Thursday, May 11, 2023

2906. Hai truyện ngắn của nhà văn Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie (1977 - Hiện tại) NGU YÊN dịch và giới thiệu

Nhà văn Chimamanda Ngozi Adichie (1977-...)

Lời người dịch:

The New Yorker giới thiệu Chimamanda Ngozi Adichie, “một nhà văn mới được trời phú cho năng khiếu của những người kể chuyện thời cổ đại.” Lời của nhà văn lão thành Chinua Achebe nói về Chimamanda Ngozi Adichie vào năm 2007.

Câu truyện năm 2008 của Adichie “The Headstrong Historian” (Sử Gia Ngoan Cố) được viết để đáp lại cuốn tiểu thuyết của Achebe “Things Fall Apart,” (Quê Hương Tan Rã) nhưng giọng kể đầy xúc cảm, đắm chìm vào một cõi riêng.

Adichie đã trở thành cái tên quen thuộc ở Nigeria và trên toàn thế giới, nhưng các nhân vật của cô ấy thường là những người không thể nhìn thấy trong số chúng ta, đối mặt với những thách thức của cuộc sống hàng ngày.

Tôi giới thiệu nhà văn trẻ của thế giới văn chương hôm nay qua hai truyện ngắn, không phải để tiêu biểu văn chương của cô, mà để người đọc tìm thấy một khía cạnh sáng tác truyện và tiểu thuyết hiện nay. Những niềm tin truyền thống và cách tân về sáng tác truyện trong thế kỷ 20 đang được khám phá trở lại trong một số khuynh hướng mới do các văn tài trẻ trên thế giới đảm nhận. Tuy chưa thành hình một con đường rõ rệt, nhưng người đọc có thể cảm nhận những khác lạ trong nỗ lực phiêu lưu của thế hệ văn chương hôm nay. Cả hai câu truyện đều viết về văn hóa và lịch sử bản xứ, đều được giới thiệu bởi các báo và tạp chí tên tuổi ở Mỹ.

Chimamanda Ngozi Adichie viết tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận. Tờ Times Literary Supplement viết về cô, “một người trẻ nổi bật trong nhóm các tác giả sử dụng Anh ngữ, được giới phê bình đánh giá cao, đã thành công trong việc thu hút một thế hệ độc giả mới trong văn học Châu phi.” 

Giải thưởng:

2002: Caine Prize cho sáng tác Africa. Commomwealth Short Story Competition./ 2003:    

David T. Wong International Short Story Prize./ O. Henry Prize. Hurston-Wright Legacy Award về tiểu thuyết./ 2004: Booker Prize./ Young Adult Library Service Association. John Llewellyn Rhys Prize./ 2005: Commonwealth Writers’ Prize./ 2006: National Book Critics Circle Award. / British Book Awards./ 2007: Commonwealth Writers' Prize Anisfield-Wolf Book Award. PEN Beyond Margins Award. Orange Broadband Prize./ 2009: International Nonino Prize./ 2013: Chicago Tribune Heartland Prize: Tiểu thuyết National Book Critics Circle Award. / 2018: PEN Pinter Prize

 

Tác Phẩm:

1997  Decisions. Minerva Press (London). Thơ. / 1998         For Love of Biafra. Spectrum Books. Kịch./ 2003         Purple Hibiscus. 4th Estate (London). Tiểu thuyết./ 2006  Half of a Yellow Sun. 4th Estate (London) Tiểu thuyết./ 2009      The Thing Around Your Neck. 4th Estate (London). Truyện Ngắn. / 2013     Americanah         Alfred A. Knopf (New York). Tiểu thuyết. /2014 We Should All Be Feminists. 4th Estate (London)Tiểu luận./ 2017  Dear Ijeawele, or A Feminist Manifesto in Fifteen Suggestions.4th Estate (London). Tiểu luận./ 2019         Sierra Leone, 1997. Black Ballon, Truyện ngắn./ 2021  Notes on Grief

Truyện Ngắn

SỬ GIA KIÊN CƯỜNG

The Headstrong Historian

Nhiều năm sau khi chồng mất, thỉnh thoảng Nwamgba vẫn nhắm mắt hồi tưởng những đêm anh đến chòi viếng thăm nàng. Rồi sáng hôm sau, khi đi ra bờ suối, âm ư bài hát trong miệng, nhớ lại mùi hương khói, thân hình chắc nịch, bắp thịt vạm vỡ của anh, và cảm giác như ánh sáng đang bao trùm lấy nàng. Những ký ức khác về Obierika vẫn còn rõ ràng, mười ngón tay anh mập mạp cuộn quanh cây sáo khi thổi vào buổi tối, và tỏ vẻ vui sướng khi nàng đặt bát thức ăn xuống cạnh bên. Lưng anh đổ mồ hôi, khi mang những chiếc giỏ đầy đất sét mới cho nàng làm đồ gốm. Ngay lần đầu tiên thấy anh ta tại một trận đấu vật, cả hai nhìn say đắm, cả hai còn rất trẻ, eo nàng chưa đeo vải kinh nguyệt. Nàng bướng bỉnh lặng lẽ tin rằng, thần linh hướng của nàng và thần linh hướng của anh ta đã ước định sẵn hôn phối cho họ. Vài năm nữa, khi anh ta và bà con đến gặp cha nàng với những bình rượu dừa, nàng sẽ nói cho mẹ biết, đây là chàng trai mà nàng muốn kết hôn. Người mẹ rất kinh tâm. Có phải Nwamgba không biết Obierika là con một, người cha quá cố của anh ta cũng là con một, có những người vợ bị sảy thai và họ phải chôn cất con cái? Có lẽ, ai đó trong gia đình đã phạm điều gì cấm kỵ, bán một nữ nô lệ khiến thần đất Ani trừng phạt họ gặp xui xẻo. Nàng phớt lờ người mẹ. Rồi đi đến thần Thiên Linh cái của cha, nói rằng nàng sẽ bỏ trốn khi bất kỳ đàn ông nào khác đến cầu hôn, nếu không được lấy Obierika làm chồng. Người cha cảm thấy mệt mỏi vì đứa con gái cứng đầu miệng lưỡi sắc bén, đã từng quật thằng anh trai lăn xuống đất. (Ông đã phải cảnh cáo tất cả những ai chứng kiến, không được kể lại cho người ngoài biết, chuyện cô gái vật ngã con trai.) Dĩ nhiên, ông lo lắng về tình trạng hiếm muộn của Obierika, nhưng anh ta không thuộc vào gia đình tồi tệ: người cha quá cố của anh đã đoạt tước hiệu Ozo (phù thủy); Obierika đã phân phối hạt khoai giống cho các tá điền thuê canh tác. Nwamgba sẽ không chết đói nếu lấy anh ta. Ngoài ra, tốt hơn nên để đứa con gái này ở với người đàn ông nó chọn, nếu không, nó sẽ gây lộn với gia đình chồng, rồi thường xuyên bỏ về nhà tạo thêm khó khăn trong nhiều năm. Vì vậy, ông chúc phúc và cho phép đứa con gái được như ý. Nàng cười tươi, gọi tên ông mà ca ngợi.

Để trả giá đón dâu, Obierika đến với hai anh em họ ngoại Okafo và Okoye, người thân cận với anh ta. Ngay lần đầu tiên gặp nhau, Nwamgba đã mất cảm tình, ánh mắt ghen tị của hai người họ tỏa ra trong suốt buổi chiều hôm đó, khi uống rượu dừa trong quán của cha nàng và nhiều năm nhiều chuyện tiếp theo. Những năm Obierika đoạt được danh hiệu phát triển khu nhà và bán khoai lang cho những khách buôn phương xa, nàng thấy lòng ghen ghét của họ trở nên xấu xa. Nhưng nàng bỏ qua, vì họ là anh em quan trọng đối với Obierika, vì họ không làm việc chỉ đến anh để lấy khoai và gà, bởi anh muốn tưởng tượng rằng anh cũng có anh em. Chính họ đã xúi giục anh lấy vợ khác, sau khi nàng sảy thai lần thứ ba. Anh nói, cần suy nghĩ lại về đề nghị này. Khi anh ở một mình với nàng trong túp lều, anh bảo đảm sẽ không lấy vợ khác và sẽ có một đàn con đông đảo để chăm sóc họ khi về già. Nàng nghĩ, anh ta thật kỳ lạ, một người đàn ông giàu có, chỉ một vợ. Thật đáng lo lắng khi không có con và lo sợ vì những câu hát du dương đầy ẩn ý: Cô ta đã bán tử cung và ăn hết dương vật của anh. Anh ta chỉ biết thổi sáo và giao tài sản cho cô.

Một lần, trong buổi tụ tập dưới ánh trăng, khu đất đầy phụ nữ trò chuyện, học nhảy múa. Một nhóm nhìn thấy Nwamgba, họ bắt đầu hát, chĩa các bộ ngực hung hăng về hướng nàng. Nwangba hỏi, liệu họ có thể hát lớn tiếng để có thể nghe rõ lời và sẽ chỉ cho họ xem, ai lớn hơn trong hai con rùa. Họ ngưng hát. Nàng thích thú khi thấy nỗi sợ hãi trong mắt các cô gái, cách họ thụt lùi, nhưng chính ngay lúc đó, nàng quyết định tìm một người vợ cho Obierika.

Nàng thích đi đến dòng suối Oyl, cởi bỏ chiếc khăn quấn ở eo, xuống con dốc đến dòng nước bạc trắng tuôn ra từ tảng đá. Nước ở Oyl trong lành hơn nước từ các con suối khác, như suối Ogalanya. Có lẽ, lý do đơn giản là nàng cảm thấy được an ủi bởi ngôi đền nữ thần Oly, nằm khuất dạng trong một góc. Khi còn nhỏ, nàng đã biết Oly là thần bảo vệ phái nữ, ngăn cản sự buôn bán phụ nữ làm nô lệ. Ayaju, bạn thân nhất của nàng, đã có mặt ở dòng suối, khi nàng giúp cô bạn nâng chiếc nồi lên đội trên đầu, nàng hỏi cô bạn, ai có thể làm người vợ lẻ của Obierika.

