Tập
thơ “Đất còn thơm mãi mùi hương” của
Phạm Cao Hoàng, về mặt hình thức, thuộc nhiều thể loại khác nhau, nhưng đa phần
là lục bát và thơ tự do. Về mặt nội dung, đặc điểm nổi bật nhất là tính hiện
thực (realisticity),
không những thế, tính cụ thể (specificity). Phạm Cao Hoàng tập trung vào ba
hiện thực chính, hoặc riêng biệt hoặc kết hợp với nhau, cùng với bối cảnh và sự
kiện xoay quanh chúng: Người (người thân và bạn bè), Quê (quê nhà và quê người)
và Em. Tất cả được thể hiện qua hai tính cách: thơ-hóa hiện thực và hiện-thực-hóa
thơ.
- Thơ-hóa hiện thực:
Thơ-hóa
hiện thực, nói đơn giản, là biến hiện thực thành thơ. Trong tập thơ này, hầu
như tất cả những bài thơ Phạm Cao Hoàng sáng tác, đều dính dáng một cách trực
tiếp đến khung cảnh cụ thể bên ngoài và cảm nghiệm của anh xuyên qua chúng. Nói
một cách khác, cảm hứng thơ của anh xuất phát từ sự kiện, chứ không từ những tưởng
tượng vu vơ.
Trong
“Cha tôi”, anh dựng lên hình ảnh của người cha, không phải chỉ như một ý niệm về
hiếu đạo, mà là chân dung rõ nét của người sinh thành và làm việc một cách nhọc
nhằn để nuôi dưỡng anh thành người:
ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng
ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa
những sớm tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi
đi về phía bờ mương
Hoàn
cảnh cái chết của ông được anh diễn tả tuần tự và chính xác theo những gì đã
xảy ra:
kể từ hôm vượt đèo Ngoạn Mục xuống Sông
Pha
chạy ra Tuy Hòa
trở vô Sài Gòn
và nhận tin cha tôi đã chết
ông qua đời khi chiến tranh kết thúc
để lại trần gian nỗi nhớ khôn
nguôi
Ngoài cha và mẹ, Phạm Cao Hoàng dành khá nhiều bài thơ ghi lại những kỷ niệm hay để tưởng niệm người thân và bạn bè (bạn học và bạn văn nghệ), mỗi người gắn liền với từng hoàn cảnh cũng như những kỷ niệm riêng.
Xót
xa vì cơn bệnh đột ngột đến với họa sĩ Đinh Cường, anh viết:
chàng
bất ngờ ngã xuống
vào
một đêm rất lạnh ở miền Đông Bắc
trực
thăng cấp cứu đưa chàng chuyển viện
phải
cứu lấy người họa sĩ này
phải
cứu lấy những bức tranh còn dang dở.
Chia sẻ khổ nạn của
Trần Hoài Thư, một bạn văn thân thiết từ thời còn trẻ:
rồi
chàng xuống núi xuôi Nam
từ
cơn khổ nạn ba năm quay về
ngày
về râu tóc bạc phơ
người
muôn năm cũ bây giờ ở đâu
Nhớ đến một nhà văn
anh kính trọng vì sự nghiệp văn chương và công lao văn học là Nguyễn Xuân
Hoàng:
cũng
đành thôi, nắng tắt rồi
mặt
trời đã lặn, ngày vui đã tàn
một
vì sao – Nguyễn Xuân Hoàng
vừa
đi vào cõi vĩnh hằng sáng nay
Làm thơ về người nào,
anh đều nêu lên những chi tiết đặc thù của người đó, hoặc nhân danh, hoặc địa
danh (lên Hòa Mỹ thăm bạn, gặp Phạm Văn Nhàn ở New Jersey)), hoặc sự kiện (Đinh
Cường được trực thăng cấp cứu), hoặc nhân dáng (Trần Hoài Thư râu tóc bạc phơ).
Lắm khi, để cho xác thực hơn, anh ghi lời đề tặng, trích dẫn thơ của bạn hay
cho thêm ghi chú về hoàn cảnh hay sự việc. “Thơ tặng người thi sĩ ở Garland”, đề tặng Nguyễn Xuân Thiệp, phác họa
một số nét tiêu biểu về chân dung, tính cách và hoạt động của nhà thơ này.
