Google images
Người Việt đến xứ Mỹ, thế hệ đầu khá vất vả, tiếng Anh không rành lại lớn tuổi
mà phải làm những việc chân tay, nên ai cũng cố gắng khoảng mươi năm, đủ điều
kiện về hưu thì vừa lúc sức lực cạn kiệt. Nhưng bù vào đó, lũ con, thế hệ thứ
hai, thấy cha mẹ vất vả, cố gắng học hành, nên đa số đều tốt nghiệp đại học, có
công ăn việc làm vững vàng.
Thời gian đầu, khi mới có việc làm, các con ở chung với cha mẹ, đến khi có đôi
có bạn, chúng mua nhà ở riêng. Đứa con gái út của tôi mới hứa hôn với một bạn
cùng sở mà đã đưa nhau đi tìm nhà mới để mua. Thời đó, khoảng cuối thập niên
chín mươi, nước Mỹ lên cơn sốt mua bán nhà. Nhà lên giá vùn vụt. Nhà chưa xây
mà đã có người đặt tiền cọc giành nhà trước. Con gái tôi xúi tôi bán nhà, về ở
với vợ chồng nó. Tôi bán nhà, trả nợ ngân hàng (đã vay mua nhà), còn dư chút
ít, chúng tôi để dành, thỉnh thoảng mua vé đi du lịch.
Hôm mới đến, vợ chồng tôi kinh ngạc khi thấy ngôi nhà quá lớn, quá sang trọng
và cũng quá đắt tiền. Gần cả triệu bạc! Vậy mà con tôi bảo "Nếu trong
thành phố, nhà nầy ít nhất cũng triệu rưỡi". Đó là một khu rừng hoang, đã
được san bằng, mỗi cạnh hơn một cây số, chia thành những ô vuông vắn với những
con đường khang trang, những ngôi nhà có vườn cỏ xanh, những luống hoa đủ màu
sắc rực rỡ, thoang thoảng hương thơm. Thật chẳng khác gì chuyện thần tiên. Lọt
thỏm trong khu rừng thâm u, hoang dã lại có những biệt thự tráng lệ, yên tĩnh,
xa cách hẳn nơi phồn hoa, náo nhiệt.
Ngôi nhà quá rộng với năm, sáu phòng ngủ, rồi phòng khách, phòng ăn. phòng uống
rượu, giải trí...Tôi không hiểu chúng mua nhà lớn như thế để làm gì? Chúng bảo
sẽ được trừ thuế, hơn nữa nhà vùng đó sẽ lên giá. Không phải chỉ riêng con
chúng tôi mua nhà mới mà hầu như bọn trẻ Việt Nam, khi lập gia đình đều mua nhà
mới. Chúng cùng lứa tuổi, tốt nghiệp cùng trường đại học nên rủ nhau mua nhà
gần nhau để tiện qua lại, tụ tập ăn uống, vui đùa.
Chúng tôi đến ở chung với vợ chồng đứa con gái cũng đỡ buồn. Vợ tôi lo việc nấu
nướng, dọn dẹp, giặt sấy áo quần, tôi thì giết thì giờ trong việc chăm sóc các
cây cảnh trước sân, tưới bón vườn rau sau nhà.
Ngay cạnh nhà chúng tôi là nhà bạn học với con gái tôi. Mỗi buổi sáng, khi tôi
dậy sớm, uống trà xong, ra săm soi mấy cây hoa trước sân, thì tôi thấy một cậu
thanh niên cũng dậy sớm đi làm, có lẽ vì chỗ làm xa. Chúng tôi chào hỏi nhau.
"Chào bác! Bác dậy sớm săn sóc vườn hoa" "Vâng, chào cậu!"
Chúng tôi trao đổi bâng quơ năm ba phút về thời sự, thời tiết trong ngày rồi
cậu ta lên xe đi làm.
Qua lời con gái tôi thì cậu ta là rể của gia đình đó. Hai vợ chồng cưới nhau
được mấy tháng nay. Cả hai đều là bạn học, thân thiết nhau từ thời trung học.
