Thursday, April 13, 2023

2870. HOA HUỆ Truyện ngắn của nhà văn Trung Quốc NHƯ CHÍ QUYÊN RU ZHIJUAN 茹志鹃 (1925-1998) • THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn Như Chí Quyên (1925-1998)

RU ZHIJUAN là con út trong số 5 người con, mồ côi từ 3 tuổi đã mồ côi, được bà ngoại nuôi dưỡng. Đến 10 tuổi vẫn chưa được đi học, năm sau bà ngoại đem về Hàng Châu rồi không lâu sau bà cũng qua đời. Cô bé được gởi ở một cô nhi viện ở Thượng Hải. Cô theo học trường dòng và trường dành cho học sinh năng khiếu. Cô chỉ mất bốn năm để hoàn tất bậc trung học. Năm 1944, cô kết hôn với Wang Xiaoping, một người sinh ở Singapore nhưng sang Trung Quốc chiến đấu với quân Nhật. Năm 1947, cô gia nhập Đảng Cộng sản. Năm 1955, Zu Zhijuan trở thành chủ bút tờ Nguyệt san Văn học Nghệ thuật. Đến năm 1960 thì rút lui, dành toàn thời gian để viết lách.

Truyện ngắn Hoa huệ này, công bố năm 1958, bị chỉ trích vì “ tình cảm uỷ mị tiểu tư sản “ nhưng rồi cũng được phổ biến rộng rãi vì được Bộ Văn hoá tuyên dương, lại được nhà văn Mao Dun  茅盾, ( Mao Thuẫn ) tán thưởng. Nhiều truyện của cô bày tỏ sự ủng hộ tính cách cách mạng của Đảng Cộng sản, chủ yếu nói về những thay đổi của xã hội Trung Quốc thoát khỏi những giá trị truyền thống.

Về sau cô có lúc làm bí thư đảng của Hội Nhà Văn Thượng Hải.    

Nhiều tác phẩm của Ru Zhijuan được dịch sang tiếng Anh.

Đây là một câu chuyện kể, rất ngắn thôi, và được xem là hay nhất của tác giả, lấy cảm hứng từ thời kỳ chiến tranh, đề cập những tình cảm kín đáo của các nhân vật. Câu chuyện diễn ra vào mùa thu 1946, lúc Cộng sản tấn công phía Quốc gia. Chuyện được một nhân vật nữ kể lại, cô là thành viên một nhóm kịch, được gởi ra mặt trận cứu trợ trong những trường hợp cần kíp. Giúp cô đi tới trạm y tế nơi cô sẽ làm việc, có một chiến sĩ còn rất trẻ thuộc Quân Giải phóng.   

Chuyện bắt đầu từ việc mô tả con đường hai người đi, giữa cánh đồng, khung cảnh thật thanh bình, chỉ nghe tiếng đạn nổ của kẻ địch, vọng đến từ xa, đây có lẽ là nguyên cớ để cậu trai kể chuyện có đôi chút khôi hài, hơi rụt rè mà khiến cho cô gái có cảm tình, tuy chưa rõ nét.   

Trạm y tế nằm trong một ngôi trường nhỏ, thiếu thốn đủ thứ, nhất là thiếu chăn đắp. Đây là ngôi nhiệm vụ đầu tiên của cô gái: hỏi dân làng để mượn chăn. Cùng đi với cậu hướng dẫn viên trẻ, cô trở về, hai tay đầy cả, nhưng cậu trai lại không có gì. Nghĩ là tại cậu ăn nói vụng về, cô bảo cậu cậu dẫn tới những nhà cậu đã đến và hiểu liền: một mặt vì đó là một phụ nữ rất trẻ, lại đẹp nữa, cậu trai đến gặp mà sững sờ, mặt khác, người phụ nữ chỉ có một cái chăn duy nhất, cô mới kết hôn, cái chăn quá đẹp mà sang nữa. Hai người trở về, và cậu trai lại vụng về để cánh cửa làm rách tay áo đồng phục.   