Ayaju và nàng cùng lứa lớn lên, cùng kết hôn với những đàn ông trong dòng tộc. Sự khác biệt là Ayaju có nguồn gốc nô lệ. Cô ta không quan tâm mấy đến chồng, Okenwa, cô nói anh ta tương tựa chuột cống, luôn bốc mùi chuột, nhưng việc kết hôn của cô có giới hạn chọn lựa, không đàn ông nào sinh ra trong gia đình tự do có thể cưới cô. Ayaju là một thương nhân, thân hình rắn rỏi, đi đứng nhanh nhẹn, điều này chứng tỏ nhiều hành trình của cô, kể cả chuyện đi xa hơn Onicha. Chính cô là người đầu tiên tường thuật lại những phong tục kỳ lạ của các người buôn bán ở Igala và Edo. Cô còn kể những câu chuyện về người da trắng đã đến Onicha với gương soi, vải vóc, và những khẩu súng lớn nhất mà dân ở đó chưa từng thấy. Biết nhiều chuyện trên thế giới khiến cô được tôn trọng, là người duy nhất từ dòng dõi nô lệ mà được lên tiếng tại Hội đồng Phụ nữ, là người có khả năng trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Cô ta vội vàng đề nghị người vợ hai cho Obierika. Một cô gái trẻ từ gia đình Okonkwo, có xương chậu nở nang tốt đẹp và tính tình đáng kinh trọng, không giống như các cô gái trẻ ngày nay, chứa trong đầu đầy những thứ vớ vẩn.  

Từ con suối thả bộ về, Ayaju nói, có lẽ Nwamgba nên làm những gì các người phụ nữ có chồng trong cùng hoàn cảnh đã làm. Tìm một tình nhân để đậu thai, tiếp tục dòng dõi của Obierika. Nwamgba trả lời gay gắt, nàng không thích giọng điệu của bạn, cho rằng chồng nàng bất lực. Như để chứng minh ý nghĩ của mình, nàng cảm thấy đau nhói ở lưng, báo cho biết đã mang thai, nhưng nàng không nói gì vì biết mình sẽ sảy thai lần nữa. 

Vài tuần sau, nàng lại sảy thai. Cục máu chảy xuống chân. Chồng nàng an ủi và đề nghị, khi vừa khoẻ lại, họ sẽ đi gặp một vị thầy cúng nổi tiếng (thầy phù thủy trong các bộ lạc ở Châu Phi), Kisa, chỉ cách nhà nửa ngày đường. Trong khi thầy cúng nhập thần, nàng hỏi ý kiến của ông, rồi rút người lại với ý nghĩ phải hy sinh cả một con bò để cúng tế. Chắc hẳn tổ tiên của chồng có nhiều người tham lam. Nhưng họ cũng thực hiện nghi lễ đòi hỏi để tẩy rửa và tế lễ, khi nàng đề nghị chồng đi gặp gia đình Okonkwo về con gái của họ, anh ta trì hoãn rồi tri hoãn thêm nữa cho đến khi cơn đau nhói khác ập vào lưng nàng. Nhiều tháng sau, nàng nằm trên đống lá chuối mới rửa sạch sau căn chòi, rặn đẻ, rặn cho đến khi đứa bé tuột ra.  

Họ đặt tên con trai là Anikwenwa: Sau cùng vị thần đất Ani đã ban cho một đứa trẻ. Da màu đậm và khỏe mạnh, tò mò và vui tính như Obierika. Anh dẫn con theo khi đi hái thuốc, lấy đất sét làm đồ gốm cho mẹ, xoắn dây leo khoai mỡ nơi trại trồng trọt. Hai anh em họ Okafo và Okoye đến thăm thường xuyên và ngạc nhiên khi thấy Anikwenwa thổi sáo rất giỏi, học thuộc thơ, và luyện tập nhanh chóng các động tác đấu vật từ người cha. Nwamgba nhìn thấy sự độc ác thấp thoáng trong nụ cười mà họ không thể che giấu. Nàng sợ cho con và chồng, rồi khi Obierika, đang cười nói vui vẻ, uống rượu dừa, đột nhiên gục xuống chết. Nàng biết họ đã giết anh bằng thuốc độc. Bám chặt lấy xác chồng cho đến khi một người hàng xóm tát vào mặt, đánh thức nàng thả tay ra. Nhiều ngày Nwamgba nằm trên đống tro lạnh, xé những hình văn hoa cạo trên tóc. Obierika chết để lại nỗi tuyệt vọng vô biên. Nàng thường nghĩ đến một phụ nữ, sau khi mất đứa con thứ mười, đã ra sau sân treo cổ trên cây Kola. Nhưng vì Anikwenwa, nàng sẽ không làm như vậy.   

Về sau, nàng ước rằng, đã bắt hai anh em họ của Obierika uống nước thần linh mmili ozu với lời thề độc. Nàng đã từng chứng kiến cảnh này. Khi một người đàn ông giàu có qua đời, gia đình bắt buộc đồi thủ của ông uống nước mmili ozu. Một phụ nữ chưa kết hôn lấy chiếc lá khum dạng bàn tay bụm lại, chứa đầy nước, chạm vào xác người đàn ông đã chết, đọc câu thần chú, rồi đưa cho người bị tình nghi có tội uống. Mọi người theo dõi anh ta nuốt xuống, không khí nghiêm trọng, bởi vì họ biết nếu anh ta đã phạm tội thì sẽ bị trừng phạt. Vài ngày anh, anh ấy đã chết. Gia đình anh cúi đầu xấu hổ. Nghĩ đến những điều này Nwamgba run lên một cách lạ thường. Đáng lẽ phải bắt hai anh em họ uống nước thần linh trên xác Obierika, nhưng nàng đã mù quáng vì đau khổ. Giờ đây, xác Obierika đã chôn, đã quá muộn.

Những anh em họ trong ngày tang lễ đã lấy chiếc ngà voi biểu tượng cho quyền gia trưởng và tuyên bố danh hiệu này thuộc về họ, không phải cho đứa con trai của Obierika. Ngay sau đó, họ dọn hết kho khoai mỡ và dẫn hết những con dê lớn của chồng nàng ra khỏi chuồng. Nwamgba chận đầu, la hét, nhưng họ gạt nàng sang một bên. Khi đêm đến, nàng đi quanh thị tộc và hát những lời kể lại sự độc ác của họ, những gì ghê tởm cướp giật đất đai bằng cách lừa dối một góa phụ, cho đến khi các trưởng lão yêu cầu họ để cho nàng được sống yên ổn. Sau khi phàn nàn với Hội đồng Phụ nữ, hai mươi phụ nữ kéo kéo đến nhà Okafo và Okoye vào một đêm, vung chày cảnh cáo hai anh em họ không được động chạm đến Nwamgba. Nhưng nàng biết hai kẻ đang nắm quyền sẽ không bao giờ thực sự ngừng lại. Nàng ước mơ sẽ giết họ. Điều này chắc chắn có thể làm, đây là hai kẻ yếu đuối, không chịu làm việc, chỉ dành cả đời để biển lận Obierika, nhưng giết họ, tất nhiên nàng sẽ bị trục xuất, sẽ không còn ai chăm sóc đứa con trai.  

Thay vì vậy, nàng dẫn Anikwenwa đi một đoạn đường dài, nói với con, dãy đất từ cây dừa cho đến cây bơ là của mình, do ông nội để lại cho cha. Nàng lập đi lập lại, mặc dù đứa con nghe ra vẻ chán nản, bối rối. Nàng không để con đi chơi đêm trăng sáng trừ khi có nàng trông chừng.

Ayaju trở về sau chuyến đi buôn, mang theo câu chuyện mới: Phụ nữ ở Onicha phàn nàn về đàn ông da trắng. Họ đã tiếp đón những trạm buôn của người ngoài, nhưng giờ đây, người da trắng muốn họ buôn bán theo kiểu mới. Các trưởng lão ở Agueke đã từ chối không lăn ngón tay cái trên tờ giấy. Đêm đến, người da trắng cùng những kẻ theo họ đã đến làng, tàn phá mọi thứ, không còn gì nữa. Nwamgba không hiểu. Những đàn ông da trắng có loại súng nào? Ayaju cười đáp, súng của họ khác hẳn thứ rỉ sét mà chồng của cô đang có. Giọng nói ra vẻ tự hào, làm như chính cô là người chịu trách nhiệm về sự tân tiến của súng người da trắng. Ayaju cho biết thêm, một số người da trắng đến viếng thăm các gia tộc khác nhau, yêu cầu các cha mẹ cho con cái đi học, riêng cô, đã quyết định gửi đứa con trai Azuka đến trường, đứa con này lười biếng nhất trong trang trại, cho dù Ayaju được kính trọng vì giàu có, cô vẫn là dòng dõi nô lệ, các con cô bị cấm đoán nhận bất kỳ tước vị gì. Cô muốn đứa con học theo lối sống của người ngoại quốc. Cô nói, người ta thống trị những người khác không phải vì họ tốt hơn, mà vì họ có súng tốt hơn. Rốt ráo, cha cô sẽ không bị bắt làm nô lệ, nếu bộ lạc của họ được trang bị vũ khí tốt như bộ lạc của Nwamgba. Nghe bạn mình kể, nàng đã mơ giết hai anh em họ của Obierika bằng súng người da trắng.

Ngày mà các người da trắng đến viếng thăm gia tộc của nàng, Nwamgba bỏ cái nồi đất định đưa vào lò nướng, để vội vã dẫn con trai và những cô gái giúp việc học nghề đến quảng trường. Mới đầu, nàng thất vọng vì vẻ tầm thường của hai ông da trắng. Trông vô hại, da họ có màu con vật bị bạch tạng, tay chân yếu ớt, mảnh khảnh. Đám theo họ là những đàn ông bình thường, nhưng họ có điều gì khác thường. Chỉ một người biết nói tiếng Igbo với giọng lạ kỳ. Ông nói ông từ Elele đến, những người khác đến từ Sierra Leone, và mấy đàn ông da trắng đến từ Pháp, xa xôi bên kia bờ đại dương. Tất cả bọn họ thuộc vào Giáo Đoàn Đức Thánh Linh, đến Onicha năm 1885, xây dựng trường học và nhà thờ ở đó. Nwamgba là người đầu tiên đặt câu hỏi. Liệu họ có mang theo súng đã dùng để tiêu diệt dân chúng ở Agueke, và có thể cho nàng xem khẩu súng, được không? Người đàn ông trả lời một cách bất bình, đó là những người lính của chính phủ Anh và các thương nhân trong công ty Royal Niger, đã tàn phá các ngôi làng. Còn họ là những người mang đến tin tốt lành. Ông giảng về Chúa của họ, đã đến thế gian để chịu chết. Tuy là một con trai độc thân nhưng là ba người và ba người là một. Nhiều người chung quanh bật tiếng cưới lớn. Một số bỏ đi, thất vọng vì tưởng người da trắng hiểu biết khôn ngoan. Những người khác ở lại thay nhau đưa mời những bát nước mát.

