Monday, April 24, 2023

2882. NGUYỄN THỤY ĐAN Cái viết của nước mắt

Nhá văn Phạm Thành Châu - Đinh Cường vẽ

Khoảng hai năm nay, tôi hầu như đình-bút, không muốn vì những cảm-nghĩ nhất-thời mà khinh-suất phê-bình các nhân-vật xưa nay. Sự ngần ngại của tôi, một phần nào đó được sinh ra bởi mong muốn duy-trì một chủ-trương cẩn-trọng đối với những thứ tôi chưa thật-sự thông-thấu đến tận-cùng khả-năng. Nhờ quá-trình tĩnh-tu này, ngày qua tháng lại, tôi đã tiệm-tích những điều sở-ngộ, đôi khi xác-định được những cảm-tưởng tâm-đắc trước kia, nhưng lắm lúc lại phủ-định tan tành những lập-trường và lập-luận tôi đã từng rất mực gắn bó mà cho rằng đã là kiên-cố lắm thay. Bây giờ để hạ-bút lạm bàn văn-chương nghệ-thuật, có lẽ động-lực phải khởi nguồn từ đâu đó khác, quyết chẳng phải từ mong muốn lập-thuyết phê-bình.

Với Phạm Thành-Châu, nguồn động-lực ấy chính là nợ tình-cảm. Ban đầu, tôi được biết về Phạm Thành-Châu và sự-nghiệp trước-thuật của ông qua những cuộc điện-thoại với Nguyễn Minh-Nữu, bấy giờ mới gọi là người sơ-giao, chứ chưa đích-thực là người tri-giao vong-niên như sau này. Bấy giờ, Nguyễn Minh-Nữu đương khuyến-khích tôi nên lưu-tâm về trước-thuật và độc-chúng đương-đại, nên đọc và viết nhằm tương-tác và giao-lưu với những người cầm bút cùng thời với mình, vì vậy cũng nên chuyển-hướng sáng-tác bằng Việt-văn hiện-đại, đừng quá nệ-cổ mà đâm ra vô-ích. Phạm Thành-Châu, theo lời kể của Nguyễn Minh-Nữu, là một trong những nhà truyện ngắn bậc thượng-thừa của văn-đàn hải-ngoại, nên đọc và ngoạn-vị nếu muốn vươn tới một bước ngoặt trong sự viết của bản-thân. Để làm chứng cho nhận-định đó, Nguyễn Minh-Nữu đã khẳng-khái gửi tôi tập truyện Lời Tỏ Tình của Phạm Thành-Châu. Nói chẳng ngoa, tôi mới đọc xong truyện đầu tiên thì đã rơm rớm nước mắt, mà càng đọc thì lại càng khóc. Bấy giờ tôi đã tự thấy ngớ ngẩn, vì cho dù vào những ngày tháng đấy, quả-nhiên tôi đang trải qua một số biến-cố trong cuộc sống, nhưng bảo là nhiêu đấy chuyện lặt vặt lại đủ để khiến tôi khóc nức nở vì những cốt truyện rất mực nhật-thường và bình-dị – kể cả trong lúc hoang-đường – thì có lẽ là chưa. Song, nghĩ lại, cũng không thể đổ hoàn-toàn cho cảnh-ngộ và tâm-trạng đương-niên, vì cho đến ngày nay, tôi rất ít khi cầm đọc tập truyện của Phạm Thành-Châu, vì lý-do đơn-giản là mỗi lần đọc, lại mất một buổi trầm-ngâm và ngậm ngùi.

