Friday, April 28, 2023

2889. Tuyển tập thơ PHẠM NGỌC LƯ • Cao Vị Khanh sưu tầm và giới thiệu.

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư (1948-2020)

 

 

PHẠM NGỌC LƯ

THƠ

ngàn sau hồn chữ rêu phong

miên man thiên địa ... tấc lòng du du

 

ĐAN TÂM                                                 MÂY NỔI

 

PHẠM NGỌC LƯ

 

Y như mọi sự nghịch lý nhất, chúng ta thân thiết dù chưa từng quen biết. Quen biết được hiểu theo cái nghĩa sơ sài nhất của nó, biết mặt, biết tên, biết tuổi, quen hơi bén tiếng, sẽ nhau chút cà-phê đắng, chia nhau chút hơi thuốc cay, sớt nhau chút rượu nồng ... hoặc tệ hơn nữa, một tiếng hỏi câu chào, hay ít ra đã có thoáng thấy bóng dáng qua lại đâu đó, dẫu gì cũng một lần ... Chưa, chưa bao giờ ...


Vậy mà rồi chỉ qua đôi ba câu thơ lạc loài đâu đó, trên cái cõi mù mù giữa ảo và thực, tranh tối tranh sáng, biền biệt đông tây ... dẫu xa trời xa biển ... mà chúng ta kết thân nhau, sẵn sàng trải hết lòng qua lại, không một chút e dè ...


Ở đây, tôi băn khoăn :

thơ xa mà nỗi buồn kề

hỏi ra mới biết cùng quê Tiền Ðường (cvk)

Từ bên kia biển trầm luân, anh đáp trả :

mượn thơ chôn khối u tình

người đâu trắc ẩn nhận mình cùng quê (pnl)

 

Từ đó, chúng ta thành “ bạn ”. Ở hai bờ một biển dâu, chỉ còn biết đãi nhau bằng một tấm lòng. Năm ba bữa nửa tháng, đôi ba câu thăm hỏi, vẩn vơ mấy nỗi hàn huyên cũng chỉ trên cõi ảo ... Vậy mà không biết tại sao, trong lòng chúng ta lại rạch ròi lưu luyến, dù không hẵn kiểu người-xưa-tri-kỷ, vẫn san sớt nhau riêng một nỗi quan hoài. Hẵn là mấy vạt áo-xanh-tư-mã còn để lại chung cùng một bóng, giữa lòng ta !


Tôi ở đất người làm kiếp ký sinh, anh quê mình mà chẳng khỏi cảnh tha phương cầu thực. Lâu lâu, đọc được mấy câu thơ anh, tôi cứ bùi ngùi như chính mình lầy lội cảnh nước-đục-bụi-trong. Thỉnh thoảng, đọc mấy câu văn tôi cảm thu, anh lại ngẩn ngơ như đang ngơ ngẩn đón mùa-rơi-chín-rụng.


Anh cũng như tôi, đã có lúc chúng ta sống mối giao cảm tuyệt vời nhất của kiếp người lỡ sinh ra với mê muội văn chương. Đã có lúc, anh ân cần nhắc nhở tôi về những sơ sót của tôi. Đã có lúc, tôi mua rượu từ trời tây, gởi về để cùng anh san sẻ chút hơi cay, như để kéo gần lại chút cái khoảng cách xa đến cay mắt. Anh đã sớt nửa phần chai đổi thành tập thơ cuối ...


“ Năm kia, để cảm tạ 4 câu thơ đề vịnh Đan tâm của anh, tôi đã nhờ thơ nói hộ lòng mình. Lần nầy, cảm hoài "Nhờ gió đưa duyên"... Anh CVK ơi, tôi vừa dừng tay để rót một ly rượu tàn xuân, lòng rưng rưng...Nơi muôn dặm, giờ nầy chắc sắp qua giờ Ngọ, xin mời anh cùng rót rượu.

Hãy mừng cho "chữ nghĩa lầm than" còn sống sót ! ”


Đã có lần, trong một điện thư đề ngày 17 tháng 12 năm 2007, anh nhắc tôi về một lần hội ngộ


... Nên chi rất vui mà cũng rất rất bùi ngùi cảm xúc khi nghĩ đến một lần tương ngộ tương ẩm với anh dù trong tưởng tượng, nhất là lúc nầy, khi mà đời tôi và lòng tôi đang ê chề tan nát ! Biết đâu, nhờ gió đưa duyên, mai mốt đây anh lại tình cờ về và bất ngờ ra miền Trung, ghé lại tôi, để cùng nhau nâng ly, cười khóc với nhau... 


Ờ, anh đã hẹn và tôi đã thất hẹn. Tôi đã thất hẹn như đã lỡ hẹn bao lần trong đời tôi. Dĩ nhiên, rồi cũng sẽ như bèo nước tương phùng, nhưng dẫu vậy, được cùng nhau một lần gặp mặt, cọ ly đối ẩm, miếng đưa cay là nết tài hoa của một đời thơ lận đận, hẵn sẽ mặn mòi hơn vạn lần những bữa tiệc trần gian dung tục.


Tin anh mất đã làm tôi sững sờ. Tôi không khóc nhưng thơ tôi khóc, khóc anh, người bạn tâm giao chưa bao giờ gặp mặt. Chợt tin người đã ... thiên thu. Dưng không trời bỗng sa mù quanh tôi. Mươi năm chuốt chữ trau lời. Đan Tâm(*) một tấm gởi đời lệ riêng. Này vui, này muộn, này phiền. Đế́́́m đi đế́́́m lại còn nguyên nỗi mình. Thôi , anh đi  ! Một chút tình. Vẫn  tôi góc biể̉̉̉n, khóc mình, lệ chung !

 

                                                               C A O V Ị K H A N H


                                                         

 

CHỈ CÒN ĐAN TÂM

gởi nàng THƠ

 

Xưa ta cầm tuổi hai mươi

Vay em nhan sắc về nuôi tâm hồn

Nuôi bao mộng mị vàng son

Một đêm trắng mộng ... chỉ còn đan tâm

 

Kể từ bén tiếng tri âm

Nợ tình lẽo đẽo bao năm dày vò

Đời cùn, chí cạn, lòng khô

Hồn ta xanh một nấm mồ tịch liêu !

 

Mười lăm năm nát thân Kiều

Còn thân ta nát bao nhiêu năm rồi ?

Đoạn trường tuế nguyệt nổi trôi

Từ đêm trắng mộng ... vốn lời trắng tay !

Vật vờ hồn khói xác mây

Thoát đêm mộng dữ gặp ngày hỗn mang

Đi qua địa ngục huy hoàng

Gặp em trước cổng thiên đàng xác xơ

Ôm nhau đồng thiếp bóng trưa

Buông nhau rơi xuống chiều mưa mịt mùng

Dìu qua bến sắc bờ không

Chơi vơi ngã xuống muôn trùng phù vân

Bất ngờ tái ngộ thanh xuân

Cầm tay nhan sắc rưng rưng cúi đầu

Ôm ta ... ôm nỗi buồn đau

Vòng tay nghiệp dĩ siết nhau đứt lìa !

 

Chong đèn thức với mưa khuya

Hồn thơ xác chữ đầm đìa mưa xanh

Mộng con mộng lớn tan tành

Chỉ còn bút mực đan thanh tươi màu

 

Bao nhiêu năm nợ nần nhau

Tình ta trăm bể ngàn dâu héo mòn

Trao em một tấm lòng son

Mai kia bia mộ tâm hồn ... đề thơ ...

 

4-2003

 

NHỎ NHOI HẠT BỤI


-thương nhớ Phạm Các Khuê

sinh và mất năm 1972-

 

Nằm chơi dưới một hàng cây

Lao xao lá, lá thơ ngây chuyện trò

Nằm thanh thản một nấm mồ

Hồn nhiên cỏ, cỏ thơm tho hơi người

Hồn nhiên bao tiếng khóc cười

Tan vào lòng đất thắm tươi linh hồn

Hòa vào màu cỏ xanh non

Bay vào mây khói chiều hôm quê nhà

 

Nằm im giữa trái tim ta :

Nhỏ nhoi hạt bụi ... xưa là Các Khuê !

 


CHIM MỘNG

 

Mơ màng một bóng hoàng oanh

Bay qua vườn mộng hóa thành hoàng quyên

Bồng bềnh một dáng thuyền quyên

Rong chơi hoàng hạc từ thiên cổ về

 

Một trời mây mỏi khói mê

Tương tư bóng hạc não nề lầu hoang

Có ai thoát áo thu vàng

Bay lên tơ lụa mơ màng bóng hoa

Có ai tắm mộng thiên hà

Phong vân lãng đãng trôi ra suối đào

Đôi bờ rụng trái chiêm bao

Bay bay hạt mộng bến nào trổ bông ?

Bay luôn ngàn tía trăm hồng

Từ đêm gác lạnh lầu không, trăng chìm

 

Một trời mây lặng gió im

Vút lên cánh hạc giữa tiềm thức hoang

Bay bay lá mộng chín vàng

Bay theo oanh yến lai hoàn kiếp chim

Chập chờn một bóng hoàng uyên

Nhập thân hoàng hạc vào thiên cổ rồi !

 

Chỉ còn tôi. Chỉ còn tôi

Rưng rưng bút mực ... bồi hồi đề thơ.


 

TÁI NGỘ THÚY KIỀU

 

Mười lăm năm ... nhớ không Kiều ?

Phong sương vung vãi muối tiêu khắp đầu

Nát đời anh giữa biển dâu

Nón rơm áo cỏ mày râu ngậm hờn

Giết đời em giữa phấn son

Ê chề mưa gió vùi chôn má hồng

Nhìn nhau mắt lệ rưng rưng

Giang tay cởi hết phong trần nguyệt hoa

“ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà ”

Hồng nhan phục hiện nguy nga Thúy Kiều !

Đầu anh giũ sạch muối tiêu

Nón rơm áo cỏ ném theo tuồng đời

Mày râu không thẹn gương soi

Tình xưa trang trọng xin mời cố nhân

Cầm tay e lệ ngập ngừng

Rằng nay hết kiếp trầm luân giang hồ

Rằng nay tái ngộ ai ngờ

Mười lăm năm có một giờ hồi dương

Mười lăm năm luống đoạn trường

Cần chi sóng nước Tiền Đường giải oan

Khóc chi mệnh bạc hồng nhan

Trách chi gió bụi phũ phàng Kiều ơi !