Chuyện tiếp theo mới bi thảm hơn. Người phụ nữ thuộc nhóm những người bị điều động để phục vụ tăng cường cho trạm y tế, cô gái nghe kể là người phụ nữ đến vì mong gặp viên sĩ quan liên lạc, đã ra trận rồi. Cuối cùng thì viên sĩ quan được đưa về trên cáng, đang hấp hối, vì dẵm vào quả lựu đạn khi cố cứu đồng đội. Cảnh cuối cùng là hình ảnh người phụ nữ chăm chú may lại tay áo cho viên sĩ quan, rồi lấy chăn quấn lại trước khi bỏ vào quan tài.    

Truyện viết ở ngôi thứ nhất, ra vẻ truyện tự thuật, và gây cảm xúc mạnh. RU ZHIJUAN nói hình ảnh người lính là hình ảnh hai người bà đã biết trong chiến tranh, nhưng truyện bà viết đây trình bày mạch lạc hơn và phát triển thêm. Truyện có những hình ảnh theo truyền thống cổ điển và cả thần thoại anh hùng xã hội chủ nghĩa nữa. Nội dung và hình thức kết hợp rất hài hoà.


Les lis - Google images

1.    

Chuyện xảy ra năm 1946, giữa mùa thu.   

Hôm ấy, quân đội vừa đến trên sườn đồi, được lệnh sẽ tấn công ngay vào buổi chiều. Chúng tôi là thành viên của nhóm nghệ thuật, sĩ quan chỉ huy giao cho chúng tôi nhiều nhiệm vụ hỗ trợ cho chiến dịch.   

Hẳn vì tôi là phụ nữ, ông ấy cứ gãi đầu một lúc rồi mới quyết định đưa tôi tới đội cứu thương ở mặt trận, có một cậu giao liên đi cùng.   

Hôm ấy, quân đội vừa đến trên sườn đồi, được lệnh sẽ tấn công ngay vào buổi chiều. Chúng tôi là thành viên của nhóm nghệ thuật, sĩ quan chỉ huy giao cho chúng tôi nhiều nhiệm vụ hỗ trợ cho chiến dịch.   

Hẳn vì tôi là phụ nữ, ông ấy cứ gãi đầu một lúc rồi mới quyết định đưa tôi tới đội cứu thương ở mặt trận, có một cậu giao liên đi cùng.   

Trạm y tế, được thôi. Miễn là không phải nơi tầm thường. Tôi vội lấy ba lô và đi theo cậu giao liên.   

Sáng hôm đó trời mưa, dù bây giờ đã tạnh và sáng hơn nhiều, nhưng con đường lầy lội lắm, hai bên là những cánh đồng chuẩn bị gặt, nhưng bị sũng nước vì cơn mưa kéo dài, giờ có màu xanh nhạt, bóng lộn. Không khí mát mẻ mùi ẩm ướt. Nếu không có những phát súng lẻ tẻ của quân địch, tôi có cảm tưởng chúng tôi đang đi chợ. Cậu giao liên rảo bước nhanh trước tôi, mới đầu chỉ cách vài bước. Chân tôi ướt sũng, và vì đường trơn nên dù gắng hết sức tôi cũng không theo kịp. Tôi định kêu cậu chờ tôi nhưng ngại cậu chế giễu là tôi hèn và sợ, nên tôi không nói gì,   trong thâm tâm tôi sợ là không tìm ra trạm cứu thương mà không có cậu. Tôi thấy tự giận mình.   

Ôi, thật kỳ lạ! Tuồng như cậu có đôi mắt ở đằng sau, cậu bỗng dừng lại bên lề đường. Nhưng vẫn không ngoái lui nhìn tôi. Không để mắt đến tôi. Có một lúc tôi cố hết sức và theo gần sát cậu thì cậu lại bước đi, lúc nào cũng giữ khoảng cách với tôi.Tôi thực sự không đủ sức đuổi kịp cậu, cứ mãi ở phía sau cực nhọc bám theo. Lần này cậu lại không để tôi ở quá xa phía sau, nhưng vẫn không cho tôi tiến gần, lúc nào cũng có khoảng cách. Nếu tôi đi nhanh hơn, tôi thấy cậu cũng bước nhanh, nếu tôi chậm lại, cậu cũng thong thả. Điều lạ lùng là không bao giờ cậu quay lui nhìn tôi, tôi không thể không thấy bực bội vì thái độ ấy.   