Nhiều tuần sau, Ayaju kể một chuyện khác: Những người da trắng đã thiết lập một tòa án ở Onicha để xét xử các vụ tranh chấp. Họ thực sự đến và ở lại lâu dài. Lần đầu tiên, Nwamgba nghi ngờ tin tức của bạn. Chắc chắn người dân ở Onicha có cách xét xử riêng của họ. Chẳng hạn như thị tộc bên cạnh gia tộc Nwamgba chỉ tổ chức xét xử trong ngày lễ hội mùa khoai mỡ, để sự hiềm thù gia tăng trong khi người dân chờ đợi công lý. Nàng cho rằng tổ chức tòa án là ngu ngốc, mọi thị tộc đều đã có cách xử riêng. Ayaju cười và nói, người ta cai trị lẫn nhau nhờ có súng tốt hơn. Con của cô đã bắt đầu học theo kiểu người nước ngoài, có lẽ, con nàng Anikwenwa cũng nên như vậy. Nàng từ chối. Không thể tưởng tượng, đứa con trai duy nhất, con mắt duy nhất của nàng, lại trao cho người da trắng, không cần quan tâm đến súng đạn tối tân của họ.   

Ba sự kiện trong những năm tiếp theo khiến cho Nwamgba thay đổi ý định. Đầu tiên là việc hai anh em họ của Obierika chiếm một mảnh đất rộng lớn và nói với các trưởng lão rằng họ canh tác giùm cho nàng, một phụ nữ đã đày đọa anh của họ đến chết, và từ chối tái giá, mặc dù nhiều người đến cầu hôn, trong khi đôi vú nàng vẫn còn căng tròn. Các trưởng lão nghe theo họ. Thứ hai là Ayaju kể chuyện về hai người đã đưa một vụ kiện đất đai ra tòa án người da trắng. Người đầu tiên dối trá nhưng biết nói tiếng ngoại quốc, trong khi người thứ hai là chủ mảnh đất hợp pháp, nhưng không biết ngôn ngữ nước ngoài, vì vậy, thua kiện, bị đánh đập, giam cầm, và  theo lệnh phải nhường đất cho người kia. Thứ ba là câu chuyện của cậu Iroegbunam. Cậu bị mất tích nhiều năm trước đây, rồi đột nhiên xuất hiện, giờ đây đã là một người đàn ông trưởng thành. Mẹ cậu, một góa phụ, bị uất ức cấm khẩu thành câm vì câu chuyện xảy ra: Một hàng xóm thường bị cha cậu la hét trong các cuộc họp Age Grade, đã bắt cóc cậu khi người mẹ đi chợ và mang cậu đến những người bán nô lệ ở Aro. Họ xem xét cậu, rồi phàn nàn vì vết thương ở chân sẽ bị giảm giá. Họ trói tay cậu vào những nô lệ khác, thành một hàng dài. Dùng gậy đánh đập và quát tháo bắt đi nhanh lên. Một nữ nô lệ trong đàn la hét khản cổ, chửi những người bắt cóc rằng họ vô lương tâm, hồn cô sẽ báo oán hành hạ họ và con cái, rằng cô biết sẽ bị bán cho người da trắng và họ có biết không, nô lệ cho người nước ngoài rất khác biệt, sẽ bị đối xử như bầy dê, lùa lên các con tàu lớn, chở đi nơi xa xôi, rồi cuối cùng bị ăn thịt? Iroegbunam bước đi, bước đi và bước đi, bàn chân bật máu, cơ thể tê liệt, cho đến khi tất cả những gì có thể còn nhớ là mùi bụi đất. Sau cùng, họ dừng lại ở một bộ lạc ven biển, có một người đàn ông nói tiếng Igbo, gần như không thể hiểu, nhưng Iroegbunam đoán chừng đủ để biết, một người trong bọn họ đang trên đường đi đến tàu người da trắng để mặc cả giá tiền bán đàn nô lệ, nhưng chính ông ta đã bị bắt cóc. Có tiếng cãi vã ồn ào, xô xát, một số nô lệ giật mạnh dây thừng và Iroegbunam ngã xuống bất tỉnh. Khi tỉnh dậy thấy một người da trắng đang thoa dầu vào chân mình, thoạt đầu cậu vô cùng sợ hãi, chắc chắn họ đang chuẩn bị để nấu nướng cậu thành bữa ăn, nhưng may thay, đây là loại da trắng khác, họ mua nô lệ để giải phóng. Ông ta đưa Iriegbunam về sống chung và đào tạo cậu trở thành một nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo.

Câu chuyện của Iroegbunam ám ảnh Nwamgba, vì nàng cho rằng đây là cách những anh em họ sẽ tống khứ con nàng. Nếu giết Anikwenwa sẽ tạo ra nguy hiểm cho họ. Khả năng lời thề thần chú mang đến rủi ro xui xẻo quá cao, nhưng họ có thể bán con nàng, miễn họ có bùa chú mạnh bảo vệ bản thân. Đồng thời, nàng bị ấn tượng về cách Iroegbumnam thỉnh thoảng nói xen ngôn ngữ da trắng, âm thanh phát ra từ mũi nghe ghê tởm. Nwamgba không muốn tự mình học nói như vậy, nhưng, đột nhiên, nàng xác định, con nàng có thể học nói đủ ngôn ngữ này để ra tòa người da trắng kiện hai anh em họ và chiến thắng, lấy lại, kiểm soát những gì thuộc về gia đình nàng. Vì vậy, ngay sau khi Iroegbunam trở về, nàng nói với Ayaju, cho con trai nàng đi đến trường học.

Đầu tiên, họ đến trường truyền giáo người Anh. Lớp học có nhiều nữ sinh hơn nam sinh, ngồi với tấm bảng đen trên đùi, trong khi giáo viên đứng trước mặt, tay cầm cây gậy lớn, kể cho các em nghe chuyện một người đàn ông biến bát nước thành rượu. Chiếc kính của cô giáo gây ấn tượng mạnh với Nwamgba. Nàng nghĩ, người đàn ông trong chuyện chắc phải có một liều thuốc cực mạnh để biến nước thành rượu. Nhưng khi hai nữ sinh bị tách ra để một nữ giáo viên dạy may vá, Nwamgba cảm thấy thất vọng, điều này thật ngớ ngẩn. Trong thị tộc của nàng, thanh niên học làm vải, thiếu nữ học làm đồ gốm. Tuy nhiên, chính việc dạy học bằng tiếng Igbo đã khiến nàng hoàn toàn không muốn đưa Ankwenwa đến trường. Nwamgba hỏi tại sao? Giáo viên trả lời, tất nhiên, học trò phải học tiếng Anh, ông đã có bằng sơ cấp Anh ngữ, nhưng trẻ em học nhanh hơn bằng tiếng mẹ đẻ. Ngay trẻ em trong các vùng người da trắng cũng học bằng ngôn ngữ của chúng. Nwamgba quay lưng bỏ đi.

Người thầy đã cản đường nàng, nói rằng, những người truyền đạo Công giáo rất hà khắc và không quan tâm đến lợi ích tốt nhất cho người bản xứ. Nwamgba cảm thấy thích thú với những người ngoại quốc này, dường như, không biết rằng, trước mặt những kẻ lạ, họ phải giả vờ đoàn kết. Nhưng nàng đến để tìm nơi học tiếng Anh, vì vậy nàng rời bỏ  người thầy để đi đến nhà truyền đạo Công giáo.

Cha Shanahan nói, Anikwenwa phải có một tên tiếng Anh, vì không thể rửa tội bằng một tên ngoại ngữ. Nàng đồng ý dễ dàng. Tên của con là Anikwenwa, nếu họ đặt tên nào khác mà nàng không thể gọi trước khi dạy đứa con sinh ngữ mới, nàng không quan tâm. Quan trọng hơn hết là đứa con học được ngôn ngữ da trắng để chiến đấu với hai anh em họ.

Cha Shanahan nhìn ngắm Anikwenwa, một cậu trai da ngâm đen, bắp thịt nở nang, khoảng mười hai tuổi, mặc dù khó đoán những người bản xứ, đôi khi, những gì trông giống đàn ông chỉ đơn thuần là một cậu trẻ. Không giống như ở Đông Phi, nơi ông làm việc trước đây, người bản xứ có khuynh hướng mảnh mai, ít nẩy nở có thể gây hiểu lầm. Khi đổ ít nước lên đầu đứa trẻ, cha nói, “Michael, cha rửa tội cho con nhân danh Đức Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh thần.”

Cha cho Michael chiếc áo lót và quần đùi vì dân Chúa sống hàng ngày không khỏa thân đi lại. Cha cố gắng thuyết giảng mẹ đứa trẻ, nhưng nàng nhìn ông như đứa trẻ con không biết gì cả. Có điều gì khó hiểu đáng lo ngại ở nơi người mẹ, điều mà ông đã thấy trong đa số phụ nữ ở đây, rất nhiều tiềm năng có thể khai thác, nếu tính man rợ được thuần hóa.

Nwamgba này có thể trở thành nhà truyền giáo rất giỏi trong số các phụ nữ. Cha nhìn nàng rời đi. Tấm lưng thẳng lộ vẻ duyên dáng, và không giống những người khác, mất nhiều thời giờ nói lòng vòng. Lối nói này làm ông điên người, họ nói dài dòng, sử dụng nhiều châm ngôn quanh co, không bao giờ đi vào điểm chính, nhưng cha đã quyết tâm trở nên người đắc lực ở đây, đó là lý do ông gia nhập vào Hội Thánh Linh, nơi có ơn kêu gọi đặc biệt để cứu chuộc những người da đen ngoại đạo.