Cô vợ cậu ta giống như bất cứ cô gái Á Châu bình thường nào. Dáng nhỏ nhưng
tròn lẳn, tóc dài, mặt trái xoan. Vợ tôi đưa ra nhận xét với con gái tôi.
"Mới cưới nhau được mấy tháng mà cái bụng cô ta đã lúp lúp. Con so mà bụng
cỡ đó cũng phải trên sáu tháng. Chắc anh chị tò tí nhau trước, rồi hợp thức hóa
sau"
"Con nghĩ. Hình như có điều gì bất thường giữa hai đứa. Hôm đám cưới, chú
rể coi bộ hớn hở, vui vẻ nhưng cô dâu thì lại trầm ngâm, buồn buồn, không thấy
cười. Chắc cô dâu miễn cưỡng lấy chồng vì lỡ có bầu. Cách đây một năm, con nhỏ
(cô dâu) có cho bạn bè biết là anh chàng có tỏ tình và xin cưới, nhưng cô ta
không chịu, bảo rằng không có tình yêu mà thành vợ chồng thì không thể chịu
đựng nhau suốt đời được. Vậy mà thình lình lại làm đám cưới với anh ta."
Nghe hai mẹ con trò truyện, tôi nói bâng quơ "Có những quyển sách hai
người viết chung, có những bản nhạc, người thì viết nhạc, người thì viết
lời."
Vợ tôi cự "Ông thì lúc nào cũng nói tầm bậy, tầm bạ được!"
Con gái tôi cười "Con thấy con nhỏ nầy rất đàng hoàng. Ngoài những bạn bè
thân thiết từ lúc còn trung học đến nay, nó không giao du, cớt nhả với ai cả.
Theo con biết thì hai đứa nó cũng thân mật nhau lắm, hai đứa làm hai nơi xa
nhau mà ngày nào cũng gọi nhau đi ăn lunch (ăn trong giờ nghỉ trưa ở sở làm),
như thế thì chỉ có anh chàng là tác giả đứa bé sắp chào đời. Nếu không, ai chịu
dại 'Người ta ăn ốc mình đổ vỏ'. Nhưng có điều lạ là trước đó, anh chàng xin
cưới thì bị cự tuyệt, sau, thình lình lại làm lễ cưới chỉ trong vòng một tháng.
Một lần, trước đây, con thấy có một anh chàng lạ hoắc đến thăm gia đình cô ta.
Anh ta, có lẽ từ nơi khác đến, trông mặt mũi cô hồn, lấc cấc lắm. Không ai tin
rằng anh chàng đó, chỉ mới quen biết mà dụ dỗ được cô nầy. Cô ta đã lớn rồi,
cũng đủ khôn ngoan mà tự giữ mình."
Tôi thấy anh hàng xóm (chồng cô ta) cao ráo, mặt mũi sáng sủa, thông minh, rất
vui vẻ, nhã nhặn với mọi người. Có những buổi đi làm về, anh ta qua thăm tôi.
Tôi mời vào một phòng nhỏ, dành riêng cho tôi đọc sách, uống trà, để được thoải
mái chuyện trò. Có lẽ nhờ đọc nhiều và nhờ biết tiếng Anh nên chuyện đông tây
kim cổ, tin tức, thời sự, anh ta biết khá rành. Tôi không hỏi về chuyện vợ con
của anh ta, chỉ ngạc nhiên là trong các ngày nghỉ, không thấy anh ta ở nhà. Anh
ta giải thích "Mấy ngày đó cháu phải về nhà ba mẹ cháu. Mấy anh chị em
cháu đều ở riêng." "Thế cũng phải, vợ chồng anh nên về thăm kẻo ông
bà cụ buồn" "Vợ cháu ít khi đi đâu"
Tôi không có bạn để trò chuyện, anh ta thì lại thích qua đàm đạo chuyện trên
trời dưới đất nên chỉ mấy tháng sau, từ bạn vong niên, chúng tôi thành bạn tâm
giao. Phòng uống trà của tôi toàn bằng kính nhưng đóng cửa lại thì người đứng
ngoài khó nghe rõ, thế nên đôi khi tôi kể chuyện bù khú của tôi thời còn trai
trẻ để cười với nhau. Những lúc đó anh ta thường hỏi tôi về những ý nghĩ, quan
niệm sống và cách giải quyết nếu câu chuyện xoay qua hướng khác.