Lòng anh mở rộng ... xin mời

Mười lăm năm biển mất rồi ... còn em !

tháng 3, 1990


 

THUYỀN QUYÊN

 

Em từ tình sử bước ra

Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay

Chờ nhau gác gió lầu mây

Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ

Nghìn đêm sông lạnh trăng mờ

Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương Giang

Chiều nao nhất kiến hồng nhan

Chiều nay xác bướm rơi vàng mộ hoa

Áo xưa mộng mị đôi tà

Đành thôi xếp lại Nam Kha gối đầu

Mơ gì phong các vân lâu

Mà theo chim mộng tìm nhau cuối trời

Đêm nay nước chở thuyền trôi

Thuyền quyên em chở tình tôi xuôi dòng

Ngày mai lặng lẽ hư không

Còn chăng ... đôi hạt bụi hồng ... thơ bay ...

 

 

NGỒI CHỢ

 

Ngày mấy bận áo khô áo ướt

Trời trớ trêu chợt nắng chợt mưa

Mây sa sầm xuống ngang nóc chợ

Chiều nhá nhem, rượu hết mồi thừa

Uống mãi cay lòng thêm xót mắt

Tuổi tác chừng này vẫn ngây thơ

Ma xui quỷ khiến ra ngồi chợ

Bán gió rao trăng ... một núi dừa !

Mặt người keo kiệt màu cứt sắt

Miệng lưỡi cò kè ngọt lẫn chua

Năm mươi đồng bạc sao to quá

Bớt một thêm hai mấy chẳng vừa

Chiều ế ẩm, đứng lên ngồi xuống

Sáng mở hàng, chờ bán trông mua

Bán mua mua bán người đen trắng

Hơn thiệt thiệt hơn thói lọc lừa

 

Lúc chán, rửa môi dăm chén rượu

Lau chân mắc võng nằm lơ mơ

Mây cuốn nắng thiu lòng u ẩn

Tuồng đời như cảnh chợ ngày mưa

Không có chỗ chơi sao ra chợ ?

Lăn lóc bon chen mấy đống dừa

Ba tháng bay vèo ba mươi vạn

Tính chuyện tiền nong ngỡ chuyện đùa

Cô gái Bến Tre vừa quen mối

Đếm dừa mà đôi mắt đong đưa

Người đẹp thương ta hay chơi đẹp

Bạc tiền không nài ép hơn thua

Khổ mấy lần áo khô áo ướt

Sợ lòng em chợt nắng chợt mưa

 

Thôi để ta yên bên chén rượu

Uống say ... thành bại cũng bằng thừa

Uống say ... ném áo lên nóc quán

Hết nợ hết duyên ... vĩnh biệt dừa !

Long Khánh, tháng 7, 1990

 

 

NIỆM ĐẶNG DUNG

 

Mài gươm !

Gươm khuyết bao giờ ?

Cắm chuôi gươm gỉ trước mồ trượng phu

Cảm hoài khí tiết thiên thu

Ngâm câu thế sự du du ... lệ nhòa

Lão hà ! Ôi ... nại lão hà ! (*)

Mày râu vô mệnh hóa ra tầm thường

Cúi đầu trả lại chuôi gươm

Trăng tà đá khuyết mài suông nỗi lòng !

 

(*)  Thế sự du du nại lão hà !

Câu đầu trong bài thơ Thuật hoài  nổi tiếng của Đặng Dung – từ tiết năm 1413


 

ĐỀ THƠ TRƯỚC MỘ THANH XUÂN

 

Có người bảo ta ngu

Không thèm ăn thóc nhà Chu

Bỏ về quê ăn cỏ

Có kẻ khoái ta ương gàn càn rỡ

Dám chê rượu nhà Tần

Thứ rượu cung đình của phường hiển vinh quí tộc

Tuổi mới ba mươi

Có ai ngờ ta uống hèn nuốt nhục

Lấy giẻ rách che tai

Cắm chông gai rào miệng

Nhặt nhạnh gia tư ít đồ tế nhuyển

Trèo lên xe trâu

Lui về quê kiểng

Mài răng gặm nhắm cái thanh bần !

 

Lượm lặt nứa tre che căn lầu nhỏ

Phên cửa phong phanh suốt ngày no gió

Người quen tâng bốc gọi mao lư

Kẻ nôm na keu đích danh nhà cỏ

Chẳng hay ho gì cỏ với mao

Thời bất lợi voi đành làm chó

Phong tống thời lai giun đất hóa rồng

Góp nhặt chợ trời đầy hai túi chữ

Túi đựng thánh hiền kê đầu giường ngủ

Túi đựng tầm phào

Lộn tùng phèo phàm phu tục tử

Thoải mái gác chân

Lựa trong gia tài một mớ phong vân

Đem ra chợ chiều rêu rao thanh sắc

Tội cô láng giềng thiệt thà nháy mắt

Khổ chị góa chồng mời mọc môn khoai

 

Tìm trong gia phong mấy lời răn dạy

Hiểu đâu nhất thời

Đâu là vạn đại

Than ôi !

 

Cái khôn mới hôm qua

Hôm nay bỗng trở thành cái dại

Quay lưng với đời ư ?

 

Dòng đời cuồn cuộn

Biển đời lợn cợn

Bảy đục ba trong

Quay mặt với người ư ?

 

Mặt người sắc nhọn

Biển người sao mà ghê rợn

Đua chen hôi lợi bòn danh

 

Đâu dám ví mình với Đào Uyên Minh

Tụng Quy khứ lai từ

Cứ ngỡ chính mình đang u hoài cảm thán

Ngộ dĩ vãng chi bất khả gián

Tri lai dã chi khả truy

Hề ! Mời quá khứ nâng ly

Hề ! Mời vị lai so đủa

Ta như kẻ lỡ thời

Giỏi giang gì mà tri với ngộ

Chỉ biết hôm nay giày rơm áo cỏ

Vinh danh quân tử cố cùng

 

Ba mươi năm bổng bồng bông ...

Ngơ ngác quay về quê hương cố thổ

Lá tre lợp dày mái cỏ

Bão giông quằn quại mao lư

Bao nhiêu năm ta vẫn còn ngu

Sáu mươi tuổi chắc gì không càn rỡ

Dẫu đọc hết một trăm bồ chữ

Vẫn thua đau một đứa lòn trôn

Đứng giữa chợ chiều sao nhớ chị khoai môn

Bỗng thương năm xưa cô láng giềng thuần phác

Lướt thướt mây trôi

Dập dờn tóc bạc

Một mình ta !

Như bóng ma nhô lên từ đêm thiên cổ

Một mình ta lơ ngơ chôn nỗi niềm ly gia biệt thổ

Nền nhà xưa mọc lên nấm mộ

Chữ đề bia tức tưởi tím bầm :

 

Ghê thay Thiên địa phong trần

Nơi đây ... yểu mệnh thanh-xuân-một-người !

 

tháng 11-2005

 

 

TRỞ VỀ PHÁ TAM GIANG

 

Phá Tam Giang, phá Tam Giang

Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng

Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu

Mây trầm ngâm, khói nước miên man

 

Mười năm dong ruổi mòn đất khách

Về cố hương chiều xế nắng tàn

Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo

Rửa phong trần thẹn với Tam Giang

 

Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ

Còn người đi người đợi đò ngang

Còn xóm chài lưa thưa mành lưới

Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan

 

Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc

Cô lái đò chiều nay trán nhăn

Trừng mắt nhìn ta trách móc

“ Mười mấy năm chú mới về làng ’’

 

Mười mấy năm ? Phải rồi ta quên mất

Cái thuở áo cơm trở mặt phũ phàng

Điêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất

Ra đi mưu cầu y thực

Trở về nặng trĩu gian nan

 

Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn

Vợ xếp trang thơ chị gói khúc đàn

Đệ tử mươi người tung hô dâng rượu

Thôn nữ vài em gởi gắm gió trăng

Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ

Con tóc xanh hai đứa dùng dằng

Ta mím môi, chỉ Tam Giang thề hẹn

Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn

Bước xuống thuyền nhìn trời cao dõng dạc

Gõ mạn thuyền ngâm khúc “ Hành phương Nam ”

 

Hành phương Nam, hành phương Nam

Mười mấy năm tấm cám, thau vàng

Thấp cao danh lợi

Chí khí dở dang

Tơi tả bao phen buồn thân thế

Đắng cay mấy bận khiếp hồng nhan

Mưa miền Nam, nắng miền Nam

Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng

Mười mấy mùa trôi qua không nhớ

Quá đỗi mưa đau

Quá nhiều nắng khổ

Lẽ nào Trời bỏ ta chăng ?

Đọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự

Đọc lại thơ mình thẹn gió trăng

Chén rượu quê người sao mà bạc

Ân tình đất khách lắm đa đoan

 

Chiều nay về ... phá Tam Giang

Phía bờ đông vẫn xóm vẫn làng

Mười mấy năm còn ai trông ngóng

Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng

Mẹ có thương con gió bụi lầm than ?

Chị có xót em một đời thất chí ?

Em không buồn ta ?

Sao lòng ta phai nhạt đá vàng !

 

Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang !

Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng

Nước vẫn mặn mòi, mây quen thuộc

Sao lòng ta sóng gió ly tan

Xin xấu hổ với lời thề ngày trước :

“ Không công danh bất phục hoàn ”

 

Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu

Còn thương ta mời ta quá giang

Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước

Để trở về ... đứng khóc dưới hương quan !