nâng ly nào, mừng ngày chàng trở lại
mừng người thi sĩ đến từ Garland vẫn
hồn nhiên vẫn vô tư như thời Hoa Hồng (1)
tặng cho chàng một đóa Phù Dung
và nghe chàng đọc thơ
tôi khóc, những đôi giày bên bờ sông
Danube (2)
nâng ly nào, hỡi người thi sĩ cô đơn
đến từ Texas
buổi chiều sơn dầu ở Studio Trương Vũ
đầy tranh
buổi chiều miền Đông với những đồng cỏ
xanh
chàng nói về thơ
về những bài tản mạn bên tách cà phê (3)
về phố văn (4)
và những tháng năm tràn đầy kỷ niệm
Garland là tên thành phố Nguyễn Xuân Thiệp ở; ghi chú (1) là đường Rose ở
Đà Lạt, nơi Nguyễn Xuân Thiệp có nhiều kỷ niệm; ghi chú (2) là câu thơ trích dẫn của Nguyễn Xuân
Thiệp; ghi chú (3) là loạt bài tản
mạn nổi tiếng của Nguyễn Xuân Thiệp ở hải ngoại; ghi chú (4) chỉ tạp chí Phố
Văn do Nguyễn Xuân Thiệp chủ biên (2000-2008).
Quê nhà và quê người cũng được Phạm Cao Hoàng thơ-hóa bằng những chi tiết và sự kiện liên hệ đến từng nơi. Dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, chúng cũng xuất hiện một cách rõ ràng, không những chỉ khung cảnh và kỷ niệm, mà còn kèm theo địa danh, dù đó là một thành phố, một cái dốc hay một con đường.
Ở Phú Thứ, nơi anh sinh trưởng, với mây khói quê nhà:
bữa đó con về thăm
Phú Thứ
gặp lại mùi hương
của ruộng đồng
gặp lại những năm
và tháng cũ
mây khói quê nhà
nhẹ bước chân
Ở Đà Lạt, nơi của tình bạn và tình yêu:
kể từ hôm tôi nắm
tay em
chầm chậm đi qua
Khu Hòa Bình
xuống con dốc Duy
Tân
rẽ sang Hai Bà
Trưng
và dừng lại nơi
chiếc cầu Vĩnh Viễn
đêm ấy
Đà Lạt có một chút
mưa bay
có tiếng hát của
Lê Uyên Phương, của Phụng, của Tiên
của Nhượng, của Phong,
của Triền, của Chức
em mặc chiếc áo
dài màu xanh của miền đồi núi
đôi mắt hồn nhiên như một bài thơ tình
Ở Ngựa Ô (Black
Horse), tên một con đường ở thành phố Centreville, Virginia, nơi bà xã anh đã
từng bị tại nạn:
nơi anh Đinh Cường
viết Đoạn Ghi Đêm Centreville
nơi em trở về sau
lần ngã gục
tôi dìu em lên
những bậc thềm đớn đau và hạnh phúc
Mùa đông ở vùng Đông
Bắc, nơi anh đã từng “ôm đàn qua thung lũng Fox”:
bây giờ mùa đông trở lại
rừng xơ xác ngọn điêu tàn
bầy
chim bay xa trốn tuyết
trong sương mù tôi lang thang
Quê nào có kỷ niệm đó và kỷ niệm nào cũng là một dấu ấn khắc sâu vào trái tim anh và biến thành thơ. Ở điểm này, Phạm Cao Hoàng đã đưa thơ gần với văn. Văn hòa trong thơ. Nhiều bài thơ là những câu chuyện kể cô đọng về một sự kiện hay một biến cố nào đó. “Ước mơ của Myla” chẳng hạn, kể lại câu chuyện cô bé Myla đi học mẫu giáo:
Mùa hè vừa rồi mẹ mua cho Myla một
chiếc ba-lô
chuẩn bị đến tháng 9 này sẽ vào mẫu
giáo
Myla thích lắm
đêm, Myla ôm chiếc ba-lô nằm ngủ
ngày, Myla mang ba-lô chạy tung tăng
trong nhà
đếm từng ngày chờ buổi tựu trường
Nhưng rồi cơn đại dịch xảy ra khiến cho cho cô đành phải học trực tuyến (online) ở nhà:
Myla
mang ba-lô ngồi trước laptop
nghe
cô giáo giảng bài
nghe
cô giáo hướng dẫn các trò chơi
vẫy
tay chào các bạn qua chiếc màn hình nhỏ.
(…)
Tháng
9, tháng 10, rồi tháng 11
ba
tháng đã trôi qua
những
con quái vật vô hình vẫn còn đó
trường
học vẫn tiếp tục đóng cửa
Myla
vẫn tiếp tục đợi chờ...
Bài thơ kết thúc bằng một nụ cười:
Myla
cười hồn nhiên:
-
Thì cứ tưởng tượng là mình đang đi học để được mang ba-lô cùng chị Hazel đến
trường.