Truyện ngắn của Phạm Thành-Châu là một ví dụ điển-hình cho sự khó khăn của công cuộc định-nghĩa và phân-loại cái gọi là điển-phạm văn-học Việt-nam. Nếu lấy điển-phạm văn-học hải-ngoại làm điểm quy-chiếu về niên-đại sáng-tác, thì các tập truyện ngắn của Phạm Thành-Châu – Nhớ Huế, Lý Lẽ Của Trái Tim, Lời Tỏ Tình, Bức Họa Khỏa Thân, Vô Tình – đều xuất-bản rất muộn, trong đó tập gần nhất mới xuất-bản cách đây chưa tròn hai năm. Nhưng nói về nội-dung, thì cốt truyện thường mượn bối-cảnh chiến-tranh, bối-cảnh hậu-chiến ở miền Nam, bối-cảnh cuộc sống hải-ngoại, có lẽ là vào những thập-niên đầu của trải nghiệm di-dân. Nói cách khác, trong khi nhận xét chủ-lưu của các nhà phê-bình hải-ngoại đã cơ-hồ đồng-thanh khi tuyên-bố hiện-trạng lão-hóa của văn-đàn hải-ngoại, chính trong sự lão-hóa đó lại có hiện-tượng “hàn-hoa vãn-tiết” của một Phạm Thành-Châu xuất-hiện không những muộn, song cứ về mặt văn-phong và nguyên-ủy trước-thuật, thì cũng có phần lệch thời đáng để chú-ý. Điều thú-vị hơn, là bản-thân tác-giả có vẻ không ý-thức hoặc quan-tâm đến vị-trí đặc-biệt này, một chỉ sản-xuất tác-phẩm bằng phù phép nào đó mà gửi vào cõi đời, chẳng theo một chủ-trương hay trường phái văn-học nào cả. Sau những lần gặp gỡ và chuyện trò với Phạm Thành-Châu về tư-tưởng và phương-pháp làm văn của ông, sự thích-thú của tôi đối với truyện ngắn của ông đã chuyển sang lòng khâm-phục đối với sự nghiêm-cẩn của một người gồm đủ tư-cách của một nhà văn đích-thực. Một người làm văn giữa bốn vách tường đìu hiu, ở một nơi độc-giả của ông sẽ không bao giờ biết đến, hoặc ngẫu-nhiên mà bước chân qua đấy, thì cũng sẽ không bao giờ ngờ rằng nơi đấy chính là nơi cưu mang những văn-tứ tình-cảm và sâu lắng của tác-giả họ vẫn hằng quý mến. Một nhà văn, không tự cho mình là nhà văn, không tự hô-hào rằng những gì mình viết ra là văn-chương. Tôi không có ý-định lãng-mạn-hoá con người và tác-phẩm của Phạm Thành-Châu. Chẳng qua là chính những điều này, đã khiến cho tôi gặp phải không ít khó khăn trong việc nhận-định về trước-tác của Phạm Thành-Châu và vị-trí của những truyện ngắn của ông trong điển-phạm đương-đại. Ở một phương-diện nào đó, cái viết của Phạm Thành-Châu rất cũ – cái cũ này rất khó để định-nghĩa cho chính-xác, vì văn-phong của Phạm Thành-Châu luôn mang tính khẩu-ngữ sinh-động và hóm hỉnh. Phạm Thành-Châu không cũ theo kiểu văn-phong trữ-tình lãng-mạn, cũng chẳng cầu-kỳ về mặt mài giũa câu chữ làm sao cho trầm bổng nhịp nhàng. Có lẽ cái cũ tôi cảm-nhận được ở nơi văn của Phạm Thành-Châu là những hoài-bão, những buồn vui, những trải nghiệm của một thế-hệ cụ-thể, duyệt-lịch và nếm mùi những bước trời gian-nan cụ-thể, mà chính những tính cụ-thể đấy lại tạo nên một hơi hướm “cũ.” Vì thế, lại rất khó để truyền-đạt cho những người ngoài cuộc thấu-hiểu và rung động bằng người tự thấy mình có liên-quan đến cốt truyện của tác-giả, cho dù sự liên-quan đấy có thể chưa đủ để nói là gắn bó.

