thuốc cho bác nghe, chữa bịnh gì, uống thế nào... xong bác đưa tiền cho tôi
ra tiệm thuốc tây mua một mớ. Thế là bác vừa bán kẹo vừa làm thầy thuốc. Bác ôm
thùng kẹo kéo đi khắp vùng ngoại ô, về cả các nơi xa xôi hẻo lánh. Người nào
bịnh bác cũng vào thăm, sờ đầu, bắt mạch (?!), hỏi bịnh trạng rất kỹ, bác cho
ít thuốc uống tạm.
Chiều về bác bảo tôi ra nhà thuốc kể tình trạng của những bịnh nhân của bác và
nhà thuốc bán cho thuốc chữa bịnh, thế là hôm sau bác đem thuốc cho thân chủ
uống. Người dân nông thôn ít khi dùng thuốc tây, khi bịnh chỉ uống nước rễ cây,
lá cây, xông, cạo gió, nay dùng đúng thuốc, linh nghiệm như thần. Bác không
biết chữ, chỉ biết đọc được các con số. Thỉnh thoảng bác nhìn lên lịch và làm
ra vẻ thông thái “Chà bữa nay tám tây rồi mà chỉ mới mồng hai âm lịch!” bác mù
chữ nhưng nhớ công dụng các loại thuốc tây rất tài. Chỉ cần tôi đọc cái toa một
lần là bác nhớ mãi. Đa số là thuốc trụ sinh, thuốc cảm và một vài thứ quảng cáo
trên đài phát thanh. Bác còn mua thêm thuốc bán trong tiệm thuốc bắc như Tiêu
Ban Lộ, Cứu Cấp Lục Thần Thủy... Khi cho bịnh nhân uống bác thường gói vào một
tờ giấy khác, nên ai cũng tưởng thuốc do bác bào chế. Thuốc tây thường là thuốc
viên, bác bỏ vô cối giả thành bột, cũng gói thành những gói nhỏ. Mẹ tôi gọi bác
là Ông Thầy Thọt, chẳng phải bác què chân mà vì mỗi sáng bác cứ đem thuốc ra
đâm thọt trong cái cối nghe cọc cạch, cọc cạch. Nhờ sáng kiến đó mà bác nổi
danh mát tay ở vùng thôn quê. thỉnh thoảng tôi thấy có người đem gà, vịt ,
chiếu Bàn Thạch đến biếu bác. Cuộc sống của gia đình bác coi mòi khá hơn trước
chứ chẳng giàu có gì. Vậy mà đột nhiên một hôm bác bảo tôi “Tao sẽ ra Đà Nẳng
ở, tao mua nhà ngoài đó rồi” Tôi hỏi “Bác làm gì mà giàu quá vậy?” Bác thì thầm
một cách bí mật “Mầy đừng cho ai biết, con tao mầy cũng đừng cho biết. Tao bắt
được vàng Hời, một con cua vàng sau miếu Quảng An”.
Trở lại chuyện miếu Quảng An. Thường thì ngày rằm, mồng một có ông Ba Râu ra
thắp nhang, đèn. Cây đèn hột vịt, nhỏ xíu nên ánh sáng mờ ảo, bàn thờ trông
càng thâm u ma quái. Chẳng những bọn trẻ con chúng tôi mà cả đến người lớn cũng
sợ. Mấy chị đàn bà chửi lộn thường gài nhau “Mầy có ngon ra miếu Quảng An thề
với tao, đứa nào ăn ngược nói ngạo, ngài vật cho sặc máu ra”. Lại có lời đồn
rằng có chị gánh nước và anh lính dẫn nhau vô miếu làm gì đấy, ngài bắt dính
nhau phải chở đi nhà thương gỡ ra. Nhưng lời đồn hấp dẫn nhất là thỉnh thoảng
vào ngày mồng một có bầy cua vàng bò ra kiếm ăn sáng rực cả một góc sân. Nhiều
người rình, nhưng không ai xác nhận có bắt được cua vàng, có thể họ bắt được
nhưng giấu chăng? Chẳng hạn như ông bác họ của tôi bảo có bắt được, riêng tôi
vẫn không tin, tuy không bao giờ nói ra.