Nwamgba hoảng hốt trước cách các nhà truyền giáo đánh đập học trò một cách bừa bãi: đi học muộn, lười biếng học, chậm chạp, vô kỷ luật. Có lần, Anikwenwa nói với mẹ, cha Lutz còng tay cô gái để dạy một bài học vì đã nói dối, lúc nào cũng nói tiếng Igbo. Cha Lutz sử dụng ngôn ngữ của một nhánh tiếng Igbo nhưng không đúng lắm. Cha nói, cha mẹ bản xứ đã nuông chiều con cái quá nhiều; dạy phúc âm cũng có nghĩa là dạy kỷ luật có khuôn khổ. Cuối tuần đầu tiên khi Anikwenwa về nhà, Nwamgba nhìn thấy những vết roi hằn trên lưng, nàng quấn chặt khăn quàng vào eo, rồi đi đến trường nói với thầy giáo rằng, nàng sẽ khoét mắt tất cả mọi người trong hội truyền giáo, nếu họ đánh con nàng lần nữa. Nàng biết Anikwenwa không muốn đến trường, nhưng nàng khuyên, chỉ cần học nói tiếng Anh trong hai ba năm thôi. Mặc dù, người ta bảo nàng đừng đến thường xuyên, nhưng cuối tuần nào nàng cũng đến đón con. Ngay trước khi rời khỏi khu vực truyền giáo, Anikwenwa đã cởi bỏ hết quần áo. Không thích quần đùi và áo sơ mi, khiến cậu đổ mồ hôi. Vải làm hai bên nách ngứa ngáy. Cũng không thích học cùng với những người già, và bỏ lỡ xem những cuộc đấu vật.

Nhưng thái độ Anikwenwa đối với nhà trường dần dần thay đổi. Đầu tiên Nwamgba  nhận được khi đám trẻ từng quét sân khu đất chung với con trai, phàn nàn rằng con nàng không còn tham gia chia sẻ công việc vì bận đang ở lại trường. Rồi thỉnh thoảng nghe Ankwenwa nói chuyện xen vào tiếng Anh, âm thanh sắc bén, khiến họ im lặng. Nwamgba cảm giác tràn ngập niềm kiêu hãnh không thể tả. Sau đó, lại cảm thấy lo lắng một cách mơ hồ, vì nhận ra  sự tò mò trong mắt con đã suy giảm, hình như có sự suy tư mới đã thay vào đó.  Giống như, đột nhiên, anh ta thấy được mình đang gánh vác cả một thế giới nặng nề. Thường nhìn mọi thứ chung quanh một cách đăm chiêu. Ngưng ăn những món nàng nấu vì đó là việc hy sinh cho thần thánh. Anh cũng nói, thay vì quấn khăn ở thắt lưng, mẹ nên quấn lên che vú vì sự khỏa thân gây ra tội lỗi. Nàng nhìn con thích thú trước sự nghiêm túc của nó, nhưng dù sao cũng đáng lo, hỏi con vì sao bắt đầu để ý đến việc nàng khỏa thân.    

Khi đến giờ làm lễ khai tâm, anh từ chối không tham dự vì đây là phong tục của người ngoại đạo để được nhập vào thế giới thần linh, Cha Shanahan nói, lễ nghi này sẽ phải dẹp bỏ. Nwamgba kéo tai anh thật mạnh, nói với anh, những người bạch tạng nước ngoài không thể thông hiểu, xác định phong tục của mình, lễ nghi này sẽ không thay đổi. Và anh phải tham dự, nếu không, nói cho mẹ biết, con là con của mẹ hay con của người da trắng. Ankwenwa miễn cưỡng đồng ý, nhưng khi một nhóm trẻ dẫn anh đi, nàng nhận ra anh không có gì hào hứng. Nàng buồn theo nỗi buồn của con. Cảm giác đứa con dần dần đang rời xa mình, nhưng lại tự hào vì nó học hỏi được rất nhiều, có thể trở thành thông dịch viên cho tòa án hoặc một người viết đơn từ. Với sự giúp đỡ của cha Lutz, anh đem một số giấy tờ chứng minh phần đất đai thuộc về gia đình. Phút giây đáng hãnh diện nhất là khi đứa con đến gặp hai người Okafo và Okoye, đòi chiếc ngà voi của cha mình về. Và họ phải đưa cho Ankwenwa. Nwamgba biết được đứa con hiện đang sống trong một không gian tinh thần mà nàng không thể cảm nhận. Anh nói với mẹ, sẽ đi Lagos để học làm thầy giáo, thậm chí khi nàng hét lên: Làm sao con có thể bỏ rơi mẹ? Ai sẽ chôn cất nếu mẹ chết? Nàng vẫn biết con trai sẽ ra đi.

Nhiều năm qua, nàng đã không gặp con, ngay cả khi anh họ Okafa qua đời. Thường đến hỏi thầy cúng xem Ankwenwa còn sống hay không, và đã bị đuổi đi về, vì tất nhiên anh ta vẫn còn sống. Cuối cùng, Anikwenwa đã trở về, trong năm mà gia tộc cấm tất cả loài chó sau khi có con chó đã giết chết một người trong hệ Mmangala Age Grade, cùng lứa tuổi với anh và anh không tin những chuyện như vậy là do ma quỉ. Nàng không nói gì, khi anh thông báo đã được bổ nhiệm làm giáo lý viên ở nhiệm sở mới. Nàng mài lưỡi dao trong lòng tay, chuẩn bị cạo hình hoa văn trên tóc đứa bé gái, và nàng tiếp tục, rột, rột, rột, trong khi Anikwenwa đang nói về thu phục những linh hồn của các thành viên trong gia tộc của anh. Đĩa hạt bưởi mời anh, vẫn chưa đụng tới. Anh không còn ăn bất cứ thứ gì do nàng nấu. Bây giờ nhìn anh, người đàn ông mặc quần dài, đeo tràng hạt quanh cổ, nàng tự hỏi, liệu mình còn có thể can thiệp vào vận mạng của con mình hay không? Đây có phải là những gì tổ tiên đã quy định cho anh, kiếp sống này anh giống như một người siêng năng diễn một vở kịch câm kỳ quái?

Ngày anh nói với mẹ về người phụ nữ anh sẽ cưới, người mẹ không ngạc nhiên. Anh ta không báo trước vì chuyện đó đã định, không hỏi ý kiến người khác về gia đình cô dâu. Chỉ đơn giản nói rằng ai đó trong hội truyền giáo thấy một phụ nữ trẻ xứng đáng thuộc tộc Ifite Ukpo. Họ đưa phụ nữ phù hợp này đến các nữ tu dòng Nữ Mân Côi ở Onicha để học tập trở thành người vợ tốt theo đạo Công giáo. Nwamgba bị sốt rét, nằm trên giường bùn, xoa bóp những khớp xương đau nhức, hỏi tên cô vợ sắp cưới. Anikwenwa trả lời là Agnes. Nàng hỏi lại tên thật là gì? Anh tằng hắng rồi nói, trước khi theo đạo, người ta gọi cô là Mgbeke. Nàng hỏi, liệu Mgbeke, tối thiểu, có làm lễ thú nhận , cho dù anh không tuân theo các nghi thức hôn nhân khác của gia tộc. Anikwenwa lắc đầu nguầy nguậy, nói rằng lễ thú nhận cho phép phụ nữ trước khi kết hôn, ra giữa những người nữ thân thiết khác, để thề, không có người đàn ông nào chạm vào mình, kể từ khi người chồng tuyên bố ý muốn lấy vợ, nếu nói dối sẽ phạm tội. Còn người vợ theo đạo Công giáo, đương nhiên không có ai được chạm đến.

Hôn lễ trong nhà thờ thật kỳ lạ đến buồn cười. Nwangba im lặng chịu đựng, tự nhủ, mình sẽ chết sớm để gặp lại chồng, để được giải thoát ra khỏi thế giới càng ngày càng vô lý này. Nàng kiên quyết không thích đứa con dâu, nhưng Mgbeke lại rất khó để không thích, da trắng trẻo, hiền lành, háo hức muốn làm người chồng tương lai hài lòng, năng động làm mọi người có cảm tình, dễ khóc, hối lỗi những việc làm cô không thể kiểm soát. Vì vậy, Nwamgba thương hại cô ta. Con dâu thường xuyên đến thăm nàng và khóc lóc, nói rằng Anikwenwa từ chối không ăn tối vì khó chịu với cô, cấm cô đi dự đám cưới người bạn đạo Anh giáo, vì Anh giáo không giảng đạo đúng sự thật. Trong khi Mgbeke than khóc, Nwamhba lặng lẽ khắc các họa hình lên đồ gốm đang làm, chưa biết xử lý ra sao khi một phụ nữ khóc vì những gì không đáng chảy nước mắt.

Mọi người gọi Mgbeke là “missus”, kể cả người ngoại đạo, tất cả đều kính trọng vợ của thầy giáo lý, nhưng hôm cô ấy đến suối Oie, đã không chịu cởi áo quần, vì theo đạo Công giáo, làm các phụ nữ trong thị tộc phẫn nộ, cho rằng cô dám bất kính với nữ thần. Họ xúm nhau đánh đập rồi bỏ cô dưới lùm cây. Tin tức lan truyền nhanh chóng. Missus bị tấn công. Anikwenwa đe dọa sẽ bắt giam các trưởng lão nếu còn đối xử với vợ anh như vậy một lần nữa. Cha O’Donnell, trong chuyến đi Onicha, đã đến viếng thăm các trưởng lão, cha đã thay mặt cho Mgbeke xin lỗi và hỏi các trưởng lão, liệu phụ nữ Công giáo có được phép lấy nước thần linh mà vẫn mặc áo quần. Các trưởng lão không đồng ý, nếu bất kỳ phụ nữ nào muốn lấy nước thần Oie, đều phải tuân theo luật lệ, họ tỏ vẻ nhã nhặn với cha, vì ông lắng nghe họ, không cư xử cứng rắn như Anikwenwa, đứa con trong hệ tộc của họ.

Nwamgba xấu hổ vì con trai, trở nên cáu kỉnh với cô vợ. Nàng buồn bã vì đời sống thiếu bình thường của con, đã đối xử với những ai ngoại đạo như thể họ bị bệnh đậu mùa, nhưng vẫn hy vọng có một đứa cháu. Nàng đã cầu nguyện và hy sinh để Mgbeke có thể sinh con trai và tin rằng đứa bé sẽ là người chồng Obierika đầu thai trở về, một lần nữa mang lại ý nghĩa cho đời nàng. Nwamba không biết Mgbeke đã sảy thai hai lần. Chỉ lần thứ ba, Mgbeke sụt sùi, hỉ mũi, kể lể cho nàng biết. Họ phải hỏi ý kiến của thầy cúng, Nwamgba nói, đây là chuyện bất hạnh cho gia đình, Mgbeke mở to đôi mắt sợ hãi. Michael sẽ rất tức giận nếu anh nghe được lời hướng dẫn của thầy cúng. Nàng vẫn cảm thấy khó nhớ tên Michael là Anikwenwa. Thôi thì tự mình đi gặp thầy. Sau đó, nàng cảm thấy rất buồn cười vì ngay cả các thần linh cũng thay đổi, không còn muốn rượu dừa mà đòi hỏi rượu gin. Hoặc là họ cũng đã theo đạo?