Cái bụng bầu của cô hàng xóm ngày càng lồ lộ. Thỉnh thoảng cô ta qua trò chuyện
với con gái tôi, xin ý kiến vợ tôi trong việc chuẩn bị cho đứa bé chào đời. Coi
bộ cô ta yêu thương, lo lắng cho đứa bé nhiều lắm. Tuy không nói ra nhưng rõ
ràng là cô sắp đến ngày sinh.
Một buổi sáng, sau khi uống chén trà, tôi tiễn anh chồng cô ta ra xe đi làm thì
anh ta nói "Cháu sắp qua tiểu bang khác làm việc. Công ty bên đó đã nhận
cháu rồi" "Khi nào anh đi? Đi cả gia đình hả?" "Cháu chỉ đi
một mình thôi" "Vợ anh sắp đến ngày sinh... Đó là điều cháu còn phân
vân. Cháu chưa cho ai biết chuyện nầy ngoài bác, để xin ý kiến bác trước khi
quyết định." Tôi nghĩ đây là chuyện riêng nên tôi bảo "Sáng thứ bảy
nầy, anh rảnh thì ra tiệm cà phê nói chuyện, hi vọng tôi có giúp được chút ý kiến
nào không?"
Sáng đó chúng tôi ra tiệm Starbucks, mua ly cà phê, ra ngồi ngoài hiên, nhìn
thiên hạ qua lại. Phần nhiều khách là người Mỹ, ngồi với tờ báo trên tay. Sau
khi vơ vẩn mấy câu, tôi hỏi. "Anh định khi nào đi nhận việc"
"Khoảng tháng sau. Công ty cho cháu biết, đến lúc nào nhận việc lúc
đó" "Vợ con tính sao?" "Cũng vì chuyện vợ con mà cháu chưa
dứt khoát" "Hình như bà xã anh sắp sinh. Anh có thể hoãn đi nhận việc
cho đến khi vợ sinh xong" "Cháu không muốn nhìn thấy đứa bé khi nó
chào đời. Bác nghĩ sao nếu đó không phải vợ cháu, con cháu?" Tôi kinh ngạc
"Sao kỳ lạ vậy? Hay là anh nghi vợ anh ngoại tình nên giận vợ bỏ đi?"
"Nếu cô ta là vợ cháu thì mới nói là ngoại tình, nhưng quả thật cô ta
không hề là vợ cháu." "Nghe nói anh có cưới hỏi cô ta đàng hoàng mà?"
"Có lẽ cháu phải kể hết từ đầu, bác mới giúp ý kiến cho cháu được. Cháu và
cô ta là bạn học. Chúng cháu rất thân nhau, người ngoài tưởng là hai kẻ yêu
nhau, nhưng sự thực chỉ có cháu yêu cô ta thôi. Cháu có ngỏ ý nhưng cô ta từ
chối tình yêu của cháu, bảo rằng chỉ xem là bạn. Khi bị từ chối, cháu không
buồn, vẫn nuôi hi vọng và chờ đợi, vì cháu biết cháu là người bạn thân nhất của
cô ta. Chúng cháu vẫn thường rủ nhau đi xem phim, đi ăn trưa, cùng đến nhà bạn
bè trong các dịp cưới hỏi, sinh nhật. Cho đến một lần, như mọi khi, cô ta gọi
cháu đi ăn lunch (ăn trưa), nhưng khi đến nơi thì thấy cô ta đang đứng chuyện
trò với một anh chàng nào đó. Cô ta xin lỗi vì phải đi công chuyện với anh ta.
Cháu biết đó là cách cô ta không muốn cháu làm phiền cô ta nữa. Từ đó cháu
không liên lạc với cô ta.