Thời câu chuyện tôi đang kể đây khoảng năm 54, khi hiệp định Geneve chia cắt
đất nước và đồng bào Miền Bắc ồ ạt di cư vào Nam. Thành phố Hội An cũng hân
hạnh được đón một số, phần đông là công chức hoặc tiểu thương. Vì thiếu chỗ nên
các đình miếu được trưng dụng làm nơi cư ngụ cho đồng bào. Miếu Quảng An đón
một gia đình, sau nầy tôi biết tên là ông Dần vì ông có sạp hàng ở chợ Hội An.
Người Bắc di cư đa số là công giáo, họ chẳng sợ ma quỉ bao giờ. Ma quỉ thấy
thánh giá là bỏ chạy cả. Ấy vậy mà miếu Quảng An đã làm cho gia đình ông Dần
một phen sợ hãi. Nghe đồn rằng vào lúc gần khuya, đèn thắp sáng, mọi người còn
thức, riêng ông Dần mới thiu thiu thì đứa con kêu thét lên, bà vợ cũng kêu thét
lên khi thấy một cái đầu từ trên nóc miếu, chỗ có cửa sổ nhỏ, thò xuống, cái cổ
cứ dài mãi ra. Cái đầu đen thùi, mắt trắng dã, miệng đỏ lói, nhe nanh như muốn
cắn người ta. Khi ông Dần tỉnh ngủ thì chẳng thấy gì nhưng bà vợ cả quyết thấy
rất rõ. Theo lời khuyên của mọi người, ông Dần nhờ một số bạn, buổi tối đến
thổi kèn tây tò te cho đến khuya. Ma quỉ nghe kèn tây sẽ bỏ đi hết. Tôi cùng
một số bạn tối nào cũng đến xem thổi kèn. Thấy đèn điện sáng trưng nên không
còn sợ nữa. Ngày rằm mồng một vẫn thấy ông Ba Râu vào thắp nhang. Ít lâu sau,
hình như ông Dần mua đứt cái miếu nên cửa nẻo được lắp vào, sơn phết lại rất
khang trang. từ đó không thấy cúng kiếng gì nữa.
Chuyện người bác tôi tức ông thầy Thọt bảo rằng sẽ ra Đà Nẵng mua nhà chỉ xảy
ra sau khi chuyện ma xuất hiện nhác gia đình ông Dần ít lâu thôi. Tôi không tin
chuyện ông ta bắt được vàng. Trước đó có một lần, lúc gần khuya, trời lâm râm
mưa, tôi đi coi hát về, thấy một người từ sau miếu đi ra. Tuy chỉ thoáng thấy
dáng đi nhưng tôi biết ngay là ông bác tôi. Sáng hôm sau, tôi nói ngay “Khi hôm
con thấy bác sau miếu Quảng An”. Bác bảo “Mầy đừng nói ai, tao rình bắt mấy con
cua vàng. Có người ở trong miếu, nó động ổ nên bò ra kiếm ăn sau miếu”. Thế rồi
ít lâu sau bác mua nhà ngoài Đà Nẵng. Nhà gần chợ Cồn, buôn bán rất khá giả.
Sau nầy lớn lên, có lần ra Đà Nẵng thi tú tài, tôi có trọ nhà bác mấy bữa. Bác
vẫn tử tế như trước. Ngày thi xong bác đãi tôi một bữa tiệc nhỏ “Tao biết mầy
thi là đậu nên tao đãi mầy trước” Nhân lúc ngà ngà hơi rượu tôi hỏi bác “Chuyện
con rùa vàng có thật không bác?” Bác cười cười bảo “Mầy đã thấy rồi còn hỏi”
“Nhưng con có thấy gì đâu?” “Cứ coi như thấy rồi đi, hỏi làm chi” Tôi biết bác
không muốn nói, nhưng vẫn thắc mắc, không biết chuyện con cua vàng có thật
không?
