Học giả Nguyễn
Hiến Lê là học…thiệt. Sách của ông toàn cỡ nhức đầu. Từ cổ chí kim, từ đông
sang tây. Đại Cương Triết Học Trung Quốc, Nho Giáo, Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử,
Tuân Tử, Lão tử bên đông, bên tây có Lịch Sử Thế Giới , Lịch sử Văn Minh Ấn Độ,
Nguồn Gốc Văn Minh, toàn thứ dữ. Ông viết nhiều, viết đủ loại. Theo Wikipedia,
tác phẩm của ông được phân chia làm nhiều mục: Triết học (15 cuốn), Lịch sử (10
cuốn), Giáo dục, Giáo khoa (17 cuốn), Chính Trị, Kinh tế (2 cuốn), Gương Danh
Nhân (15 cuốn), Khảo luận, Tùy Bút, Du Ký (18 cuốn), Tự luyện, Học Làm người (
21 cuốn), Văn học, Tiểu thuyết (19 cuốn). Bạn muốn biết di sản đồ sộ của ông gồm
bao nhiêu cuốn, xin chịu khó làm một con tính cộng. Tôi ngợp quá nên chẳng tính
toán chi được. Trong 19 cuốn được xếp vào danh mục “Văn học, Tiểu thuyết” phần
lớn là truyện dịch. Chỉ có cuốn “Con Đường Thiên Lý” được ghi là “tiểu thuyết”.
Cuốn tiểu thuyết lạc lõng này ít người chú ý tới. Tôi không phải là ngoại lệ.
Phần “học giả” của ông đã lấn lướt phần “nhà văn”. Cho tới mới đây tôi mới biết
tới cuốn “Con Đường Thiên Lý” này do một sự tình cờ. Bèn tìm đọc.
“Con Đường
Thiên Lý” được nhà xuất bản Văn Nghệ ở California phát hành vào năm 1987, ba
năm sau khi ông qua đời. Đây là một cuốn tiểu thuyết của một nhà nghiên cứu nên
phần “thực” lấn át phần “hư cấu”. Đọc xong, tôi ngỡ đây cũng chỉ là một cuốn
nghiên cứu được viết một cách khác. Nghiên cứu về chuyện người Việt đầu tiên đặt
chân tới nước Mỹ.
Truyện bắt đầu
vào năm tác giả học năm thứ ba trường Bưởi, chơi thân với một anh bạn tên Trần
văn Bảng, con một ông đồ, quê ở Phú Thọ. Anh này rất thông minh, đọc nhiều sách
tiếng Pháp ngoài các sách giáo khoa của nhà trường. Một bữa, khi Nguyễn Hiến Lê
về quê bạn chơi, anh Bảng tiết lộ một chuyện. “Anh ngưng lại, mắt long lanh, môi hé một nụ cười. Tôi làm thinh, đợi
anh kể. “Lúc nãy anh bảo người Việt đầu tiên qua Hoa Kì là Bùi Viện. Sai. Người
đầu tiên là cụ Trần Trọng Khiêm”. “Trần Trọng Khiêm là ai? Ở thời nào vậy? Tôi
không nghe tên đó”. “Cũng sống ở triều Tự Đức như Bùi Viện, nhưng sanh ở đầu đời
Minh Mạng, hơn Bùi Viện khoảng hai chục tuổi. Chúng ta không biết rõ Bùi Viện
qua Hoa Kì năm nào, nhưng tôi biết chắc cụ Trần Trọng Khiêm đặt chân lên đất
Hoa Kì năm 1849 và đã sống ở Hoa Kì bốn năm năm”. “Lạ nhỉ. Một điều quan trọng
như vậy mà sử không chép”. Tôi ngồi dậy, tu một hớp nước trà tươi mang từ nhà.
Anh cũng ngồi dậy và bắt đầu kể. “Cụ Trần Trọng Khiêm là em một ông cụ sáu đời
của tôi, cụ Trần Mạnh Trí. Nhà chỉ có hai anh em trai, gái còn mấy người nữa
nhưng gia phả chúng tôi không ghi. Cụ Khiêm sanh năm Tân Tị (1821), năm thứ nhì
triều Minh Mạng, mắt sáng, da ngăm ngăm, thân hình vạm vỡ, mười tám tuổi đã học
đủ các lề lối khoa cử, nổi tiếng văn hay chữ tốt trong miền, được thầy học quí
lắm, hy vọng sẽ làm vẻ vang cho trường. Nhưng tính tình cương cường, hào hiệp,
coi thường khoa cử, không thích công danh”.
Sở học từ nhà
trường khiến tôi vẫn đinh ninh người Việt đầu tiên đặt chân tới Mỹ là cụ Bùi Viện.