Gần bốn tháng sau, đột nhiên, một buổi sáng thứ bảy, cô ta gọi cháu, hẹn gặp ở
một công viên. Khi cháu đến thì thấy cô ta đứng chờ sẵn với vẻ bồn chồn. Người
cô gầy sộp, hai mắt sưng húp, có lẽ vì khóc nhiều. Buổi sáng trong công viên
vắng vẻ, chúng cháu ngồi xuống một ghế đá, nhìn ra hồ nước rộng mênh mông,
sương sớm khiến bờ bên kia mờ mờ một hàng cây xanh thẩm. Cháu vẫn yên lặng lắng
nghe mấy con quạ gọi nhau trong rừng cây và chờ đợi. Cô ta như đang suy nghĩ để
lựa lời. Và cô nói. "Chắc anh biết chuyện Nga (tên cô ta) với anh con trai
mà anh đã gặp một lần? Bây giờ anh ta đã bỏ Nga rồi" "Có lẽ anh ta từ
nơi khác đến? Trông rất lạ" "Công ty trung ương phái anh ta đến chi
nhánh Nga công tác trong mấy tháng" "Nga yêu anh ta?" Cô yên
lặng một lúc. "Anh ta hứa sẽ cưới Nga" "Và Nga tin vào lời hứa
đó?" Cô gật đầu. Cháu quay nhìn cô ta và hỏi "Rồi anh ta đi thẳng,
không quay lại?" Cô vẫn yên lặng. Cháu an ủi. "Nga cứ xem như mình
mua lầm đồ giả hoặc đã gặp một tai nạn. Nếu Nga cố quên thì tất cả sẽ thành dĩ
vãng" Cô cúi mặt, thở dài "Nga cần anh giúp Nga một việc"
"Anh giúp Nga việc gì? Nếu có thể, anh sẽ cố hết sức mình" Cô quay
lại, nhìn thẳng vào mắt cháu. "Anh cưới Nga được không?" Cháu kinh
ngạc. "Cưới Nga? Vì sao? Nga từng bảo anh. Chỉ có tình yêu mới chịu đựng
nhau suốt đời trong cảnh vợ chồng. Anh không tin rằng Nga yêu anh. Nga nên suy
nghĩ kỹ. Khi thất vọng mình thường làm những chuyện khờ dại. Ở xứ Mỹ nầy, yêu
nhau, thậm chí cưới nhau rồi bỏ nhau là chuyện thường. Không ai dị nghị về
chuyện tan vỡ của Nga đâu. Cưới hỏi, phiền phức lắm" "Mọi chuyện để
Nga lo. Chỉ cưới giả vờ, như đóng kịch vậy thôi. Nga cần anh giúp, không phải
cho Nga" "Nga cần cho ai mà bắt anh phải đóng kịch, giả vờ cưới Nga?"
Cô nắm chặt tay cháu như sợ cháu đứng lên, bỏ đi "Con Nga. Nó cần một
người cha. Nga có bầu hơn hai tháng rồi" Hai tai cháu nóng bừng, tim đập
thình thịch. Cháu phải bấu chặt mép ghế để tự kềm chế "Trách nhiệm là ở
anh chàng kia. Anh đâu có liên hệ gì trong đó. Nga báo cho anh ta biết, nếu
không, cứ kiện ra tòa. Tối thiểu anh ta phải cấp dưỡng cho đứa bé"
"Khi Nga báo cho anh ta biết là Nga có bầu, tuần sau anh ta lặng lẽ về
công ty chính, không nói với Nga một lời" "Có bầu vài ba tháng thì
phá thai dễ dàng. Để anh đưa Nga đi bác sĩ. Anh làm như chồng Nga, đồng ý phá
thai" "Nga muốn giữ đứa bé" "Nga yêu anh ta đến độ đó
sao?" Cô không trả lời mà nói tiếp "Nga không sợ người ta dị nghị,
chỉ lo đứa bé sau nầy khi lớn lên sẽ biết mình không cha, mà nói sự thật thì nó
sẽ đau khổ vì có cha là một người vô trách nhiệm, một tên lừa đảo, thiếu tư
cách." Cháu muốn quát vào mặt cô ta nhưng kềm chế được, chỉ lầm bầm
"Biết là tên lừa đảo mà vẫn muốn giữ cái thai lại? Nếu anh ta cũng có yêu
Nga thì cũng nên làm chuyện đó. Đây thì ngược lại" Cô lớn tiếng "Làm
sao Nga giải thích được với anh? Nga đã lý luận với chính mình mấy tháng nay
rồi...Nhưng con Nga có tội tình gì?!" Rồi cô ôm mặt khóc nức nở "Anh
ta vừa gửi cho Nga cái thiệp cưới. Anh ta cưới vợ" Tim cháu thắt lại. Nước
mắt cháu tuôn trào. Cháu xoay người lại ôm chặt cô vào lòng, cháu khóc với cô
"Nga thương yêu của anh. Có anh đây! Đừng buồn nữa. Anh sẽ cưới Nga. Sẽ
làm bất cứ điều gì mà Nga cần" Giọng cô đẫm nước mắt "Nga chỉ có
anh..."