Đậu tú tài xong, tôi vào Sài Gòn học tiếp, rồi thành công chức, rồi sập tiệm,
tôi đi tù. Khi có vụ HO đi Mỹ, tôi ghé thăm bác, ông thầy Thọt ngày trước. Mấy
mươi năm, bác đã già lắm rồi. Tóc bạc, răng rụng nhưng vẫn còn vẻ tinh anh. Các
con bác đã lập gia đình, chỉ có cô gái út còn sống với vợ chồng bác. Tối đó hai
bác cháu ngồi lai rai, chuyện trò đến khuya. Khi bàn đến chuyện có số phận hay
không, bác bảo “Ai cũng tin rằng con người đều có số phận thì chẳng chịu cố
gắng, chẳng chịu làm lụng, rốt cuộc chỉ đi ăn mày”. Tôi cãi “Giày dép còn có
số. Như bác chẳng làm gì cả, chỉ đi rình sau miếu Quảng An mấy lần là bắt được
con cua vàng. Nhiều người cũng rình như bác mà đâu có gì. Đúng là bác có số
trời cho làm giàu”. “Trời nào mà cho. Tao phải đem mưu kế, đem cái mạng tao
ra...”. Biết là bác sắp nói ra điều bí mật nên tôi nói khích “Gì mà mưu kế dữ
vậy. Chịu khó rình một lúc. Bữa con thấy bác sau miếu... Cũng giống như con đi
chơi khuya về thôi, có điều đừng sợ ma như bác mới được”. “Tao mà sợ ma à?
Người ta sợ tao thì có. Chuyện ma hiện trong miếu để nhác vợ con ông Dần là
tao, chứ ma nào”. “Bác làm ma à? Sao bác lại chổng ngược người ngoài cửa sổ
được, lại còn kéo cái cổ dài ra?”. “Tao nằm trên nóc miếu thò đầu xuống. Còn
chuyện cái cổ dài ra là vì chúng sợ quá tưởng vậy thôi”. “Nhưng bác leo lên nóc
miếu làm gì? Thò đầu vô miếu làm gì?” Bác cười tỉnh khô, để lộ mấy cái răng còn
sót, đen thùi. “Tao rình để ăn trộm chứ leo lên làm chi”. Tôi năn nỉ “Bác kể
thật con nghe, từ đầu đến cuối. Con nghi đúng mà. Làm gì có chuyện con cua
vàng”. Bác làm một hơi rượu, khà một tiếng, rồi rung đùi coi bộ khoái trá lắm
“Chuyện nầy chỉ vợ tao biết, bây giờ đến mầy là hết. Mấy đứa con tao mà biết,
chúng sẽ khinh tao mà không nghĩ rằng tao đi ăn trộm chỉ vì chúng mà thôi”.
“Nhưng trước giờ bác có làm nghề đó đâu. Bác lúc nào cũng làm ăn lương thiện.
Mà sao bác chỉ rình có nhà ông Dần để ăn trộm mà không rình nhà khác?”. “Bữa
gia đình ông Dần mới dọn đến, tao đứng bán kẹo trước miếu Quảng An. Lúc đó bọn
học trò đi học về, đứng xem cũng đông. Trong lúc bán, tao bỗng nghe trong miếu
tiếng trẻ con khóc, thì ra bà Dần đánh đứa con nhỏ. Nó đang chơi với một mớ
toàn vàng. Nhẫn, xuyến, dây chuyền, cà rá, hột xoàn... đứng xa mà tao thấy chói
cả mắt. Tao bỗng nảy ra ý định ăn trộm vì thấy họ để của bừa bãi như thế ắt dễ
tìm ra. Tao rình mấy đêm, thấy khó ăn quá, nhất là sau vụ vợ con ông ta thấy
tao tưởng ma, nhưng ông Dần không tin. Mấy hôm sau tao thấy ông treo khẩu súng
lục chỗ cột nhà, có lẽ mượn của ai đó để cảnh cáo tên trộm”. “Coi bộ khó ăn,
lại nguy hiểm nữa. Mất mạng như chơi”. Tôi nói thế để bác thầy thọt của tôi
hứng chí, nói tiếp. Mà tôi thấy cũng nguy hiểm thật. Bác cười khoái trá “Mầy
thấy con người hơn nhau ở cái đầu...Tao định trộm luôn khẩu súng nhưng làm thế
khác gì chọc ổ kiến lửa là cảnh sát. Tao chỉ tìm lấy gói vàng mà thôi”. “Nhưng
sau đó ông Dần vẫn có tiền mở sạp áo quần ở chợ Hội An?”. “Người chạy loạn nào
cũng khôn mới sống được. Họ chia của. Vợ một ít, con một ít, rủi có tản lạc thì
cũng còn cái để mà sống. Tao biết nên chỉ tìm thấy một gói đủ rồi. Chẳng phải
nhân đạo, nhưng lấy hết bắt buộc họ phải thưa cảnh sát để tìm cho ra. Mất chút
đỉnh thì họ làm thinh luôn”. “Nhưng người ta cảnh giác như thế, bác làm sao mà
lục lọi được?”. “Đó, tao đã nói, dùng cái đầu trước, chân tay mới cục cựa sau”.