 

1996



ĐẤT TRÍCH

 

Mươi lít gạo trộn vài cân muối

Nấu với tình em ăn vẫn ngon

Tình em : nước sông Ba đầy bát

Đời ta như nồi trống niu trơn

 

Bốn phía rừng xanh màu nước độc

Đông tây nam bắc núi chận đường

Một lũng đất bằng khu chén nhỏ

Trói chân ta vào chân Trường Sơn

 

Bó đời ta nửa manh chiếu rách

Đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con

Chiêm bao cứ thấy mình mọc cánh

Bay với chim trời ra cố hương

 

Canh khuya cọp gầm vang núi Lá

Giật mình tưởng ai gọi đầu non

Nằm chi đây, thân tàn đất trích

Chờ ai đây, đói lã chết mòn

 

Mươi nắm gạo trộn vài vốc muối

Đeo lên vai nặng nghĩa đầy ơn

Mai ta bỏ thân ngoài sạn đạo

Xin tình em một mảnh đất chôn

Củng Sơn, 1971


 

LÀNG CŨ

 

Nam khứ thập niên cố lý hồi

Nhà cha vườn mẹ gió mây phơi

Gối chồng sách cổ đau tình chữ

Đọc áng thơ xưa lạnh bóng người

Gió quét Tam Giang thuyền lụy sóng

Mây xô Bạch Mã núi ôm trời

Tần ngần ngắm lại lòng ao cũ

Xào xạc hồn quê ... lá trúc rơi

1995



TRƯỜNG DẠ KHÚC

 

Mây như cồn đảo nổi khắp nơi

Một mảnh trăng già lạnh lẽo trôi

Tháng chạp ngắn dần, trăng sắp cạn

Một mình ta chén rượu chưa vơi

 

Đêm hun hút bốn bề cô tịch

Nhân thế mênh mông lặng lẽ rồi

Chỉ còn ta ngồi trông trăng úa

Nghi ngút lòng ... sương khói bay hơi

 

Một năm, thêm một năm gần hết

Chưa hết lênh đênh giữa biển đời

Chua xót nước trong chìm bến đục

Giọt ân tình lắm chén đãi bôi

 

Tháng chạp trăng buồn như cô phụ

Buồn như ta một kẻ lỡ thời

Nâng chén ngang mày, thưa tâm sự

Tình trong veo nhật nguyệt nào soi !

 

Cứ khói u trầm xông tóc bạc

Từng năm ... từng năm ... lòng như rơi

Rơi như lá - không - rơi - về – cội

Khuất mù cố lý mấy trùng khơi

Mỗi năm cứ mù thêm dặm dặm

Xót xa thêm biển lỡ dâu bồi

Gió quét Tam Giang thuyền lụy sóng

Mây xô Bạch mã núi ôm trời


Buông chén chau mày, thương tâm sự

Tiếc mấy mùa trăng gió rong chơi

Nhớ một mùa văn chương tao nhã

Ba bốn mùa bèo giạt hoa trôi

Mưa nắng hành cơm khô áo ướt

Tài hoa đau gió dập mây dồi

Thi thư kinh sử ... ta hồ mộng !

Tan tác theo vật đổi sao dời ...

 

Nâng chén nhìn trăng, trăng u ẩn

Mây xác xao, xao xác rối bời

Rượu hay sương luồng qua khuy áo ?

Lòng thinh không bặt tiếng im hơi

Muốn hỏi tri âm khắp thiên hạ

Còn ai trằn trọc ngắm mây trôi ?

Hồng nhan một thuở ai thao thức ?

Nhìn trăng kia lòng có bồi hồi ?

Người xưa ? xưa quá như thiên cổ

Chưa nồng nàn một sớm mắt môi

Khép dung nhan một chiều phai nhạt

Đêm nay ... đêm nay ... tình chơi vơi

Năm sắp hết lòng đang thay lá

Cứ buồn vui rụng mãi từng đôi

Đêm thức trắng bao nhiêu tóc bạc

Rượu trăng tà một chén lẻ loi ?

 

Đêm sắp hết trăng chìm mây khuất

Nghiêng chén trầm ngâm cúi mặt ngồi

Xuân đến, nguyên tiêu, trăng trp̀n lại

Khổ giai nhân khuyết tận rồi thôi !

 

Đâu đó bình minh đang náo nức

Cả không gian đơm lộc nẩy chồi

Thiên nhiên rạo rực chờ xuân tới

Mà trái tim ta hóa đá rồi !

 

P H Ạ M N G Ọ C L Ư

 

Tặng Nguyễn Văn Gia-Văn Công Nhơn

cuối năm Nhâm Ngọ 01-2003

 

                       

TRỞ VỀ PHÁ TAM GIANG

 

Phá Tam Giang, phá Tam Giang

Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng

Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu

Mây trầm ngâm, khói nước miên man

 

Mười năm dong ruổi mòn đất khách

Về cố hương chiều xế nắng tàn

Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo

Rửa phong trần thẹn với Tam Giang

 

Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ

Còn người đi người đợi đò ngang

Còn xóm chài lưa thưa mành lưới

Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan

 

Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc

Cô lái đò chiều nay trán nhăn

Trừng mắt nhìn ta trách móc

“ Mười mấy năm chú mới về làng ’’

 

Mười mấy năm ? Phải rồi ta quên mất

Cái thuở áo cơm trở mặt phũ phàng

Điêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất

Ra đi mưu cầu y thực

Trở về nặng trĩu gian nan

 

Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn

Vợ xếp trang thơ chị gói khúc đàn

Đệ tử mươi người tung hô dâng rượu

Thôn nữ vài em gởi gắm gió trăng

Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ

Con tóc xanh hai đứa dùng dằng

Ta mím môi, chỉ Tam Giang thề hẹn

Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn

Bước xuống thuyền nhìn trời cao dõng dạc

Gõ mạn thuyền ngâm khúc “ Hành phương Nam ”

 

Hành phương Nam, hành phương Nam

Mười mấy năm tấm cám, thau vàng

Thấp cao danh lợi

Chí khí dở dang

Tơi tả bao phen buồn thân thế

Đắng cay mấy bận khiếp hồng nhan

Mưa miền Nam, nắng miền Nam

Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng

Mười mấy mùa trôi qua không nhớ

Quá đỗi mưa đau

Quá nhiều nắng khổ

Lẽ nào Trời bỏ ta chăng ?

Đọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự

Đọc lại thơ mình thẹn gió trăng

Chén rượu quê người sao mà bạc

Ân tình đất khách lắm đa đoan

 

Chiều nay về ... phá Tam Giang

Phía bờ đông vẫn xóm vẫn làng

Mười mấy năm còn ai trông ngóng

Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng

Mẹ có thương con gió bụi lầm than ?

Chị có xót em một đời thất chí ?

Em không buồn ta ?

Sao lòng ta phai nhạt đá vàng !

 

Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang !

Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng

Nước vẫn mặn mòi, mây quen thuộc

Sao lòng ta sóng gió ly tan

Xin xấu hổ với lời thề ngày trước :

“ Không công danh bất phục hoàn ”

 

Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu

Còn thương ta mời ta quá giang

Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước

Để trở về ... đứng khóc dưới hương quan !

 

1996



BÂNG KHUÂNG MÙA RỤNG


Tặng NK Chi và bằng hữu Canada

 

Gói bằng màu đỏ lá phong

Gởi về tôi một sắc lòng còn tươi

Vô tình gói cả Mùa Rơi

Mang mang phong vị phương trời tri âm

 

Bồi hồi khói quyện “ đan tâm ”

Có ai vừa thả hương trầm vào thơ

Mà thao thức nh́úm tàn tro

Mà nghe mực nghẹn bút khô thở dài

 

Mơ màng đang chạm tay ai

Bâng khuâng Mùa Rụng nhặt vài lá phong

Gói giùm tôi một nỗi lòng

Thả vào mây trắng bềnh bồng chiều thu

 

 

LÊN NÚI ĐỀ THƠ


Tặng Hoài Khanh

 

Người xưa lên núi đề thơ

Căm căm nét chữ tỏ mờ bóng rêu

Chữ cau mặt, đá đăm chiêu

Hồn thiên thu lạnh giữa chiều gió lay

Người xưa rơi lệ núi này

Lệ xưa thấm lá cỏ cây phơi màu

Rêu buồn nậm nỗi lòng đau

Đá câm khắc họa nỗi sầu trơ vơ

 

Chiều hôm non nước lặng tờ

Lòng tôi gọt đá đề thơ khóc mình

Đau tay khắc đậm chút tình

Mũi dao là lệ nhân sinh ròng ròng

Ngàn sau hồn chữ rêu phong

Miên man thiên địa ... tấc lòng du du ...

 


TÚY HOÀI


Gởi Quan San

Gẫm thân ly khách man man túy hoài

 

Uống cạn mươi ly

Nhớ quên rồi cũng hết

Trời buổi chiều bỗng dưng mù mịt

Đầu ta như khói bốc miên man

Lòng lênh đênh lạnh buốt sông Hàn

 

Cơn say nào cao vút Hải Vân

Ta bay vèo ... mây gió lâng lâng

Xôn xao trời thu tung tăng hoàng diệp

Mênh mông ngàn thu ... rụng rời thương tiếc

 

Ô hô !

Người có ta không

Ta còn người mất

Thoắt bóng thoắt hình

Chập chờn hư thực

Chưa say, ném hồ trường qua biển Bắc

Yên ba tan tành im bặt

Hương quan gờn gợn mù tăm

Say rồi, tung chén rượu xuống trời Nam

Trời Nam ào ào mưa ngây ngất

Giang hồ lên láng, sóng lên men


Say rồi,

Nhớ tuổi quên tên

Xót lòng trông cây nhớ cội

Phải ngươi ba chìm bảy nổi

Bắt ta mười kiếp long đong

Mây có-gió không

Tình câm-thơ điếc

Giai nhân còn mà anh hùng hết

Chưa mùa đông sao tóc xanh rơi bạch tuyết

Ngũ thập rồi, tay trắng xóa bạch vân

Ô hô !

Thiên địa vô cùng

Uống say mà khóc Đặng Dung-Thuật hoài

 

Khóc rồi

Đập nát cơn say

Hốt nhiên bừng bừng hào khí

Vươn vai nhập thân hào sĩ

Dậm chân nổi gió Đông-Đoài

Cởi chim hồng nhạn mà bay

Theo trăng qua Đằng Vương các

Thâu lại hồ trường nơi biển Bắc

Nhặt lên chén rượu cuối trời Nam

Chơi hết tháng ngày chưa tương đắc

Tung hê cơm áo bất phùng thời

Uống nữa ngươi ơi

Một ngàn ly một lần xin cạn

Ấm lạnh sông Hàn ơi

Chỉ còn ngươi

Chỉ còn ngươi soi bóng ta thôi

Tháng  10, 1994

 

 

HỎI RA MỚI BIẾT (*)


gởi Cao Vị Khanh

 

Tương đồng một lớp tài hoa

Một thầy Bạc Mệnh chắc là đồng môn

Truy nguyên gốc gác ngọn nguồn

Không Tầm Dương cũng Tiền Đường đó thôi

Trẩy chung khúc Vận khúc Thời

Cùng tang thương gánh Mệnh Trời oái ăm

Xa người muôn dặm phong vân

Xuôi tay ta chịu Phong Trần đóng đinh

Mượn thơ chôn khối u tình

Người đâu trắc ẩn nhận mình cùng quê !

