Cuộc chiến tại Ukraine đã kéo dài hơn một năm. Chính xác, tính từ ngày quân Nga tràn ngập tiến vào Ukraine ngày 24/2/2022, là khoảng một năm và hai tháng. Những con số thương vong, tan tác ngày càng tăng thêm. Cuộc chiến chưa biết tới bao giờ sẽ ngưng. Những cơ quan có trách nhiệm như Liên Hiệp Quốc, các hội chăm sóc thiếu nhi, các tu sĩ tôn giáo, và ngay các bậc cha mẹ trong gia đình cũng tự suy nghĩ, rằng phải nói gì cho trẻ em để hiểu được rằng cần phải có tình thương yêu mới xây dựng được thế giới an toàn bền vững. Và phía ngược lại, các em đang nói gì với người lớn về thế giới đau đớn này, vì lỗi đâu phải ở các em?
Người ta chưa thế biết chính xác những con số chết và bị thương đối với chiến binh hai nước Ukraine và Nga, vì những con số này là bí mật, và khi đưa ra hiển nhiên là có yếu tố tuyên truyền. Chỉ có thể đoán là mỗi bên, chiến binh cả chết và bị thương hẳn là ở 6 hàng số, nghĩa là, ít nhất 100.000 chiến binh thương vong.
Tương tự, chết và bị thương
về phía thường dân cũng dị biệt, vì con số chính quyền Ukriane đưa ra cũng khác
với con số Nga đưa ra. Phía Liên Hiệp Quốc lập hồ sơ theo dõi lại chỉ đếm được
những con số có thể xác minh, phần người mất tích thì không bao giờ biết được.
Liên Hiệp Quốc đưa ra thống
kê, tính từ ngày 24/2/2022 tới ngày 9/4/2023, thiệt hại về thường dân là: 8,490
người chết, và 14,244 người bị thương.
Phía chính quyền Ukraine,
đưa ra con số từ văn phòng Công tố tội phạm chiến tranh là ước tính 100.000 thường
dân đã chết, tính từ 24/2/2022 tới 23/2/2023. Con số bị thương hiển nhiên là
nhiều hơn.
Phía chính quyền Hoa Kỳ, đưa
ra con số 40.000 thường dân Ukraine đã chết và bị thương, tính từ 24/2/2022 tới
9/11/2022.
Trong tuần đầu tiên của cuộc
xâm lược, LHQ báo cáo có hơn một triệu người tị nạn đã chạy ra khỏi Ukraine;
con số này sau đó đã tăng lên hơn 8 triệu vào ngày 31/1/2023. Tính ra, ước chừng
8 triệu người Ukraine đã phải di dời, chạy loạn trong nội vi lãnh thổ Ukraine
vào tháng 6/2022 và có hơn 8,1 triệu người đã rời khỏi Ukraine vào tháng 3/2023.
Hầu hết những người tị nạn là phụ nữ, trẻ em, người già hoặc người khuyết tật.
Hầu hết nam công dân Ukraine từ 18 đến 60 tuổi đều bị từ chối xuất cảnh khỏi Ukraine, theo lệnh tổng động viên, trừ khi họ chịu trách nhiệm cấp dưỡng tài chính cho 3 đứa con trở lên, hoặc là cha đơn thân hoặc là cha mẹ/người giám hộ của trẻ em khuyết tật. Nhiều nam giới Ukraine, bao gồm cả nam thanh thiếu niên, đã chọn ở lại Ukraine một cách tự nguyện để tham gia kháng chiến.
Catherine Russell, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), nói rằng những con số không nói lên được mặt thực của chiến tranh, vì có những vết thương kéo dài suốt đời: “Đằng sau mỗi con số là một gia đình tan vỡ và thay đổi mãi mãi. Thật đau lòng. Cuối cùng, trẻ em và gia đình cần sự bình yên, và điều đó sẽ không sớm xảy ra.”