Ngoài
người thân, bạn bè và quê nhà quê người, nguồn thơ của Phạm Cao Hoàng xuất phát
từ Em. Hầu hết thơ tình của những nhà thơ khác, qua đó, Em chỉ là cái cớ, là
một ý niệm, một hình ảnh, thậm chí là một đối tượng siêu hình hay đối tượng
thẩm mỹ, do đó, có khi Em này lẫn lộn với Em kia. Em, trong thơ Phạm Cao Hoàng
ngược lại, không phải là một thực thể trừu tượng, một hình ảnh chung chung nào
đó, mà là một Em duy nhất, một người cụ thể, có tên và là tên thực: Cúc Hoa, vợ
anh. Thi nhân xưa, ngoài chuyện làm thơ để ca ngợi hoa cỏ trời trăng mây nước,
còn có một loại thơ riêng, gọi là thơ “tặng nội”, như một cách cám ơn công lao
thờ chồng nuôi con của vợ. Thơ Phạm Cao Hoàng, dù nói về vợ, nhưng không phải
để “tặng nội”, mà vẫn là thơ tình. Anh đồng hóa vợ với người tình và ngược lại.
Bất cứ tình huống nào, bất cứ thời gian hay không gian nào, Em cũng là một
nguồn thơ, một cảm hứng thơ.
có tình em rất ngọt ngào
trong veo như giọt sương đèo Prenn
Khi
ở quê người:
vẫn là tôi, vẫn là em
vẫn khu vườn cũ, vẫn thềm nhà xưa
đi cùng tôi nhé Cúc Hoa
trên con đường mịt mù mưa xứ người
Khi
em đau ốm:
hôm em ở bệnh viện về
cụm hoa trước ngõ cũng vừa ra bông
(…)
hát em nghe bài Je t’aime
kể em nghe lại chuyện tình Cúc Hoa
Khi đứng bên dòng sông Potomac:
khi dừng lại bên
dòng Potomac
em bên tôi
vẫn rất dịu dàng
Khi cám ơn đời:
đứng bên bờ vực tử
sinh
vẫn nghe em hát
bản tình ca xưa
Khi ngồi nhớ Việt Nam:
về đâu chẳng biết
về đâu
thôi thì về lại
buổi đầu gặp em
Khi chia tay Đà lạt:
lại cùng em lang thang bên hồ Thạch Thảo
nói với em về một đoạn đời buồn
Trong
đêm giao thừa:
thức
cùng em đêm ba mươi
canh
nồi bánh tét bên trời tha phương
nhắc
cùng nhau một đoạn đường
năm
mươi cái Tết anh thương em nhiều
Tóm lại, Em hiện diện trong thơ anh là độc nhất, vừa đơn giản,
nhẹ nhàng, vừa thơ mộng mà lại cũng vô cùng cụ thể. Có thể nói, Em (Cúc Hoa) là
“nàng thơ” của Phạm Cao Hoàng!
- Hiện-thực-hóa thơ:
Đối với nhiều nhà thơ, khuynh hướng chung là trừu tượng hóa, tổng quát hóa những sự kiện cụ thể, với mục đích “hư cấu hóa” chúng để tạo thành những thi ảnh. Phạm Cao Hoàng, ngược lại, hiện thực hóa các biểu tượng thơ của mình bằng cách, hoặc sử dụng ngôn ngữ diễn tả đời thường, hoặc như đã đề cập ở trên, đưa hẳn các sự kiện, hình ảnh và danh xưng có thật vào trong thơ. Vì thế, những nhân vật, sự vật, sự kiện bên ngoài xã hội đều xuất hiện trong thơ anh một cách “chính danh”, không hề lọc qua bất cứ một màn lọc tu từ nào:
bốn năm sau ngày anh Đinh Cường ra
đi
những buổi gặp gỡ
ở miền Đông thưa thớt dần
tôi trở lại Sài
Gòn Quán
Sài Gòn Quán đóng
cửa
tôi tạt vào Saxbys
Coffee
Saxbys Coffee đóng
cửa
(…)
đóng cửa đóng cửa
đóng cửa
những
nơi chúng tôi thường lui tới bây giờ đóng cửa hết rồi
Sài Gòn Quán là Sài Gòn Quán, Saxbys Coffee là Saxbys Coffee cũng như Đinh Cường là Đinh Cường, không là biểu tượng của một cái gì khác hơn chính những danh xưng đó. Phạm Cao Hoàng còn làm cho hiện thực sống động hơn bằng cách đưa đối thoại vào trong thơ, một nét khá riêng trong thơ anh:
Vẫn là
những cốc rượu vang được cất giữ nhiều năm của người chủ nhà hiếu khách
nâng
ly nào
chúc
mừng các bạn được hít thở không khí tự do sáng tạo.