 

(*) thơ Cao Vị Khanh đề vịnh ĐAN TÂM

Thơ xa mà nỗi buồn kề

Hỏi ra mới biết cùng quê Tiền Đường

Câu thơ ngắn, tình dặm trường

Sắt son cũng chỉ mình thương nỗi mình

 

 

Ở MƯỜI NĂM


Tặng Xuân Thao

 

Ở mười năm quen biển biết sông

Biển rất xanh, xanh muốn xao lòng

Sông không lạnh như tên người gọi

Bởi nước bờ Tây chảy qua Đông

 

Ôi sông niềm nỡ biển ân cần

Dành cho ta một chỗ dung thân

Một mái nhà mây qua gió lại

Một chỗ nằm nghe sóng bâng khuâng

 

Ở lâu quen giọng nói tiếng cười

Biết ít nhiều phong hóa thổ ngơi

Hiểu tấm lòng “ chưa mưa đà thấm ”

Dẫu rượu hồng đào tê tái môi


 

HOA ỔI

 

Ngủ quên bên chén rượu tàn

Giật mình tỉnh giấc : hai ngàn năm qua !

Bồn chồn hé cửa nhìn ra

Trước sân cây ổi nở hoa bình thường !

 

 

TUY HÒA NĂM NĂM

 

Hề chi ta nửa đời lãng tử

Nửa đời vuốt mặt thẹn tay không

Không áo không cơm mà nặng nợ

Nợ giang hồ ai bắt cho cam

 

Gác cỏ lều rưm ta vẫn đợi

Về đi sao bạn cứ tần ngần

Cạn chén trăng còn say chén gió

Ta uống chữ nhàn với cổ nhân

 

Buồn lắm nếu đời không có bạn

Ta co ro ôm chiếc bóng thầm

Ngồi thất thế như con ngựa ốm

Nhớ đường trường lè lưỡi liếm chân

 

Năm năm tay cầm viên phấn trắng

Vẽ rồng vẽ rắn trắng tay không

Vẽ áo vẽ cơm, cơm áo nhẹ

 

Nhưng tình em ngô lúa nặng lòng

Năm năm ta vẽ hoài bóng mộng

Quên tình em đẹp tựa chân dung

Hỡi cô em gái Tuy Hòa nhỏ

Cầm tay ta em có ngại ngùng ?

 

Hề chi ta nửa đời lãng tử

Năm năm mê mãi chuyện phiêu bồng

Hôm nay trút giày rơm áo cỏ

Phủi tay rửa nợ giang hồ xong

Lại đây chứ bạn bè tri kỷ

Uống với ta chén tủi chén mừng

Lại đây em rụt rè chi nữa

Lòng anh mở rộng đón tân nhân

8-1972

 

 

TUY HÒA TÁI NGỘ


Tặng Trần Huyền An,Võ Tấn Khanh, Mang Viên Long, Nguyễn Lệ Uyên

  

Vẫn người xưa, vẫn trăng nầy

Rượu nguyên tiêu cứ rót đầy thâu đêm

Thâm tình còn mấy anh em

Và người rót rượu tay mềm như trăng

Ba mươi năm ... ba mươi năm

Vẫn xanh đôi mắt đăm đăm một thời

Nâng cao bao chén rượu mời

Chén buồn hắt xuống ngàn khơi muôn trùng

Chén vui xin cụng môi hồng

Chén mừng chén tủi tạ lòng Trước Sau

Kể gì sớm bể chiều dâu

Tấc-Lòng-Thiên-Cổ bạc đầu chưa yên (*)

Xưa ta đồng hội hoa niên

Ba mươi năm vẫn đồng thuyền, ô hay !

Vẫn tình xưa, vẫn đất nầy

Kể chi vật đổi người thay, thắt lòng !

 

Cụng đầu ... một chén uống chung

Ba trăm năm nữa ... tương phùng phương nao ?

 

(*) Ta hồ ! Văn chương chi sự, thiên cổ thốn tâm  

16-02-2003

 

 

SÂN GA


Tặng Cuồng vũ và H.Lan

 

Phải người về Huế sáng mai

Hành trang chắc nặng một vài câu thơ

Tiếc chi quỳnh hẹn trăng chờ

Đêm trao chén rượu ai ngờ chia tay

 

Phải người về Huế sáng nay

Con tàu như nặng hơn ngày hôm qua

Người đi, rượu nhớ hoàng hoa

Tàu đi xin chậm kẻo mà ... thơ bay

28-4-1995


 

BIỆT CỐ NHÂN

 

Người cũ ba năm lòng ẩm mốc

Tình cũ mười năm như nhang thơm

Chôn đóa hoa ngàn năm không mộ

Không ngờ không tán một làn hương

 

Nghi ngút khói, rơi roi tàn mộng

Nghìn đêm người cũ đốt tình xưa

Nát mùi hương từ đêm thu rụng

Đau cánh phù hoa nử trái mùa

 

Rêu vẫn đơm hoa trên bia mộ

Không thuyền quyên dưới mộ phong vân

Người cũ thắp bài thơ tình cũ

Bái biệt nghìn thu không cố nhân !

9-2007

 

 

VỀ ...

 

Về ! Thôi một lần về !

Bóng chiều thiêm thiếp sau xe

Khói lam chở giọt nắng về hoàng hôn

Chở theo màu nước sắc non

Chậm thôi ly biệt nắng còn thiết tha

Đường về lả tả xác hoa

Xe lăn bánh chậm thôi mà xe đau

Niềm vui giục giã đi mau

Nỗi buồn đứng lại cúi đầu không đi

Dùng dằng thêm nặng chia ly

Trăm năm cười khóc lạ gì buồn vui

Về ! Thôi một lần thôi !

Coi như hạt bụi rong chơi lui về ...

12-1999

 

 

LỊM BÓNG CHIỀU

 

Ơ ...

         chiều thu dọn nắng rồi

Nhẹ tay kẻo vở bóng tôi nghe chiều !

Gò hoang vàng nguội nắng thiu

Phình ra cái bóng hoang liêu dị thường

Ơ ...

         chiều nuối bóng tà dương !

Chờ tôi thu dọn tai ương đỏ ngầu

Nghe tôi cười bể khóc dâu

Với dàn hi lạc khổ đau xập xình

Ô hay ...

         Lạ lẫm chính mình !

Nghi ngờ bóng nọ với hình này : tôi

Hoài nghi nầy đất kia trời

U hoài trông nắng tắt hơi ... lịm chiều !

12-2006

 

 

MƯỜI NĂM NHẴN MẶT QUA VỀ

 

Qua về nhẵn mặt con sông

Đời trôi nước chảy suông lòng nào hay

Ngày qua hối hả theo ngày

Cứ giang đông sớm thoắt tây ngạn chiều

Thoắt mười năm chảy xiết theo

Còn trơ nước bọt mây bèo bám chân

Qua về hổn hển phong vân

Hồn như núi dựng mà thân trôi hoài

Trôi trôi lầm lũi miệt mài

Ngờ đâu mây nổi trên vai bồng bềnh

Đâu ngờ cạn cợt nhân sinh

Mà chao lượn gớm ! Dập dềnh cũng ghê !

 


HẢI VÂN

 

Uy nghi Hải Vân!
Cõng đá đeo rừng vút lên muôn trượng
Bạt gió đè mây ngất ngưỡng
Nguy nga đệ nhất hùng sơn

Ngạo nghễ Hải Vân!
Chót vót tầng tầng sánh vai trùng điệp
Núi đứng ngang trời lẫm liệt
Xuân thu tề tựu mây chầu
Sá gì dâu bể bể dâu
Núi vẫn trơ gan đạp ngang biển cả
Bắt sóng rửa bàn chân chai đá
Dựng chơi một dãy trường thành
Chặn đường thiên lý
Khiếp vía lữ hành
Trăm ngựa chồn chân
Ngàn xe thở dốc
Hun hút rừng sâu cây xanh mặt
Cheo leo lưng núi đá rùng mình
Đèo cao lơ lửng
Trời biển chênh vênh

Kỳ vĩ Hải Vân!
Chớn chở chập chùng
Oai nghiêm sừng sững
Ngươi mượn biển Đông ngắm hình soi bóng
Hiên ngang toan mở lối lên trời
Vẽ gió vờn mây hí lộng
Đổi thay sắc diện liên hồi
Lúc bí ẩn thâm nghiêm
Khi im lìm kỳ ảo

 

Ngươi uốn mình chơi vơi thượng đạo
Cong lưng thắt ruột đường đèo
Xẻ vực sâu thăm thẳm
Dựng vách đá hiểm nghèo
Trông lên chất ngất
Ngó xuống mịt mùng
Biển trời ngờm ngợp thinh không
Nhớ ra hình hài cát bụi
Thanh trọc bao phen chìm nổi
Phế hưng mấy cuộc tồn vong...
Ôi... Hải Vân, Hải Vân!
Hẻm núi hốc rừng ngàn xưa hung bạo
Chiều nay lau lách đìu hiu
Ai người khai sơn phá thạch?
Xả thân chém đá mở đèo
Xưa đồn ải nào ai trấn thủ?
Nay đầu ghềnh khắc khoải chim kêu
Mơ hồ bóng người lính thú
Tạc vào gạch đá hình rêu
Giăng giăng quan ải mây hoài cổ
Bàng bạc sơn đầu khói đăm chiêu
Mây trắng mênh mang
Biển trời vòi või
Nhân thế về đâu chập chờn sáng tối
Hồn xưa phương nào ấm lạnh u minh?

Quạnh quẽ Hải Vân!
Đâu dấu chân người ngàn năm trước
Núi trông mây, mây ngó núi u hoài
Đèo cao co thắt từng khúc ruột
Thiên cổ qua về... ai nhớ ai?

 

Viết năm 1992

Nhuận sắc năm 2007

 


BỤI ĐỎ

gởi Quỳnh Thư, Quốc Tuấn

 

Đất khách lênh đênh tròn một giáp

Mười hai năm-mười hai bến đục ngầu

Mười hai mưa nắng nuôi hoa cỏ

Khô héo đời ta cây lá bạc màu

 

Quê người nương náu kiếp lưu dân

Bụi ba dan có phải hồng trần ?