Không phải một
lần mà tới hai lần. Năm 1873, cụ Bùi Viện xuống thuyền từ cửa biển Thuận An ở
kinh đô Huế, ngược đường ra Bắc, đáp tàu đi Hương Cảng. Khi đó Hương Cảng là đầu
mối giao thông nối châu Á với thế giới phương Tây. Tại đây, cụ Bùi Viện đã kết
thân được với viên Lãnh Sự Hoa Kỳ. Cụ ngỏ ý muốn sang cầu viện Hoa Kỳ. Viên
Lãnh Sự đã viết một thư giới thiệu với một người ở Mỹ có thể giúp cụ tiếp cận
được với Tổng thống Mỹ. Cụ Bùi Viện lập tức quay trở về Huế để trỉnh sự việc với
vua Tự Đức. Sau đó cụ tiếp tục qua Nhật và đáp tàu đi San Francisco. Cụ lưu lại
đây khoảng một năm để vận động và được Tổng thống thứ 18 của Hoa kỳ là Ulysses
Grant tiếp kiến. Lúc này Mỹ và Pháp có chiến tranh với nhau tại Mexico nên Tổng
thống Grant cũng muốn giúp một nước đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không
có quốc thư nên hai bên không thể chính thức giao ước.
Cụ Bùi Viện phải
quay về nước để tâu tình hình và trình những điều mắt thấy tai nghe tại Mỹ cho
nhà vua. Vua Tự Đức bằng lòng trao quốc thư cho cụ Bùi Viện theo lề lối ngoại
giao chính thức. Cụ Bùi Viện lại lên đường qua Mỹ. Năm 1875, sứ thần Bùi Viện
trình quốc thư lên Tổng Thống Grant nhưng xui xẻo gặp lúc Mỹ và Pháp hết thù địch
nên Tổng thống Mỹ đã khước từ không giúp Việt Nam chống Pháp.
Năm 1873 cụ Bùi
Viện mới xuống tầu đi Hương Cảng. Không biết chính xác năm nào cụ đặt chân tới
Mỹ. Trong khi đó, cụ Trần Trọng Khiêm được biết chính xác đặt chân tới Mỹ vào
năm 1849. Vậy chuyện cụ Bùi Viện mất một kỷ lục là chuyện chính xác. Nhưng tại
sao cụ Khiêm lại lưu lạc tới Mỹ? Năm 20 tuổi, cụ Khiêm lập gia đình với một phụ
nữ họ Lê, người cùng tổng. Ba năm chung sống mà vợ chồng không có mụn con nào.
Bà họ Lê này trước đây bị tên chánh tổng muốn ép về làm vợ lẽ nhưng không
thành. Tên quan này đem lòng căm thù. Năm 1843, tên chánh tổng này đã giết bà
cùng với người lão bộc rồi đốt nhà phi tang. Một năm sau, đúng vào ngày giỗ đầu
của vợ, cụ Khiêm giết tên chánh tổng để trả thù cho vợ. Sau đó, cụ bỏ xứ, trốn
xuống phố Hiến thuộc tỉnh Hưng Yên, đổi tên là Lê Kim, xuống làm việc cho một tầu
buôn ngoại quốc. Đời cụ bắt đâu lưu lạc qua nhiều nước. Vốn thông minh nên chỉ
trong 5 năm cụ học và nói được 4 thứ tiếng:
Anh, Pháp, Hoa, Hòa Lan. Năm 1849, cụ Lê Kim đặt chân tới miền Saint Louis, bên
bờ sông Mississipi. Qua New Orleans, tiểu bang Lousiana, Lê Kim theo đoàn người
qua miền Tây tìm vàng. Học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Ở Nouvelle Orléans chắc cụ đã xuống một chiếc tầu đồ sộ sơn trắng chở
được cả ngàn tấn, có chân vịt ở ngang hông, nhiều bánh xe mà sau này Mark Twain
tả trong các tác phẩm của ông. Cụ đã lênh đênh nửa tháng trên con sông
Mississippi dài vào hàng nhì hàng ba trên thế giới, ở gần vàm rộng mênh mông
như biển cả, đứng bờ bên này không thấy bờ bên kia. Nhìn những khu rừng sên
(chêne), những bãi cỏ bát ngát trên bờ, những con cá lớn bằng cả một chiếc thuyền
thúng nhảy vọt lên khỏi mặt nước, vẩy bạc, lấp lánh dưới ánh trăng, nghe những
tiếng hát lạ tai của biết bao giống người trên chiếc tầu, tuy khác giọng nhưng
cùng một niềm nhớ quê, cảm xúc trong lòng cụ ra sao nhỉ?”.