Khi cùng ở trong đội, tôi không để ý, giờ mới thấy, nếu nhìn từ sau lưng, cậu có vẻ cao, hơi mảnh khảnh, nhưng đôi vai rắn chắc chứng tỏ cậu là một thanh niên khá cứng cỏi, cậu mặc bộ quân phục hơi cũ, và những dải vải bông kéo dài xuống tận đầu gối. Cậu đeo một khẩu súng trường có treo mấy cành cây, để nguỵ trang, hoàn toàn không phải trang trí.   

Tuy tôi không thể theo kịp cậu, chân tôi vẫn bị sưng phồng làm tôi nhức nhối. Tôi nói cậu dừng nghỉ một lát, tôi đến ngồi trên tảng đá làm ranh giới cho cánh đồng. Cậu cũng làm thế, nhưng cách xa tôi, bỏ khẩu súng gác ngang đùi, quay lưng về phía tôi làm như tôi không có ở đó. Tôi nhận ra rằng, do đã có kinh nghiệm, sở dĩ chuyện xảy ra như thế là do tôi là đồng đội nữ. Khi một bạn nữ đến với nhóm đông, vấn đề đối với bạn đó luôn là như vậy. Bị cơn giận thúc đẩy, lại không muốn để chuyện đó cứ xảy ra, tôi tới gần ngồi ngay trước mặt cậu ta. Tôi thấy cậu có khuôn mặt ngây thơ như trẻ con, có lẽ chừng mười tám tuổi, không hơn được. Thấy tôi đến ngồi gần, cậu tỏ ra căng thẳng, có thể nói là có quả bom nổ chậm gài ngay chân cậu, cậu lúng túng, không biết nên ngẩng đầu lên hay cúi xuống, và không dám đứng dậy. Tôi cố nhịn cười và bình thản hỏi cậu từ đâu tới đây. Ngượng chín người, cậu không trả lời, lát sau cậu mới nói là từ núi Tianmu. ( Thiên mục sơn ) Vậy là chúng tôi đều từ vùng đó.

   “ Cậu làm gì ở đó”?

   “ Tôi giúp vác những thân cây tre khổng lồ.”

Tôi nhìn kỹ đôi vai rộng của cậu, và tôi hình dung cả một rừng tre, như cả một khoảng mênh mông sương mù màu xanh, ở giữa nhô lên những bậc cấp những tảng đá của một lối đi hẹp. Một thanh niên đôi vai rộng, mặc chiếc áo vải thô màu xanh đang bước đi, kéo theo sau những thân cây tre to lớn, ngọn tre kéo lê dưới đất chạm vào những bậc cấp bằng đá… Tôi biết rõ cảnh đó, rất quen thuộc ở quê tôi! Tôi cảm thấy tình cảm gắn bó đối với cậu trai trẻ này.   

Tôi lại hỏi: “ Cậu mấy tuổi rồi? “

    “ Mười chín “

    “ Cậu theo cách mạng từ khi nào? “

    “ Cách đây một năm.”

   “  Bằng cách nào? “ Tôi có cảm tưởng đây không phải là chuyện vãn bình thường, mà tôi đang bắt cậu chịu cuộc hỏi cung. Nó cũng khó chịu cho tôi nữa.

     “ Khi bộ đội rút về hướng bắc, tôi đi theo.”

   “ Ở nhà cậu có bao nhiêu người?”

   “ Có cha mẹ tôi, một em trai, một em gái, và tôi còn một bà cô nữa. “

   “ Cậu có vợ chưa?”

   “… … “ 

Cậu đỏ mặt, lúng túng thấy rõ, hai tay xoắn lấy dây thắt lưng da. Cậu cúi mặt một lúc, cười ngượng ngập rồi lắc đầu. Tôi còn muốn hỏi cậu có bạn gái chưa, nhưng nhìn thấy cậu như vậy, tôi không hỏi nữa.   

Cả hai chúng tôi ngồi yên lặng một lúc, rồi cậu ngước mắt nhìn lên bầu trời rồi lại nhìn tôi, tôi đoán là cậu muốn chúng tôi ra đi.   