Nhưng, trẻ em nhìn thế nào về thế giới hư vỡ của chúng ta? Một số trẻ em Ukraine đã dùng thơ và họa để nói lên ước vọng hòa bình. Nhiều cơ quan cấp Bộ của Ukraine cùng hợp tác với hội từ thiện về nghệ thuật thiếu nhi Lviv Children's Gallery Charity Foundation đã mở ra cuộc thi vẽ, lấy tên là Diễn đàn quốc tế “Giá vẽ vàng 2023” (International Forum “Golden Easel 2023”) trong đó sẽ dùng tất cả những đóng góp từ thiện để hỗ trợ trẻ em của cuộc chiến ở Ukraine. Lviv là một thành phố phía Tây Ukraine, nơi bình yên nhất trước giờ tại Ukraine, vì chiến tranh tập trung ở Miền Đông và Miền Nam Ukraine. Nếu bạn là trẻ em, bất kể ở nơi nào trên thế giới, bạn đều có quyền gửi họa phẩm dự thi qua mạng. Nếu trong nhà bạn có trẻ em, hãy khuyến khích các em vẽ tranh dự thi. Hãy kêu gọi các em lên tiếng về thế giới này.
Chương trình thi “Giá vẽ
vàng 2023” có mục tiêu thu hút càng nhiều quốc gia càng tốt để hiểu được sự khủng
khiếp của chiến tranh trên lãnh thổ của Ukraine, để hỗ trợ Ukraine và cho thế
giới thấy nghệ thuật của trẻ em trong cuộc đấu tranh cho một bầu trời hòa bình
trên trái đất… dự kiến bán đấu giá các tác phẩm dành cho trẻ em để gây quỹ cho Quân
Lực Ukraine; dự kiến tổ chức các cuộc triển lãm tại Ukraine và nước ngoài. Người
tham gia cuộc thi sẽ là trẻ em toàn cầu từ 4 đến 17 tuổi. Xin xem chi tiết và gửi
tranh vào trang này:
https://artclass.lviv.ua/en/golden-easel-2022/
HÌNH 01:
Bây giờ là tháng 4. Hẳn nhiều bạn còn nhớ rằng chúng ta vừa trải qua Ngày Thơ Thế Giới (World Poetry Day), theo truyền thống là ngày 21/3 hàng năm trong các chương trình của UNICEF. Trong ngày 21/3/2023 vừa qua, để kỷ niệm Ngày Thơ Thế Giới, hàng trăm trẻ em và thanh thiếu niên trên khắp thế giới đã gửi lên những bài thơ nêu lên trải nghiệm của các em về chiến tranh, và để kêu gọi hòa bình, như một phần trong sáng kiến Những bài thơ vì Hòa bình (Poems for Peace initiative) của UNICEF.
Năm 2023 là năm thứ tư của chương trình này, Những bài thơ vì hòa bình đã tìm cách đưa lên tiếng nói của những người trẻ sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và ghi lên hy vọng của họ về hòa bình ở quê nhà. Các bài thơ thể hiện nhiều chủ đề chung, tuy ghi về cách chiến tranh ảnh hưởng đến trẻ em, nhưng cũng bao gồm một cảm giác hy vọng khác biệt về tương lai. Sáng kiến này ban đầu do UNICEF giới thiệu hồi năm 2020 nhằm đưa ra tiếng nói của trẻ em và thanh niên trong quá trình xây dựng hòa bình.
Kể từ khi bắt đầu sáng kiến, UNICEF đã nhận được hàng ngàn bài thơ của trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 8 đến 24 tuổi và đã chấp nhận các bài dự thi từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Afghanistan, Burkina Faso, Ethiopia, Iraq, Mali, Myanmar, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen. Năm nay, hơn 1.700 bài dự thi đã được nhận từ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Ukraine. Đó là một cách để UNICEF làm nổi bật sức mạnh và lòng dũng cảm phi thường của những người trẻ tuổi, những người trực tiếp biết cảm giác phải sống chung với bạo lực, sợ hãi, bấp bênh; những người đã bị tổn thương khi bị chia cắt khỏi nhà, bạn bè và trường học; những đứa trẻ khao khát một tương lai ổn định hơn.
