Chiếc xe tròng trành như muốn lao về phía bên kia ruộng. Cú sốc làm đám
hành khách mất thăng bằng, nhào nháo đổ vào nhau, cố gắng bám chặt vai ghế
trước mặt làm điểm tựa. Ghế tôi ngồi sát cửa sổ, nên thành cửa là chỗ tôi ngã
vào tránh được những va chạm với người khác, nhưng lại cho tôi một cú đập vào
đầu. Cú đập như một cái tát đủ làm tôi choáng váng.
Người đàn bà ngồi cạnh nhìn tôi:
— Cô có sao không? Nhìn mặt cô xanh mét. Đường sá gì mà sửa mãi không
xong. Mai chỗ này mốt chỗ nọ sửa hoài, sửa hủy.
Trong đầu như có hàng ngàn sợi dây co giật, nhưng tôi vẫn cố gắng trả lời:
— Dạ, cám ơn chị. Tôi không sao, chỉ hơi hốt hoảng.
Nhiều tiếng xầm xì, lao xao ở cuối lòng xe. Người nào đó ngồi sau lưng tôi
cũng lên tiếng, như đang kể chuyện với người đang ngồi cạnh.
— Chỗ này ngày xưa có lần Việt cộng về đắp mô, gài mìn. Kẹt đường cả
mấy tiếng đồng hồ. Hòa bình rồi nhưng có khá hơn đâu. Không bị mìn thì bị ổ gà.
Mấy cha nội hồi đó chỗ nào cũng phá.
Đâu phải riêng mình tôi nhớ về quá khứ. Trên nửa đất nước này, hơn hai mươi
năm khắp cùng đầy dẫy đau thương mà người dân không thể nào quên được.
Mùi dầu thoang thoảng trên xe tỏa theo hương gió tràn vào từ một vuông cửa
nào đó vừa được mở ra. Tôi như thiếp đi, bồng bềnh trôi theo ngọn gió, nào có
hay hành khách đang lục tục sửa soạn xuống xe.
Người phụ nữ tử tế vỗ nhẹ vào vai tôi:
— Cô ơi, tới rồi đó. Cô khỏe không?
Như bị thôi miên, tôi gật đầu, ôm hành lý líu ríu bước theo sau bà khách.
Khi bước xuống xe, người đàn bà bỗng quay lại nhìn tôi:
— Cô bệnh thiệt rồi, chắc cô trúng gió. Hay cô xức chút dầu cho khỏe
nhe. Mà cô về đâu, có ai đón cô không?
Người đàn bà nói một hơi dài, bà dẫn tôi đến một băng ghế và mở chiếc giỏ
tìm chai dầu.
Tôi lắc đầu:
— Cám ơn chị, tôi ngồi một chút sẽ tỉnh thôi. Tôi có người nhà tới
đón, chắc sắp tới.
Người đàn bà dường như không tin lời tôi nói, ánh mắt nhìn tôi ái ngại. Ánh
mắt đầy âu lo, biểu lộ sự thương cảm chỉ quay đi khi có người bước đến bên tôi.
Họ nói gì với nhau tôi không rõ.
Tôi ngước lên nhìn đăm đăm đôi mắt vừa cuối xuống. Ánh mắt của một đêm xuân
năm nào. Ánh mắt đêm công viên, ghế đá. Tôi cũng đang ngồi trên một băng ghế
đá.
— Anh Minh, anh đến đón em thật sao?
…
— Cô Diệp, cô bị cảm rồi. Cô ngồi xe được không? Hay con gọi xích lô đưa cô về?
Tôi lắc đầu, choàng chiếc xách tay lên vai.
— Tôi ngồi được. Lâu lắm rồi tôi không được
ngồi xe gắn máy.
— Cô không sợ ngã chứ! Cô vịn chặt ghế xe nhe
cô.
Không chịu
ôm anh té ráng chịu! Tiếng nói như từ một tinh
cầu nào xa thẳm vọng về, chợt nhớ một lưng áo, một vai kề. Tiếng nói, giọng
cười trên đường chiều thênh thang gió. Âm thanh tràn ứa tình vui cùng gió bay
lên những hàng cây trên phố xanh, trời xanh như ngọc biếc. Màu trời như màu áo
Minh một ngày quên chiến trận.
…
Tôi không vịn yên xe, tôi choàng tay về phía trước ôm Minh, áp đầu vào lưng
anh. Lòng chợt bùi ngùi, rưng rưng. Mơ hồ nhìn ra một điều gì đó như còn, như
mất trên những ngón tay mình run rẩy.
