Trên Kệ Sách Giới Thiệu
Lý Thuyết Sáng Tác Truyện Ngắn
Link:
https://www.academia.edu/98728316/L%C3%BD_Thuy%E1%BA%BFt_
Mặt ngoài của câu truyện phải hấp dẫn tạo ra sức
lôi cuốn. Tôi nhớ có một nhà văn ngoại quốc viết rằng, làm thế nào để độc giả đọc
gần hết một trang đã cảm thấy mong muốn đọc trang tiếp theo. Làm sao để diễn đạt
chất hấp dẫn?
James Cooper Lawrence trong A theory of the Short
Story nhận xét sự “chung chung” làm mất chất hấp dẫn. Tôi giải thích rằng,
trong mỗi trang truyện đều có ít nhất một điều gì chủ lực. Những điểm chính này
cưu mang ý tưởng, suy nghĩ, tứ văn, hoặc hình ảnh, phải được trình bày một cách
độc đáo, mới lạ, hoặc tối thiểu là không “chung chung.”
Chung chung là gì? Cái mà mọi người đã biết đã quen
thuộc. Tình yêu chung chung. Nỗi buồn chung chung. Cảm giác chung chung…. Những
cái không khơi dậy cảm xúc của người đọc. Chung chung mang tính phổ quát, lập lại
nhiều lần, hiện diện giống nhau hoặc tương tựa. Rất nhiều truyện chung chung,
nhiều bài thơ chung chung, tất cả chung chung sẽ tiếp tục chung chung, nhanh
chóng đi vào quên lãng. Quan trọng nhất, chung chung là của người khác, của đám
đông, của sáng tác đồng phục. Một sáng tác độc đáo cần được cá nhân hóa. Cái gì
là của riêng mình trong trang viết này? Nếu không có gì riêng, có thể có thứ gì
khác với cái chung chung? Cá nhân hóa mang theo cá tính, tài năng và văn hóa của
người viết, trên hết vẫn là sáng tạo. Không có sáng tạo chung chung mặc dù rất
nhiều sáng tác chung chung. Mỗi sáng tạo là mỗi cá nhân hóa, nổi bật lên khỏi
cái chung chung. Khi sáng tạo nào đạt đến cao điểm, sẽ bắt đầu bị chung chung
hóa. Và nguy hiểm thay, chính tác giả người sáng tạo ra cái sáng tạo cao điểm dễ
dàng trở thành chung chung hóa tài năng của mình.
(Introduction của Looking For the Dead’s Breath của
Ngu Yên.)