Nơi đây, chúng ta sẽ dịch một bài thơ của cô bé Maria, 12 tuổi. Hồi tháng 5/2022, cô bé Maria cùng với mẹ rời bỏ thành phố Odessa, Miền Đông Ukraine. Bây giờ hai mẹ con đang tỵ nạn Bucharest, Romania, nơi họ dự định ở cho tới khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc.
HÌNH 2:
Bài thơ của cô bé Maria được viết như một bức thư gửi tới người cha, dưới góc nhìn của một đứa trẻ bảy tuổi sắp trải qua một mất mát to lớn, trích dịch theo bản Anh văn như sau:
Ba thương yêu ơi, ba có nhớ
hôm nay là ngày gì không?
Hôm nay là sinh nhật con. Lần
thứ bảy!
Tại sao con không nhận được
thư?
Nhớ nhé, hãy viết cho con chút
gì vui đi!
Ba thương yêu ơi, con nghe
bà nội nói gì đó về ba,
Như thể ba sẽ không về nhà nữa,
nhưng điều đó có đúng không?
Nhưng không còn lá thư nào từ
ba tới nữa
Bởi vì nơi nào đó trên một cánh
đồng xa,
Nơi phủ đầy khói đen,
Một người lính đang nằm chết,
người đầy máu...
Không phải chỉ Liên Hiệp Quốc mới chú ý tới trẻ em trong chiến tranh. Nhà thơ Hoa Kỳ Nancy Kangas cũng có chương trình riêng. Sau ba mươi năm làm quản thủ thư viện, và sau khi chứng kiến giáo dục nghệ thuật từ từ biến mất khỏi các trường học ở Mỹ trong nhiều thập niên, nhà thơ Nancy Kangas bắt đầu hướng dẫn một chương trình đọc và làm thơ với tư cách là nghệ sĩ nội trú tại một trường mầm non ở Columbus, Ohio.
HÌNH
3
Và sau gần một thập niên dạy thơ cho trẻ nhỏ — và để trẻ em dạy cho mình thi pháp của thực tại được nhìn bằng đôi mắt trong sáng nhất — nhà thơ Kangas đã hợp tác với nhà làm phim tài liệu Josh Kun trong dự án Preschool Poets (Các Nhà Thơ Mầm Non), mời các nghệ sĩ thiếu nhi từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Nhiều bài thơ trẻ em gửi về đã cho thấy những cảm xúc dị thường. Kangas đã chọn ra 8 bài thơ ưa thích, trong đó có bài thơ của cô bé Brayden nhan đề “Bullets” (Những viên đạn). Bài thơ này dịch như sau.
NHỮNG VIÊN ĐẠN
thơ của Brayden
.
Thế giới ơi, hãy ngồi xuống
và hãy thư giãn
để không còn những cơn
giông.
Cây ơi, hãy tô màu cho lá.
Hãy thư giãn, mọi người ơi.
Hãy ngủ đi.
Hãy thư giãn, bầy sói ơi.
Hãy nằm xuống bên các cội cây.
Những viên đạn từ các nòng
súng ơi, hãy thư giãn,
Hãy ngưng bắn vào người.
Lửa ơi, hãy ăn củi nhé.
Stas Santimov – một họa sĩ người
Ukraine, cũng chuyên về sáng tác phim hoạt hình – đã chọn bài thơ “Những viên đạn”
của cô bé Brayden, qua giọng đọc Miracle, để làm thành 1 phim ngắn nơi đây:
https://www.preschoolpoets.org/poems
Và rồi thế giới của các nhà thơ sáng tác bằng tiếng Nga, trong và ngoài lãnh thổ Nga, nghĩ gì về cuộc chiến tại Ukraine? Bạn biết rồi. Báo chí hàng ngày không bận tâm về những gì các nhà thơ viết. Họ ưu tiên chạy theo tường trình các buổi họp báo của các Tổng Thống, hay ở mức độ tệ hơn, một số nhà báo chỉ ưa rình rập chụp hình và loan tin về các chuyện giựt gân. Bởi vậy, phong trào Các Nhà Thơ Chống Putin (Poets Against Putin) không được bao nhiêu người biết tới. Họ là các nhà thơ sáng tác bằng tiếng Nga. Họ sống cả trong và ngoài nước Nga, và họ làm thơ kêu gọi hòa bình cho Ukraine.