Những muỗng cháo, viên thuốc rồi tới chiếc khăn nóng của ai đó nhẹ nhàng lau từng phần
trên mặt, trên cổ tôi. Có bao nhiêu người trong ngôi nhà này? Tôi thấy có nhiều
đôi mắt, những đôi mắt nhìn tôi như nhìn một sinh vật lạ. Tôi đảo mắt tìm kiếm.
Chị Mỹ đâu, sao tôi không thấy chị? Nhưng không ai trả lời câu hỏi của tôi.
Minh ngồi xuống cạnh tôi, anh cầm những ngón tay tôi ve vuốt:
— Em cảm nặng rồi, nhắm mắt ngủ đi cho khỏe.
Tôi nhớ đến khúc đường chỗ mặt nhựa bị xói mòn thành một trũng sâu toang
hoác. Trũng đất lồi lõm không được che chắn, không một bảng hiệu nào báo trước
sự hiểm nguy. Người tài xế đã quẹo tay lái tránh cho xe khỏi lao vào. Xe thắng
gấp, lắc lư, đầu tôi va vào thành cửa. Có lẽ cú va đập đó đang làm tôi nhức
đầu.
Khoảng đường này ngày xưa Việt cộng về đắp mô, đặt mìn. Ngày đó Minh còn đi
học hay đã vào lính? Chắc chắn anh cũng biết sự việc này vì đây là quê anh. Tôi
thèm được kể hết với Minh những chuyện xảy ra, những gì tôi nghe khi ngồi trong
lòng xe. Nhưng tôi không thể nào cất lên tiếng nói, dù chỉ một câu than van
ngắn ngủi: em đang nhức đầu lắm anh Minh à. Đôi môi tê bại như không còn cảm
giác. Dường như tôi không còn sức lực điều khiển được thể xác mình.
Bàn tay Minh, những ngón tay vương mùi khói thuốc. Bàn tay như một thứ đồ
chơi ưa thích của một đứa bé, món đồ chơi bị bỏ quên đâu đó mà nó vừa tìm thấy
lại. Đứa bé ấy đang áp mũi hít hà thứ mùi quen thuộc. Đứa bé ấy là tôi. Đời
đời, kiếp kiếp với Minh tôi chỉ là một đứa bé.
Tôi cố gắng giữ chặt những ngón tay Minh nài nỉ:
— Em ngủ đây! Anh hứa với em, anh đừng biến mất, đừng bỏ đi.
Minh đưa những ngón tay tôi áp lên môi anh. Đâu cần anh phải làm như thế!
Những ngón tay tôi chỉ đưa lên chặn môi anh mỗi khi Minh nói gở. Minh có cười
cợt trêu đùa tôi đâu. Minh đang nhìn tôi rất dịu dàng mà! Tôi không biết hơi
thở anh nóng, hay bàn tay tôi lạnh? Tôi nghe tiếng gió vi vu phía ngoài. Tôi
nghĩ đến giàn hoa giấy, nó có đang tả tơi vì gió không? Từ lúc về đây tôi không
nhìn thấy nó. Ngày mai tôi sẽ ngồi với Minh dưới giàn hoa đó. Chúng tôi không
còn phải đứng bên nhau trong bóng tối, ở một nơi không phải nhà mình. Không
ngại ngùng khi tay tìm tay, tìm những cảm xúc thịt da ấm áp. Những ngón tay tội
nghiệp cố níu thời gian, thứ thời gian dường như thường trôi nhanh trong những
khoảnh khắc mặn nồng.
Minh kéo tấm mền đắp cho tôi. Anh nhẹ nhàng bước ra khép cửa. Anh lại bỏ tôi đi mất rồi. Chung quanh tôi chỉ còn bóng tối.
(Trích đoạn truyện dài "Một Tuần Một Đời")
Đặng Mai Lan
2023
" Diệp là ai? Là tôi, hay một người con gái nào đó… Dù có là ai
đi nữa, hạnh phúc tôi là đã được sống với tâm tư cô ấy qua câu chuyện vừa kể
ra. Chỉ là một chuyện tình như bao cuộc tình không may trong thời chiến. Nhưng
qua nhân vật, tôi được nói lên phần nào những tốt đẹp, tang thương của thời đại
tôi sinh ra và lớn lên - Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Tạ ơn Tổ Quốc. Tạ ơn những
người đã nằm xuống, những người đã góp phần xương máu, nhọc nhằn bảo vệ quê
hương, một miền Nam đầy tai ương, bất hạnh".