Khi tôi đứng dậy chuẩn bị tiếp tục lên đường, tôi thấy cậu giở mũ ra để vội vàng lấy khăn tay lau mồ hôi. Không phải cậu đi mới toát mồ hôi, tôi có giọt nào đâu, chỉ vì nói chuyện với tôi cậu mới nhiều mồ hôi như thế.    

2.    

Khi chúng tôi tới trạm y tế đã hai giờ chiều rồi. Từ đây đến mặt trận, chỉ còn một cây số rưỡi nữa, trạm chiếm một ngôi trường nhỏ, có sáu lớp học, lớn nhỏ không đều nhau, xếp thành hình chữ nhật nằm ba phía một sân chơi đầy cả cỏ dại vì trường đóng cửa đã lâu. Khi chúng tôi đến, có vài chị y tá đang sắp xếp bông gòn và băng gaz, và dưới đất, thay cho giường nằm, ngổn ngang những cánh cửa kê trên những viên gạch.   

Một lát sau có một cán bộ xã đi tới, mặt đỏ au, ông đang cố che bằng một tấm bìa ở dưới trán, khuất dưới vành nhàu nát chiếc mũ nỉ. Ông tới, thở hổn hển, vai đeo súng, vai kia đeo chiếc đòn gánh có một giỏ trứng, tay phải xách một cái nồi to. Ông vẫn thở hổn hển, bỏ tất cả các thứ xuống, rối rít xin lỗi, uống một ngụm nước, rút từ trong túi ra một nắm gạo và nhai ngấu nghiến. Thấy tôi nhìn ông làm những việc đó vội vàng như thế, ông nói gì đó mà tôi không hiểu. Hình như ông muốn nói là họ đang đi mượn những tấm chăn đắp. Tôi nhờ một y tá giải thích thêm, anh ấy nói quân đội chưa có chăn, nhưng vì những người bị thương mất quá nhiều máu, họ rất sợ lạnh, vậy nên cần phải hỏi mượn dân làng những tâm chăn, nếu không thì nệm lông cũng được. Sợ không có việc gì làm, tôi tình nguyện nhận việc đó, và ngại phải đi lâu một mình, tôi nhờ cậu trai đi cùng tôi. Cậu ngần ngại một lúc rồi đồng ý.   

Đầu tiên chúng tôi đến làng gần nhất, hai chúng tôi mỗi  người đi một phía. Không lâu sau, tôi có được ba phúc đáp, hai cho nệm lông, và một cái chăn, tôi mang đầy tay, rất hài lòng. Tôi định mang về trạm thì thấy cậu trai tới gần phía tôi, tay không có gì.

   “ Không ai cho cậu mượn cả sao ?” tôi ngạc nhiên hỏi, vì tôi biết dân địa phương tinh thần cách mạng cao, tính tình cởi mở, sao mà họ không cho mượn được.

   “ Đồng chí ơi, cô đi mà hỏi mượn đi. Những người này đầu óc còn phong kiến lắm! “

   “ Họ ở đâu? Cậu dẫn tôi đi. “. Tôi tin chắc là cậu ta không ngỏ lời như cần thiết, thất bại chỉ vì vậy thôi. Không mượn được chăn cũng không trầm trọng mấy nhưng nếu làm người dân phật lòng thì là tai hoạ đó. Vậy mà khi tôi nói cậu dẫn tôi đi thì cậu cúi đầu, tỏ vẻ ương ngạnh, như đang chôn chân xuống đất, không nhúc nhích. Tôi đến gần, nói nhỏ những câu thường dễ thuyết phục đám đông, và thực tình là cậu bớt căng thẳng và dẫn tôi đi.   

Khi bước vào sân nhà, tôi nhận thấy những gian chính yên tĩnh hết, một gian có treo nơi cánh cửa một mảnh  vải xanh bên trên có tấm bảng đỏ, hai bên đều có những câu đối màu đỏ chói.   