Đỏ quạch mồ hôi chua cơm áo

Cơm áo bạc tình ... bán hết thanh xuân

 

Trời sinh chi đôi vai thêm khổ

Gánh gian nan như gánh tội đồ

Sinh chi kẻ sĩ đem đày đọa

Chôn vùi nơi nắng bẩn mưa dơ

 

Đi giữa rừng cao su trùng điệp

Lòng đau như vết cạo còn tươi

Mủ cứ chảy bám dầy tâm sự

Tâm sự đùn cao như gò mối chôn người

 

Đi giữa hoang sơ ruộng bàu khe suối

Gai hổ ngươi cào nát đôi chân

Nghĩ về quê cũ lòng thêm thẹn

Một ra đi là một lỡ lầm

 

Đi lơ ngơ vừa tròn một giáp

Mười hai năm lệ tuổi đời câm

Rượu Nam phương uống cùng tứ xứ

Tứ xứ ly gia dễ mủi lòng

Cũng dễ quên nhau khi hết rượu

Cái ân tình có có không không

Gặp lắm phàm phu, quen nhiều hào sĩ

Dăm kẻ nhân từ, vài tay ích kỷ

Quây quần, lếu láo, say sưa ...

Cũng lắm giai nhân quần nâu áo vải

Chia xẻ dung nhan ngọt tình cây trái

Mà lòng thì sáng nắng chiều mưa

 

Cứ hỏi mình : chưa chán ? chán chưa ?

Nhìn núi Chứa Chan mắt buồn chan chứa

Mười hai năm !

Bến nước mười hai đục ngầu bụi đỏ

Sao không quay về bến thứ mười ba :

Bến nước trong xanh ... soi bóng quê nhà !

9 năm sau ly tán, 1994

 

 

CỐ LÝ HÀNH

 

Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp

Nước đua chen đớp bọt nắng tàn

Đò qua sông đìu hiu bến đợi

Buồn rút lên bờ cây khai quang

Mây đổ xù lông như chó ấm

Trời bôi nhoè mặt ngóng đêm sang

Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp

Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn

 

 Có biết ta về không cố lý ?

Mười năm chưa lạ mặt xóm làng

Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín

Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han

Cổng khép rào vây vườn cỏ dại

Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang

Ngõ vắng bàn chân như hụt đất

Tre già đang kể chuyện chôn măng

Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể

Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng ?

Khóc làm sao vừa lòng cố lý ?

Phải đây là cố lý ta chăng ?

Đâu bóng mẹ già sau khung cửa

Và những người em mặt trái xoan

Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ

Bên luống cà xanh liếp cải vàng

 

Đất đá thở ra mùi u uất

Bốn bề hun hút rợn màu tang

Ai chết quanh đây mà cú rúc

Mà cơn gió lạnh réo hồn oan

Ai trong muôn dặm không về nữa

Cố lý mười năm mộng bẽ bàng

Cố lý mười năm ngày trở lại

Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian !

1972

 


MỘT NĂM CÒN CHÉN RƯỢU NÀY

 

Niên cùng nguyệt tận ngồi đây

Một năm còn chén rượu này chia ba

Uống đi Nhơn, uống đi Gia

Niên niên tuế tuế chỉ là đồ chơi

Mùa xuân từng chuyến khứ hồi

May còn giữ lại chỗ ngồi bên nhau

Chung quanh cố cựu mai đào

Y nguyên hoa cảnh chiều nao trùng phùng

Chén nầy ba đứa uống chung

Mai kia thủy tận sơn cùng nhớ nhau !

1998

 

 

QUA CHIẾN TRƯỜNG XƯA

 

Chôn gươm bên cái khe này

Gò kia cởi giáp tụt giày vùi nông

Một đêm muối mặt anh hùng

Anh mang xiềng xích cùm gông tội đồ

Oằn vai làm kiếp trâu bò

Gánh gồng khổ nhục xây mồ thanh xuân

Năm năm khiêng núi vác rừng

Nhiều khi ngó mặt phong trần cười khinh

Mươi năm nắng thúi mưa sình

Râu trơn mày trụi giận mình thất cơ

Cam tâm thời vận trở cờ

Cái chân cái ngụy lập lờ lừa nhau

Hai mươi năm tóc trắng đầu

Hởi ơi bể lặng và dâu xanh rồi

Khe xưa bùn lấp cát vùi

Gò lau đêm nọ đã trôi xuống đồng

Mình anh đứng ngó mông lung

Hồn xưa binh giáp trận vong chập chờn ...

 

 

BIÊN CƯƠNG HÀNH

 

Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

Đây biên cương, ghê thay biên cương!
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khi đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Đây biên cương, ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thuỷ tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường!

Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

5-1972

 

 

 PHỤ LỤC 1


 

tháng 4,

đọc lại Biên cương hành của Phạm Ngọc Lư 


Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

 

Bài hành bắt đầu bằng một tiếng chào. Tiếng chào câu hỏi từ muôn đời vẫn được coi là biểu tượng của sự quen biết, thân ái, mời mọc ... Có ai mà chào người dưng nước lả. Hay có ai mà gật đầu chào một kẻ thù, một đối tượng sẵn sàng nuốt sống, ăn gan, uống mật mình đâu. Vậy mà Phạm Ngọc Lư lại gật đầu, lại vẩy tay chào... mối hiểm họa đang chờn vờn ngay... trước mắt mình.


Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

 

Dù vậy, nguyên câu thứ nhất  bảy chữ toàn vần bằng, mà hết sáu chữ là loại phù bình thanh. Giọng ngang ngang, không cao không thấp, nghe ra cái điệu khinh khỉnh... như chào mà không chào. Chào mà không lấy gì làm thân thiết, lại như có chút gì thách đố.


Biên cương biên cương chào biên cương

 

Thật ra, đã có thời, trên cái xứ sở khốn khổ của chúng ta, biên cương hay rừng núi hay thành phố hay đồng bằng, kể cả chợ búa hay trường học... đã có gì khác nhau đâu. Tất cả đã được người ta biến thành mọi bãi chiến trường. Ở đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể là trận địa, một khi lòng người đã bị nhuộm đỏ bằng sự cuồng tín và ngụy trá. Nghĩ vậy rồi, đọc lại câu mở đầu bài Biên cương hành mới nhận ra được hết sự cay đắng, niềm xót xa của một kẻ sĩ trót sanh nhằm-thế-kỷ.

 

Ông tới đó, Củng sơn, một thị trấn hẻo lánh nằm dạt về phía biên giới Lào, nơi mà máu-đã-nuôi-rừng-xanh-xanh-ngắt-núi-chập-chùng-như-dãy-mồ-chôn.


Hình dung một thế đất, bốn phía rừng núi vây quanh, chướng khí mù mịt, gió Lào thốc tháo, mà mỗi thân cây đã được vun phân bén gốc bằng máu me xương thịt của bao nhiêu trai trẻ được xua tới đó để giết người hoặc bị người giết. Điệp tự xanh-xanh ( ngắt )sẽ tính ra bằng bao nhiêu cân lượng của bao nhiêu nấm mồ ( kể cả không có được một nấm mồ ) để dựng lên một phong cảnh núi rừng toàn bích !

  

Thử nghĩ coi, bài thơ được ghi làm vào tháng 5 năm 1972, lúc ông vừa 26 tuổi. Năm 72, mà trong bất cứ trí nhớ dù đã quá sức mòn mỏi của những người Việt miền nam vẫn chưa bao giờ quên được. Cái gọi là chiến dịch xuân hè, người miền bắc xua đại quân vượt sông Bến Hải, xé bỏ hiệp định Genève, công khai đánh phá khắp nơi. Bình Trị Thiên. Kontum. Peiku. Bình Long. An Lộc... trọn phần đất ở phía nam vĩ tuyến 17 chìm trong đạn pháo mịt mù. Lính tráng hai bên, dân lành vạ lây chết oan như rạ. Năm đó Phạm Ngọc Lư hai mươi sáu tuồi. Và ông cảm khái làm hành Biên cương.


Tuổi hai mươi, lứa tuổi vừa hết non nhưng chưa đủ dạn dày, lứa tuổi sắp sửa cho một lên đường hướng tới những phương trời cao rộng. Vậy mà người thanh niên đó đã bị chặn hết mọi ngỏ ngách, mọ̣i hy vọng đã bị dìm chết, mọi dự phóng đã bị bóp nghẹt ... bằng đủ thứ dã tâm ác ý nhằm dồn đẩy cho được tuổi trẻ bước lọt vào con đường một chiều ... con đường sinh tử.


Người thi sĩ đó, lớp tuổi trẻ đó đối diện tương lai mình với tâm trạng cay đắng cùng cực. Vậy còn lạ không khi ông viết


Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dãy mồ chôn

 

Lời chào như một tiếng cười mỉa, hay bi tráng hơn, một tiếng cười gằn, phẩn uất... của một kẻ giác đấu bị đưa ra đấu trường mà mọi vòng thành đã bít kín. Nghĩa là không có mảy may một chọn lựa nào khác. Hoặc chết. Hoặc sống. Chết ! Hết chuyện. Sống ? Đã hẵn là may mắn chưa sau khi mặt mày đã nám khói đạn bom, sau khi ngón tay trỏ đã tê điếng vì siết cò súng tới rướm máu ? Câu hỏi trở nên vấn nạn bậc nhất cho cuộc chiến tranh tương tàn đó.  Người thanh niên miền nam nước Việt sinh ra và lớn lên được nuôi dạy trong tinh thần khai phóng, nhân bản và dân tộc. Họ được dạy dỗ yêu nước thương nòi, quí trọng đồng chủng cùng giòng máu đỏ da vàng, họ được uốn nắn theo tinh thần nhân nghĩa ngay từ thưở còn ê a đánh vần từng chữ cái. Huyền thoại cái-bọc-trăm-con đã được giảng dạy hết sức ân cần để in sâu vào ý thức họ ngay từ buổi khai tâm. Lớn lên, hít thở không khí tự do – dù có còn hạn chế, họ vẫn có cơ hội tiếp xúc với mọi trào lưu tiến bộ của nhân loại về mọi mặt. Từ đó, tâm hồn họ trở nên giàu có, phóng khoáng, nhân bản ... biết bao nhiêu. Do vậy, khi phải đối đầu với kẻ thù cùng màu da rõ ràng là một thách đố quá bất công và bất nhân của định mạng. Nghĩ lại coi, có phải. Bắn một viên đạn vào kẻ bên kia chiến tuyến là một việc làm chẳng đặng đừng trong khi lòng họ băn khoăn hết sức. Phía bên kia, ngược lại trăm phần. Lịch sữ đã chứng minh triệu triệu điều như vậy.