Trong 77 truyện ngắn của Phạm Thành-Châu đã được xuất-bản chính-thức trong các tập truyện liệt-kê ở trên, tôi chưa chắc đã đọc được hơn một nửa. Song, nhưng truyện đã đọc được, thì đã đọc lại nhiều lần, không những ở nhiều nơi trên đất Mỹ, mà còn đọc ở hải-nội. Tuy chưa đủ để nhận xét với thẩm-quyền của một nhà phê-bình, thiết-nghĩ cũng đã có tư-cách của một người độc-giả đã có ít nhiều trăn trở với truyện ngắn Phạm Thành-Châu. Khi đề-cập truyện ngắn của Phạm Thành-Châu với một vài bạn quan-tâm tới văn-học hải-ngoại, tôi đã một lần ví truyện Phạm Thành-Châu như dòng Chicken Soup for the Soul, ngày xưa rất được lòng độc-chúng phổ-thông. Sự so sánh ấy, rất dễ bị hiểu lầm hoặc bóp méo thành một cái nhìn xem nhẹ tính-chất văn-học của truyện ngắn Phạm Thành-Châu, nhưng cách hiểu này thì tuyệt-nhiên không nằm trong chủ-ý của tôi khi đặt ra sự tỷ-giảo này. Tôi ví truyện ngắn Phạm Thành-Châu với dòng Chicken Soup, là nói về hiệu-ứng gây bồi-hồi xao xuyến qua những cơn cảm-động tuy không lớn lao như một cú chấn-động thiên sầu địa thảm, cũng chẳng nhẹ nhàng và mang-mang theo kiểu trữ-tình tinh-luyện, nhưng vẫn khiến độc-giả phải động lòng, dù nhiều khi chỉ là động lòng một cách hơi ngớ ngẩn, không thể dựa vào trường phái phê-bình nào để giải-thích cho khỏi bối rối.

Truyện ngắn của Phạm Thành-Châu dường như là viết cho độc-giả đại-chúng, chứ chẳng phải là viết với tham-vọng đối đầu với ngòi bút của các nhà phê-bình. Độc-chúng chính của Phạm Thành-Châu cụ-thể bao gồm những ai, thì thực-tình tôi chưa hoàn-toàn hình-dung cho ra được. Với tôi, truyện ngắn của Phạm Thành-Châu duyên dáng chính ở cái ngây thơ và vô-tư – làm văn đấy mà chẳng dự làng văn, viết truyện đấy mà chẳng nhập hội phê-bình. Cái viết của Phạm Thành-Châu là một lối văn-chương vô-cùng giản-dị, nhưng là cái giản-dị được kiện-toàn bởi công-phu văn-học khủng khiếp. Lần đầu đọc Phạm Thành-Châu, cụ-thể là bài “Tuổi Già ở Virginia” trong Quán Văn số 60, tôi đã lưu-ý điều này, mà chép vài dòng nhận xét rằng: “Đọc Phạm Thành-Châu như sưởi nắng dương-xuân, hóng ngọn đông-phong. Nhàn-tản mà khỏe khoắn, biến-hóa âm thầm mà không khúc-chiết. Đọc văn tưởng như con người hiện ra trước mắt vậy.” Về sau, càng đọc, càng lưu-ý tới cách dùng từ của Phạm Thành-Châu, đặc-biệt là từ-ngữ Hán, lại những điển-tích từ kinh-điển và văn-học trung-đại. Có lẽ ở thời-điểm này, số người cầm bút ở hải-ngoại, còn có thể mượn điển-tích từ Kinh Thi hay Lý Bạch để đưa đẩy hoặc lồng vào những cốt truyện hoàn-toàn tương-phản về bối-cảnh và tinh-thần hoài-cổ, hoặc không còn nhiều, hoặc không tồn-tại. Đương-nhiên, chỉ nói về văn-đàn miền Đông-Bắc Hoa-Kỳ, thì đọc Trương Vũ hoặc Nguyễn Minh-Nữu cũng đã thấy rất nhiều yếu-tố tạm gọi là cổ-nhã, nhưng điều này không đáng để quá ngạc-nhiên vì thường những yếu-tố đấy là những thủ-pháp tác-giả dùng để tạo nên hơi hướm hoài-cổ trong văn hồi-ký. Với Phạm Thành-Châu thì phép dùng chữ lại khác –trong những câu chuyện rất mực đời thường, hốt-nhiên một chữ này, một câu nọ, khiến cho độc-giả hoang-mang, tự hỏi phải chăng chính trong những chuyện tầm-thường này, tác-giả đã gửi gắm những mối ưu-hoài nào đó, chưa dễ nhận-chân bằng con mắt bàng-quan?   