Chỉ còn cách gọi lớn từ bên ngoài. “ Có ai trong nhà không ?”. Gọi mấy lần vẫn không ai trả lời, nhưng nghe có tiếng động. Một lúc sau, chiếc màn được vén lên  và một thiếu phụ hiện ra. Nàng rất đẹp, sóng mũi cao, lông mày dựng ngược, một nắm tóc bồng trên trán, mái tóc uốn tròn thành cái bím nhỏ. Còn về y phục, nàng mặc vải thô nhưng còn mới. Tôi ngỏ lời xin lỗi, bảo là người đồng chí trẻ mà nàng mới tiếp có thể ăn nói vụng về sao đó, xin nàng đừng trách, vân vân. Nàng nghe tôi nói, đầu ngoảnh phía sau, môi nở nụ cười. Khi tôi nói xong, nàng không nói gì,môi khép lại, chừng như nàng đang cố kìm để khỏi bật cười. Tôi thực sự lúng túng, không biết nên nói thêm gì nữa. Còn cậu giao liên đứng cạnh tôi, nhìn tôi không nháy mắt như đang nhìn một vị chỉ huy đang phát biểu. Tôi không còn lựa chọn nào nữa, tôi lấy hết can đảm, giọng thảm thiết, hỏi nàng tấm chăn và nói rõ ràng để dành cho quân cách mạng đang bảo vệ nhân dân. Lần này nàng không mỉm cười nữa mà liếc nhìn vào bên trong gian phòng và nghe tôi nói. Tôi nói xong, nàng nhìn tôi, nhìn cậu giao liên, chừng như muốn cân trọng lượng lời nói của tôi. Rồi nàng quay gót đi lấy chăn.   

Cậu giao liên lợi dụng thời khắc này để nhìn tôi, trần tình: Hồi nãy tôi cũng nói y như thế, nhưng cô ta không cho tôi mượn, rồi cô xem!   

Tôi quay nhìn cậu như để ngăn không cho nói nữa vì ngay lúc này cô gái trở lại với chiếc chăn. Nhìn thấy nàng, tôi hiểu ngay lý do cô từ chối cậu giao liên : chiếc chăn mới toanh, vải satin mô phỏng vải ngoại, trang trí những chiếc hoa huệ trắng trên nền đỏ thẫm.   

Chẳng phải là không có lý do khi nàng không cho cậu giao liên mượn, nàng nói với tôi khi trao cái chăn: Cô mang về đi.   

Tay tôi đã đầy, tôi ra dấu cho cậu giao liên để cậu cầm lấy. Nhưng cậu như không muốn ngẩng đầu lên nhìn tôi. Tôi phải gọi, cậu mới tới gần để cầm lấy, quay gót bước đi luôn. Nhưng cậu chưa ra khỏi sân tôi đã nghe một tiếng động nhỏ, tay áo cậu vướng vào cái móc cửa, và một góc tay áo bị rách. Nàng vừa cười vừa chạy đi lấy kim chỉ vá lại chỗ rách cho cậu. Nhưng cậu ta từ chối và bỏ đi, tay kẹp cái chăn.   

Đi được mấy bước, chúng tôi được biết cô gái mới làm đám cưới cách đó ba ngày thôi, và cái chăn là thứ duy nhất mà cô mang theo. Khi nghe vậy, tôi lấy làm tiếc lắm, còn cậu giao liên , nhíu mày, yên lặng nhìn cái chăn đang ôm trong tay, tôi tin chắc là cậu đang cảm thấy thương xót. Đúng vậy, cậu vừa đi, vừa lẩm bẩm: Mình không biết tình hình, nhưng mượn chăn của những vợ chồng mới cưới thiệt không hợp chút nào. Tôi định trả lời bằng câu bông đùa, nhưng rồi lại nói nghiêm túc: “ Đúng vậy! Có lẽ là trước lúc làm đám cưới họ đã vất vả lắm, làm lụng suốt ngày, có khi thâu đêm nữa, cũng có thể là cô gái đã không ngủ nữa để kiếm đủ tiền mua cái chăn hoa này. Ấy vậy mà có kẻ lại tố cáo nàng đầu óc phong kiến… “  

Nghe những lời này, cậu dừng ngay lại, đứng im một lát rồi nói với tôi. “ Được rồi! Mình mang lại trả. “

   “ Nhưng cái gì đã cho mượn rồi thì việc đã xong, nếu mang lại trả có thể làm cho nàng bối rối.” Nghe cái giọng ngây thơ mà rầu rĩ, tôi thấy cậu ta buồn cười quá, nhưng cũng nhiều tình cảm đấy chứ. Tôi không rõ lắm nhưng trong sâu xa vẫn thấy đồng cảm với cậu trai ngốc nghếch này.   