Cụ Lê Kim biết
nhiều thứ tiếng nên được làm thông ngôn cho đoàn tìm vàng gồm nhiều quốc tịch,
nói nhiều thứ tiếng. Trước đó thủ lãnh của nhóm gồm chừng 60 người đã hỏi về khả
năng nói nhiều thứ tiếng của Lê Kim. Cụ bùi ngùi trả lời: “Tôi nói được tiếng
Pháp, Anh, Hòa Lan, Trung Hoa và một thứ tiếng khác nữa!”. Thứ “tiếng khác” đó
khi ấy chắc chẳng ai biết nên cụ không hài ra. Nhờ có thể tiếp xúc với mọi người
trong đoàn bằng ngôn ngữ của họ, Lê Kim được mọi người thán phục. Cụ lại luôn
luôn đề cao đạo đức mà cụ đã được dậy dỗ từ thời còn ở trong nước nên tiếng nói
của cụ có sức mạnh. Khi đoàn gặp một làng người da đỏ ngăn cản không cho đi
qua, trưởng đoàn phải nộp cho họ một số vật dụng, mọi người phản đối vì cho như
vậy là nhục. Cụ ôn tồn giải thích: “Họ là những người chất phác, giữ tín mà
không sợ chết. Chúng ta phải giữ tín với họ. Sau chúng ta còn nhiều đoàn tìm
vàng khác đi qua đây nữa, chúng ta không nên vì cái lợi nhỏ gây nỗi khó khăn
cho người sau. Ấy là chưa kể gây với họ thì thế nào cũng có người chết. Thử hỏi
bấy nhiêu món có đáng đổi một mạng người không?”. Mọi người cho là phải!
Chuyến đi thiệt
cực. Nhiều người bỏ mạng vì đói khát, tật bệnh hoặc thú dữ. Cụ Lê Kim không ham
vàng nên khi về tới San Francisco, cụ làm báo. Học giả Nguyễn Hiến Lê viết về
chuyện này: “Một hôm cụ Lê Kim vừa về tới
chòi, khoe với Hans: “Nhân đi qua tòa soạn Daily Evening, thấy họ dán giấy cần
một người làm việc vặt trong tòa soạn biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi xin vào đại,
khoe còn biết cả tiếng Hòa Lan, tiếng Trung Hoa nữa, họ nhận liền: 100 Mĩ kim mỗi
tuần, hứa sẽ tăng thêm nếu đắc lực. Công việc tựa như tùy phái, ngồi tiếp khách
lại mua báo hay đăng quảng cáo”. Sau đó Lê Kim được làm phóng viên, viết
tin tức cho báo. Theo một bài báo của Tiến Sĩ Chu Huy Sơn, Lê Kim đã làm cho
hai báo Alta California và Morning Post trước khi làm cho Daily Evening với bút
danh Lee Kim.
Chuyện của ông
Lê Kim đã được ghi lại trong cuốn sách tiếng Pháp “La Ruée vers L’or” của René
Lefèvre, do nhà xuất bản Dumas ở Lyon in vào năm 1937.
Tháng 11 năm
1853, người ta còn thấy Lee Kim, người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Hoa Kỳ đồng
thời là nhà báo Việt Nam đầu tiên, tại Berkeley, Hoa Kỳ. Sau đó Lê Kim về nước,
Tiến Sĩ Chu Huy Sơn viết: “Quá
mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn nơi đất khách, nỗi nhớ quê nhà luôn cánh cánh
trong lòng, cụ Trần Trọng Khiêm quyết định hồi hương. Đến Hồng Kông, cụ nhập
tịch Trung Quốc, rồi về Việt Nam trong thân phận người Minh Hương (người Hoa di
cư) với họ tên là Lê Kim. Năm 1854, Lê Kim về tới Nam bộ, liền bắt tay ngay
cùng bạn bè khai khẩn đất hoang lập nên ấp Hòa An thuộc phủ Tân Thành, tỉnh Định
Tường (nay là Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Cụ Khiêm lập gia đình với một người phụ
nữ Nam bộ họ Phan, sinh hạ được 2 người con trai đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê
Xuân Lương. Lấy chữ Xuân để nhớ về làng Xuân Lũng”.