Một nhóm 5 học giả đã chuyển ngữ nhiều bài thơ sang tiếng Anh, và được nhà biên tập Julia Nemirovskaya đưa vào một tuyển tập thơ, nhan đề “Disbelief: 100 Russian Anti-War Poems” (Không tin nổi: 100 bài thơ Nga phản chiến). Nhà xuất bản trình bày rằng: “Tuyển tập song ngữ này là một nhánh của Dự án Kopilka, một kho lưu trữ trực tuyến các bài thơ phản chiến của các nhà thơ dùng tiếng Nga hiện đang sống ở Nga, Ukraine, Mỹ, Israel và các quốc gia khác. Kopilka có nghĩa là 'ngân hàng tiền xu' (‘coin bank’), và nhà thơ người Mỹ gốc Nga Julia Nemirovskaya, người khởi xướng dự án, đã mô tả nó giống như 'ném một đồng xu nhỏ vào một kopilka lớn hơn: nỗ lực tập thể để đánh bại Putin'. Trang web của Dự án Kopilka có tác phẩm của hơn hai trăm nhà thơ; tuyển tập này bao gồm bảy mươi bài thơ trong số này, trình bày nhiều điểm nhìn.”
HÌNH
4
Trong tuyển tập, có một bài thơ của thi sĩ Vera Pavlova, được Andrei Burago dịch qua tiếng Anh, và nơi đây chúng ta trích dịch như sau:
Đừng nói rằng bạn bắn vào
không trung.
Viên đạn sẽ tìm thấy mục
đích của nó.
Nhắm lên cao, bạn giết một
thiên thần,
Nhắm xuống thấp, bạn tàn sát
một xác chết.
Một con chim, một con thỏ, một
chuột đồng.
Viên đạn sẽ tìm thấy con mồi
của nó.
Hãy nghe lời mẹ, trốn vào một
cái hầm,
Quăng khẩu súng trường của bạn
đi.
Một trong những bài thơ đau lòng trong tuyển tập là bài ‘War is a Train’ ('Chiến tranh là một chuyến tàu') của thi sĩ Galina Itskovich, cũng là một nhà trị liệu tâm lý người Ukraine hiện đang sống ở New York. Bài thơ nói về cô con gái đang cố gắng giúp đỡ mẹ mình, một bà cụ mắc chứng mất trí nhớ, nhưng luôn luôn nghĩ tới chiến tranh là chuyện của năm 1941, khi cụ bà là một bé gái sống trong hoảng loạn kinh hoàng. Năm 1941, Ukraine còn nằm trong Liên bang Xô viết, dưới sự cai trị tàn bạo của Stalin. Tháng 6/1941, Đức xâm lăng Liên Xô, dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt nhiều năm.
Mỗi buổi sáng, bắt đầu từ thứ
Năm,
Tôi nói với mẹ tôi rằng chiến
tranh đã bùng nổ ra.
Mỗi lần, mẹ đều ngạc nhiên –
vì chiến tranh thuộc về thời
thơ ấu của mẹ,
không có thứ gọi là chiến
tranh dành cho người lớn.
Đây không phải là tuyên truyền
của Nga, đây là
chứng mất trí nhớ đơn thuần –
một ơn phước được quên đi bất
cứ thứ gì quá lớn
và quá đáng sợ.
Nó chìm lại vào Chủ nhật. Mẹ
bắt đầu tìm kiếm mẹ ruột của mẹ,
để khóc vì kinh hoàng,
để cầu xin và vụng về nói về
một cơn hoảng loạn mù quáng.