- Này
Lê Hân, bạn làm công việc xuất bản sách được bao nhiêu năm rồi?
- Trên
dưới hai mươi năm.
- Ở
hải ngoại in sách đồng nghĩa với thua lỗ. Sao bạn lại chọn con đường này?
- Vì
đam mê, vì những người yêu sách và vì niềm vui của các tác giả có sách được
in.
- Lâu
nay bạn có về Việt Nam không?
- Có
chứ. Về thăm quê hương, gia đình, bạn bè và đi tìm những cuốn sách xưa quí
hiếm.
(Woodbridge, buổi
chiều và những nụ cười).
Tôi tin rằng đây là một đối thoại có thật; Lê Hân là một nhân vật có thật, anh là chủ nhân của nhà xuất bản Nhân Ảnh.
Tên bạn bè và người thân cũng được anh đưa hẳn vào thơ, khi thì nằm ngay trong tựa đề, như “Ở New Jersey, gặp lại Phạm Văn Nhàn” hay “Trần Hoài Thư xuống núi”; khi thì nằm trong nội dung, bằng tên thật đi kèm theo những sự kiện liên hệ có thật: Nguyễn Xuân Hoàng, Trương Vũ, Nguyễn Ngọc Phong, Nguyễn Trọng Khôi, hay Phụng, Tiên, Nhượng, Triền, Kim Huê (bạn học của Cúc Hoa)… Quê nhà và quê người cũng thế, hoàn toàn cụ thể, đó là tên các thành phố, các cơ sở hay tên những con đường, hoặc nằm ngay ở tựa đề như “Chia tay Đà Lạt”, “Đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù”, “Mùa thu Đức Trọng”, “Dran, ngày về”, “Thơ tặng người thi sĩ ở Garland”, “Scibilia, ngày cuối thu” hoặc nằm trong nội dung như Tuy Hòa, Đà Lạt, dốc Nhà Làng, dòng Potomac, Thủy Tạ, Lạc Lâm, khu Hòa Bình, dốc Duy Tân, cầu Vĩnh Viễn, Le Bledo, Tong Thái, Phở Xe Lửa, Gallery Lạc Việt, Bellingham, New Delhi, thung lũng Fox, Bệnh viện Centre Hospitalier… Có thể nói, không có thơ của nhà thơ nào lại chứa đựng nhiều danh từ riêng như thơ Phạm Cao Hoàng.
Anh cụ thể hóa thơ bằng những con số kèm theo địa danh và sự kiện, kể cả ngày, tháng và năm của một người thân từ trần:
Bệnh viện Centre
Hospitalier
phòng 1004
anh tôi nằm trên
giường bệnh, hơi thở mệt nhọc
(…)
Ngày 18 tháng 9
năm 2019
anh tôi yên nghỉ ở
nghĩa trang Athis-Mons, ngoại ô Paris
đúng với ước
nguyện của cháu tôi: con cần một
nơi để còn thăm viếng
và anh tôi sinh ở
Việt Nam, qua đời trên đất Pháp
sau 35 năm ra đi
chưa một lần trở lại quê nhà
(Sau
35 năm chưa một lần trở lại quê nhà).
Đi xa hơn, Phạm Cao Hoàng còn đưa hình ảnh vào thơ. Bài thơ “Xin cho tôi được làm người Việt Nam”, với hai câu đầu:
mấy anh ngỗng Bắc
Mỹ bay rất nhanh rất xa
nhưng khi đi bộ
thì cứ tà tà
được minh họa bằng bức ảnh chụp một đàn ngỗng băng qua đường với ghi chú “Ảnh chụp ở đường Hollinger, (Fairfax, VA) lúc 6:30 sáng 18/8/2017”. Đàn ngỗng trong bài thơ này đóng vai trò của một gợi ý. Từ đàn ngỗng, anh đề cập đến tự do, nhân quyền và sự sống cũng như tinh cảm đối với quê hương.
Nói chung, theo tôi, Phạm Cao Hoàng đưa hiện thực cụ thể vào thơ nhằm minh chứng cho quan điểm và tình cảm của anh: thơ mộng thì thơ mộng, lãng đãng thì lãng đãng, văn nghệ thì văn nghệ, nhưng phải có thật, phải thành thật và do đó, cảm xúc thật. Không thương vay khóc mướn, không đánh bóng người, không tự đánh bóng mình, và cũng không ca ngợi vu vơ.