“Bác nói hết luôn đi. Cứ lòng vòng!”. “Mầy biết ông Ba Râu không? Ông đó chuyên
thắp nhang ngoài miếu Quảng An. Tao chờ lúc ông ta đi vắng đến nhà tráo một mớ
mê hồn hương vào bó nhang. Hít một chút là ngủ say như chết. Ngày rằm, mồng một
ông ta đem nhang ra thắp ngoài miếu, thế là tao vào miếu lục soạn, cả nhà ông
Dần đã bị mê hồn hương thì có khiêng mà vất ngoài đường cũng không hay”. “Nhưng
mê hồn hương ở đâu bác có?”. “Cái nầy thì tao đã thề bán mạng không cho ai
biết”. “Bác cứ nói đại khái thôi, đâu cần phải nêu tên”. “Ừ, đó là ông thầy của
tao. Ông ta là tổ sư ăn trộm. Lúc đó ông ta đã già nhưng giàu lắm. Ngay ở Hội
An mình. Có nói tên mầy cũng không tin. Ông ta có bổn phận là ngày giỗ tổ phải
cúng tổ bằng của ăn trộm. Ông ta già quá mà không có đồ đệ nên bảo tao đi ăn
cắp giùm ông ta một vật gì đó để cúng tổ. Lúc đó tao nói rõ ý định ăn trộm nhà
ông Dần, ông ta chỉ ngồi xích lô đi ngang trước miếu Quảng An có một lần là bày
mưu cho tao làm vố đó. Dĩ nhiên muốn có mê hồn hương tao phải lạy ông ta làm sư
phụ, lạy tổ xin vào nghề. Trộm vụ đó tao cúng tổ chiếc nhẫn vàng. Nhưng đó là
vụ đầu tiên và cũng là vụ cuối cùng của tao”. Tôi định bảo “Mưu kế là ở sư phụ
bác, vậy mà bác kể như bác tài lắm vậy”. Nhưng tôi chỉ hỏi “Sau nầy bác có đến
thăm sư phụ của bác không?”. “Có chứ! Tao đâu quên ơn thầy. thỉnh thoảng tao về
Hội An ghé thăm. Ông ta giàu quá, đâu cần mình giúp, chỉ cần ngồi nghe ông ta
tâm tình là ông ta vui rồi. Ông ta kể, học nghề từ lúc còn nhỏ. Nghề nầy còn bí
mật gấp mấy lần Thiên Địa Hội, kỷ luật thì chỉ có sống hoặc chết thôi. Hể sư
phụ ra lệnh là đồng nghiệp giết ngay”. “Bác có đồng nghiệp không?” “Bây giờ ăn
cắp vặt thì được, ai dám lọ mọ rình rập trong bóng tối, cảnh sát hay lính thấy
được có mà ăn đạn. Mầy thấy cái trang thờ đàng kia là bàn thờ tổ. Ông thầy tao
trước khi chết, truyền bài vị tổ sư cho tao vì không còn ai nối nghiệp”. “Như
vậy sư phụ phải truyền cho bác các bí quyết ăn trộm chứ?”. “Dĩ nhiên. Ông thầy
chỉ tao cách nghiên cứu địa hình địa vật, tính tình, thói quen những người
trong gia đình mà mình sắp hành nghề, cách đào tường khoét vách, cách trừ chó,
cách tẩu tán của ăn trộm, cách khai báo nếu rủi bị bắt, cách chịu đòn sao cho
không bị đánh vào chỗ nhược...”. “Có truyền cho bác cách làm mê hồn hương
không?”. “Có chứ, cái nầy mới là bí truyền...”. Tôi nói đùa “Bác nhận con làm
đồ đệ rồi truyền cách chế mê hồn hương đi”. “Tướng mầy mà trộm đạo gì được”.