…
Làm ơn, đừng lớn lên, mẹ ơi,
đừng tiếp tục câu chuyện này
vào thứ Hai,
đừng sống trong sợ hãi vào
thứ Ba,
hãy dừng lại và ở trong năm
1941 của mẹ,
để con không bao giờ phải ra
đời
gặp phải nỗi kinh hoàng của
chính con,
nỗi sợ chết người dai dẳng
đó
trên khuôn mặt của các trẻ
em vừa được cứu
ra khòi thành phố Bucha
một ơn phước được quên đi bất
cứ thứ gì quá lớn
và quá đáng sợ.
Trong cuộc chiến xâm lược của
Nga tại Ukraine, hẳn là trong hàng ngũ chiến binh Nga cũng có một số Phật tử.
Nhưng nổi bật trong tháng 4/2023 là trường hợp một chiến binh Nga vừa thọ tam
quy ngũ giới của nhà Phật xong, liền chính thức tuyên bố lập trường phản chiến.
Và anh chấp nhận bị trừng phạt.
Đó là trường hợp của Trung
úy Dmitry Vasilets, người bị kết án 2 năm và 5 tháng tù sau khi một tòa án quân
sự Nga ở vùng Murmansk kết tội anh không tuân theo mệnh lệnh trong tác chiến,
theo tin của thông tấn Meduza. Người chiến binh 27 tuổi đã từ chối quay trở lại
chiến tranh sau khi chuyển sang Phật giáo.
Trung úy Vasilets nói với báo Novaya Gazeta vào tháng 12/2022, và được dịch bởi mạng Meduza, về những gì anh suy nghĩ sau khi trở thành Phật tử: “Thật vô nghĩa khi giết người. Điều này sẽ không giúp được gì mà chỉ nhân lên thêm nhiều đau khổ và hủy diệt, khiến tình hình trở nên tệ hại hơn. Chúng ta chỉ nên chiến đấu với sự nỗi giận bên trong nội tâm mình, thay vì kẻ thù.”
Khi bắt đầu cuộc xâm lược của
Nga, Vasilets đã theo đơn vị được đưa tới Ukraine với mục đích mà anh ta được kể
là huấn luyện diễn tập. Anh nói với hãng tin này: “Tôi nghĩ nhiều người trong
chúng tôi đã hình dung rằng nó sẽ giống như Crimea - rằng mọi thứ sẽ diễn ra
trong hòa bình. Lúc đầu, tôi có cảm giác không thực, như thể bị mắc kẹt trong một
trò chơi điện tử hoặc trong một bộ phim.” Vasilets được nghỉ phép 15 ngày sau
năm tháng phục vụ, trong thời gian đó, anh đã đến thăm mộ những người bạn quân
đội đã chết của mình. Trung úy Vasilets cũng gặp một trong những người bạn của
mình đến thăm Cộng hòa Buryatia ở phía đông Siberia, nơi có truyền thống Phật
giáo Tây tạng ảnh hưởng mạnh. Cha mẹ người bạn
đã đưa cho Vasilets một xâu chuỗi
hạt mala dùng trong các nghi lễ cầu nguyện. Sau đó, Vasilets chấp nhận lời dạy
của Đức Phật và nhận ra rằng không có lý do gì để chiến đấu nơi chiến trường
Ukraine.
Vào tháng 8/2022, Vasilets thông báo với cấp trên của mình qua một lá thư rằng anh sẽ không trở lại chiến trường. Vasilets một lần nữa được lệnh quay trở lại quân ngũ vào tháng 9/2022, nhưng lại bị từ chối. Trong cùng tháng đó, Putin đã phê chuẩn việc sửa đổi Bộ luật Hình sự của Nga, trong đó sẽ phạt tù lên đến ba năm đối với những quân nhân “từ chối tuân theo mệnh lệnh của sĩ quan cấp cao trong thời gian thiết quân luật hoặc tham gia chiến đấu.” Vào tháng 10/2022, Vasilets bị truy tố tội từ chối tuân theo mệnh lệnh trong khi chiến đấu. Vào ngày 7 tháng 4/2023, Vasilets bị kết tội và bị kết án tại một khu định cư thuộc địa. Anh nói với Novaya Gazeta vào tháng 12/2022: “Tôi biết mình sẽ phải ngồi tù. Tôi có quyền lựa chọn và tôi đã chọn.”