Vài tháng sau, Mgbeke đến thăm, tươi cười, mang theo một cái bát được đậy kín, bên trong chứa những món pha chế mà Nwamgba không thể ăn và cảm biết thần linh hướng của nàng vẫn còn tỉnh thức, rồi đứa con dâu sẽ đậu thai.

Anikwenwa đã được phép để Mgbeke sinh con tại hội truyền giáo ở Onicha, nhưng các thần linh có kế hoạch khác, làm cô ta chuyển bụng sớm hơn vào một buổi chiều mưa. Một ai đó đã băng gió mưa tầm tã chạy đến lều báo tin cho  Nwamgba. Đó là cậu bé trai. Cha O’Donnell đã rửa tội và đặt tên Peter, nhưng nàng gọi đứa bé là Nnamdi, vì nó là Onierika đầu thai. Nàng hát ru cháu. Khi bé khóc, nàng đưa núm vú khô héo vào miệng nó. Tuy cố gắng hết sức, nàng vẫn không thể cảm nhận được tâm linh của Obierika, người chồng cao quí. Mgbeke sảy thai thêm ba lần nữa. Nwamgba đã nhiều lần đến gặp thầy cúng cho đến khi con dâu giữ được thai.  Đứa bé gái ra đời tại hội truyền giáo ở Onicha. Từ lúc Mwamgba ôm cô bé vào lòng, đôi mắt nó sáng rực nhìn nàng đăm đăm một cách thích thú, nàng nhận ra linh hồn của Obierika cuối cùng đã trở về. Thật kỳ lạ, trở về trong một cô gái, nhưng ai có thể đoán được ý muốn của tổ tiên?  Cha O’Donnell rửa tội và đặt tên bé là Grace. Nàng gọi là Afamefuma, nghĩa là “tên tôi không bị thất lạc.”

Nàng xúc động vì cháu gái quan tâm đặc biệt đến thơ và truyện, cũng như sự theo dõi nhạy bén của một thiếu nữ khi Nwamgba làm đồ gốm vất vã với đôi tay run rẩy. Nàng không được vui khi Afamefuma đi học trường cấp hai ở Onicha. (Peter đã sống với các linh mục ở đó.) Nàng lo sợ, ở trường nội trú, những lối sống mới sẽ làm đứa cháu gái mất dần tinh thần chiến đấu để thay vào một thứ gì khắc khe lãnh đạm như thằng con trai, hoặc bất lực yếu đuối như Mgbeke.

Năm Afamefuna rời trường trung học cấp hai, Nwamgba cảm thấy như ngọn đèn bị thổi tắt trong căn phòng tối tăm. Đó là một năm kỳ lạ, bóng tối đột nhiên phủ xuống vùng đất vào giữa buổi chiều. Rồi khi nàng chịu đựng những cơn đau chui rúc sâu trong các khớp xương, nàng biết đời sống đã gần hết. Nằm trên giường thở hổn hển, trong khi Anikwenwa xin nàng làm phép rửa tội và xức dầu thánh để có thể tổ chức đám tang theo đạo Công giáo, vì anh không thể tham dự đám tang theo nghi lễ ngoại đạo. Nàng khẳng định với con rằng, nếu ai đó dám đến thoa chút dầu bẩn thỉu lên người, nàng sẽ tát vào mặt họ bằng tất cả sức lực cuối cùng. Trước khi về gia nhập với tổ tiên, nàng muốn được nhìn thấy Afamefuna lần cuối, nhưng Anikwenwa nói, Grace đang thi cử ở trường, không về được.

Nhưng rồi, ngày hôm đó đứa cháu gái đã đến. Nwamgba nghe tiếng cánh cửa đong đưa, Afamefuna xuất hiện. Sau nhiều đêm mất ngủ, tâm tư bồn chồn, thúc giục cô trở về thăm bà nội. Grace đặt túi sách xuống, bên trong một cuốn sách giáo khoa, có chương mang tựa đề: “Đời Người Của Các Bộ Tộc Nguyên Thủy Ở Nam Nigeria” do một quản trị viên ở Bristol nghiên cứu, ông đã sống giữa họ trong bảy năm. 

Dần dần rồi Grace cũng đọc hết những man rợ, khôi hài bởi những phong tục kỳ dị và vô nghĩa. Không nghĩ những chuyện này liên quan đến mình cho đến khi bà sơ thầy giáo Maureen nói, cô không thể thao tác thơ mà bà nội đã dạy, vì các bộ lạc nguyên thủy không có thơ. Grace bật cười và cười cho đến khi Sơ Maureen đưa cô xuống nhà giam, mời cha cô đến, chính ông đã tát vào mặt cô trước các giáo viên khác, để chứng tỏ ông dạy con kỷ luật như thế nào.

Chính Grace đã giữ kín lòng khinh bỉ đối với người cha trong nhiều năm. Cô dùng những ngày nghỉ lễ để làm người phục vụ ở Onicha, tránh né những lời mộ đạo, nhất định hà khắc, từ cha và anh của cô. Chính Grace sẽ dạy trường tiểu học ở Agueke sau khi tốt nghiệp trung học. Người ta kể, nơi đó, ngôi làng bị tàn phá bởi những người da trắng với súng đạn. Câu chuyện mà cô chưa chắc đã tin vì chính họ cũng đã kể câu chuyện những ngư nhân xuất hiện trên sông Niger, tay cầm một mớ tiền. Chính Grace, với tư cách một trong số chục phụ nữ tại Đại học Cao đẳng Ibadan vào năm 1953, sẽ đổi phân khoa từ hóa học sang lịch sử, sau khi nghe câu chuyện ông Gboyega trong khi uống trà tại nhà một người bạn.

Ông Gboyega, một nhà lỗi lạc, người Nigeria có màu da sô-cô-la, học vấn tại London, chuyên gia xuất sắc về lịch sử đế quốc Anh. Ông đã từ chức vi khinh tởm khi Hội đồng Khảo thí Tây Phi bắt đầu đưa lịch sử Châu Phi vào chương trình giảng dạy. Ông thất kinh vì thậm chí lịch sử Châu Phi trở thành chủ đề. Chính Grace suy gẫm chuyện này trong một thời gian dài, với nỗi buồn sâu đậm, nó khiến cô nhận biết rõ ràng sự tương quan giữa học vấn và nhân phẩm, giữa những gì hiển nhiên khắc nghiệt in trong sách và những nhẹ nhàng tinh tế ẩn núp trong tâm hồn.  Chính Grace đã bắt đầu suy xét lại việc học vấn của bản thân. Cô đã hát hăng say Ngày lễ vinh danh Đế Chế Anh. “Chúa ơi, ban ơn lành cho vị vua nhân từ, cho ông chiến thắng, hạnh phúc và vinh quang. Vương quốc muôn năm.” Cô thật bối rối không thể hình dung được thế nào là “giấy dán tường,” “hoa Bồ Công Anh”, những từ ngữ trong sách giáo khoa. Cô thật phải vật lộn với các bài toán số học lên quan đến sự hỗn hộp, đâu là cà phê, đâu là rau diếp xoắn? Tại sao chúng lại trộn lẫn vào nhau?   

Chính Grace, bắt đầu suy xét lại sự học vấn của cha. Sau đó, hối hả trở về nhà gặp ông, nay đã già mắt ướt lèm nhèm, nói với cha là cô chưa nhận hết những bức thư dù đã bỏ rác. Khi cha cầu nguyện, cô góp tiếng amen, rồi áp môi lên trán của ông. Chính Grace, đã lái xe ngang qua làng Agueke trên đường đến trường đại học vào một hôm nào đó, để bị ám ảnh bởi bối cảnh nơi bị tàn phá. Cô đến London, Paris, Onicha, tìm kiếm, sàng lọc, thông tin từ những hồ sơ cũ kỹ, mốc meo, trong kho lưu trữ. Tưởng tượng lại những đời sống hương vị của thời bà nội, để viết cuốn sách : “Hòa Bình Với Viên Đạn: Khẳng Định Lại Lịch Sử Của Nam Nigeria.” Chính Grace, trong lần trò chuyện với vị hôn phu, George Chikadibia, anh tốt nghiệp đại học King, Lagos, một kỹ sư tương lai, thường mặc y phục ba mảnh, thành thạo trong việc khiêu vũ, thường hay tuyên bố, trường ngữ pháp nào không dạy tiếng Latin, giống như một tách trà không đường. Cô nhận ra, cuộc hôn nhân không thể kéo dài khi George nói, cô đã sai lầm khi viết về văn hóa nguyên thủy, thay vì viết về chủ đề có giá trị như “Liên Minh Phi Châu Trong Tình Hình Căng Thẳng Giữa Hoa Kỳ Và Sô Viết.” Họ ly dị vào năm 1972, không phải vì Grace bị sảy thai bốn lần, mà vì một đêm nọ khi thức dậy, cô đổ mồ hôi, nhận ra mình muốn bóp cổ chồng cho đến chết, nếu phải nghe thêm một lần nữa, đoạn độc thoại say sưa của anh ta thời ở Cambridge.

Chính Grace, khi nhận giải thưởng của phân khoa, đã trò chuyện với những người có khuôn mặt nghiêm trang ở các hội nghị tại Ijaw và Ibibio, và những người miền Nam Nigeria tại Igbo và Efik. Khi cô viết các báo cáo thông thường về các tổ chức quốc tế, họ trả tiền nhuận bút hậu hĩnh, cô tưởng tượng bà nội đang nhìn một cách thích thú. Chính Grace, tự cảm thấy thất lạc, mất nguồn gốc một cách lạ lùng vào những năm cuối đời, dù chung quanh cô đầy những giải thưởng, bạn bè, vườn hoa hồng đẹp có một không hai. Cô sẽ đi đến tòa án ở Lagos để chính thức đổi tên, từ Grace trở về lại Afamefuna.

Nhưng rồi, ngày hôm đó, khi ngồi bên giường bà nội, trong ánh sáng buổi chiều đang mờ dần, Grace không hề nghĩ gì về tương lai. Chỉ đơn giản nắm chặt tay bà nội, bàn tay chai dày vì nhiều năm làm đồ gốm.