         Từ khi dọn về hải-nội, tôi đã nhận-thức được một điều, trước đây tôi chưa đủ duyệt-lịch sự đời để xác-định cho bản-thân, rằng: từ suy-nghĩ, đến cử-chỉ, đến cách ăn nói hoặc giữ im lặng, tôi chịu ảnh-hưởng quá nhiều từ một môi-trường xã-hội rất khác với thế-giới xung quanh. Sự khác biệt này, ở mức độ sâu thẳm nhất, được gửi gắm và thể-hiện qua sự viết. Sự viết, theo lẽ tự-nhiên, lại được bồi-dưỡng từ sự đọc. Khi tôi chuẩn-bị dọn nhà về hải-nội, tôi đã nhờ nội-nhân mang giúp toàn-tập truyện ngắn của Phạm Thành-Châu. Tôi không làm thế vì thiên-kiến giao-tình với tác-giả, mà chính là vì tôi đã nhận thấy ở dòng văn-chương này, một cái gì đó rất thật, rất gần với cuộc sống và trải nghiệm của chính tôi, một cái gì đó gắn liền với cái chúng ta gọi là “hải-ngoại” cho dù chúng ta hầu như không thể định-nghĩa nội-dung và phạm-vị của cái “hải-ngoại” ấy là thể nào. Có những đêm đọc truyện Phạm Thành-Châu, tuy là ngoài song cửa là Kẻ Chợ đấy, nhưng cứ ngỡ như mình đang hít thở không-khí của những nơi chốn dù rất quen thuộc, nhưng bây giờ dường như đã thuộc về một tiền-kiếp xa xưa. Đọc Phạm Thành-Châu, tôi ý-thức sâu sắc sự già nua của chính tôi ở giữa thời-đại. Những gì Phạm Thành-Châu đã viết về con người và xã-hội miền Trung, miền Nam, và thậm-chí các cộng-đồng người Việt ở Mỹ, bây giờ phải nói là vang bóng của những thập-niên cho dù không xa về năm tháng, nhưng đã thăm thẳm về nhân-tình thế-thái. Đã không ít lần, tôi đem truyện Phạm Thành-Châu chia sẻ với bạn bè chỉ kém tôi vài ba tuổi, để rồi thấy họ có cùng một phản-ứng nhạt nhẽo, chẳng cảm-động mấy. Cho dù hiểu được sự thờ ơ của họ, song sự thông-cảm đó cũng chẳng khiến được cho tôi khỏi sự bồi-hồi mỗi lần đọc Phạm Thành-Châu. Từ sâu trong tâm-khảm, tôi tự cảm-nhận một sự xót xa mang-mang nào đó khi nhận-định về truyện ngắn Phạm Thành-Châu, ra đời rất muộn, lại gặp phải buổi giao-thời đáng kinh đáng sợ này. Tôi chẳng biết mười năm nữa, hai chục năm nữa, còn ai khóc vì truyện Phạm Thành-Châu chăng?  

Tôi ghi lại những dòng tạm bợ này, như một sự nhắc nhở bản-thân, sự viết của Phạm Thành-Châu có gì đó rất đáng để chú-ý, rất đáng để suy-nghĩ kỹ và cảm-thông sâu. Tôi không ngần ngại dùng từ hiện-tượng để nói về cái viết của Phạm Thành-Châu, cho dù đặc-sắc của hiện-tượng đấy là điều chưa được phác-họa đầy đủ hay thuyết-phục. Cho dù đã lấy cớ nợ tình-cảm để viết những dòng này, song nợ ấy tôi tự thấy chưa trả được, vì chưng tình-cảm ấy vẫn miên-miên mãi chẳng dứt.

 

Việt-Thạch Nguyễn Thụy-Đan
viết ở Lãm-Huệ trai, Kẻ Bưởi
2023

Nguyễn Thụy Đan và Phạm Thành Châu, Virginia, 2022