HÌNH
5
Một trường hợp khác. Đức pháp
chủ Giáo hội Phật giáo Cộng hòa Kalmykia thuộc Nga đầu tháng 10/2022 đã trở thành
vị giáo chủ tôn giáo đầu tiên ở Nga công khai lên án chiến tranh ở Ukraine. Vị
lạt ma này được gọi là Telo Tulku Rinpoche, còn được gọi là Erdni Ombadykov, theo
truyền thuyết ngài là một vị tái sanh nhiều đời để hoạt động trong cương vị tăng
sĩ.
Đức pháp chủ PG tại Cộng hòa Kalmykia đã nói trong một cuộc phỏng vấn với một blogger người Nga trên YouTube rằng ngài ủng hộ Ukraine vì chính Nga đã tấn công lãnh thổ của Ukraine: “Tôi nghĩ [chiến tranh] là sai; không ai cần cuộc chiến này. Tất cả chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, tất cả chúng ta đều muốn chung sống hòa bình, mỗi quốc gia đều muốn phát triển. Tôi nghĩ rằng phía Ukraine, tất nhiên, đúng – họ đang bảo vệ quốc gia, vùng đất, sự thật, hiến pháp, con người của họ. Rất khó để nói và chấp nhận rằng Nga đúng. Rất khó để nói như vậy, và đây là điều tôi không thể [nói] như thế.”
Telo Tulku Rinpoche cũng nói
rằng ngài trước đó đã tránh bày tỏ suy nghĩ về cuộc chiến ở Ukraine vì “không
muốn làm tổn hại mối quan hệ giữa chính quyền và Phật tử” mặc dù ngài nói thêm
rằng các nhà lãnh đạo Phật giáo công khai ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine không thể
tin tưởng một cách chân thành. trong những gì họ đã nói nếu họ là Phật tử thực
sự. Telo Tulku Rinpoche hiện đang ở Mông Cổ, nơi ngài đang giúp đỡ hàng ngàn
người Kalmyk chạy trốn khỏi Nga sau khi Tổng Thống Putin phát động cuộc chiến xâm
lược Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Lượng người Nga chạy ra khỏi Nga vào Mông Cổ, chủ yếu là người gốc Kalmyk, Buryat và Tyvan, đã tăng mạnh trong những ngày sau khi Tổng thống Putin hôm 21/9/2022 tuyên bố động viên để đưa thêm lính vào tham chiến ở Ukraine. Kalmyks ở phía tây nam của Nga và Buryats ở Siberia hầu hết là các nhóm dân tộc nói tiếng Mông Cổ theo đạo Phật.
HÌNH
6
Lập trường chính thức của Giáo hội Chính thống giáo Nga là ủng hộ chính quyền Nga và cuộc chiến bành trướng lãnh thổ của Putin. Nhưng vẫn có những tiếng nói lương tâm từ một số tu sĩ. Linh mục Chính thống giáo Maxim Nagibin đã bị lên án và cô lập trong ngôi làng của mình ở miền nam nước Nga kể từ khi ngài thuyết giảng tại nhà thờ địa phương St. Michael the Archangel trong lễ Phục sinh, nơi linh mục lên án chiến tranh Ukraine là một “tội ác.”
LM Nagibin, 38 tuổi, nói với
báo The Moscow Times: “Tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình cho mọi người
nghe, muốn chia sẻ nỗi đau trong tâm hồn tôi. Nhưng, thật không may, không phải
ai cũng nghe thấy tôi và do vậy đã có những hậu quả.”