Bởi vậy khi đối diện với thực tại của cuộc chiến tranh tương tàn đó người thanh niên miền nam, người thi sĩ đó còn thái độ nào khác ngoài sự chấp nhận nó một cách... chua chát đến ngậm ngùi.


Biên cương biên cương đi biền biệt.

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường.

 

Trọn bài hành là một cực tả về tính chất vô lý đến bi đát của cuộc tranh giành xương máu đồng loại vừa qua, trải ra từ trái tim của một kẻ có lòng. Cái tuyệt vời là trong suốt 66 câu 7 chữ không có một chỗ nào để lộ ra sự phẩn nộ. Dù là người trong cuộc, chịu chung kiếp hẩm hiu, ông làm thơ với giọng điệu bi tráng, khẩn thiết mà trầm tỉnh, đau đớn mà không bi lụy. Cho nên dù âm điệu của bài thơ rất trung tính, người ta vẫn nghe ra từ đó tiếng kêu trầm thống của cả một dân tộc bị đọa đày, bị cấu xé, bị giành giựt đến tang thương bởi chính những kẻ cùng chung một nguồn gốc tổ tiên !!! Chữ chở nghĩa trọn tình, từ tốn mà thâm trầm hết mực. Ông không tả cảnh núi rừng mà thấy núi rừng phủ chụp như thiên la địa võng. Ông không tả cảnh sát phạt mà nghe ra như súng nổ đạn bay. Đọc thơ mà tai như nghe ù ù gió thổi, tưởng đâu hồn tử sĩ bay vật vờ trên bãi chiến còn úng khói.


Đây biên cương, ghê thay biên cương

Tử khí bốc lên dày như sương

Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu

 

Trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào rồi cũng sanh ra kẻ hèn nhát, người anh hùng. Nhưng cuộc chiến đó, qua hồn của kẻ sĩ làm thơ, không có mảy may vinh quang, mà chì rặt có điêu tàn. Không có người thắng kẻ bại mà chỉ rặt có nạn nhân. Những nạn nhân bị ném ra đất chết như vãi-đậu. Cái chữ nôm na mà ôi sao ai oán ! Vãi đậu. Còn chữ nào tượng hình hơn cho cái chiến-thuật-biển-người đem nướng con đen trong lửa đỏ. Lính tráng được xô ra bãi chết như một lũ hình nhân được cắt bằng giấy không biết vui buồn, không có yêu thương hờn giận. Chỉ là một lũ hình nhân vô tri vô giác trong tay đám phù thủy núp kín dưới tầng tầng công sự, bị ném ra như vãi đậu để giành giựt cho được thứ tham vọng ngông cuồng. Nỗi cay đắng cùng cực của kẻ sĩ Phạm Ngọc Lư thể hiện rõ ràng trong hai chữ cho-rậm, ta về theo cho rậm chiến trường. Cho rậm, rậm đám ... người ta hay nói vậy. Nhưng thường nói trong những cuộc vui. Ở đây, giữa cuộc chiến, lấy gì vui mà về-cho-rậm-đám. Nếu không phải  một nỗi bi phẩn cùng cực của một tâm hồn hết sức nhạy cảm trước nỗi bất lực của mình khi thấy chuyện bất nhân bày ra hằng giây hằng phút trước mắt mình. Ôi người thi sĩ tội nghiệp giữa một thời vô đạo. Người thi sĩ đó, kẻ đã được nuôi dạy trong không khí hoa lệ của văn học cỗ điển, với những hồn thơ nhân bản tuyệt vời của một thuở Đường thi lộng lẫy đã đem cái phong cách trang trọng của thơ xưa vào thơ mình. Chữ nghĩa của ông cỗ kính mà nhẹ nhàng, kinh điển mà phóng túng khiến cho bài hành vừa có vẻ xa xôi trang trọng mà lại gần gũi với người trong cuộc biết mấy. Bằng phong độ của một bậc thức giả và nghệ sĩ, ông đã phóng tầm mắt xuyên suốt cõi địa chấn để nhìn thấu qua rừng núi, cỏ cây, đất đá, đạn bom... cái bị che át bởi tiếng nổ, bị chôn vùi bởi đất đá cày xới, bởi đường mật tuyên truyền, bởi rù quến chủ nghĩa... cái thực ở đằng sau mọi giả trá, cái còn lại sau những nát tan... Ông đã thấy đằng sau những núi non trùng điệp bị nổ tung vì đạn mìn, đằng sau những thét gào say máu giữa khói súng và ánh thép loang loáng của dao găm, ông đã thấy ra cái không gian lặng ngắt sót lại, đã nhìn ra cái hình ảnh lạnh lẽo sau cùng, đã nghe ra tiếng kêu gào vô thanh của những... cô hồn, thêm nữa tiếng khóc lặng lẽ nuốt ngược vào lòng của những... cô phụ.


Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chớp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá vọng phu mọc khắp biên cương

 

Ông ta thấy rõ ràng như một với một là hai, mà có phải ai cũng thấy ra những hồn oan vất vưởng, hay nghe ra tiếng đời vô vọng đó.

 

26 tuổi. Đã đủ già chưa để cằn cỗi. Đã hết mơ mộng chưa để chai đá. 26 tuổi. Cái tuổi như hoa mới hết thời hàm tiếu mà chưa tới lúc mãn khai. Vậy sao nhìn ra chỉ thấy cái điêu tàn. Cái tuổi lẻ ra đang trên bệ phóng để nhắm tới tương lai. Cái tuổi đã được chuẩn bị để dành cho những hẹn ước. Vậy mà sao gần như con đường trước mặt đã bị phong tỏa kín bưng đến nỗi không dám nghĩ tới cả một lời hẹn ước.


Thôi em, sá chi ta mà đợi

Sá chi hạt cát giữa sa trường

Sa trường anh hùng còn vùi dập

Há rằng ta biết hẹn gì hơn ?

 

Thương cảm và trân quí biết bao nhiêu tâm hồn thi sĩ đó. Ông làm thơ không phải cốt để tả cái chon von của núi cao, cái thăm thẳm của rừng già, cái hiểm hóc của hang động, cái ngặt nghèo của đèo cả, ông làm hành để nói lên cái oan nghiệt của chiến tranh, cái chờ đợi vô vọng của những người cha người mẹ có con cái bị xua vào chỗ chết, của những người con gái có tình nhân thất hẹn, của những người vợ có chồng bị ném như vãi đậu vào cuộc bắn giết hung tàn. Bài hành như một dấn thân vào phía mặt thật của chiến tranh bị che giấu, bị tô vẻ bằng những ngôn từ hoa mỹ. Ở phía đó, hoàn toàn không có gì hết, không tiếng gầm của bom đạn, không có tiếng thét của trái tim búng máu, không có tiếng la của da thịt rách nát... Ở đó là một sự im lặng tuyệt cùng, im lặng tuyệt đối. Ở đó là tiếng kêu không vuột ra được khỏi hai bờ môi. Ở đó là cặp tròng ráo hoảnh không còn đủ một giọt nước mắt chảy xuôi. Ở đó là cái lỗ trống khủng khiếp của người mẹ mất con, của người vợ mất chồng, của đứa con mới lọt lòng đã mất cha... Cái thấy của ông khác với cái thấy của những bản tin chiến sự, khác với cái thấy của xảo ngôn ra rả trong những tuyên ngôn tuyên cáo. Cái thấy của ông là cái thấy của con-mắt-trông-thấu-cả-sáu-cõi*. Thơ của ông được làm ra từ những-giọt-máu-chảy-ở-đầu-ngọn-bút *. Cho nên, mỗi năm đến tháng tư, lục ra đọc lại Biên Cương Hành lại nghe như có giọt nước-mắt-thấm-trên-tờ-giấy* khi người thi sĩ ấy vẩy bút làm thơ...

 

Quả vậy, nói được gi thêm nữa. Hành được làm bằng hết tài hoa bút mực và tấm lòng mẫn cảm đến muôn đời. Hồn thi sĩ rướm những giọt máu còn rây rớt trên từng ngọn cỏ lá cây, trây trét trên đất đá vô tri, từ mươi năm trước, từ hôm qua, mà hôm nay, mà ngày mai... vẫn tiếp tục thấm máu của bao nhiêu trai trẻ bị xô đẩy tới đó để tiếp tục giết nhau, giết nhau tận tình như những kẻ cuồng sát dù trong lòng họ không thiếu nỗi bi thương.

 

Cho nên, ở đó giữa núi rừng cô tịch, ông thấy từng đoàn cô hồn kéo đi lũ lượt. Những cô hồn giận dữ !


Cô hồn một lũ nơi đất trích

Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng

Chém cây cho đỡ thèm giết chóc

Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

 

Rừng núi cô tịch có gì vui sao kéo nhau vào đó mà tan thây nát thịt. Có nghe chăng tiếng hát ngông cuồng bi thiết của lũ người bị lừa gạt bị dụ dỗ bị mê hoặc mà ném thân vào hiểm địa làm mồi cho súng đạn vô tình. Ai nghe được tiếng kêu uất hận đó ngoài người thi sĩ đang độ tuổi đôi mươi. Và ai ngoài ông để cảm thông được nỗi ai oán của những người trẻ chết trận mà chưa một lần được nếm chút hạnh phúc trần gian. Chữ nghĩa được chọn lọc tinh tế mà không lộ chút kỷ xảo. Phạm Ngọc Lư đã sống tận tình kiếp sống của người trong cuộc. Hẵn, ông đã không ngại dấn mình vào chỗ thâm sơn cùng cốc đó để nghe cây rừng rùng mình, đề nghe đất đá run rẩy... sau mỗi bận súng đạn gầm thét. Mà chắc phải vậy, phải tận mắt cảnh núi lở đèo nghiêng, đất đá nát ngấu, rừng cháy tan hoang bỏ trơ cây cối cụt đầu, hầm hố chằng chịt ... mới cảm ra được sức tàn phá đó nổ banh trên thịt xương người ra sao, mới nhận ra được lửa nướng cháy da người khét lẹt thế nào, mới nghe được tiếng kêu thất thanh xé ruột làm sao khi lưỡi dao bén ngót đâm lút vào thân xác. Phải ở đó, mới nghe ra được tiếng gọi từ thăm thẳm của cả một lớp trẻ đương tuổi yêu đời yêu người mà bị bức tử đoạn đành.


Chiều hôm bắt tay làm loa gọi

Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?

Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?

Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?

 

Tiếng gọi u uất nghe đến nát lòng. Mà rồi tiếng gọi cũng chỉ rơi vào cõi vô vọng. Như triệu triệu tiếng kêu đòi khác, vẫn rền rĩ, từ tiếng súng đầu tiên phát nổ ...


Chẳng vậy, mà hơn 40 năm qua, vẫn còn nguyên tiếng gọi giải oan cho bao nhiêu người đã chết, chết mà không biết vì sao mình chết, chết mà lịch sử bị đẩy cho quay ngược lại vòng quay, mà đất nước đi ngược lại chiều tiến bộ, mà năm này sang năm khác, đất nước trở lại y nguyên cái tình trạng từ thời người ta xua con trẻ đi làm chuyện ... giải phóng.

 

Hãy đọc lên thành tiếng thêm một lần, 6 câu cuối của bài thơ để nghe lại hết nỗi oan khiên của nguyên mấy thế hệ bị hy sinh cho một chủ nghĩa bất cận nhân tình. Đọc lên thành tiếng để nghe dội lại tim ta tiếng kêu thương của từng lời kinh khổ


Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

 

Hai mươi mấy tuổi đời của những năm 60, 70 ... hay xa hơn nữa từ những năm 30, 40, 50 ... thử nghĩ lại, đã có khi nào, trên mảnh đất gầy còm hình chữ S, mà tuổi trẻ Việt Nam được sống yên lành đề dự phóng tương lai cho chính mình và đồng loại mình. 6 câu thơ cuối, Phạm Ngọc Lư làm cho ông, cho thế hệ ông và cho cả bao nhiêu người tuổi trẻ trước ông, kể từ khi có một lũ người đi vay mượn thứ chủ nghĩa ngoại lai và không tưởng đem về bày trò giết chóc đề̉ áp đặt lên quê hương. Từ đó, súng nổ, dao đâm, dìm nước thả trôi sông... từ đó, tang thương... từ đó, đoạn trường... từ đó...


Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương

 

Từ đó một hẹn thề là trăm lỗi hẹn, có một hạt giống gieo là đã cả vườn cây cháy rụi, một đứa bé ra đời là đã bao nhiêu trai trẻ bỏ xác góc núi bìa rừng. Bởi vậy, đến một lúc, ngay cả đương tuổi thanh xuân, người ta cũng bỏ mặc buông xuôi, như thể mọi vẫy vùng đều vô ích, mọi phản kháng đều bất khả. 

Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương

Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi

 

Hề chi ! Sá chi ! Mặc kệ ! Những tán thán từ người ta chỉ dùng đến khi bị dồn vào đường cùng. Ờ , mà tuổi trẻ Việt Nam thời đó, thời của những biên cương rào kín lòng người, thời của súng đạn ngoại bang được nhét vào tay, thời của mắt bị bịt kín... rồi bị xô bị đẩy bị lùa từng đoàn từng lũ vào eo chết thì... nếu không ... hề chi, sá chi... thì cũng có làm gì hơn được !

Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi

Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương

 

Hề chi ! Hề chi ! Tán thán tự được lập lại hai lần phải chăng để hình dung hai cánh tay buông xuôi, bỏ mặc, khi người ta đã ở chỗ cùng đường, tuyệt lộ.

 

Biên cương hành. Đọc lại mà sống lại cùng ai nỗi đoạn trường !

 

Chính vì vậy, mươi năm trước đọc qua đã ngậm ngùi, bây giờ đọc lại còn nguyên cơn đau thắt ruột với vẫn nguyên nỗi cảm phục nét tài hoa tót chúng. Rõ ràng, đọc lại Biên Cương Hành, thấy nguyên vẹn nỗi oan ức của hàng đoàn hàng lũ cô hồn cô phụ đi vất vơ cạnh bên phía lề oan trái của lịch sử. 

 

Hành. Loại thơ sủng ái của những bậc tài tình thiên cổ lụy. Chữ cuồn cuộn như nước đổ trường giang. Ý tiềm ẩn như rồng thiêng thấy đầu mà không thấy đuôi. Chính vì loại thơ vừa lề luật vừa phá thể khiến cho người làm thơ mặc tình phóng bút.

Trong tay bậc tài hoa, hành làm ... thốn tâm thiên cổ.

 

Cho nên, đọc hành làm sao mà không thấy dạ mang mang. Nay-đời-xa-người-khuất, đọc hành Phạm Ngọc Lư như thấy lại lòng mình, làm sao không cảm khái đến trăm nỗi xót xa. Xót xa cho đời. Xót xa cho người.

Xót xa cho vận nước.

 

Hành. Đổ Phủ. Bạch Cư Dị. Lý Bạch ... Rồi Thâm Tâm. Nguyễn Bính. Thanh Nam. Tô Thùy Yên. Viên Linh... Và Phạm Ngọc Lư.

 

Vâng. Và Phạm Ngọc Lư.

 

C A O V Ị K H A N H

* như một lời đã hứa

 

* chữ của Mộng Liên Đường chủ nhân


PHỤ LỤC 2

 

nhờ gió đưa duyên…

. gởi người-thi-sĩ-sinh-năm-1946

 

Khi tôi có dịp đọc lại thơ anh thì chúng ta không còn trẻ nữa. Ðã qua cái thời cứ tưởng thơ chứa đầy thông điệp, thứ thông điệp chuyển giúp giùm nhau tín hiệu của những vì sao cứ nhấp nháy trong cô đơn…

Nguyễn Xuân Sanh. Thư, gởi. Thơ, không gởi.


Vậy mà rồi đọc tập thơ Ðan Tâm của anh in lại ở bên này, trước đây mấy năm, bỗng nhiên tôi lại muốn làm thơ gởi anh, gởi cho một người tôi chưa từng quen biết. Bỗng nhiên tôi thấy ngồ ngộ cái kiểu ngu ngơ của những đứa bé đầy ảo tưởng, viết tên tuổi mình lên một mẫu giấy cùn nhét đại vào chai đậy kín rồi thảy bừa lên mặt biển. Biển cả thì mênh mông…


Biển cả thì mênh mông…

thơ xa mà nỗi buồn kề

hỏi ra mới biết cùng quê Tiền Ðường


câu thơ ngắn, tình dặm trường

sắt son cũng chỉ mình thương nỗi mình (*)


Biển cả thì mênh mông. Nhất là thứ biển dữ đã chia lìa một dân tộc. 30 năm nay, anh và tôi ở hai bên bờ biển dữ đó, chúng ta xa lạ nhau cũng đành. 30 năm trước đó nữa, chúng ta cũng không có dịp quen nhau, anh ở tận đâu ngoài trung, tôi ở tuốt dưới miền tây mù mịt. Anh đã vẩy bút thơ thẩn, tôi thì cứ bận thẩn thờ với mấy cái phận mỏng cánh chuồng… Và ở giữa chúng ta, còn cái biển dữ chiến tranh đã nhận chìm hết mọi dự phóng thanh xuân.


Vậy mà đọc thơ anh rồi tôi lại tưởng như chúng ta có một người quen chung. Nguyễn Du. Ðọc thơ anh rồi, tôi lại nhớ Nguyễn Du vô hạn. Và hổng chừng nhờ có Nguyễn Du mà sóng biển đã đưa thơ tôi về tới tay anh. Và như vậy mà sóng biển mang lại cho tôi thơ  anh làm tặng. Ðọc thơ anh rồi lại thấy có mình ở trỏng. Y như cái ngày Ðạm Tiên hiện về báo mộng cho Kiều trong sổ đoạn trường đã có tên ghi


tương đồng một lớp tài hoa

một thầy Bạc Mệnh chắc là đồng môn

truy nguyên gốc gác ngọn nguồn

không Tầm Dương cũng Tiền Ðường đó thôi

trẩy chung khúc Vận khúc Thời

cùng tang thương gánh mệnh trời oái oăm

xa người muôn dặm phong vân

dang tay ta chịu Phong Trần đóng đinh

mượn thơ chôn khối u tình

người đâu trắc ẩn nhận mình cùng quê (**)


Cùng quê ? Ờ thì còn quê nào khác ngoài cái quê cùng-đường-bạc-số ! Cái quê không chéo đất dung thân của nguyên một đám bên-trời-lận-đận. Cái quê có những bến-tầm-dương lau lách quạnh hơi thu, có những sông-tiền-đường mênh mông trông vời con nước … Cái quê của những-đạm-tiên nửa-chừng-xuân gảy cánh, của những-thúy-kiều xưa-rủ-là-phong-gấm, mấy chốc đã tan-tác-hoa-giữa-đường… Quê của một loại người sinh ra làm thi sĩ khi mặt đất đã khô hạn và những nhành nguyệt quế đã rụi tàn.


Quê nào anh hả. Ðã có chốn nào vốn dĩ thiệt là quê ta -quê hương với cái nghĩa cưu mang và cái tình âu yếm nhất. Ðã có lúc nào chúng ta thôi khốn khó ngay trên chính nơi chốn đã sinh ra. Ðã có lúc nào, anh và tôi và bạn bè cùng lứa đã được ru hời trên nôi võng quê hương. Hay ngay chính trên quê hương bạc bẽo mà chúng ta đã biết thế nào là oan ức, là bầm dập, là tủi nhục, là lưu đày. Bài thơ đầu tập Ðan Tâm có tựa là Ðất trích, chắc có xa xôi gì đâu với đất đá Dạ Lan. Bốn phía rừng xanh màu nước độc…


Thử tưởng đến cái ngày Lý Bạch bị đưa ra khỏi hoa lệ Trường An, đọa lạc giữa sơn cùng thủy tận ! Thử nghĩ đến ngày một người làm thơ chân thật bị tước đoạt hết giấy bút, lột trần hết mọi mơ mộng rồi nhét vào tay lưỡi cuốc cán trục, đẩy xuống lội sì sụp giữa những luống sình oan khổ …


Thử tưởng lại…

Thử tưởng lại…

Buổi sớm ngày 1 tháng 5 năm 75, trời vùng biển mù sương. Tôi theo mấy người bạn đi trình diện những người thắng trận. Ðiểm tập trung là khuôn viên của một công thự nằm kề bên cửa vịnh. Trời chưa chịu sáng, gió sớm mặn mùi muối biển thổi rát mặt mày. Ai nấy lặng thinh, lặng thinh vì không có điều gì để nói hay có quá nhiều điều không nói được… Không ai biết mình phải làm gì. Không ai biết mình sẽ ra sao.