“Ủa, bộ ăn trộm cũng phải có tướng sao?”. “Thì phải có tướng ăn trộm mới nhận
làm đồ đệ. Đâu có dễ mầy!” “Chắc sư phụ cũng truyền nghề xem tướng ăn trộm cho
bác. Bác nói thử tướng ăn trộm ra sao?”. “Dễ quá! Mầy thấy có nhiều người đến
nhà ai, cửa chính không vào mà cứ vào cửa hông hoặc hay dòm vô cửa sổ nhà người
ta, khi nói chuyện thì mắt láo liêng nhìn khắp nơi mà không nhìn thẳng vào
người đối diện...Tao không nói họ là ăn trộm, nhưng có khiếu ăn trộm, truyền
nghề được. Chắc ăn nhất là mấy đứa nhỏ hay ăn cắp vặt, chúng có máu ăn trộm bẩm
sinh trong người”. “Còn mê hồn hương? Bác có biết làm không? Bác nói đại khái
nghe cho vui thôi, đâu cần chi tiết”. “Ừ! Mầy biết mấy người đánh cá biển,
thỉnh thoảng có người bị con rắn biển mà họ gọi là con “đẻn” cắn, cứ mê man,
không biết gì hết. Không có thuốc chữa. Ngủ hoài rồi chết luôn. Nếu biết cách
thì xúm nhau cứ phèn la, chuông, mõ gõ liên tục, lại phải banh mắt, la hét vào
tai, gọi tên người bị nạn, hỏi chuyện... đừng cho ngủ. Phải la to “Không được
ngủ, không được ngủ, ngủ là chết!”. Cố sao cho được một ngày, một đêm, nọc độc
tan là sống. Bắt được con “đẻn” loại đó, đem về phơi cho thật khô, sao vàng,
tán nhuyễn thành bột rồi làm như người ta làm nhang vậy. Tức là cũng chẻ tre
thành cọng nhang, nhúng hồ rồi lăn trên bột “đẻn”, phơi cho thật khô, thế thôi.
Khi muốn “hun” nhà ai, cứ đốt lên, nhè cửa sổ mà quạt vào...”. “Bác có làm thử
chưa?” “Tao có làm rồi nhưng không hiệu quả. Có lẽ không đúng loại “đẻn” mình
cần. Ông thầy tao có cho bức tranh vẻ con “đẻn” đó, nó không giống thứ người ta
đem bán cho tao, nhất là mấy cái khoanh màu trên mình nó. Nó dẹp lép như lá
lúa. Tao hỏi dân biển, vài người bảo có thấy nhưng hiếm lắm, độc lắm, không ai
dám động đến. Nghe nói nước miếng của nó thôi, dính chỗ nào trên người là chỗ
đó lở ra thành từng vạt như người bị phỏng nặng vậy. Không có thuốc chữa...”
Tôi nghĩ rằng, ông bác họ tôi đã không nói thật. Tôi nhìn quanh, thấy căn nhà
tuy không lớn nhưng ở địa thế buôn bán như thế nầy thì chỉ một vụ trộm đó thôi,
làm gì mua nổi. Ông muốn giấu thật kĩ chuyện làm ăn không lương thiện nầy,
nhưng giữ mãi trong bụng, ấm ức, chịu không được. Nay thấy tôi cũng có thể tin
tưởng, vả lại tôi sắp đi Mỹ rồi, nên thổ lộ chút ít cho hả cái thú vị, khoái
trá bấy lâu nay. Thử nghĩ coi, đang nghèo khó, nhà tranh vách lá, mưa dột tứ
tung, cái ăn không đủ, bỗng nhiên mua nhà mặt tiền, mở tiệm...
Người trúng số phải la lên thật to, vênh mặt lên cho bỏ ghét cuộc đời. Nhưng
ông bác tôi thì chịu, không thể kêu lên "Tôi ăn trộm nên mới được như thế
nầy!" Tối đó, kể xong chuyện ăn trộm, như một dịp để khoe tài, bác ngồi
cười mãi, coi bộ khoái trá lắm. Bác đã say, ngồi gục tới gục lui mà vẫn cười,
miệng lầm bầm "Mấy người được như tao?".
Có thể bạn chưa bao giờ nghèo để biết cái "nghèo khổ" như thế nào.
Bác thầy Thọt của tôi nghèo mạt rệp, nay được như thế nầy cũng thỏa mãn, sung
sướng quá rồi, chẳng khác gì Nhậm Ngã Hành trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, sau khi
diệt được đối phương, sướng quá, cười đến bể tim mà chết.
PHẠM THÀNH CHÂU