Bà Bán thường say rượu buổi chiều. Đi chợ về mặt bà đỏ gay như ráng phía trời tây. Chân tay quờ quạng, bà bưng rỗ thức ăn nào cá ngừ, cá nục mua của nậu rỗi dưới xóm Đàn. Họ gánh từng gánh cá chạy bộ lên bán ở chợ Rường. Những mớ cá tươi ngon. Rồi bà mua thêm rau muống, rau tần ô...đem về nấu canh. Nhưng bà không quên được ly rượu trắng ở tiệm bà cả Trâu, bà liền ghé vào. Bán cho tui năm đồng rượu bà cả ơi. Bà cả Trâu rót một ly đầy, bà Bán đưa năm đồng và cầm ly lên, ực một cái, ực một cái nữa. Xong, bà te tái đi ra. Bây giờ thì bà đánh rơi rỗ rau. Bà quậy quọ ngồi dậy, trời bên ngoài xoay vòng vòng, nhưng bà cũng cố sắp những món rơi vải bỏ vào rổ, đứng lên xiêu vẹo đi về.
Bà Bán hay xúc gạo trong lẫm lúa, bán lén lút cho bà Trầm, nhà phía bên trên,
cách một hàng rào. Bà Trầm trả tiền cho bà, bà mua rượu uống.
Nắng
chiều vắt vẽo trên các ngọn cây, lẩn quẩn rơi xuống sạp nước. Bà Trầm lấy gáo
xối lên đôi bàn chân đầy bùn đất, rồi quày quả vào bếp đốt lửa nấu cơm.
Bà
Trầm không bao giờ mang guốc, giép, mang vào bà thấy khó chịu làm sao. Từ nhỏ
đi chăn bò ở xóm đập Trà Thai, bà cho bò ăn từ đồng này qua đồng khác, bà đi
chân không quen rồi. Thằng Trí, thằng Hóa vẫn mua cho bà những đôi giép bán ở
chợ Vạn, mẹ mang vào chứ đi chân không hoài đạp miễng chai hay đinh đó mẹ, Bà
Trầm, tau mang không quen. Mẹ mang riết rồi quen chứ gì. Nhưng khi xỏ chân vào
đôi giép nhựa, bà thấy ngứa ngáy, chân bà như bị ép vào khuôn khổ. Bà liền cúi
xuống cầm đôi giép trên tay, đến khi về đến ngõ nhà, bà mới xỏ vào. Thằng Trí
đứng trong sân thấy mẹ mang giép, reo lên, mẹ mình mang giép được rồi, Hóa ơi!
Thằng Hóa chạy ra ngó lom lom vào đôi chân của mẹ.
Xóm
cầu gò ông Đốc có gia đình hai Hợi, chuyên môn đi làm thuê. Cấy gặt, tát nước,
ai kêu hai Hợi làm gì thì hai Hợi làm nấy. Chiều về dỡ nón ra chủ đong cho ba
lon gạo. Hai Hợi đem về nấu cơm cho mẹ ăn. Hai Hợi làm việc cần mẩn, nhiệt
tình. Nhà ở trong khu vườn gần cầu gò ông Đốc, một căn nhà tranh nhỏ. Hai Hợi
sống với người mẹ già và cô út Mun có bàn chân bị dị tật nên đi đứng khó khăn.
Buổi chiều Trí thường hay ra đứng ngoài ngõ ngó mông, đợi mẹ đi chợ về. Mẹ
thường mua bánh tráng nướng hay những viên kẹo ngọt. Trí ôm lấy mẹ hun lên mặt
mẹ rồi kéo mẹ xuống bú vú. Me la, cái thằng cu này lớn rồi mà còn nhõng nhẽo.
Để mẹ vô nhà nấu cơm, cha mi đi làm đồng sắp về rồi đó. Về chưa có cơm ổng ăn,
đói bụng ổng la chết. Trí buông mẹ ra, cầm cục kẹo ngọt bỏ vô miệng nhai ngồm
ngoàm. Lúc đó bà Bán đi về, chân nam đá chân xiêu, mắt bà Bán đỏ gay như có
cục máu đọng trong đôi mắt ấy. Bà đi xiêu vẹo rồi té ngã bên đường. Thằng
Trí phải dìu bà vào tận nhà, đặt bà nằm trên chiếc chỏng tre.
Thằng
Trí bắt đầu thấy nhớ con Cầm, con bé học dưới nó một lớp, lớp ba. Nó thấy sao
con Cầm bận chiếc áo hoa cà đẹp quá. Nó mê nụ cười con Cầm, mê luôn nét môi và
hàm răng xinh đẹp nữa. Mà con Cầm ngó lơ. Nó âm thầm thương nhớ và buồn ra mặt.
Thằng
Năng trên xóm chợ là thằng hoang rắn nhất, nó cũng âm thầm mê con Cầm,
yêu-tha-thiết-yêu-khổ-đau-yêu-tiều-tụy-người. Ông Hàn cha nó chỉ có nó là con
trai, thấy nó xịu lơ không học hành được đành cho nó đăng lính. Nó vào lính mấy
năm ra tác chiến hành quần trên vùng quê xa lắc, rừng và núi ngút ngàn. Nó đi
tiền đồn gặp địch bị ria một tràn AK liền quỵ xuống. Con Cầm nói, tui ngủ thấy
ổng về đầu đầy máu. Tui nhìn ổng khóc một hồi rồi ổng biến đi. Tỉnh dậy tui
cũng khóc một mình.
Thằng
Ban thì thích con Ngọc con ông sáu Thiếc. Ông sáu Thiếc có tiệm tạp hóa ngoài
chợ, bán đủ thứ đồ. Con Ngọc không đi học, thằng Ban buổi chiều chạy xe đạp qua
ngó dáo dát vào nhà tìm con Ngọc. Xe đạp nó không có thắng, mỗi khi dừng lại nó
phải để chân có đôi giép cao su cạ vào bánh xe, cho xe dừng lại. Thằng Ban và
con Ngọc kẻ trong người ngoài. Có lần lo nhìn con Ngọc, nó chạy đâm xe vào cây
bàng, nó ngã quay lơ. Mối tình đó cuối cùng mỗi người mỗi ngã. Thằng Ban cứ tâm
niệm là mình sẽ lấy được một cô gái cùng quê nhưng đã trễ. Con Ngọc lấy thằng
Nha làm hội đồng xã. Thằng Ban đi về nghe tin ủ mày ủ mặt, nước mắt chảy ra
dòng dòng.
Chuyện thàng Trí mê con Cầm cũng là một thiên tình sử âm thầm. Mê-ngày-mê-đêm-mê-say-đắm, nhưng nó chỉ đứng nhìn con Cầm từ xa. Con Cầm nhảy giây, con Cầm chơi ô ăn quan, con Cầm hát bài Nha Trang là miền quê hương cát trắng...Nó nhìn con Cầm mê mẩn mà chẳng giám đến gần...Đó gọi là mê-xa.
Tuổi biết buồn từ đó. Về sau cơn buồn vẫn đeo đẳng theo những mối tình vô vọng. Cái gì không cầm trong tay được gọi là vô vọng, hay cầm trong tay mà vụt ra bay mất, cũng là vô vọng đó thôi.
Trần Yên Hòa