Truyện Ngắn

APOLLO

Chimamanda Ngozi Adichie

Như một đứa con ngoan, tôi đến thăm cha mẹ ở Enugu, hai lần trong một tháng. Căn hộ nhỏ của họ tối sầm vào buổi chiều. Thời gian nghỉ hưu đã thay đổi, thu rút cha mẹ tôi nhỏ lại. Vào khoảng tuổi gần chín mươi, da đổi màu gụ, lưng hơi khòm. Dường như, nhìn họ càng ngày càng giống nhau, như thể tất cả những năm tháng gần gũi đã làm cho các đặc điểm riêng của họ hòa nhập thành một. Kể cả, họ có chung một mùi bạch hà từ lọ dầu Vicks VapoRub màu xanh lá cây, thường chuyền tay nhau, cẩn thận xoa lên lỗ mũi và các khớp xương đau nhức. Những khi tôi đến, thấy họ ngồi ngoài hiên nhìn ra đường hoặc chìm vào ghế sô-pha trong phòng khách, xem phim Animal Planet. Họ có cảm giác lạ lẫm, đơn giản về sự ngạc nhiên. Lấy làm lạ trước sự quỷ quyệt của loài sói, cười nhạo loài vượn thông minh, rồi hỏi nhau, “Thấy chưa? Có thấy chuyện đó không?”

Họ cũng nẩy sinh sự kiên nhẫn mới, khó hiểu đối với những câu chuyện khó tin. Có lần, mẹ nói một người hàng xóm ốm yếu ở Abba, quê nhà tổ tiên chúng tôi, đã mửa ra một con châu chấu, một loại côn trùng khốn khổ, là bằng chứng cho thấy những họ hàng ác nhân đã đầu độc ông ta. Cha tôi nói, “Ai đó đã nhắn tin cho chúng tôi bức ảnh con châu chấu.” Họ luôn luôn ủng hộ những câu chuyện của nhau. Cha tôi nói, cô gái trẻ giúp việc nhà cảnh sát trưởng Okeke chết một cách bí ẩn. Chung quanh thị trấn đồn rằng, ông đã giết cô, lấy gan để làm nghi lễ kiếm tiền, mẹ tôi thêm vào ngay, “Họ nói rằng ông ta đã sử dụng quả tim như vậy.”

Mười lăm năm trước, cha mẹ tôi đã chế giễu những câu chuyện như thế này. Mẹ là giáo sư khoa học chính trị, nói năng chính xác, lẽ nào lại nói chuyện “vô nghĩa”. Cha là giáo sư về giáo dục, sẽ khịt mũi những câu chuyện không đáng để nói. Tôi không hiểu, họ đã bỏ rơi bản thân cũ để trở thành kiểu người Nigeria chuyên kể giai thoại về bệnh tiểu đường được chữa khỏi nhờ uống nước thánh. Tuy vậy, vẫn chiều lòng cha mẹ, lắng nghe chuyện một cách lơ là. Đây là sự hồn nhiên, tuổi thơ mới của tuổi già. Năm tháng trôi qua, họ già chậm lại. Khuôn mặt sáng lên khi nhìn thấy tôi, với những câu hỏi dọ dẫm: “Khi nào con sẽ sinh cho cha mẹ một đứa cháu? Khi nào sẽ đưa bạn gái đến giới thiệu?” Những câu hỏi này không còn làm tôi căng thẳng như lúc trước. Vào những buổi chiều Chủ Nhật, sau bữa cơm thịnh soạn với thịt hầm, mỗi lần lái xe ra đi, tôi tự hỏi, có phải là lần cuối cùng nhìn thấy cả hai còn sống, nếu từ đây cho đến chuyến viếng thăm tiếp theo, sẽ biết có chuyện xảy ra, khi nhận được cú điện thoại của cha hoặc mẹ, nói tôi phải đến ngay lập tức. Ý nghĩ này tràn ngập trong lòng một nỗi buồn luyến tiếc, kéo dài cho đến khi tôi về lại Port Harcourt. Tôi biết, không cần phải đi thăm viếng cha mẹ thường xuyên, nếu tôi có gia đình, có thể than vãn viện lý do vì học phí tăng cao, như con cái của bạn họ đã làm. Tôi không có lý do để thay đổi.

Trong chuyến đi thăm vào tháng 11, cha mẹ tôi nói về các vụ cướp có vũ trang gia tăng khắp miền đông. Những tên cướp cũng phải chẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Mẹ kể, dân chúng cảnh báo ở Onitsha đã bắt một số cướp, đánh đập , xé quần áo của họ, lấy bánh xe cũ tròng vào đầu như mang kiềng, giữa  tiếng la hét đòi xăng và que diêm, cảnh sát xuất hiện bắn nhiều phát súng lên trời, giải tán đám đông và bắt các tên cướp đưa đi. Bà dừng lại, tôi chờ đợi một chi tiết dị đoan để tô điểm thêm cho câu chuyện. Có lẽ, vừa đến ty cảnh sát, bọn cướp hóa thành kên kên bay mất.

Bà tiếp tục, “Con biết không, một trong bầy cướp đó là tên thủ lãnh băng đảng, Raphael thì phải? Anh ta là người phục vụ trong nhà cha mẹ nhiều năm trước. Mẹ không nghĩ con còn nhớ anh ấy.”        

Chăm chú nhìn mẹ: “Raphael?”

Cha tôi nói: “Không có gì ngạc nhiên khi anh ta chấm dứt như vậy. Anh không có một khởi đầu tốt đẹp.”

Tâm trí như chìm vào sương mù từ câu chuyện này. Giờ đây, tôi vất vã với trí nhớ đang tỉnh thức.

Mẹ lại nói: “Chắc con không nhớ anh ấy, nhà có nhiều người giúp việc. Lúc đó, con còn trẻ.”

Nhưng tôi nhớ. Dĩ nhiên, tôi nhớ Raphael.

Không phải lúc đầu, khi Rapael đến sống với chúng tôi, không có gì khác lạ. Có vẻ anh ta giống như tất cả mọi người. Người thanh niên bình thường đến từ một ngôi làng gần đó. Hyginus, người giúp việc trước anh đã bị đuổi về nhà vì xúc phạm đến mẹ tôi. Trước Hyginus là anh John, anh không bị đuổi nhưng tôi nhớ, anh ta lỡ tay đánh vỡ một cái đĩa trong khi lau rửa. Vì sợ mẹ tôi nổi giận, anh đã thu dọn hành trang và bỏ trốn trước khi mẹ đi làm về. Tất cả những người giúp việc đều đối xử với tôi bằng sự chăm sóc khinh khỉnh của những người không ưa bà mẹ. Họ nói, thức ăn đã sẵn sàng, xin vui lòng đến ăn, tôi không muốn gặp rắc rối với bà chủ. Mẹ thường xuyên quát mắng họ vì chậm chạp, khờ khạo, và nghe không rõ, kể cả tiếng chuông gọi của bà, ngón tay cái bấm lên cái núm đỏ, âm thanh reng chói tai xuyên khắp ngôi nhà, nghe như ai hét lớn. Thật ra, nhớ khó như thế nào để chiên trừng theo từng cách khác nhau, cha thích trứng không, mẹ thích có hành tây, hoặc đặt con búp bê Nga lại đúng chỗ cũ sau khi quét bụi, hoặc ủi bộ đồng phục học sinh cho đúng cách?

Tôi là con một, sinh ra muộn trong đời cha mẹ. Có lần mẹ nói, “Khi mẹ mang thai con, mẹ tưởng đó là thời kỳ mãn kinh.” Vào khoảng tám tuổi, tôi chưa biết mãn kinh là gì. Cha mẹ tôi cư xử một cách khó chịu. Họ có bầu không khí của người vội vã loại bỏ kẻ khác. Gặp nhau tại đại học Ibadan, kết hôn trái với những mơ ước của một gia đình, ông cho rằng người vợ học thức quá cao, trong khi bà muốn một người giàu hơn cầu hôn, vì vậy, cả cuộc đời của họ cạnh tranh căng thẳng và thân ái xem ai xuất bản sách nhiều hơn ai, ai thắng môn đánh cầu lông, ai nói lời kết luận sau cùng trong cuộc tranh cãi. Họ thường đọc sách lớn tiếng cho nhau nghe mỗi tối, tạp chí hoặc nhật báo, thích đứng hơn là ngồi trong phòng khách, đôi khi đi lại, giống như sắp bắt đầu nảy sinh một ý tưởng mới. Cha mẹ tôi uống Mateus rosé, cái chai màu sậm, hình dạng đẹp, luôn luôn để trên bàn bên cạnh, với những chiếc ly mờ nhạt cặn màu đỏ. Trong suốt thời thơ ấu, tôi lo sợ không phản ứng, trả lời nhanh đủ khi cha mẹ nói chuyện với tôi.

Tôi cũng lo lắng vì không quan tâm đến sách. Đọc sách không ảnh hưởng đến tôi như đã ảnh hưởng đến cha mẹ, khuấy động hoặc biến họ thành những sinh vật mơ hồ, lạc lõng giữa thời gian, hầu hết không nhận thấy khi tôi đến rồi đi. Tôi đọc sách chỉ đủ làm vừa lòng họ và để trả lời những câu hỏi bất ngờ có thể xảy ra giữa bữa ăn, như, Con nghĩ gì về Pip? Ezeulu hành động có đúng không? Đôi khi, có cảm tưởng mình là kẻ xâm phạm vào ngôi nhà của chính mình. Phòng ngủ tôi có tủ chất sách tràn ngập những sách không đủ chỗ chứa ở phòng làm việc và hành lang, khiến tôi có cảm giác ở nơi này tạm thời, như thể hoàn toàn không phải nơi tôi ở. Cảm nhận được sự thất vọng của cha mẹ qua cách họ liếc nhìn nhau, khi tôi trình bày về một cuốn sách. Tôi biết không phải nói sai mà chỉ nói bình thường, không nặng ký theo kịp nhãn hiệu độc đáo của họ. Đến câu lạc bộ nhân viên với cha mẹ là một thử thách: Tôi thấy môn cầu lông thật nhàm chán, trái cầu đối với tôi là một vật gì chưa hoàn chính, như thể kẻ phát minh ra trò chơi này chợt ngừng lại giữa chừng.