Vậy đó, rồi có ai đọc Kiều, Kiều của Nguyễn Du, giọng trầm nghe vừa ai oán vừa châm biếm làm sao


… hàng thần lơ láo phận mình ra chi

 

Chắc anh cũng giống như tôi, buổi sáng hôm ấy, từ một chỗ nào đó ở phía nam vĩ tuyến 17, anh  đã hiểu thấu thế nào là hai chữ “lơ láo” hả anh.


Anh và tôi và bao nhiêu đồng lứa khác từ đó chịu cùng một cuộc bể dâu. Cuốn sổ đoạn trường trong tay Ðạm Tiên hẵn đã dầy thêm gấp bội.

Sinh thời, Nguyễn Du  đã có lần ngậm ngùi


một phen thay đổi sơn hà

mảnh thân chiếc lá biết là về đâu


Hình tượng chiếc lá tuyệt quá hả anh. Trong cơn gió bụi vô tình, người ta, nhất là thứ người ta có ít nhiều chữ nghĩa có khác gì với chiếc lá bị rứt đột  ngột ra khỏi cành. Vốn liếng là mớ chữ nghĩa đã trở thành vô dụng, tư cách theo lễ giáo bị coi như phản đạo-đức-cách-mạng… không là chiếc lá bay vật vờ theo gió cuốn thì còn là gì nữa! Thời đó lại là thời đăng quang  của bóng tối đem về sự ngu dốt, thời lên ngôi  của bất nhân đem về những khuyển-ưng với mã-giám-sinh, cấu kết lại để làm một cuộc trả thù vô tiền khoáng hậu. Mà những người như tôi với anh, cái thứ lãng-mạn-tiểu-tư-sản thì phải kể là một trong những đối tượng bị săn đuổi đến kỳ cùng. Bánh xe “cách mạng” như con quái vật khổng lồ lăn những vòng quay mù quáng, nghiến nát đến tận cùng mọi mầm móng của giá trị nhân bản. Không công khai, nhưng rõ ràng chủ đích của cái gọi là cuộc cách mạng văn hoá xây dựng con-người-mới chính là nhằm loại trừ ra khỏi đời sống cộng đồng một thành phần dân tộc-thành phần học thức - bằng cách thức âm hiểm và tàn độc không thua gì mẹ con Hoạn Thư. Trả thù trong sự ganh ghét và tị hiềm. Làm-cho-mệt-cho-mê-làm-cho-đau-đớn-ê-chề-cho-coi ! Những lệnh lạc tức cười nhằm hạ nhục người tù được gọi cải tạo viêntrong những trại tù được gọi một cách “thân ái” là trại cải tạocủa những chú vệ binh ngây ngô súng-dài-súng-ngắn, của những tên quản giáo vừa ngu dốt vừa hiểm độc là những bằng chứng điển hình.


Chuyện đã lâu cũng không muốn nhắc lại. Nhưng không nhắc lại làm sao thấu được tình cảnh của một lớp người mà hồn họ nhạy bén đến nghe được tiếng trở mình của một chiếc lá thu, mà đời họ trời sinh ra để làm mối giao cảm giữa đời trước với đời sau. Những người thi sĩ ấy. Hãy nghĩ đến những người thi sĩ ấy trong cuộc đổi đời tàn khốc đó.


Người ta vui, họ vui gấp bội

Người ta buồn, họ buồn gấp nhiều lần

Người ta khổ một, họ khổ mười.

Bởi vì chính họ, vui buồn đau khổ là vui buồn đau khổ cho và cùng thiên hạ.

 

Người thi sĩ ấy, kẻ khổ nạn, người mang thập tự giá thay cho nhân loại.

Ðã có bao nhiêu hồn thi sĩ vất vơ lay lắt trong cái thời quỹ ám đó !


Thử tưởng lại.

Thử tưởng lại.

Nắng tháng bảy đổ lửa lên nhựa đường lỏm chỏm đá sỏi sau nhiều năm không tu bổ, bụi đất bốc lên có vòi mỗi lúc xe qua. Người qua kẻ lại, thất tha thất thểu mua mua bán bán. Con nít trần trụi, mủi nhểu lòng thòng, tụm năm tụm ba nơi những quán ăn chờ chực những dĩa cơm bỏ thừa. Lính tráng cũ cụt tay cụt chân bò lết trên lề phố xin ăn. Lính tráng mới xúng xính quần áo mới xênh xang mua “đài” mua máy. Chợ trời Rạch Gía. Những năm 78, 79.


Sau gần hai năm “cải tạo”, được trả về làm con-người-mới, tôi đã thay đổi chục lần chuyện kiếm ăn. Kéo xe cây, vác gạo, bưng hồ, đào mương, “chạy mánh”… sau hết, nghe lời xúi biểu tôi phóng ra chợ trời, trải chiếu, che dù làm chuyện mua bán …mạng… Mua bán là mua một bán hai, mua hai bán bốn… Mua bán mà không biết trả giá kỳ kèo thì làm sao bán với mua. Mà lòng tôi, tôi chưa từng biết trả giá với đời. Tôi mua bán mà đứng ngồi không yên, mà băng hăng bó hó sợ mình bán mắc người ta giận, sợ mình bán hố người ta cười.


Anh cũng vậy anh hả. Anh cũng ra chợ. Người thi sĩ ấy.


ma xui quỷ khiến ra ngồi chợ

bán gió rao trăng.. một núi dừa !

mặt người keo kiệt màu cứt sắt

miệng lưỡi cò kè ngọt lẫn chua

***

không có chỗ chơi sao ra chợ

lăn lóc bon chen mấy đống dừa

ba tháng bay vèo ba mươi vạn

tính chuyện tiền nong ngỡ chuyện đùa (**)


Ðọc thơ anh, biết anh cũng mang hồn thơ ra lăn lóc chợ đời, lòng thấy bồi hồi lắm. Ngày xưa đọc Kiều thanh-y-hai-lượt-thanh-lâu-hai-lần đã lấy làm thương cảm. Nay anh còn ở đó, mấy chục năm qua hẵn đã hơn một lần cám cảnh mình mà thương nhớ Kiều nhi ! Giữa chốn chợ người nhơ nhớp đó, có lần nào anh há miệng cười mà nước mắt sa. Thân lươn bao quản lấm đầu. Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa !


Trong một lá thư gởi cho tôi, sau khi đã quen nhau qua thơ văn dù chưa một lần gặp mặt, anh đã viết :‘‘từ mấy thập kỷ rồi, cái ‘‘thế giới ở đó” ấy đã giết tuổi thanh xuân đầy lãng mạn và đam mê văn chương của tôi, có lúc đã biến tôi thành một cái xác phàm vai u thịt bắp trần trụi, bâng khuâng và u hoài mất ngủ. Cũng may tâm hồn mình không để bị nhúng chàm, vấy bẩn, ăn dơ…”

 

Ôi  tâm hồn mình không để bị nhúng chàm, vấy bẩn …” Ôi người thi sĩ ấy !


Anh đã sống y như vậy. Tôi biết, dù chưa một lần gặp gỡ. Tôi biết, dù 30 năm qua trời đất cỏ cây ở đó còn có lúc xác xơ nói gì lòng con người đến lúc tuyệt vọng. Anh đã sống y như anh nói. Tôi biết, dù giữa tôi và anh 30 năm qua không từng liên lạc. Tôi biết vậy, vì tôi đọc thơ anh. Thơ anh là thơ nòi tình, truyền từ  nhánh máu của những Nguyễn Du, những Chu Mạnh Trinh, những Cao Bá Quát…  những người đã sống và làm thơ như một thi sĩ đích thực, sống và làm thơ chân thật với  tình mình đã sống. Thơ anh đã vậy, tình anh không thể khác được. Tôi bắt gặp trong thơ anh, nhất là lục bát, cái hơi mát rượi hồn hậu của lục bát ca dao, cái nhẹ nhàng mà tinh tế của lục bát Nguyễn Du với những câu Kiều muôn thuở. Tôi bắt gặp trong anh cái mạch thơ vi diệu của một hồn thanh tao, thứ thanh tao không chịu nhúng bụi lầm. Lục bát của anh làm nhớ một thời phong lưu tao nhả vào ra những bậc trang đài… thơ như vậy làm sao người làm thơ chịu cho được cảnh lỡ-làng-nước-đục-bụi-trong …


xưa ta cầm tuổi hai mươi

vay em nhan sắc về nuôi tâm hồn

nuôi bao mộng mị vàng son

một đêm trắng mộng… chỉ còn đan tâm (**)


đọc thơ mà nghe  như u ẩn cứ chực chờ trào ra năm đầu ngón tay… bất lực.


Nên tôi không lạ khi nghe tin anh


lấy giẻ rách che tay

cắm chông gai rào miệng

nhặt nhạnh gia tư ít đồ tế nhuyễn

trèo lên xe trâu

lui về quê kiểng

mài răng gặm nhắm cái thanh bần (**)


Anh không dám so sánh với Ðào Uyên Minh nhưng tôi tin Ðào Uyên Minh đời nào cũng có. Hồn làm ra thơ. Thơ đã vậy thì nguồn hồn đã vậy. Thư giả dối nhưng thơ không giả dối. Hồn không thấy trắng thành đen thì thơ không nói đen thành trắng. Hồn đã không chịu cảnh lòn trôn thì thơ cũng thanh khiết để nói điều chân chính. Ðọc thơ anh, càng đọc càng thấy ra cái bóng cô đơn của người thi sĩ, cái giống loài càng lúc càng hiếm hoi.


giỏi giang gì mà tri với ngốc

chỉ biết hôm nay giày rơm áo cỏ

vinh danh “quân tử cố cùng”


Tôi viết những dòng này khi năm sắp hết. Nghe tin thiên hạ đang rộn rịp về quê ăn tết lòng không khỏi ngậm ngùi. Người ở đó còn chưa thấy xuân thì người bên nây kéo về cởi-ngựa-xem-hoa thì có phải là đang dẫm lên những tấm lòng son …


C A O V Ị K H A N H

 (*) thơ Cao Vị Khanh ̣   (**) thơ Phạm Ngo                                        

 

. NHƯ MỘT NÉN TÂM HƯƠNG

         

*thơ trích từ hai tập Đan Tâm ( 2004 ) và Mây Nổi ( 2007 ) của Phạm Ngọc Lư

*tranh FélixVallotton