Tuần sau, chúng cháu gặp nhau. Cháu đồng ý sẽ làm đám cưới, đứa bé sinh ra sẽ
đứng tên cháu là cha nó. Nhưng để tránh rắc rối về sau, cô ta phải viết cho
cháu một bảng tự sự, kể hết mọi chuyện. Từ khi cô ta gặp anh chàng sở khanh đó
cho đến khi đề nghị cháu làm đám cưới, để tên cháu là cha đứa bé. Cháu có hứa
sau nầy, dù có ở đâu, thỉnh thoảng cũng sẽ ghé thăm đứa bé như cha thăm con.
Chỉ một điều kiện duy nhất, cưới về, hai đứa sẽ ngủ riêng. Cô ta đồng ý
ngay".
Tôi cười hỏi "Thế hai người có thật sự ngủ riêng không?" "Mỗi
đứa một phòng. Phòng cháu đặt một giường nhỏ, có computer và sách báo, giống
như phòng làm việc. Hai đứa ở trên lầu, không ai trong gia đình nghi ngờ điều
gì cả." "Thế trong việc đối xử nhau hàng ngày thì sao? Phải đóng kịch
à?" "Chúng cháu vẫn giúp đỡ nhau, chuyện trò như một cặp vợ chồng bình
thường." "Tôi thấy hai người đã đóng kịch được mấy tháng rồi, sao anh
không cố thêm mấy tháng nữa cho cô ta sinh xong hãy đi? Có chuyện gì xảy ra
chăng?" "Cách đây nửa tháng, nửa khuya, cháu trở mình thì thấy cô nằm
ngủ bên cháu. Cháu làm như không biết, vẫn ngủ say. Chuyện xảy ra liên tiếp ba
đêm, sau đó thì chấm dứt" "Anh nghĩ sao về chuyện đó? Có phải cô ta
cảm động vì nghĩa cử của anh? Hay cô đã hết thương yêu anh chàng kia rồi?"
"Cháu nghĩ đó như là cách trả công, đền ơn chứ không thể vì tình cảm. Suốt
mấy tháng ở chung, cháu thấy tâm thần cô ta vẫn chưa ổn định, lòng cô ta vẫn
chưa nguôi ngoai, nhưng cháu thì đã nguội hẳn rồi" "Tôi không tin như
vậy. Có thể vì hành động đó của cô ta mà sự hờn giận trong anh lại bùng lên,
khống chế, che lấp hết tình anh yêu cô ta. Nhưng sau đó, đâu lại vào đấy thôi.