Có lẽ cậu thấy lý luận của tôi cũng đúng, nên suy nghĩ một lúc rồi lên tiếng: “ Được rồi. Thây kệ đi. Nhưng khi dùng xong phải giặt sạch. “ Nói xong cậu lấy hết những cái chăn tôi cầm trên tay, bỏ lên mỗi vai một nửa, rồi đi nhanh.   

Về đến nơi, tôi bảo cậu đến ngay đội. Cậu chào tôi thật nhanh rồi bỏ đi. Mới đi được vài bước cậu lại dừng, như chợt nghĩ ra chuyện gì, cậu lục trong các túi quần và lấy ra hai mẩu bánh mì nhỏ, đem bỏ trên tảng đá ở vệ đường, nói với tôi: Cho bữa ăn của chị đó. Rồi bước đi ngay không đợi gì. Tôi đến lấy hai mẩu bánh mì khô, và thấy là trong nòng súng của cậu, không biết lúc nào, cậu đã bỏ ở giữa những cành tre những hoa cúc dại toả hương gần tai cậu mỗi lần cậu bước.   

Cậu đi xa rồi, tôi không còn nhìn thấy mảnh vải rách phía trên cánh tay, bay phất phơ theo gió. Giờ đây mùi hương vẫn lưu lại đấy ít nhất cả buổi tối.

3.

Có quá nhiều nhân viên ở trạm y tế, vậy nên cán bộ xã phải điều động vài phụ nữ đến tăng cường để lo việc cung cấp nước, chất đốt, những thứ đại loại như thế. Trong số họ có cả người mới lấy chồng kia, nàng đến vẻ tươi cười, môi mím lại, và liếc nhìn tôi, nhưng vẫn không ngừng nhìn quanh như muốn kiếm gì, cuối cùng nàng quay qua hỏi tôi: Đồng chí trẻ hôm nọ nay đi đâu rồi. Tôi nói là cậu không có ở đây, giờ này chắc là cậu ra mặt trận rồi. Nàng cười ngượng ngùng và nói : Khi cậu ấy đến hỏi mượn chăn, tôi hơi giận.  Sau đó, vẫn mỉm cười, nàng thu dọn những tấm chăn và nệm đem đặt trên những tấm ván cửa và bàn ( hai bàn học xếp cạnh nhau làm thành giường ). Tôi thấy nàng bỏ tấm chăn mới màu trắng của mình trên tấm ván cửa để bên ngoài, sát mái nhà.

Đêm xuống, trăng đã lên. Cuộc tổng tấn công chưa mở màn. Thông thường, quân địch không ưa lúc chạng vạng, lửa đốt khắp nơi, tiếng súng nổ bất chợt vang lên lẻ tẻ, rồi tiếng bom nổ loé lên từng hồi: dưới ánh trăng, có thể nói vô số ngọn đèn dầu đã được thắp lên, không nơi nào trên mặt đất còn chìm trong bóng tối. Chính trong “ đêm trắng “ cuộc tấn công có thể xảy ra, khiến mọi việc sẽ khó khăn hơn, và cái giá phải trả càng nặng nề hơn.

Tôi đâm ra ghét ánh sáng đêm trăng tròn.

Viên cán bộ xã trở lại chia cho chúng tôi mấy miếng bánh trung thu nhân rau khô mang từ nhà đến. Dẫu sao hôm nay là lễ Trung thu.

Ôi, tết trung thu ở quê tôi, nhà nào cũng kê phía trước một cái bàn trà với vài cây nhang và mấy cái dĩa đầy bánh trung thu nhân trái cây. Lũ trẻ thì nóng lòng chờ đợi nhang tàn để thưởng thức lộc thần trăng, chúng sẽ nhảy múa, miệng hát vang: Ánh trăng sáng ngời, mau gõ trống thôi, rồi mua bánh kẹo… Trăng ơi trăng, cho tôi ánh sáng… Những kỷ niệm này khiến tôi nhớ quê, nhớ cậu giao liên kéo lê những cành tre khổng lồ, có lẽ là mấy năm trước cậu ta cũng nghêu ngao mấy câu hát đó.   … 

Tôi nhắm nháp mấy miếng bánh trung thu làm ở nhà, và nghĩ tới cậu giờ này đang cúi người trong những đường hào, có thể ở trạm chỉ huy, cũng có thể đang lom khom chạy trong những chiến hào liên lạc ngoằn ngoèo !   