Tôi yêu thích kung fu. Xem phim “Enter the Dragon” nhiều lần đến độ nhớ hết lời đối thoại và mơ ước một hôm nào, sau giấc ngủ thức dậy trở thành Lý Tiểu Long. Tôi sẽ đấm đá tấn công vào không trung, vào những kẻ thù tưởng tượng đã giết gia đình tôi trong hư cấu. Tôi kéo nệm giường xuống sàn nhà, đứng trên hai cuốn sách bìa cứng, thường là những bản sách dày như “Sắc Đẹp Da Đen” và “Những Sơ Sinh Dưới Nước.” Rồi nhảy nhót trên nệm, miệng hét lớn, “aaaaa” như Lý Tiểu Long. Một hôm, đang lúc hứng khởi luyện tập, chợt nhìn lên thấy Raphael đang đứng ở ngưỡng cửa theo dõi tôi. Chờ đợi một lời trách nhẹ nhàng vì sáng hôm đó anh đã dọn giường ngăn nắp cho tôi. Thay vì vậy, anh mỉm cười, lấy tay sờ ngực rồi đưa ngón tay lên lưỡi, như thể đang nếm máu của mình. Cảnh tượng này rất thích thú. Tôi nhìn anh với hết sức vui bất ngờ. Anh nói, “Tôi đã xem phim này ở một nơi tôi làm việc trước đây. Nhìn này.” Anh hơi xoay người nhảy lên đá một cú thẳng và cao, cơ thể anh căng ra rất đẹp. Cho đến lúc đó, mười hai tuổi, tôi chưa bao giờ cảm nhận mình trong một người khác.  

Raphael và tôi luyện tập ở sân sau, nhảy từ thành bê tông cao xuống bãi cỏ. Rapael dặn tôi lây gân bụng hóp lại, giữ chân thật thẳng và cẩn thận các ngón tay. Anh dạy tôi hít thở. Tất cả những nỗ lực trước đây luyện tập trong căn phòng, xem như chết yểu. Cùng với Raphael tập bên ngoài, chặt cánh tay vào không khí, có cảm giác việc luyện công trở thành hiện thực, với cỏ mềm dưới chân, trời cao bên trên, một không gian vô tận để chinh phục. Chuyện này xảy ra thực sự. Một ngày nào đó, tôi sẽ lên đến đai đen. Bên ngoài cửa nhà bếp là một mái hiên cao rộng, tôi muốn nhảy xuống sáu bậc cấp thử một cú đá bay trên không. Rapael nói, “Không được. Hàng hiên quá cao.”

Vào mcuối tuần, nếu không theo cha mẹ đến câu lạc bộ nhân viên, ở nhà tôi và Raphael xem băng Lý Tiểu Long. Raphael thường la lớn, “Xem kìa. Xem  kìa.” Qua đôi mắt anh, những bộ phim dường như mới lại. Tôi nghĩ một số hành động chỉ đơn thuần là võ công trở thành rực rỡ khi anh ta reo lên, “Xem kìa”. Raphael nhận biết chuyện gì thực sự quan trọng, sự khôn ngoan của anh phát tiết ra ngoài. Anh lui ngược, xem lại những đoạn Lý Tiểu Long sử dụng côn nhị khúc, nhìn không chớp mắt. miệng há hốc trước sự hung hãn nhanh gọn của vũ khí bằng kim loại và gỗ.

Tôi nói: “Ước gì tôi có được cây côn nhị khúc.”

Anh lên tiếng chắc nịch: “Rất khó sử dụng nó.” Khiến tôi cảm thấy đáng tiếc vì đã muốn.

Không bao lâu sau, một hôm đi học về, Raphael nói: “Đây này”, lấy một chiếc côn nhị khúc ra từ trong tủ. Hai khúc gỗ cắt ra từ cây lau nhà cũ được chà nhám và nối nhau bằng một vòng kim loại xoắn lò xo. Chắc anh phải làm ít nhất trong một tuần, vào giờ rảnh sau khi hoàn tất việc nhà. Anh chỉ cách sử dụng. Những bước di chuyển có vẻ vụng về, chẳng giống Lý Tiểu Long chút nào. Tay cầm côn nhị khúc, cố gắng vung vẫy, cuối cùng bị một cú sảy tay đập vào ngực. Raphael cưới. “Cậu nghĩ, có thể múa máy dễ dàng hay sao? Phải tập luyện một thời gian dài.”

Đến trường, nhiều giờ trong lớp học, tôi mơ màng về cảm giác mịn của khúc gỗ trong lòng bàn tay. Cuộc sống thực của tôi bắt đầu sau giờ học với Rapael. Cha mẹ không để ý mức độ thân tình của tôi và Raphael. Những gì họ thấy được là tôi vô tình chơi đùa ngoài sân và Raphael có mặt trong bối cảnh đó, cắt cỏ trong vườn, rửa chậu ở bồn nước. Một buổi chiều, Raphael vặt lông con gà xong, đến ngăn tôi đang tập luyện trên bãi cỏ. Anh nói: “Mình đánh nhau đi.” Một cuộc đấu tay đôi bắt đầu. Tôi múa vũ khi nhị khúc, còn anh đánh tay không. Anh lộ vẻ ngạc nhiên và thán phục vì không nghĩ tôi có thể múa khá như vậy. Vung cây côn một lần nữa, anh vừa né vừa tung cú đá. Thời giờ đã hết. Hai đứa tôi cười, thở hổn hển. Ngay bây giờ, còn nhớ rất rõ ràng, chiều hôm đó, chiếc quần đùi của anh bé nhỏ, những bắp thịt gồng lên như dây thừng chạy dài xuống chân.

Cuối tuần, khi ăn trưa với cha mẹ, cố ăn thật nhanh. Ao ước được tẩu thoát, và hy vọng họ sẽ không quay sang đặt những câu hỏi kiểm soát sự hiểu biết của tôi. Một bữa trưa, Rapael phục vụ mang ra những dĩa trắng có khoai mỡ luộc lót rau xanh bên dưới, với đu đủ và thơm cắt hình vuông. Mẹ nói: “Rau dai quá, có phải chúng tôi là dê ăn cỏ không?” Bà liếc nhìn. “Mắt cậu để đâu vậy?” Phải mất một lúc, mới nhận ra, đây không phải là lời la mắng ẩn dụ bình thường. “Cái gì to lớn chận nghẹt mũi cậu vậy?” Bà hỏi như ngửi được mùi trong bếp mà anh ta không biết. Lòng trắng mắt Raphael có màu đỏ. Màu đỏ của đau đớn. Anh lầm bầm nói có con côn trùng bay vào mắt. Cha tôi lên tiếng: “Trông giống như Apollo.”

Mẹ tôi đẩy ghế đứng dậy, xem xét gương mặt Raphael. “A, đúng rồi! Về phòng và ở trong đó.” Raphael do dự, gần như muốn chờ để dọn dẹp chén dĩa. Cha tôi nói: “Đi đi, trước khi cậu lây nhiễm cho chúng tôi.” Raphael ra vẻ bối rối, lui xa ra bàn ăn. Mẹ gọi lại. “Cậu có từng bị như vậy chưa?”Không, thưa bà.” “Đây là tình trạng nhiễm trùng kết mạc, cái thứ đang che mắt cậu.” Trong lời nói pha lẫn tiếng Igbo, chữ “kết mạc” nghe sắc bén đầy nguy hiểm. “Chúng tôi sẽ mua thuốc cho cậu. Nhỏ vào mắt ba lần một ngày. Đừng nấu nướng gì cho đến khi lành hẳn.” Quay sang tôi: “Okenwa, phải nhớ rõ, không được gần cậu ấy. Apollo rất dễ lây lan.” Từ giọng nói đại khái của mẹ, rõ ràng không thể tưởng tượng tôi sẽ có bất kỳ lý do gì để đến gần Raphael.

Sau đó, cha mẹ tôi lái xe đến hiệu thuốc trong phố, rồi mang về một chai thuốc nhỏ mắt, như một người bất đắc dĩ phải ra trận, cha tôi cầm chai thuốc đến phòng Raphael ở khu nhà dành cho phái nam, nằm phía sau nhà lớn. Tối hôm đó, cùng với cha mẹ đến đường Obollo để mua akara cho bữa ăn tối. Khi trở về, thật kỳ lạ, không thấy Raphael mở cửa trước, không đóng rèm phòng khách, không bật đèn. Căn bếp nguội lạnh, ngôi nhà dường như trống rỗng. Ngay khi cha mẹ đắm chìm vào bản thân họ, tôi đi ra ngoài khu nam, gõ cửa phòng Raphael. Cửa không khóa, hé mở. Anh ta nằm ngửa trên giường nhỏ kê sát tường. Xoay mình khi tôi bước vào. Anh ngạc nhiên dường như muốn đứng dậy. Chưa bao giờ vào phòng này. Bóng đèn lủng lẳng trên trần nhà tạo ra một số bóng tối di động.

Anh hỏi: “Chuyện gì?”

“Không có gì, tôi đến thăm anh.”

Anh nhún vai, ngồi lên giường. “Không biết tại sao lại mắc bệnh này. Đừng đến gần.”

Nhưng tôi vẫn đến sát.

“Tôi bị Apollo từ lúc học cấp ba. Đừng lo lắng, sẽ mau khỏi thôi. Tối nay, anh đã nhỏ thuốc mắt chưa?”

Anh nhún vai rồi làm thinh. Chai thuốc trên bàn vẫn chưa mở.

“Anh chưa nhỏ mắt lần nào?”

“Chưa.”

“Tại sao?”

“Tôi không dám làm.” Anh tránh nhìn vào mắt tôi.

Kỳ lạ thật. Raphael, một người mổ ruột gà, vát bao gạo nặng, mà không dám nhỏ thuốc lỏng vào mắt. Mới nghe thì ngạc nhiên nhưng tiếp theo lại thích thú, sau đó lại cảm động. Nhìn quanh căn phòng, ấn tượng nó rất trần trụi. Chiếc giường sát tường, chiếc bàn tồi tàn, Một hộp kim loại màu xám nằm trong một góc, có lẽ chứa tất cả những gì anh ấy sở hữu.

“Tôi sẽ nhỏ mắt cho anh.” Lấy chai thuốc rồi vặn mở nắp.

Anh nói: “Đừng đến gần.”

Tôi rờ mặt anh rồi nhẹ nhàng kéo mi mắt dưới bên trái xuống, nhỏ thuốc vào. Mí bên khi phải kéo mạnh hơn vì anh cố nhắm mắt.

Tôi nói: “Xin lỗi nha.”