Khi anh thông cảm được với cô ta tất anh sẽ hiểu mình muốn gì." "Cháu
thấy mình không dứt khoát, nên cháu mới hỏi ý kiến bác. Một điều nầy nữa, hôm
qua, cháu nói với cô ta, dự định sẽ qua tiểu bang khác. Cô không nói gì, nhưng
tối đó, khi cháu đi nằm thì cô lại qua phòng cháu ngồi lặng lẽ khóc. Nhìn cái
bụng bầu của cô, cháu nghĩ đến đứa bé." "Tôi biết, như vậy là anh đã
quyết định rồi, nhưng tôi cũng nói thêm. Người đàn bà sợ nhất là khi sinh mà
không có chồng bên cạnh. Dù bao nhiêu người thân chung quanh, nhưng không có
chồng, cô ta vẫn thấy bơ vơ, lo lắng. Càng bị lạnh lùng, thậm chí càng bị chửi
mắng, cô ta càng biết rõ tình cảm của anh. Cô ta tin rằng, anh là người tín cẩn
nhất, thương yêu nhất của cô ta. Anh còn hơn một người chồng nữa."
Và anh ta không đi tiểu bang khác.
Gần hai năm, chúng tôi vẫn gặp nhau, uống trà, trò chuyện. Không ai nhắc đến
chuyện cũ. Đứa bé trai sinh ra đã biết đi và nói chuyện, ngọng nghịu rất dễ
thương. Người cha (hờ) và đứa con, chiều chiều, ra bãi cỏ đùa nghịch, đuổi bắt
nhau, bò lê, bò càng trên sân. Anh ta thường đặt thằng bé trên vai, đi nhong
nhong, miệng phì phì như xe lửa chạy, thằng bé cười ngặt nghẽo. Đôi khi hai cha con qua nhà chúng tôi chơi đùa. Vợ tôi và
con gái tôi rất thích cháu, thường nựng nịu, hôn hít, chọc ghẹo. Họ hỏi cháu
"Con tên chi? Mẹ tên chi? Ba tên chi?" Khi nó trả lời, họ cười rộ lên
"A! Thằng nầy xạo quá!"
Thế rồi, một buổi sáng, trong khi uống trà, anh ta nói với tôi "Lần nầy
cháu dứt khoát đi tiểu bang khác. Bấy lâu nay cháu nấn ná vì thằng bé dễ thương
quá. Nhưng cháu cần một gia đình. Làm chồng hờ hoài cũng chán." Tôi cười
"Vậy chứ đứa em của nó thì sao?" Anh ta ngạc nhiên nhưng rồi hiểu
ngay "Không có chuyện đó đâu bác. Không là không. Bạn tình của cháu thiếu
khối gì." "Hôm nào đi? Báo cho cô ta biết chưa?" "Cháu chờ
khi cô ta đi làm là xách va li lên đường ngay" "Đi là quyền của anh,
sao phải lén lút như vậy?" Anh ta bối rối "Cháu sợ cô ta khóc. Cô ấy
khóc là cháu tối tăm mặt mũi. Không phải cháu đa cảm, hay dễ mủi lòng mà vì
cháu không muốn cô ấy buồn. Thấy nước mắt cô ấy tuôn trào là lòng cháu nát tan.
Lúc đó, cô ấy bảo gì cháu cũng làm cả!" "Vậy chứ khi anh ở tiểu bang
khác, cô ta khóc trong điện thoại với anh thì sao?" "Cháu không biết.
Cháu không gọi cô ta là xong."
Có vẻ không xong.
Tôi bảo anh ta "Tôi biết chắc, chính anh sẽ gọi cho cô ta trước. Chỉ cần
nghe cô ta khóc là anh xách gói về với cô ta ngay. Đàn ông với nhau, tôi đã
trải qua, tôi hiểu anh. Dù có đi đâu, anh cũng sẽ trở về với cô ta. Dù có
chuyện gì xảy ra cho cô ta, anh cũng sẽ mãi mãi bên cạnh cô ta. Anh nên bao
dung, tha thứ. Đừng giận dai. Thời gian đi xa sẽ giúp anh hiểu được cô ta và
chiêm nghiệm về mình. Khi quay về, anh nên coi như mình đã cưới một cô gái xa
lạ nào đó làm vợ. Anh không nhớ, không biết gì về một quãng đời mà chính cô ta
cũng muốn quên."
Phạm
Thành Châu