Vị linh mục đến từ vùng Krasnodar là một trong số ít các nhân vật tôn giáo Nga thách thức chính quyền tôn giáo — và thế tục — bằng cách lên án Điện Kremlin vì cuộc chiến xâm lược Ukraine. Những người dám lên tiếng như vậy — dù là Ky tô giáo, Phật giáo, Do Thái hay Hồi giáo — không chỉ phải đối mặt với sự tẩy chay trong cộng đồng địa phương của họ, mà còn bị tước bỏ chức vụ và thậm chí bị truy tố. Một số đã trốn khỏi đất nước.
HÌNH
7
Sau bài giảng phản chiến của mình, Linh mục Nagibin cho biết ngài được triệu tập để nói chuyện với các sĩ quan từ Sở An ninh Liên bang (FSB). LM Nagibin cũng đã bị báo cáo cho cả cảnh sát địa phương và giáo hội trung ương ở Moscow. Vào tháng 10, LM Nagibin bị truy tố tội vi phạm luật kiểm duyệt thời chiến, nhưng được trắng án vì đã hết thời hiệu. Có vẻ như tòa án Nga cũng nhẹ tay với các linh mục.
Tương tự như LM Nagibin, linh mục Chính thống giáo Ioann Burdin từ vùng trung tâm Kostroma đã thuyết giảng phản chiến trong những ngày đầu của cuộc giao tranh. Sau đó, ngài bị kết án theo luật kiểm duyệt thời chiến và bị phạt 35.000 rúp (501 USD). Tháng sau, ngài từ chức linh mục quản xứ. Cả Nagibin và Burdin đều thuộc nhóm 293 giáo sĩ Chính thống giáo đã ký một bức thư ngỏ vào tháng 3/2023 kêu gọi “tất cả những ai có trách nhiệm vào việc chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Ukraine hãy thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.”
Tất cả những ai có trách nhiệm
chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Ukraine? Thực tế, chỉ có một mình Tổng
Thống Putin thôi. Và có thể, phần nào, có một người có thể thuyết phục Putin ngưng
chiến: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng ông Tập lại có lập trường ủng hộ
Nga để chống Hoa Kỳ, và để dọn đường chuẩn bị xâm chiếm Đài Loan.
May mắn, vẫn còn các nhà thơ
dám nói, dám viết. Và một số nhà thơ Trung Quốc lên tiếng rất sớm, như trường hợp
thi sĩ Yu Xiuhua. Theo một bài viết của nhà văn và là dịch giả nổi tiếng Berlin
Fang, hiện cư ngụ ở Texas, trên trang báo Medium ngày 28/2/2022 về một bài thơ
của Yu Xiuhua (余秀华), có
thể đọc thêm âm Hán Việt là Dư Tú Hoa. Bản thân nhà thơ Yu Xiuhua (1976-) cũng
là một trường hợp dị thường của văn học Trung Hoa. Họ Yu là nhà thơ nơi nông thôn
vắng lặng, sống tại một ngôi làng nhỏ ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Chị bị bệnh bị suy
não (cerebral palsy) gây khó khăn trong việc nói chuyện, nhưng vẫn sử dụng những
bài thơ của mình để thể hiện những suy nghĩ độc đáo một cách táo bạo.
Vào ngày 27/2/2022 -- tức là, chưa tới ba ngày, sau khi Putin đưa quân Nga vào Ukraine tấn công nhiều mặt trận -- nhà thơ Yu Xiuhua đã viết một bài thơ, và bài thơ này đã gây sóng gió đối với cư dân mạng Trung Quốc đang chia rẽ mạnh mẽ để ủng hộ Ukraine hoặc Nga. Có một điểm để suy nghĩ nữa: bài thơ được Berlin Fang dịch ra có nhan đề “I pray for my poem to stop a tank” (Tôi cầu nguyện cho thơ tôi chặn được một chiếc xe tăng) có thể làm nhiều người nhớ tới hình ảnh chàng thanh niên biểu tình năm 1989 đứng ra chận xe tăng ở Thiên An Môn, Bắc Kinh. Nhưng như dường, nhà thơ Yu Xiuhua không biết hoặc không ám chỉ gì về chuyện đó.