Một lúc sau nghe có tiếng bom quân ta nổ lớn, bầu trời rực sáng những tên lửa, vậy là cuộc tấn công đã bắt đầu. Không lâu sau những thương binh bắt đầu được mang tới, chúng tôi bắt đầu bận rộn rồi đây.   

Tôi lấy cuốn sổ ghi lại tên và địa chỉ những người bị thương, người nào nhẹ thì chỉ cần hỏi, còn người bị nặng, phải lục tìm giấy tờ. Khi tôi đang xem xét giấy tờ của họ, tôi giật mình đọc mấy chữ “ giao liên “, tôi thấy toát mồ hôi, tim đập thình thịch. Định thần lại đọc kỹ thì thấy ghi đơn vị khác. Vậy không phải là cậu ta rồi. Nhưng thật lạ lùng, tôi có ý muốn tìm hiểu phải chăng các cậu giao liên cứ ra mặt trận chẳng ý thức gì, lại nữa, giao liên làm việc gì, ngoài việc chuyển tin…, thực tình tôi cũng không hiểu tại sao tôi muốn biết những điều đó.   

Vài phút sau khi cuộc giao tranh bắt đầu, mọi thứ vẫn ổn, các tương binh cho biết tin lành: phe ta đã chọc thủng tuyến phòng thủ, rồi tiến đến hàng rào kẽm gai, các pháo đài của quân địch đã bị hạ và bây giờ ta đang tiến đánh ngoài đường phố. Tuy nhiên đến ngang đây không còn tin tức gì nữa, những thương binh đến sau chỉ nói: Giao tranh vẫn tiếp diễn, hoặc giờ thì đánh nhau ngoài đường phố.   

Nhưng nhìn thấy họ dính đầy bùn, vẻ kiệt sức rồi, được đem đến những chiếc cáng từ bùn lầy, mọi người có thể hiểu chiến tranh đang khốc liệt lắm.   

Tôi không thể làm họ bớt đau, với mấy phụ nữ khác, chúng tôi chỉ có thể lau mặt mũi, tay chân, rồi cho họ ăn chút đỉnh, các anh có mang theo ba lô, chúng tôi thay áo quần cho họ, cho họ mặc đồ sạch hơn và nhân tiện, lau sạch những vết bùn và vết máu trên thân thể.   

Với tôi thì không có vấn đề gì, nhưng các chị khác lại thấy mắc cỡ, rồi sợ hãi, họ không muốn làm việc này, thế nên họ vội đi nhóm lò, cô mới lấy chồng cũng thế. Tôi nói với nàng lâu lắm, nàng đỏ mặt rồi gật đầu đồng ý nhưng chỉ muốn phụ tôi thôi.   

Tiếng súng nổ thưa dần. Có cảm tưởng như trời sắp sáng, thực ra chỉ mới nửa đêm.

Trăng sáng lắm và như lên cao hơn mọi lần. Lại có thêm một thương binh được chuyển từ mặt trận đến. Vì không còn chỗ trong phòng, phải đặt anh ta trên tấm ván cửa sát mái nhà. Người đưa thương binh này tới sau đó không đi ngay mà nấn ná ở lại. Ông này đã lớn tuổi và có lẽ tưởng tôi là bác sĩ nên nắm lấy tay tôi và nói: Thưa bác sĩ, xin cố hết sức mình để cứu đồng chí này. Nếu bác sĩ cứu được tôi, cả nhóm tôi nguyện nhớ ơn suốt đời. “ Trong khi ông nói, tôi để ý thấy những người khiêng cáng khác cũng chăm chú nhìn tôi như chỉ chờ tôi gật đầu nói thế nào cũng cứu được. Tôi giải thích vài điều và thấy cô gái mới lấy chồng mang nước tới gần giường và thốt lên một tiếng À ngắn ngủi. Tôi gạt những người xung quanh ra và tiến lại gần, nhìn thấy ngay một khuôn mặt ngây thơ, rất trẻ, nước da bình thường nâu nhạt, giờ thì vàng xám, mắt nhắm nghiền, vẻ bình thản. Ở vai áo đồng phục, vẫn là chỗ rách toạc ra, còn dính miếng vải.