Anh mở mắt nhìn tôi, trên khuôn mặt sáng lên một điều gì kỳ lạ. Chưa bao giờ cảm thấy mình là đối tượng của sự ngưỡng mộ. Khiến tôi liên tưởng đến lớp học khoa học, về một chồi bắp non mọc lên xanh tốt hướng về ánh sáng. Ant ta chạm vào cánh tay, tôi quay người bước đi. “Tôi sẽ trở lại sau khi tan trường.” Sáng hôm sau, tôi vào phòng anh nhỏ thuốc mắt, rồi phóng lên xe cha đưa tôi đi học.

Qua ngày thứ ba, tôi đã quen thuộc căn phòng của Raphael, với các đồ đạc đâu vô đó. Khi nhỏ thuốc, tôi phát hiện nhiều điều về anh mà tôi giữ ghi nhớ rất kỹ: Trên môi trên màu râu đậm sớm, dấu bệnh sài làm lõm giữa cổ và hàm. Ngôi trên cạnh giường, chúng tôi nói chuyện về “ Rắn Trong Bóng Khỉ.” Thảo luận về bộ phim này nhiều lần, lập lại những gì đã nói, nhưng sự yên tĩnh trong căn phòng, họ cảm thấy bí mật. Chúng tôi nói nhỏ tiếng, gần như im lặng. Hơi ấm từ cơ thể anh truyền qua tôi. Anh đứng dậy múa xà quyền, cả hai cùng cười. Anh nắm tay tôi, rồi thả ra, bước xa hơn một chút.

“A, Apollo đã hết rồi.” Anh nói.

Đôi mắt đã trong lại. Ước gì bệnh không lành nhanh như vậy.

Tôi mơ cùng Raphael và Lý Tiểu Long luyện võ ở một mảnh đất trống, chuẩn bị cho một trận chiến. Khi tỉnh dậy, mở mắt không ra, tròng mắt nóng và ngứa. Mỗi khi nháy mắt, dường như tạo thêm chất ghèn mờ đục phủ lên làn mi. Cảm tưởng như những hạt cát nóng hổi cấn dưới mí mắt. Sợ rằng có một thứ gì trong tôi đã tan chảy mà lẽ ra không nên tan. Mẹ tôi hét vào mặt Raphael: “Tại sao mày mang thứ bệnh này đến nhà tao? Tại sao?” Như thể anh ta cố tình bị Apollo để lây nhiễm bệnh cho đứa con trai. Anh ta không trả lời. Không bao giờ phản ứng khi bị mẹ la hét thẳng mặt. Bà đứng trên đầu cầu thang, Raphael đứng bên dưới. Cha hỏi tôi: “Làm thế nào mà anh ta có thể lây bệnh Apollo cho con từ phòng riêng?”

“Không phải Raphael, con nghĩ con bị lây bệnh từ bạn con trong lớp học.” Lẽ ra tôi phải biết mẹ sẽ hỏi tiếp: “Ai vậy?” Lúc đó, tôi quên bẵng hết tên của các bạn trong lớp. “Ai?” Mẹ hỏi lần nữa. “Chidi Obi.” Bật nói ra cái tên đầu tiên xuất hiện trong trí. Anh bạn này ngồi trước tôi và quần áo cũ bốc mùi.

“Con có bị nhức đầu không?”

“Dạ có.”

Cha mang thuốc giảm đau Panadol. Mẹ gọi bác sĩ Igbokwe. Cả hai phản ứng nhanh nhẹn. Họ đứng trước của phòng, theo dõi tôi uống một cốc súp Milo do cha đã pha. Uống một cách vội vã. Hy vọng họ không kéo ghế bành vào phòng như họ đã làm khi tôi bị bệnh sốt rét. Khi thức dậy cảm thấy lưỡi mình  rất đắng và thấy cha mẹ ngồi cách tôi vài phân, đang im lặng đọc sách. Cách hay nhất để giải thoát họ là tôi phải nhanh chóng lành bệnh. Bác sĩ đến, chiếu đèn sáng vào mắt tôi. Mùi nước hoa của ông nồng nặc. Có thể còn ngửi thấy khá lâu, dù ông đã đi mất. Mùi bốc mạnh gần giống mùi rượu, tưởng tượng khiến cảm giác buồn nôn thêm tồi tệ. 

Sau khi bác sĩ ra về, cha mẹ dựng một bàn thờ cho bệnh nhân bên cạnh giường tôi. Trên chiếc bàn phủ khăn, họ đặt một chai Glucozade màu cam, một hộp đường Gluco màu xanh lam, một trái cam tươi lột sẵn trên khay nhựa. Họ không mang ghế bành vào phòng, nhưng một trong hai đã ở nhà suốt tuần tôi bị Apollo. Họ thay phiên nhỏ thuốc mắt cho tôi. Cha vụng về hơn mẹ, để chất lỏng chảy xuống mặt tôi nhớp nháp. Họ không biết tôi có thể tự nhỏ thuốc ngon lành. Mỗi khi họ nâng mặt tôi lên, tôi lại nhớ ánh mắt Raphael vào buổi tối đầu tiên trong phòng anh ấy. Tôi cảm thấy hạnh phúc ám ảnh.  

Cha mẹ đóng rèm lại khiến căn phòng u tối. Tôi sinh bệnh vì nằm quá lâu. Muốn gặp Raphael, nhưng mẹ cấm anh vào phòng, như thể anh sẽ làm cho bệnh trạng tôi thêm đau nặng. Ước ao anh ấy đến thăm. Chắc chắn anh ta có thể giả vờ cất khăn trải giường, hoặc mang cái xô vào phòng tắm. Tại sao anh không đến. Thậm chí không nói lời xin lỗi với tôi. Cố gắng nghe giọng nói của anh, nhưng nhà bếp quá xa và khi nói với mẹ, anh ấy hạ giọng thấp. Một lần, sau khi đi vệ sinh, định lẻn xuống nhà bếp, nhưng cha tôi lù lù ở chân thang lầu: “Kedu, con có sao không?” “Con muốn uống nước.” “Đi vào nằm nghỉ, cha sẽ mang lên.”

Sau cùng, rồi cha mẹ cũng đi chơi, vắng nhà. Đang ngủ thức dậy cảm thấy ngay sự trống trải. Vội vã xuống cầu thang, xông vào bếp. Không có ai. Liệu Raphael có ở trong căn phòng dành cho khu nam không. Đáng lẽ ban ngày anh ta không nên về phòng riêng, nhưng có lẽ, vì cha mẹ đi vắng. Đi ra ngoài hiên nhà. Nghe được tiếng Raphael, trước khi thấy anh đứng gần bể chứa, thọc chân xuống cát, nói chuyện với Josephine, người giúp việc của giáo sư Nwosu. Thỉnh thoảng ông giáo sư đưa trứng từ chuồng gà của ông, không bao giờ nhận tiền cha mẹ tôi trả. Có phải Josephine mang trứng đến?

Cô ta cao và tròn trịa, có vẻ như cô đang nói lời chia tay nhưng vẫn còn lưu luyến. Đứng bên cô, Raphael trông khác thường, lưng hơi thỏng xuống, bàn chân nhúc nhích ra vẻ kích động. Lúng túng. Còn cô ấy đang nói với nỗi niềm vui tươi, như thể đang nhìn thấy trong anh điều gì thích thú. Đầu óc tôi mờ mịt.

Tôi gọi lớn tiếng: “Raphael.”

Anh quay lại: “Ô, Okemwa. Cậu được phép xuống khỏi lầu hay sao?”

Anh nói như thể tôi là đứa trẻ, như thể chúng tôi chưa ngồi chung trong căn phòng tối mờ của anh. “Tôi đói bụng. Thức ăn của tôi đâu?” Đó là ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu và tôi cố tỏ vẻ trầm trọng, phát tiếng nói chói tai.

Josephine nhăn mặt, gần như muốn bật ra một tràng cưới dài và chậm rãi. Raphael nói điều gì đó, không thể nghe rõ, nhưng nó mang âm hưởng phản bội.

Cha mẹ tôi vừa lái xe về đến. Đột nhiên Josephine và Raphael như bị đánh thức. Cô vội vã ra về, còn Raphael tiến về phía tôi. Áo sơ mi của anh bị ố ờ phía trước, màu trắng đục, giống như dầu dừa từ súp ăn. Nếu cha me tôi không về, anh ta còn ở bên bể nước thì thầm, sự có mặt của tôi không thay đổi gì.

“Cậu muốn ăn thứ gì?”

“Sao anh không đến thăm tôi?”

“Câu biết mà. Bà chủ cấm tôi không được đến gần cậu.”

Tại sao anh có thể khiến cho mọi chuyện trở nên bình thường? Tôi cũng vậy, bị cấm không được vào phòng anh, nhưng tôi vẫn đến, đã nhỏ thuốc vào mắt anh mỗi ngày.

“Anh đã lây cho tôi bệnh Apollo.”

“Thật xin lỗi.” Nói một cách lơ mơ. Tâm trí anh đang ở nơi nào khác. Nghe tiếng mẹ gọi. Tôi tức giận vì họ đã về. Thời giờ gặp Raphael bị rút ngắn, cảm thấy vết nứt giữa chúng tôi càng lúc càng mở rộng.

Raphael hỏi: “Cậu muốn ăn chuối hay khoai mỡ?” Không phải để xoa dịu tôi mà như thể không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Mắt tôi nóng rát trở lại. Anh ta bước lên bậc cấp. Tôi vội vã bỏ chạy đến mép hiên nhà, đôi dép cao su làm tôi trợt chân. Mất thăng bằng, té xuống. Tay và đầu gối chống lên đất. Hoảng hốt vì bị té mạnh, nước mắt trào ra trước khi có thể ngăn chận. Quá sức xấu hổ, tôi nằm lì tại chỗ.

Cha me tôi đến gần. Cha lớn tiếng: “Okenwa.” Tôi vẫn nằm im. Một mảnh đá cắt vào đầu gối. “Raphael đẩy con té.”

Cha mẹ tôi cùng hỏi tiếng Anh: “Chuyện gì?”

Vẫn còn thời giờ, trước khi cha quay sang Raphael, trước khi mẹ lao đến như muốn tát vào mặt anh, trước khi bà ra lệnh anh thu dọn đồ đạt và ra khỏi nhà ngay lấp tức, vẫn còn đủ thời giờ cho tôi phá tan sự im lặng. Có thể nói đây chỉ là tai nạn, có thể rút lại lời nói dối để cha mẹ tôi chỉ còn đơn thuần là một nỗi băn khoăn.