TÔI CẦU NGUYỆN CHO THƠ TÔI
CHẶN ĐƯỢC MỘT CHIẾC XE TĂNG
---- thơ Dư Tú Hoa
Tôi cầu nguyện cho thơ tôi
chặn được một chiếc xe tăng
Một bài thơ đầy nước mắt xua
đuổi quân thù
Tôi cầu nguyện cho hoa chặn
những viên đạn
Có lẽ một số hoa cẩm chướng,
để an ủi một người mẹ
Tôi cầu nguyện cho mặt trời
tỏa sáng
Trên tất cả mọi người
Ra khỏi hầm trú ẩn
Để chạm vào mùa xuân, mùa
xuân đã đầy vết sẹo
Nhưng vẫn mãi mãi cố gắng nở
hoa
Những cuộc chia tay định mệnh
đó
Xin cho anh bớt nỗi buồn
Nhưng tràn đầy tự do, với niềm
vui
Tôi cầu nguyện cho một ngày
cho trẻ em
Bước ra ngoài và lang thang
khắp đường phố
Tôi cầu nguyện cho hòa bình!
Tôi cầu nguyện cho kẻ thù
đang mang lưỡi lê
Được nghe gọi tên mẹ của họ
Và tên của những người vợ,
những đứa con của họ
Tôi cầu nguyện cho những kẻ
xâm lược
Nghĩ đến danh dự
Để trân trọng tất cả các
sinh mạng
Một thường dân, một người
lính
Tôi cầu nguyện cho trái đất
rắc rối này
Xin cho trời nắng
Không có xấu hổ lớn hơn một
cuộc xâm lược
Và không có tội ác nào lớn hơn
là chiến tranh
Và nơi đây tôi
đang cầu nguyện cho hòa bình
Ngày 27 tháng 2 năm 2022
Và bây giờ là chuyện về một
họa sĩ rất trẻ người Ukraine: cậu bé Maxym chỉ mới 11 tuổi khi chiến tranh bùng
nổ. Trang UNICEF USA ngày 24/8/2022 nói về cậu bé rất mực tài năng này. Cậu bé
vẽ rất nhiều trong nhiều tháng sống dưới hầm trú bom đạn. Thống kê tháng 8/2022
ghi rằng khoảng 2/3 trẻ em Ukraine buộc phải chạy ra khỏi nhà để hoặc rời nước,
hoặc là sống dưới các hầm trú để tiếp tục hứng những trận mưa đạn của Nga.
HÌNH
8
UNICEF đã dùng các bức vẽ của cậu bé Maxym, ghép cùng các bức vẽ của các trẻ em Ukraine khác để nối thành chuỗi và làm thành một đoạn phim ngắn. Chỉ tính riêng về số lượng trẻ em còn ở trong Ukraine bây giờ là khoảng 5.2 triệu em đang cần sự trợ giúp nhân đạo của quốc tế. Và cuộc chiến chưa biết bao giờ thì ngưng lại.
Video tranh vẽ của các em dài
1:38 phút được UNICEF đưa lên nơi đây:
Bao giờ sẽ im tiếng súng trên chiến trường Ukraine, vẫn chưa ai biết. Nhưng đối với rất nhiều trẻ em Ukraine, có thể sẽ tới một tuổi nào đó trong đời, các em sẽ thấy thời gian đã ngừng lại ở năm 2022, khi những trận mưa bom đầu tiên bắt đầu dội xuống các thành phố Ukraine. Hệt như bà cụ trong một bài thơ dẫn trên, chỉ còn nhớ rằng thời gian đã ngừng vào năm 1941, khi cụ bà là một cô bé kinh hoàng, hốt hoảng, chạy đi tìm mẹ giữa mưa bom.