Trong gia phả của dòng họ được viết
vào năm 1928 cũng đã ghi: “Cụ khai phá
miền Hòa An chưa được mười năm, làng xóm vừa mới phong túc, thì nước nhà bị nạn
ngoại xâm. Năm Giáp Tí, cụ khảng khái bỏ hết nhà cửa ruộng đất, dùng hết tài
sản cùng với cụ Ngũ Linh Thiên Hộ mộ
được mấy ngàn nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa trong Đồng Tháp Mười. Cụ có tài
bắn súng, bách phát bách trúng, xây cất đồn lũy, cầm đầu một nhóm lính đào ngũ
Pháp, tấn công Cái Bè, Mỹ Quới, quân Pháp trăm phần điêu linh. Cụ bà cũng dắt
con theo, thật đáng mặt cân quắc anh hùng. Năm Bính Dần, Pháp đem quân bao vây
ba mặt, tấn công đồn Tiền, cụ tổ chúng ta chống cự không nổi, tuẫn tiết. Các
đồn khác lần lần thất thủ, nghĩa quân phải rút lui, khí thế suy mòn, sau cùng
tan rã. Hỡi ơi! Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh
mà: chính khí nêu cao, tinh thần Hùng Nhị còn truyền hậu thế. Trước khi mất, cụ
dặn cụ bà lánh qua Rạch Giá, rán nuôi con, dạy cho con cháu giữ đạo trung hiếu,
làm ruộng mưu sinh, đừng trục lợi cầu vinh, đừng ham vàng bỏ nghĩa. Nghĩa quân
chôn cụ ở dưới chân giồng Tháp. Năm đó cụ chưa tới ngũ tuần. Cụ bà theo lời
dặn, về làng Mỹ Quới cất chòi, làm ruộng, nuôi heo. Họ chúng ta mấy đời nay
không ai làm giàu, chỉ mong đủ ăn, giữ được thanh bạch, chính là giữ được cái
nếp của các cụ vậy”.
Năm cụ Trần Trọng Khiêm tuẫn tiết là
1866. Cụ hưởng dương đúng 45 tuổi. Trên mộ bia của cụ có ghi đôi câu đối: “Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa
vì nước quyên sinh / Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế”.
Hậu thế ghi công người con yêu của đất nước đã sống một đời hào hùng bằng hai
con phố mang tên Trần Trọng Khiêm. Đó là đường Trần Trọng Khiêm tại phường Long
Bình, thành phố Thủ Đức. Và tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, con
đường Trần Trọng Khiêm nối đường Lê văn Hiến với đường Chương Dương.
Cuốn tiểu thuyết “Con Đường Thiên Lý”
của Nguyễn Hiến Lê ngả về tài liệu hơn là văn chương. Dù sao, đây cũng là một
tài liệu quý về một người Việt chọc trời khuấy nước không chỉ ở trong nước mà
còn ở ngoài nước. Khởi đầu cuốn truyện, tác giả đã nhắc tới anh bạn học trường
Bưởi tên Trần văn Bảng, người đã hé lộ về cuộc đời của Trần Trọng Khiêm. Anh
cũng chính là người đã giữ bức thư bằng chữ Nôm mà Trần Trọng Khiêm gửi về quê
nhà ngoài Bắc sau khi trở về miền Nam Việt Nam. Bức thư đã được một Hoa kiều
chuyển về Phú Thọ cho người anh ruột tên Trần Mạnh Trí, cụ tổ bảy đời của anh
Trần văn Bảng. Thư không dám để tên thật, chỉ ghi là Lê Kim. Ông Trí nhìn qua
nét chữ và những ý ngầm gửi trong thư nhận ra đúng là ông em đã gây án mạng và
trốn biệt tích từ nhiều năm trước. Ông Trí đã dè dặt, không tin ông Tàu đưa thư
nên không viết thư hồi đáp, chỉ nhắn miệng: gia đình ở quê nhà bình an, người
đi xa chưa nên trở về lúc này. Nhận được lời nhắn, ông Trần Trọng Khiêm hiểu
nên ở lại miền Nam tham gia kháng chiến chống lại thực dân Pháp.
Anh Trần văn Bảng là người đã giữ bức
thư này. Anh cho Nguyễn Hiến Lê coi: “Tối
đó tôi nhắc anh Bảng kể tiếp chuyện cụ Khiêm. Anh gật đầu, lên nhà trên một
lát, rổi trở xuống, vặn to ngọn đèn dầu, đưa tôi coi một tờ giấy bản vàng khè,
lủng một vài lỗ, có nhiều nếp gấp gần muốn rách, nét chữ đã mờ nhưng còn đọc
được”. Bức thư đã được lưu giữ tới anh Bảng là bảy đời.
Ngày nay người Việt tỵ nạn cộng sản
đã định cư tứ tung khắp thế giới. Cộng đồng người Việt tại Mỹ đã đông đảo tới
hàng triệu người. Việt kiều đi về Việt Nam như đi chợ. Mấy ai đã có lúc dư thời
giờ đặt câu hỏi ai là Việt kiều đầu tiên. Cụ Trần Trọng Khiêm đã một mình ra
đi, một mình sống trên đất Mỹ trong nhiều năm trời, một mình quy hồi cố hương.
Tôi nghĩ tới sự cô đơn của cụ. Rời cuốn sách điện tử “Con Đường Thiên Lý”, tôi bâng
khuâng như rời xa một người thân. Rất xa nhưng cũng rất gần!