Thơ-hóa hiện thực hay hiện-thực-hóa thơ chỉ là một cách phân tích, một cách làm rõ cấu trúc thơ của Phạm Cao Hoàng. Thực ra, hai yếu tố này thể nhập vào nhau.
Scibilia, ngày
cuối thu
tôi đuổi theo
những đám sương mù
và khi quay lại
tôi nhìn thấy
một giọt sương
buồn trong mắt em
(Scibilia, ngày cuối thu)
Mùa thu, con đường, sương mù, sương buồn và mắt em hòa
trộn vào nhau tạo thành một thi-ảnh vừa đẹp vừa thơ mộng. Hiện thực trong thơ
và thơ trong hiện thực. Nhưng tiêu biểu hơn cả trong sự thể nhập hiện thực và thơ chính là nàng Cúc Hoa, xuất hiện trong nhiều bài. Xin trích
nguyên một trong những bài mà tôi cho là điển hình cho nhận xét này:
thức dậy lúc ba
giờ sáng
ngoài trời tuyết
phủ mênh mông
tuyết ngập hồn
người xa xứ
tuyết mù mịt cả
miền đông
cùng em ra sân cào
tuyết
gió đêm lạnh đến
tê người
tuyết nhiều cào
xong thấm mệt
và đôi chân bước
rã rời
cùng em ra sân cào
tuyết
biết là vất vả mà
vui
chia nhau một đêm
băng giá
ở vùng Bắc Mỹ
xa xôi
cùng em ra sân cào
tuyết
biết là vất vả mà vui
và cứ hồn nhiên em
nhé
cùng tôi đi giữa
cuộc đời
thức dậy lúc ba
giờ sáng
ngoài trời tuyết
trắng như bông
tôi yêu những bông
tuyết trắng
và yêu em – đóa
hoa hồng
(Đóa hoa hồng trong tuyết).
Có “bông tuyết trắng” rất đẹp, có “đóa hoa hồng” thơm tho; nhưng trong bài thơ này, “đóa hoa hồng” cào “bông tuyết trắng”, vất vả mà vui! Phạm Cao Hoàng đã biến chuyện hai vợ chồng cùng cào tuyết - một trong những công việc khá nhọc nhằn của những người sống ở xứ tuyết - thành thơ!
Chất hiện thực trong thơ anh khiến tập thơ của anh như một thứ hồi ký sống. Nó tạo xúc động, không chỉ bằng ngôn ngữ mà bằng những gì có thật. Nói cách khác, hiện thực là một trong những yếu tố gây xúc động. Nhà văn Phạm Văn Nhàn, khi đọc bài thơ “Cha tôi”, đã viết: “Đọc bài thơ CHA TÔI, tôi nhớ đến ngôi nhà và hình ảnh của bác trai. Bác cao, hơi gầy và da ngăm đen. Cái đen của nắng và gió, của một người nông dân thuần chất”; hoặc bài thơ “Mây khói quê nhà”, là anh nhớ đến “con đường dọc theo mương dẫn thủy nhập điền từ đập Đồng Cam về tưới tiêu cho những cánh đồng rộng lớn. Tôi đã từng đi trên con đường này.” (…) “Rất rõ và thèm: nồi cá rô thơm mùa lúa mới, như trong thơ Phạm Cao Hoàng.”[1]
Tóm lại, thơ Phạm Cao Hoàng là Phạm Cao Hoàng. Chẳng thế
mà, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp viết:
“Đọc thơ Phạm Cao Hoàng, ta thấy tâm hồn anh đầy nhân hậu, bao dung và độ lượng, luôn mở rộng đón nhận những âm vang của đất trời. Ở Phạm Cao Hoàng, không có sự ganh ghét thù hận hay ra vẻ trí thức triết lý với đời. Thơ anh trong sáng, tự nhiên, bình dị, nhẹ nhàng đi vào hồn người. Đọc thơ Phạm Cao Hoàng ta tìm được niềm an ủi trong tình yêu, gia đình, bạn bè, quê hương đất nước và cuộc sống chung quanh mình.”[2]
Tưởng không có nhận xét nào chính xác hơn.
TRẦN
DOÃN NHO
(Dallas, đầu Xuân Quý Mão,
2/2023
_____________________________________
[1] Phạm Văn Nhàn, Đất và Người, “Đất còn thơm mãi mùi
hương”, Thư Ấn Quán, in lần thứ 3, 2018, trang 104, 105.
2 Nguyễn Xuân
Thiệp, Bạt,
“Đất còn thơm mãi mùi hương”, Thư Ấn Quán, in lần thứ 3, 2018, trang 12.