“ Vì cậu ấy muốn cứu chúng tôi đó. Người mang cáng cứu thương đến lên tiếng, giọng dằn vặt, nhóm chúng tôi khoảng chục người trong đường hẻm nhỏ, cậu này vừa mở đường cho chúng tôi tiến tới, cậu đi sau, tôi bỗng nghe một tên Nhật bản phản động nào đó ném từ trên mái nhà một quả lựu đạn, nó phát nổ ngay chỗ chúng tôi rồi tự xoay tròn, lúc đó đồng chí này hét lớn bảo chúng tôi chạy ngay đi và cậu ấy lại nhảy lên che… “   

Nàng dâu trẻ lại À lên một tiếng nữa. Còn tôi không cầm được nước mắt, tôi nói với mấy người khiêng cáng đi về sau khi thêm vài lời. Lúc này tôi mới quay trở lại, tôi thấy cô dâu trẻ nhẹ nhàng đem cây đèn dầu tới, rồi gỡ áo quần anh thương binh ra, tình cảm e ngại và mắc cỡ biến mất hết rồi. nàng lau cho anh thương binh trang trọng, tôn sùng, anh đang nằm bất động không rên la gì.   

Định thần lại, tôi vội chạy đi tìm một bác sĩ. Trong khi chờ tôi quay trở lại với bác sĩ để có thể chích thuốc cho anh thương binh, cô gái mới lấy chồng đến ngồi cạnh anh ta. Đầu cúi thấp, nàng lo vá lại chỗ rách trên vai áo anh. Sau khi nghe nhịp tim người bệnh, bác sĩ đứng dậy, nhẹ nhàng nói: Không cần chích thuốc nữa rồi. Tôi bước tới gần cầm tay anh, tay lạnh ngắt.   

Tuy thế, cô dâu trẻ chừng như không để ý gì, không nghe thấy gì, cứ vá miếng rách trên vai áo anh ta với những đường kim sát nhau. Không nhìn nàng, tôi nói nhỏ: Không cần vá lại nữa đâu. Nàng nhìn tôi bằng một ánh mắt kỳ lạ, cúi đầu xuống và lại tiếp tục vá. Tôi muốn tránh xa nàng, muốn thoát khỏi không khí nặng nề này, muốn nhìn thấy cậu thương binh đến ngồi và nở nụ cười. Nhưng bất ngờ tôi cảm thấy có cái gì trong túi quần, tôi mở bàn tay ra xem có gì, thì ra đó là những mẩu bánh mì khô mà cậu đã cho tôi.   

Các y tá cho đem quan tài đến và định lấy cái chăn ra trước khi đưa thi hài vào trong. Cô dâu trẻ tái xanh mặt, giật lấy cái chăn từ tay những y tá và giận dữ nhìn họ. Nàng nhẹ nhàng vuốt cho thẳng thớm nửa cái chăn lót xuống dưới đáy quan tài, nửa còn lại quấn quanh người cậu ta. Một anh y tá nói với nàng: Cái chăn này có người cho chúng ta mượn đó.   

Chăn của tôi, nàng thét lên phẫn nộ, rồi quay đầu lại và bỏ đi. Dưới ánh trăng, tôi thấy mắt nàng sáng rực như pha lê, đăm đăm nhìn cái chăn hoa huệ trắng trên nền đỏ thẳm, những đoá hoa tượng trưng cho những tình cảm tinh khiết, giờ đây đang ôm lấy khuôn mặt cậu trai này thật đơn giản, khiến tôi tưởng tượng hình ảnh cậu đang kéo lê những cành tre khổng lồ.

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
theo bản tiếng Pháp
Tháng 4/2023.
 
Nguồn:
http://www.chinese-shortstories.com/Nouvelles_de_a_z_RuZhijuan_Les_lis.htm